Cuộc đời đức Mẹ Maria
là cuộc đời của bà Mẹ có trăm nghìn đau khổ nối tiếp nhau kể ra không
hết. Tước hiệu Đức Bà Sầu Bi (Our Lady of Sorrows) phần nào nói lên lòng
thương cảm và tôn kính của Kitô hữu đối với Đức Bà. Lòng tôn kính này
phổ biến rộng rãi từ thế kỷ XII. Để Kitô hữu có thể chiêm niệm sự đau
khổ của Đức Mẹ một cách cụ thể, Hội Thánh chọn bảy sự thương khó tiêu
biểu gắn liền với lịch sử cứu độ của Đức Giêsu để tưởng niệm.
1. Lời Tiên Tri Của Thầy Cả Simêôn
Sau khi sinh nở
được 40 ngày, Đức Maria phải làm lễ thanh tẩy và dâng con trai đầu lòng
lên Thiên Chúa theo luật Do Thái. Thánh gia hành lễ tại đền Giêrusalem.
Trong đền thờ có lão thầy thượng phẩm Simêôn vẫn hằng cầu nguyện xin
được gặp Đấng Cứu Độ trước khi ông lìa trần. Một đêm, Thánh Linh cho
biết ông sẽ thấy Đấng Kitô vào ngày mai. Hôm sau ông đứng sẵn trước bàn
thờ hằng giờ chờ đợi. Ông thấy thánh gia đi tới có hào quang phủ xung
quanh. Ông nhận ra ngay con trẻ Giêsu là Đấng Mêsia. Ông ẵm Hài Nhi và
xúc động nói: “Giờ đây tôi tớ Chúa xin được ra đi vì mắt tôi đã thấy ơn
cứu độ.” Rồi ông nói với Đức Maria: “Hài nhi sẽ là dấu cho người ta
chống đối và là sinh mệnh cho nhiều người ngã xuống hay chỗi dậy trong
dân Israen. Còn bà! Một lưỡi gươm sẽ xuyên thấu hồn bà, nhờ vậy mà ý
nghĩ trong những tâm hồn khác được phơi bày.”
Tuy được Thánh
Linh chỉ dẫn nhưng phát ngôn của Simêôn chỉ là một trực giác siêu hình,
không phải là một hiểu biết, nên ông không thể giải thích. Cả Simêôn lẫn
Đức Bà đều cảm nhận một cái gì cao cả bao la và hàm chứa nhiều điều
không thể khai triển. Những điều này may ra có thể hiểu được khi chúng
ứng nghiệm trong thời gian. Hài Nhi Giêsu được xác định là một đối tượng
bị khổ nạn (trong xứ Israen) và sẽ mang lại đau khổ cho cha mẹ. Đây là
một đau khổ nội tại, như một thiên mệnh. Có bà mẹ nào không đau lòng khi
biết số phận tương lai con mình như vậy. Nỗi khổ nạn của Hài Nhi không
thể tránh vì nó không phải là một tai nạn nhưng là nền tảng siêu việt
phát sinh ra sự sống cho nhiều người. Cũng vậy lưỡi gươm đâm thấu tim
đức Maria không thể bỏ, vì nó là nguồn vận hành cho các ý nghĩ (ý thức
về Thiên Chúa) của nhiều tâm hồn được nẩy nở. Đức Maria âm thầm chịu
đựng sự đau khổ từ phút nghe Simêôn nói. Đức Mẹ hồi hộp không biết cái
gì sẽ xảy ra trong ngày mai, nên chỉ biết kéo dài sự thổn thức lo lắng
cho đến hết đời mình.
2. Lẩn Trốn
Qua Ai Cập
Khi Đức Giêsu
sinh ra, vua Hêrốt được ba đạo sĩ cho biết có vua Do Thái mới ra đời.
Hoảng sợ bị mất ngôi, Hêrốt ra lệnh tìm giết Hài Nhi. Sau buổi lễ thanh
tẩy nói trên được 5 ngày, thánh Giuse được thiên sứ báo tin dữ trong
giấc mộng. Nửa đêm, thánh vội vàng thu tóm đồ đạc, lén lút mang Hài Nhi
và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Gia tài của thánh gia chỉ có 1 con lừa và
ít mẩu bánh khô. Bấy giờ trời còn trong mùa Đông giá buốt, Đức Mẹ chỉ là
cô gái yếu đuối 17 tuổi, còn Hài Nhi thì mới sinh. Cuộc đi trốn bằng
đường bộ dài 400 dặm xuyên qua sa mạc và những cánh rừng hoang. Họ đi
ban ngày, ban đêm ngủ trên cát sa mạc hay dưới gốc cây trong rừng sâu.
Đức Giuse lấy chiếc áo của mình phủ lên vài cây cọc để làm lều cho Đức
Mẹ và Hài Nhi trú thân. Sau 30 ngày lạc lõng, đói khát, và giá lạnh,
thánh gia thất thểu tới thành Hêlipôli (Thành Mặt Trời), Ai Cập. Thánh
gia lưu trú tại đó trong 7 năm trời. Cuộc sống của kẻ di cư hết sức bơ
vơ và cùng cực. Đức Giuse làm công thợ mộc và đức Maria đan áo để sinh
sống. Đức Giuse thường bị ông chủ bạc đãi không trả tiền công. Nhiều lần
cả nhà phải nhịn đói, không có đến một mẩu bánh nhỏ cho Hài Nhi ăn.
Vì Thiên Chúa
truyền cho thánh Giuse đi trốn, nên Đức Mẹ chấp nhận nỗi đau khổ với
lòng khiêm nhường vâng theo Thánh Ý. Không phải Đức Mẹ không muốn một
hoàn cảnh tốt đẹp hơn theo bản tính tự nhiên của con người, nhưng đức
tin và đức cậy thuần khiết giúp Đức Mẹ vượt lên trên những ước vọng cá
nhân trần thế. Vì thế Đức Mẹ càng nhẫn nhục trong đau khổ thì lại càng
chìm sâu trong tình yêu Thiên Chúa. Nhờ đó Đức Mẹ sống trong Thiên Chúa
một cách sâu xa. Thánh Benard nói: “Nếu không có đức khiêm nhường thì
đức Maria cũng không được Thiên Chúa chấp nhận,” bởi vì Thiên Chúa đã
phán: “Ai là kẻ được Ta đoái nhìn, ấy là người khốn khó trong tâm hồn
khiêm nhường.” (Is 66:2).
3. Đức Mẹ
Lạc Con Trong Ba Ngày
Lúc Đức Giêsu
lên 12 tuổi, Thánh Gia tới đền Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua. Tới nơi gia
đình tách ra làm hai, vì theo tục lệ phái nam và phái nữ có chỗ thờ tự
riêng trong đền thờ. Xong lễ hai ông bà ra về. Bà tưởng Con đi với ông,
trong khi ông tưởng Con đi với bà. Sau một ngày đường ông bà gặp nhau
bấy giờ mới biết không có Con Trẻ đi theo. Từ đó Đức Mẹ sầu khổ khóc lóc
não ruột không ngừng, bà nghĩ rằng có thể nhà vua tìm ra Con Trẻ và đã
bắt mang đi. Cả ngày hôm sau ông bà tìm kiếm khắp chỗ, hỏi thăm họ hàng
và những người quen nhưng không ai biết gì. Điều đó càng khiến ông bà sợ
hãi hơn. Trong 3 ngày thất lạc con, Đức Mẹ không ăn và không ngủ. Đức
Giuse cũng đau khổ hầu chết. Cuối cùng ông bà thẫn thờ trở lại đền thờ
tìm dấu vết Con Trẻ. Họ ngạc nhiên thấy Con vẫn còn ở đó đang ngồi nghe
giảng và đặt ra những câu hỏi làm kinh ngạc người nghe.
Đức Giêsu Hài
Đồng vắng mặt trong 3 ngày. Đó là thời gian Đức Mẹ nghiệm ra ý nghĩa sự
hiện hữu của mình. Đức Mẹ, hơn ai hết, đã được thiên sứ Gabrien mặc khải
Hài Nhi là Đấng Kitô. Vì vậy sự gần gũi với Hài Nhi mang đầy đủ ý nghĩa
của sự sống và sức mạnh nâng đỡ sự hiện hữu. Tuy nhiên Đức Mẹ chưa tiếp
cận được sự siêu việt Hài Nhi là nền tảng chân lý của tôn giáo, là Logos
thành nhân. Cho nên khi Hài Nhi đi sâu vào nội dung tôn giáo, “Con phải
lo việc cho Cha,” Đức Mẹ chưa lãnh hội được trọn vẹn. Đức Mẹ chỉ thấy
rằng mất con là mất tất cả, vì xa lìa Con là điều bất hạnh không thể
chịu đựng nổi. Khi Hài Nhi vắng mặt, lúc ấy không phải lúc Hài Nhi bị
lạc nhưng chính Đức Mẹ là người bơ vơ vì bị lạc mất điểm tựa.
4. Gặp Con
Vác Thập Giá
Tin Đức Giêsu
bị kết án tử hình được thánh Gioan chạy về báo cho Đức Mẹ, lúc ấy đang
tạm trú ở nhà bà Martha. Đức Bà vội cùng thánh Gioan và bà Mađalêna theo
dấu máu rơi trên mặt đất chạy theo Đức Giêsu. Đức Mẹ gặp Con khi Người
đang oằn lưng đi siêu vẹo vác cây gỗ nặng trên vai, lê bước đến núi
Calvariô. Đức Giêsu lúc ấy không còn nhận ra hình dạng con người. Đầu
Người bị quấn bởi một vòng gai to, tóc rối bù quyện với máu, áo tả tơi,
từ đầu đến chân mang đầy vết bạo hành, máu tươi còn nhỏ giọt. Bao quanh
Người là nhóm lính mang những khí cụ xử tử như dây thừng, búa đinh, và
giáo mác. Một số khác vung roi xích sắt vùn vụt và chửi bới ầm ĩ. Đức
Giêsu dừng lại, đầu rũ xuống ngực, Người cố gắng lấy tay gạt máu phủ mắt
để thấy Đức Mẹ. Hai Mẹ Con đứng lặng nhìn nhau.
Không gian ngưng đọng. Một tên lính vừa cười ngạo ha hả vừa rung chuỗi
đinh trước mặt Đức Mẹ. Đức Giêsu ngã qụy xuống, cây gỗ dộng mạnh trên
vai, đầu cây gỗ đập vòng gai đâm sâu vào đầu Người. Đức Mẹ chạy lại quì
xuống ôm lấy Con. Bọn lính la hét xô Đức Mẹ ra. Thánh Gioan và bà
Mađalêna dìu Đức Mẹ ra ngoài. Đức Giêsu gượng dậy cúi mặt tiếp tục bước
đi.
Đức Giêsu tự
đến Giêrusalem nộp mình để bị xử tử. Như vậy cuộc khổ nạn của Người
không phải là một định mệnh, nhưng là một hy sinh cho tình yêu trong ý
thức tự do. Cuộc chịu nạn này đã cứu vớt nhiều người, nhưng lại bắt đầu
từ lỗi lầm của những kẻ hãm hại người. Sấm ngôn của Simêon đã được giải.
Về phần Đức Mẹ, sợ hãi và đau đớn đến cùng tận là tất cả những gì có thể
nói về Người vào lúc ấy. Nhưng cũng như Đức Giêsu, sự hiện hữu của Đức
Mẹ không phải là để lãnh bản án đau khổ để rồi chết. Vì nếu thế sự hiện
hữu chỉ là cuộc sống đầy bi thương tang tóc và không có hy vọng. Sự đau
khổ của Mẹ là một đồng cảm và chỉ có nơi những người yêu nhau. Tình yêu
là sức mạnh vô cùng mãnh liệt, vượt khỏi sự sợ hãi đau khổ và sự chết,
là căn nguồn cho hiện hữu trường cửu của người biết đặt hy vọng vào
Thiên Chúa, Đấng vô hạn và trường cửu.
5. Đứng Dưới
Chân Thập Giá
Tiếng búa đóng
đinh trên tay và chân Đức Giêsu tạo nên cơn khủng hoảng cùng cực trong
tâm não Đức Mẹ. Máu tươi từ những mũi gai trên đầu chảy phủ đầy mặt Đức
Giêsu. Để có thể nhìn Đức Mẹ, Người phải cong môi thổi cho dòng máu chảy
vào mắt lệch qua bên. Đức Giêsu cảm thương Đức Mẹ và Đức Mẹ thương xót
Đức Giêsu. Tim hai Người cùng bị xé nát. Đức Giêsu trối Đức Mẹ cho thánh
Gioan vì Đức Giuse đã qua đời. Khi Người mở miệng nói, máu trong miệng
ứa ra. Đức Giêsu quằn quại đau đớn trên cây Thập Giá 3 tiếng đồng hồ.
Một số thượng tế và biệt phái buông lời phạm thượng và ném đất cát vào
mặt Người. Cuối cùng Người nói, “Lạy Cha Con phó Linh Hồn Con trong tay
Cha,” Người rướn mình lên lần cuối, rồi đầu gục vào ngực. Thân thể Người
rũ xuống, một màu tử khí lan ra bao trùm thân xác. Mắt Đức Mẹ tối xầm
lại, toàn thân lạnh toát tê cứng, Người ngã xuống và chết lịm. Khi Đức
Mẹ tỉnh dậy, Mẹ thấy một tên lính đến đâm lưỡi giáo vào sườn Đức Giêsu.
Lưỡi giáo xuyên thấu ngực xé rách trái tim làm hai mảnh. Máu và nước còn
sót lại trong tim vọt ra từ lỗ đâm. Trái tim Đức Mẹ lúc ấy cũng đau xé
ra như bị lưỡi giáo đâm vào vậy.
Nếu không có
Thiên Chúa nâng đỡ, Đức Mẹ đã tắt thở vì quá đau khổ và sợ hãi. Đức Mẹ
đã chết trong lúc vẫn sống. Thánh Bonaventura luận rằng Thập Giá trên
núi Calvariô chính là bàn thờ, trên đó Đức Giêsu và Đức Mẹ cùng hiến tế
để tôn thờ Thiên Chúa. Vì vậy Đức Mẹ chính là là Nữ Vương Các Thánh Tử
Đạo. Xưa Ađam và Evà đã bán thế giới với giá một trái táo. Nay Ađam mới
và Mẹ đã cứu chuộc thế giới bằng một trái tim. Từ đây tội lỗi của nhân
loại được tha thứ. Thánh sử Gioan dẫn ra biểu tượng quan trọng khi Đức
Giêsu thiết lập liên hệ mẹ con giữa Đức Mẹ và môn đệ Gioan. Thánh Origen
luận rằng Đức Gioan đại diện cho các Tông Đồ, tức Hội Thánh. Như vậy Đức
Giêsu đặt giáo hội vào tay Đức Mẹ. Đức Mẹ là Mẹ giáo hội, nên cũng là Mẹ
các giáo hữu. Sau đó thánh Rupert giải thích rằng lời nói của Đức Giêsu
đã mặc khải rằng Đức Mẹ là Mẹ thiêng liêng của cả nhân loại.
6. Đón Chờ
Hạ Xác Đức Giêsu
Vào buổi chiều,
có 3 ông là Gioan, Giuse Arimathê, và Nicôđêmô đến hạ xác Đức Giêsu. Các
ông gỡ vòng dây gai quấn ở đầu và rút những chiếc đinh đóng ở tay và
chân Đức Giêsu ra, rồi đỡ xác Người từ từ hạ xuống. Đức Mẹ đón lấy xác
Con rồi ẵm vào lòng. Các cơ bắp của Đức Giêsu đã co rút cứng lại nên xác
Người vẫn giữ nguyên dạng như khi bị đóng đanh. Mắt còn mở và miệng còn
há ra. Đức Mẹ vừa khóc vừa vuốt mắt và miệng Đức Giêsu cho khép lại. Đức
Mẹ cũng muốn xếp hai tay Đức Giêsu đặt trước ngực, nhưng Người chỉ có
thể đặt hai tay Con úp vào bụng, vì tay Đức Giêsu đã đông cứng.
Sự nhập thế của
Ngôi Lời chấm dứt bằng tặng phẩm Người dâng lên Chúa Cha là tình yêu và
đức vâng lời cho đến mức chết. Đức Giêsu là tượng hữu hình của Thiên
Chúa vô hình. Cuộc tử nạn của Người trên Thập Giá là tượng hữu hình tình
yêu toàn vẹn của Thiên Chúa hiến cho loài người (Mt 26:28; Mc 14:24; Lc
22:20; Ga 10:15; Pl 2:18). Đức Mẹ, hơn ai hết, đã biết rõ sự sống của
loài người bắt đầu bằng cái chết của hữu thể Đức Giêsu, nhưng điều đó
không làm giảm sự đau khổ của Đức Mẹ. Mẹ đau xót vì Con bị chính những
kẻ thọ ân bạc đãi và bỏ rơi. Nhờ cuộc hiến tế trên Thập Giá mà loài
người được liên kết với Thiên Chúa qua Đức Giêsu và qua Giáo Hội của
Người. Vì Đức Mẹ là nơi hoàn hảo để Thiên Chúa siêu việt nhập thế, nên
đồng thời Đức Mẹ cũng là nơi liên kết của Giáo Hội và nhân loại.
Cảnh tượng Đức
Mẹ đón chờ hạ xác Đức Giêsu đã gây xúc động cho rất nhiều nghệ nhân,
trong số đó có Michaelangelo. Ông tạc bức tượng Pieta diễn tả cảnh Đức
Mẹ ẵm xác Đức Giêsu. Pieta trở thành tuyệt phẩm vô giá của nghệ thuật
nhân loại.
7. Táng Xác
Đức Giêsu
Đức Mẹ lấy vải
rửa sạch mọi vết thương. Các ông Gioan, Giuse Arimathê, và Nicôđêmô mang
xác Đức Giêsu vào trong một ngôi mộ bằng đá do ông Giuse Arimathê mua
sẵn. Họ tẩm xác Đức Giêsu bằng dầu thơm rồi lấy tấm vải trắng bọc lại.
Khi đặt xác Đức Giêsu vào mồ, Đức Mẹ ước ao họ để Đức Mẹ ở trong mồ với
Con, nhưng các ông Gioan, Giuse Arimathê, và Nicôđêmô dìu Đức Mẹ ra
ngoài. Họ im lặng vần một phiến đa to che cửa vào nhà mồ. Sau đó họ chia
tay nhau. Tông đồ Gioan đưa Đức Mẹ về nhà mình.
Nếu thánh Giuse
còn sống, hay nếu đức Maria còn vài người được thánh kinh viết là “anh
chị em của Đức Giêsu,” như một số người cố tình hiểu như vậy, chắc chắn
đã không có cảnh Đức Mẹ đi theo thánh Gioan. “Từ đấy tông đồ [Gioan] đưa
Bà về nhà mình” (Ga 19:27), Thánh Kinh không cho biết họ ở Giêrusalem
hay ở một địa phương nào đó.
Thánh Bridge
cho biết Đức Mẹ nói với bà, “Con thấy chăng, những đau khổ Con Ta chịu
là vì con.” Sự liên hệ giữa nhân loại và Thiên Chúa là một huyền nhiệm
của tình yêu. Thiên Chúa chết vì yêu nhân loại là một trong những huyền
nhiệm mà chúng vẫn chưa có thể hiểu hết được sự bao la của ân sủng này.
Tuy Đức Mẹ không nhắc đến Người, nhưng chúng ta đều biết Đức Mẹ đã thông
phần đau khổ với Chúa Kitô. Vì vậy chúng ta cũng có thể nói: Đức Mẹ đã
chịu đau khổ là vì chúng ta.” Chính vì vậy mà vào thế kỷ IX một số thần
học gia đã khởi xướng chủ đề: Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc
(Coredemtrix)
Hội Thánh thành
lập hai thánh lễ kính Đức Bà Đau Khổ. Cả hai lễ đều bắt nguồn từ điều
luật 11 của công đồng Côlôn (Cologne, năm 1423). Điều luật này quy định
thành lập lễ kính Đức Bà Đau Khổ. Ý niệm khởi đầu chỉ hướng về mối đau
khổ tổng thể, cụ thể hơn là tôn kính Đức Mẹ đau khổ đứng dưới chân Thập
Tự Giá. Thánh lễ được cử hành vào ngày thứ Sáu của tuần thứ 3 sau lễ
Phục Sinh. Năm 1482, bảy sự thương khó của Đức Mẹ mới được khai triển và
truyền giảng ở Âu Châu. Năm 1725 đức Benêdíc XIV chuyển lễ Đức Bà Đau
Khổ qua ngày thứ Sáu trong tuần Thương Khó, trước lễ Lá. Đó là lễ thứ I.
Năm 1912 Giáo Hoàng Pio X quyết định toàn thể giáo hội cử lễ tưởng niệm
một lần nữa vào ngày 15 tháng 9 hằng năm, sau lễ kính Thánh Giá. Đó là
lễ thứ II. Cả hai thánh lễ đều dùng bài thơ “Stabat Mater” (Mẹ Sầu Bi
đứng dưới chân Thập Giá) của Giacopone da Todi (1360), tu sĩ dòng
Phanxicô, làm thánh ca cho buổi lễ |