Đức Mẹ Sầu Bi - 15/09


MẸ MARIA LIÊN KẾT BẢN THÂN VÀO HY TẾ CỦA CHÚA GIÊSU

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

1.- Regina ceali laetare, alleluia! (Hãy vui lên, hỡi Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng!)
Giáo Hội đã xướng lên như thế trong Mùa Phục Sinh đây, kêu gọi tín hữu hãy dự phần vào niềm vui thiêng liêng của Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Niềm hân hoan của Đức Trinh Nữ trong việc Phục Sinh của Chúa Kitô còn cao cả hơn nữa, nếu người ta xét đến việc Mẹ sâu xa tham dự vào cả cuộc sống của Chúa Giêsu.

Trong việc chấp nhận bằng tất cả tấm lòng cởi mở trước những lời của Thiên Thần Gabiên, vị truyền tin cho Mẹ rằng Mẹ sẽ trở nên Mẹ Đấng Thiên Sai, Mẹ Maria đã bắt đầu tham dự vào thảm kịch Cứu Chuộc. Việc Mẹ gắn liền với hy tế Con của Mẹ, được Simêon tiết lộ cho biết ở việc Mẹ dâng Con Mẹ trong Đền Thờ, tiếp tục chẳng những trong đoạn Phúc Âm trình thuật về việc lạc mất rồi tìm thấy thiếu nhi Giêsu 12 tuổi, mà còn suốt cả cuộc đời sống công khai của Người nữa.

Tuy nhiên, việc Đức Trinh Nữ liên kết với sứ vụ của Chúa Kitô chỉ đạt đến tột đỉnh của mình ở Giêrusalem, vào lúc Khổ Nạn và Tử Giá của Chúa Kitô mà thôi. Như Phúc Âm Thứ Bốn chứng thực, Mẹ cũng đã có mặt ở Thành Thánh vào lúc có thể là thời gian cử hành lễ Vượt Qua của người Do Thái.

2.- Công Đồng đã nhấn mạnh đến khía cạnh sâu xa của việc Đức Trinh Nữ hiện diện ở đồi Canvê, khi nhắc nhở rằng: “Mẹ kiên trì một cách trung thành trong việc hiệp nhất với Con Mẹ cho đến chân cây Thập Giá” (Lumen Gentium, 58), và vạch ra cho thấy là cuộc hiệp nhất này “nơi công cuộc cứu độ được bộc lộ từ lúc Chúa Kitô hoài thai cho đến khi chết đi” (cùng nguồn vừa trích dẫn, 57).

Với ánh mắt được soi chiếu bằng ánh quang Phục Sinh, chúng ta hãy lặng thinh để suy niệm về việc Người Mẹ tham dự vào Cuộc Khổ Nạn cứu chuộc của Con mình, một cuộc khổ nạn được hoàn tất bằng việc Mẹ thông phần vào cuộc khổ đau của Người. Một lần nữa chúng ta hãy trở lại, nhưng giờ đây theo quan điểm của biến cố Phục Sinh, với cây Thập Giá là nơi Người Mẹ này đã chịu đựng “cùng với Người Con duy nhất của mình cơn khổ đau thống thiết của Người, bằng việc liên kết bản thân Mẹ với hy tế của Người trong lòng của Mẹ, và bằng việc sẵn lòng đồng ý với việc sát tế của hy vật được Mẹ sinh ra đó” (cùng nguồn vừa dẫn, 58).

Bằng những lời này, Công Đồng nhắc nhở chúng ta về “lòng thương cảm của Mẹ Maria”; tất cả những gì Chúa Giêsu phải chịu đựng nơi thân xác và linh hồn của Người đều dội lại nơi trái tim Mẹ, vì Mẹ sẵn lòng thông phần vào hy tế cứu chuộc của Con Mẹ và liên kết nỗi đau khổ mẫu thân của Mẹ với lễ dâng tư tế của Người.

Bản văn của Công Đồng còn nhấn mạnh rằng việc ưng thuận của Mẹ cho việc Chúa Giêsu sát tế không phải là một việc chấp nhận một cách thụ động, mà là một tác động yêu thương đích thực, một tác động Mẹ thực hiện để hiến dâng Con Mẹ như là một “hy vật” đền bù tội lỗi của tất cả nhân loại.

Sau hết, Hiến Chế Lumen Gentium đã liên kết Đức Trinh Nữ với Chúa Kitô, Đấng đóng vai trò chính yếu trong việc Cứu Chuộc, bằng cách cho thấy rằng trong việc gắn bó bản thân mình “với hy tế của Người”, Mẹ đã đóng vai trò phụ trợ cho Người Con thần linh của Mẹ.

3.- Ở Phúc Âm Thứ Bốn, Thánh Gioan viết rằng “đứng bên Thập Giá của Chúa Giêsu có Mẹ của Người, cùng người chị em của Mẹ Người là Maria vợ Clêôpha, và Maria Mai-Đệ-Liên” (19:25). Sử dụng động từ “đứng”, theo nghĩa đen có nghĩa là “ở trên đôi bàn chân”, là “thẳng đứng”, có lẽ vị Thánh Ký này muốn cho thấy tư cách và sức mạnh được tỏ ra nơi nỗi buồn khổ của Mẹ Maria và của hai người nữ kia.

Việc Đức Trinh Nữ “thẳng đứng” dưới chân Thập Giá đã nhắc lại việc Mẹ không ngừng trung thành và can đảm phi thường khi đối diện với khổ đau. Nơi những biến cố thảm thương ở đồi Canvê, Mẹ Maria vẫn vững tin, một đức tin kiên cường qua những biến cố của đời Mẹ, nhất là trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Công Đồng nhắc lại rằng “Đức Trinh Nữ tiến tới trong cuộc hành trình đức tin của Mẹ và trung thành bảo trì việc Mẹ hiệp nhất với Con Mẹ cho đến chân cây Thập Giá” (Lumen Gentium, 58).

Chia sẻ với những cảm xúc sâu xa nhất của Người, Mẹ đã phản ngược lại những xỉ nhục ngạo mạn nhắm vào Đấng Thiên Sai bị đóng đinh, bằng sự chịu đựng và bằng một tấm lòng thứ tha, liên kết mình với lời Người nguyện cầu cùng Cha: “Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lk 23:34). Trong việc thông phần vào cảm thức phó mình cho ý muốn của Chúa Cha, qua lời cuối cùng Chúa Giêsu bày tỏ trên Thập Giá: “Lạy Cha, Con xin phó thần trí Con trong tay Cha” (Lk 23:46), Mẹ cũng đã, như Công Đồng ghi nhận, tỏ ra lòng mến yêu ưng thuận của mình “về việc sát tế của hy vật được sinh ra bởi Mẹ ấy” (Lumen Gentium, 58).

4.- Lời “xin vâng” hết mình của Mẹ Maria này đã chiếu tỏa niềm hy vọng tin tưởng nơi một tương lai huyền nhiệm, một tương lai được bắt đầu với cái chết của Người Con tử giá của Mẹ. Những lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong cuộc hành trình lên Giêrusalem là “Con Người phải chịu nhiều khổ đau, bị các kỳ lão, trưởng tế và luật sĩ loại trừ, rồi bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” đã vang vọng nơi trái tim Mẹ vào giờ khắc thảm thiết trên đồi Canvê, khi khơi lên niềm mong đợi và hướng vọng Phục Sinh.

Niềm hy vọng của Mẹ Maria dưới chân Thập Giá chất chứa một thứ ánh sáng mạnh hơn thứ bóng tối cai trị nơi nhiều cõi lòng, ở chỗ, trong việc Hy Tế cứu chuộc được thực hiện, niềm hy vọng của Giáo Hội cũng như của nhân loại đã được phát sinh nơi Mẹ Maria.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ
Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 9/4/1997)