Tháng Mân Côi Ngôi trường Của Đức Maria (Lễ Đức Mẹ Mân Côi) JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm |
|
Cuối Kinh cầu Đức Bà có câu: “Nữ Vương truyền phép rất thánh Mân Côi”. Câu kinh này cho thấy chính Đức Nữ Vương Maria Mẹ Thiên Chúa đã truyền ban kinh rất thánh Mân Côi. Cụ thể là năm 1214, Đức Mẹ đã hiện ra ban tràng chuỗi Mân Côi cho Thánh Đa Minh (tổ phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo) để chống lại bè rối Albigense và kêu gọi người tội lỗi ăn năn hối cải. Rồi liên tiếp những lần hiện ra tại Fatima, Lộ Đức, Mễ Du, Kibeho..., hoặc như tại La Vang, Tà-pao VN..., Đức Mẹ luôn luôn nhắc nhở, thậm chí còn tha thiết van nài con cái Mẹ hãy thực hiện: “1- Ăn năn đền tội, cải thiện đời sống; 2- Tôn sùng Trái Tim vẹn sạch Ðức Mẹ; 3- Lần chuỗi Mân Côi” (3 mệnh lệnh Fatima), nhằm để cứu nhân loại, cứu các linh hồn khỏi lửa luyện ngục và cầu cho hòa bình thế giới. Đó quả thực là những bằng chứng nói lên giá trị siêu việt của Kinh Mân Côi. Cũng vì tính cách trọng đại và thật cấp thiết của Kinh Mân Côi đối với Giáo Hội trong bối cảnh lịch sử thế giới nhiễu nhương hiện đại, nên ngày 16/10/2002, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã ban hành Tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria – Rosarium Virginis Mariæ”. Ngay ở phần Dẫn nhập (số 1), Tông thư đã xác định tầm quan trọng của Kinh Mân Côi: “Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria, dần dần được hình thành trong Ngàn năm thứ hai dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích. Đơn sơ nhưng sâu sắc, lời kinh này vẫn là một lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi hừng đông của Ngàn năm thứ ba này, vì mang lại hoa quả thánh thiện… Với Kinh Mân Côi, Dân Ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Ki-tô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh Mân Côi, các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.” Nói “Dân Ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria” tức là muốn nói đến Đức Maria là nhà giáo dục. Đúng như Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium” (số 62) đã khẳng định: “Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Eva mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (Rm 8, 29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ.” Quả nhiên Đức Mẹ Mân Côi là nhà Giáo Dục mẫu mực tuyệt thế trong chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa dành cho loài người. Vì thế, trong Tông thư trên (số 21), Chân Phước Gio-an Phao-lô II còn gọi Kinh Mân Côi là “Mầu nhiệm của các mầu nhiệm” và bổ sung thêm 5 mầu nhiệm Ánh Sáng, nâng tổng số lên thành 20 mầu nhiệm, gồm: *5 mầu nhiệm Nhập Thể (VUI); *5 mầu nhiệm Sứ Vụ (ÁNH SÁNG); *5 mầu nhiệm Thương Khó (THƯƠNG); *5 mầu nhiệm Phục Sinh (MỪNG). Quả thực, nói hay viết về mầu nhiệm Kinh Mân Côi cùng với hiệu lực cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì không bút mực, sách vở nào có thể bao biện cho hết được. Nhưng cho dù như vậy, thì người tín hữu cũng vẫn bị cuốn hút bởi một hấp lực huyền nhiệm, thật đúng như lời khẳng định trong Tông thư nêu trên (số 39): “Những điều đã nói trên đây làm sáng tỏ khá đầy đủ sự phong phú của kinh nguyện truyền thống này, vốn có tính chất mộc mạc của lòng đạo đức bình dân, nhưng cũng có chiều sâu thần học của việc cầu nguyện thích hợp cho những ai cảm thấy nhu cầu chiêm ngưỡng thâm sâu hơn”. Để khuyến khích các Ki-tô hữu hãy “theo học tại ngôi trường của Đức Ma-ri-a”, Tông thư “Rosarium Virginis Mariæ” (số 14) còn xác quyết: “Đức Ki-tô là vị Thầy tối cao, Đấng mạc khải và là Đấng được mạc khải. Đây không chỉ là vấn đề học hỏi điều Người đã dạy nhưng là học hỏi chính Người. Theo viễn tượng ấy, chúng ta có thể có vị thầy nào tốt hơn là Đức Maria không? Từ quan điểm của Thiên Chúa, Thánh Linh là vị Thầy nội tâm dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn của Đức Ki-tô (x. Ga 14, 26; 15, 26; 16, 13). Nhưng trong số các tạo vật, không ai biết rõ hơn về Đức Ki-tô bằng Đức Maria; không ai có thể dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Người hơn là Mẹ của Người.” Như vậy, để có được “sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Thầy Chí Thánh Giê-su”, thì không gì bằng chạy đến với Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của tất cả mọi Ki-tô hữu – để được Mẹ dạy dỗ, hướng dẫn, và ban những ơn cần thiết cho đời sống “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Thánh An-phong-sô – Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế (Dòng khai sinh ngày 01/8/1732) – là vị thánh rất yêu mến Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. Trải qua đời sống tu trì với những tu đức chặt chẽ, thánh thiện, Thánh nhân đã rút đúc kinh nghiệm từng trải, để lại cho hậu thế những lời khuyên chí tình: “Nếu bạn chọn Mẹ Maria là con đường để đến với Chúa, bạn đã chọn con đường ngắn nhất. Nếu bạn chọn Mẹ Maria là Thầy dạy đời sống Đức Tin, đời sống cầu nguyện, bạn sẽ thành công. Nếu bạn chọn Mẹ Maria là người hướng dẫn, chỉ đường, bạn sẽ không bao giờ lạc lối. Nếu bạn đến với Mẹ Maria để cầu khấn, van xin, bạn sẽ không bao giờ trở về tay không.” Người Ki-tô hữu hôm nay hãy làm theo lời khuyên đó bằng cách chuyên chăm đọc, chiêm ngắm, suy nịêm và cầu nguỵên bằng Kinh Mân Côi. Bởi vì và trên tất cả, “ngôi trường của Đức Maria” là nơi truyền dạy Kinh Mân Côi với đầy đủ hiệu lực (xc Tông thư “Rosarium Virginis Mariæ”, các số 12-18; 32-34; 40-42): *1- Kinh Mân Côi là bản tóm lược vừa ngắn gọn, vừa súc tích, lại vừa bao quát được toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước; – *2- Kinh Mân Côi dễ học, dễ đọc, dễ hiểu, thậm chí còn dễ chiêm ngắm, suy niệm; – *3- Kinh Mân Côi là một phương thức cầu nguyện hữu hiệu nhất để nói chuyện + tâm sự + cầu xin + van nài với Chúa, với Mẹ (Kinh Lạy Cha chẳng phải do chính Thầy Chí Thánh truyền dậy đó sao? Kinh Kính Mừng chẳng phải là lời Thiên Sứ chúc mừng Đức Mẹ và lời tín hữu cầu xin với Mẹ đó ư ? Còn Kinh Sáng Danh chẳng phải là lời chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh đó ru?); – *4- Không những thế, Kinh Mân Côi còn là một vũ khí thật sắc bén vừa để tự vệ (khi bị ba thù cám dỗ, hoặc khi muốn kiềm chế dục vọng), vừa tấn công (khi muốn đẩy lui địch thù, tiêu diệt tội lỗi), nói cách khác, đó là phương cách hữu hiệu đem lại hoà bình cho bản thân mỗi tìn hữu, cho mỗi gia đình, cũng như cho toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng chính vì tính đại chúng của Kinh Mân Côi (“tính chất mộc mạc của lòng đạo đức bình dân” – ibid), nên khi đọc người tín hữu rất dễ bị sa vào quán tính (đọc theo thói quen, đọc như vẹt mà chẳng biết mình đang đọc gì, đang làm gì, miệng thì đọc mà tâm trí thì bay bổng tận đâu đâu). Vì thế, xin hãy sẵn sàng cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi với tất cả tâm tình của một người con hiếu thảo đang giãi bày hết cả tâm tư và ước nguyện ra với Chúa, với Mẹ; nhiên hậu mới rao giảng Lời Chúa cho tha nhân. Nếu đọc riêng từng cá nhân thì khi nào đọc, chỉ đọc vừa sức để tránh mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ, và tuyệt đối phải cố gắng tập trung suy niệm theo từng lời kinh. Nếu thấy tâm hồn trống rỗng, đọc như cái máy, thì lập tức ngưng ngay, làm vài động tác thư giãn, nằm nghỉ, chờ khi nào tỉnh táo sẽ đọc tiếp. Lời khuyên vẫn luôn luôn là: Nên đọc chung với cộng đoàn (trong Giáo xứ, Giáo họ, Hội đoàn). Phương cách cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi trong cộng đoàn Ki-tô hữu đã có từ xưa. Lm. Giu-se Phan Tấn Thành OP. trong “Tìm hiểu Dòng Đa Minh” (bài 7, mục III – Kinh Mân Côi, tr. 103-108) cho biết: “Truyền thuyết về việc Thánh Đa Minh lãnh nhận tràng chuỗi Mân Côi bắt nguồn từ cha Alain de la Roche (quen gọi là cha Alanô) – giáo sư thần học tại Paris, Lille, Gand, Rostock – từ năm 1463 đã cảm nhận ơn gọi đi truyền bá Kinh Mân Côi. Ngoài việc rao giảng Kinh Mân côi, cha Alanô còn lập "Hiệp hội Thánh vịnh Mẹ Maria" (Confrérie du psautier de Notre Dame), bắt đầu tại Douai (1470). Phong trào của cha Alanô bành trướng mau lẹ, năm 1474, một bàn thờ dành cho Hội Mân Côi đã được thành lập tại tu viện Frankfurt. Năm 1475, cha Alanô bá cáo cho biết rằng số hội viên lên tới hơn 50 ngàn. Cũng vào năm 1475, hiệp hội Mân Côi (Fraternitas Rosarii) được thành lập tại Koln (do bề trên Giacôbê Sprenger). Tuy gặp vài chống đối đây đó nhưng cả hai hiệp hội tại Lille và Koln đã được Giáo quyền địa phương châu phê. Sang năm 1479, chính Đức Giáo hoàng Sixtô IV đã châu phê hiệp hội, với bulla ký ngày 12/5, mở màn cho các văn kiện Tòa Thánh về Kinh Mân Côi. Từ Koln, hiệp hội tràn sang các thành phố bên Đức, Bỉ, Hòa lan, Pháp, Italia, cho đến mãi tận Portugal. Phong trào Mân Côi (phát sinh từ các tu viện Đa Minh) cũng đã được truyền bá nhờ lòng nhiệt thành của các tu sĩ Đa Minh. Tòa Thánh đã xác nhận điều này khi ủy thác cho các tu sĩ Đa Minh việc rao giảng Kinh Mân Côi và dành cho Bề trên Tổng quyền đặc quyền thiết lập Hội Mân Côi.” Hội Mân Côi xuất phát từ Dòng Đa Minh và đã trở thành như một truyền thống của Giáo Hội. Đặc điểm của Hội Mân Côi là: Các hội viên tự nguyện đọc và suy niệm 150 kinh mỗi tuần, nhưng không đòi hỏi phải nguyện cả chuỗi một lúc, nếu bận, nguyện một, hai chục mỗi lần, và nếu mỗi tuần không nguyện đủ 150 kinh thì cũng không buộc thành tội. Ở Việt Nam, còn lập thành nhóm 15 hội viên, mỗi hội viên đọc riêng mỗi ngày một chục kinh theo mầu nhiệm mình đã đăng ký (vd: đăng ký mầu nhiệm thứ 3 mùa Vui “Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su nơi hang Bê-lem”, thì ngày nào cũng chỉ đọc một chục kinh Kính Mừng thuộc mầu nhiệm này). Gom 15 hội viên lại sẽ thành chuỗi 150 kinh dâng kính Đức Mẹ Mân Côi hàng ngày. Vào Hội Mân Côi không cần phải họp hành hay đóng góp gì cả. Để thực sự sống đời cầu nguỵên bằng Kinh Mân Côi, xin đề nghị khi đọc tới Mầu nhiệm nào thì nên đọc một đoạn Kinh Thánh ngắn ứng với Mầu nhiệm đó (thay vì như trước đây chỉ “ngắm” một cách quá đơn giản). Vâng, xin cùng hợp hoan: “Một tràng hoa Mân Côi, hương thơm ngào ngạt thắm ân tình. Từng lời kinh sốt mến, xin dâng về Nữ Vương hiển vinh…” (TCCĐ “Tràng Hoa Mân Côi”). Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin cho chúng con biết thật Ðức Kitô con Chúa đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Thánh Mẫu Maria chuyển cầu, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Lễ Đức Mẹ Mân Côi 01/10). |
|
Trang nhà |
Trang Mẹ Maria |