Ngày lễ Sinh nhật Đức
Mẹ 8 tháng 9 năm 2006 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau khi họp
Hội nghị thường niên tại Huế, đã công bố Thư mục vụ với đề tài :
Sống đạo hôm nay. Thư mục vụ viết : “Đời sống
đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em”
(số 1). Chúng ta sẽ cùng nhau xem Đức Mẹ đã thực hành hai điểm đó thế
nào và dạy chúng ta sống thế nào.
I. GẮN BÓ VỚI THIÊN CHÚA
Đức Mẹ đã
hết lòng gắn bó với Thiên Chúa, nghĩa là vâng theo ý Chúa
Cha và sống với Chúa Giê-su.
1. Vâng theo ý Chúa Cha
a) Khi nghe
thiên sứ truyền tin, báo cho Đức Mẹ là Đức Mẹ sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế
thuộc dòng dõi vua Đa-vít mà vẫn còn đồng trinh, Đức Mẹ đã bối rối.
Nhưng khi được thiên sứ giải thích rằng đó là việc Thiên Chúa làm,
Đức Mẹ đã hoàn toàn vâng phục và thưa : “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Chúa thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói” (Lu-ca 1,28-38). Từ đó,
Đức Mẹ đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn của
cuộc đời, kể cả khi theo Con mình đến tận chân Thánh giá.
b) Chúng ta cũng phải noi gương Đức Mẹ để biết lắng nghe và
tuân giữ Lời Thiên Chúa. Như vậy chúng ta sẽ đáng được Chúa Giê-su khen
là có phúc và nhận chúng ta là anh em của Chúa (Lu-ca 8,21 ; 11,28). Nhờ
lắng nghe Lời Chúa mà chúng ta đọc trong Kinh Thánh hoặc nghe đọc trong
Phụng vụ, chúng ta sẽ có thể nhận ra ý Chúa muốn chúng ta làm gì trong
mỗi hoàn cảnh của cuộc đời, và hoàn toàn vâng theo ý Chúa khi vui cũng
như lúc buồn. Xưa trong tiệc cưới Ca-na, Đức Mẹ đã nói với các gia nhân
: “Ông Giê-su bảo gì, các anh cứ làm theo” (Gio-an 2,5) ; nay Đức Mẹ
cũng nói với chúng ta như vậy : “Đức Giê-su bảo gì, các con cứ làm
theo.”
Câu hỏi để suy nghĩ và trao đổi :
– Đức Mẹ đã vâng theo ý Chúa khi nào ?
– Chúng ta nghe và tuân giữ Lời Chúa thế nào ?
2. Sống với Chúa Giê-su
a) Từ khi
thụ thai Chúa Giê-su trong lòng, Đức Mẹ đã luôn luôn gắn bó với
Chúa Giê-su, sống với Chúa. Mọi suy nghĩ và việc làm của Đức Mẹ đều nhằm
phục vụ người Con yêu quí, như sách Tin Mừng cho chúng ta thấy, nhất là
trong cuộc đời thơ ấu của Chúa Giê-su : Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Giê-su,
đã dâng con trong đền thờ, đã đưa con trốn sang Ai-cập, đã ba ngày tìm
con bị lạc trong đền thờ. Từ khi Chúa Giê-su ra giảng đạo, chúng ta ít
thấy Đức Mẹ xuất hiện, có lẽ vì Đức Mẹ tôn trọng, không muốn gây cản trở
cho hoạt động của Chúa Giê-su. Nhưng trong giờ hãi hùng nhất, là giờ
Chúa Giê-su chịu thương khó, khi các môn đệ đã bỏ trốn hết, chỉ còn một
mình ông Gio-an, thì chúng ta thấy Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh giá để
cùng chịu đau khổ với Con (Gio-an 19,25-27).
b) Như vậy Đức Mẹ nêu gương cho chúng ta. Nhờ bí tích thánh
tẩy, chúng ta đã trở nên một thân thể mầu nhiệm với Chúa Giê-su và được
sống sự sống thần linh Chúa ban. Vì thế mỗi người chúng ta cũng có thể
nói như thánh Phao-lô : “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức
Ki-tô sống trong tôi” (Ga-lát 2,20). Chúng ta cần ý thức điều đó để nhớ
rằng : Có Chúa Giê-su luôn luôn ở với ta trong mọi giây phút cuộc đời,
Chúa không bao giờ bỏ ta. Vì thế ta luôn sống với Chúa và có thể cầu
nguyện với Chúa mọi nơi mọi lúc. Đặc biệt trong những giờ phút gặp khó
khăn, đau khổ, ta biết rằng Chúa luôn ở bên ta, để ban ơn giúp sức cho
ta vượt qua thử thách.
Câu hỏi để suy nghĩ và trao đổi :
– Đức Mẹ đã sống với Chúa Giê-su thế nào ?
– Chúng ta phải sống với Chúa Giê-su thế nào ?
II. ĐẾN VỚI ANH CHỊ EM
Đức Mẹ luôn gắn bó và sống với Chúa, nhưng vẫn sinh hoạt như bao người
khác khi sống trong gia đình Na-da-rét, đồng
thời để ý đem Chúa đến cho người khác.
1. Sống đời sống gia đình
a) Thánh
Gia Chúa Giê-su, Đức Mẹ và Thánh Giu-se là một gia đình không
như những gia đình khác. Thế nhưng tại Na-da-rét Thánh gia đã sinh hoạt
bình thường như những người khác. Đức Mẹ là một người nội trợ ; Thánh
Giu-se là một người thợ, lao động để nuôi sống gia đình, và cũng đã
truyền nghề lại cho con, nên Chúa Giê-su khi ra giảng đạo cũng được gọi
là “bác thợ” (Mác-cô 6,3), “con của bác thợ” (Mát-thêu 13,55). Thánh Gia
không sống xa cách với người khác, nên ai ai cũng biết (Gio-an 6,42).
Đặc biệt, Thánh Gia chú trọng đến việc giữ đạo như lề luật Chúa dạy :
khi sinh con được tám ngày thì làm phép cắt bì (Lu-ca 2,21) ; đến thời
gian luật định thì đem con lên đền thờ để tiến dâng con cho Chúa và dâng
lễ vật (2,22-24) ; khi trẻ Giê-su được mười hai tuổi thì cả gia đình đi
hành hương lên Giê-ru-sa-lem nhân lễ Vượt Qua (2,41-42). Chúa Giê-su là
Thiên Chúa thật, nhưng cũng là người thật, nên chắc hẳn Thánh Giu-se và
Đức Mẹ đã có vai trò quan trọng trong việc giáo dục Chúa Giê-su về mặt
nhân bản và đạo đức (x. Lu-ca 2,51).
b) Chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ để sống với Chúa trong đời
sống gia đình và trong những liên lạc với người khác. Ngày nay có nhiều
ảnh hưởng bên ngoài có thể gây nguy hại cho sự đoàn kết trong gia đình
cũng như cho việc giáo dục con cái. Noi gương Thánh Gia, mỗi gia đình
công giáo phải luôn luôn đặt ý Chúa trên hết, và như vậy giữ vững được
tình yêu giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái, giữa anh em chị em, đồng
thời giáo dục con cái nên những con người tốt trong xã hội, những tín
hữu tốt trong Giáo Hội.
Câu hỏi để suy nghĩ và trao đổi :
– Tại Na-da-rét Đức Mẹ đã sống đời sống gia
đình thế nào ?
– Mỗi gia đình chúng ta phải sống thế nào ?
2. Đem Chúa Giê-su đến cho người khác
a) Đức
Mẹ có Chúa Giê-su nhưng không ích kỷ giữ riêng cho mình, mà Đức Mẹ
đem Chúa đến cho người khác. Như khi thiên sứ truyền tin đã cho Đức Mẹ
biết là bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng, tuy già rồi mà đã có thai con đầu
lòng, thì lập tức Đức Mẹ đi đến miền núi xa xôi để thăm bà, chia vui với
bà ; Đức Mẹ cũng đem Chúa Giê-su khi đó còn đang ở trong lòng Đức Mẹ đến
cho bà, khiến cho người con ở trong lòng bà đã nhảy lên vì vui sướng
(Lu-ca 1,36-44). Rồi khi Chúa Giê-su sinh ra, Đức Mẹ cũng đưa Chúa ra
cho các người chăn chiên và các nhà chiêm tinh bái lạy (Lu-ca 2,16 ;
Mát-thêu 2,11). Sau khi Chúa Giê-su lên trời, chúng ta thấy Đức Mẹ cùng
cầu nguyện với các tông đồ và một số người khác để trông đợi Chúa Thánh
Thần ngự xuống như Chúa Giê-su đã hứa (Công vụ 1,13-14). Đây là lần cuối
cùng Tân Ước nhắc đến “thân mẫu Đức Giê-su” : vào lúc Hội Thánh khởi
đầu, Đức Mẹ có mặt, và chắc Đức Mẹ cũng đồng hành cách thiêng liêng với
các tông đồ trong những bước đường truyền giáo, để cũng như Đức Mẹ, các
ông đem Chúa Giê-su đến cho thế giới. Vì thế Hội Thánh quen kêu cầu Đức
Mẹ là “Nữ Vương các thánh tông đồ”.
b) Đức Mẹ cũng là người hướng dẫn và đồng hành với chúng ta,
để chúng ta ra đi đem Chúa Giê-su đến cho người khác. Ngày nay trên thế
giới, và ngay bên cạnh chúng ta, vẫn còn vô số người chưa biết Chúa
Giê-su. Chúng ta phải là những tông đồ làm chứng cho Chúa, đem Tin Mừng
của Chúa đến cho họ. Khi mỗi người chúng ta làm ăn lương thiện, biết để
ý đến người khác và giúp đỡ những người thiếu thốn, những người đau khổ
về thể xác cũng như về tinh thần, khi mỗi gia đình chúng ta sống hoà
thuận yêu thương nhau và cởi mở với những người xung quanh, là chúng ta
làm chứng cho Chúa và làm cho Chúa hiện diện trong xã hội. Đặc biệt
trong một thế giới đầy bóc lột, hận thù, khủng bố, người tín hữu phải
làm chứng cho tình yêu của Chúa.
Câu hỏi để suy nghĩ và trao đổi :
– Đức Mẹ đã đem Chúa đến cho người khác khi
nào ?
– Ngày nay chúng ta làm chứng cho Chúa cách nào ?
Bài
này có lẽ hơi dài. Chúng ta (cá nhân, gia đình, nhóm nhỏ, giáo xứ) có
thể đọc mỗi lần một phần, suy nghĩ, cầu nguyện, rồi trao đổi, tìm cách
áp dụng cho đời sống.
Xin Đức Mẹ soi sáng cho chúng ta hiểu hơn Đức Mẹ đã sống đạo thế
nào, và xin Đức Mẹ giúp chúng ta noi gương Đức Mẹ sống đạo
hôm nay trong lòng xã hội Việt
Nam. Như vậy chúng ta sẽ thực hiện như
Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt
Nam mong ước, là “làm vinh danh Thiên
Chúa và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mọi người” (số 11).
Trích Thư Mục vụ của
Toà Giám mục Phát Diệm
Tháng Mân Côi 2006 |