Lễ trái tim Đức Mẹ


Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ
với Biến Cố Fatima

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Vẫn biết Lễ Trọng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được Giáo Hội chính thức thiết lập đầu tiên ở Balan từ năm 1765, và sau đó cho toàn thể Giáo Hội vào năm 1856, tuy nhiên, Thánh Lễ này lại được gợi ý từ mạc khải tư vào hạ bán thế kỷ 17. Thật vậy, Thánh Nữ Magarita Alacoc, nữ tu Dòng Thăm Viếng người Pháp đã được nhiều lần thị kiến thấy trái tim Chúa Giêsu trong khoảng thời gian từ năm 1673 đến 1675, Đấng đã kêu gọi rước lễ các Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, Làm Giờ Thánh vào các Ngày Thứ Năm và việc cử hành Lễ Thánh Tâm hằng năm. Tuy nhiên, không phải chỉ vì mạc khải tư mà Giáo Hội thiết lập Lễ Thánh Tâm Chúa, mà chính vì Thánh Tâm Chúa cũng như lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa có một nền tảng mạc khải trong Thánh Kinh. Trước hết, Thánh Tâm Chúa bắt nguồn từ mạc khải Thánh Kinh ở chỗ, nếu trái tim là biểu hiệu cho yêu thương, thì tình yêu Thiên Chúa được bộc lộ hết cỡ nơi việc Chúa Kitô tự hiến mạng sống mình làm giá chuộc chung nhân loại và thánh hóa riêng Giáo Hội trên thập giá của Người, bởi thế, mạc khải tình yêu vô cùng tuyệt hảo xót thương của Thiên Chúa đã được tỏ ra cho loài người thấy, khi máu cùng nước chảy ra từ cạnh sườn mở ra theo lưỡi đòng đâm vào thi thể của Chúa Giêsu tử giá (xem Jn 19:34). Thứ đến, lòng tôn sùng Thánh Tâm cũng được bắt nguồn từ Thánh Kinh nữa, ở chỗ Thánh Gioan Tông Đồ, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu, dựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly để có thể nghe được những gì sâu kín nơi Người liên quan đến người môn đệ bội phản Thày (xem Jn 13:23). Giáo Hội đã tiếp tục lòng tôn sùng Thánh Tâm này, điển hình nhất là việc Đức Thánh Cha Lêô XIII đã hiến dâng toàn thể loài người cho Thánh Tâm Chúa Giêsu lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội năm 1899.

Sở dĩ Giáo Hội sắp xếp Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngay sau Lễ Thánh Tâm Chúa là vì vai trò Đồng Công Cứu Chuộc của Mẹ. Đó là lý do chúng ta thấy Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại sự kiện “đừng kề bên thập giá Chúa Giêsu có mẹ Người” (19:25). Như Thánh Tâm Chúa và lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa được bắt nguồn từ Mạc Khải Thần Linh thế nào, thì Trái Tim Mẹ và lòng sùng kính Trái Tim Mẹ cũng có nền tảng trong Thánh Kinh Tân Ước như vậy. Trước hết, nếu trái tim liên quan đến Chúa Giêsu là biểu hiệu cho tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại thế nào, thì trái tim liên quan đến Mẹ Maria cũng biểu hiệu cho lòng tin của Mẹ đối với Thiên Chúa như vậy, một lòng tin có tác dụng cứu giúp loài ngưòi. Đúng thế, Thánh Luca đã hai lần nhắc đến trái tim Mẹ Maria liên quan đến lòng tin của Mẹ, một ở biến cố mục đồng đến viếng thăm hài nhi Giêsu trong máng cỏ, và một ở biến cố Mẹ tìm được thiếu nhi Giêsu Con Mẹ trong đền thờ như sau: “Maria giữ tất cả những điều ấy mà suy niệm trong lòng” (2:19, 51). Và lòng tin của Mẹ đối với Thiên Chúa đã có tác dụng cứu giúp loài người, như Thánh Gioan thuật lại biến cố nước lã hóa thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana, qua lời Mẹ hết sức tin tưởng cầu thay nguyện giúp (2:3, 5). Về lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ, hay việc noi gương bắt chước lòng tin của Mẹ cũng thế, chúng ta thấy gương của nhóm phục dịch trong tiệc cưới Cana, dù không biết Mẹ là ai, song đã tỏ lòng tin tưởng nơi Mẹ, ở chỗ, tin tưởng vào Chúa, bằng cách ngoan ngoãn nghe lời Mẹ nhắn nhủ để làm theo ý Chúa (2:7). Có thể nói, Chúa Kitô đã tỏ mình ra cho các môn đệ, chẳng những do lòng Mẹ tin tưởng cầu thay nguyện giúp mà còn do cả lòng tin tưởng tôn sùng của nhóm người này đối với Mẹ của Người nữa.

Đó là về nguồn gốc Trái Tim Mẹ và lòng sùng kính Trái Tim Mẹ theo Thánh Kinh. Còn về Lễ Trái Tim Mẹ, trước Công Đồng Chung Vaticanô II, lễ này được Giáo Hội kính vào ngày 22/8 hằng năm, nhưng sau Công Đồng, lễ này được chuyển vào ngay sau Lễ Thánh Tâm. Theo lịch sử phụng vụ, Lễ Trái Tim Mẹ được Thánh Gioan Êuđê từ năm 1646 đã vận động Giáo Hội để thiết lập. Tuy nhiên, sau khi hiến dâng cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria lần đầu tiên vào ngày 31/10/1942, tức sau 25 năm Mẹ hiện ra ở Fatima, để kỷ niệm biến cố này, Đức Thánh Cha Piô XII mới thiết lập Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 4/5/1944. Như thế, tuy Trái Tim Mẹ Maria cũng có nền tảng trong Thánh Kinh như trên vừa đề cập đến, Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, như Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng được gợi ý từ mạc khải tư, mạc khải Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917.

Thật vậy, Đức Mẹ đã tỏ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ra cho 3 Thiếu Nhi Fatima thấy lần đầu tiên trong lịch sử loài người vào ngày 13/6/1917, một Trái Tim bị quấn quanh bằng một vòng gai. Thế rồi, vào ngày 13/7/1917, Đức Mẹ đã tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ hai cho các em biết rằng: “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, và “Mẹ sẽ đến để xin hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”. Đức Mẹ đã thực sự trở lại với chị Lucia ngày 13/6/1929, với lời lẽ như sau: “Đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hợp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách này”. Chính vì việc hiến dâng Nước Nga liên quan đến Đức Thánh Cha và vận mệnh thế giới, do đó, ngày 24/10/1940, chị Lucia đã phải viết một bức thư đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII về ý muốn và cách thức Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Thế rồi, như lịch sử cho chúng ta thấy, ý định và cách thức Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria trên thế giới vào thế kỷ 20, bằng việc Giáo Hội hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, đã hoàn toàn được thực hiện, đúng như lời Mẹ tiên báo ở đoạn kết phần thứ hai của Bí Mật Fatima, đó là “Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ có một thời gian hòa bình”.

Ngày 18/5/1939, chị Lucia đã viết cho Cha Ganzalvez thế này: “Cách đây không bao lâu, con có hỏi Chúa Giêsu là tại sao Người không làm cho Nước Nga trở lại mà không cần Đức Thánh Cha phải hiến dâng như thế?”, rồi chị tiết lộ, Chúa đã thầm cho chị biết là “Vì Cha muốn toàn thể Giáo Hội nhận biết rằng việc hiến dâng này là một cuộc vinh thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, nhờ đó, Giáo Hội đặt việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria bên cạnh lòng tôn sùng Thánh Tâm của Cha”. Như thế, việc Giáo Hội cử hành Lễ Trọng Kính Thánh Tâm Chúa và Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria vào hai ngày liền nhau, Thứ Sáu và Thứ Bảy tới đây, rất hợp với cả Mạc Khải Thần Linh và mạc khải thời đại vậy.
 

Tóm lại, kể từ sau Công Đồng Chung Vaticanô II, theo chiều hướng canh tân phụng vụ, Giáo Hội đã đặt hai lễ Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sát nhau, trong tuần sau Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một lễ được Chị Lucia đệ trình với Đức Thánh Cha Piô XII trong thư đề ngày 24/10/1940 xin ngài cho cả Giáo Hội hoàn vũ mừng kính và đã được chấp nhận và được kính vào ngày nhất định trong năm là 22/8. Đúng thế, sắc lệnh của thánh bộ Lễ Nghi ban hành ngày 4/5/1944 cho biết như sau: “để ghi nhớ cuộc hiến dâng này, (ở đây sắc lệnh muốn nói tới cuộc hiến dâng Giáo Hội hoàn vũ và cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ được Đức Thánh Cha Piô XII đã thực hiện ngày 31/10/1942 theo cùng thư đệ trình của Chị Lucia), Ngài đã quyết định cho Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Lễ này sẽ được cử hành mỗi năm vào ngày 22 tháng 8, thay ngày bát nhật lễ Đức Mẹ Mông Triệu, với bậc lễ hạng nhì...”.

 

Vấn đề được đặt ra ở đây không phải là tại sao Giáo Hội mừng hai Lễ Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngay sát nhau, vì tín hữu Công Giáo chúng ta quá hiểu là hai Trái Tim này không thể nào tách biệt nhau, mà là ở chỗ hai Trái Tim Chúa Mẹ này liên hệ mật thiết với nhau như thế nào hay ở chỗ nào. Mối liên hệ sâu xa bất khả phân ly giữa hai Trái Tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria là ở chỗ, nếu Thánh Tâm Chúa Giêsu là biệu hiện cho Mạc Khải Thần Linh, mạc khải về Tình Yêu Thương vô cùng nhân hậu của Cha trên trời đối với loài người tạo vật tội nhân vô cùng khốn nạn đáng thương, thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là biểu hiện cho Đức Tin Tuân Phục của nhân loại trước Mạc Khải Thần Linh ấy, một đức tin tuân phục được thể hiện trong việc mau mắn đáp ứng một cách trọn vẹn và trọn hảo Tình Yêu của Thiên Chúa. Đó là lý do tinh thần tuân phục của Mẹ trong biến cố Truyền Tin khi Mẹ thưa Fiat và ca vịnh Magnificat Mẹ Ngợi Khen Long Thương Xót Chúa trong biến cố viếng thăm bao giờ cũng đi với nhau. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình trần thế bằng tinh thần tôi tớ Xin Vâng và tâm tình Ngợi Khen cảm tạ Chúa của Mẹ.

 

Trang nhà

Trang  Mẹ Maria