Lễ Ðức Mẹ Lộ Đức


Lòng từ mẫu bao la
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nơi sở bưu điện thành phố Lecco thuộc miền Lombardia (Bắc Ý) có một nữ nhân viên trẻ tuổi duyên dáng và nhanh nhẹn. Ai ai cũng quý mến cô. Mọi người âu yếm gọi cô bằng tên Benedetta (nguyên ngữ Ý có nghĩa là người được chúc lành).

Bình thường cô Benedetta tiếp đón và phục vụ khách hàng hết sức chu đáo, lịch sự và nhã nhặn. Cô không tỏ ra cáu kỉnh bao giờ kể cả khách hàng ”ngu-ngơ, lẩm-cẩm” và hay quấy rầy nhất!

Thế nhưng, có một sự kiện ”bất thường” không ai hiểu nổi và giải thích được, ngay cả chính đương sự! Đó là hàng tuần cô Benedetta chỉ nổi giận duy nhất vào ngày cô cầm trên tay để đóng dấu bưu điện thành phố Lecco vào tờ tuần san thông tin Công Giáo đến từ Lộ Đức, Trung Tâm Thánh Mẫu nổi tiếng của nước Pháp.

Nguyên sự kiện nhìn thấy con dấu bưu điện mang tên thành phố thánh mẫu Lộ Đức đủ làm cô Benedetta mất bình tĩnh. Thật tội nghiệp cho tờ tuần san bé nhỏ, khiêm tốn và trầm lặng. Nào nó có làm gì nên tội cho cam! Vậy mà cô Benedetta giận dữ ghét bỏ nó, ném nó vào một góc bàn, hoặc đôi khi mạnh tay vứt nó vào sọt rác! Cơn giận vô cớ không thay đổi và giảm bớt theo thời gian, trái lại còn tăng mạnh thêm mãi.

Nhiều lần, để hả cơn giận vô cớ, cô Benedetta bèn lấy con dấu bưu điện thành phố Lecco và đóng tan tành, đóng chồng chất lên chữ LỘ-ĐỨC, khiến không ai còn có thể đọc ra tên LỘ ĐỨC nữa! Lúc đó cô mới hả giận, chuyển tờ tuần san thông tin Công Giáo Lộ Đức đến tay người nhận!

Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội, từ trời cao, hẳn trông thấy từng cử chỉ nhỏ nhặt và từng tâm tình kín ẩn của cô nhân viên sở bưu điện thành phố Lecco. Nhưng Đức Mẹ nhân từ, thay vì trừng phạt đứa con hỗn láo, Mẹ lại nhẫn nhục chờ đợi một thời cơ thuận tiện, một con đường mới, một cách thức mới để chúc lành cho Benedetta, đúng theo tên gọi quý hóa của cô.

Vào một ngày, theo thông lệ, tờ tuần san thông tin Công Giáo Lộ Đức lại tới bưu điện Lecco. Nhưng hôm đó, không hiểu vì lý do gì, tờ tuần san bị gấp lộn. Một tờ bên trong lại nằm ra bên ngoài, với tựa đề thật lớn: ”Một cuộc khỏi bệnh lạ lùng”.

Vừa cầm tờ báo trên tay, lại đọc thêm hàng chữ lạ lùng đó, máu nóng của cô nhân viên lại dâng lên tới đầu (như người ta thường nói)! Con dấu bưu điện như bị đứng yên lơ lửng giữa vời .. trước tâm tình ngổn ngang của cô nhân viên. Sau cùng, bị tính tò mò thúc đẩy, Benedetta vội vàng đọc xem nội dung câu chuyện ra sao. Đó là bài tường thuật cuộc khỏi bệnh lạ lùng tại Lộ Đức của một phụ nữ Công Giáo, sau 14 năm bị tê bại hoàn toàn.

Đọc xong, Benedetta thật sự xúc động. Phép lạ đầu tiên xảy ra. Cô không vứt tờ tuần san Lộ Đức vào một xó, cũng không bỏ vào sọt rác, nhưng lại để vào xách tay và mang về nhà. Về nhà, cô đọc đi đọc lại nhiều lần. Câu chuyện khỏi bệnh lạ lùng tại Lộ Đức có tác động mạnh trên trí thông minh và trên con tim của Benedetta. Sau cùng, con tim chiến thắng. Benedetta thành tâm thống hối về thái độ ngổ nghịch của mình đối với Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Benedetta lấy giấy và viết thư cho phụ nữ Công Giáo may mắn được Đức Mẹ chữa lành bệnh tật tại Lộ Đức. Thư gửi đi, không bao lâu sau, Benedetta nhận thư trả lời của người khỏi bệnh. Từ đó, cuộc đời Benedetta hoàn toàn đổi khác.

Ba tháng sau, Benedetta chính thức lấy xe lửa đến Lộ Đức. Quỳ trước Hang Đá Đức Mẹ Massabielle, Benedetta khiêm tốn thỏ thẻ:

- Thưa Mẹ, lần này, người đóng dấu bưu điện chính là Mẹ. Chính Mẹ đóng dấu LỘ ĐỨC của Mẹ trên trái tim con. Nhờ thế mà trái tim con biến đổi và được chúc lành. Từ nay, tên gọi LỘ ĐỨC trở thành tên gọi dấu ái và ghi khắc mãi mãi trong trái tim con, không bao giờ mờ xóa.

... Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Chúa GIÊSU. Đức Chúa GIÊSU và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Chúa GIÊSU nói với Người: ”Họ hết rượu rồi!” Đức Chúa GIÊSU đáp: ”Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và Tôi? Giờ của Tôi chưa đến!” Thân mẫu Người nói với gia nhân: ”NGƯỜI BẢO GÌ, CÁC ANH CỨ VIỆC LÀM THEO!” (Gioan 2,1-5).

(Sac. Pietro Ceccato, ”Alla Scuola della Madonna”, Centro Mariano Montfortano, 1961, trang 222-223)