Đức Mẹ Sầu Bi - 15/09


MẸ CỦA NGƯỜI ĐỨNG BÊN CÂY THẬP GIÁ

(Thánh Bênađô, Đan Viện Phụ: Sermo in dom, infra oct.
Assumptionis, 14-15: Opera omnia, Edit Cistere 5/1968, 273-274)
 

Cuộc tử đạo của Đức Trinh Nữ được bày tỏ nơi lời tiên tri của Simêon cũng như trong biến cố khổ nạn thực sự của Chúa Kitô. Ông già thánh thiện đã nói về hài nhi Giêsu là: Em đã được ấn định trở thành một dấu hiệu tương khắc. Ông nói tiếp với Mẹ Maria rằng: “Và lòng của bà sẽ bị một lưỡi gươm đâm thâu”.

Ôi Thánh Mẫu, một lưỡi gươm thực sự đã đâm thâu lòng Mẹ. Vì chỉ có xuyên qua lòng của Mẹ lưỡi gươm mới có thể đâm vào xác thịt của Con Mẹ mà thôi. Thật thế, sau khi Chúa Giêsu, Đấng thuộc về hết mọi người, nhất là thuộc về Mẹ, đã tắt thở, thì một lưỡi đòng oan nghiệt, một lưỡi đòng cũng không dung tha cho thi thể vô hồn của Người, đã đâm thủng cạnh sườn của Người. Nó hoàn toàn không chạm đến linh hồn của Người và không thể tác hại được Người, nhưng nó quả thực xuyên qua lòng của Mẹ. Vì linh hồn của Người thực sự không còn ở đó nữa, nhưng linh hồn của Mẹ không thể nào không bị xâu xé. Bởi thế việc hành hung buồn đau đã làm cho lòng Mẹ đoạn trường, và chúng con có lý để coi Mẹ còn hơn là một vị tử đạo nữa, vì tác dụng cảm xúc khổ đau nơi Mẹ đã vượt ngoài sức chịu đựng khổ đau về thể lý.

Hay là những lời này: Hỡi bà, này là Con của Bà, không phải còn hơn là một lưỡi gươm đối với Mẹ hay sao, thực sự xuyên thấu lòng Mẹ, cắt đôi linh hồn và thần trí của Mẹ hay sao? Ôi cuộc trao đổi! Tông đồ Gioan được trao phó cho Mẹ thay thế Chúa Giêsu, người tôi tớ thế chỗ cho Vị Chủ, người môn đệ thay chỗ cho sư phụ.; người con của Giêbêđê thay chỗ Con Thiên Chúa, một con người thuần túy thế chỗ cho chính Thiên Chúa. Làm sao những lời ấy lại không xuyên thấu trái tim rất yêu dấu của Mẹ được, khi mà nguyên việc chúng con tưởng nhớ đến những lời này mà thôi cũng đã làm cho lòng của chúng con đau lòng rồi, cho dù nó là tấm lòng chai đá và sắt thiếc!

Anh em ơi, đừng có lấy làm lạ là Mẹ Maria được gọi là vị tử đạo trong tinh thần. Ai lạ lùng là vì họ không nhớ những lời của Thánh Phaolô nói rằng, một trong những tội ác lớn nhất của Dân Ngoại là tội họ không có tình yêu. Điều này hoàn toàn không đúng với trái tim của Mẹ Maria; chớ gì nó cũng không đúng với các tôi tớ của Mẹ.

Có thể sẽ có người nói: “Chẳng lẽ Mẹ lại không biết trước rằng Người sẽ chết hay sao?”. Điều này không có hồ nghi gì cả. “Chẳng lẽ Mẹ lại không nghĩ rằng Người sẽ sống lại hay sao?”. Chắc chắn là thế rồi. “Và chẳng lẽ Mẹ cứ thương khóc Người Con tử giá của Mẹ ư?”. Một cách da diết. Anh em là ai và khôn ngoan của anh em ở đâu mà anh em lại tỏ ra lạ lùng về cảm xúc đớn đau của Mẹ Maria hơn là cuộc khổ nạn của Con Mẹ chứ? Vì nếu Người đã chết nơi thân xác bởi một mối tình cao cả chưa từng thấy trên đời. Thì Mẹ cũng đã chết trong tinh thần bởi một mối tình không giống như bất cứ một thứ tình yêu nào khác ngoại trừ mối tình của Người.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 1554-1555)