Lễ Ðức Mẹ Fatima


 Fatima Sứ Ðiệp Hòa Bình và Tình Thương

(The Appearing of Our Lady at Fatima)

 Nguồn: www.catholic.org.tw

 Fatima Sứ Ðiệp Hòa Bình và Tình Thương

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Tình hình xã hội, chính trị của Bồ Ðào Nha năm 1916-1917

Năm 1916-1917 còn ghi lại bao nhiêu  biến cố đen tối của lịch sử Âu Châu và nhân loại. Các cường quốc Âu Châu cắn xé nhau, châm ngòi cho thế chiến thứ nhất, khiến hàng triệu người bị chết! Năm 1917, cách mạng đẫm máu ở Nga Sô đầu độc phân nửa nhân loại bằng những nguyên tắc vô thần gây căm hờn chống lại tôn giáo và ngang nhiên phủ nhận các giá trị tinh thần của con người!

Riêng Bồ Ðào Nha với diện tích 90,000 cây số vuông, và trên 8 triệu dân cư, nằm phía Tây Tây Ban Nha và được bao quanh phần lớn ranh giới bởi Ðại Tây Dương. Bồ Ðào Nha tách khỏi đế quốc Maures và thành một nước độc lập từ năm 1138.

Từ đó, Bồ Ðào Nha nổi tiếng về các thương thuyền, đã từng tiên phong mạo hiểm qua các đại dương, đem tôn giáo và văn minh Âu Châu đến các lục địa xa xôi. Nhưng mấy thế kỷ sau, tình hình Bồ Ðào Nha mỗi ngày một sa sút. Năm 1917, Bồ Ðào Nha lâm vào hoàn cảnh xã hội và kinh tế tuyệt vọng. Về quân sự, Bồ Ðào Nha bó buộc đương đầu với hai mặt trận, một với nước pháp, và một với Phi Châu. Nhiều các vấn đề căn bản đã không được giải quyết. Tình hình thê thảm hơn.

Dân chúng Bồ Ðào Nha hầu hết là dân cư nghèo nàn, lương thiện, lam lũ tối ngày mà không đủ ăn.

Về tôn giáo ngay từ năm 1911, các nhà chính trị đã chạy theo những cơn lốc thù ghét Giáo Hội. Ðiển hình là lời tuyên bố của ông Afonsô Costa, nhân danh thủ lãnh quốc gia, ký đạo luật tách biệt hoàn toàn giữa quốc gia và Giáo Hội. Ông khẳng định: "Nhờ đạo luật này, trong hai thế hệ nữa, Bồ Ðào Nha sẽ thành công mỹ mãn trong chương trình loại bỏ hoàn toàn đạo Công Giáo." Hơn thế, người ta bắt ép các học sinh thơ dại tuần hành ngoài đường phố với biểu ngữ cầm tay: "Không cần Thiên Chúa, không cần tôn giáo."

Chính trong thời mây mù phủ dầy trên các dân tộc, cách riêng dân Bồ Ðào Nha, thì những luồng ánh sáng Hòa Bình và Tình Thương của Thiên Chúa nhân từ đã chiếu xuống trên nhân loại: Ðức Trinh Nữ Maria đã hiện ra tại Fatima.

 

Tên Fatima: một huyền thoại

Ngày nay, nhiều người biết đến và nghe nói nhiều về Fatima. Về mặt dân sự, Fatima là một làng nhỏ thuộc quận Ourem tỉnh Leiria. Về mặt tôn giáo, Fatima là một họ đạo của địa phận Leiria nằm về phía Nam Trung phần của Bồ Ðào Nha. Ðất xấu, đầy núi đá, người dân nghèo sống bằng nghề làm rẫy, trồng cây Ôliu, trồng cấy ít mì và ngô khoai. Ðặc biệt mỗi gia đình nuôi một đàn chiên, cho ăn cỏ trong những mảnh rẫy nhỏ, ven bờ bằng hàng rào đá.

Ðiều làm nhiều người thắc mắc là tên Fatima trùng với tên con gái của nhà sáng lập đạo Hồi Giáo, ông Mahomét.

Một câu chuyện ít có giá trị lịch sử, nhưng còn lưu truyền cho tới ngày nay là vào thế kỷ thứ XII dưới triều Afonsô-Henriques, vua đầu tiên của Bồ Ðào Nha, lãnh thổ Bồ Ðào Nha nằm về phía Nam sông Tage vẫn bị người Hồi Giáo chiếm đóng. Trong một cuộc hành quân, lính Bồ Ðào Nha bắt được nấy sĩ quan và mấy bà lớn của Hồi Giáo. Họ giải nộp các tù nhân Hồi Giáo về Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Goncalo Domingues biệt hiệu là "Avale Maures". Ông này giải nộp tất cả lên vua Afonsô Henriques. Vua khen thưởng các sĩ quan và đặc biệt Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Ðể lãnh nhận như một phần thưởng vua ban, ông Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng xin phép cưới cô tù nhân trẻ tuổi xin đẹp, quí danh là Fatima và là ái nữ của đạo trưởng quyền thế Mahomét. Mọi sự xếp đặt tốt đẹp, bà bộ trưởng Fatima xin trở lại đạo Công Giáo và mang tên thánh là Oureana. Hơn thế nữa, ông Goncalo còn nhận được như món quà ngày cưới, một giải đất rộng và ông đặt tên cho là Oureana, chính là quận Ourem ngày nay. Bà Fatima rất đạo đức và quán xuyến công việc nhưng chẳng may Chúa gọi bà về sớm. Ông Goncalo hết sức đau buồn. Về sau ông xin vào tu viện Xitô tại Alcoba cách Oureana 40 cây số. Mười năm sau ông Goncalo được sai đến lập một xứ đạo tại vùng Sera de Aire trong quận Oureana ông xây một nhà thờ và chuyển hài cốt bà Fatima về an táng tại đó. Từ bấy giờ xứ đạo mang tên là Fatima.

 

Fatima: Câu chuyện Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ

a) Sứ Thần Hòa Bình

Vào ngày đầu tiên của năm 1916, trời bắt đầu mưa, ba em nhỏ là Lucia dos Santos, 9 tuổi, và hai người em họ là Francisco, 8 tuổi và Jacinta Marto, 6 tuổi, đang trú mưa tại một hang, bỗng nhiên một vầng sáng trắng xuất hiện trên đồng cỏ. Các em đã sửng sờ khi thấy một thanh niên trẻ đẹp trong y phục mầu trắng đứng giữa vầng sáng.

Người thanh niên trong vầng sáng ấy nói với các em rằng: "Ðừng sợ, ta là sứ thần hòa bình. Hãy cùng ta cầu nguyện." Ðoạn người quỳ xuống và cầu nguyện: "Lạy Chúa, con tin kính, con thờ lạy, con trông cậy và con yêu mến Chúa. Xin Chúa tha thứ cho những kẻ đã không tin kính, không thờ lạy, không trông cậy và không yêu mến Chúa."

Thiên Thần lại cúi đầu sâu hơn, và cầu nguyện ba lần như vậy, các em cũng lập lại lời cầu nguyện này với Thiên Thần.

Hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều

Rồi vào một ngày mùa hè, đang khi các em vui đùa, Thiên Thần lại hiện ra với các em và bảo: "Hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều. Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria đã dành cho chúng con đầy lòng thương xót. Hãy tiếp tục dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện và những hãm mình. Hãy biến mọi việc làm thành những hy sinh dâng lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi đã xúc phạm đến Người, và cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại. Bằng phương thế này, hòa bình sẽ đến với quê hương các con... Ta là Thiên Thần bản mệnh của nước Bồ Ðào Nha. Hãy đón nhận và vui lòng chịu đựng mọi thử thách Chúa sẽ gửi đến cho các con."

Thờ lạy Thiên Chúa Ba Ngôi

Mùa thu năm ấy, Thiên Thần lại hiện đến cùng các em. Trong lần hiện ra thứ ba này các em thấy Thiên Thần một tay bưng một chén Thánh, một tay cầm Mình Thánh Chúa, các em đã nhìn thấy những giọt máu nhỏ xuống chén thánh. Ðể chén thánh và Mình Thánh Chúa lơ lửng trên không trung, Thiên Thần cung kính quỳ xuống đất và cầu nguyện: "Lạy Ba Ngôi Cực Thánh - Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần - con cung kính thờ lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa mình và máu thánh cực trọng, linh hồn và bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô đang ngự trong các nhà chầu trên khắp hoàn cầu để đền tạ vì những tội bội bạc, thờ ơ, xúc phạm đến Người. Cậy vì công nghiệp vô cùng của Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, xin Chúa cho kẻ có tội được ăn năn trở lại."

b) Những lần Ðức Mẹ Hiện Ra

Ngày 13 tháng 5 năm 1917

Sau hơn một năm, kể từ ngày Thiên Thần hiện ra lần đầu tiên cùng các em, vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, Ðức Mẹ đã hiện ra cùng các em lần đầu. Cũng như thế, trong khi các em đang chăn cừu trên một cánh đồng hẻo lánh, gần Cova da Iria. Ðó là một ngày trời nắng và trong sáng, bỗng nhiên các em thấy sấm chớp trên trời. Lo sợ về một trận bão bất thần của mùa Xuân, các em vội lùa cừu vào nơi trú ẩn, nhưng một vầng sáng chói lòa đã xuất hiện trên một cây sồi ngay hướng các em đang đi. Các em đã sửng sờ khi nhìn thấy một Bà đang đứng trong vầng sáng trên ngọn cây. Bà đẹp đến nỗi các em không thể nào diễn tả được. Sau này, các em cho biết Bà là Ðức Mẹ rất trẻ và vào khoảng 16 tuổi.

Ðức Mẹ đã phán bảo các em: "Hãy lần chuỗi Môi Khôi hằng ngày để đem hòa bình cho nhân loại và để chấm dứt chiến tranh." Sau khi hứa dâng chính mình cho Chúa và vui lòng chịu đựng mọi thử thách để đền tạ mọi tội lỗi đã xúc phạm tới Chúa và cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại, các em lại nghe tiếp: "Rồi đây các con sẽ chịu rất nhiều đau khổ, nhưng Chúa nhân lành sẽ ở cùng các con và sẽ phù trợ các con."

Ngày 13 tháng 6 năm 1917

Ðức Mẹ lại hiện ra với các em. Cho đến lúc ấy, rất nhiều người đã hay tin về lần hiện ra đầu tiên mặc dù các em đã cố giữ kín. Nhiều kẻ hiếu kỳ đã tụ tập lại Cova vào ngày 13 tháng 6 năm 1917. Ðức Mẹ cho các em biết rất nhiều linh hồn sẽ phải sa hỏa ngục vì không có ai cầu nguyện và dâng các việc hy sinh thay cho họ. Ðức Mẹ cũng cho Francisco và Jacinta biết là các em được về Thiên Ðàng trước, còn Lucia sẽ ở lại để truyền bá Mệnh Lệnh Fatima.

Ðức Mẹ nói với các em: "Ta muốn các con tiếp tục lần chuỗi Môi Khôi hằng ngày, và sau mỗi mầu nhiệm, các con hãy cầu nguyện như sau: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Ðàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn"...

Ngày 13 tháng 7 năm 1917 (Hỏa Ngục Kinh Khiếp)

Khi Ðức Mẹ hiện ra ngày 13 tháng 7 năm 1917, chị Luxia đã hỏi: "Xin Bà cho con biết Bà là ai, và xin Bà hãy làm một phép lạ để cho mọi người tin là Bà đã hiện ra với chúng con." Ðức Mẹ đã phán cùng chị Lucia: "Hằng tháng các con phải tới đây và đến tháng Mười, Ta sẽ cho các con biết Ta là ai và Ta muốn gì. Lúc đó Ta sẽ làm một phép lạ để mọi người tin." Ðức Mẹ cũng phán: "Các con hãy hãm mình hy sinh để cầu nguyện cho kẻ có tội." Ðức Mẹ cũng dạy các em cầu nguyện như sau đặc biệt trong lúc hãm mình hy sinh: "Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng những hy sinh này để đáp lại tình yêu Chúa, để cầu nguyện cho kẻ có tội được ăn năn trở lại và để đền tạ những tội xúc phạm đến Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria."

Khi Ðức Mẹ phán điều này, chị Lucia kể tiếp, cũng như các lần trước, Ðức Mẹ dang hai tay ra, nhưng chẳng phải sự sáng láng huy hoàng của Thiên Chúa như các lần trước, lần này các em đã nhìn thấy một biển lửa. Nhào lộn trong biển lửa ấy là ma quỷ và các linh hồn tội lỗi trông giống các cục than hồng, đen đủi hay xám xịt, nhưng thân hình bị treo lơ lửng đang bị lửa thiêu đốt kêu la trong đau đớn tuyệt vọng đã làm cho các em kinh hoàng đến run rẩy khiếp sợ. Các em kinh khiếp đến nỗi không nói nên lời trước cảnh hãi hùng của hỏa ngục đã ngườc nhìn về Ðức Mẹ trong ánh mắt van nài để tìm an ủi.

Ðức Mẹ bảo các em: "Các con đã nhìn thấy hỏa ngục nơi linh hồn các kẻ có tội bị giam cầm. Ðể cứu các linh hồn khỏi sa hỏa ngục, Thiên Chúa muốn phát động lòng tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ trên hoàn cầu. Nếu các con thi hành các điều Ta phán dạy thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình. Cuộc chiến này sẽ chấm dứt, nhưng nếu nhân loại không ngừng xúc phạm tới Thiên Chúa, một cuộc chiến tàn khốc nữa sẽ xảy ra và trong một đêm nào đó khi các con nhìn thấy bầu trời rực sáng bởi luồng ánh sáng kỳ lạ thì lúc đó các con sẽ hiểu đó là dấu chỉ Thiên Chúa sẽ trừng phạt nhân loại bằng chiến tranh và nghèo đói, Ðức Thánh Cha và Giáo Hội sẽ bị khủng bố ngược đãi. Ðể tránh tai họa này, Mẹ muốn thế giới hãy dâng nước Nga cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ và Mẹ muốn việc rước lễ mỗi thứ Bảy đầu tháng phải được thi hành để đền bù vì tội lỗi của nhân loại. Nếu các điều Mẹ mong ước được thực thi, nước Nga sẽ trở lại, và sẽ có Hòa Bình. Nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc các tà thuyết trên khắp thế giới, chiến tranh sẽ xảy ra, Giáo Hội sẽ bị bách hại, người lành sẽ bị tử đạo... Ðức Thánh Cha sẽ hiến dâng nước Nga cho Mẹ, nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được hưởng hòa bình một thời gian."

(Ðêm 24 rạng 25 tháng Giêng năm 1938, toàn thể Âu Châu đã bừng sáng mà các khoa học gia đã giải thích đó là hiện tượng "Bắc Cực Quang" (Aurora Borealis) nhưng những điều giải thích của các khoa học gia đã cho thấy nó vượt quá một hiện tượng tự nhiên. Trong thơ gửi Ðức Giám Mục, chị Lucia đã cho biết đó là dấu mà Ðức Mẹ đã tiên báo về cuộc chiến sắp xảy ra. Ba tháng sau Hitler đã ra lệnh động binh và bắt đầu tuyên chiến).

Ngày 13 tháng 8 năm 1917 (15 ngàn người)

Ðến tháng 8 năm 1917, tin Ðức Mẹ hiện ra đã gây khá nhiều xúc động nên chính quyền địa phương đã phải báo động, các em đã bị ông thị trưởng bắt và tống giam.

Hơn 15 ngàn người đã chờ đợi các em tại đồi Cova, ngày 13 tháng 8 năm 1917, đến giữa trưa - giờ Ðức Mẹ thường hiện ra. Ðám đông đã hốt hoảng và sợ hãi bởi sấm chớp. "Ðức Mẹ đã hiện ra...!" Một nhân chứng cho hay: "Ngay sau tiếng sâm là một làn chớp và sau đó chúng tôi bắt đầu xem thấy một đám mây nhỏ, rất mỏng manh và rất trắng, đám mây dừng lại trên cây sồi một vài phút rồi bay bổng lên không trung rồi biến mất. Khi chúng tôi nhìn chung quanh, chúng tôi đã nhận thấy một vài điều lạ thường như đã thấy ở các lần trước cũng như sau này. Mặt chúng tôi đã phản chiếu các mầu sắc của cầu vồng: tím, đỏ và xanh, và tôi đã không hiểu được tại sao. Ðột nhiên các cây cối đã không phải có lá mà là hoa, đất cũng phản chiếu các mầu sắc và cả quần áo chúng tôi đang mặc cũng vậy... Chúng tôi biết hiển nhiên Ðức Mẹ đã hiện ra mặc dù các em vắng mặt."

Vào ngày 15 tháng 8 năm 1917, Ðức Mẹ lại hiện ra với các em. Ðức Mẹ đã tỏ ra không mấy hài lòng về việc làm của ông Thị Trưởng và nói với các em: "Vì việc trên, phép lạ Ðức Mẹ định làm trong tháng 10 năm 1917 sẽ không được huy hoàng như đã định trước."

Ngày 13 tháng 9 năm 1817 (30 ngàn người)

Tới trưa ngày 13 tháng 9 năm 1917, hơn 30 ngàn người đã tràn ngập thung lũng Cova. Ðức Mẹ đã nhắc các em siêng năng lần chuỗi Môi Khôi hằng ngày và lập lại lời hứa là đến tháng 10 năm 1917, các em sẽ được thấy cả Thánh Giuse, Chúa Hài Ðồng, Ðức Mẹ Núi Camêlô và Ðức Mẹ Sầu Bi.

Chẳng phải chỉ có ba em nhỏ của thôn Aljustrel là nhân chứng độc nhất của biến cố lạ thường ngày 13 tháng 9 năm 1917 mà là cả đám đông, Cha Chính địa phận Leiria, Ðức Ông John Quarsema đã xác nhận đã nhìn thấy một cách tỏ tường và minh bạch một vầng hào quang đã di chuyển từ Ðông sang Tây - trong một bầu trời trong sáng - tới chỗ vẫn thường hiện ra và sau một thời gian đã biến mất về hướng mặt trời.

Ngày 13 tháng 10 năm 1917 (Ta là Ðức Mẹ Mân Côi)

Sau khi tới gốc sồi ở Cova da Iria, dưới thúc đẩy nội tâm Lucia xin mọi người cụp dù xuống và lần hạt. Rồi các em thấy chớp sáng và Ðức Mẹ hiện đến. Lucia hỏi:

- Bà muốn con làm gì?

- Ta muốn một nhà nguyện được xây ở đây để tôn kính Ta. Ta là Ðức Mẹ Mân Côi. Hãy tiếp tục lần hạt hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và binh sĩ sẽ trở lại gia đình.

Con có nhiều điều để xin Mẹ: chữa một số bệnh nhân, hoán cải tội nhân và những chuyện khác...

- Ðược, một số sẽ được, nhưng không phải tất cả được. Họ chỉ cần cải thiện đời sống và xin ơn tha thứ mọi tội lỗi.

Rất buồn rầu, Ðức Mẹ dặn tiếp:

- Ðừng phạm đến Chúa nữa vì Chúa đã bị xúc phạm nhiều rồi.

Rồi, theo lời tự thuật của chị Lucia, Ðức Mẹ mở tay ra, làm ánh sáng chiếu lên mặt trời. Khi Ðức Mẹ cất mình lên, ánh sáng đó vẫn chiếu vào mặt trời.

Ðó là lý do Lucia hô lên cho mọi người ta nhìn vào mặt trời. Lucia không có ý kéo chú tâm của mọi người đến mặt trời vì cô cũng không ý thức họ hiện diện đó hay không. Cô đã làm thế theo động lực bên trong.

Một khi Ðức Mẹ đã biến đi, con (Lucia) thấy bên cạnh mặt trời, Thánh Giuse với Chúa Hài Nhi ban phép lành cho thế giới vì con thấy hai Ðấng vẽ hình Thánh Giá. Một lát sau, cảnh tượng đó biến mất và con lại thấy Chúa và Ðức Mẹ, hình như Ðức Mẹ Ðau Thương. Chúa Giêsu ban phép lành cho thế giới cũng như Thánh Giuse đã làm. Cảnh tượng này cũng biến mất và một lần nữa con lại thấy Ðức Mẹ, giống như Ðức Mẹ Carmêlô.

 

Fatima: Sứ Ðiệp Hòa Bình và Tình Thương

Sau lần hiện ra lần cuối cùng năm 1917, Fatima tưởng chừng đã bị rơi vào quên lãng vì chính quyền và ngay cả giáo quyền thời đó cũng không lưu tâm gì đến biến cố Fatima, có khi còn cấm đoán dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên sứ điệp Fatima vẫn vang vọng trong lòng mọi người.

Sứ điệp Mẹ ban hành tại Fatima là sứ điệp đền tội và cầu nguyện, điều kiện để bảo đảm cho nền hòa bình thế giới và sự hòa bình của mỗi tâm hồn.

Tháng 10 năm 1930, khi Ðức Cha Dom José Alves Correia, Giám Mục giáo phận Leiria, công nhận biến cố Mẹ hiện ra tại Fatima, và ban phép sùng kính Mẹ Fatima, thì thôn làng nhỏ bé Fatima đã trở nên trung tâm hành hương thế giới, để mọi người đổ về, chạy đến cầu khẩn với Mẹ. Fatima cũng trở thành động lực thúc đẩy mọi người hưởng ứng lời Mẹ, nhắn nhủ, cầu nguyện, và hy sinh cho tội nhân được ơn trở lại và nhất là nguyện cầu cho thế giới được hòa bình. Vì sứ điệp hòa bình và tình thương của Fatima cũng hòa hợp với sứ điệp hòa bình của Phúc Âm, dọn lòng con người đón chờ ơn cứu chuộc, nên sứ điệp Fatima luôn là sứ điệp hợp thời đại.

Ước chi để kỷ niệm biến cố Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima, mỗi người chúng ta hãy là những tông đồ rao truyền mệnh lệnh của Mẹ cho thế giới. Nhưng có lẽ trước hết mỗi người hãy là những người tiên phong thực hành ba mệnh lệnh của Mẹ trong cuộc sống một cách hăng say và tích cực. Lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong dịp viếng thăm Mẹ Fatima vào năm 1992: "Tất cả những ai đã sốt sắng đáp ứng lời kêu gọi của Ðức Mẹ hãy tiếp tục cố gắng tiến xa hơn nữa trong việc thi hành những mệnh lệnh đó trong đời sống."

Ðược như vậy, Trái Tim Mẹ sẽ toàn thắng, một sự toàn thắng không phải chỉ trong khấu trường chính trị giữa các quốc gia, nhưng còn là trong chính tâm hồn của mỗi người. Vì sứ điệp Fatima phải là sứ điệp hòa bình và tình thương cho thế giới và cho mỗi con cái Mẹ.

 

(Trích bài "Fatima" của Hải Nguyên, Tạp chí Trái Tim Ðức Mẹ số tháng 5 năm 1992)