Lễ Mẹ Thiên Chúa - Ngày Thế Giới Hòa Bình
MẸ THIÊN CHÚA - NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
Lm Vinh Son M. CRM

Xin Ơn hòa bình cho tâm hồn mình và cho gia đình của mình

Tại sao chúng ta phải xin ơn này, thưa vì :

Hòa bình là một khát vọng sâu xa nhất của con người. Hòa bình là hai tiếng được người ta nhắc đến nhiều nhất. Người ta nói từ sáng tới chiều, từ đầu tuần tới cuối tuần, từ mồng một tới ba mươi, từ tháng giêng đến tháng chạp. Nhưng đau đớn thay! hận thù, chiến tranh vẫn cứ tràn lan khắp nơi, và con người vẫn cứ đối xử với nhau tàn nhẫn như loài muông thú. Hòa bình mãi mãi vẫn chỉ là một giấc mơ, chẳng bao giờ thành sự thật.

Trước tình hình chiến sự hầu như bế tắc, thì sứ điệp giáng sinh được gởi đến cho chúng ta : “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Thiện tâm, đó mới là nơi chúng ta đặt viên đá xây dựng hòa bình, chứ không phải nơi diễn ra hội nghị bàn tròn, bàn vuông.

Khổng tử, một hôm hỏi các đồ đệ của mình:

Khi hai nước gây sự chiến tranh, thì các ngươi sẽ làm gì?

Kẻ thì bảo xin được làm nhà ngoại giao đi thương lượng và dàn xếp, kẻ thì xin đi làm một vị tướng, cầm quân ra trận. Kẻ bảo sẽ cố gắng phát triển kinh tế tài chánh. Sau cùng Nhan Tử thưa :

- Phải làm sao đem nhân nghĩa giáo hóa toàn nhân loại, để ai nấy đều biết yêu thương nhau như anh em một nhà.

Khổng tử nghe xong, gật gù nói: : “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”

Anh chị thân mến,

Đứng vậy, hòa bình chỉ có thể được thực hiện từ nơi cõi lòng của từng người. Cõi lòng thiện, chính là viên đá đầu tiên xây dựng nền hòa bình chân chính và bền vững. Mỗi người phải là mỗi viên gạch để xây nền hòa bình thế giới qua chính thái độ yêu thương, tha thứ của chúng ta.

Mùa Giáng sinh đang vang vọng: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Việc mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa nhân ngày đầu năm, đã nhấn mạnh thêm ý nghĩa cho ngày hòa bình thế giới.

Sau Công Đồng Vatican II, khi Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI lấy ngày 1 tháng Giêng hàng năm làm ngày lễ trọng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Ngài trình bầy các lý do của việc thay đổi đáng kể này rằng:

“Ta biết trong nhiều thế kỷ, ngày 1 tháng Giêng từng là ngày lễ Chúa Giêsu chịu cắt bì, như Phúc Âm Thánh Luca tường thuật. “Và cuối ngày thứ tám, lúc cắt bì, Người được đặt tên là Giêsu, tên thiên thần vốn tặng cho Người trước khi Người được tượng thai trong lòng mẹ” (Lc 2:21). Một lý do khiến ngày 1 tháng Giêng trở thành ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa là: theo nguồn gốc, Giáo Hội vốn cử hành Tuần Bát Nhật Giáng Sinh vào ngày này, và chỉ sau đó nó mới biến thành lễ Chúa Giêsu chịu Cắt Bì.

Sau đây là lời giải thích của Thánh Giáo Hoàng về việc thay đổi tước hiệu ngày lễ mồng 1 tháng Giêng.

Trong việc sửa đổi, sắp xếp lại mùa Giáng Sinh, ta nên đồng tâm hướng về ngày lễ trọng vừa được tái lập mừng kính Mẹ Thiên Chúa. Lễ này được đưa vào ngày đầu hết của tháng Giêng trong lịch phụng vụ của thành Rôma. Mục đích việc cử hành này là để tôn kính vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc và đồng thời ca khen địa vị có một không hai của “Mẹ Thánh… qua Ngài chúng ta nhận được ơn phúc Tác Giả sự sống”. Lễ trọng này cũng cho ta cơ hội tuyệt vời để đổi mới lòng thờ kính cần phải bầy tỏ với Hoàng Tử Hòa Bình vừa mới sinh ra, khi một lần nữa, ta lại được nghe tin mừng hân hoan lớn lao và đầy cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, qua sự bầu cử của Nữ Vương Hoà Bình, để được ơn bình an vô giá. Vì những xem xét ấy và vì sự kiện tuần bát nhật Giáng Sinh trùng với một ngày đầy hy vọng, tức Ngày Đầu Năm, Ta đã chỉ định ngày này làm ngày Hòa Bình Thế Giới (Phaolô VI, Marialis Cultus, tháng 2 năm 1974, số 5).

Vậy mừng lễ Mẹ Thiên Chúa trong ngày đầu năm, bằng tất cả tấm lòng thảo kính mến yêu, chúng ta hãy xin Mẹ giúp cho mỗi người chúng ta biết đón nhận Con Thiên Chúa, Ngài là Hoàng tử Hòa Bình.

Sống một ngày mới có ý nghĩa

Chúng ta nhận thấy rằng: Nếu cuộc sống của mỗi người, khởi đi từ người Mẹ, và mỗi ngày mới, con trẻ rất cần đến tình Mẹ để phát triển, để hân hoan, để lớn lên, có thể còn hơn cả cái ăn cái mặc. Nhiều con trẻ mỗi sáng khi thức dậy, nhìn quanh không thấy mẹ, nó chỉ khóc đòi có mẹ, chị thí thế nào cũng không ăn, vì mẹ đi lễ hoặc đi chợ chưa về. Và chỉ có tấm lòng của người mẹ mới làm vui thỏa được đứa con của mình. Khi đứa con được nằm gọn trong vòng tay của mẹ, thì nó vui sướng và không còn khóc nữa.

Người mẹ còn làm cho đứa con sống một ngày mới có ý nghĩa. Người Mẹ đón nhận con mình mỗi buổi sáng, con trẻ rất cần đến tình mẫu tử, cần đến sự tinh tế của tình mẹ, mà chỉ có người mẹ mới được trời phú bẩm. Thật tội nghiệp cho những con trẻ, phải mất mẹ từ bé thơ . “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”.

Có một bé kia, đang tuổi đi học mầm non, gặp cảnh đau thương, mẹ ra đi sớm. Để bù lại, em được người cha rất yêu thương, rất tận tình săn sóc. Nhưng vào một buổi sáng kia, khi người cha dẫn con gái mình đến trường. Vừa đến cổng, Ma Sơ cũng tươi cưởi chạy ra đón em vào. Nhìn thấy em mới được ba cho đi uốn tóc, có đầu đẹp Sơ khen, để có ý nói lên tấm lòng săn sóc của ba. Sơ nói

- Tóc con hôm nay sao quăn thế?

- Vì ngày nào ba con cũng cho con ăn mì gói.

Chỉ có mẹ mới cảm nghiệm được những nhu cầu hương vị như lòng mình, vì con là từ lòng mình mà ra….

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thánh quan thầy đón nhận chúng ta trong ngày đầu năm mới này, dành cho chúng ta thật nhiều những biểu hiệu yêu thương: nựng yêu, chăm sóc, bao bọc, chữa lành…Xin mẹ làm cho chúng ta sống một năm mới cho thật ý nghĩa, thật hân hoan, thật hạnh phúc, lúc nào cũng mang mặc được một ý nghĩa cho cuộc sống, một giá trị đời đời.

Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta không chỉ đơn giản tuyên xưng rằng: Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng vừa là Chúa, vừa là Người. Nhưng chúng ta hãy tuyên xưng : “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, trong lòng Đức Trinh Nữ Maria ”

Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn mẹ, không phải bằng một cách thụ động, như một dụng cụ dùng xong là thôi; nhưng với tất cả ý thức và cố gắng của mình, mẹ đã đem lại ơn cứu rỗi cho chính mình và toàn thể nhân loại.

Thánh Irênê nói: “Nhờ vâng phục, mẹ đã trở nên nguyên nhân ơn cứu rỗi cho chính mình và toàn thể nhân loại”

Các thánh giáo phụ đã thường quen gọi mẹ là “mẹ của kẻ sống”.

“Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy…”

Mẹ đã ý thức và cố gắng như thế nào, đễ xứng đáng với danh xưng tuyệt vời là Mẹ Thiên Chúa.

Chỉ có Thiên Chúa mới biết được những ý thức cộng tác vào công trình cứu độ tuyệt vời của Mẹ, phần chúng ta chỉ có thể nói lên một cách vụng về kém cỏi qua mấy sự kiện qua Phụng vụ và Kinh thánh thôi:

- Ngay từ ba tuổi, mẹ đã tự nguyện hy sinh dâng mình trong đền thờ, dành ra một thời gian dài để cầu nguyện, cảm tạ hồng ân cứu độ, dọn tâm hồn xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa. Và sau hơn mười năm trời, khi sứ thần đến thưa với Mẹ về ý định thực hiện chương trình ơn cứu độ. Mẹ biết rõ Mẹ phải hy sinh người con một làm giá cứu chuộc, phải đau khổ nhục nhã như thế nào mà Isaia đoạn 53 đã tiên báo.

- Mẹ đã phải chấp nhận một hợp đồng gay go, đau khổ nhục nhã : bất chấp dư luận trần gian, hàng xóm dị nghị, có thể bị ném đá chết vì chưa cưới mà đã có thai.

- Để Chúa Giêsu được hợp pháp trong xã hội, Mẹ đã phải nhọc nhằn bụng mang dạ chửa, đi bộ gần 200 cây số về quê quán kê khai lại hộ khẩu. Mang trong lòng Ngôi Lời, Đấng phán một lời liền có mọi sự. Mẹ chấp nhận cảnh nghèo đến độ mất cả họ hàng, không ai thèm cho ở tạm. Nếu Mẹ có tiền, ắt hẳn đã có chỗ, không một sao, thì cũng năm sao.

- Mẹ còn bằng lòng chấp nhận cảnh nghèo đến nỗi : “Đức Maria phải kéo cái máng của bò đặt con mình (vua các vua) trong đó” (Lc 2, 16).

- Đến ngày lễ thanh tẩy, chỉ có một cặp bồ câu non (Lc 2, 24). Người ta thì nào bò, nào dê, nào cừu, tiền bạc thừa phứa cho đền thờ.

- Rồi lại vì cái ác của Hêrôdê, sợ mất ngai vàng, đã đuổi cả Thánh thất sang mảnh đất cha ông phải sống kiếp nô lệ khi xưa. Lại phải chịu thêm một cảnh nghèo cùng cực nữa là mất ngôn ngữ, mất niềm vui của dân tộc mình, các dịp lễ, các dịp tết…(Mt 2, 14).

- Đau đớn đến độ phải chứng kiến con mình bị bắt, bị tra tấn, hành hạ, đòn vọt, chết một cách oan uổng, đớn đau khủng khiếp trên thập giá. Lời sứ thần hứa hôm nào luôn vang vọng trong tâm hồn Mẹ : “Ngài sẽ làm vua, cai trị đời đời trong nhà Giacop” (Lc, 1, 27). Trước mắt Mẹ, vẫn là những buổi chiều u ám, ảm đạm, tăm tối, chả thấy ngai vàng đâu, chỉ thấy nghèo, khổ, nhục nhã, và chết…

Nhưng chính lúc Chúa Giêsu con Mẹ chết đi, cùng với những đau khổ tột cùng của Mẹ, đã phục hồi cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, sự giầu có vô cùng. Là được chính Thiên Chúa. Phần thưởng mà Thiên Chúa dành cho Mẹ chính là lời Xin Vâng kiên trung trọn vẹn. Mẹ xứng đáng trở nên nguyên nhân ơn cứu rỗi cho chính mình và nhân loại (thánh Irêrê). Mẹ thật xứng đáng trở nên Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của mỗi người chúng ta.

“Lạy Nữ vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy….”

Thánh Alselmô đã có lý để nói cho mọi loài phải mắc nợ mẹ biết bao! : “Thiên Chúa đã sinh ra Đấng tạo dựng muôn loài, Mẹ Maria sinh ra Đấng Cứu độ muôn loài. Nếu không có Đấng do Thiên Chúa sinh ra, thì chẳng có gì hiện hữu. Nếu không có Đấng do Mẹ sinh ra, thì chẳng có gì tốt lành. Ôi! Đúng vậy, Chúa ở cùng Mẹ bởi vì Chúa đã ban cho Mẹ ơn làm mọi loài mắc nợ Mẹ”.

Mẹ mới chính là người Mẹ đích thực, đúng nghĩa của chúng ta. Một người cha một người mẹ ở trần đời, đã dùng tự do của mình cộng tác vào chương trình tạo dựng của Thiên Chúa, cho con mình có một thân xác, thân xác đó nay còn mai mất, mà còn xứng đáng được gọi là cha, là má. Huống chi Mẹ Maria đã hy sinh toàn cuộc đời mình, hy sinh cả chính Con từ lòng mình, để giành cho chúng ta có sự sống đời đời. Há Mẹ chẳng phải là Mẹ hơn vượt trên tất cả các bà mẹ khác chăng?

Vậy mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, nhân ngày hòa bình thế giới hôm nay, mỗi người chúng ta hãy cảm nghiệm Mẹ Maria là Mẹ thật của mình.

Xin kể một câu chuyện tình mẹ dành cho người con quá lớn, nhưng đứa con nhận ra quá muộn màng.

Người mẹ nhìn đứa con mà nước mắt chảy dài vì vui sướng, bao nhiêu ước mơ về đứa con trai duy nhất. Chồng bà đã nằm xuống, để mẹ con bà lại bơ vơ. Nhưng bà không hề phẫn nộ với đời vì bên bà có đứa con trai yêu quí. Đối với bà như thế là đủ lắm rồi. Thằng bé ngày một cứ lớn lên trong vòng tay yêu quí của bà. Bà đã không ngần ngại làm tất cả mọi công việc cực nhọc vất vả để nuôi con.

Ngày tháng cứ lùi dần, thấp thoát bé đã đến tuổi cắp sách đến trường, thì cũng là lúc nó ngại ngùng với chúng bạn vì mẹ của mình bị mù mắt với khuôn mặt xấu xí, nó không muốn cho mẹ đồng hành với nó trên con đường tới trường, nó sợ bạn bè trêu chọc nó. Một hôm đã quá giờ tan trường mà nó chưa về tới nhà, mẹ nó quyết định tởitường để tìm con, và khia vừa thấy mẹ ở cổng trường, thằng bé bực bội cằn nhằn với mẹ.

- Tại sao mẹ lại đến trường để tìm con?

Nó oà khóc và chạy trốn mẹ như trốn một kẻ thù. Kể từ hôm đó bạn bè nó biết mẹ nó mù và có khuông mặt dị dạng, cả lớp trêu chọc nó. thằng bé đau khổ và quyết tâm học thật giỏi để thoát ra khỏi vòng tay của mẹ nó. Và nó đã thành, nó là học sinh giỏi toàn trường từ tiểu học đến hết trung học. Nó được tuyển thẳng vào đại học kinh tế và được một đại học ở Hoa kỳ cấp học bổng toàn phần.

Bốn năm ở Hoa Kỳ, nó ít liên lạc với mẹ nó, dù nó vẫn biết mẹ nó hằng mong mỏi ngày đêm trông tin nó.

Tốt nghiệp xong đại học với mảnh bằng thủ khoa, nó được nhận vào làm chuyên viên tíep thị của một ngân hàng nổi tiếng ở của Mỹ, rồi sau một thời gian nó trở về nước mở công ty hợp đồng làm ăn. Công việc làm ăn khá xuôi thuận, luôn đi lại giao dịch nhiều nơi, nhưng không một lần về thăm mẹ, không muốn nhìn thấy khuôn mặt của mẹ. Nó nhờ một người quen trong xóm, xây cho mẹ một căn nhà nhỏ, và thỉnh thoảng có cho mẹ ít tiền.

Nó có người yêu, một lần người yêu hỏi đến cha mẹ, nó thản nhiên trả lời.

- Chết hết rồi, tôi mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ.

Nó cưới vợ nhưng không hề báo cho mẹ biết. Bà cụ mừng chảy nước mắt khi được tin hàng xóm nói con bà mới lập gia đình. Bà thầm nói với người chồng đã khuất.

Anh ơi! Con của chúng ta đã có gia đình, đã thành thân thành thất. Anh mãn nguyện nơi chín suối nhá!

Ngày tháng trôi qua, bà cụ nhớ con, và thèm bế đứa cháu nội. Bà lần mò tìm đến nhà của con. Nghe tiếng chuông, thằng cháu trong nhà chạy ra mở cổng, vừa nhìn thấy bà cháu la toáng lên. Con của bà nghe tiếng khóc thét, chạy ra nhìn thấy mặt mẹ, nó đùng đùng nổi giận và la toáng lên.

- Bà đi đâu đấy, bà tìm ai?

- Xin lỗi cậu, tôi tìm lầm nhà. Bà cụ nhẹ nhàng trả lời. Bà quay trở ra mà lòng nặng trĩu, nhưng dầu sao bà cũng nghe được tiếng cháu nội, đối với bà như vậy là đủ lắm rồi.

Bẵng đi một hai năm, vào một ngày họp lớp, nó trở về ngôi trường xưa. Nhân tiện đi qua nhà, một chút gì nhơ nhớ còn lại trong tim, nó lén lút đến trước cửa nhà mẹ, nhưng sao mà ngôi nhà im lìm hoang vắng quá! Chạy sang hỏi người hàng xóm, và mẹ nó đã chết…

Người hàng xóm đưa cho nó một lá thơ và nói:

- Trước khi mẹ cậu chết, bà có gởi tôi một lá thơ, và bà tin rằng thế nào cũng có ngày cậu ghé về thăm mẹ cậu.

Nó bóc thơ ra và thầm đọc.

- Con yêu quí của mẹ!

Mẹ tin, và tin chắc rằng thế nào cũng có ngày con trở về với mẹ, cho mẹ xin lỗi con vì mẹ đã đến trường đón con về, để cho chúng bạn chế diễu con có một bà mẹ mù, cho mẹ xin lỗi con vì mẹ đã cố tình đến thăm cháu làm nó hoảng sợ và làm con giận dữ. Con ơi! Con có biết tại sao khuôn mặt bị biến dạng và bị mù vậy không? Mẹ biết con không thích khuôn mặt của mẹ, mẹ không dám nói lý do đã gây nên cho mẹ cái mặt kỳ dị như thế. Hôm nay, mẹ biết ngày ra đi của mẹ sắp rồi, nên mẹ viết mấy hàng này cho con biết sự thật mà mẹ đã giấu kín tận đáy lòng của mẹ từ bao năm nay.

Con yêu của mẹ ơi! Con biết không, khi con còn bé, con bị một cơn bệnh quái ác làm cho con bị mù cả hai mắt, mẹ không thể nhìn con lớn lên với đôi mắt mù lòa. mẹ muốn cuộc đời con được tươi sáng, được thành đạt, được hạnh phúc, để cha con được thỏa lòng nơi chín suối. Và mẹ đã quyết định nhờ bác sĩ làm cho con được sáng bằng chính đôi mắt của mẹ…

Vừa đọc đến đây, nó cảm thấy như bầu trời tối sầm lại, nước mắt đẫm tràn, trái tim quặt thắt vì hối hận, nhưng … muộn mất rồi…

Mẹ Maria không chỉ hy sinh cho ta đôi mắt mà cả chính đời Mẹ, cả người Con Một từ lòng Mẹ, Con Mẹ phải nộp mình, phải chết vô cùng dã man, đền tội cho ta, đổi cho ta sự sống đời đời đó ư?

Thánh công đồng Vat. II đã xác định với chúng ta : “Sau khi về trời, vai trò làm Mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt, Mẹ vẫn tiếp tục cầu bầu, để đem lại cho chúng ta những ân huệ được sống đời đời. Với tình từ mẫu, Mẹ chăm sóc những anh em của Con Mẹ đang lữ hành trên đường dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách cho đến khi họ đạt được hạnh phúc trên quê trời” (LG 62).

Chúng ta hãy dâng muôn ngàn lời ca chúc tụng cảm tạ MẹThiên Chúa và cũng là Mẹ của từng người chúng ta, Xin Mẹ sẽ làm cho thời gian mới của mỗi cuộc đời có những hy vọng mới, những giá trị mới.

Để mỗi người chúng ta luôn sống dưới ánh nhìn hiền mẫu của Mẹ, chúng ta hãy nhìn lại lý tưởng đang theo đuổi, mà giục lòng quyết tâm trông cậy vào tình yêu của Đức Mẹ.

Mỗi người hãy nhìn lại tâm hồn mình, gia đình mình, có còn bầu khí hòa bình mà hằng ngày mình quyết chí ước muốn không?

Mình có luôn là nguyên nhân gây nên bất an, xáo trộn, sóng gió cho gia đình, xóm ngõ không?

Tại sao gia đình tôi vẫn còn chiến tranh lạnh : nghi ngờ nhau, nặng nề, ngột ngạt với nhau…

Tại sao gia đình tôi còn chiến tranh nóng : đánh nhau, rủa xả nhau, gây đau khổ cho nhau, phiền hà cho hàng xóm.

Tại sao qua bí tích rửa tội, tội được làm con Đức Mẹ làm em Chúa Giếu, không yêu nhau con cùng một Mẹ được?

Lạy Vua Hòa Bình, nhờ Mẹ là Nữ vương Hòa Bình xin cho chúng con được ơn Hòa bình đích thực. Trong tiệc cưới Cana, mẹ đã thưa với Chúa Giêsu : “ Nhà này hết rượu”. Dù giờ của Chúa chưa đến, nhưng Chúa vẫn can thiệp nhờ Mẹ xin. Xin Mẹ thưa với Chúa cho gia đình chúng con : “Rươu tình yêu của gia đình đã hết, chúng con đang sống thiếu hòa bình”, để Chúa can thiệp cách đặc biệt cho gia đình chúng con.

Lạy Mẹ của chúng con, xin Mẹ luôn ấp ủ, che chở chúng con và toàn thể thế giới được sống trong hòa bình dưới ánh nhìn của Mẹ. Amen