Tháng Mân Côi Ý nghĩa siêu việt của kinh Kính Mừng |
Mẹ Maria là hiện thân của Thiên Chúa giữa loài người. Ý nghĩa thứ hai siêu việt hơn ý nghĩa thứ nhất. Trong mầu nhiệm Maria mà chúng ta đã biết nơi đây, Mẹ Maria là hiện thân của Ngôi Ba Thiên Chúa ở giữa loài người. Nên khi chúng ta đọc kinh Mân Côi là chúng ta đã ca tụng Thiên Chúa trong tình yêu mà Người đã thể hiện giữa loài người nơi Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ngôi Ba hiện diện giữa loài người trong xác thánh Maria để tỏ lộ tình yêu Thiên Chúa nơi Ngôi Hai Nhập Thể, hầu cho tình yêu Thiên Chúa được duy trì và tái sinh sự sống cho nhân loại trong chính Ngôi Hai và bởi Ngôi Ba. Đọc kinh Kính Mừng là ta tha thiết xin ơn cứu rỗi. Chúng ta đã biết rõ : sự sống của Ngôi Hai trong xác phàm được Phục Sinh bởi Ngôi Ba. Vậy khi Ngôi Hai đã sống lại vinh hiển thế nào thì sự sống của loài người cũng được vinh hiển như vậy bởi Ngôi Ba (điều nầy lại nhắc chúng ta nhớ lại lời trăn trối trong phút cuối cùng của Chúa Ngôi Hai là loài người phải được tái sinh trong cung lòng Mẹ Đồng Trinh Maria). Thế nên trong ý nghĩa thứ hai của kinh Kính Mừng, Mẹ Maria đã dạy loài người ca tụng tình yêu lạ lùng của Chúa trong sự tái sinh sự sống Đức Kitô, bởi Tình Yêu là Chúa Thánh Thần. Cùng với ý nghĩa này khi đọc kinh Kính Mừng là chúng ta đã tha thiết xin được cứu rỗi bởi tình yêu Thiên Chúa trong nhân loại. (S.Đ.D. trang 61-62) Giai thoại Đức Mẹ đi tu 15 năm. Có gần mười tác giả danh tiếng như Césaire, Rho, Raymond Dòng Tên, Niquet Dòng Tên v.v.... đã tường thuật câu truyện hi hữu sau đây. Nữ tu Bêatrích, tuy đã ở Phước Viện Phôngrô, vẫn chưa dứt « mùi tục lụy dường kia cay đắng ». Thiếu nữ đã phải lòng một thanh niên và quyết trốn theo chàng để thoả tình nguyệt hoa. Nàng có nhiệm vụ giữ cửa nhà dòng, nên trước khi bôn đào, đã đến một tượng Đức Maria gởi bộ khóa lại. Nàng qua vùng kế cận để buông theo nghiệp phấn hương. Sau 15 năm giang hồ, ngày kia, nàng gặp người cùng cấp lương thực cho nhà dòng. Khi đã điều tra kỹ lưỡng và biết chắc chắn người kia không rõ tông tích mình, nàng hỏi đương sự có biết dì phước Beatrích không. - Tôi biết rõ dì phước ấy lắm, dì là một thánh sống, anh chàng đáp, và thêm : Hiện giờ dì là bề trên tập viện. Nghe vậy, từ ngỡ ngàng đến kinh hãi, Bêatrích không hiểu ất giáp gì hết. Nàng thay đổi xiêm y, ẩn hình khách lạ và đến dòng tìm hiểu điều bí ẩn. Khách bấm chuông xin gặp nữ tu Bêatrích. Người ra gặp chính là Đức Trinh Nữ mà nàng, khi trốn tu viện theo trai, đã để dưới chân bộ chìa khóa và áo nhà tu. Mẹ Thiên Chúa dịu dàng bảo : « Bêatrích con, con nên biết là để bảo toàn danh giá cho con, Mẹ đã mang lốt hình hài giống con, và trong 15 năm, con ở ngoài dòng và xa Chúa, Mẹ đã chu toàn mọi phận vụ thay thế cho con. Con gái của Mẹ, con hãy trở lại dòng và ăn năn hối cải, Con Mẹ còn chờ đợi con. Con hãy nỗ lực duy trì danh thơm Mẹ đã tạo cho con bằng đời sống gương mẫu ». Nói đoạn Ngài biến mất. Bêatrích vào tu lại. Để tỏ lòng biết ơn và đền ơn Đấng đã tỏ lượng khoan hồng phù trợ, nàng đã sống chuỗi ngày còn lại hết sức thánh thiện. Trước khi chết, nàng kể lại tự sự và không quên nêu lên như một lời trối : - Gặp hoàn cảnh nào, và bất cứ sao đi nữa cũng phải luôn luôn chào kính Mẹ bằng Kinh Mân Côi. Tôi đã đọc kinh Mân Côi hàng ngày. Các bạn cũng phải đọc Kinh cứu rỗi đó hằng ngày ! Lời nguyện Kính lạy Mẹ Mân Côi yêu dấu, lòng từ bi của Mẹ thật bao la như biển Thái Bình. Chúng con đang ngợp sóng lân ái đó và nguyện chết ngất đi trong tình yêu mến Mẹ. Nguyện luôn luôn chào yêu Mẹ bằng Kinh Mân Côi. |