Tháng Mân Côi


HỘI NGHỊ VỀ LỊCH SỬ và THẦN HỌC CHUỖI MÂN CÔI

Antonio Gaspari
(Zenit 06.10.2008)

BTGH chuyển ngữ

Tỉnh Dòng Đa Minh San Domenico, Ý và Phân khoa Thần học Hệ thống thuộc Khoa Thần học Emilie-Romagne tổ chức từ ngày 6-8 ở Bolonia một hội nghị với chủ đề: “CHUỖI MÂN CÔI: thần học - lịch sử - linh đạo: Từ Đức Bà Mân Côi hướng về Mầu nhiệm Phục sinh theo Kinh Thánh”. Hội nghị đã được ĐGM Giáo phận Atxidi, Domenico Sorrentino, khai mạc với bài thuyết trình “những động cơ thúc đẩy - bối cảnh - những yếu tố mới chứa đựng trong Tông thư Chuỗi Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria [Rosarium Vrginis Mariae] của Đức Gioan Phaolô II”. Theo các nhà tổ chức, cuộc họp này là “một cuộc họp duy nhất với mục tiêu đưa ra được một tiểu sử sơ lược lịch sử và thần học cho một vấn đề thông thường được giải quyết dưới một góc độ mục vụ và lòng sùng mộ”. Các nhà tổ chức xác tín rằng “đề tài mang tính khoa học chặt chẽ này không làm mất đi chút nào chiều sâu thiêng liêng của Chuỗi Mân Côi. Trái lại, sẽ ủng hộ và thúc đẩy theo một quan điểm văn hoá”. Để hiểu rõ hơn các lý do và cứu cánh của hội nghị này, ZENIT đã hỏi Cha Riccardo Aimone Barile, Bề trên Tỉnh Dòng Đa Minh San Domenico, Ý.

ZENIT (H): Thưa Cha, tại sao có một hội nghị về Chuỗi Mân Côi? Đâu là mục đich của sáng kiến này?

Lm. Aimone Barile (Đ): Được Khoa Thần học Emilie Romagne tổ chức, dĩ nhiên là hội nghị mang tính chất nghiên cứu. Chuỗi hạt, cho dù có vẻ đơn sơ trong vận hành, lại chẳng hề đơn giản như thế trong những yếu tố căn bản và trong những điều nó liên quan với lời cầu nguyện của Giáo Hội - tức là phụng vụ - cũng như với hiện tượng nhân học bất biến của lời cầu nguyện dựa trên một công thức lặp đi lặp lại. Chưa kể đến sự chồng đè lên nhau giữa lời cầu nguyện, hay đúng hơn là sự tuyên truyền chuỗi Mân Côi với lịch sử nghệ thuật, dân sự và chính trị của Châu Âu và phần thế giới còn lại sau sự bành trướng của việc truyên giáo tiếp sau Công đồng Triđentinô. Tất cả những điều đó có thể và phải trở thành một đối tượng nghiên cứu xứng đáng và kích thích.

(H): Cha sẽ đưa ra những lập luận nào để thuyết phục một thanh niên ngày nay lần chuỗi hạt?

(Đ): Vì việc lần hạt là hoàn toàn tự do, ngay cả khi việc lần hạt được nhiệt tình khuyến khích, vì vậy lý lẽ căn bản là mối lợi mà người ta cảm thấy được để thu được một kỹ thuật cầu nguyện (Thánh Giáo hoàng Piô V đã viết trong một chỉ dụ nổi tiếng rằng chuỗi Mân Côi là một “mô thức cầu nguyện” [modus orandi], nói cách khác là một “phương pháp” để “cầu nguyện không ngừng” hoặc chí ít cũng hết sức dễ dàng, được hướng dẫn bởi một sự tuyển chọn các yếu tố được Phúc Âm cung cấp cho, có thể đem lại một định hướng về thông điệp Kitô giáo.

(H): Cầu nguyện Mân Côi đã có những lúc bị coi như một “sự vượt quá giới hạn lòng sùng mộ” bình dân, chưa dám nói là do ngu dốt. Làm thế nào để đáp lại những lời buộc tội này?

(Đ): Quả đúng vậy, đôi khi quả đúng như thế. Nhưng nếu điều đó là như vậy hay không, rốt cuộc chỉ duy nhất Thiên Chúa mới có thể nói điều đó. Có một cách thực hành lần chuỗi Mân Côi, tôi không nói là “bình dân và ngu dốt”, mà đúng hơn là “quen dùng”, và có một kiểu thực hành tìm cách (với sự khôn ngoan) đề cao một vài lời khuyên mang tính kỹ thuật được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại và hiện diện đầy đủ trong lịch sử: một đoạn Lời Chúa vắn gọn, một khoảng im lặng tối thiểu, có tượng thánh hỗ trợ cầu nguyện… Tất cả những cái này, nếu người ta ít nhất thỉnh thoảng đem áp dụng, sẽ cho phép tránh lần hạt một cách “bình dân và ngu dốt”.

(H): Bất kể những chỉ trích này, người ta vẫn có cảm tưởng rằng cầu nguyện bằng chuỗi hạt Mân Côi đang lan rộng. Ở Ý có một mạng lưới những người liên tục lần chuỗi Mân Côi, do tạp chí “Rosarium” đại diện. Vừa qua, Guillermo Estevez, một người Mexicô, đã mời các giáo phận, các giáo xứ, các phong trào và đoàn thể cùng tham gia một buổi cầu nguyện chuỗi Mân Côi lớn mang cấp độ thế giới vào ngày 4-10. Cha nghĩ thế nào về những sáng kiến này?

(Đ): Quả thực các tạp chí dành riêng cho chuỗi Mân Côi rất nhiều và phải lưu ý một cách đặc biệt Tạp chí Chuỗi Mân Côi (Revue du Rosaire) bằng tiếng Pháp. Ý tưởng lần chuỗi hạt liên tục và “liên kết” có niên đại từ hồi “Chuỗi Mân Côi Vĩnh Cửu” xưa kia. Trước tiên không được gây cản trở cho những sáng kiến này và tiếp theo là phải khích lệ, khuyến khích những sáng kiến ấy, nhưng với “sự tự do quả quyết” hoặc “tự do nhất trí hợp lực”. Quả thật, đây không phải là những sáng kiến bình thường cần thiết cho cấu trúc kinh nguyện của Giáo Hội, như là phụng vụ, và vì thế cần phải hành động một cách đúng đắn và tôn trọng cũng như chấp nhân sự tiến triển đổi thay của chúng trong lịch sử.

(H): Cha đề nghị hành động thế nào để phát huy thực hành chuỗi Mân Côi? Và đâu là những lợi ích của việc thực hành này đối với Giáo Hội và đối với nhân loại?

(Đ): Như tôi đã nói, hội nghị này vì là một hội nghị nghiên cứu, cho nên không đưa ra một đề xuất mục vụ nào. Dù sao đi nữa, đề xuất đầu tiên là tham dự hội nghị và đọc những văn bản sẽ được công bố để nhận thức được những nét phong phú và những mối liên hệ nối kết hình thức cầu nguyện này với các hình thức cầu nguyện khác không nhất thiết phải là Kitô giáo. Ý thức được canh tân về các tác nhân mục vụ này phải làm cho việc thực hành cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi nhỏ bé và quý giá này nên tràn đầy sức sống, với việc giúp tái khám phá những sự phong phú, và chỉ lúc ấy, mới đưa ra những sáng kiến.