Tháng Mân Côi


CHIA SẺ VỀ TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Giáo Hội Việt Nam cũng như Giáo Hội toàn cầu đã có nhiều kinh nghiệm về sự can thiệp của Đức Maria Mân Côi trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Kinh Mân Côi, theo như lịch sử, bắt nguồn từ rất lâu, vào những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất, rồi được Thánh Đa Minh phổ biến vào thế kỷ XII. Lễ Mân Côi mà chúng ta mừng kính trong Giáo Hội lại bắt nguồn từ biến cố lịch sử, ngày 7-10-1571, tại vịnh Lepante, khi những người Hồi giáo thuộc Thổ Nhĩ Kỳ đem những chiến thuyền với một đội quân hết sức hùng hậu xâm chiếm châu Âu nhưng đã bị đánh tan bởi đạo binh Thánh Giá nhỏ bé mà chỉ nhờ vào Kinh Mân Côi.

Giáo hội Việt Nam có nhiều kinh nghiệm về sự can thiệp lạ lùng của người Mẹ Thánh qua tràng chuỗi Mân Côi. Có thể mỗi người chúng ta cũng có những kỷ niệm rất đặc biệt với Mẹ. Vì thế, chúng ta được mời gọi để đến với Mẹ và tìm hiểu xem Kinh Mân Côi mà chúng ta muốn thực hiện với Mẹ cần phải có một vài điều kiện nào.

1. Trận chiến thường ngày

Hình như càng ngày các bạn trẻ càng ít để ý đến Kinh Mân Côi để tập trung vào việc học, việc làm, vào sức khoẻ và những mối bận tâm trong đời sống. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống lại cái ác, chống lại bất công, chống lại nghèo đói, tật bệnh, chống lại sự chậm tiến và nhất là tội lỗi thì chúng ta không thể không nhớ đến người Mẹ Thánh với vũ khí rất đơn giản, đó là Kinh Mân Côi. Chúng ta thấy Mẹ luôn tất bật để can thiệp cho chúng ta được khỏi bệnh này, tật nọ, được thoát cơn khó khăn, được soi sáng an ủi, hay vượt qua những căng thẳng trong cuộc sống... Đó chính là Mẹ muốn cùng đứng chung với chúng ta trong một trận chiến. Trận chiến ấy diễn ra trong đời sống thường ngày của ta. Nếu trong lịch sử Mẹ đã can thiệp để cho Giáo Hội được cứu thoát khỏi những cơn thử thách, thì Mẹ vẫn sẵn sàng can thiệp cho mỗi người chúng ta trong trận chiến đời thường. Nhưng rất nhiều khi chúng ta lại không dùng tràng chuỗi Mân Côi như một phương tiện để gặp gỡ Mẹ, nhất là để chiến đấu cùng Mẹ để làm cho Giáo Hội và xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn, phát triển hơn, cao thượng hơn, thánh thiện hơn.

Câu chuyện chàng sinh viên Volt gặp nhà bác học Ampère ngồi lần hạt trong góc tối của Nhà thờ Chính toà Paris như gợi ý cho các bạn trẻ về tác dụng của Kinh Mân Côi trong việc học hành và nghiên cứu. Khi chàng thanh niên nói với thầy mình: “Con cứ tưởng thầy đang miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm, nhưng lại không ngờ thầy ngồi đây lần hạt như một bà già nhà quê…”, và cụ già Ampère đã nói: “Có thể bây giờ con chưa hiểu, nhưng ta nói thật với con, chính những lúc này đây lại hết sức cần thiết cho những suy tư và phát minh của ta”. Ít năm sau, nhà bác học trẻ Volt cũng bắt chước thầy mình cầu nguyện với Kinh Mân Côi và suy tư nhờ Kinh Mân Côi để hai thầy trò đóng góp cho nhân loại biết bao nhiêu phát minh kỳ diệu.

2. Cùng cầu nguyện với Mẹ

Mỗi lần đọc Kinh Mân Côi, chúng ta đừng quên rằng đó là một lời kinh cùng với Mẹ để quy về Chúa chứ không phải quy về Mẹ. Bài đọc I trong lễ Mẹ Mân Côi (x. Cv 1,12-14) như gợi ý cho chúng ta điều đó. Các Tông đồ cùng với Mẹ, với những anh em của Chúa và một số phụ nữ đã tụ họp trong nhà Tiệc Ly để cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hình ảnh cùng cầu nguyện với Mẹ như gợi ý cho mỗi người chúng ta khi lần hạt Mân Côi. Vì nhiều khi lời kinh của chúng ta chỉ dừng lại ở Đức Maria mà không đi xa hơn.

Câu chuyện Đức Maria hiện ra với cô bé Bernadette ở hang Lộ Đức cách đây 150 năm như gợi ý cho chúng ta điều đó. Ngày 14-2-1858, Đức Mẹ hiện ra lần thứ II. Khi cô bé thấy hình ảnh một bà đứng trên hang, cô sợ hãi, tưởng là ma quỷ nên đã lấy tràng chuỗi ra lần hạt để xin Đức Mẹ xua đuổi hình ảnh ma quái đó thì Mẹ Maria cũng rút tràng chuỗi ra như muốn nói với cô bé rằng: Ta cùng phe với con! Cô kể: “Tôi càng lần hạt thì bà ấy càng cười”. Cô bé ghi nhận là “khi con đọc Kinh Lạy Cha, Sáng Danh thì môi Đức Mẹ mấp máy. Nhưng khi con đọc Kinh Kính Mừng thì môi Đức Mẹ lại không cử động”. Chúng ta hiểu rằng vì những lời Kinh Kính Mừng là hướng về Mẹ và ca tụng Mẹ cho nên Mẹ không muốn đọc những lời đó để ca tụng mình.

Mỗi khi lần hạt là chúng ta cùng với Mẹ ca tụng Chúa chứ không phải chỉ hướng về Mẹ để cầu xin Mẹ một ân huệ nào đó, vì Mẹ chỉ muốn làm trung gian chuyển cầu ân sủng của Thiên Chúa cho mọi người. Có như thế chúng ta mới thấy khi cầu nguyện là chúng ta liên kết với người Mẹ Thánh của chúng ta và với tất cả những anh em của Chúa Giêsu trên toàn thế giới để cầu nguyện, để cùng chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa và kéo ơn cứu độ của Chúa xuống cho mọi người.

3. Miệng đọc lòng suy

Điểm thứ hai mà chúng ta nên nhớ khi chúng ta lần hạt Mân Côi, đó là nhiều khi chúng ta quá chú ý đến lời kinh mà lại quên suy tư. Chúng ta quá chú ý đến số lượng mà quên đi chất lượng của Kinh Mân Côi. Nhiều người khoe với chúng tôi: “Thưa cha, mỗi ngày con lần được một chuỗi 50”. Những người cao tuổi hơn có thể một ngày lần được 150 kinh, nghĩa là một tràng Mân Côi trọn vẹn. Hiện nay, tràng chuỗi Mân Côi của chúng ta đã thành 200 kinh rồi. Bởi vì chúng ta có 4 Mùa: Vui - Sáng - Thương - Mừng, và mỗi Mùa giới thiệu cho chúng ta 5 mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu để chúng ta suy niệm. Cho nên miệng đọc, lòng suy.

Nhiều người chúng ta không thuộc các mầu nhiệm đó nên cứ lấy tràng chuỗi ra đọc liên tục. Nếu hỏi mầu nhiệm thứ ba của Mùa Sáng là gì, nhiều người không biết là Chúa Giêsu kêu gọi sự thống hối và rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Chúng ta quên mất mầu nhiệu đó, và chỉ lần chuỗi thôi. Thật sự Kinh Mân Côi là cuốn Tin Mừng tóm lược để chúng ta cùng Mẹ suy nghĩ về cuộc đời của Chúa và khám phá ra con đường mà chúng ta sẽ đi.

Tuy nhiên, Tin Mừng không phải chỉ gồm 20 mầu nhiệm tiêu biểu trong 4 Mùa đó mà còn có nhiều mầu nhiệm khác để chúng ta suy niệm tuỳ theo những hoàn cảnh hay biến cố trong cuộc đời. Chúng ta cũng không quá câu nệ vào đề nghị của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria được công bố ngày 16-10-2002, để ngày thứ Hai - thứ Bảy lần chuỗi Mùa Vui, thứ Ba - thứ Sáu lần chuỗi Mùa Thương và thứ Tư - Chủ Nhật lần chuỗi Mùa Mừng, riêng thứ Năm lần chuỗi Mùa Sáng. Chẳng hạn như gia đình chúng ta vào Chủ Nhật hôm nay gặp một biến cố đau thương nào đó, thay vì lần chuỗi Mùa Mừng, chúng ta có thể suy niệm Mùa Thương để khám phá ra Chúa muốn dạy chúng ta điều gì qua đau thương mà gia đình đang gặp.

Nhiều người cứ ngại rằng mình lần mãi mà không hết một chuỗi, thậm chí không hết một chục kinh. Chúng ta đừng quan tâm nhiều đến số lượng mà cần chú ý đến chất lượng là việc kết hợp với Chúa và Mẹ qua Kinh Mân Côi. Chúng ta cứ tưởng tượng, nếu có người nào tặng cho chúng ta một bó hoa (50 hoa hồng) mà hầu hết bị héo úa, tàn tạ chỉ còn được một vài cánh hoa tươi thì chúng ta cảm thấy như thế nào? Đức Maria có lẽ cũng vậy, chúng ta dâng Kinh Mân Côi (hoa hồng), nhưng khi đọc mà lòng trí chúng ta để đâu đâu, giống như những bông hoa héo úa, thì chắc Mẹ Maria buồn lắm. Mẹ không đòi chúng ta số lượng nhưng mời gọi chúng ta kết hợp với Con của Mẹ trong mầu nhiệm đời Người. Có khi chỉ cần đọc một hai Kinh Kính Mừng, rồi tâm trí của chúng ta đi sâu vào việc chiêm niệm và cảm thấy hạnh phúc để sống với người Mẹ Thánh thì đó đã là tràng chuỗi Mân Côi sống động rồi.

4. Thở Thần Khí để lời kinh đạt tới Thiên Chúa

Có những người lần hạt Mân Côi rất chăm chỉ nhưng lời kinh nhiều khi lại không thể đạt tới Thiên Chúa, dù Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Hình như Thiên Chúa không nghe thấu tiếng lòng của họ và đáp lại lời họ! Tại sao? Lý do là vì họ chỉ đọc lời kinh bằng hơi thở của con người. Khi chúng ta nói chuyện với nhau, dù có hét thật to, tiếng nói của chúng ta cũng chỉ vang xa được vài trăm mét. Nếu dùng máy khuếch đại âm thanh, tiếng của chúng ta có thể vang xa vài kilômét. Nhưng lời nói của con người làm sao vang được tới “tai” Thiên Chúa nếu chỉ dựa vào sức của con người và theo ước muốn của con người. Để lời kinh của chúng ta vang được tới “tai” Thiên Chúa và hợp với ý của Ngài, chúng ta phải nhờ đến Thần Khí của Thiên Chúa, phải hít thở được Thần Khí của Ngài. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta: “Thần Khí giúp chúng ta là những kẻ yếu hèn vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). “Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh đúng ý Thiên Chúa” (Rm 28,27).

Đức Maria là gương mẫu cho chúng ta trong việc gắn bó với Chúa Thánh Thần như bài Phúc Âm lễ Đức Mẹ Mân Côi muốn diễn tả (x. Lc 1,26-38). Mẹ gắn bó với Chúa Thánh Thần một cách mật thiết sau khi đã mở lòng trọn vẹn để tiếp nhận Ngài. Chính nhờ đó mà Ngôi Lời Thiên Chúa hình thành trong lòng Mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

Muốn gắn bó như Mẹ Maria, chúng ta cũng phải biết mở tâm trí cho Chúa Thánh Thần khi suy niệm những mầu nhiệm của cuộc đời Chúa qua Kinh Mân Côi. Những lời kinh ta đọc bây giờ trở thành những tiếng kêu tha thiết của những người con vang đến “tai” Thiên Chúa là Cha vì: chính Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng chúng ta 2 chữ “Abba” (x. Gl 4,4-7). Qua Kinh Mân Côi, Mẹ đưa chúng ta hoà nhập vào cuộc đời của Chúa Giêsu, lúc bấy giờ chúng ta mới thành con cái của Cha Trên Trời, chúng ta mới biến những lời kinh của chúng ta thành những tiếng kêu: “Abba! Lạy Cha!” (Rm 8,15) để rồi chúng ta sẽ thấy tác động của Cha Trên Trời kỳ diệu trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Kết luận

Chúng ta hãy cùng với Mẹ cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta lời Kinh Mân Côi như một phương tiện giúp chúng ta nên thánh, giúp chúng ta đem lại bình an cho Giáo Hội, tìm được những ơn phúc lớn lao trong cuộc chiến chống lại cái ác, chống lại bất công, ngu dốt, nghèo đói, tật bệnh, chống lại sự chậm phát triển và tội lỗi để mang lại những ân phúc của người Mẹ Thánh chuyển cầu cho tất cả anh em của mình. Như thế, mỗi người chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Hài Nhi Giêsu trong lòng Mẹ khi Mẹ đến thăm tất cả những người nghèo khổ cần giúp đỡ qua hình ảnh bà Elizabeth khi xưa.