Nội san Kinh Mân Côi


Tháng 10

Ý CẦU NGUYỆN

Ý chung: Cầu xin loại trừ được nạn buôn bán người là một hình thức hiện đại của chế độ nô lệ.

Ý truyền giáo: Cầu cho tinh thần truyền giáo nơi các cộng đoàn Kitô giáo tại châu Á, biết rao giảng Tin Mừng cho những người vẫn đang mong đợi. 

GIÁO HUẤN

Kinh Mân Côi cũng là một con đường loan báo và hiểu biết ngày một hơn, trong đó mầu nhiệm của Đức Kitô được trình bày đi, trình bày lại ở nhiều mức độ khác nhau của kinh nghiệm Kitô giáo. Đó là một trình bày mang tính cầu nguyện và chiêm ngưỡng, có khả năng đào tạo người Kitô hữu theo trái tim của Đức Kitô. Khi kết hợp việc đọc Kinh Mân Côi với tất cả mọi yếu tố cần thiết cho một cuộc suy niệm có hiệu quả, đặc biệt trong những cuộc cử hành chung tại giáo xứ và các đền thánh, có thể đó là một cơ hội để dạy giáo lý mà các vị mục tử phải biết cách tận dụng. Cả theo cách thức ấy nữa, Đức Bà Mân Côi tiếp tục công trình loan báo Đức Kitô. 

(ĐGH Gioan Phaolô II, Rosarium Virginis Mariae, 17)
THƯ CỦA ĐẶC TRÁCH

 

Tháng 10 - Tháng Mân Côi, Giáo Hội mời gọi mọi người hướng về Mẹ Maria Mân Côi để lần hạt, mà cầu nguyện cho bản thân, gia đình, anh em họ hàng, Giáo Hội và thế giới...

Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện rất hiệu quả. Lịch sử Giáo Hội đã cho thấy sức mạnh của Kinh Mân Côi. Những khi con người gặp khốn đốn, Giáo Hội thường mời gọi họ chạy đến với Mẹ nhân lành, để nhờ Mẹ khẩn cầu với Chúa đoái thương cứu giúp.

Ngày hôm nay, Giáo Hội cũng như thế giới đang phải đối diện với những khủng khoảng rất lớn. Chúng ta có thể làm gì đây, để cứu vãn tình hình? Con người, với tâm địa thất thường và đầy lòng nghi kỵ, khó mà làm gì được. Một điều rất đơn giản, là cầu nguyện. Cầu nguyện là sức mạnh giúp con người vượt qua mọi rào cản.

Là Mẹ của chúng ta, chắc chắn Mẹ luôn lưu tâm đến số phận của chúng ta. Mẹ muốn chúng ta: “siêng năng lần hạt Mân Côi” mỗi ngày.

Đặc trách

Linh mục FX. Trần Kim Ngọc, OP.


 

GIỜ KINH GIA ĐÌNH

Có thể dùng nội san CỨ LÀM THEO với Giờ Kinh Gia Đình

Gia đình có thể cầu nguyện vào giờ thuận tiện. Chọn 1 trong 2 mẫu dưới đây hoặc 1 mẫu khác tương tự:

MẪU 1

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần
3. Đọc kinh: Tin - Cậy - Mến

4. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Ăn Năn Tội

5. Đọc Tin Mừng theo ngày

6. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

7. Đọc kinh Lạy Nữ Vương

8. Hát một bài về Đức Mẹ.

MẪU 2

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần

3. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Cáo Mình

4. Đọc Tin Mừng theo ngày

5. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

6. Đọc 1 kinh hoặc hát 1 bài về Đức Mẹ.

Có thể lần hạt 1 chục theo gợi ý, hoặc 2 chục...
5 chục tuỳ điều kiện và thời gian của mỗi gia đình.

01.10.2015                                                  Thứ Năm đầu tháng

Th. TÊRÊXA Hài Đồng Giêsu - lễ kính                 Mt 18,1-5

“Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).

Như Mẹ: Khi trả lời câu hỏi ai là người lớn nhất trong Nước Trời của các môn đệ, Đức Giêsu đã đưa ra cho các môn đệ một điều kiện mới để vào được Nước Trời, đó chính là phải trở nên như trẻ thơ. Nên như trẻ thơ ở đây là có tâm hồn trong trắng, biết yêu thương và tin tưởng vào Thiên Chúa như trẻ thơ tin tưởng cha mẹ.

Với Mẹ: Lạy Chúa! Cuộc sống trần thế đang kéo chúng con đến với những danh, lợi, tiền, tài mà quên đi những lời Chúa dạy. Xin cho chúng con luôn ý thức mình là người Kitô hữu và biết sống như lời Chúa dạy, đó là nên như trẻ thơ.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Mẹ Giáo Hội, Mẹ là mẫu gương tuyệt vời cho chúng con noi theo. Xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con trong cuộc sống dương gian này để mai sau vào được Nước Trời.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

02.10.2015                                                   Thứ Sáu đầu tháng

Các thiên thần hộ thủ - lễ nhớ                          Mt 18,1-5.10

“Các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy” (Mt 18,10).

Như Mẹ: Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người lớn biết dường nào. Không những Người cho con người làm chủ muôn loài, muôn vật mà còn cắt đặt nơi mỗi người một vị thiên thần bản mệnh để bảo vệ con người. Noi gương Đức Maria chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, hãy tôn trọng và yêu thương nhau.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con đang phải sống trong một xã hội đầy tội lỗi. Khủng bố, giết người và các tệ nạn không ngừng gia tăng. Xin cho chúng con là muối cho đời để ướp vào lòng người tình thương của chính Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, cuộc đời của Mẹ nơi dương gian là hình ảnh đẹp về lòng bác ái và tha thứ. Xin Mẹ giúp chúng con biết họa lại hình ảnh đó trong cuộc sống.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

03.10.2015                                                   Thứ Bảy đầu tháng

Tuần 26 TN                                                        Lc 10,17-24

“Hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).

Như Mẹ: Mục đích cuối cùng của người Kitô hữu là được vào Thiên Đàng. Đây là điều quan trọng và đáng mừng hơn cả. Đức Giêsu đã nhắc nhở các môn đệ là đừng vui mừng vì những thành công trần gian, nhưng hãy vui mừng vì phần thưởng vĩnh cửu trên trời dành cho họ.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, Ngài dạy chúng con hãy tìm kiếm niềm vui đích thực hơn là những gì chóng qua ở đời này. Xin cho chúng con ý thức những việc chúng con làm và luôn luôn nhắm đến phần thưởng Nước Trời mai sau.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ cực thanh cực tịnh, sống trong một thế giới hưởng thụ này, chúng con đang đi tìm những niềm vui chóng qua mà quên đi mục đích chính của đời người. Xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con biết tìm kiếm Nước Chúa và cảm thấy vui sướng vì điều đó.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
04.10.2015                                             Chúa Nhật 27 TN - Năm B

Kính trọng thể MẸ MÂN CÔI                              Mc 10,2-16

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp
loài người không được phân ly” (Mc 10,9).

Như Mẹ: Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã đặt để vào con người một quả tim biết yêu thương và một đôi tai biết lắng nghe. Người muốn người nam và người nữ kết hợp với nhau để nên một và trở thành gia đình của yêu thương.

Với Mẹ: Lạy Chúa, thế giới ngày nay đang phải chứng kiến nhiều gia đình đổ vỡ, bất hòa. Xin Chúa cho những bậc làm cha biết noi gương thánh Giuse, những bậc làm mẹ biết noi gương Đức Maria và bậc làm con biết noi gương Đức Giêsu để xây dựng gia đình cho hạnh phúc.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng, Mẹ từng là người Mẹ trong gia đình, Mẹ thấu hiểu đời sống gia đình. Nhờ lời Mẹ chuyển cầu, xin Chúa thánh hóa các gia đình và xin cho mỗi thành viên biết yêu mến gia đình mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

05.10.2015                                                            Thứ Hai

Tuần 27 TN                                                        Lc 10,25-37

“Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29).

Như Mẹ: Theo lẽ thường người thân cận là người ở gần ta. Do đó, yêu thương người thân cận là yêu thương người gần ta. Tuy nhiên Đức Giêsu đã xóa đi cái ranh giới theo lẽ thường đó. Qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho biết người thân cận chính là những người xa lạ bị lâm nạn đang cần sự giúp đỡ của ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một quả tim biết yêu thương để san sẻ thương yêu cho nhau. Xin Chúa cũng ban cho chúng con một đôi mắt biết mở ra để nhìn thấy tất cả mọi người là anh em của nhau.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ, con người chúng con đang tự gieo vào mình những mầm mống của tội lỗi, đó là sự ích kỷ, đố kỵ… Xin Mẹ cầu Chúa cho chúng con yêu thương nhau và luôn xem nhau như là anh em.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
06.10.2015                                                            Thứ Ba

Th. Brunô, lm                                                       Lc 10,38-42

“Cô này cứ ngồi bên chân Chúa
mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39).

Như Mẹ: Thiên Chúa là tình yêu, là hạnh phúc, là sự sống. Nói cách khác Thiên Chúa là tất cả. Có Người, đời ta không còn sợ gì nữa. Do đó để có được Người, ta cứ đến với Người, lắng nghe lời Người dạy, như cô Maria trong bài Tin Mừng đã làm. Nhờ thế, ta biết được Người thương ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa, dẫu biết rằng Ngài là tất cả của chúng con, thế mà vẫn còn nhiều người trong chúng con bỏ Chúa để chạy theo tội lỗi. Xin Chúa cho chúng con luôn biết chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ rất đáng yêu mến, Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng con noi theo. Mẹ luôn theo thánh ý Chúa trong mọi sự. Xin Mẹ cho chúng con cũng biết từ bỏ ý riêng của mình để vâng theo thánh ý Chúa mà thôi.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

7.10.2015                                                              Thứ Tư

Đức Mẹ Mân Côi                                                  Lc 11,1-4

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”

(Lc 11,1).

Như Mẹ: Trong suốt hành trình theo Chúa, chắc hẳn các môn đệ đã trải nghiệm được nhiều điều từ cuộc sống với Đức Giêsu, nhưng hôm nay một người trong nhóm môn đệ đã mạnh dạn lên tiếng xin Người dạy cho biết cách cầu nguyện. Lời kinh Chúa Giêsu dạy chúng ta thật đơn sơ nhưng đã đưa chúng ta vào mối tình Phụ Tử thiêng liêng.

Với Mẹ: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban Người Con Một của Ngài cho chúng con, để qua cuộc đời và lời cầu nguyện không ngừng của Người mà chúng con được lãnh nhận Thần Khí và kêu lên “Abba! Cha ơi.”

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm, Mẹ giúp chúng con biết cầu nguyện để một khi được sống trong tâm tình con thảo, chúng con sống bác ái và yêu thương nhau hơn.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

8.10.2015                                                             Thứ Năm

Tuần 27 TN                                                         Lc 11,5-13

"Hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy,
ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,10).

Như Mẹ: Chúa Giêsu cho ta thấy được tình thương của Thiên Chúa. Ngài là chủ nhà luôn chờ đợi ta ở đàng sau cánh cửa Nước Trời, nhưng đồng thời Chúa cũng cần sự cộng tác của ta. Hãy nhận biết, tin tưởng và năng đến với Ngài. Nếu ta không gõ cửa, không tìm, không xin thì sao ta có thể chủ động để Chúa vào trong căn phòng nội tâm của ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con thấy tình thương diệu kỳ của Chúa. Ngài yêu thương hết mọi người, đặc biệt là những ai thành tâm kiếm tìm Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, xin cho mỗi người chúng con biết sống như Mẹ mà chuyên gắn bó với Chúa trong khi chu toàn bổn phận hàng ngày.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

09.10.2015                                                            Thứ Sáu

Th. Đyônysiô và các bạn tử đạo                             Lc 11,15-26

Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11,23).

Như Mẹ: Những câu nói mạnh mẽ của Đức Giêsu đã tỏ lộ uy quyền và vinh quang của Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, là Đấng có sức mạnh chiến thắng quyền lực Xatan. Cuộc chiến của Đức Giêsu chống lại Ác thần vẫn còn kéo dài cho đến tận thế, nhưng chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về Đức Kitô khi Ngài quang lâm.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin Ngài ban sức mạnh Thần Khí cho chúng con để chúng con đủ sức đứng vững trước chước ma quỷ đang rình mò hãm hại chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa, xin cùng chúng con chiến đấu chống lại âm mưu ma quỷ để được cùng Con của Mẹ thu góp tài sản Nước Trời.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

10.10.2015                                                            Thứ Bảy

Tuần 27 TN                                                        Lc 11,27-28

“Phúc thay kẻ lắng nghe
và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).

Như Mẹ: Đứng trước một con người đầy uy quyền trong lời nói và hành động như Chúa Giêsu, người phụ nữ ghen tị mà thốt lên: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm.” Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu lại muốn đề cao mối liên hệ đức tin hơn là huyết nhục. Những ai lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành thì được trở nên người ruột thịt thân yêu  trong Ngài.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa đã ban Lời của Ngài, Lời mang lại sự sống đời đời cho tất cả chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế, xin Mẹ giúp chúng con cũng biết sống như Mẹ mà “suy đi nghĩ lại” Lời Thiên Chúa đang tác động và nuôi dưỡng từng ngày sống của chúng con.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

11.10.2015                                             Chúa Nhật 28 TN - Năm B

Thánh vịnh tuần 4                                             Mc 10,17-30

“Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời” (Mc 10,21).

Như Mẹ: Đáp lại câu hỏi của người thanh niên, Đức Giêsu đưa câu trả lời đến một đòi hỏi cao hơn: bán tài sản, từ bỏ một chỗ dựa của cuộc đời anh. Của cải không phải là điều xấu và cũng không phải là chỗ dựa duy nhất của con người. Chúa muốn chúng ta hãy biết cách sử dụng của cải để đổi lại một chỗ dựa bền vững muôn đời, đó chính là Nước Trời.

Với Mẹ: Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, chúng con xin ngợi khen Người vì đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ cực khôn cực ngoan, xin cho chúng con cũng biết từ bỏ mọi sự, kể cả bản thân mình để sẵn sàng như Mẹ mà thưa tiếng “Xin vâng” đáp lại tiếng Chúa gọi mời xây dựng Nước Trời ngay ở trần gian này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

12.10.2015                                                            Thứ Hai

Tuần 28 TN                                                        Lc 11,29-32

“Con Người sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này”
(Lc 11,31).

Như Mẹ: Dân Do Thái xin Đức Giêsu một dấu lạ vì họ quan niệm dấu lạ phải lớn lao, vĩ đại như những kỳ công Thiên Chúa đã làm thời xuất hành và thời các cha ông. Nhưng Đức Giêsu lại muốn cho họ nhận ra chính Người là dấu lạ tuyệt hảo: tự bản thân Người và qua lời rao giảng của Người.

Với Mẹ: Lạy Cha, chúng con xin hết lòng cảm tạ Cha vì đã ban Con Một yêu dấu của Cha cho nhân loại chúng con. Người là biểu hiện tuyệt đỉnh tình yêu của Cha. Xin cho chúng con một niềm tin tưởng nơi Chúa Con, để nhờ Chúa Con chúng con biết rõ Cha hơn.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ rất đáng kính chuộng, xin cho chúng con cũng biết khiêm nhường cưu mang Chúa trong lòng để Ngài lớn lên trong tâm hồn chúng con.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

13.10.2015                                                            Thứ Ba

Tuần 28 TN                                                        Lc 11,37-41

“Hãy bố thí những gì ở bên trong” (Lc 11,41).

Như Mẹ: Lễ nghi, hình thức là điều đáng quý và cần được giữ gìn trong tôn giáo. Tuy nhiên, nếu chỉ có lễ nghi, hình thức mà quên đi điều cốt lõi là cái tâm bên trong mỗi người thì quả là điều đáng phải xem xét. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người khi đến với Ngài cần nhất và hơn hết đó là tấm lòng chân thành, phó thác giống như Mẹ Maria luôn tin tưởng, phó thác khi đón nhận lời sứ thần truyền tin.  

Với Mẹ: Lạy Chúa, cuộc sống của chúng con ngày nay bị chi phối rất nhiều thứ. Xin Chúa giúp cho chúng con luôn ý thức về những hồng ân Chúa ban để luôn giữ vững niềm tín thác và hằng ngày luôn biết cảm tạ Ngài hết lòng.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ rất đáng ngợi khen, xin dạy chúng con luôn biết nhìn nhận lại bản thân mỗi ngày để chuẩn bị đón Chúa với lòng yêu mến thiết tha.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

14.10.2015                                                            Thứ Tư

Th. Callistô I, giáo hoàng tử đạo                            Lc 11,42-46

“Khốn cho các người...” (Lc 11,46).

Như Mẹ: Hôm nay, Đức Giêsu trong bài Tin Mừng đã khiển trách những nhà thông luật về tính hình thức, sự cứng nhắc và sự lộng quyền đối với người khác. Người mời gọi chúng ta biết sống bao dung với mọi người. Hãy mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim để đón nhận những thiếu sót và yếu đuối của nhau, đồng thời biết đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi sự.

Với Mẹ: Lạy Chúa, cuộc sống ngày nay, chúng con thường thích đón nhận hơn là cho đi, chúng con thích sống hưởng thụ hơn là sống từ bỏ. Xin Chúa hướng dẫn chúng con sống theo Lời Chúa dạy, để chúng con được trở nên những “hạt lúa rơi vào đất tốt”, rồi trổ sinh nhiều hoa trái của Thần Khí cho mọi người.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ có tài có phép, xin dạy chúng con luôn biết sống quảng đại với tha nhân, vì tha nhân chính là nơi Chúa ngự.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

15.10.2015                                                           Thứ Năm

Th. Têrêsa Giêsu, tntsht - lễ nhớ                      Lc 11,47-54

“Kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản”
(Lc 11,52).

Như Mẹ: Đức Giêsu khiển trách các nhà luật sĩ về sự mâu thuẫn trong niềm tin của họ. Họ tin vào các tiên tri thời xưa, nhưng lại hoàn toàn khước từ niềm tin vào Đấng Mesia là Đức Giêsu. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận lại việc giữ đạo của mình. Chúng ta có gây “trở ngại” cho tha nhân trong việc đón nhận tình yêu nơi Đức Giêsu không?

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con nghe Lời Chúa thì dễ, nhưng thực hành Lời Chúa quả là khó. Xin Chúa giúp sức để chúng con có đủ can đảm, sự kiên trì sống và làm theo lời Chúa dạy với một tình yêu và lòng chân thành.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ có lòng khoan nhân, xin Mẹ cùng chúng con tiến bước theo Chúa với một con tim biết lắng nghe Lời của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

16.10.2015                                                            Thứ Sáu

Th. Margarita Alacoque, tn                                      Lc 12,1-7

“Anh em đừng sợ, anh em còn quý hơn
muôn vàn chim sẻ” (Lc 12,7).

Như Mẹ: Cuộc sống càng ngày càng thêm khó khăn và vất vả. Để có được chén cơm manh áo, con người phải lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống phó thác tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trước hết, hãy tìm kiếm Thiên Chúa còn những cái khác Người sẽ ban cho sau.

Với Mẹ: Lạy Chúa, thật hạnh phúc biết bao khi chúng con được sống dưới sự che chở và bảo vệ của Ngài. Xin cho mỗi người chúng con luôn có đủ can đảm để sống tín thác và mau mắn thực thi đường lối, huấn lệnh Ngài ban.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ trung tín thật thà, xin dạy chúng con luôn biết đặt trọn niềm tin vào tình yêu Chúa. Vì chúng con được sinh ra chỉ để dành cho Chúa, và chỉ nhờ Ngài, chúng con mới tìm được hạnh phúc đích thực.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

17.10.2015                                                           Thứ Bảy

Th. Inhatiô Antiôkia, gmtđ - lễ nhớ                    Lc 12,8-12

“Thánh Thần sẽ dạy cho anh em...” (Lc 12,2).

Như Mẹ: Các Thánh tử đạo là những mẫu gương sống động cho Tình yêu Chúa. Nhờ đặt trọn niềm tin yêu, phó thác vào Chúa, các ngài đã dám làm chứng cho Chúa. Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta sống như một chứng nhân cho Tình yêu Chúa qua cuộc sống với tha nhân trong sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa nhân ái đối với hết mọi người. Chúng con chỉ là bụi tro, chẳng đáng gì trước mặt Ngài. Xin Chúa cử Thánh Thần xuống thanh tẩy tâm hồn và con tim chúng con, để chúng con xứng đáng được Chúa yêu thương. Và xin cho chúng con biết mang lửa yêu thương của Chúa đến cho tha nhân.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là gương nhân đức, xin hướng dẫn chúng con đi trong ánh sáng chân lý của Thánh Thần, để từ đó chúng con can đảm mang Lời Chân Lý cho nhân trần.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

18.10.2014                                             Chúa Nhật 29 TN  - Năm B

Thánh vịnh tuần 1                                             Mc 10,42-35

“Con Người đến để hiến mạng sống” (Mc 10,45).

Như Mẹ: Lời Chúa hôm nay cho ta thấy, ai muốn làm người lớn giữa anh em thì phải trở nên nhỏ bé bằng việc phục vụ anh em. Những việc dù nhỏ bé và tầm thường, nhưng nếu làm với một tình yêu chân thành và với lòng quảng đại vì Chúa, thì việc đó lại trở nên lớn lao và mang lại giá trị cứu độ.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Chúa của mọi loài mọi vật, nhưng Ngài lại chấp nhận bỏ hết mọi vinh quang và danh dự để mặc lấy thân phận con người, rồi bằng lòng thí mạng sống để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con luôn biết được giá trị của hiến lễ Chúa dâng, để sống sao cho xứng đáng với tình yêu của Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Toà Đấng khôn ngoan, xin cho chúng con biết sống hy sinh, quảng đại đối với nhau để chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

 

19.10.2015                                                            Thứ Hai

Th. Gioan Brebeuf, Isaac Jogues                            Lc 12,13-21

"Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu" (Lc 12,15).

Như Mẹ: Con người ta thường để đời mình trôi theo vòng xoáy danh lợi, mà quên đi những những giá trị trường tồn. Đức Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa, đừng phí phạm nhiều thời gian cho những thứ chóng qua, và hướng về Nước Trời.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin hướng lòng chúng con lên với Chúa. Ước gì mỗi ngày, chúng con luôn chọn Chúa là gia nghiệp và là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu của cuộc đời chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ làm cho chúng con vui mừng, xin giúp chúng con luôn biết nhìn về  Thiên Chúa là Đấng từ bi và lân ái, và sẵn sàng vâng theo ý Ngài.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

20.10.2015                                                            Thứ Ba

Tuần 29 TN                                                        Lc 12,35-38

“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy,
thì thật là phúc cho họ” (Lc 12,38).

Như Mẹ: Mẹ Maria luôn sống “tỉnh thức”, luôn gẫm suy về Chúa. Sống “tỉnh thức” như Mẹ là thái độ suy niệm Lời Chúa hằng ngày. Sống tỉnh thức là luôn cầu nguyện, luôn hướng lòng lên Chúa quan phòng trong mọi biến cố của cuộc đời, để Chúa lo liệu và định đoạt cho.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết năng lắng nghe lời mời gọi tha thiết của Chúa. Lời mời đến và ở lại trong Ngài. Lời mời sống “tỉnh thức” trong Lời của Ngài để chúng con luôn được bình an.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Đấng trọng thiêng, xin Mẹ dạy chúng con cách sống cầu nguyện hàng ngày với Chúa, để chúng con càng ngày càng được sống gần với Chúa hơn.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

21.10.2015                                                            Thứ Tư

Tuần 29 TN                                                        Lc 12,39-48

“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng,
vì chính giờ phút anh em không ngờ,
thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,40).

Như Mẹ: Không ai trong chúng ta biết được giờ nào Thiên Chúa sẽ đến với từng người. Vậy ngay lúc này, mỗi người hãy dành thời gian cho Chúa như là một sự sẵn sàng chào đón Người. Hãy dành thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày, để khi Chúa đến ta không ngỡ ngàng.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con thật ích kỷ khi chúng con cứ viện cớ để thoái thác cầu nguyện với Chúa. Ngài cứ lặng im chờ đợi, và không ngừng đổ ơn lành cho chúng con. Xin đến dọn dẹp mảnh đất tâm hồn chúng con khỏi các đam mê, và xin Ngài ở lại với chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Đấng đáng tôn trọng, xin thức tỉnh tâm hồn chúng con khỏi những thờ ơ với Chúa, để biết sống cho Chúa nhiều hơn.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

22.10.2015                                                           Thứ Năm

Tuần 29 TN                                                        Lc 12,49-53

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất” (Lc 12,49).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đã mang đến cho thế gian ngọn lửa tình yêu ấm áp. Ngài cũng mong ngọn lửa tình yêu ấy luôn bừng cháy giữa thế gian này. Ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn con người, mang lại cho những ai đón nhận nó niềm tin mãnh liệt vào lòng Chúa yêu thương, giúp con người biết sống bác ai yêu thương với tha nhân.

Với Mẹ: Lạy Thiên Chúa nhân lành, ngay trong những thử thách cuộc đời, xin Chúa luôn đồng hành với chúng con. Khi chúng con cô đơn, xin Chúa mang lửa yêu thương sưởi ấm tâm hồng chúng con. Xin tăng mối dây liên kết mật thiết giữa chúng con với Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Đấng sốt mến lạ lùng, xin hãy giúp chúng con mở lòng để ngọn lửa tình yêu của Chúa có thể bùng cháy trong tâm hồn chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

23.10.2015                                                            Thứ Sáu

Th. Gioan Capestranô, lm                                      Lc 12,54-59

“Sao các người không tự mình
xét xem cái gì là phải?” (Lc 12,57).

Như Mẹ: Chúa đã cho chúng ta những gì ta cần để làm nên tương lai tốt đẹp. Nhưng hầu hết thời gian, ta thường phớt lờ cơ hội Chúa ban. Điều chúng ta cần làm là hãy nắm lấy những cơ hội thuận tiện Chúa ban mà sống cho xứng đáng làm con cái Chúa: Sống hy vọng và vui mừng, tin tưởng và phó thác.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thích lắng nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không đem ra thực hành. Chính vì thế, Lời Ngài không ở lại nơi tâm hồn chúng con. Xin giúp chúng con nảy sinh hoa trái tốt lành mỗi khi nghe Lời Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như hoa hường mầu nhiệm vậy, Mẹ hãy giúp chúng con biết yêu mến Lời Chúa và đem ra thực hành như Mẹ xưa kia đã hằng lắng nghe và làm theo Lời Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

24.10.2015                                                           Thứ Bảy

Th. Anton Maria Claret, gm                                      Lc 13,1-9

"Xin cứ để nó lại năm nay nữa” (Lc 13,8).

Như Mẹ: Con người thường ù lỳ chai đá với những đam mê tội lỗi của mình. Bài Tin Mừng nói cho chúng ta biết về lòng nhẫn nại và bao dung của Thiên Chúa. Ngày qua ngày, Ngài vẫn ban ân sủng cho chúng ta, mong muốn ta hoán cải. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta quay trở về với Ngài, về với tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Ngài đã luôn tỏ lòng khoan dung với chúng con. Nhưng chúng con lại hờ hững với Ngài. Xin cho chúng con nghe được nỗi niềm của Chúa lúc này là đang mời gọi và chờ đợi chúng con về bên Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như lầu đài Đavít vậy, xin dạy chúng con sẵn sàng lên đường, đừng sợ khi đáp lại tiếng Chúa gọi mời dù gặp phải những lúc gian nan hay đau khổ.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

25.10.2015                                             Chúa Nhật 30 TN - Năm B

Thánh vịnh tuần 2                                             Mc 10,46-52

“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”
(Mc 10,46-52).

Như Mẹ: Anh mù đã tin vào Chúa Giêsu, không một do dự hay chần chừ, anh kêu xin lòng thương xót của Chúa. Lòng tin được đáp trả xứng đáng, anh thấy được ánh sáng. Chúa luôn chờ đợi được lắng nghe những lời kêu xin của con người. Điều đó thể hiện niềm tin và sự cậy trông của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa! Cuộc sống có những lúc khó khăn, thất bại, nhưng chúng con chẳng hề nghĩ tới Chúa, nguồn an ủi của chúng con. Xin cho chúng con biết tìm đến Chúa là nguồn an ủi, giúp chúng con sức mạnh để vui vẻ đón nhận mọi thử thách.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Bà như tháp ngà báu vậy, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con ơn đức tin để chúng con mạnh dạn sống, và hành động với niềm tin tưởng tín thác vào Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

26.10.2014                                                            Thứ Hai

Tuần 30 TN                                                        Lc 13,10-17

“Còn bà này… chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?" (Lc 13,16).

Như Mẹ: Luật do con người làm chủ, luật được tạo ra không phải dùng để điều khiển con người. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta về thái độ sống luật. Giữ luật thì quan trọng, nhưng việc áp dụng phải linh động, không cứng nhắc; làm sao cho việc thực thi luật đem lại niềm vui, hạnh phúc cho con người.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa luôn dạy chúng con phải sống yêu thương nhau, và coi tất cả là anh chị em. Xin cho chúng con biết thi hành luật trong yêu thương, hài hòa và nhân ái với mọi người.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như Đền vàng vậy, xin dạy chúng biết sống Lời Chúa, mở rộng tâm hồn và đôi tay để nâng đỡ anh chị em của mình dựa trên tinh thần luật yêu thương của Chúa Kitô.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
27.10.2014                                                            Thứ Ba

Tuần 30 TN                                                        Lc 13,18-21

“Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?” (Lc 13,20).

Như Mẹ: Nước Trời dành cho tất cả mọi người và ai cũng có phần trở thành công dân Nước Chúa. Chúa luôn chờ đón con cái Chúa được chung hưởng hạnh phúc với Ngài. Chúa loan báo về quê hương đích thực của con người như là lời nhắc nhở chúng ta chuẩn bị, sửa đổi đời sống để xứng đáng tiến vào Nước Thiên Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con muốn vào Nước Thiên Chúa nhưng chúng con còn nhiều đam mê, tội lỗi, kéo chúng con xa Chúa. Xin tha thứ cho những yếu đuối, thiếu sót mà giúp chúng con trở về đường ngay nẻo chính.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như Hòm bia Thiên Chúa vậy, xin dạy chúng con luôn biết sống tâm tình xin vâng: năng lắng nghe và thi hành Lời Chúa như lời loan truyền đức tin về Nước Trời cho mọi người.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

28.10.2014                                                            Thứ Tư

Th. Simon & Giuđa - lễ kính                               Lc 6,12-19

“Người đã thức suốt đêm
cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12
).

Như Mẹ: Đối với Chúa Giêsu, cầu nguyện là cuộc gặp gỡ, trò chuyện thân mật giữa Cha và Con. Ngài cầu nguyện trong những lúc quan trọng và khi cần phải quyết định điều gì đó. Gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, chúng ta có cơ may nhận được an bình, thanh thoát cùng động lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Với Mẹ: Lạy Chúa, cuộc chiến đấu mà chúng con phải đương đầu là cảm giác về những thất bại trong việc cầu nguyện: buồn chán, nản chí, khô khan... Xin Chúa cho chúng con vượt thắng những trở ngại mà kiên trì cầu nguyện, sống tâm tình gắn bó với Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là cửa Thiên Đàng, xin dạy chúng con biết sống tâm tình cầu nguyện, tin tưởng và phó thác vào sự dẫn dắt của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

29.10.2014                                                           Thứ Năm

Tuần 30 TN                                                        Lc 13,31-35

“Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi !" (Lc 13,34).

Như Mẹ: Một khi chúng ta không sống đúng với ơn gọi làm con cái Chúa, chiều theo những đam mê của thế gian, xác thịt và ma quỷ là chúng ta đang ném đá những người môn đệ Chúa, và trở thành người sống đạo hình thức.

Với Mẹ: Lạy Chúa, với bản tính yếu đuối và cứng lòng tin, chúng con khó có thể vượt qua được những cám dỗ của thế gian. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa trong lời nói cũng như việc làm để sống mỗi ngày một thêm tốt đẹp hơn.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như sao mai sáng vậy, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con biết khiêm nhường đón nhận giáo huấn của Ngài, và tích cực thực thi.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

 

30.10.2014                                                            Thứ Sáu

Tuần 30 TN                                                          Lc 14,1-6

“Người đỡ lấy bệnh nhân,
chữa khỏi và cho về” (Lc 14,4).

Như Mẹ: Với trái tim giàu lòng thương xót, Chúa Giêsu đã không ngoảnh mặt trước người bệnh. Ngài mau mắn đến và cứu chữa họ. Tinh thần bác ái của Đức Giêsu là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta biết sống tinh thần phục vụ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, nhiều lần nhìn thấy người khác gặp nạn mà chúng con chỉ đứng nhìn, vì sợ liên lụy, mất thời gian. Chúng con chỉ lo lắng cho sự an toàn bản thân mà bỏ mặc Lời Chúa dạy. Xin Chúa ban thêm lòng nhiệt tình, sự dấn thân để giúp đỡ những người cần chúng con giúp đỡ.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ cứu kẻ liệt kẻ khốn, xin giúp chúng con luôn biết cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa để chúng con mau mắn hoán cải đời sống, trở nên người cộng tác đắc lực của Chúa giữa thế gian.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


 

31.10.2015                                                           Thứ Bảy

Tuần 30 TN                                                         Lc 14,7-11

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

Như Mẹ: Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói đến thái độ khiêm nhường. Sự khiêm nhường là sự nhận biết con người thật của mình. Nhận biết con người thật mới giúp ta sống đúng với giá trị của mình mà không kiêu ngạo, không giả dối; và đồng thời nhận biết Thiên Chúa là Chúa cả trời đất.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn ra được con người thật của mình để chúng con có thể sống đúng tương quan với người khác và với Chúa, nhờ thế chúng con biết sống khiêm nhường và thành thật hơn.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ bầu chữa kẻ có tội, Mẹ là mẫu gương của sự khiêm nhường. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa ban ơn cho chúng con biết noi gương Mẹ mà luôn biết sống khiêm nhường thật trong lòng.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

CẦU NGUYỆN BẰNG CHUỖI MÂN CÔI

Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân Côi. Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Mân Côi chính là hoa hồng. Như thể, bằng chuỗi Mân Côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.

Lịch sử chuỗi Mân Côi là một hành trình dài. Hành trình đó mang nhiều gợi ý. Những gợi ý này có thể giúp chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.

Chuỗi Mân Côi đốt lên lửa mến

Lịch sử cho thấy kinh Mân Côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ. Người được nhắc tới nhiều trong lịch sử kinh Mân Côi là thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng Giảng thuyết. Ngài qua đời năm 1221. Một số tài liệu quả quyết rằng chính Đức Mẹ đã trao cho thánh Đaminh chuỗi Mân Côi. Xung quanh thánh Đaminh còn một số tu sĩ nhiệt thành, như tu sĩ Dominique dòng Chartreux thành Trèves, tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh thành Lille.

Các vị này đã có những đóng góp quan trọng. Tất cả các ngài đều là những tông đồ của Đức Mẹ. Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành, các ngài rao giảng, truyền bá kinh Mân Côi. Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận Âu Châu.

Phong trào đọc kinh Mân Côi sau đó được tổ chức thành các hiệp hội. Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng. Nhận thấy phong trào kinh Mân Côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.

Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric III, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội kinh Mân Côi. Nhờ vậy, chuỗi Mân Côi có thêm uy tín.

Uy tín đó không phải là lý do để phong trào kinh Mân Côi lan rộng. Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân Côi.

Các lời kinh của chuỗi Mân Côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh. Các mầu nhiệm suy gẫm trong chuỗi Mân Côi cũng được rút ra từ Kinh Thánh. Số 150 kinh Kính Mừng cũng là để nhớ lại số 150 thánh vịnh của Cựu Ước.

Tuy nền tảng là Kinh Thánh, nhưng chuỗi Mân Côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân. Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân thấy có ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Hồi giáo.

Với hình thức đạo đức này, kinh Mân Côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn. Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.

Chuỗi Mân Côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ

Lịch sử cho thấy: Khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân Côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.

Năm 1571, trước cơn đe doạ đạo Chúa bị tàn phá, Đức Thánh Cha Piô V, đã truyền cho Hội Thánh cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu. Khấn cầu đó đã được Chúa chấp nhận. Chiến thắng ở vịnh Lepante ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi. Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 10, Hội Thánh đề cao chuỗi Mân Côi như một nguồn hy vọng.

Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra chuỗi Mân Côi liên tiếp. Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8.760 giờ. Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé. Mỗi vé có ghi tháng, ngày, giờ. Rồi cho rút thăm. Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân Côi tháng ngày giờ đó. Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.

Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân Côi liên tiếp được thành lập và lan rộng. Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.

Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon, đã có sáng kiến lập ra phong trào “Kinh Mân Côi sống”. Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ. Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người. Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng.

Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.

Đầu thế kỷ XX, trước tình hình suy giảm đức tin tại Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những Nhóm Mân Côi. Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác. Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần. Những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích. Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.

Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ. Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân Côi. Và thực sự chuỗi Mân Côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.

Chuỗi Mân Côi mở kho tàng trái Tim Đức Mẹ

Trước đây, chuỗi Mân Côi được truyền bá bởi các thánh, và Hội Thánh. Nay, chính Đức Mẹ lên tiếng.

Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ cũng đã khuyên người ta hãy năng cầu nguyện kinh Mân Côi.

Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương, chuỗi Mân Côi ví như những chuỗi hoa hồng của các trái tim không ngừng dâng lên Đức Mẹ. Còn Đức Mẹ, thì luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho các người chân thành cầu khấn. Hoa hồng nói đây là những ơn phúc phần hồn phần xác. Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ đồng công cứu chuộc.

Các ơn Đức Mẹ ban qua chuỗi Mân Côi phát xuất từ trái tim Đức Mẹ. Trái tim ấy đầy tình thương và cũng đã chịu nhiều đau đớn, để cùng với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh trên thánh giá. Vì thế có thể nói, các ơn đó đến từ trên, và chảy vào trong nội tâm mỗi người. Với nhận thức đó, chúng ta hiểu ý nghĩa lời Đức Mẹ nói với Bernadette ở Lộ Đức: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau”. Tuy nhiên, ngay ở đời này, những ai lần chuỗi Mân Côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác.

Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Kinh Mân Côi sẽ giúp chúng ta tìm được lối thoát. Lối thoát sẽ từ trên trái tim Đức Mẹ mà xuống và từ trong nội tâm ta mà ra. Nội tâm ta cầu nguyện sám hối. Trái tim Đức Mẹ sẽ làm chứng một cách sống động lời thiên thần đã nói với Đức Mẹ xưa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

ĐGM. Bùi Tuần (simonhoadalat.com)

 

HỌc sỐng khiêm nhưỜng vỚi Chúa Giêsu

qua Kinh Mân Côi

Trong những lần hiện ra, Mẹ Maria thường cầm tràng hạt trên tay. Khi hiện ra với ba trẻ ở Fatima, Mẹ còn lần hạt với ba trẻ tại đó. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như nhiều vị giáo hoàng khác rất siêng năng lần hạt và kêu gọi tín hữu năm châu sốt sắng lần hạt hằng ngày. Như thế, Mẹ Maria cũng như Hội Thánh luôn khuyến khích chúng ta lần hạt vì Kinh Mân Côi là một phương thế giúp cho người ta nên thánh.

Nhưng để cho Kinh Mân Côi thực sự là một phương thế giúp ta nên thánh, thì chỉ đọc suông ngoài miệng không đủ, mà cần phải suy niệm trong lòng, cần phải chiêm ngắm và noi theo gương lành của Chúa Giêsu và Mẹ Maria được gợi lên trong Kinh Mân Côi.

Giờ đây, chúng ta cùng chiêm ngắm lòng khiêm nhường sâu thẳm của Ngôi Hai Thiên Chúa qua Kinh Mân Côi. Gương khiêm nhường của Ngôi Hai Thiên Chúa nổi bật trong những phần suy gẫm sau đây:

Gẫm thứ nhất năm sự vui: Ngay khi Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, Thiên Chúa Ngôi Hai là Đấng cao sang quyền phép đã chấp nhận hóa thân thành một phôi thai nhỏ, nằm trong tử cung của Mẹ Maria để chờ ngày được sinh ra làm người. Một Thiên Chúa cao sang là Chúa Tể trời đất mà lại hạ mình đến thế thì tôi là ai mà dám nhắc mình lên cao!

Gẫm thứ ba năm sự vui: Khi Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu trong hang đá, Thiên Chúa Ngôi Hai là Vua Trời đầy quyền uy phép tắc hiển trị trên các tầng trời đã chấp nhận chọn hang bò lừa làm nơi nương náu, chọn máng súc vật làm nôi để đến ở cùng nhân loại. Hạ mình và khiêm nhường như vậy là  hết mức, không thể hạ mình sâu hơn được nữa.

Gẫm thứ nhất trong năm sự sáng, Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan: Chúa Giêsu là Thiên Chúa hoàn toàn vô tội, ngàn trùng chí thánh, vậy mà Người chấp nhận hòa mình với những người tội lỗi bên bờ sông Giođan, xếp hàng đứng chung với những người tội lỗi, những tay đâm thuê chém mướn, những cô gái điếm, những gã côn đồ… để chờ đến phiên mình bước xuống dòng sông Giođan, cúi mình xuống để Gioan làm phép rửa cho. Đấng không hề biết tội là gì lại khiêm nhường cúi mình nhận tội, còn tôi thì cứ cho mình vô tội và tìm mọi cách trút tội lên đầu người khác.

Và đặc biệt là trong năm sự thương, chúng ta thấy nổi lên hình ảnh Chúa Giêsu quá đỗi khiêm nhường khi Người tự xóa mình đi, trở thành tên tử tội, để cho người ta hành hạ Người đủ cách cho đến chết.

Chúa Giêsu chịu đánh đòn: Chúa tốt lành thánh thiện vô cùng nhưng lại bị đưa ra tòa xét xử như một tên gian phi, bị vu cáo, bị khạc nhổ vào mặt, bị đánh đòn tan nát thân mình mà vẫn khiêm nhường chịu đựng chẳng hé môi kêu trách hay phản kháng.

Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Thay vì đội mão triều thiên vinh hiển của các bậc vua chúa cao sang, Chúa Giêsu chịu đội vòng gai nhọn đâm sâu vào đầu, để cho người ta sỉ nhục nhạo cười mà không hận thù hay oán trách. Khiêm nhường hạ mình đến thế thật là hết mức.

Chúa Giêsu vác thập giá: Là Chúa Tể trời đất, lẽ ra Chúa Giêsu bắt mọi người quy phục mình, nhưng trái lại, trên chặng đường thương khó, Chúa để cho quân lính chế ngự Người, bắt Người vác thập giá lảo đảo tiến lên pháp trường theo lệnh truyền và những lời quát tháo của những tên lính hung hăng. Chúa Tể trời đất đã khiêm nhường chịu thua hết thảy mọi người và để mặc cho người ta hành hạ.

Chúa chết trên thập giá: Cuối cùng, tuy là Chúa Tể càn khôn, Chúa chịu để cho quân lính lột áo ra, đóng đinh tay chân Người vào thập giá và bị treo thân trên thập giá giữa hai tên đạo tặc, chia chung án chết với những kẻ côn đồ. Dù bị hành hạ đến mức nào đi nữa, Chúa Giêsu vẫn khiêm nhường chịu mọi nhục hình cho đến chết.

Kiêu ngạo là đầu mối, là nguồn mạch phát sinh nhiều tội lỗi, là một trong bảy mối tội đầu; còn khiêm nhường là nhân đức cao vời và là liều thuốc thần diệu cứu con người khỏi kiêu căng tự mãn.

Ước chi mỗi lần đọc Kinh Mân Côi, chúng ta biết nhìn ngắm tấm gương khiêm nhường sâu thẳm của Chúa Giêsu, học sống khiêm nhường như Chúa để nhờ đó, chúng ta triệt bỏ được tính kiêu căng và làm cho đời sống mình trở nên cao đẹp và giống Chúa hơn. 

Lm. Inhaxiô Trần Ngà (tinmung.net)

 

THỰc Thi Ba MỆnh LỆnh Fatima

Khi bắt đầu cuộc sống công khai ở thành Caphácnaum, Chúa Kitô giảng dạy dân chúng: "Anh em hãy ăn năn đền tội vì Nước Trời đã đến gần".

Trước Chúa Kitô, thánh Gioan Tiền Hô cũng đã giảng trong hoang địa xứ Giuđêa như sau: “Anh em hãy ăn năn đền tội, vì Nước Trời đã gần.”

Tháng 10, tháng Mân Côi, cũng là tháng kỷ niệm lần cuối cùng Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Tại Fatima cũng như nhiều nơi, Đức Mẹ thường nhắn nhủ:

- Ăn năn đền tội,
- Cải thiện đời sống
- Lần chuỗi Mân Côi.

Mẹ từng nhắn nhủ:

Mẹ muốn nhân loại hãy chạy đến với Mẹ để được Mẹ săn sóc như một người mẹ lo cho con khi con lâm cảnh ngặt nghèo.

Mẹ muốn người ta tin nhận vào quyền năng của Mẹ, và tuân theo lời Mẹ chỉ dạy, nhất là thi hành 3 mệnh lệnh Fatima.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, người ta phải triệt để tôn trọng và thực thi 3 mệnh lệnh của Mẹ chỉ dạy. Thi hành 3 mệnh lệnh Fatima, vì đó là điều cần thiết để cứu nhân loại khỏi cảnh kinh hoàng. Chỉ còn cách thực thi nghiêm chỉnh 3 mệnh lệnh Mẹ mới vượt qua những cơn thử thách hiểm nghèo.

Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Mẹ, chúng ta hãy: tích cực cổ động thực thi 3 mệnh lệnh Fatima, nhiệt tâm với việc tông đồ, và hãy cầu nguyện nhiều để mọi người trung thành với Hội Thánh.

Lạy Chúa! Chúng con xin chân thành cầu Chúa tha thứ lỗi lầm chúng con làm Chúa phiền lòng. Chúng con biết rằng, nhiều người chúng con chưa nhận ra sự lầm lạc, và ngay cả chúng con, chúng con cũng chưa nhìn thấy hết những sai sót của mình. Chúng con u mê tăm tối, thiển cận. Xin cho chúng con ơn ăn năn thống hối.

Chuỗi Mân Côi giúp chúng con tiếp cận Chúa dễ dàng hơn, do đó, dễ nhận ra sai trái. Chúng con đang trên một vòng tròn, một bên là Chúa, một bên là Satan. Nếu chúng con tiếp cận được với Chúa, sức hút Satan bị đẩy lùi, và chúng con được Chúa giữ gìn. Nếu chúng con không thoát ra khỏi vòng kiềm toả và hấp lực của Satan, chúng con sẽ bị quay cuồng trong vòng xoáy tội lỗi, đam mê bất chính, và bị đẩy lùi càng ngày càng xa Chúa. Xin giúp chúng con thoát khỏi hấp lực Satan, để được đi trong vòng tay yêu thương của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con.