Nguyên tác: Mark Alessio
Mẹ Maria trình diện chúng ta cho
Chúa Kitô. Mẹ dâng những nhu cầu và lời van nài của chúng ta lên Chúa.
Mẹ là khí cụ của lòng thương xót Chúa và là người quản lý “kho tàng ân
sủng” mà Chúa đã dành được cho chúng ta trên đồi Canvariô; Mẹ an ủi tâm
hồn chúng ta và qua sự chăm sóc từ mẫu, Mẹ ban cho con cái của Mẹ bất cứ
sự bình an và hạnh phúc nào mà chúng ta biết được trong thung lũng đầy
nước mắt này – đó là bình an của Chúa Kitô, không gì có thể hơn được.
“Ôi danh thánh Đức Maria! Lòng trí
vui mừng ngây ngất, miệng lưỡi được hưởng vị ngọt như mật ong, tai nghe
như nhạc điệu êm đềm đối với người có lòng sùng kính Mẹ!
Thánh Antôn thành Padua. Năm 1231.
Suy gẫm về ý nghĩa danh thánh
“Maria”
Tiếng Do thái, Maria là Miryam.
Thuở sinh thời của Đức Mẹ, thì ngôn ngữ thông dụng trong dân gian là
tiếng Aramaic, và Miryam được cải biến thành Mariam. Từ nguyên gốc,
Merur, (Mariam) có nghĩa là “cay đắng.”
Miryam là tên người chị của ông
Mô-sê; và các học giả trường phái Rab-bi (các thầy giảng) nhận thấy tên
gọi này là biểu tượng cho thân phận nô lệ của người Do Thái trong tay
người Ai-cập nên nghĩ rằng bà được đặt tên Miryam vì bà sanh ra trong
thời kỳ dân tộc bà bị áp bức. Như ta thấy Cựu Ước ghi chép niên sử “Thời
Gian Trông Đợi” Đấng Cứu Thế đầy ắp những “dự hình” (types) tiên báo
những nhân vật hoặc biến cố sẽ thể hiện rõ ra trong “Thời Kỳ Cứu Độ”
khi Chúa Kitô sống trên trần thế. Giêsu, Maria và Giuse, các Nhiệm Tích
Rửa Tội, Mình Thánh Chúa, Hiến Lễ Canvariô, v.v… đều đã được tiên báo
trong Cựu Ước, nhưng (trong thời kỳ đó) chúng ta nhìn những sự việc này
có thể nói như là “qua một lăng kính mờ tối”, thì nay dưới sự chỉ dẫn
của Giáo Hội Công Giáo là người duy nhất có thẩm quyền chú giải các sách
thánh được rõ nghĩa hơn.
Miryam, chị của Môsê là một “dự
hình” của ĐứcThánh Trinh Nữ. Miryam là nữ ngôn sứ ca bài ca tạ ơn sau
khi (dân bà) vượt qua Biển Đỏ an toàn và quân đội Pharaô bị tiêu diệt;
Đức Maria tiên báo trong kinh Magnificat rằng mọi thế hệ sẽ tôn vinh Bà
và Bà ca ngợi Chúa sẽ lật đổ người kiêu căng và nâng cao kẻ bé mọn như
thế nào. Bà Miryam ủng hộ em Bà là Mô-sê người giải phóng dân tộc mình;
với tư cách là Đồng-Công-Cứu-Chuộc kết hiệp những đau khổ của Bà với
những đau khổ của Đấng Trung Gian Duy Nhất trên núi Canvariô, Đức Maria
đồng lao cộng khổ với Đấng Cứu Chuộc, Giải Phóng Đích Thực của dân Ngài.
Cũng như Đức Giêsu là “đối hình” (anti-type) [nghĩa là hình ảnh kiện
toàn] của Môsê, thì Đức Bà cũng là “đối hình” của Miryam, sự kiện toàn
tối cao của người nữ đứng bên cạnh, và đồng lao cộng tác với người đến
để giải thoát kẻ tù đầy.
Qua hàng bao thế kỷ, các thánh và
các vị học giả đã đề nghị nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của
danh xưng “Maria”. Phối hợp nguồn gốc của danh từ với việc tôn sùng (Đức
Maria) người ta đã có được một giàn ý nghĩa kỳ thú sau đây:
“Maria nghĩa là người soi sáng
bởi vì Người đem Ánh Sáng đến cho thế gian. Theo ngôn ngữ Syriac, Maria
nghĩa là Lệnh Bà. [Thánh Isiđôra thành Séville]
“Xin cũng cho tôi được nói vài lời
về danh xưng này mà đã được giải nghĩa là Ngôi Sao Biển, và quả thật rất
xứng đáng với danh Đức Mẹ Đồng Trinh”. [Thánh Bênađô = Bernard (tạ thế
+) năm 1153]
“Maria nghĩa là Sao Biển vì
những người đi biển được Sao Biển hướng dẫn về bến bờ như thế nào thì
Kitô hữu cũng đạt đến vinh quang nhờ sự can thiệp từ mẫu của Đức Maria
như vậy”. [Thánh Tôma Aquinô
(Aquinas) + 1274]
“Danh xưng rất thánh, rất dịu hiền
và rất xứng đáng này quả là phù hợp tuyệt vời với một phụ nữ đồng trinh
rất thánh, dịu hiền và xứng đáng như vậy. Vì Maria nghĩa là Biển Đắng
Cay, Sao Biển, đấng được soi sáng hay đấng Soi Sáng. Maria được định
nghĩa là Lệnh Bà. Maria là Biển Đắng Cay đối với ma qủy; đối với loài
người thì Maria là Sao Biển, đối với thiên thần thì Maria là đấng Soi
Sáng, và đối với mọi tạo vật thì Người là Lệnh Bà”. [Thánh
Bônaventura + 1274]
Đức Chúa Cha gom tất cả nước vào
một chỗ và gọi đó là biển hoặc maria [tiếng la-tinh là biển]. Chúa Cha
gom hết mọi ân sủng vào một chỗ và gọi là Mary hoặc Maria… Kho tàng vĩ
đại này không gì khác hơn là Đức Maria mà các thánh gọi là ‘kho báu của
Đức Chúa’. Nhờ sự sung mãn của Đức Maria mà mọi người được trở nên giàu
có”. [Thánh Louis de Montfort + 1716]
Danh xưng rất thánh “Sao Biển” có
từ thời thánh Giêrôm (Jerome + 420]. Người ta nói rằng vị tiến sĩ tài
danh nay đã dùng từ ngữ Stilla Maris để mô tả Đức Maria như là
“một giọt nước trong biển cả”, biển cả là Thiên Chúa. Người sau chép lại
đã viết sai chữ stilla [giọt] thành chữ stella
[sao]. Tất nhiên danh xưng rất thánh “Sao Biển” cũng phù hợp tuyệt vời
với Đức Bà:
“’Và tên người Nữ Đồng Trinh ấy là
Maria’. Chúng ta hãy nói một vài điều về danh xưng này, mà ta có thể cắt
nghĩa là Sao Biển, một cách rất thích hợp để chỉ Đức Mẹ Đồng Trinh. Đức
Maria được so sánh một cách tuyệt vời với ngôi Sao Biển, bởi vì một ngôi
sao đổ tràn ánh sáng xuống nhưng không mất đi chút nào bản tính sao sáng
của nó. Mẹ cho ta Con của Mẹ mà không mất đi chút nào tính đồng trinh
của Mẹ. Những tia chói lòa của ngôi sao sáng không lấy bớt đi chút nào
cái vẻ đẹp của ngôi sao. Cũng như người Con không lấy bớt đi chút nào sự
vẹn toàn của người Mẹ.
“Mẹ là ngôi sao sáng của nhà
Giacóp, chiếu rọi khắp thế gian, xuyên thấu từ Tầng Trời Cao Ngất đến
Đáy Vực Sâu Thẳm Hỏa Ngục. Ánh sáng huy hoàng và ấm cúng của Mẹ chiếu
rọi trong tâm trí mọi người, kêu gọi họ sống nhân đức và dập tắt mọi
thói xấu đam mê. Mẹ là sao sáng vinh quang soi tỏ đường đi vượt qua
biển cả cuộc đời, sáng ngời công trạng, nêu gương hướng dẫn thế gian.”
Khi các bạn bị bão táp dữ dội tung lên ném xuống trên biển cả cuộc đời
này, xa đất xa bờ thì hãy nhắm nhìn vào Ngôi Sao này để tránh mọi thảm
họa. Khi bị ngọn gió cám dỗ hoặc những tảng đá ngầm khổ não đe dọa thì
hãy nhìn lên Ngôi Sao mà kêu lên Maria! (Thánh Bernard – trong bài
giảng thứ hai “Missus Est” = được sai đi)
Thánh Jerome căn cứ vào từ ‘mar’
theo tiếng aramaic có nghĩa là “Đức Ông” đã đề nghị dịch từ Mary là “Đức
Bà”. Như vậy “Đức Bà” có một ý nghĩa vương tôn cao qúy [như trong “Đức
Ông và Đức Bà”]. Tuy nhiên tính nhạy cảm của công giáo nhìn nhận nơi Bà
Maria phẩm cách đơn sơ của một người Mẹ cũng như tính cao cả của một vị
Nữ Hoàng đã không ngần ngại thêm vào danh hiệu uy nghi này một nét trìu
mến thân thương. Maria không chỉ là Đức Bà, nhưng còn là “Lệnh Bà” nghĩa
là Đức Bà của chúng ta. Khía cạnh của (danh) Maria --- “Lệnh Bà” (Lady)
hoặc “Bà chủ” (Mistress) rất gần cận với Trái Tim Chúa. Chúng ta đọc
trong Kinh Thánh rằng Thiếu Niên Kitô đã một thời hạ Mình tuân lệnh Đức
Bà và thánh Giuse, một hành động tự hạ Thần Linh khiến thánh Bernard
phải thốt lên kinh ngạc rằng: “Chúng ta nên cảm phục điều gì trước hết?
Sự tự hạ mình lạ lùng của Con Thiên Chúa, hoặc phẩm giá (Đức Maria) được
Đức Chúa ban cho làm Mẹ Thiên Chúa? Cả hai đều kỳ diệu: cả hai đều đáng
kinh ngạc. Thiên Chúa vâng lệnh một người nữ là một sự khiêm nhường vô
tiền khoáng hậu. Một người nữ chỉ huy Đức Chúa của mình là một phương
sách siêu phàm khôn lường.” [Bài giảng thứ nhất về Missus Est = thiên sứ
Gabriel được sai đi] (= Gabriel angelus ad Mariam virginem desponsatam
Joseph = Thiên sứ Gabriel được sai đến gặp cô Maria một trinh nữ đã đính
hôn với ông Giuse)
Nhận
thấy danh hiệu Maria được tiến cử và trân qúi vì những (danh này) bao
gồm rất nhiều học thuyết và tin tưởng
là chuyện không khó khăn gì.
Tỉ như “Biển đắng” [mara = đắng; yam = biển] cộng với lời giải thích
của thánh Bônaventura cũng gợi lên trong trí chúng ta Bẩy Sự
Thương Khó (Sầu
Bi)
của Đức Mẹ và lưỡi gươm “đâm thâu” Linh Hồn Mẹ trên núi Canvariô, nhắc
chúng ta nhớ lại lời than thở của mẹ chồng nàng Ruth đã mất cả chồng lẫn
hai người con trai: “Đừng gọi tôi là Naômi
[nghĩa là mỹ miều] nhưng hãy gọi tôi là Mara [nghĩa là đắng] vì Đấng Tối
Cao đã cho tôi quá nhiều cay đắng. Ruth
1: 20) Maror là “rau đắng”, món rau ăn trong bữa
tiệc
seder ngày Lễ Vượt Qua
(của người Do Thái).
Người “được soi sáng” hướng ta đến hình ảnh cánh chung của “Người Phụ Nữ
mặc áo Mặt Trời” trong sách khải huyền của thánh Gioan, một hình ảnh bao
gồm cả Hội Thánh Công Giáo và Đức Maria, vừa là hình ảnh người Mẹ vừa là
hình ảnh của Giáo Hội. Ngoài ra “người được soi sáng” cũng được trao cho
địa vị “Người (đi) Soi Sáng” và cũng
như thánh Bernard,
thánh Anrét (Aelred, + 1167) phối hợp ý nghĩa này với Ngôi Sao Biển
trong một đoạn văn hùng hồn:
"Vì vậy, hôm nay một Ngôi Sao sáng
đã mọc lên cho chúng ta: Đức
Bà, Thánh Maria. Danh hiệu Ngài
nghĩa là Sao biển; dĩ nhiên ngôi Sao biển đây là (ngôi Sao) của thế
gian. Vì vậy chúng ta phải ngước mắt nhìn lên ngôi Sao này đã xuất hiện
hôm nay trên trái đất để Ngài chỉ đạo chúng ta hầu soi chiếu cho chúng
ta, để Ngài chỉ cho chúng ta biết đường
phải theo,
để Ngài giúp chúng ta có thể thăng tiến. Và vì vậy
quả
là một điều tuyệt diệu khi Đức Maria được đặt nơi cầu thang mà chúng ta
nói đây để chúng ta phải leo lên. Như Thánh Sử nói, Giacóp sanh ra
Giuse, phu quân của Đức Maria, cho nên ngay khi chúng ta hoán cải Ngài
lập tức
xuất hiện và đón nhận Săn sóc chúng
ta, soi chiếu chúng ta trong Ánh sáng của Ngài và cùng đi với chúng ta
trên con đường gian khổ này”. [Bài giảng 24, nhân lễ Sinh Nhật Đức
Maria]
Có một cách chú giải khác về danh thánh “Maria” khá lý thú vì có liên hệ
đến cả Giáo Hội nữa. Theo đó danh xưng này là từ nguyên gốc tiếng Hípri
‘mara’ nghĩa là “đỏ da thắm thịt”
. Theo ngôn ngữ đông phương thì cách diễn tả này
ngụ ý trạng thái no đủ, mập mạp dùng đễ chỉ sắc đẹp và con cái đầy đàn.
Như vậy thì ở đây danh Đức Maria chỉ “Người Đẹp” rất hợp với đấng Vô
Nhiễm Nguyên Tội. [Tota pulchra es, O Maria!... Ôi Maria, Mẹ đẹp toàn
diện] Thánh vịnh đã nói tiên tri về Giáo Hội theo cách này, tất cả đều
ám chỉ đến trạng thái đông con cái và những tặng sủng của Chúa Thánh
Thần: “Hỡi non thần núi thánh, ngọn núi mập mạp… Quả thật nơi đó CHÚA
vui lòng ngự muôn đời. [Tv. 67 (68):16-17]
Hình ảnh này còn văng vẳng sấm ngôn của tiên tri Isaiah
về tình trạng Miễn Trừ Mới [và Giáo Hội], và những lời của
Thiên
Chúa chúng ta:
" Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA
TRỜI
đứng kiên cường vượt đỉnh các non
cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, [Is.
2: 2] . . . "Anh em là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi không
tài nào che giấu được." [Mt. 5: 14]
Đây chính là điểm gặp gỡ giữa Thánh Vịnh và thị kiến Khải Huyền của
thánh Gioan giới thiệu cho ta thấy chức năng từ mẫu của Giáo Hội, một
thiên chức làm mẹ tinh tuyền phản ánh sự Tinh Tuyền của Đức Bà hạ sanh
những “anh em” mới cho Đức Kitô, những người con nam nữ mới của Đức
Maria ["phần hạt giống còn lại
của Bà” danh từ mà thánh Gioan đã đặt cho người Công
giáo trong sách Khải Huyền] và những người con mới của Thiên Chúa Cha:
“Còn những ai đón nhận, tức là
những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên
Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn
của nhục thể, hoặc do ước muốn của người
nam,
nhưng do bởi Thiên Chúa.” [Jn. 1: 12-13]
"Nền tảng từ đó là ở trên núi
thánh: “CHÚA yêu chuộng cửa thành hơn mọi nhà của dòng họ Giacóp. Thành
của Thiên Chúa hỡi, thiên hạ nói bao điều hiển hách về ngươi! … Nhưng
nói về Xion, thiên hạ bảo: "Người người sinh tại đó." Chính Đấng Tối Cao
đã đặt nền móng cho Thành. [Ps. (87) 1-3, 5]
Những sách thần hứng đều tiên báo rằng Giáo Hội sẽ được “tôn vinh” ---
Giáo Hội sẽ được tôn vinh cao hơn đồi núi và mọi quốc gia sẽ chảy vào đó
hết. Và Mẹ của Giáo Hội cũng vậy, Mẹ là người đã tiên báo rằng “từ nay
hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc." Một gợi ý khác cũng phản ánh ý nghĩa
danh thánh Đức Nữ Đồng Trinh được tôn vinh, vẻ đường bệ uy nghi của Nữ
Vương Thiên Đàng. Ý nghĩa này phát xuất từ văn chương Canaan trong đó
chữ mrym [đọc gần giống như Maryam] nghĩa là “đỉnh
cao” [cùng phát xuất như chữ maron , tiếng Hípri
nghĩa là “đỉnh cao”] Như vậy danh thánh Maria có thể định nghĩa là “Công
Nương” hoặc “Đấng được Tôn Vinh.”
Sự say mê tìm hiểu và thăm dò hết mọi khía cạnh thâm sâu và cao cả của
danh thánh Maria này – quả là đặc biệt
hết sức Công giáo này – không phải chỉ đơn thuần là một sự đeo đuổi sùng
đạo không liên hệ gì đến bất cứ quan tâm thần học nào đâu! Trong tất cả
các cách giải nghĩa khác nhau nêu lên đây hiển hiện cả một kho tàng học
thuyết Đức Trinh Nữ không theo như cách diễn tả “vô cảm”
của ngôn ngữ thần học, nhưng là những suy tư rất phong phú và những sự
thật thánh thiêng được khảo sát và giảng dạy bằng một ngôn ngữ dễ hiểu
mà mọi người có thể thưởng thức được!
Trong quyển sách rất hay “Tuổi Thơ Kỳ Diệu Của Thánh Mẫu Thiên Chúa”
thánh Gioan Eudes [+1680] đề ra mười bẩy cách giải thích danh
thánh Maria lấy từ tác phẩm của các thánh Giáo Phụ và một số Tiến Sĩ
Giáo Hội lừng danh. Trong số này chúng ta có “Thiên Chúa sanh ra từ dòng
dõi của tôi” [thánh Ambrôsiô] "Mưa rơi ngoài biển đúng thời đúng tiết”
[Thánh Phêrô Canisius] "Hương Trầm Biển sâu” [thánh Jerome] và niềm hy
vọng của khách lữ hành nơi trần gian sóng gió này” [thánh Epiphanius]
Như vậy là chúng ta thấy quá rõ ràng qua Kinh thánh, Truyền thống và
lịch sử rằng Giáo Hội đã thọ ơn lớn đối với Đức Maria, là Mẹ Đấng Cứu
Thế và là Mẹ chúng ta “trong trật tự ân sủng.” Lòng biết ơn và niềm kính
yêu danh thánh Đức Maria của con cái thiêng lìêng của Mẹ đã thể hiện thế
nào trong Lễ Hội tuyệt mỹ Danh Thánh Đức Maria và danh đáng yêu mến này
có nghĩa gì đối với những ai yêu mến và tôn kính Mẹ Thiên Chúa?
Hạnh Đức và Quyền Lực của Danh
Thánh Đức Bà
Công bằng mà xét lịch sử cứu độ thì ai cũng thấy vị trí thích đáng của
Đức Thánh Trinh Nữ cả trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa
lẫn trong Vương Quốc mà Ngôi Hai đã dành được trên đồi Canvariô. Vì vậy,
Mẹ được cảm tạ và tôn vinh trong cả hai tư cách của một người Kết Hiệp
với Ba Ngôi Thiên Chúa để đem Đức Giêsu đến cho thế gian và một người
đứng bên cạnh Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn của Ngài
kết hiệp
sự “Cùng
- Chịu
Khổ Nạn”
của Mẹ với
Cuộc Khổ Nạn Cứu Độ của Chúa
để phục hồi phẩm giá của loài người sa ngã hầu trở lại tình bạn với
Thiên Chúa. Đã có lời tiên tri trong vườn Địa Đàng rằng Mẹ đấng Kitô sẽ
được thông phần vào công cuộc của Đấng Trung Gian Duy Nhất, và vì thế
đây là một sự tham gia duy nhất trong Vinh Quang của Ngài. Như ông
Simêon đã tiên báo trong Đền Thánh rằng linh hồn của đấng Đồng Công
Chuộc Tội đã bị đâm thâu dưới chân Thánh Giá trên Đồi Canvariô. Mẹ Giáo
Hội không phải trải qua đau đớn khi hạ sanh (Con) Thiên Chúa tại Bêlem
nhưng
đã thực sự chịu những cơn đau đớn tinh thần khủng khiếp trong lúc “hạ
sanh (ơn cứu độ) khi Con (thần linh) của Mẹ bị treo trên Thánh Giá, gánh
chịu một cái chết dã man khôn tả xiết. Và Thiên Chúa trong Sự Khôn Ngoan
của Ngài đã phán quyết rằng những
đau khổ này của Đức Maria được kể như là một
thứ
qúi giá khôn tả xiết trong công
trình cứu chuộc. Đây không phải là những sự đau khổ cứu độ nhân loại như
những đau khỗ của Chúa Giêsu. Chúa không cần những đau khổ đó để tăng
cường hoặc hoàn thiện Hy Lễ quá ư dồi dào của Chúa Giêsu mà chỉ một mình
Ngài có thể và đã thực sự đền tạ cho tât cả tội lỗi của thế gian. Tuy
nhiên, Thiên Chúa đã phán quyết rằng Đức Bà kết hiệp những đau khổ của
Bà với những đau khổ của Đức Giêsu, người Phụ Nữ trong Sách Sáng Thế
đứng bên cạnh hạt giống của Mình trong tiến trình hồi phục thế gian.
Đức Bà đã làm việc này – đã chịu đau đớn như Bà đã chịu – cho chúng ta,
cho con cháu tinh thần mà Chúa Giêsu đã trối lại cho Bà trong con người
của thánh Gioan : “Bà ơi,
đây là con Bà!” Vì vậy, chúng ta thực sự là anh em của Chúa Giêsu,
“những người còn lại trong dòng dõi Bà.”
“Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác áo
mặt trời, chân đạp mặt
trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la
đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Bà đã sinh được một người con, một
người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân.
Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Ngài. Con Mãng Xà
nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại
trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên
Chúa và giữ lời chứng của Đức Giê-su.” [Kh 12, 1-2, 5,17]
Người Phụ Nữ đã được tiên báo trong vườn Địa Đàng… Người Trinh Nữ mà
ngôn sứ I-da-i-a đã tiên báo… Người Đẹp trong sách Diễm Ca… Khi thời
gian đã điểm thì thế gian rốt cuộc được biết tên Bà : “Và Người Trinh Nữ
ấy là Đức Maria.” Đây là Phụ Nữ duy nhất được tôn vinh với tước hiệu
Đồng-Công Chuộc-Tội, đã được Đức Chúa và là Đấng Cứu Chuộc của Bà tưởng
thưởng cho triều thiên Nữ Hoàng trong Vương Quốc của Ngài… và với vai
trò Trung-Gian Muôn Ơn (Bà được quyền)
ban phát những ân sủng này mà Con Bà đã đạt được với một giá rất đắt
trên Thánh Giá.
Vì vậy chúng ta tin tưởng kêu lên cùng người Mẹ này và cũng là Nữ Hoàng
rằng: Kính mừng Maria… Salve Regina (Kính chào Nữ Vương) … Ave
Maris Stella… (Kính chào Sao Biển) Ave Regina Caelorum. (Kính
chào Nữ Vương Thiên Đàng) Vì thế chúng ta tôn vinh, kính trọng và
dành một chỗ đặc biệt trong trái tim cho Danh Thánh “Maria” của Bà, vì
đó là ngọn hải đăng báo hiệu ơn cứu độ chúng ta. Trong thời gian 9 tháng
Đức Giêsu nằm trong cung lòng của Mẹ Ngài, không ai gặp được Đức Giêsu
ngoại trừ qua trung gian của Đức Maria như hài nhi Gioan Baotixita trong
lòng Bà Êlizabéth.
Mọi người, nam cũng như nữ vẫn đi đến với Chúa Giêsu qua Đức Maria:
"Xét mọi sự việc như đã xảy ra, vì Thiên Chúa đã quyết định bắt đầu và
thực hiện những Công Trình vĩ đại của Ngài qua trung gian Đức Thánh
Trinh Nữ ngay từ khi Chúa đã tạo dựng Bà, chúng ta có thể an tâm tin
tưởng rằng Chúa sẽ không thay đổi Chương Trình của Ngài trong thời gian
sắp tới vì Ngài là Thiên Chúa và vì vậy sẽ không có gì thay đổi trong tư
tưởng hoặc đường lối hành động của Ngài.” [Sùng kính đích thực Đức Thánh
Trinh Nữ]
Maria là ái nữ của Ông Gioan
kim và Bà Anna…
Maria không phải là một nữ thần, không phải là nữ
hoàng
chiến
sĩ
của thần thoại, không phải là một nhân vật kỳ dị bí ẩn hiện trong sương
mù lịch sử cổ đại. Bà là một con người, một cá nhân duy nhất được chúc
phúc và tôn vinh, nhưng Bà vẫn chỉ là một con người. Thánh Máximilian
Kôlbê [+1941] viết: “Khi đến lúc đọc về Đức Maria Vô Nhiễm thì bạn nên
luôn nhớ rằng bạn tiếp xúc với một con người khả ái đang sống.” Hèn gì
mà người Công giáo [thành viên của Nhiệm Thể Đức Kitô, và vì vậy “những
người còn lại trong dòng dõi Đức Maria” đã kính trọng danh thánh của Mẹ
mình đến mức độ ấy. Điều này nhắc chúng ta
nhớ
đến lòng nhân từ, lòng thương xót
và lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với loài người
nhọc nhằn vất vả:
"Danh thánh Maria là danh xưng cứu độ cho những ai được hồi sinh;
đó là huy hiệu của nhân đức, là vinh dự của đức khiết trinh, là hy lễ
rất đẹp lòng Chúa, là nhân đức của lòng hiếu khách, là trường thánh
thiện, nói chung là một danh xưng hoàn toàn từ mẫu." [Thánh Phêrô Kim
Ngôn +450]
Dĩ nhiên hiểu giáo lý và Kinh thánh một cách đúng đắn thì một lời tuyên
bố như vậy không thể cắt nghĩa là ngược lại với những lời của thánh
Phaolô nói về
Chúa (Giêsu) và danh thánh của
Ngài:
" Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi
vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu,
cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để
tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức
Giêsu Kitô là Chúa". [Phil. 2: 9-11]
Thánh Phêrô Kim Ngôn không nói rằng danh Đức Maria là một “danh xưng cứu
độ”. Ngài viết rằng “danh thánh Đức Maria là danh xưng cứu độ cho những
người được tái sinh”. Một người muốn đi theo Đức Kitô mà lại chối bỏ
người Mẹ được Chúa Giêsu ban cho họ trên đồi Canvariô là tự lừa dối
mình. Qua các sách Tin Mừng mặc khải Đức Bà được trình diện cho thế gian
dưới danh nghĩa Đấng bầu cử và Trung Gian [trong lúc thăm viếng
bà thánh Êlizabéth
và trong tiệc cưới Cana] và danh nghĩa Người Mẹ Tinh Thần [trên đồi
Canvariô]. Bởi vì đối với Chúa không có sự trình diễn trống rỗng hoặc vô
nghĩa nên chúng ta buộc phải nhìn vai trò bầu cử và chức năng làm mẹ
tinh thần của Đức Maria một cách tích cực, những thành phần sinh tử
trong đời sống thiêng liêng
;
vì thương các linh hồn nên Thiên Chúa đã động lòng
trắc ẩn
mà sắp xếp chương trình Nhập Thể:
" Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. [Jn. 3: 16] ... Vì
Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." [Lk. 19: 10]
Cho nên Đức Thánh Trinh Nữ là một tặng phẩm Thần Linh, một món quà mà
Đấng Cứu Chuộc của Bà trong lúc lâm chung đã truyền lại cho Giáo Hội. Và
tên Bà là gì? Tên Bà sẽ trở nên một danh xưng vượt trổi hơn một danh
xưng. Đó sẽ là dấu chỉ của sự quan tâm của Đức Chúa (Giêsu), một bằng
chứng về Tình Yêu của Ngài… tự nó (danh xưng) cũng là một lời cầu nguyện
rồi:
"Ngày nay ít khi chúng ta nhớ rằng danh xưng này đã một thời được dịu
dàng nói lên trước khi có những tiếng hô vang kính chào (Bà). Có lẽ qua
một ngưỡng cửa nào đó một người đã gọi tên Nàng một cách rất tự nhiên,
“Maria”. Rồi có lẽ Bà đã quay lại vâng lời, và đã từ chỗ các trẻ em đang
vui đùa lúc chiều tà mà đi đến: và không ai biết rằng đã có những lời
nào khác đã được nói với Nàng ngoài danh xưng của một thiếu nữ.” [Cha
John W. Lynch, Một Phụ Nữ Thầm Lặng]
Bà ca nhập Lễ mừng Danh Cực Thánh Đức Bà Maria trích từ thánh vịnh (45)
là một chứng tá hùng hồn cho biết lý do tại sao chúng ta
ca tụng
danh xưng tuyệt mỹ này:
Phú hào trong xứ đến cầu ân xin Công Nương đoái nhìn họ: Bà được dẫn tới
Quân Vương, cùng các trinh nữ theo sau hầu cận. Lòng hoan hỷ, đoàn người
tiến bước, vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung… Thần Thiếp xin nức lòng ca
ngợi, truyền tụng Danh thơm Đức Vua.”
Mẹ Thánh Chúa Kitô đem chúng ta đến trình diện với Ngài. Mẹ trình lên
Ngài những nhu cầu và kiến nghị của chúng ta; Mẹ là khí cụ Lòng Thương
Xót của Ngài và Mẹ có toàn quyền sử dụng “Kho Tàng Ân Sủng” mà Ngài đã
dành được cho chúng ta trên Đồi Canvariô; Mẹ an ủi tâm hồn ta và qua sự
lo lắng từ mẫu, Mẹ ban cho con cái của Mẹ bất cừ thứ bình an và hạnh
phúc nào mà chúng ta biết được trong thung lũng đầy nước mắt này --- (và
điều này)
không gì hơn là bình an của Chúa
Kitô. Chúng ta có thể ra sức bảo tồn sự bình an này trong tâm hồn đau
khổ và mỏi mệt của chúng ta, nhưng Đức Bà vẫn sẵn sàng và tha thiết chia
sẻ liên tục bình an ấy cho chúng ta. Vâng, danh thánh Maria, một danh
xưng ngắn ngủi và đơn sơ ấy đối với chúng ta chứa đựng cả một trời ân
sủng.
"Trong danh xưng Thần Linh [Maria] ấy có một sức
quyến rũ mạnh mẽ và ngọt ngào kỳ diệu đến nỗi chỉ cần nói lên thì lòng
người cứng cỏi cũng trở nên mềm
dịu, và câu văn chỉ cần viết
danh xưng này cũng trở thành tuyệt tác. [Linh mục Orsini]. Thánh
Bônaventura tuyên bố rằng “không ai
trìu mến và tôn kính kêu
danh thánh Maria mà
lại không được ban cho một số ân sủng xứng đáng."
Danh Cực thánh Đức Maria
Trích trong nguyệt san Gia Đình Công Giáo, số tháng 9 năm 2001.
Lê Xuân Mai dịch thuật
|