Lễ Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa


Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
Phó Tế Giuse Nguyễn Cao Phong

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Tuần vừa qua, chúng ta mừng lễ Giáng Sinh và hôm nay, chúng ta được mời gọi mừng lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Một người phàm, một người phụ nữ yếu mềm đã được Chúa chọn làm dụng cụ cho Ngôi Lời nhập thể; Đấng Tối Cao đã được một người phàm cưu mang và cho ra đời làm người. Thật là một mầu nhiệm chúng ta không thể tưởng tượng nổi, một mầu nhiệm làm mẹ. Tôi xin chia sẻ cùng quý vị một vài yếu tố trong mầu nhiệm này để chúng ta cùng nhau suy niệm và sống một năm mới xứng đáng là con Chúa và cũng là con Mẹ.

Là một thiếu nữ độ mười bốn tuổi vừa kết hôn thì có người báo tin sẽ cưu mang Đấng Cứu Độ! Thật khó tin và khó chấp nhận vì người ta sẽ châm biếm và dị nghị; người chồng sẽ hiểu lầm và chối bỏ. Nếu người thiếu nữ này chối bỏ lời mời gọi của Sứ Thần thì cuộc đời cô sẽ không phức tạp và sẽ có một đời sống ảm đạm như mọi người. Nhưng không, người thiếu nữ này đã tìm được can đảm trong lòng mình để rồi nói lên hai tiếng xin vâng. Đó là tấm lòng vâng phục thánh ý Chúa, một yếu tố trong đời Mẹ để lại cho chúng ta.

Trong bài thánh ca Xin Vâng , chúng ta hát rằng “xin vâng, mẹ dạy con hai tiếng xin vâng, hôm qua hôm nay và ngày mai. Xin vâng !” Chúng ta học theo Mẹ vâng theo ý Chúa không những trong một ngày nhưng trong mọi ngày trong đời sống; không những trong những gì có lợi ích cho riêng mình nhưng trong những khó nhọc đau thương. Khi chúng ta nói lên lời xin vâng như Mẹ, chúng ta sẽ cưu mang Chúa trong lòng để chia sẻ với những người chung quanh. Nếu là vậy, chúng ta có sống theo gương Chúa và mẹ hay không hay là chúng ta còn “ăn hành nói tỏi và trồng gian hái lận?”

Mẹ không làm những chuyện đó nhưng ngược lại, vì đã vâng phục theo Thánh Ý Chúa, Mẹ sống với một tấm lòng chịu đựng. Ông Simeon đã nói cùng Mẹ; “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà .” Thật vậy, mang nặng đẻ đau và nuôi nấng con với bao nhiêu lo âu và rồi sẽ phải chứng kiến cảnh con mình phải chịu đau khổ và bị giết chết. Một người mẹ, dù là mẹ Thiên Chúa, phải chịu đựng như vậy thì thật sự là một hy sinh rất lớn. Tấm lòng của Mẹ dù đau khổ tan nát tới đâu, và thật sự một lưỡi gươm đã đâm thấu tâm hồn Mẹ, Mẹ cũng giữ trọn vẹn hai chữ xin vâng.

Sự chịu đựng của Mẹ không những cho riêng Mẹ nhưng “để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ .” Mỗi người biểu lộ sự đau khổ của mình mỗi cách; có người chịu đựng trong âm thầm, có người tỏ bày để có người chia sẻ, cũng có người vì mình đau khổ nên bắt người khác phải đau khổ theo, vv… Chúng ta là loại người nào; chúng ta chia vui sẻ buồn với nhau hay chúng ta là niềm đau khổ cho nhau? Qua Mẹ, Chúa đã chia sẻ đời sống con người và gánh chịu sự đau khổ loài người để thông cảm với những ai đau thương. Ngày nào chúng ta chưa biết xoa dịu nỗi đau thương cho nhau thì sở hữu của loài người vẫn là những đau thương chúng ta gây cho nhau.

Mẹ có thể vâng phục và chịu đựng như vậy vì Mẹ có một đức tin vững vàng và lòng mến sắc son vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ tin rằng Thiên Chúa không bỏ rơi Mẹ và vẫn giữ vững niềm tin trong lúc đau thương và thật vậy, Ngài vẫn luôn luôn song hành cùng Mẹ qua những thăng trầm trong cuộc sống thế gian. Lòng tin cậy và yêu mến của Mẹ không bị chi phối chia sẻ nhưng đặt trọn vào Thiên Chúa và Mẹ không bị thất vọng vì Ngài không để cho những ai tin yêu Ngài phải bị thất vọng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhiều khi phải đối phó với nhiều những thất vọng; thất vọng vì thất bại, vì bạn bè quay lưng nghểnh mặt, vì gia đình tan vỡ, vì công việc làm sụp đổ, vv…; nhưng tôi xin hỏi rằng chúng ta có khi nào thất vọng với Thiên Chúa hay không? Tôi tin rằng đôi lúc cũng có; một lời nguyện không thành, một lời khấn không toại, một ơn lành xin hoài không thấy, vv… Ngược lại, đức tin và lòng mến của Mẹ không dựa vào những gì Mẹ xin nhưng Mẹ tin yêu vì những hồng ân Chúa ban cho Mẹ.

Vì chấp nhận nhưng không đòi hỏi, Mẹ giữ một tấm lòng suy niệm về những hồng ân Chúa ban cho mẹ. Chúng ta thường nghe trong Phúc Âm là Mẹ suy niệm những sự việc ấy trong lòng, dù rằng những sự việc ấy làm cho mẹ bối rối. Mẹ suy niệm để hiểu Thánh Ý Chúa trong cuộc sống của Mẹ. Tôi tin rằng những giây phút suy tư này là những giây phút Mẹ đàm thoại với Thiên Chúa và cũng là những giây phút Ngài an ủi Mẹ trong những nỗi lo âu cuộc sống.

Sống trong một xã hội vật chất và bận rộn sinh nhai, chúng ta có tìm được một vài phút trong ngày để suy tư về hồng ân Thiên Chúa ban cho không hay là những lo âu cuộc sống đã lấn ép hết thời giờ và trí óc không còn chỗ cho Ngài đứng chân? Chúng ta hãy học nơi Mẹ lòng suy tư này để chúng ta có thể nhận ra Chúa và Thánh Ý Ngài nhiều hơn trong cuộc sống.

Bước sang năm Dương lịch mới, chúng ta được mời gọi suy niệm về mầu nhiệm Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ vâng phục Thánh Ý Chúa, kiên trì qua những thăng trầm trong cuộc sống, luôn luôn giữ một đức tin vững vàng và một lòng mến sắc son nơi Ngài, và có một tấm lòng suy niệm về Thánh Ý Ngài, Đấng đã mang lấy thân phận con người để chia vui sẻ buồn với chúng ta trong cuộc sống.

Qua lời cầu bầu của Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta, nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và an ủi quý vị trong những thăng trầm của cuộc sống trong năm mới.

Trang nhà

Trang  Mẹ Maria