Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời


Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời
Trần Văn Trí


Đối với Giáo Hội Công Giáo, từ 1950, Đức Mẹ hồn xác lên trời là một tín điều thuộc phạm vi Đức Tin. Trong khi, từ những thế kỷ tiên khởi, việc Đức Mẹ hồn xác lên trời đã được các tín hữu vững tin dựa vào truyền thống, dù không có nền tảng trong Thánh Kinh. Giáo Hội nhìn nhận truyền thống như thế phù hợp với kho tàng Đức Tin được khai triển vào giữa thế kỷ 19 trong Tín điều “Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội”, công bố theo thông điệp “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa bất khả ngộ) ngày 8-12-1854.
 
Năm 373, Thánh Euphreim đã nêu lên quan niệm rằng, sau khi lìa đời, xác của Đức Maria vẫn nguyên vẹn vì Mẹ không nhuốm lấy dơ bẩn của sự chết. Ở Phương Tây, Grê-gô-riô de Tours đã dựa vào tài liệu “Transitus Mariae” (Đức Maria lìa đời), thế kỷ thứ 5 (495-496), nói về Đức Mẹ khi lìa đời (có các tông đồ hiện diện), được Chúa Giêsu đón rước linh hồn và cả xác, lên Thiên Quốc. Ở Phương Đông, Gioan Đa-mas-xê-nô thuật lại sự tích trong Giáo hội Giêrusalem: Vào Công đồng Cal-cê-đô-ni-a, năm 451, hoàng đế Marcianô và hoàng hậu Pulsêria yêu cầu Đức Giám mục Juvénal, thành Giêrusalem, tìm xác Đức Mẹ và tường trình cho Công Đồng. Sau khi tìm kiếm, Đức Cha Juvénal trình rằng:
 
“Khi Đức Mẹ lìa đời thì các Tông đồ đều có mặt, trừ ông Tô-ma đi vắng. Vài ngày sau, khi trở về, Tôma đòi xem xác Đúc Mẹ. Các tông đồ ra phần mộ thì thấy mộ trống trơn, không còn có xác Đức Mẹ. Các tông đồ tin rằng Mẹ Maria đã được Chúa Giêsu đem lên Thiên Quốc hợp cùng linh hồn của Mẹ.”
 
Ngoài ra, tuy trong Giáo Hội không có tài liệu Thánh Kinh nào về Đức Mẹ hồn xác lên trời, nhưng các tín hữu hằng vững tin về “Đức Mẹ mông triệu thăng thiên” như mầu nhiệm.thứ bốn của Năm Sự Mừng: Thứ bốn thì ngắm “Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời, ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.”
 
Theo Thánh Truyền, từ lời Chúa Giêsu trối trên thập giá: “Nầy là mẹ của anh” (Ga 19: 27), môn đệ Gioan lãnh phần chăm sóc Đức Mẹ, Năm 370, có tài liệu nói về Thánh Nữ Đồng Trinh đã sống tại Giêrusalem vào cuối cuộc đời của Mẹ và về phần mộ của Đức Mẹ tại Giết-sê-ma-ni, nơi thung lũng Gio-da-phát. Nơi đây, vào khoảng năm 431, có Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria trong đó có phần mộ của Đức Mẹ, dù là mộ trống vì Đức Mẹ đã được Thiên Chúa đưa cả hồn và xác lên trời.
 
Tất cả các trích thuật nầy, tuy không phải từ Thánh Kinh mà do Thánh Truyền, nhưng giáo hữu sốt sắng vững tin và sùng mộ. Hơn nữa, điều căn bản người tín hữu cần hiểu biết về Thánh Nữ Đồng Trinh Maria hồn xác lên trời là ý nghĩa Đức Mẹ được Thiên Chúa rước về Thiên Quốc cả hồn lẫn xác - Assumptio Beatae Mariae Virginis, khác với mầu nhiệm Chúa Giêsu Thăng Thiên – Ascensio Domini, vì Đức Giêsu Kitô về cùng Thiên Chúa Cha, hay tự lên trời do quyền phép của chính Ngài.
 
Hai mầu nhiệm “Lên Trời” và “Mông Triệu Thăng Thiên” có trong Năm Sự Mừng Chuỗi Mân Côi.
 
Cũng theo Thánh Truyền, từ thế kỷ thứ 4 trở đi, niềm tin vào “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria hồn xác lên trời” được phổ biến trong cả Giáo Hội Đông Phương lẫn Tây Phương. Cụ thể, trong các Giáo Hội Đông và Tây Phương, có nhiều vị đạo đức hoặc các Giáo Phụ, về sau được phong thánh, đã nhiệt thành rao giảng về hồng ân Thánh Nữ Đồng Trinh Maria hồn xác lên trời, như Thánh Grêgôriô thành Tours, Thánh Mô-đét-tô, Th. Xô-phrô-ni-ô, Thượng phụ Giêrusalem, Th. Ger-ma-nô, Constantinople.
 
Tại sao hằng năm, Lễ Đức Mẹ lên trời vào ngày 15 tháng 8
 
Vào đầu thế kỷ thứ 6, Thánh Tê-ô-đô-xi-ô (Theodosius) cho biết: Trước năm 500, hằng năm các thầy dòng Palestine mừng trọng thể Lễ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria hồn xác lên trời vào ngày 15 tháng 8. Trong khi, theo Giáo Lý, tại Ai cập và A-ra-bi-a thì giáo hữu mừng lễ vào trung tuần Tháng Giêng. Đến thế kỷ 6, ngày lễ 15 tháng 8 lan rộng khắp Giáo Hội Đông Phương. Tại đế quốc Hy lạp, Hoàng đế Mô-rít (Mauritius) công bố ngày lễ 15 tháng 8 với danh xưng “Lễ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria Ngủ – Dormitio Sanctae Mariae Virginis” theo tinh thần Phụng vụ By-giăng-tin (Giáo Lý GHCG, 966).
 
Cũng vào thế kỷ 6, Giáo Hội Rôma lấy ngày 15-8 làm ngày mừng Lễ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria – Festivitas Beatae Mariae Virginis và mừng tại đền thờ Đức Bà Cả (Santa Maria Maggiore).
 
Từ năm 700, thời Đức GH. Sergius I (687-701), Lễ Mông Triệu mừng trọng thể, có rước kiệu Đức Mẹ.
 
Từ nguyên thủy, trong Sách Lễ Rô-ma, ngày lễ có tên “Assumptio Beatae Mariae Virginis”, với từ La-tinh Assumptio do động từ “Adsumere – assumptus” có nghĩa “kết hợp”, nên ngày lễ gọi đúng tên là “Lễ Kết Hợp của Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” (và phải thêm “với Chúa Giêsu Con Mẹ trên trời “).
 
Như vậy, ý nghĩa ngày lễ không nằm trong tên gọi mà chính trong Đức Tin, nền tảng của Thánh Truyền, giúp người Kitô-hữu đồng ý về hồng ân “Đức Mẹ, sau khi viên mãn cuộc đời trần thế, được Thiên Chúa đón rước cả hồn xác lên trời kết hợp với Chúa Giêsu Con Mẹ”. Từ đó, ngày lễ có tên phổ thông là “Lễ Đức Mẹ.hồn và xác lên trời”, mà người Công Giáo Việt Nam gọi là Lễ Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên, hay Lễ Mông Triệu, lễ trọng, lễ buộc, có Lễ Vọng ngày 14 tháng 8. Ngày nay, Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là lễ trọng, lễ buộc, vì được vào quy củ Phụng Vụ nhờ tín điều Đức Mẹ Hồn Xác lên trời và Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội 21-11-1964 (Lumen Gentium 59, tr. 247) nhắc lại:  Sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ để nên giống Con Ngài trọn vẹn.
 
Tín điều Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời
 
Cần nhắc lại Tín Điều vì niềm tin thâm sâu và nhiệt tình vào “Đức Mẹ hồn xác lên trời” đã có từ lâu đời trong Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành, nhất là từ giữa thế kỷ 19, sau khi Đức GH. Piô IX (1846-78) công bố tín điều “Ineffabilis Deus” về “Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội” (8-12-1854).
 
Đến giữa thế kỷ 20, Đức GH. Piô XII (1939-58) được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã cho mở các cuộc điều tra rộng rãi và nhận thấy có nhiều thỉnh nguyện từ giáo hội hoàn vũ xác tín mầu nhiệm cao cả đó.
 
Vào Lễ Các Thánh Nam Nữ 1-11-1950, Đức GH Pi-ô XII ban hành Tông hiến lấy hai từ đầu bằng tiếng La-tinh Munificentissimus Deus (MD) của văn kiện, có nghĩa “Thiên Chúa rộng rãi hải hà”, công bố Tín điều Thánh Nữ Đồng Trinh Maria Hồn Xác Lên Trời gồm các điểm căn bản như sau.
 
Với 48 số mục, Tông hiến tuyên xưng:
 
Thiên Chúa rộng rãi hải hà, dưới các điều kiện và phương thức khác nhau, làm cho mọi sự cùng hoạt động đem lại thiện mỹ cho những ai yêu mến Ngài” (MD, 1). Đức Thánh Cha nói đến giáo triều của người có “biết bao ưu tư, lo âu, rối loạn, với tai ương rất trầm trọng, sự kiện làm xa vời chân lý và nhân đức”, thúc đẩy Giáo Hội gia tăng lòng sốt sắng chạy đến khẩn cầu Mẹ, tôn vinh Mẹ (MD, 2). Người đề cập đến lý do ban hành Tông hiến (MD, 3) dựa vào nền tảng mà Đức GH. Piô IX đã ban hành tông hiến Ineffabilis Deus (Thiên Chúa bất khả ngộ) ngày 8-12-1854, công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (MD, 4); những thỉnh nguyện và truyền thống đạo đức tôn vinh mầu nhiệm “Đức Mẹ hồn xác lên trời” (MD 7-19); chứng nhân của các Giáo phụ, các nhà thần học, các tiến sĩ Hội Thánh, các diễn giải Thánh Kinh (MD 20-41), dẫn đến việc triều đại Piô XII công bố tông huấn (MD 42-48) với những điều khoản luật định theo đức tin (MD 45-47) và ngày-tháng-năm ban hành (MD 48). Công bố chính yếu (MD, 44) minh định mà người giáo hữu phải nắm vững khi tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa lễ nghi Phụng Vụ Thánh:
 
Với bao lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa, cầu khẩn ánh sáng của Thần Chân Lý, vì sáng danh Chúa và lòng yêu mến Mẹ Maria, để tôn vinh Con Mẹ, là Vua hằng sống; vì niềm hân hoan của toàn thể Giáo Hội, vì quyền năng của Đức Giêsu Kitô, của hai Thánh Tông Đồ Phêrô-Phaolô, và uy quyền của chính Giáo hoàng, chúng tôi công bố tín điều được Thiên Chúa mạc khải, rằng:
Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời Đồng Trinh, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, được cả hồn và xác mông triệu thăng thiên vào vinh quang Thiên Cung.”
 
Qua Tông hiến “Munificentissimus Deus”, ban hành ngày 1-11-1950, Đức GH. Piô XII công bố tín điều “Đức Mẹ hồn xác lên trời”. Từ đó, ngày lễ được mừng trọng thể khắp Giáo Hội hoàn vũ vào 15 th. 8.
 
Hằng năm Lễ Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên là lễ lớn tổ chức rất trọng thể trên khắp thế giới, như ở Áo, Ba lan, Bỉ, Bồ-đào-nha, Ca-mê-run, Chi-lê, Côte d’Ivoire, Cro-a-xi-a, Đông Timor, Hy lạp. Ly-ban, Li-tu-a-ni-a, Man-ta, Mau-ri-ta-ni, Slo-va-nia, Tây ban nha và tại các quốc gia Mỹ Châu, như Mễ tây cơ và các nước Công giáo Nam Mỹ.
 
Tại Pháp, ngày lễ khởi sự vào thế kỷ 17 theo lời khấn hứa của vua Louis XIII (1601-43). Năm 1637, nhà vua khấn xin Đức Mẹ cho có một đứa con trai nối nghiệp. Vua dâng nước Pháp cho Đức Mẹ và truyền cho dân chúng mừng Lễ Đức Mẹ 15 tháng 8 trọng thể có rước kiệu tại các giáo xứ. Năm sau 1638, hoàng tử Louis ra đời (sau là vua Louis XIV) càng làm tăng thêm sự mến mộ sùng kính Đức Mẹ. Cách riêng, tại thánh địa Lộ Đức, Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là lễ hội tổ chức chu đáo trước và sau ngày 15 tháng 8. Việc kính viếng thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức, từ thập niên 1870, do các Linh mục và tu sĩ Dòng Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên, cùng với các thiện nguyện viên “Assomption” đảm trách.
 
Lễ Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên tại Việt Nam
 
Ngày lễ rất được giáo hữu Việt Nam sùng mộ, nhiều nơi có rước kiệu trọng thể, nhất là tại các giáo xứ chọn “Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên” làm bổn mạng. Tại Thánh địa Lavang có ngày hội trọng thể hầu giáo hữu tựu họp kính viếng Đức Mẹ vào tháng 8 với các sinh hoạt đạo đức gọi là Đại hội Lavang. Tại sao Tháng 8 là tháng đáng nhớ đối với người Công giáo Việt Nam, nói riêng, và đối với người Việt, nói chung? Con cái Đức Mẹ luôn luôn ghi nhớ thời vua Cảnh Thịnh (1792-1801) là thời có những mật lệnh bắt và giết tất cả các Linh mục và giáo dân. Ngày 7 tháng 8-1798, nhà vua ra lệnh tấn công các họ đạo từ Phú Xuân đến cả vùng Cổ Vưu, tỉnh Quảng Trị. Người Công giáo, với cả nhiều người ngoài Công giáo, chạy trốn giặc và quân giết người, tìm vào trú ẩn ở vùng rừng rú phường Lá Vằng, về sau gọi là Lavang. Ban đêm, khi họ tụ tập nhau đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra an ủi họ. Sau các sắc dụ cấm đạo, giữa tháng 8-1798 là thời kỳ bắt đạo dữ dội, nên rất đông người Công giáo thuộc các giáo xứ Cồ vưu, Thạch hãn, Hạnh hoa, chạy vào rừng rú Lavang, phó thác vào Đức Mẹ được tôn vinh là “Nữ Vương các Thánh Tử Đạo” hoặc “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”. Để tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ Lavang, giáo hữu Địa phận Huế đã làm một nhà thờ tranh kính Mẹ Maria. Năm 1886, Đức Cha Gaspar Lộc, Giám mục Địa phận Huế, quyết định xây một nhà thờ ngói tại chính nơi Đức Mẹ  đã hiện ra năm 1798. Nhà thờ xây dựng trong vòng 15 năm, được khánh thành từ 6 đến 8 - 8 năm 1901.
 
Sau 30-4-1975, phần lớn linh địa La-Vang do nhà nước quản lý, với số diện tích đất đai có phần nằm trong tay những kẻ có uy thế. Sau nhiều năm thương lượng, Tòa Tổng Giám mục Huế được nhà cầm quyền cho tái thiết linh địa La-Vang, hy vọng khởi công vào Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15-8-2012.
 
Tham Khảo: Catholic Encyclopedia – Assomption de la Sainte Vierge Marie

Trang nhà

Trang  Mẹ Maria