Hỡi Bà!
Đây là con bà. Hỡi con! Đây là Mẹ con.
Hỡi Bà! Hỡi người đàn bà! Mẹ Maria tượng trưng cho dân mới, cho những
người nghèo, những người đang sống trong hy vọng được giải thoát và tự
do.
Đối với Thánh sử Gioan, Mẹ của Chúa Giêsu là người tin và kêu gọi người
khác vâng phục lời Chúa. Mẹ biết tất cả nhu cầu của dân Chúa và trình
lên với con Mẹ. Và Mẹ cũng biết rằng, chỉ có thái độ vâng phục lời Chúa
mới có thể mang lại những đổi thay. Mẹ là mẫu mực của sự vâng phục, Mẹ
đã đi theo Chúa Giêsu trong suốt cuộc hành trình và sứ vụ công khai của
Ngài. Từ lúc khởi đầu cho đến lúc Ngài chịu treo trên thập giá.
Dưới chân thập giá, Mẹ đã trở thành Mẹ của tất cả các môn đệ của Chúa
Giêsu. Nơi Mẹ cũng như Chúa Giêsu, họ hiểu được ý nghĩa của nghèo khó,
khiêm hạ, vâng phục, cảm thông và xót thương. Sau Thánh Thần là ơn ban
đầu tiên, Chúa Giêsu đã trao phó Mẹ cho Giáo Hội, cho những người anh em
của Ngài.
Dưới chân thập giá Chúa Giêsu, hình ảnh này của Mẹ vẫn được tiếp nối bởi
không biết bao nhiêu người phụ nữ, những người mẹ can đảm trong lịch sử
nhân loại.
******************************
Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại các nước chân Mỹ La-tinh được cử hành
với một truyền thống rất đặc biệt, ở đó người ta sống lại sự hiện diện
của Mẹ Maria dưới chân thập giá Chúa Giêsu: các phụ nữ tập trung lại
dưới chân thập giá, họ đi lại từng bước những khổ nạn của Chúa Giêsu
trong tiếng hát, trong những lời cầu nguyện và cả trong tiếng khóc nữa.
Các tín hữu còn giữ một truyền thống khác gọi là "chia buồn". Truyền
thống này được cử hành sau nghi thức phụng vụ của Giáo Hội vào chiều thứ
sáu Tuần Thánh: mọi người trở vào nhà thờ để an ủi Đức Mẹ sầu bi, như
thể được ở bên Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, dân chúng
chia sẻ nỗi đau của Ngài, vừa nói lên chính nỗi đau của họ.
Trong nghi thức truyền thống chia sẻ nỗi đau buồn này là bức tượng của
người phụ nữ mặc áo đen đứng dưới chân thập giá, khi xác Chúa Giêsu được
tháo gỡ khỏi thập giá, thì bức tượng của người phụ nữ được đặt ở đầu
chiếc quan tài. Người phụ nữ mặc áo đen ấy dĩ nhiên tượng trưng cho Mẹ
Maria, là Mẹ của người con bị hành quyết, là người đàn bà luôn phấn đấu
để tin vào sứ điệp của con. Mẹ đã phải dằn lại cơn giận dữ trước thái độ
phản bội của dân chúng, và của những người môn đệ thân tín của Chúa
Giêsu. Mẹ đã phải tha thứ cho tất cả mọi người.
Sự hiện diện của Mẹ là một nhắc nhở cho dân chúng rằng: Chúa Giêsu không
hoàn toàn bị bỏ rơi trên thập giá, vẫn có một người đứng bên cạnh Ngài
trong cơn hấp hối của Ngài. Chính nhờ sự hiện diện này mà Mẹ đã trở
thành Mẹ mẫu mực của chúng ta. Sự hiện diện của Mẹ dưới chân thập giá
Chúa Giêsu cũng gợi lên cho chúng ta không biết bao nhiêu khổ đau của
con người. Bóng thập giá bao phủ khắp nơi, khổ đau không miễn thứ bất cứ
một người nào.
Dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ Maria ôm lấy tất cả mọi con cái Ngài,
tất cả đều được ủy thác cho Mẹ. Mẹ đứng bên cạnh tất cả những ai đang
đau khổ. Mẹ âm thầm chia sẻ và chịu đựng nỗi khổ đau của từng người như
thể của riêng Mẹ. Con người dễ dàng liên đới và cảm thông trong đau khổ.
Đó là tư tưởng cần được nuôi dưỡng khi chúng ta chiêm ngắm Mẹ dưới chân
thập giá Chúa Giêsu. Bên Mẹ chúng ta cảm nhận được không biết bao nỗi
khổ đau của những người xung quanh chúng ta. Bên Mẹ, với tước hiệu Mẹ
Sầu Bi, chúng ta được mời gọi chia sẻ, san sớt nỗi khổ đau của mọi
người.
R. Veritas
******************************
Lạy Mẹ Sầu Bi, xin cho con biết noi gương Mẹ dưới chân thập giá Chúa
Giêsu để chấp nhận những khó khăn sầu khổ, những mất mát chia lìa, những
phản bội đớn đau trong cuộc sống. Xin luôn nhắc con nhớ rằng Mẹ luôn
đồng hành bên con như xưa Mẹ đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu con Mẹ lên
đồi Golgotha. Amen! |