1. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa : Tước hiệu nầy có to tát quá không ? Khi xuống thế làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy bản tính của nhân loại. Nếu Ngài đã không từ chối sinh ra trong lòng một dân tộc cứng đầu và phản loạn, đã không chọn cho mình một gia đình quí tộc đế vương, nhưng lại chấp nhận thuộc dòng con cháu Áp-ra-ham mà trong thứ tự gia phả (Mt 1,1-16) đã có ít nhất 4 người phụ nữ không ra gì : Ta-Ma loạn luân (St 38, 1-30), Ra-kháp mãi dâm (Gs 2, 1-21), Rút ngoại đạo (R 3-4), Bát-sê-ba ngoại tình (2 Sm 11,12), thì việc Ngài làm con Đức Maria, một Trinh nữ thánh thiện, không nhiễm tội truyền, có gì là không chấp nhận được ! Cũng thế, nếu Đấng Kitô của Thiên Chúa lại chấp nhận chen lẫn với đoàn người tội lỗi lội xuống dòng sông Gio-đan để Gioan Tẩy Giả thanh tẩy, nếu “Đấng Thánh của Thiên Chúa” sẵn sàng đàn đúm với bọn người thu thuế tội lỗi như Matthêo, như Maria Mađalêna…, nếu “Con Chiên vẹn tuyền của Thiên Chúa”, lại chấp nhận bị kết án, bị lột trần, bị đánh tan nát và bị đóng đinh chết giữa hai tên trộm cướp…, thì việc Ngài chấp nhận làm Con của một người Trinh Nữ thánh thiện có gì là bất hợp lý đâu !
Chẳng những đã không bất hợp lý mà lại rất cần thiết ; vì Đức Trinh Nữ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để cộng tác với Ngài trong công cuộc thực hiện chương trình cứu rỗi mà thư thánh Phaolô gởi giáo đoàn Galát vừa khẳng định trong Bài đọc 2 : “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”
2. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa để chúng ta được làm con Trước lời đề nghị của thiên sứ Gáp-ri-en “Bà sẽ sinh hạ một con trai…”, nếu Đức Maria cực lực chối từ, thì không biết tương lai nhân loại hôm nay đi về đâu. Thật là may mắn, lời “Xin Vâng” đã được vang lên, và thế là tất cả nhân loại đã được lôi kéo đi vào quỹ đạo của ơn cứu độ. Nói cách khác, Đức Maria chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa để tất cả chúng ta được diễm phúc làm con Thiên Chúa. Thánh Bênađô đã diễn tả giây phút huyền nhiệm buổi truyền tin bằng một bài giảng thâm thúy với tựa đề “cả thế giới chờ đợi câu trả lời của Đức Maria” :
” Lạy Đức Trinh nữ xin mau trả lời…Mẹ lưỡng lự làm chi, run sợ làm gì ?...Lúc nầy đơn sơ trong trắng mà quên lãng khôn ngoan thì chẳng xứng hợp chút nào. Lạy Đức Trinh nữ khôn ngoan, trong sự việc có một không hai, xin Mẹ đừng sợ phải liều. Mẹ làm thinh vì e ngại, đó là điều đẹp lòng Chúa, nhưng bây giờ Mẹ nói ra vì hiếu thảo thì lại là điều cần thiết hơn. Lạy Đức Trinh Nữ diễm phúc, xin Mẹ mở tâm hồn để tin, mở miệng nói lên lời ưng thuận và mở lòng để đón Đấng Tạo Thành ra Mẹ. Nầy Đấng mọi dân tộc khao khát đang đứng bên ngoài và gõ cửa. Ôi, nếu như Mẹ chần chừ mà Người đi qua mất, thì Mẹ lại phải khổ công tìm kiếm Đấng lòng Mẹ mến yêu ! Xin Mẹ trỗi dậy, chạy ra, mở cửa. Xin Mẹ trỗi dậy với lòng tin, chạy ra với lòng mến và mở cửa bằng sự ưng thuận. Đây Mẹ đã nói : Vâng, nầy tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời thần sứ phán”.
3. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa để Hội Thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ Nếu trong thời chiến tranh Việt nam 30 về năm trước, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khắc họa hình ảnh của “Người Mẹ Việt Nam” chắt chiu chăm sóc đàn con bằng những lời ca thật đẹp trong ca khúc “Huyền thoại Mẹ” : “Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ canh từng bước chân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa. Mẹ lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại, mẹ nhẹ nhàng đưa lối, tiễn con qua núi đồi…Mẹ là nước chứa chan, trôi giùm con phiền muộn, cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan…” ; thì ở giữa lòng Hội Thánh Công Giáo hôm nay, không chỉ là một ảnh hình khắc họa của thi ca, của âm nhạc, Mẹ Maria đã đang và mãi mãi đồng hành với Hiền Thê của Con Mẹ, để làm cho Hội thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ. Từ Lộ Đức tới La Vang, từ Trà Kiệu tới Fatima…Mẹ luôn dõi theo từng bước chân của Hội Thánh để chăm sóc giữ gìn, để động viên an ủi, để dạy bảo răn đe. Nói cách khác, Mẹ không ngừng đem cho Giáo Hội những làn gió mát của Thánh Thần để chiếc sáo Giáo Hội rung lên những giai điệu tuyệt vời hầu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân tộc, như cách diễn tả của thi sĩ Xuân Diệu, một người ngoại giáo, đã cảm nhận sâu sắc về Mẹ Trà Kiệu qua mấy vầng thơ mượt mà thanh thoát : Nên hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ, Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng. Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió, Mẹ là trời con là hạt sương rung.
4. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Nữ vương của hòa bình Thế giới hôm nay đúng là đang quay quắt trong một “buổi trưa hè nóng nực” với cái không khí của bạo lực tràn lan, khủng bố, chiến tranh, chết chóc, tội ác lan tràn. Thật đúng lúc và thích hợp khi Đức Maria Mẹ Thiên Chúa được chọn như “Người Mẹ của Hòa Bình” để ngày hôm nay, đầu năm Dương Lịch, cả Hội Thánh dâng lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Trong những ngày Giáng Sinh vừa qua, hình ảnh Mẹ Maria bên cạnh hài nhi Giêsu, Hoàng tử Hòa Bình và thánh cả Giuse, người thợ mộc im lặng của làng Na-da-rét đã cho chúng ta cảm nhận được ý nghĩa đích thực của bốn chữ “bình an dưới thế”. Đó là sự bình an của máng cỏ khó nghèo. Đó là sự bình an của những tâm hồn mục đồng đơn sơ chất phác. Đó là sự bình an của những đạo sĩ phương đông khao khát kiếm tìm chân lý. Đó là sự bình an của những tâm hồn khiêm hạ tuân phục thánh ý Thiên Chúa như Maria, như Giuse. Đó là sự bình an được gặp gỡ Thiên Chúa, bồng ẵm Chúa trên đôi tay già nua cằn cỗi của mình như cụ già Simêon. Sở dĩ thế giới hôm nay đang chìm ngập trong chiến tranh máu lửa bới vì thế giới đang thiếu những không gian như máng cỏ Bê Lem, những tâm hồn khiêm hạ khó nghèo và thánh thiện như Hài Nhi Giêsu, như Mẹ Maria, thánh Giuse, cụ già Simêon…Đã đế lúc, không chỉ cầu nguyện cho hòa bình mà mỗi người chúng ta phải là những tác nhân đi xây dựng hòa bình, phải là những tông đồ mang “Hoàng Tử Bình An” đến cho nhân loại.
Bài học sâu xa nhất, cụ thể nhất mà chúng ta có thể học được nơi Đức Mẹ để trở nên tác nhân của hòa bình đó chính là biết “Xin vâng”, như lời kinh cầu nguyện cùng Mẹ Maria trong dịp Mừng Năm Thánh 2000 của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II :
Xin Mẹ hãy dạy chúng con một điều duy nhất nầy mà thôi, là biết thưa “XIN VÂNG” với thánh ý của Thiên Chúa Cha, biết thưa “XIN VÂNG” với Tin Mừng của Chúa Con, và thưa “XIN VÂNG” với tác động của Chúa Thánh Thần. Cùng với Mẹ, Chúng con bước đi trên con đường thời gian, Để đến với anh chị em, Và sống hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa, Nơi Mẹ đã đi trước nêu gương cho chúng con. Lạy Đức Nữ Đồng trinh, Xin Mẹ hãy hướng dẫn chúng con tiến đến ngàn năm mới, Và xin giúp chúng con bước theo Mẹ, Trong sứ mạng Mẹ đã lãnh nhận. Như Mẹ đã đưa Chúa Kitô Vào trong nền văn hóa Do Thái, Thì chúng con cũng phải đưa Chúa Giêsu Vào trong các nền văn hóa của các dân tộc. Chúng con sẽ thuộc về dòng tộc của Mẹ, Ngõ hầu Chúa Kitô, Qua chúng con mà được sinh ra trong thế giới. AMEN. |