Lễ trái tim Đức Mẹ


Sự liên hệ giữa việc tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu

và Trái tim Đức Mẹ

Lm FX Nguyễn Đức Quỳnh

Theo niên lịch Phụng vụ, hôm qua chúng ta mừng lễ Trái tim Chúa Giêsu, thì hôm nay chúng ta mừng lễ Trái tim Đức Mẹ Maria. Chúng ta hãy tìm hiểu sự liên hệ giữa hai Trái tim cực thánh cực tịnh này như thế nào, để ta thêm lòng sốt sắng sùng kính hai Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria.

Trên đời này không có tình yêu nào khăng khít cho bằng tình mẫu tử. Thực vậy, ta thường hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Nếu tình mẹ con ở trần gian còn đằm thắm như vậy, thì tình mẫu tử của Mẹ Maria đối với Chúa Giêsu biết nói sao cho xiết được! Thánh An Phong viết rằng: “Tất cả những tình yêu của các bà mẹ thế gian cộng lại, cũng không cân nặng bằng một tình yêu của một mình Mẹ Maria đối với CON GIÊSU”

Vâng, Chúa Giêsu đã xuống thai trong cung lòng Mẹ Maria: Thịt máu Đức Mẹ đã làm nên thịt máu Chúa Giêsu, và từ lúc thụ thai, máu trong Trái Tim Đức Mẹ luôn chuyển qua Trái Tim Chúa Giêsu để nuôi dưỡng thai nhi Giêsu cho đến ngày ra chào đời sống biệt lập. Bởi đó ngay từ giây phút đầu tiên hai Trái Tim cực thánh ấy đã nên một với nhau, đã cùng yêu nhau khăng khít và cùng đập một nhịp như nhau, bởi lẽ Trái Tim Chúa Giêsu cùng bởi một gốc mà ra. Gốc ấy là thịt và máu Đức Mẹ, như lời Thánh Tiến sĩ Bênađô “ THỊT MÁU CHÚA GIÊSU LÀ THỊT MÁU MẸ MARIA”

Đem tình yêu bao la Đức Mẹ đặt vào tình yêu vô cùng của Chúa Giêsu thì ngôn ngữ loài người không thể nào diễn tả nổi sức mạnh của hai tình yêu ấy cộng lại . Do đó, chúng ta mới hiểu được đôi chút, những ngày ẩn náu trong lòng Mẹ, rồi đến những năm tháng sống dưới mái nhà Nazareth và giờ đây hai Mẹ Con sống bên nhau trên trời, thì Chúa Giêsu và Mẹ Maria yêu mến nhau tha thiết đến chừng nào! Và cũng do đó chúng ta mới nhận biết được phần nào, những nỗi buồn sầu khi Mẹ Con phải xa nhau trong lúc Chúa ra giảng đạo, nhất là những nỗi đau đớn khi hai Mẹ Con gặp nhau trên đỉnh đồi Can-ve: tại đây hai Trái Tim đều bị đâm thâu qua: Tim Mẹ bị đâm bằng thanh gươm, mà ông già Simeon đã báo từ trước, và Tim Con bị đâm thâu bằng lưỡi đòng của tên lính Rôma, khiến máu cùng nước chảy ra cho đến giọt cuối cùng.

Được Chúa Thánh Thần linh ứng, Giáo Hội hiểu rõ điều ấy hơn ai hết. Vì thế, mỗi khi nói đến Trái Tim Chúa Giêsu thì một trật cũng nhắc đến Trái Tim Đức Mẹ. Bằng chứng là khi cầu xin, chúng ta thường kêu cầu liền nhau hai câu than: “Lạy rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, thương xót chúng con. Lạy Trái Tim cực thanh cực tịnh Đức Bà Maria cầu cho chúng con”. Khi vừa thức dậy ban sáng, chúng ta dâng các lời cầu nguyện, các việc lành cũng như các hy sinh trong ngày, ta cũng nhờ Trái Tim Đức Mẹ mà dâng lên cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Theo truyền thống vẫn có xưa nay, gia đình nào tôn vương Trái Tim Chúa Giêsu thì một trật cũng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Trong niên lịch Phụng vụ của Giáo Hội, lễ kính Thánh Tâm Chúa và lễ kính Trái Tim vô nhiễm Đức Mẹ vẫn đi liền nhau, như ta thấy hôm qua và hôm nay. Các nhà hội họa cũng thường vẽ Trái Tim Chúa Giêsu song song với Trái Tim Đức Mẹ, dưới hai biểu hiệu đau đớn giống nhau: Trái Tim Chúa Giêsu có vòng gai quấn quanh, và Trái Tim Đức Mẹ có lưỡi đòng đâm thâu. Hai Trái Tim biểu hiệu cho hai tình thương mến giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và tình thương yêu của hai Mẹ Con đối với loài người chúng ta.

Ngày xưa khi sống ở trần gian, Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria đã chịu đau khổ rất nhiều, nhất là trong thời Chúa chịu nạn: Con thương Mẹ, Mẹ yêu Con. Người Con mà Mẹ biết là Ngôi Hai Thiên Chúa, người Con thánh Đức vô cùng, người Con yêu trên hết mọi sự, yêu hơn chính bản thân mình, yêu với một tình yêu mà hỡi các bà mẹ, tình yêu con của các bà chỉ là những giọt nước giữa biển cả mênh mông, một tia nắng giữa vầng thái dương khổng lồ. Cho đến ngày Con lìa Mẹ ra đi chịu chết, thì tấm lòng Mẹ yêu Con lại bùng lên một nỗi nhớ thương vô bờ bến. Nhất là khi Mẹ nhìn thấy Con bị treo trên cây gỗ nhục nhã: Trái Tim Con bị đâm thâu qua, thì Trái Tim Mẹ cũng ngừng đập! Máu và nước từ Trái Tim Con chảy ra, thì những dòng lệ cũng từ mắt mẹ tuôn rơi chan hòa.

Ngày nay, Con đã sống lại và ngự trên trời. Mẹ cũng đồng hưởng vinh phúc bên cạnh toà Con: Hai Trái Tim vẫn cùng đập một nhịp yêu mến nhau vô cùng, không còn đau đớn, không còn lo âu sợ sệt cho nhau như ngày xưa.

Tuy nhiên từ trên trời nhìn xuống dương gian, Chúa Giêsu và Mẹ Maria nhận thấy, trong nhân loại là con cái Mẹ và là em Chúa Giêsu, vẫn còn những kẻ làm cho hai Trái Tim cực thánh phải buồn phiền. Vì lòng thương yêu vô cùng, Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã thay phiên nhau xuống trần gian để nhắn nhủ, răn đe, để kêu gọi van xin loài người hãy ăn năn trở lại. Ở Paray-le-Monial bên Pháp, Chúa đã tỏ Trái Tim cho Thánh nữ Margarita và dạy làm việc đền tạ Trái Tim Chúa bằng việc tôn sùngTrái Tim, làm giờ Thánh đền tạ, rước lễ các ngày thứ sáu đầu tháng. Thì ở Fatima bên Bồ Đào Nha, Đức Mẹ hiện ra cho ba em truyền dạy loài người ăn năn đền tội, siêng năng lần hạt Mân Côi, tôn sùng Trái Tim vô nhiễm Mẹ và rước lễ đền tạ các ngày thứ bảy đầu tháng.

Thưa quý ông bà và anh chị em, trên đây tôi vừa trình bày những liên hệ giữa Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ, đồng thời cũng nói lên những lý do tại sao mỗi khi tôn sùng Trái Tim rất Thánh Chúa Giêsu, chúng ta lại tôn sùng Trái Tim vô nhiễm Mẹ Maria.

Với từng ấy sợi dây huyền diệu ràng buộc, nên lòng chúng ta phải bừng cháy lửa mến Chúa và luôn luôn vấn vương tình yêu mến Mẹ trên trời. Chớ gì Trái Tim mẹ tuôn đổ chan hòa tình yêu vào cõi lòng mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta.

Đức Cha Toth kể lại câu chuyện sau đây:

Vào thời Trung cổ, Giáo Hội tổ chức Nghĩa binh Thánh giá để chiếm lại các nơi Thánh đã bị người Hồi Giáo cướp lấy. Trong đoàn viễn chinh, có một chàng thanh niên Pháp. Trước khi ra đi, bà mẹ nói với anh: Hỡi con trai yêu quý của mẹ, mẹ già yếu lắm rồi, chắc chẳng sống được bao lâu nữa, vậy mẹ trối cho con một điều, là sau khi mẹ chết, con hãy chôn trái tim mẹ ở gần Mồ Thánh Chúa Giêsu. Chỉ ít lâu sau, đoàn binh Thánh Giá trong đó có con trai bà đã lấy được khu Mồ Thánh Giá Chúa Giêsu ở Giêrusalem. Khi anh trở về nhà thì mẹ chết. Trung thành với lời mẹ trối, anh lấy trái tim mẹ ra, cất riêng trong một cái bình, rồi lại lên đường, vượt ngàn dặm băng qua Thánh địa đem theo trái tim của mẹ. Đường xa dậm thẳng, dọc đường anh dừng lại nhiều nơi. Nhưng không bao giờ rời khỏi tay trái tim của bà mẹ hiền. Một hôm anh ghé trọ nơi gia đình kia, hai ông bà hiếm hoi, chỉ có một cô con gái xinh đẹp vừa tới tuổi cập kê. Cảm mến chàng trai can đảm và hiếu thảo, ông bà ngỏ ý muốn gả cô con gái cho chàng và yêu cầu chàng ở lại làm rể, vì ông bà cũng thoáng thấy mối tình chớm nở giữa đôi bạn trẻ. Mấy ngày đêm trọ tại đó, chàng trai thao thức trằn trọc, tơ lòng bối rối: bỏ thương, vương tội! Không lẽ chôn vùi trái tim mẹ ở đây, để nghe theo tiếng con tim mình. Như thế, còn đâu là tình mẫu tử? Nhưng ôm theo trái tim mẹ, tiếp tục ra đi, để lại mối tình tuyệt vọng, biết bao giờ mới hàn gắn lại được? Sau cùng lý trí đã thắng con tim: chàng nhất quyết từ biệt nàng ra đi, ôm theo trái tim người mẹ yêu quý.

Chàng đã tới Thánh địa và chôn trái tim mẹ bên gần Mồ Thánh Chúa, như lời mẹ đã trối trước khi qua đời.

Thưa quý ông bà và anh chị em, trái tim của bà mẹ kia, phải chăng cũng là Trái Tim của Mẹ Maria trên trời: Mẹ đã trao phó Trái Tim Mẹ cho ta để giữ gìn và ôm chặt vào lòng ta, để Trái Tim đó đưa ta đến gần Chúa Giêsu Con yêu dấu của Mẹ. Ta đừng bao giờ để cho tình yêu thế gian, lòng dính bén sự đời làm cho ta đành lòng bỏ rơi Trái Tim Mẹ ra khỏi lòng trí chúng ta, chôn vùi mất tình yêu mến Mẹ trên trời. Nhưng hãy bắt chước chàng trai hiếu thảo kia cương quyết bỏ lại đàng sau tất cả quyến rũ của ma quỷ, thế gian, xác thịt, luôn luôn ôm chặt lấy TRÁI TIM VÔ NHIỄM MẸ MARIA để Mẹ đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu. Amen.

Trang nhà

Trang  Mẹ Maria