Đức Mẹ Sầu Bi - 15/09 MẸ ĐỨNG KỀ THẬP GIÁ Nguồn : gxnl |
Năm 1011, một nguyện đường đầu tiên đã được dâng kính Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá tại Paderborn, nước Đức. Dòng Xitô và dòng thánh Phanxicô đã có công trong việc khởi xướng lòng sùng kính Đức Mẹ đau thương từ thế kỷ XII và thế kỷ XIII. Trước năm 1969, trong phụng vụ có hai lễ kính Đức Mẹ đau thương. Hiện nay phụng vụ tôn kính Mẹ đau thương vào ngày 15 tháng 9. 24.1 Mẹ đứng kề thập giá. Chúng ta hãy suy về nỗi đau thương của Mẹ Maria khi đứng kề bên thập giá qua những lời của thánh Bernard: Cuộc tử đạo của Đức Trinh Nữ đã được gợi lên trong lời tiên tri của ông Simêon cũng như trong bài tường thuật về cuộc Thương Khó của Chúa. Vị thánh tiên tri đã nói về Trẻ Giêsu rằng: Này, Người được đặt lên cho người ta chống đối; và hướng về Đức Maria, ông nói: Và hồn Bà mũi gươm sẽ đâm thâu. Quả thật, ôi Mẹ diễm phúc, mũi gươm đã đâm thâu hồn Mẹ. Nó không đâm thâu hồn Mẹ sao được khi nó đâm thâu qua thân xác Con Mẹ. Thật vậy, Đức Giêsu tuy là của mọi người nhưng phải nói đặc biệt là của Mẹ, khi Người đã trút linh hồn thì lưỡi gươm tàn bạo không còn làm tổn thương gì cho linh hồn Người nữa, nó không tha cho người đã chết mà nó không còn làm hại gì được; nó đâm thủng cạnh sườn Người, nhưng thực ra nó đã đâm thâu tâm hồn Mẹ. Linh hồn Người không còn ở đó, nhưng tâm hồn Mẹ thì không sao tránh được. Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ niềm cảm thông đau khổ của Con khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác Rồi lời sau đây đối với Mẹ không sắc hơn lưỡi gươm sao, vì quả thật nó xuyên thủng tâm hồn, đi đến chỗ phân rẽ linh hồn và tâm linh. Lời rằng: Hỡi Bà, này là con Bà! Ôi trao đổi gì mà kỳ vậy! Mẹ được trao Gioan thay vì Giêsu, tớ thay chủ, trò thay vì Thầy, con của Dêbêđê thay vì Con Thiên Chúa, người phàm thay vì Thiên Chúa thật. Làm sao khi nghe như thế mà tâm hồn đầy âu yếm của Mẹ không bị đâm thâu, trong khi tâm hồn chúng con dù chai lì sắc đá, chỉ nhớ đến thôi, cũng đã tan nát rồi… Tình yêu đã khiến Chúa chịu chết là một tình yêu không ai có thể hơn được, còn tình yêu đã khiến Mẹ cùng chịu chết trong tâm hồn cũng là một tình yêu mà từ đó về sau không một tình yêu thứ hai nào giống được.1 Từng người chúng ta đều góp phần một cách nào đó làm tăng nỗi đau khổ của Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta cũng hãy cảm thương khi suy gẫm về tác hại của tội lỗi chúng ta đã gây cho tình yêu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Và rồi, chúng ta hãy chấp nhận phần của mình trong việc chia sẻ sự đau khổ của Chúa và Mẹ, đồng thời làm việc đền tạ cho cân xứng.2 Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh những vết thương của Đấng bị treo thập giá. Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ của Con Mẹ đã thương vong, đã khấng chịu cực hình vì con như thế.3 24.2 Sự đồng công của Đức Maria. Thiên Chúa muốn tỏ cho chúng ta thấy Đức Maria và thánh Giuse là những vị được Người yêu thương nhất qua mối liên hệ giữa hạnh phúc và hiệu quả của thánh giá cứu độ. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ đều hướng về núi Canvê, nơi Mẹ đã đứng bên cạnh Con để tham dự vào những đau khổ của Đấng Cứu Độ. Chúng ta nhớ Mẹ Maria và thánh Giuse đã đem Con lên đền thờ để dâng hiến cho Thiên Chúa. Trong hành vi dâng hiến ấy, Đức Maria đã thoáng nhìn thấy hành vi hiến dâng tận tuyệt sau này của Mẹ. Thiên Chúa cũng muốn tỏ cho Mẹ thấy tầm mức hy sinh sau này và sự kiện Mẹ thông phần trong đó. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cụ già Simêon đã tiên báo: Con Trẻ này là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ phải lộ ra.4 Những lời tiên báo này rõ ràng nói cho Đức Maria biết rằng cuộc đời của Mẹ sẽ liên kết mật thiết với công cuộc cứu độ của Con Mẹ. Đức Gioan Phaolô II đã chú giải: Những lời của cụ Simêon giống như một cuộc Truyền Tin lần thứ hai cho Đức Maria, bởi vì những lời ấy cho Mẹ biết về những hoàn cảnh lịch sử mà Con Mẹ sẽ hoàn thành sứ mạng của Người, tức là trong hiểu lầm và trong phiền não… Những lời ấy cũng cho Mẹ biết Mẹ sẽ phải sống cuộc đời vâng phục đức tin trong đau khổ sát kề Đấng Cứu Độ, và chức vụ hiền mẫu của Mẹ là một chức vụ đầy mầu nhiệm và đau thương.5 Có thể Đức Thánh Trinh Nữ đã chuyển đến một ngôi nhà đơn sơ tại Bêlem cùng với hài nhi Giêsu và thánh Giuse, nhưng Thiên Chúa đã để Thánh Gia phải chịu bách hại. Rồi có lẽ Mẹ đã có một cuộc sống an vui bên cạnh Chúa Giêsu là tâm điểm đời Mẹ, nhưng Thiên Chúa lại bắt Thánh Gia phải trốn sang Ai Cập. Rồi khi đã định cư tại Nazareth, thì trong kỳ đi lễ đền thờ Jerusalem, trẻ Giêsu mười hai tuổi lại bị lạc mất. Chúng ta thấy Thiên Chúa đã để cho Mẹ phải chịu nhiều thử thách và gian truân tư bề. Trong khoảng thời gian Chúa rao giảng công khai, Mẹ chắc hẳn đã nghe nhiều lời đồn đại giả dối và những lời vu khống chống lại Con Mẹ. Chắc chắn Mẹ cũng nghe biết những âm mưu thâm độc của người Do Thái muốn làm hại Con Mẹ và sứ mạng cứu thế của Người. Trong hồi Thương Khó, Mẹ đã nghe những tiếng gào thét đòi giết chết Con Mẹ, Mẹ đã nhìn thấy các môn đệ bỏ Chúa, Mẹ đã gặp Chúa vác thánh giá nặng nề lê bước lên ngọn Canvê để chịu đóng đinh. Ai có thể hiểu được nỗi đớn đau ngập lút tâm hồn của Đức Trinh Nữ trong cuộc hội ngộ này? Mẹ đứng đó và nhìn quân dữ đóng đinh Con Mẹ yêu dấu trên thập giá, nghe những lời phỉ nhổ và chứng kiến những khổ hình kinh khủng. Ôi đau buồn sầu khổ biết bao cho Bà Mẹ đáng suy tôn của một người Con duy nhất! Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.6 Khi suy về vai trò của chúng ta trong việc đóng đinh Chúa Giêsu, Con Mẹ bằng những tội lỗi của mình, hôm nay, chúng ta nài xin Mẹ giúp chúng ta biết chia sẻ nỗi đớn đau của Mẹ qua tâm tình sám hối vì tất cả những tội lỗi của chúng ta. Nhờ sự trợ giúp của Mẹ, chúng ta sẽ quảng đại hơn trong việc thực hiện đền tạ vì những tội lỗi của chúng ta và của cả thế giới đã xúc phạm đến Thiên Chúa. 24.3 Cùng Mẹ Maria, chúng ta thánh hóa những đau khổ. Ngày lễ hôm nay là một dịp cho chúng ta ý thức chấp nhận tất cả nghịch cảnh để thanh luyện bản thân, và để đồng công với Chúa Kitô. Đức Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, đã dạy và làm gương cho chúng ta đừng than vãn giữa những đau khổ thử thách. Mẹ khuyến khích chúng ta hãy liên kết những đau khổ của chúng ta với lễ hy sinh của Con Mẹ, và hiến dâng những đau khổ ấy như hiến lễ để mưu ích cho gia đình, Giáo Hội, và toàn thể nhân loại. Những đau khổ chúng ta cần thánh hóa thông thường chỉ là những trái ý trong đời sống thường ngày, chẳng hạn phải chờ đợi lâu, phải thay đổi chương trình đã hoạch định, các dự án không xuôn xẻ như chúng ta đã trông đợi. Đôi khi những trở ngại bất ngờ xảy đến. Nhiều khi chúng ta còn thiếu cả những điều kiện cần thiết, như công ăn việc làm để nuôi sống gia đình. Sống siêu thoát trong những hoàn cảnh ấy là một phương thế giúp chúng ta noi gương và kết hợp với Chúa Kitô. Mẹ Maria ở đó khi Con Mẹ bị tước lột hết y phục. Mẹ quá biết vì chính Mẹ là người đã may y phục cho Chúa. Có Mẹ làm gương, chúng ta sẽ tìm được nguồn ủi an và năng lực để thăng tiến trong an vui thanh thản. Bệnh tật cũng có thể gõ cửa nhà chúng ta. Trong những lúc ấy, chúng ta hãy xin ơn biết chấp nhận bệnh tật như nụ hôn của Thiên Chúa và hãy tạ ơn Người về sức khỏe trước kia Người đã ban mà chúng ta chưa biết coi trọng cho đủ. Bệnh tật tấn công chúng ta, dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả tình trạng làm chúng ta hốt hoảng về tâm lý, đều có thể trở nên một biểu chứng tình yêu chúng ta dâng lên Chúa, một cơ hội để chấn chỉnh niềm tin chúng ta đặt vào Người và để thăng tiến các nhân đức đối thần một cách0nhanh chóng. Cxúng ta có thể thăng tiến trong đức tin, bởi vì chúng ta có thể nhận ra bàn tay quan phòng của Cha trên trời đang hoạt động trong lúc chúng ta bệnh nạn hoặc mạnh khỏe. Chúng ta có thể thăng tiến trong đức cậy, bởi vì chúng ta phó thác vào tay Chúa trong cơn cùng quẫn. Chúng ta có thể thăng tiến trong đức mến, bởi vì chúng ta chấp nhận nghịch cảnh trong niềm vui, và biết rằng Thiên Chúa cho phép khốn khó xảy đến để mưu ích lớn lao cho chúng ta. Những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất thường xảy đến khi chúng ta chịu bệnh nạn, có thể tình trạng bất lực hoặc phải nhờ vả người khác thật lâu dài. Hoàn cảnh neo đơn hoặc không thể chu toàn bổn phận bậc mình cũng là những hoàn cảnh rất khó chịu, chẳng hạn một linh mục không thể tiếp tục công tác mục vụ, một tu sĩ không thể giữ trọn luật dòng, một bà mẹ trong gia đình không thể chăm sóc con cái. Bất cứ trạng huống nào trái ngược với bản tính tự nhiên đều thực sự gây khó chịu. Nhưng dù đau khổ thế nào, sau khi đã dùng tất cả những phương thế cần thiết để phục hồi sức khỏe, chúng ta phải theo gương các thánh mà thưa lên, Lạy Chúa, con xin đón nhận tất cả những hoàn cảnh này, cho dù Chúa muốn điều gì, khi nào, và thế nào đi nữa.7 Chúng ta hãy nài xin Chúa Giêsu cho chúng ta biết tận dụng cơ hội để gia tăng tình yêu, và phó thác thưa lên trong bất kỳ hoàn cảnh nào: Lạy Chúa, có phải đây là điều Chúa muốn hay không?… Vậy thì đó cũng là điều con muốn.8 Một người mẹ lúc nào cũng nhớ đến và an ủi con cái trong những cơn khốn khó của chúng. Mẹ Maria là Hiền Mẫu tinh thần của chúng ta. Khi gánh nặng trách nhiệm trở nên quá nặng nề so với khả năng giới hạn của chúng ta, chúng ta hãy chạy đến nương nhờ nơi Mẹ và nài xin sự phù trợ ủi an của Mẹ. Mẹ mãi mãi vẫn là người an ủi dấu ái trong mọi đau khổ xác hồn tác động và làm đau khổ nhân loại. Mẹ quá biết những phiền muộn của chúng ta, bởi vì chính Mẹ đã từng chịu từ hang đá Bêlem cho đến tận đỉnh Canvê: ‘Và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Bà’ (Lc 2:35). Mẹ đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu trên thập giá một sứ mạng cá biệt để chỉ yêu thương và luôn luôn yêu thương hầu đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Mẹ Maria an ủi chúng ta trước tiên bằng cách chỉ cho chúng ta nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh và thiên đàng. Ôi Hiền Mẫu ủi an, xin Mẹ thương an ủi chúng con hết thảy, xin làm cho chúng con hiểu rằng bí quyết hạnh phúc là ở cuộc sống tốt lành và luôn luôn trung tín với Chúa Giêsu, Con Mẹ.9 Chúa biết con đường nào tốt nhất cho từng người chúng ta bước theo Người. |