Tháng Hoa Dâng Kính Mẹ Tháng 5 - Tháng Hoa |
Tập quán phổ thông trong thế giới Công giáo dâng tháng Năm cho Mẹ Đồng Trinh bắt nguồn từ một tục lệ xa xưa của người ngoại giáo. Tục lệ đó được sửa đổi và Công giáo hóa do lòng nhiệt thành của giáo dân. Từ xưa, người Roma có lệ tổ chức những buổi hội rước linh đình gọi là Floraia khi tháng Năm bắt đầu, để kính nữ thần Flore, mà họ xưng là "Nữ hoàng Mùa Xuân". Để chống lại sự lạm dụng những ngày huy hoàng, muôn hoa đua nở, mà dân Roma dâng kính nữ thần đó, nhiều nhân vật đạo đức Công giáo tìm cách mặc cho nó một mầu sắc Công giáo. Ở Evreux, người ta tổ chức những cuộc rước long trọng gọi là cuộc rước xanh: dâng chúng từng đoàn lũ nô nức đi chặt cành cây xanh đầy hoa để trần thiết đền thờ, nhất là những đền dâng kính Mẹ Chúa Cứu Thế. Dần dần, những cuộc lễ Floralia mất hết vẻ sùng thượng để nhường chỗ cho những cuộc rước xanh tưng bừng biểu lộ lòng yêu mến Mẹ Đồng Trinh Maria. Vua Alphongsô X đệ Castille, băng hà năm 1284, dâng kính Mẹ một "Khúc hát tháng Năm". Á thánh Henri Suso trang hoàng tượng Đức Mẹ bằng muôn hoa khi tháng Năm về. Đáng chú ý nhất là Thánh Philippê đệ Nêri. Ngài đã rất sung sướng hội các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Mẹ để dâng tâm hồn trong sạch cùng với những đóa hoa Xuân mơn mởn cho Mẹ. Theo một vài ý kiến, thì chính Đức Mẹ đã hiện ra truyền cho Thánh nhân lập ra tháng Hoa dâng kính Mẹ. Từ thế kỷ XVI trở đi, các Cha Dòng Tên đã nhiệt liệt cổ võ mừng tháng này trong các học đường các ngài chỉ huy. Ở Paris, giáo hữu theo gương đó đã có thói quen mừng một lễ trọng kính Mẹ ngày mồng Một tháng Năm. Lòng sùng kính Mẹ trong tháng Hoa bắt đầu phổ thông và có nền tảng từ đó. Năm 1654, xuất hiện một cuốn sách nhỏ của Cha Nadasi, Dòng Tên, hô hào dâng cả tháng năm cho Mẹ. Rồi từ đó, các Cha Dòng Tên thi nhau sáng tác các tác phẩm về tháng Đức Mẹ. Trong số đó, Cha Lalomia xuất bản một cuốn nhan đề là: "Tháng Đức Mẹ dâng tiến những vinh quang Mẹ cao sang Thiên Chúa." Cha Calvi đã dạy các học sinh nhỏ của ngài cách dâng tháng Năm mừng Mẹ và phát cho mỗi em một cuốn sách nhỏ về vấn đề này. Năm 1724, Cha Jacolet xuấn bản ở Dilligen, nước Đức, một cuốn tháng Đức Mẹ bằng tiếng La tinh. Cùng năm đó ở Sicile, Cha Dionisi xuất bản một cuốn khác bằng tiếng Ý. Nhưng người có công lớn nhất là Cha Lalomia, vì ngài đã đem những bài suy ngắm có tính cách thực hành và đạo đức hằng ngày vào sách của Ngài. Giáo dân hoan nghênh sáng kiến đó. Thế nên, từ Ý, tác phẩm của Ngài đã lan sang Pháp, Đức, rồi Bỉ. Đến đâu cuốn sách cũng được hoan hô nhiệt liệt, và lòng sùng kính Đức Mẹ trong tháng Năm đã dâng lên ào ạt. Dòng Thánh Phanxicô cũng rất sốt sắng mừng tháng Hoa này. Năm 1682, một tu sĩ Dòng đã thu thập được ba mươi bài thơ dâng kính Mẹ. Ở Naples, tháng Hoa được tổ chức công khai trong nhà thờ Dòng Thánh Phanxicô. Sáng hát lễ trọng thể và chiều có hát những ca vãn rất sốt sắng dâng Mẹ kèm theo với Phép Lành Thánh Thể. Năm 1815, Toà Thánh ra sắc ban nhiều ân xá cho những giáo hữu sốt sắng làm việc kính Đức Mẹ trong tháng Hoa. Đời Đức Thánh Cha Pio IX (1846-1878), tháng Hoa đã được Ngài khuyến khích và ban phép mừng long trọng ở Nhà Thờ Thánh Phêrô tại La mã. Ngày nay, tháng Hoa đã phổ cập khắp nơi trong Giáo Hội và là một hình thức tôn sùng được giáo dân yêu mến rất nhiều vì tính cách đầy tứ thơ của nó. |