Lễ trái tim Đức Mẹ


Sống trong trái tim Mẹ Maria

+ GM GB. Bùi Tuần

 
Ảnh Đức Mẹ càng ngày càng xuất hiện dưới nhiều hình thức. Hình thức nào cũng đẹp. Nhưng nói về mặt hấp dẫn, thì ảnh Đức Mẹ Trái Tim xem ra được người công giáo Việt Nam yêu mến hơn. Người ngoài công giáo cũng vậy. Tôi cũng thế.

Lý do đơn giản nhất là vì trực giác của người Việt Nam. Theo trực giác Việt Nam, người mẹ vốn được cảm nhận là tình thương. Phương chi một người mẹ lại giới thiệu trái tim mình. Chẳng cần cắt nghĩa gì, trực giác con người bình thường vừa thoáng nhìn, là cảm được một cái gì cao đẹp, linh thiêng, gần gũi.

Với trực giác đó, khi nghe sứ điệp Đức Mẹ ở Fatima về việc tôn sùng Trái Tim Mẹ, tự nhiên tôi vui như được một ơn tái sinh nhiệm mầu.

Tôi dâng mình cho Trái Tim Mẹ. Coi Trái Tim Mẹ như nguồn hy vọng của mình. Đơn sơ vậy thôi. Tôi ở lại trong đó. Tình Mẹ dạy dỗ uốn nắn và dưỡng dục tôi. Mẹ tái sinh tôi.

Ở đây, tôi chỉ xin được chia sẻ mấy điều. Xưa thánh Phaolô đã nói về mấy điều ấy trên đường Ngài phục vụ (x. Cl 1,24-29). Nay tôi cũng nói về mấy điều ấy trên đường tôi phục vụ, nhưng được Trái Tim Mẹ cùng chia sẻ với tôi.

1/ Chịu đau khổ.

Thánh Phaolô viết: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, thì tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Thánh Phaolô đã nói rất thực. Những đau khổ Ngài phải chịu cũng rất thực.

Hôm nay, sau những năm dài phục vụ trong những hoàn cảnh rất khó khăn, tôi thấy các môn đệ Đức Kitô tại Việt Nam cũng hơn kém cảm thấy những lời thánh Phaolô tâm sự xưa đã như nói thay cho mình.

Có nhiều thứ đau khổ. Của riêng mình. Của người khác. Của cộng đoàn mình.

Đau cái đau của Hội Thánh.

Khổ cái khổ của Quê Hương.

Buồn cái buồn của người nghèo.

Lo cái lo của người bệnh.

Có những thân phận bị nhận chìm, không ngóc đầu lên được. Có những trái tim tan vỡ, không sao gắn lành lại được. Có những cuộc đời bị trói lại, bị kéo đi trên những nẻo đường tăm tối, không bao giờ thoát ra được.

Bao thứ khổ đau như thế bước vào tâm hồn tôi, thân mật như những người bạn tìm nơi trú ngụ.

Tôi đón nhận, như một phần sứ vụ Chúa Giêsu dành cho tôi. Thú thực, đau khổ vẫn là đau khổ. Chẳng sung sướng gì. Nhưng khi tôi ẩn mình trong Trái Tim Mẹ, tôi được Mẹ chia sẻ, ủi an, nâng đỡ. Tôi được Mẹ cho nhìn thấy, một cách nào đó, ý nghĩa của những đau khổ, kể cả những đau khổ vô danh, không chân dung, lặng lẽ trong tôi.

2/ Rao giảng Lời Chúa cho trọn vẹn.

Thánh Phaolô viết: “Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: Đó là tôi phải rao giảng Lời Chúa cho trọn vẹn” (Cl 1,25).

Thánh Phaolô xác tín việc rao giảng Lời Chúa cách trọn vẹn là một sứ vụ quan trọng Chúa uỷ thác cho Ngài.

Các môn đệ Chúa tại Việt Nam xưa rày cũng xác tín như vậy. Nhưng cách rao giảng có khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh.

Tôi đã trải qua nhiều chặng đường rất khác nhau của lịch sử Quê Hương và Hội Thánh Việt Nam. Cùng với việc phục vụ trong nhiều thời gian khác nhau và ở nhiều địa phương khác nhau, tôi học hỏi nơi Trái Tim Mẹ cách rao giảng Lời Chúa sao cho thích hợp.

Mẹ cho biết: Nói chung, cách thích hợp nhất là Lời Chúa trước tiên phải thấm nhập vào chính bản thân người rao giảng. Khi diễn tả ra, nó phải ngấm đậm ơn Chúa Thánh Thần qua việc cầu nguyện, gẫm suy và hy sinh.

Chính Mẹ đã là người rao giảng Lời Chúa một cách thích hợp.

Giảng qua cuộc sống “xin vâng” thánh ý Chúa.

Giảng qua cuộc đời biết sống với những người xung quanh một cách tế nhị.

Giảng qua một hiện diện âm thầm, mang ấn tín mọn hèn của người nữ tỳ của Chúa.

Giảng qua một nếp sống bén nhạy toả ánh sáng và tình thương của trái tim người Mẹ coi nỗi khổ của đàn con như chính nỗi đau của chính mình.

Giảng qua những tu đức coi tội lỗi như cực hình xúc phạm nặng nề sự trong trắng của Trái Tim Mẹ và sự cực thánh của Thiên Chúa.

Giảng qua một cuộc đời tu thân có chiêm niệm và dấn thân.

Nhất là giảng qua một cuộc đời luôn tập trung vào Đức Kitô. Như thánh Phaolô quả quyết: “Chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27).

3/ Vất vả phấn đấu.

Thánh Phaolô viết thêm: “Chính vì mục đích ấy, mà tôi phải vất vả và chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Cl 1,29).

Vất vả và phấn đấu trên đường phục vụ, đó là cảm nghiệm sâu sắc của các môn đệ Chúa tại Việt Nam.

Riêng tôi, sự vất vả và phấn đấu nặng nề nhất là đối với chính bản thân tôi. Tôi phải phấn đấu không ngừng với chính mình tôi. Tôi phải vất vả cảnh giác không ngơi với những cái xấu trong tôi.

Tôi thấy vất vả và phấn đấu như thế luôn rất cần để đón nhận được ơn Chúa.

Nhưng những vất vả và phấn đấu của tôi luôn được Trái Tim Đức Mẹ chia sẻ. Hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua những trung gian Mẹ gởi tới.

Phải nói thực rằng: Từ bỏ mình, vác thánh giá mình và theo chân Chúa Giêsu là điều không dễ chút nào.

Nhất là khi Chúa Giêsu bảo tôi theo Người vào tâm trạng cô đơn, xao xuyến, hãi hùng, tăm tối mà Người đã trải qua ở vườn Cây Dầu.

Nhưng, rất may, là trong chính những trường hợp bi đát như thế, Trái Tim Đức Mẹ lại cầu bầu tha thiết cho tôi. Hơn nữa, tôi có cảm tưởng là chính Đức Mẹ cũng cùng khóc với tôi. Người lau nước mặt tôi bằng hơi ấm của tình Mẹ.

Chia sẻ vắn tắt trên đây là một sự kể lại chân thành. Hy vọng nó sẽ góp được phần nào nhỏ bé vào việc cổ động cho việc thi hành sứ mạng Fatima: “Hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ”.

Hoàn cảnh hiện nay đang xuất hiện nhiều dấu chỉ về một tương lai ảm đạm cho đức tin. Nên sự tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ phải được coi là một thuốc mầu. Đức Mẹ đã dạy như thế. Nhiều người đã cảm nghiệm rõ, Chính tôi là một chứng nhân.
 

Trang nhà

Trang  Mẹ Maria