1.- Việc xác định tín điều Hoài Thai Vô
Nhiễm Nguyên Tội chỉ trực tiếp liên quan đến giây phút đầu tiên của cuộc
đời Mẹ Maria, từ đó Mẹ được “gìn giữ khỏi hết mọi tì vết nguyên tội”.
Như thế, Huấn Quyền của giáo hoàng chỉ muốn xác nhận sự thật từng là đề
tài tranh luận qua các thế kỷ: đó là việc Mẹ được gìn giữ khỏi nguyên
tội, chứ không xác nhận nhân đức thánh thiện kéo dài nơi Vị Trinh Mẫu
của Chúa Kitô.
Sự thật này vốn được chung dân Kitô giáo nhận thức. Được gìn giữ khỏi
nguyên tội, Mẹ Maria thực sự cũng được gìn giữ khỏi tất cả mọi tội mình
làm, và sự thánh thiện nguyên khởi này đã được ban cho Mẹ là để cho cả
cuộc đời của Mẹ.
2.- Giáo Hội đã liên lỉ coi Mẹ Maria được thánh thiện cũng như được
thoát khỏi tất cả mọi tội lỗi hay khỏi tất cả mọi bất toàn về luân lý.
Công Đồng Triđentinô đã diễn tả niềm xác tín này khi xác nhận là không
một ai “có thể tránh được tất cả mọi thứ tội lỗi, ngay cả các tội nhẹ,
suốt cả cuộc sống của mình, trừ khi họ được đặc ân riêng, như Giáo Hội
chủ trương về trường hợp của Đức Trinh Nữ” (DS 1573). Ngay cả trường hợp
người Kitô hữu được ân sủng biến đổi và canh tân cũng không thoát được
việc họ vẫn có thể phạm tội. Ân sủng không gìn giữ họ khỏi tất cả mọi
thứ tội lỗi trong suốt cuộc đời của họ, trừ khi, như Công Đồng Chung
Triđentinô chủ trương, họ được ban cho một đặc ân riêng để bảo toàn tình
trạng miễn nhiệm tội lỗi này. Đó là những gì đã xẩy ra nơi trường hợp Mẹ
Maria.
Công Đồng Chung Triđentinô không muốn xác định đặc ân này, nhưng lại
công bố là Giáo Hội mạnh mẽ khẳng định đặc ân ấy như là một “Giáo điều”
(Tenet), tức là Giáo Hội vững tin điều đó. Quyết định ấy, chẳng những
không làm giảm giá sự thật này đối với niềm tin đạo hạnh hay đối với chủ
trương sùng kính, mà còn xác nhận bản chất của nó như là một giáo điều
vững chắc, hoàn toàn hợp với đức tin của Dân Chúa. Hơn nữa, niềm xác tín
này được căn cứ vào thứ ân sủng mà thiên thần đã qui về cho Mẹ Maria
trong giây phút Truyền Tin. Gọi Mẹ là “đầy ơn phúc”, kecharitoméne, vị
thiên thần tuyên nhận Mẹ như là một người nữ được trang bị bằng một sự
trọn lành bền bỉ cũng như bằng một mức độ hoàn toàn thánh đức, không hề
có một bóng mờ tội lỗi hay bất toàn nào về luân lý hay về tâm linh.
3.- Có một số giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội, những vị chưa xác tín về
tình trạng thánh đức trọn lành của Mẹ, đã qui cho Mẹ Maria những sự bất
hảo hay những khiếm khuyết về luân lý. Một số tác giả gần đây cũng đã
chủ trương giống như vậy. Tuy nhiên, các đoạn Phúc Âm được họ trích dẫn
để biện minh cho những ý kiến này không có nền tảng vững chắc đối với
việc họ qui cho Mẹ của Đấng Cứu Chuộc một tội nào, kể cả một điều bất
toàn nào về luân lý.
Câu Chúa Giêsu trả lời cho mẹ của Người vào năm lên 12 tuổi: “Cha mẹ tìm
Con làm chi? Cha mẹ không biết rằng Con phải ở trong nhà của Cha Con hay
sao?” (Lk 2:49), đôi khi được hiểu như một lời trách móc kín đáo. Tuy
nhiên, nếu đọc kỹ đoạn trình thuật này, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã
không trách cứ Mẹ của Người và Thánh Giuse về việc tìm kiếm Người, vì
các vị có trách nhiệm phải coi sóc Người.
Sau khi lo lắng tìm kiếm Người, Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu với câu hỏi
“tại sao” Người làm như vậy mà thôi: “Hỡi Con, tại sao Con lại đối xử
với chúng ta như vậy?” (Lk 2:48). Và Chúa Giêsu đã trả lời bằng một vấn
đề “tại sao” khác, không hề khiển trách tí nào, song chỉ có ý nói đến
mầu nhiệm vai trò làm con thần linh của Người.
Những lời Người nói ở tiệc cưới Cana cũng vậy: “Này Bà, Tôi với bà đâu
có can dự gì? Giờ của Tôi chưa đến” (Jn 2:4), được cắt nghĩa như là một
lời khiển trách. Thấy được cái khả dĩ bất lợi gây ra cho đôi tân hôn bởi
việc thiếu rượu, Mẹ Maria đã nói với Chúa Giêsu một cách giản dị, ký
thác vấn đề cho Người. Mặc dù biết rằng mình là Đấng Thiên Sai buộc phải
vâng lời nguyên ý muốn của Cha mà thôi, Người cũng đã đáp ứng điều yêu
cầu dụng ý của Mẹ. Trước hết, Người đáp lại đức tin của Vị Trinh Nữ, và
bởi thế Người cũng đã thực hiện phép lạ đầu tiên để qua đó Người có thể
tỏ vinh quang của Người ra.
4.- Sau này còn có một số đã giải thích cách tiêu cực về lời Chúa Giêsu
phát biểu khi Mẹ Maria và họ hàng của Người yêu cầu được gặp Người vào
lúc mở màn cho cuộc đời công khai của Người. Thuật lại cho chúng ta nghe
câu Chúa Giêsu trả lời với kẻ trình Người rằng “Mẹ của Người và anh em
của Người đang đứng ở bên ngoài mong được gặp Người”, Thánh Ký Luca đã
cống hiến cho chúng ta một mấu chốt cắt nghĩa cho trình thuật này, một
trình thuật phải được hiểu theo những hướng chiều nội tại của Mẹ Maria,
những hướng chiều hoàn toàn khác với của các “anh em” Người. Chúa Giêsu
đã đáp lại rằng: “Mẹ của Tôi và anh em của Tôi là những người nghe lời
Thiên Chúa mà giữ lấy” (Lk 8:21). Ở trình thuật Truyền Tin, Thánh Luca
thật sự đã cho thấy Mẹ Maria là mẫu gương lắng nghe lời Chúa và hết sức
dễ dạy. Hiểu theo khía cạnh này thì lời Chúa Giêsu đáp trong đoạn Mẹ
muốn gặp Con Mẹ là lời hết sức ca ngợi Mẹ, một con người đã hoàn toàn
làm trọn dự án thần linh nơi cuộc đời của mình. Mặc dù những lời của
Chúa Giêsu có trái ngược với nỗ lực của anh em Người (trong việc họ cố
gắng chu toàn dự án của Thiên Chúa như Mẹ Maria - người dịch hiểu ý ĐTC
muốn nói ở chỗ này là như thế), những lời ấy cũng ca ngợi lòng trung
thành của Mẹ Maria với ý muốn của Thiên Chúa, và ca ngợi vai trò làm mẹ
cao cả của Mẹ nữa, một vai trò Mẹ sống chẳng những về phương diện thể lý
mà còn về cả phương diện thiêng liêng nữa.
Trong việc bày tỏ lời khen tặng một cách gián tiếp này, Chúa Giêsu sử
dụng một phương pháp đặc biệt, đó là Người nhấn mạnh đến tính cách cao
quí nơi tác hành của Mẹ Maria theo ý nghĩa của những câu phát biểu tổng
quát, và chứng tỏ cho thấy rõ hơn về sự liên kết và gần gũi của Vị Trinh
Nữ này với loài người trên con đường nên thánh khó khăn.
Sau hết, những lời “Phúc thay cho ai nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy!”
(Lk 11:28), được Chúa Giêsu nói để trả lời cho người đàn bà đã khen Mẹ
diễm phúc, chẳng những không gây ra sự nghi ngại về sự toàn thiện bản
thân của Mẹ Maria, mà còn làm sáng tỏ việc Mẹ trung thành hoàn tất lời
của Thiên Chúa: Giáo Hội đã hiểu những lời này như thế, nên đã đặt câu
nói ấy vào việc cử hành phụng vụ để tôn kính Mẹ Maria.
5.- Đặc ân riêng Thiên Chúa đã ban Mẹ, một con người “toàn thánh”, khiến
chúng ta phải lên tiếng ca ngợi những kỳ công ân sủng đã thực hiện nơi
cuộc đời của Mẹ. Đặc ân riêng này cũng nhắc nhở chúng ta rằng Mẹ Maria
luôn luôn và hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, và không có một bất toàn nào
có thể tác hại đến tình trạng Mẹ hoàn toàn sống hoà hợp với Thiên Chúa.
Đời sống trần gian của Mẹ do đó đã được đánh dấu bằng một cuộc liên lỉ
lớn lên một cách cao quí trong đức tin, đức cậy và đức mến. Như thế, đối
với các tín hữu, Mẹ Maria là dấu chỉ sáng ngời tỏ ra Tình Thương thần
linh, và là một vị hướng đạo lành nghề dẫn đến những chóp đỉnh thánh
thiện và mức thiện toàn của Phúc Âm.
(Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL,
dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 26/6/1996) |