Tháng Mân Côi


Nhân Tháng Mân Côi - Gia Đình Suy Niệm

Pm. Cao Huy Hoàng

TIỆC CƯỚI CA NA
Bữa tiệc cả một đời người

Thông thường, người ta đến dự tiệc cưới trong vòng một hai tiếng đồng hồ rồi người ta về. Bữa tiệc cưới cũng chỉ kéo dài trong vài tiếng là xong. Nhưng tiệc cưới Ca na mà Chúa Giêsu và Mẹ người đến tham dự là cuộc Hôn nhân Công giáo của cả một đời người chúng tôi.

Xác tín tính bền vững của Bí Tích Hôn Nhân Công Giáo

Giữa một thế giới mà con người ta đang yêu thử, sống thử, cưới nhau thử, có con thử, hạnh phúc thử… thì tôi tin rằng, ai đã lãnh nhận Bí tích Hôn Nhân Công Giáo với tất cả lòng thành tín muốn có một gia đình hạnh phúc thật sự, có một tình yêu thật sự, thì họ đã được Thiên Chúa đóng ấn để Hôn Nhân của họ, tình yêu của họ là một sự thật toàn thiện, một sự thật bền vững.
Tôi có nhớ một bài hát, của Nhạc Sĩ Phạm Duy “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”. Đúng vậy, ai đã thành tâm tìm hạnh phúc gia đình cũng phải “cầu nguyện đến ba lần” để được Thiên Chúa tìm giùm cho người mình yêu, người mình xe tơ kết tóc. Tôi gọi là “Thiên Chúa tìm giùm cho” vì kinh nghiệm của nhiều đôi vợ chồng thánh thiện cho thấy: nếu để tôi tìm, tôi chọn, thì tôi không tìm, không chọn người vợ người chồng mà tôi đang chung sống; và tôi sẽ nhầm lẫn. Chính người bạn đời đang sống với tôi là một quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa. Càng sống lâu bên nhau, tôi càng khám phá ra điều kỳ diệu ấy, mà tôi dám gọi là mầu nhiệm. Tôi thật sự tự do khi chọn đời sống hôn nhân nầy, đồng nghĩa với việc tôi bằng lòng chấp nhận người bạn đời mà “Thiên Chúa tìm giùm cho tôi” - vì tôi đã cầu xin Ngài. “Cho con lấy được người con yêu”, tôi xin là xin như vậy, nhưng tôi thực sự không biết người tôi yêu là ai. Chỉ có Thiên Chúa thượng trí và quan phòng Ngài hiểu rõ. Ngài hiểu cả đời tôi phải yêu ai, còn tôi, chỉ hiểu tình yêu và hạnh phúc theo với thời gian ngắn ngủi tuổi đời tôi thôi thúc.
Rồi khi đã “lấy được người mình yêu”, thì lời nguyện của đôi vợ chồng là – xin phép Nhạc sĩ phạm Duy cho tôi đổi lời- “Con quì lạy Chúa trên trời, sao cho con yêu được người con đã lấy”. “Lấy được người mình yêu” đã khó, nhưng “yêu được người mình đã lấy” thì càng khó hơn. Ai đã sống trong đời sống hôn nhân đều hiểu rõ điều nầy. Nhưng khó, chứ không phải là không thể. Quả thật, biết bao gia đình công giáo êm ấm hạnh phúc, đã “yêu được” khi biết hy sinh, biết đóng đinh ý nghĩ, lời nói, đôi tay đôi chân của cái riêng mình để hòa mình vào ý nghĩ, lời nói, đôi tay đôi chân của người bạn đời. Họ đã ‘yêu được” và họ đã “được yêu”. Hạnh phúc ấy không tự dưng mà có, vì “sự hy sinh, từ bỏ mình” không dễ gì một ngày một bữa mà họ có được, nhưng chính là nhờ ơn Siêu Nhiên ẩn chứa bên trong Bí tích Hôn nhân Công giáo mà họ đã lãnh nhận. Hôn Nhân Công Giáo bền vững. Hôn nhân thật.

Vì Hôn nhân Công Giáo luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu

Trình thuật tiệc cưới Ca na tuy ngắn gọn với phép lạ đầu tiên Chúa thực hiện trong tiệc cưới “nước hóa thành rượu” nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, nhưng lại là một minh họa cả một cuộc đời hôn nhân, một đời vợ chồng. Chén rượu giao bôi ngày tân hôn nồng nàn lắm, ý vị vô cùng, và cũng ngất ngây hạnh phúc. Đôi bạn đắm mình trong một thế giới mới, thế giới của hòa tan, tinh thần và thể xác; thế giới của mầu nhiệm sáng tạo mà Thiên Chúa đã dọn sẵn trong mỗi tạo vật của Ngài, để nối dài công trình mà Ngài cho là “thật tốt đẹp”. Chén rượu ân tình ấy sẽ phai nhạt theo thời gian. Hạnh phúc vơi dần theo tuổi đời, theo năm tháng. Sự nồng nàn vì hương sắc cũng không còn nữa. Và tình yêu sôi nổi của một thưở ban đầu nhường chỗ cho một chuỗi ngày trách nhiệm đầy nhàm chán. Chính Chúa Giêsu, Người thiết lập Bí tích Hôn nhân Công giáo, không chỉ dừng lại ở một định lý bất di bất dịch: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly”(Mt 19,6), mà còn hơn thế nữa, Người luôn hiện diện trong tình yêu hôn nhân để “biến nước lã thành rượu nồng khi cần thiết”, để giúp cho đôi vợ chồng bảo đảm được tính bền vững của hôn nhân. Điều quan trọng là đôi vợ chồng có còn nhiệt tình, có còn khao khát hạnh phúc ban đầu ấy, có khám phá ra được sự hiện diện kỳ diệu ấy, và tha thiết cầu xin Người trợ giúp. Những gia đình tan vỡ, vì không biết, không muốn kết hợp với ơn trợ giúp của Chúa Giêsu, trong khi Người vẫn còn đó, Người chưa bỏ tiệc ra về.

Và Mẹ Maria là Người Nữ Cứu Hộ Hôn Nhân Công Giáo

Khi thấy thiếu rượu, Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Jn 2, 3)… Rồi Đức Mẹ nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Chuyện tiền bạc, dầu mắm, bếp núc, kể cả chuyện rượu bia cho bữa tiệc ngon lành, cũng là chuyện của một phụ nữ đảm đang. Và Mẹ Maria đúng là một phụ nữ đảm đang trong tiệc cưới Ca na ấy. Mẹ không còn là khách dự tiệc hôn nhân, nhưng lại là “người cứu hộ hôn nhân” luôn nồng thắm.
Thật hạnh phúc cho những gia đình công giáo quây quần bên nhau trước bàn thờ mỗi tối, cùng đọc kinh, lần chuỗi. Tôi vẫn tin rằng các gia đình ấy đang sống hạnh phúc vì luôn có Chúa Giêsu tham dự vào đời sống hôn nhân của họ, nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria. Có thể họ biết họ khó giữ nỗi lời hứa làm thành Bí tích hôn phối: “Tôi nhận anh/em làm chồng/vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em suốt đời tôi”, nên họ đã cụ thể lời hứa ấy: “ tôi hứa sẽ đọc kinh tối sáng với anh/em suốt đời tôi”. Đã có những ông chồng vui mừng cảm ơn vợ: “anh cảm ơn em, nhờ em lần chuỗi cầu nguyện cho anh, nên anh đã kiên trì với vợ con tới phút nầy; nếu không, anh đã sa ngã”. Có người lại nói: “Khi gia đình tôi gặp gian nan khốn khó, chúng tôi thường nhận được những sẻ chia của anh em bè bạn, những lời an ủi động viên, nhưng tôi vẫn thích nhất câu chia sẻ nầy: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu, cầu cho chúng con”.

Để kết

Tôi xin kể chuyện tôi: Tháng 10 năm 1993, Cha tôi vào cơn hấp hối suốt 56 ngày đêm, lúc tỉnh, lúc mê. Mẹ tôi ngồi bên giường Cha, và hai ông bà lần chuỗi… Cha tôi đọc lúc được, lúc không. Ngày cuối cùng, 20-12-1993, Cha tôi trao tràng chuỗi Mân côi vào tay Mẹ, rồi mất. Tạm kết thúc một đoạn 53 năm Hôn nhân Công giáo ở trần thế nầy. Tôi ghi lại tâm tình ấy trong bài thơ “Di Sản”, xin sẻ chia:

Ông già nói với bà già
Bà ơi tôi sắp phải xa bà rồi
Con thời mỗi đứa một nơi
Nhà thời vắng vẻ mình tôi với bà
Tôi đi bà ở lại nhà
Vui lên! Cứ nghĩ như là có tôi
Ai rồi cũng một kiếp người
Tôi thời cũng vậy bà cười lên đi
Biết rằng tử biệt sinh ly
Cho tôi nói nhỏ lời tri ân bà
Một đời lăn lóc bôn ba
Tôi dành một chút làm quà chia tay
Bà cầm tràng chuỗi nầy đây
Ta cùng hợp xướng từ ngày cưới nhau
Năm mươi hạt ngọc trân châu
Xin làm di sản tôi trao tặng bà
….
Mai kia bà có đi xa
Bà ơi gửi lại làm quà cho con…

Nguyện xin Mẹ Maria “người Nữ Cứu Hộ Hôn Nhân” của các gia đình chúng con, hãy la to lên: “Tiệc hôn nhân của các Gia đình nầy hết rượu rồi”, hoặc Xin Mẹ hãy nói: “ Xin Ngài đổi rượu thật cho các gia đình nầy, họ đang xài toàn rượu giả”.
Xin Mẹ Maria khẩn thiết cho chúng con, vì chúng con khao khát bữa tiệc hôn nhân của chúng con hôm nay, được kéo dài đến bữa tiệc sum họp trên trời.

Nguồn: VietCatholic