Sứ điệp cho những ai yêu chuộng hòa bình
Phụng vụ của ngày đại lễ Mẹ Lên Trời giới thiệu với chúng ta hai hình ảnh nổi bật và đối lập nhau, được Sách Khải Huyền mô tả: đó là hình ảnh “con rồng đỏ” và “người phụ nữ”. Hai hình ảnh này nói với chúng ta điều gì? Chúng ta sẽ tập trung suy ý nghĩa của chúng trong ngày lễ hôm nay.
1. Hình ảnh con rồng đỏ
Trước hết là hình ảnh con rồng đỏ. Đối với văn hóa Việt Nam, con rồng là một linh vật bậc nhất trong bốn con vật quan trọng: long, ly, quy, phượng. Con rồng là biểu tượng của sức mạnh, của sự cao trọng và phú quý, đến từ thần linh. Người Việt tự coi mình là “con rồng, cháu tiên”.
Nhưng đối với Kinh Thánh, rồng là một qoái vật, là sức mạnh của Ma quỷ. Sách Khải Huyền mô tả sự xuất hiện của nó với một sức mạnh khủng khiếp, sự ích kỷ tuyệt đối và bạo lực man rợ (cf. Kh 11,12.1-6a). Khi đề cập về “con rồng đỏ” này vào thời mình, thánh Gioan muốn ám chỉ tới những quyền lực thuộc hoàng đế La mã, từ Nêron (37-68) đến Đômitianô (81-96) trong những thế kỷ đầu. Đó là những thế lực chống kitô giáo và bách hại Giáo Hội. Thế lực này xuất hiện như một “con rồng đỏ” có sức mạnh vô tận của quân đội, chính trị và tuyên truyền khắp đế quốc La mã lúc bấy giờ. Đối diện với một đế quốc hùng mạnh như thế, đức tin và Giáo Hội được ví như một người phụ nữ “chân yếu tay mền”, không vũ khí, và xem ra không có khả năng để sống sót, lại càng không có khả năng để chiến thắng. Con rồng đỏ này tỏ ra như làm được mọi sự và không ai có thể chống lại được sức mạnh của nó.
Thế nhưng, cuối cùng, như chúng ta biết đó: “người phủ nữ yếu ớt” đó đã chiến thắng, không bằng sức mạnh của quyền lực, của quân sự, của súng đạn, của ích kỷ và thù hận, nhưng bằng tình yêu, sức mạnh và quyền năng Thiên Chúa. Đế quốc la mã “trở lại” và đón nhận đức tin kitô giáo. Nói như nhà văn Henryk Sienkiewicz trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Quo vadis: Các hoàng đế La mã lần lượt ngã xuống và bị quên lãng, còn Phêrô và Giáo hội vẫn đứng lên và tồn tại mãi với thế giới.
“Con rồng đỏ” này không chỉ là hình ảnh của thế lực đế quốc chống kitô và bác hại Giáo Hội, nhưng nó cũng là biểu tượng của các thể chế độc độc tài vô thần, duy vật chất, phi nhân bản và duy quyền lực trong các thế hệ loài người. Chẳng hạn như chế độc tài Đức quốc xã và chế độ độc tài cộng sản Stalin ở Nga, vv... Một thời, các thể chế này có trong tay tất cả mọi quyền lực, khí giới và sức mạnh. Chúng xâm nhập khắp mọi nơi, đến tận góc cùng ngõ hẻm. Đức tin như đứa bé và Giáo hội như người phụ nữ yếu ướt xem ra không thể sống sót được trước bàn bay lông lá và sắt khí bạo tàn của họ. Nhưng lịch sử Châu Âu cho thấy chủ nghĩa cộng sản tan rã, bức tường Bá linh sụp đổ, “nước Nga trở lại và Trái Tim Mẹ toàn thắng”. Cuối cùng, Thiên Chúa đã chiến thắng, tình yêu mạnh hơn sự hận thù, bạo lực và ích kỷ con người!
Ngày hôm nay, “con rồng đỏ” đó vẫn còn xuất hiện trong những hình thù mới mẽ và khác biệt. Nó hiện nguyên hình trạng trong hình thức của các chủ nghĩa duy vật chất và vô thần; nơi một xã hội bị thống trị bởi một nền văn hóa tôn thờ vật chất, cá nhân chủ nghĩa và hưởng thụ ích kỷ và bất công; nơi một xã hội mà nhân quyền bị xúc phạm, tự do tôn giáo bị chà đạp vv… Con người chỉ nghĩ tới mình và thù địch Thiên Chúa. Sống trong môi trường đó, chúng ta thật khó khăn để nghĩ tới Thiên Chúa, để giữ các giới răn của Người. Đến lượt chúng ta, những người tin Chúa, trở thành “em bé” và “người phụ nữ” yếu ớt trước các thế lực của nó. Nhưng hãy can đảm, vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa và hãy trở thành những người mang Chúa Kitô đến cho thế giới này.
2. Hình ảnh người phụ nữ
Hình ảnh thứ hai lôi kéo sự chú ý của chúng ta đó là hình ảnh của “người phụ nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 11,19a). Hình ảnh này có nhiều ý nghĩa khác nhau.
Theo các nhà chú giải kinh thánh, trước hết đó là hình ảnh về Đức Maria, Mẹ mặc áo mặt trời, có nghĩa là Mẹ mặc áo của Thiên Chúa, hoàn toàn của Thiên Chúa. Mẹ sống trong Thiên Chúa, hoàn toàn được bao phủ và thấm nhuần bởi ánh sáng Thiên Chúa. “Đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” có nghĩa là Mẹ được bao quanh bởi mười hai chi tộc Israel, bởi tất cả Dân Thiên Chúa, bởi tất cả sự hiệp thông của các thánh. Và “chân đạp mặt trăng”, “trăng” thuộc về đêm tối, hình ảnh của sự chết và sự diệt vong, diễn tả Mẹ đã chiến thắng sự chết và sự diệt vong. Mẹ hoàn toàn được mặc áo sự sống, được lên trời cả hồn cả xác trong vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Mẹ được vinh quang sau khi vượt qua sự chết. Điều này nói với chúng ta rằng: hãy can đảm lên, đừng sợ, cuối cùng tình yêu sẽ chiến thắng! Hãy xác tín như Mẹ: cả đời con là “nữ tỳ của Thiên Chúa”, sự sống con là quà tặng cho mình, cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chúng ta hãy tin tưởng và hãy sống như thế để chống lại mọi thứ quấy rầy và sắc nhiễu của con rồng đỏ này.
Ý nghĩa thứ hai của hình ảnh “người phụ nữ” đó là biểu tượng Giáo Hội, một Giáo Hội đang lữ hành trên trần thế, một Giáo Hội có sứ mạng như người phụ nữ, một lần nữa, sinh cưu mang và sinh Chúa Kitô cho thế giới trong sự chuyển dạ và đau đớn, một Giáo Hội đau khổ và luôn luôn bị bách hại bởi con rồng đỏ. Nhưng Giáo Hội đó được nuôi dưỡng và sống nhờ Thiên Chúa qua Bí Tích Thánh Thể, qua sức mạnh của lời cầu nguyện và hiệp thông với nhau. Sự hiện diện của Thiên Chúa và lời cầu bầu của Đức Maria là bảo chứng để chống lại mọi thứ độc tài, hận thù và ích kỷ.
Như thế, mừng lễ Mẹ Lên Trời là lời gọi chúng ta tin vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa. Ngày hôm nay Thiên Chúa xem ra có vẻ yếu đuối, nhưng Thiên Chúa yếu đuối là Thiên Chúa sức mạnh. Và cũng là lời mời gọi chúng ta hãy bắt chước Đức Maria trong những gì Mẹ nói và Mẹ làm: Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin làm theo sự sặp đặt của Người.
Hãy bước theo con đường của Mẹ, đó là con đường sống hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho tha nhân, là từ bỏ chính mình trong phục vụ anh em. Đó là con đường duy nhất đưa chúng ta tới hưởng hạnh phúc đích thực với Mẹ.
Khi nhìn ngắm Mẹ được vinh hiển, chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa chiến thắng. Đức tin bé nhỏ lại là sức mạnh của thế giới. Tình yêu sẽ chiến thắng lòng thù hận. Và cùng với Bà Êlisabet, chúng ta hãy thốt lên rằng: Mẹ được chúc phúc giữa những người phụ nữ. Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen! |