Đức Mẹ Sầu Bi - 15/09
Một vài suy tư về lòng sùng kính Đức Maria VietCatholic News Lm Anphong Trần Đức Phương |
Lòng sùng kính Đức Maria đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Các Thánh giáo phụ, đặc biệt thánh Bênađô, dựa vào nền tảng Kinh Thánh, đã rao giảng và viết rất nhiều về lòng sùng kính Đức Maria và giải thích những nhiệm lạ cao siêu Thiên Chúa đã làm nơi Đức Maria (Thiên Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả - Luca 1:49); đặc biệt mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội và trọn đời đồng trinh (‘dù Bà đã chịu thai bởi ơn Chúa Thánh Thần, và sinh ra đấng Cứu Thế mà vẫn còn đồng trinh trọn đời’ ‘ Luca 1:26 ‘). Tiếp theo cũng có bao nhiêu các vị Thánh và các học giả Công Giáo đã rao giảng và viết nhiều về Đức Maria; nhưng giảng bao nhiêu, viết bao nhiêu về Đức Maria cũng không đủ (De Maria numquam satis). Trong bài này chúng tôi không dám đề cập đến những đề tài cao siêu về Đức Maria, nhưng xin trình bày một cách đơn sơ các việc sùng kính Đức Maria trong Giáo Hội để quý vị và các bạn trẻ, cũng như chính chúng tôi thêm lòng nhiệt thành sùng kính Đức Maria và noi gương nhân đức của Ngài. Theo truyền thống từ lâu đời, hàng ngày vào buổi sáng, buổi trưa, và buổi chiều, các giáo hữu thường nguyện Kinh Truyền Tin (Mùa Phục Sinh thì đọc kinh ‘Lạy Nữ Vương Thiên Đàng’) để nhớ đến giờ phút vô cùng trọng đại trong lịch sử cứu độ: ‘Ngôi Lời xuống thế làm người trong lòng Mẹ Maria’. Giờ phút thiêng liêng nầy cũng chia đôi lịch sử nhân loại: Thời Cựu Ước và thời Tân Ước. Theo tiếng chuông ‘Truyền Tin’ (cũng gọi là ‘chuông nhật một’ vì giật từng tiếng) các tín hữu đọc chung, hoặc riêng, Kinh Truyền Tin trong đó có 3 lần xen vào kinh Kính Mừng.. Những ngày thanh bình buổi xa xưa ở Việt Nam cũng như ở Âu Châu vào đúng lúc 12 giờ trưa, khi từ tháp chuông đổ chuông Truyền Tin thì các tín hữu đang làm việc ngoài cánh đồng, đều ngưng mọi công việc và cùng nguyện kinh Truyền Tin theo từng nhóm đang làm việc với nhau. Đọc các bản văn diễn tả lại khung cảnh thiêng liêng đạo đức này chúng ta thấy rất cảm động. Ngày nay, tại Hoa Kỳ nhiều nhà thờ vẫn đổ chuông ‘Truyền Tin’ vào lúc 12 giờ trưa và khoảng 6 giờ chiều để nhắc nhở các tín hữu nhớ đến giờ phút nguyện kinh Truyền Tin, kính nhớ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, và đồng thời nhớ đến Đức Maria long trọng nhận lời sứ thần truyền tin và Ngôi Lời nhập thể trong lòng Mẹ Maria. Cũng theo truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, ngày thứ Bảy (nhất là ngày thứ Bảy đầu tháng) là ngày đặc biệt dâng kính Mẹ Maria để kính nhớ và đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ (theo mệnh lệnh Fatima) và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Trong một năm, có hai tháng đặc biệt dâng kính Mẹ Maria: Tháng Năm thường được gọi là Tháng Hoa. Các họ đạo tại Việt Nam, và các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại hải ngoại, thường có những đoàn các em dâng hoa, hát vãn kính Đức Mẹ (thường vào những thứ Bảy) rất sốt sắng. Các giáo hữu ngoại quốc khi dự các buổi dâng hoa này cũng tỏ ra rất khâm mộ. Tháng Mười là tháng Mân Côi (ngày xưa thường gọi là tháng Đức Bà) để kính Mẹ Maria bằng tràng hạt Mân Côi (tràng chuỗi). Thường các tín hữu lần chuỗi Mân Côi hàng ngày (hoặc ‘Chuỗi Năm Mươi’ hay ‘Một Trăm Năm Mươi’ ngắm cả 3 màu nhiệm ‘Vui’ ‘Thương’ và ‘Mừng’). Nếu lần một chuỗi ‘Năm Mươi’ thì suy ngắm các ‘Mùa’ theo ngày. Chúa Nhật: ‘Mùa Mừng’, thứ Hai: ‘Mùa Vui’, thứ Ba: ‘Mùa Thương’, thứ Tư: ‘Mùa Mừng’. thứ Năm: ‘Mùa Vui’, thứ Sáu: ‘Mùa Thương’. Từ tháng Mười năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lập thêm ‘Mầu nhiệm Ánh Sáng’ và được khuyến khích ngắm vào ngày thứ Năm. Về nguồn gốc ‘chuỗi Mân Côi’ thì nhiều sách đạo đức viết về ‘Mẹ Maria’ đã nói đến. Về danh từ ‘Mân Côi’: khi còn nhỏ, tôi hay nghe các cụ gọi là ‘Môi Khôi’ hay có nơi gọi là ‘Văn Côi’; danh từ mới nhất gọi là ‘Mai Khôi’. Trong Lịch Phụng Vụ Công Giáo và nhiều sách đạo đức thì thường dùng chữ ‘Mân Côi’. Ngoài ra cũng có dòng nữ tu có tên là ‘Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi’. Do lòng sùng kính Mẹ Maria, qua các thời đại đã có rất nhiều tước hiệu để nói lên cuộc đời thánh thiện phong phú của Mẹ Maria, hầu hết đã được ghi lại trong kinh gọi là ‘Kinh Cầu Đức Bà’. Ngoài ra có rất nhiều ‘Kinh’ để kính Đức Mẹ và cầu nguyện với Đức Mẹ. Trong đó, tất nhiên kinh ‘Kính Mừng’ là đặc biệt hơn cả, vì phần đầu lấy từ Tin Mừng: Lời kính chào Đức Mẹ của Thiên Thần Gabriel. Phần sau là lời cầu nguyện tha thiết mỗi người con dâng lên Mẹ. Ngoài các ‘Kinh’ kính Đức Mẹ, còn có thật nhiều bản Thánh Ca (bằng rất nhiều thứ tiếng) để ca ngợi và cầu nguyện với Đức Mẹ, như bài hát nổi tiếng thế giới là bài ‘Ave Maria’ của Franz Schubert (1797-1828). Việt Nam chúng ta cũng có nhiều nhạc sĩ sáng tác các bản thánh ca về Đức Mẹ Maria rất phổ thông, và rất hay. Đặc trưng như bài ‘Như Phúc Lộc Triều Nguyên’ (Thơ Hàn Mạc Tử và nhạc hoà âm của Hải Linh). Cũng có không biết bao nhiêu bức họa và tượng Đức Mẹ nổi tiếng trên thế giới do các họa sĩ hay điêu khắc gia lừng danh trên thế giới như Michel Ange (+1564) với bức họa ‘Pieta’; Fra Angelico (+1455); Raphael (+1520); Germain Philon (+1590). . . Các sách vở, báo chí và các thi phẩm viết về Đức Mẹ qua các thời đại cũng rất phong phú (như đã nói ở trên), đặc biệt là bài Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria (L’announce faite à Marie) của văn hào Pháp Paul Claudel (viết vào năm 1912). Trong suốt năm Phụng Vụ của Giáo Hội, có các Lễ kính Đức Mẹ sau đây: Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (1/1); Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ, thường gọi là lễ Nến (2/2); Đức Mẹ Lộ Đức (11/2); Lễ Truyền Tin (25/3); Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ (thứ Bảy tuần II sau Lễ Hiện Xuống); Đức Mẹ Fatima (13/5); Đức Mẹ đi Thăm Viếng Bà Elizabeth(I-sa-Ve) (31/5); Đức Mẹ Núi Camêlô (16/7); Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8); Sinh Nhật Đức Mẹ (8 tháng 9). Đức Mẹ Sầu Bi (15/9); Lễ Đức Mẹ Mân Côi (7/10); Lễ Đức Mẹ Dâng Mình (21/11); Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (8/12); Đức Mẹ Guadalupe (12/12). Trong các Lễ trên đây chúng ta thấy có ba Lễ kính việc Đức Mẹ hiện ra: Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Lễ Đức Mẹ Fatima, và Lễ Đức Mẹ Guadalupe. Cho đến nay có nhiều nơi nổi tiếng Đức Mẹ đã hiện ra. Tại Việt Nam thì chúng ta không thể không nhắc đến Đức Mẹ Lavang (Quảng Trị). Riêng trong thế kỷ 20, thì có nhiều nơi đã được nói đến là Đức Mẹ đã hiện ra và đã được ghi lại trong cuốn video ‘Những Lần Đức Mẹ Hiện Ra Trong Thế Kỷ 20’. Có những nơi Giáo Hội đã xác nhận, có những nơi còn để thử nghiệm. Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria không phải chỉ có nơi người Công Giáo mà nơi nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên lòng sùng kính Đức Maria nơi người Công Giáo không phải chỉ dựa trên tình cảm hay do xin được ơn nọ ơn kia ‘phần hồn, phần xác’, nhưng là hệ tại việc học hỏi các tín đìều về Đức Maria trong Kinh Thánh và trong các giáo huấn của Giáo Hội. Đặc biệt các tín điều về ‘Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội’, ‘Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh’, ‘Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời’, ‘Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa’... Trong bài này chúng tôi không có ý đề cập đến các đề tài lớn lao này. Đã có nhiều sách vở, báo chí đề cập đến và minh giải rõ ràng dựa trên nền tảng Thánh Kinh và Thánh Truyền. Việc sùng kính Đức Maria cũng do việc học tập các đức tính của Đức Maria trong cuộc sống trần gian và đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Ngoài đời sống đạo hạnh với một lòng mến Chúa và hòan tòan tin tưởng, cậy trông và phó thác nơi Chúa, Đức Maria còn luôn sống một đời sống khó nghèo, bình dân, đơn sơ, khiêm tốn (‘Tôi chỉ là tôi tớ của Chúa’- Luca 1:38), hòa hợp yêu thương và giúp đỡ mọi người trong lúc khó khăn, thiếu thốn (‘Vội vàng đi lên miền núi để thăm viếng Bà Elizabeth’ - Luca 1:39). Riêng về lòng sùng kính Đức Mẹ Maria nơi các người ngoài Công giáo có ở khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam chẳng hạn, khi còn nhỏ, chúng tôi thấy có nhiều người ‘bên lương’ đến dâng hoa Kính Đức Mẹ tại Đền Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà Ấp (ngoại ô Hà Nội). Tại Miền Nam, cũng có nhiều người ngoài Công giáo đến dâng hoa, đèn nến và cầu xin với Đức Mẹ như tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế (Sài Gòn) hay tại Nhà Thờ Đức Mẹ Bình Triệu (ngoại ô Sài Gòn). Tại nơi Đức Mẹ hiện ra rất nổi tiếng và đã được Giáo Hội công nhận như Lộ Đức (Lourdes ở Pháp, 1858), Fatima (Bồ Đào Nha, 1917), hay Guadalupe (Mexico, 1531) hàng năm có nhiều triệu người đến hành hương kính viếng, trong đó cũng có rất nhiều người không phải Công Giáo. Có một điều rất quan trọng chúng ta cần lưu ý là: Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria trong Giáo Hội Công Giáo không làm giảm đi, hay quên đi lòng tôn kính, thờ phượng cùa chúng ta đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta; nhưng qua Mẹ Maria chúng ta đến với Chúa là Cha chúng ta. Như vậy chúng ta thật hạnh phúc khi chúng ta có niềm tin vững chắc nơi Chúa là Cha yêu thương và Đức Maria là Người Mẹ luôn âu yếm, chở che, nâng đở và chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta. Tốt lành biết bao khi chúng ta được sống trong Gia Đình Giáo Hội vừa có Cha quyền năng và nhân từ, vừa có Mẹ đầy tình yêu thương con cái. Xin Thiên Chúa là Cha nhân lành, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, ban muôn ơn lành cho mỗi người, mỗi gia đình và thế giới chúng ta, cũng như cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. |