Đức Mẹ Sầu Bi - 15/09


TÌM HIỂU LỄ MẸ SẦU BI

Lm Trần Xuân Lãm

Xưa kia, lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Our Lady of Sorrows) còn được gọi là lễ Kính Bảy Sự thương khó Đức Mẹ (Seven sorrows of Mary). Lòng tôn kính niềm đau của Đức Mẹ xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XIV, do công của các nhà rao giảng dòng Phan-xi-cô và dòng Tôi tớ Đức Mẹ. Năm 1668, các anh em dòng Tôi tớ Đức Mẹ bắt đầu mừng kính lễ này để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ. Năm 1814, Đức Thánh cha Pi-ô VII mở rộng lễ kính này đến toàn thể Giáo Hội Công giáo Tây phương để tưởng nhớ các sự thống khổ mà Ngài đã phải chịu đựng trong cuộc lưu đày trên nước Pháp.

Bảy Sự thương khó của Đức Mẹ:

Lời tiên báo của ông Si-mê-on (Lc 2: 34-35)

Cuộc chạy trốn sang Ai-cập (Mt 2: 13-21)

Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 41:50)

Vác thập giá lên đỉnh Can-vê (Ga 19: 17)

Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga: 19: 18-30)

Tháo xác Chúa (Ga 19: 39-40)

Táng xác Chúa (Ga 19:40-42)

Bảng liệt kê những nỗi đau của Đức Maria trên đây có từ thế kỷ XIV đã ăn sâu vào mọi hình thức văn chương đạo đức: các bài giảng, kinh nguyện, thi ca. “Stabat Mater” (Mẹ đứng) là một bài ca thương diễn tả một cách tài tình và cảm động những nỗi thống khổ của Đức Trinh Nữ Maria dưới chân Thập giá. Kiệt tác phẩm “Pietà” là một hình ảnh rất hấp dẫn trí tưởng tượng quần chúng, diễn tả hình ảnh Đức Mẹ ẵm thân xác đẫm máu của Chúa trên đầu gối.

Việc Đức Maria thông phần đau khổ với Chúa Cứu Thế là một khía cạnh quan trọng của lòng tôn sùng Đức Mẹ, mà khoa thần học Thánh kinh đã làm khởi sắc trở lại

Công đồng Va-ti-ca-nô II đã xưng tụng Mẹ Maria là Nữ tử Sion cao quí. (Lumen Gentium 55), và Đức Phao-lô VI khi nói về trình thuật Dâng Chúa trong Đền thờ đã ca khen đức Maria là “Người đã thực hiện sứ mạng của dân tộc It- ra-en cổ xưa và là mô phạm cho Dân Tộc Mới của Thiên Chúa” (Maria Cultus 7)

Phụng vụ ngày lễ 15 tháng 9 nhắc lại ý nghĩa thư Co-lô-xê 1:24, “khi chúng con kính nhớ tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con dùng đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu sót trong những đau khổ của Chúa Ki-tô để mưu ích cho Giáo hội” (Lời nguyện hiệp lễ).