Lễ Ðức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thờ |
|
I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ Theo tập nhật ký hành hương của bà Egeria người Tây Ban Nha,[1] thế kỷ IV, lễ này được mừng đầu tiên sau lễ Hiển Linh 40 ngày tại Giêrusalem khoảng năm 381-384 trong đền thờ Chúa phục sinh với tất cả vẻ long trọng như lễ Phục sinh. Đến thế kỷ V, lễ này lan ra khắp Đông phương và được gọi là "cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông già Simêon", đến thế kỷ VII lan sang Rôma gọi là "lễ Tẩy uế của Đức Maria" mừng vào ngày hai tháng Hai, sau lễ Giáng sinh 40 ngày. Phụng vụ chú ý đến biến cố Mẹ Maria dâng Ấu Chúa trong đền thờ, nên ý nghĩa phụng vụ ngày hai tháng Hai là Lễ Đức Mẹ dâng Chúa hay là Hiến lễ của Chúa Giêsu. Đức Thánh Sergiô I thành lập một cuộc rước cho ngày lễ. Về sau cuộc rước này có tính cách thống hối, nên trước năm 1960, áo lễ Linh mục chủ sự cuộc rước và làm phép nến là áo mầu tím. Lễ nghi làm phép và rước nến bắt đầu từ thế kỷ X tượng trưng Chúa Giêsu là "Ánh Sáng muôn dân" (Lc 2:32). Năm 1969 lịch canh tân xác định hẳn lễ này là "lễ Đức Mẹ Dâng Chúa".[2] II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ 1. Thánh Luca cặn kẽ trình thuật biến cố này đã diễn tiến theo luật (Lc 2:22, 23, 24, 39) để chú trọng đến việc Đức Mẹ và Thánh Giuse trung thành tuân hành luật Chúa truyền dạy và việc Chúa Giêsu là Trưởng tử tự hiến và thuộc về Chúa Cha: "Hãy hiến dâng cho Ta mọi con đầu lòng nơi con cái Israel" (Xh 13:2) và "Từ Ai cập, Ta đã gọi Con Ta" (Hs 11:1). Khi dâng Hài Nhi cho Chúa, Đức Mẹ và Thánh Giuse nhận biết Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa đã tuyển chọn (Lc 9:35) và thuộc về dân Do Thái đã được tuyển chọn và hiến thánh (xem Đnl 7:6). Hai sự kiện này ẩn chứa hai mầu nhiệm: Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể theo dòng giống Israel, được tuyển chọn và hiến dâng để cứu chuộc loài người. Chính Chúa Giêsu tự hiến dâng mình cho Chúa Cha. Ngài nói : "Hy sinh và lễ vật Người chẳng màng, nhưng Người đã nắn nên con một thân xác" (Dt 10:5) để rồi vâng theo thánh ý Chúa Cha, Ngài hy hiến mạng sống để nên giá cứu chuộc loài người, nên Ngài nói: "Này con xin đến" (Dt 10:7). Do đó, Hiến lễ của Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem mở màn cho lễ Hy tế của Ngài sau này trên đỉnh đồi Canvê. Thánh Anphong suy luận: "Mẹ Maria ý thức rõ ràng Chúa Giêsu mà Mẹ dâng hôm nay làm lễ vật, một ngày kia sẽ chịu sát tế trên thánh giá ... Chúa sẽ không phải chịu chết trên thánh giá, nếu Mẹ không ưng thuận tự tình hiến dâng Con" [3] Chúa Thánh Linh mạc khải cho ông già Simêon (Lc 2:25-26) biết và tiên báo sứ mệnh Cứu thế của Chúa Giêsu: "Mắt tôi đã thấy ơn Người Cứu độ. Người đã dọn sẵn trước mắt muôn dân ánh sáng mặc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người" (Lc 2:31-32). Sứ mệnh Cứu thế của Chúa Giêsu cũng đã được tiên tri Isaia loan báo 7 thế kỷ trước : "Ta sẽ đặt Người làm ánh sáng các dân tộc, để ơn Cứu độ của Ta đạt thấu khắp cùng cõi đất" (Is 49:6). Ông Simêon cũng biết và tiên báo sứ mệnh Đồng Công cứu chuộc rướm máu của Mẹ Maria : "Một mũi gươm sẽ đâm thâu lòng bà" (Lc 2:35). Từ đó, nỗi bi đát luôn dày vò tâm can Mẹ, nhất là trong cuộc khổ nạn bi hùng của Con Mẹ diễn ra giữa dân Người. Hiệp với hiến lễ của Chúa Giêsu, Mẹ Maria khiêm hạ vâng giữ luật tịnh tẩy như hiến lễ dâng lên Chúa. Là Mẹ Chúa Cứu Thế, Mẹ được đặc ân Vô nhiễm và toàn trinh cả sau khi sinh Con, Mẹ được miễn giữ luật tịnh tẩy. Nhưng Mẹ khiêm hạ tiến dâng hiến lễ danh thơm tiếng tốt đó mà giữ luật tịnh tẩy như tất cả các bà mẹ sinh con. Đức Khiêm hạ của Mẹ cũng như của Chúa Giêsu khởi đầu ơn Cứu rỗi, đối lập với tính kiêu ngạo của con cựu xà hỏa ngục và nguyên tổ là đầu mối sự đoạ trầm của loài người. Hiến lễ Khiêm hạ của Mẹ cùng với Hiến lễ Mẹ dâng Ấu Chúa Giêsu để Người chuẩn bị hy tế cứu đời, đã khởi đầu sứ mạng Đồng công cứu thế của Mẹ. Thánh Anphong nói: "Mẹ Maria hiến dâng Con chịu chết, không phải chỉ có một lần trong đền thờ, nhưng là ở từng giây phút trong cuộc đời". [4] Lạy Mẹ Maria yêu dấu ! Con xin dâng mình con như hiến lễ hợp với Chúa trên bàn tay Hiền Mẫu trinh trắng của Mẹ, cũng để đồng công với Chúa và Mẹ trong việc cứu rỗi chính mình con và các linh hồn. 2. Lễ Mẹ dâng Chúa cũng gọi là Lễ nến, vì cây nến cháy tượng trưng Chúa Kitô là "Ánh Sáng muôn dân." Chủ tế làm phép nến rồi cộng đồng rước nến. Giáo dân dùng nến đã làm phép để thắp trong những trường hợp khó khăn hay bệnh hoạn. Rước nến thì trước năm 700, Đức Giáo hoàng tại Rôma thường phát nến cho giáo dân tham dự lễ Mẹ dâng Con và tổ chức cuộc rước nến, vừa để tôn vinh Chúa Kitô là "Ánh Sáng muôn dân", vừa để cải hóa hủ tục dân ngoại Rôma thường tổ chức hai cuộc rước đuốc linh đình: * Cuộc rước đuốc rất dâm đãng tại Lupercal trên đồi Palatina gọi là Lupercalia từ ngày 2 tới 15 tháng 2 để kính thần Faunus là thần phong phú của người và súc vật.[5] * Cuộc rước đuốc rất thần thoại kỷ niệm thần Céres cùng với thủ hạ cầm đuốc băng qua núi đồi tìm ái nữ Proserpina đã bị Pluton là diêm vương cưỡng đoạt.[6] Proserpina trong câu chuyện thần thoại này là hình bóng loài người đã bị diêm vương Satan cướp đoạt. Céres tượng trưng Thiên Chúa không nỡ bỏ con, liền đốt đuốc là Chúa Kitô tận tình tận lực đi tìm con. Lạy Mẹ Maria dấu yêu! Chúa Kitô là Ánh sáng đã giãi chiếu chan hòa trên khắp thế gian, nhưng chưa tỏa chiếu được vào mọi tâm hồn. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa bật sáng bừng lên trong tâm hồn con và những người tội lỗi để phá tan bóng tối tăm mù mịt tội lỗi, tính hư nết xấu bao phủ tâm hồn chúng con; cho chúng con mặc lấy ánh sáng, biến đổi chúng con trở thành con cái sự sáng, trở thành ánh sáng. Được thông phần ánh sáng của Chúa, chúng con mới được thông phần sự sống của Người. (xem Ga 1:4 và 2 Tm 1:10) * Theo ý nghĩa Phụng vụ Đông phương, lễ Mẹ dâng Chúa là cuộc trùng phùng gặp gỡ của Chúa Giêsu với loài người mà trung gian là ông già Simêon và nữ tiên tri Anna. Trong suốt cuộc đời công chính đạo hạnh, ông Simêon hằng ngóng đợi niềm an ủi của Israel cũng là ơn Cứu độ của muôn dân. Khi cuộc đời xế chiều, ông được linh cảm đến đền thờ gặp gỡ Ấu Chúa, được ẵm Chúa trên tay, nên ông được toại nguyện và chúc tụng Chúa là Đấng Cứu Thế, là Ánh Sáng muôn dân và là vinh quang của Israel (Lc 2:25-32). Bà Anna cũng gần một thế kỷ đêm ngày kiêng chay cầu nguyện trong đền thờ. Giờ đó, bà cũng được trùng phùng gặp gỡ Ấu Chúa. Bà tán tạ Chúa và nói về Ngài cho mọi người ngóng đợi sự giải thoát của Giêrusalem (Lc 2:36-38). Thực ra, sau khi nguyên tổ loài người sa đoạ, Thiên Chúa đã mở cuộc đối thoại với loài người qua các tiên tri và sau hết qua Chúa Kitô (Dt 1:1-2) về chính mình Ngài và về thánh ý nhiệm mầu của Ngài liên quan tới phần rỗi loài người. Cuộc đối thoại của Thiên Chúa như vậy gọi là mặc khải và đã ghi chép lại trong Thánh kinh. Nhưng mầu nhiệm Nhập thể Giáng sinh mới là diệu kế và là địa điểm để Thiên Chúa chính thức gặp gỡ loài người do biến cố Ngôi Lời bỏ quên chức vị Thiên Chúa của Ngài mà hạ cố xuống trần gian kết hợp với bản tính loài người để xe duyên đất với trời, Thiên Chúa với loài người. Chẳng những gặp gỡ loài người, Chúa ở cùng loài người trong cuộc ký thế 33 năm và còn tiếp tục ở cùng loài người trong Bí tích Thánh Thể cho tới ngày thế mạt. Đó chính là diệu kế toại nguyện của tình Thiên Chúa yêu thương loài người chúng ta đến tận cùng. Lạy Chúa, nhờ lời Đức Trinh Nữ cầu bầu, xin cho chúng con được tới gặp gỡ Chúa trong sự thánh thiện và sự thanh trong của tâm trí (Đức Gioan Phaolô II). Lạy Mẹ Maria! Xin Mẹ giúp chúng con dọn lòng thanh sạch và sốt sắng tình mến mỗi lần chúng con rước lễ để gặp gỡ thân mật và liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu Thánh Thể như Người chờ mong.
III. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ Bài đọc I: Malakia 3:1-4 Bài này ám chỉ rằng Hiến lễ của Chúa Giêsu trong đền thờ tiên báo sứ mạng Hy tế sau này của Người trên đồi Canvê. Ngài sẽ thiết lập việc tôn thờ Thiên Chúa "trong tinh thần và chân lý" (Ga 4:23). Bài đọc II: Do Thái 2:14-18 Bài này nói lên việc Chúa Giêsu là Thầy cả Thượng phẩm sẽ dâng mình hiến tế trên thập giá vì tội lỗi loài người cũng như nay Người dâng mình trong đền thờ. Phúc âm: Luca 2:22-40 Bài Phúc âm này trình thuật hai lễ nghi: a) Dù sinh Con mà còn đồng trinh, Mẹ Maria vâng giữ luật Maisen, khi hết ngày kiêng cữ, lên đền dâng lễ tẩy uế (Lc 2:22). b) Cũng theo luật Maisen, Mẹ dâng Con Trai đầu lòng, với lễ tế là đôi chim bồ câu, vì Mẹ nghèo (Lc 23-24). Tại đền thờ Giêrusalem, ông già Simêon ẵm bế Ấu Chúa. * Ca tụng Ngài là "Ánh Sáng muôn dân" (Lc 2:32). * Tiên báo: "Con Trẻ này là duyên cớ cho nhiều người dân Israel hư hỏng hay được rỗi và sẽ là dấu hiệu gây mâu thuẫn" (Lc 2:34). * Tiên báo với Mẹ Maria: "Còn Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà" (Lc 2:35). IV. LỜI CÁC THÁNH - Thánh Basiliô: Đức Trinh Nữ không phải lệ thuộc luật thanh tẩy trong Đệ nhị luật, vì không do sự tác sinh của nam nhân, mà Mẹ đã trở nên Mẹ của Emmanuel trinh trong, thánh thiện, và thanh khiết. Và khi đã trở nên Mẹ, Mẹ vẫn còn vẹn toàn đồng trinh.[7] - Thánh Bênađô: Từ lúc hiến dâng Con, Mẹ có sống cũng là chết từng giây. Cứ nghĩ đến Giêsu chí ái của Mẹ phải chết là Mẹ lại cảm thấy một đau thương tàn khốc hơn bất cứ cái chết nào.[8] - Thiên Chúa đã đặt nơi tay Mẹ tất cả giá cứu chuộc chúng ta.[9] - Thánh Bônaventura: Trong lễ dâng Con hôm nay, Mẹ Maria phải can trường và quảng đại hơn là nếu chính Mẹ được dâng mình chịu đựng tất cả những đau thương mà Con Mẹ phải chịu.[10] - Thánh Phanxicô Salêsiô: Mẹ không cần phải thanh tẩy, vì Mẹ đẹp đẽ hơn mặt trời, trong sáng hơn mặt trăng, rực rỡ hơn rạng đông. Nhưng Mẹ vâng giữ luật Maisen.[11] - Dịp lễ Mẹ dâng Chúa, Mẹ mời gọi chúng ta vâng giữ không những các giới luật, mà còn những ý muốn và lời khuyên dạy của Thiên Chúa.[12] - Lễ Mẹ dâng Chúa nêu cao đức khiêm nhượng của Mẹ. Đức khiêm nhượng của Mẹ song song với đức khiêm nhượng của Chúa Giêsu. Hoàn toàn trinh trong vô nhiễm, Mẹ khiêm hạ vâng giữ điều luật không liên can tới Mẹ.[13] - Chúng ta được hạnh phúc biết bao, nếu chúng ta bồng Chúa trên vai như thánh Christopher, và ẵm Chúa trên cánh tay như cụ già Simêon. Chúng ta hoàn toàn phó thác cho Người và để Người dìu dắt chúng ta đi đâu tùy ý Người muốn.[14] - Thánh Anphong: Mẹ ý thức rõ ràng Chúa Giêsu mà Mẹ dâng hôm nay làm lễ vật, một ngày kia sẽ chịu sát tế trên thánh giá. Mẹ hy sinh sự sống Con của Mẹ như vậy, chính là Mẹ tự hiến toàn thân cho Thiên Chúa bằng một sự hy sinh cao cả.[15] - Mẹ hối hả tiến mau tới bàn thờ hiến tế, và chính Mẹ mang trên tay lễ vật chí ái.[16] - Cụ già Simêon được Chúa nhận lời hứa là cụ không phải chết tới khi được xem thấy Đấng Cứu Thế. Nhưng ơn đó cụ nhận được nhờ Mẹ Maria, vì cụ được thấy Chúa Cứu Thế trên cánh tay của Mẹ. Như vậy, ai muốn tìm thấy Chúa Giêsu, thì hãy nhờ Mẹ Maria.[17] - Mẹ Maria hiến dâng Con chịu chết, không phải chỉ có một lần trong đền thờ, nhưng là ở từng giây phút trong cuộc đời. Mẹ đã mạc khải cho Thánh nữ Brigitta rằng lưỡi gươm oan nghiệt cụ già Simêon tiên báo đã không bao giờ ngừng xuyên qua tâm hồn Mẹ, cho đến ngày Mẹ linh hồn và xác lên trời.[18] V. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI Đức Lêô XIII: Để tự hiến cho Thiên Chúa Cha làm lễ vật hy sinh bằng một lễ nghi công cộng, Chúa Kitô muốn được Mẹ Người đem Người đến đền thờ. Nhưng Người được hiến dâng cho Chúa nhờ sự trợ giúp của Mẹ Người.[19] Đức Phaolô VI: Lễ mồng hai tháng Hai lấy lại tên cũ là lễ Dâng Chúa (vào Đền thánh) cũng được coi là cùng kỷ niệm Chúa Con và Mẹ Người, nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa phong phú lễ kỷ niệm này. Đó là lễ mừng mầu nhiệm Cứu rỗi mà Chúa Kitô đã hoàn thành, và Rất Thánh Trinh Nữ mật thiết hợp tác, như là Mẹ của Người Tôi tớ đau khổ của Đức Giavê. Mẹ được coi như là Đấng thực hiện một sứ mạng thuộc dân Israel xưa kia, và là mẫu gương cho dân mới của Thiên Chúa luôn bị thử thách gian nan, bị bách hại trong đức tin và đức cậy.[20] Đức Gioan Phaolô II: 1) Này đây Chúa vào đền thờ do Mẹ Maria và Thánh Giuse bồng bế. Người vào như một trẻ thơ 40 ngày để giữ trọn luật Maisen. Người ta đem Chúa đến đền thờ như nhiều trẻ em Do Thái: trẻ em nghèo. Người vào đền thờ mà ít người nhận biết và đợi trông vì Người là "Thiên Chúa ẩn mình" (Is 45:15) và hầu như bị chống đối như lời tiên báo của ngôn sứ Malachia. Ẩn mình trong xác thể loài người trong một hang bò lừa ngoại ô thành Bêlem, Chúa tuân phục luật chuộc lại như Mẹ Người tuân phục luật thanh tẩy. 2) Cụ già Simêon nói với Mẹ Maria, bắt đầu về Con của Người: "Con Trẻ này là duyên cớ cho nhiều người trong dân Israel hư hỏng hay được rỗi, và sẽ là dấu hiệu gây mâu thuẫn". Rồi với Mẹ Maria, ông nói thêm: "Còn Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu qua lòng Bà. Như vậy, những tư tưởng kín đáo của nhiều người sẽ phải tỏ lộ ra"... Mẹ ẵm bế Con Trẻ trong cánh tay Mẹ. Nhưng dù cách thức đó, Chúa Giêsu vẫn là Ánh sáng cho tâm hồn chúng ta, Ánh sáng soi chiếu bóng tối tăm của sự nhận biết và cuộc sinh tồn trí thông minh và tâm lòng người ta.[21] 3) Chúng ta hãy đi rước kiệu, cầm những cây nến cháy này là "dấu chỉ của Ánh Sáng soi sáng mọi người" (Ga 1:9). Hôm nay chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô bằng một dấu chỉ là Ánh Sáng, Con của Mẹ Maria là Chúa Kitô sinh ra tại Bêlem, được dâng hiến trong đền thờ. Chúa Kitô là Ánh Sáng của đời sống loài người. Người là Ánh Sáng, vì Người phá tan bóng tối trong đời sống người ta. Người là Ánh Sáng vì Người soi sáng những mầu nhiệm cuộc sống người ta, và Người trả lời minh bạch những câu hỏi căn bản. Người là Ánh Sáng vì Người cho ý nghĩa cuộc sống và Người làm cho người ta hiểu biết phẩm giá cao cả của họ. Chúng ta hãy sống trong Chúa Kitô với ánh sáng của ngày lễ Đức Mẹ dâng Con.[22] Công đồng Vatican II: Trong đền thánh, sau khi dâng hiến lễ vật ấn định cho người nghèo, Đức Maria dâng Con cho Thiên Chúa và đã nghe cụ Simêon báo trước Con Mẹ sẽ là dấu chỉ sự phản kháng, và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Mẹ. Mẹ đã cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con chịu chết trên thập giá.[23] VI. SUY NIỆM A : Chúng ta hãy đón nhận ánh sáng huy hoàng vĩnh cửu. Trích bài giảng của thánh Sôphrôniô, giám mục. Tất cả chúng ta là những kẻ đang sốt sắng kính thờ mầu nhiệm Đức Kitô, nào ta hãy nhiệt tâm ra đón Người. Đừng ai vắng mặt trong cuộc đón rước này, và mọi người hãy mang theo nến sáng. Chúng ta đem theo nến sáng cho mọi người thấy vẻ huy hoàng thần thiêng của Đấng đang đến. Người đẩy lùi bóng tối xấu xa, làm cho hoàn vũ nên rực rỡ huy hoàng và ngập tràn ánh sáng vĩnh cửu. Hơn thế nữa, đem theo nến sáng còn để cho thấy tâm hồn chúng ta cũng rực sáng. Chúng ta cần phải đi đón Đức Kitô với một tâm hồn như thế. Đức Trinh Nữ vẹn tuyền, Mẹ Thiên Chúa, đã ẵm trong tay Ánh sáng chân thật và mang đến cho những ai chìm trong bóng tối. Cũng vậy, được ánh sáng Đức Kitô chiếu toả, chúng ta hãy cầm nến trong tay soi sáng cho mọi người và mau mắn ra nghinh đón Đấng thực sự là Ánh sáng. Ánh sáng đã đến thế gian chiếu soi thế gian đang chìm trong bóng tối, và Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối. Vậy đây là ý nghĩa của mầu nhiệm: chúng ta tiến bước, đèn sáng trong tay; chúng ta hăm hở đi tới, mang theo nến sáng, để nói lên rằng ánh sáng đã chiếu soi chúng ta và ánh sáng đó sẽ làm cho chúng ta nên rạng ngời. Nào mau lên, tất cả chúng ta cùng nhau ra đón Chúa. Người là Ánh sáng thật đã đến, Ánh sáng chiếu soi mọi người sinh ra trên thế gian. Vậy thưa anh em, mọi người chúng ta hãy đón nhận ánh sáng và hãy toả sáng. Đừng ai trong chúng ta đứng ngoài Ánh sáng rực rỡ đó như một kẻ xa lạ, cũng đừng ai đã được Ánh sáng ấy tràn ngập mà vẫn ở mãi trong đêm tối. Nhưng một khi đã được nên rạng rỡ, mọi người chúng ta hãy tiến bước; một khi đã toả sáng, mọi người chúng ta hãy cùng nhau tiến ra, và cùng với cụ Simêon đón nhận Ánh sáng huy hoàng vĩnh cửu. Cùng với cụ, chúng ta hãy hớn hở vui mừng hát lên bài thánh thi tạ ơn Chúa Cha, Đấng sinh ra Ánh sáng, Người đã gửi Ánh sáng thật đến, đã đẩy lui bóng tối, đồng thời làm cho chúng ta nên rực rỡ huy hoàng. Nhờ Đức Kitô, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã được thấy ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã dọn sẵn trước mặt muôn dân và đã bày tỏ cho mọi người. Đó là vinh quang của Israel mới là chính chúng ta. Lập tức, chúng ta đã được giải thoát khỏi bóng đêm tội lỗi xưa, cũng như cụ Simêon khi nhìn thấy Đức Kitô thì được thoát khỏi vòng tục lụy. Cả chúng ta nữa, đang là dân ngoại, chúng ta đã được trở thành dân Thiên Chúa khi, nhờ đức tin, chúng ta ẵm lấy Đức Kitô từ Bêlem đến (vì chính Người là ơn cứu độ của Thiên Chúa là Cha). Chính mắt chúng ta được thấy một vị Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân. Một khi đã thấy Thiên Chúa hiện diện, đã ẵm lấy Thiên Chúa trong đôi tay tâm hồn, chúng ta được gọi là Israel mới, và hàng năm, chúng ta mừng lễ để luôn luôn ghi nhớ sự hiện diện này.[24]
B : Một lưỡi gươm phũ phàng đâm xé lòng Mẹ. Cụ già Simêon nói với Mẹ: "Này Bà, một mũi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà" (Lc 2:35). Lời này giãi bày ra trước mắt Mẹ cuộc khổ nạn chắc chắn trong tương lai của Chúa Giêsu Con Mẹ, và gieo vào lòng Mẹ nỗi trầm sầu man mác, triền miên trong 33 năm trường cho tới ngày Mẹ ôm xác Con tan nát dưới chân cây thánh giá. Mỗi lời của cụ già Simêon giống như một lưỡi gươm phũ phàng đâm xé lòng bà Mẹ trẻ trung mà linh hồn trắng phau hơn tuyết, và trái tim tinh tế dịu dàng hơn mọi quả tim các bà mẹ. Chưa hề có khi nào Mẹ chứng kiến và cảm nghiệm những nỗi lòng như thế, nhưng Mẹ đã ưng thuận làm Mẹ Chúa Cứu Thế, và Mẹ cũng biết rằng công cuộc Cứu thế phải hoàn thành bằng khổ đau não nề, vì "Không có đổ máu, không có ơn tha thứ" (Dt 9:22). Lời "Con Mẹ sẽ nên dấu hiệu gây chống đối" càng làm cho lòng trinh trong đa cảm của Mẹ sôi lên nỗi đau đớn bồi hồi, vì Mẹ yêu Con như chưa từng có người mẹ nào yêu con như thế. Tại Bêlem, lòng Mẹ tràn ngập niềm vui thấy loài người sẽ được ơn Cứu rỗi đã được phán hứa từ ngàn xưa, và Chúa Giêsu Con Mẹ sẽ được hàng triệu con tim yêu mến tôn thờ. Nhưng giờ đây, lời tiên tri của cụ già Simêon giãi bày trước mắt Mẹ cảnh tượng nhiều người chống đối Con Mẹ và nhiều người liều lĩnh chối bỏ ơn Cứu chuộc, làm Mẹ bàng hoàng. Rồi trong 30 năm trong bầu khí dịu êm tươi mát của Thánh gia Nagiarét, mỗi lần thấy Con là Mẹ nhìn thấy hình ảnh cây Thánh giá kinh hoàng: Thương Con tự thuở trong nôi, Tóc đà biếng chải, Mẹ ngồi ngắm Con. Ngày đêm nỗi sầu buồn lai láng tràn ngập lòng Mẹ và vọng vang ra cả cảnh vật. Ban ngày Mẹ: Buồn trông con nhện giăng tơ, Tâm can một mối tơ vò thê lương. Ban đêm Mẹ: Buồn trông chênh chếch sao mai, Rỉ rê tiếng dế bi ai lạnh lùng. Khi nghĩ đến ngày khổ nạn để cứu chuộc loài người, Chúa Giêsu chẳng những đau những nỗi đớn đau của Ngài, mà cũng đau những nỗi thương đau của Mẹ cảm thông với Ngài. Đối lại, khi nghĩ đến cuộc khổ nạn chắc chắn trong tương lai của Con, lòng Mẹ héo hắt chẳng những xót xa cái đau của Con, mà cũng cảm nghiệm cái đau của lòng Mẹ thương Con. Hai tấm lòng của hai Mẹ Con như tấm gương phản chiếu nhau, trùng trùng điệp điệp, làm cho nỗi thương đau ray rứt dập dồn. Thương Con dồn dập não nề, Càng thương Con lắm càng tê tái lòng. Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương để cho con được khóc than cùng Mẹ. [25] C : Ngày dâng Con trong đền thờ, Mẹ dạy chúng ta 2 bài học Có một người tìm được một miếng đất sét có mầu sắc và hương thơm hoa hồng. Vô cùng ngạc nhiên, ông ta hỏi miếng đất sét : - Đất sét ơi ! Ngươi hãy nói cho ta biết ngươi là gì: là một viên ngọc quí giá, hay viên kim cương đắt tiền, hay viên đá kỳ diệu nào khác ? - Không phải, đất sét trả lời, tôi chỉ là miếng đất sét tầm thường như bao miếng đất sét khác. - Thế sao ngươi có một vẻ đẹp kỳ lạ như thế ? - Tôi sẽ nói cho ông biết điều bí mật đó: tôi sống gần một bông hồng. [26] Mẹ Maria là Đóa Hồng mầu nhiệm, chúng ta là những miếng đất sét tầm thường. Nếu muốn đượm hương thơm và sắc đẹp của Hồng nhiệm, chúng ta hãy sống gần Mẹ, noi gương bắt chước các nhân đức của Người. Noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ là cách sùng kính Mẹ tuyệt hảo và chân thật. Công đồng Vatican II dạy: "Lòng sùng kính chân chính phát sinh từ đức tin chân thật dẫn chúng ta tới chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ". [27] Trong ngày dâng Con trong đền thờ, Mẹ Maria nêu gương dạy chúng ta đức tuân phục và đức khiêm nhu. 1. Mẹ dạy ta đức tuân phục Đức Tuân phục thánh ý Chúa là một trong những bài học quan trọng trong đời sống Mẹ Maria. Mẹ cho chúng ta bài học này bằng lời nói và gương sáng. Thái độ của Mẹ trong ngày dâng Con trong đền thờ kêu mời chúng ta tuân phục không những lệnh truyền của Chúa mà còn những lời khuyên dạy và ý muốn của Chúa. Theo Luật Maisen, người phụ nữ sinh con trai phải ở cữ một thời gian rồi làm lễ tẩy uế. Con trẻ phải chịu phép cắt bì. Và mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh dâng kính Chúa; cha mẹ con trẻ dâng làm lễ tế một cặp chim gáy hay một đôi bồ câu tơ" (Lv 12:2-8; Xh 13:2-12). Mẹ Maria đẹp đẽ hơn mặt trời, trong sáng hơn mặt trăng và rực rỡ hơn rạng đông, nhưng Mẹ biết giữ luật là làm đẹp lòng Thiên Chúa và vì yêu mến Người, Mẹ đã lên đền làm lễ thanh tẩy và dâng Con. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: "Rất Thánh Trinh Nữ tự ý tuân vâng luật thanh tẩy vì Mẹ yêu quí lệnh truyền. Mẹ hay Con Mẹ không buộc phải tuân vâng, nhưng vì tình mến làm cho Mẹ tuân vâng. Mẹ tuân giữ luật để làm gương xây dựng cho những người khác".[28] 2. Mẹ dạy ta đức khiêm nhu Theo Thánh Phanxicô Salêsiô, lý do đức tuân phục hoàn hảo của Mẹ Maria là đức Khiêm nhu của Người, vì đức khiêm nhu chân thật là nguồn gốc đức tuân vâng. Và đức tuân vâng luôn là bạn đồng hành không thể vắng bóng của đức khiêm nhu. Chúng ta biết, dù được mọi đặc ân vượt mức trên mọi thụ tạo, Mẹ Maria hạ mình thẳm sâu dưới mọi tạo vật: Mẹ xao xuyến bối rối trước lời chào tán tụng của Thiên sứ Gabrie (Lc 1:29), và nhận mình là phận nữ tỳ thấp hèn của Chúa (Lc 1:48). Cả cuộc sống Mẹ Maria kết dệt b@ng đức khiêm nhu, nhất là từ ngày thiên sứ truyền tin qua ngày Mẹ thăm viếng thánh Elizabeth tới ngày Mẹ dâng Con trong đền thờ. Thánh Phanxicô Salesiô nói: "Đức khiêm nhu nào biết bao cao sâu hơn đức khiêm nhu mà Chúa chúng ta và Mẹ Maria đã thi hành khi đến đền thờ: Chúa đến đền thờ để được hiến dâng như tất cả các con trẻ của những người tội lỗi. Mẹ Maria đến để làm lễ thanh tẩy như tất cả các bà mẹ phàm trần. Cần gì mà Mẹ phải thanh tẩy, vì Mẹ đã không bị ô nhiễm do đặc ân tuyệt diệu từ lúc đầu thai mà các Minh thần (Cherubim) và các Luyến thần (Seraphim) không tài nào sánh ví".[29] Đức khiêm nhu phát sinh từ hai điều nhận biết: a) Nhận biết Thiên Chúa cao quang từ ái vô cùng với những ân ban dạt dào cao cả. b) Nhận biết mình khốn nạn rất mực thẳm sâu với thân phận vô cùng hèn kém. Sự nhận biết song phương như thế làm cho Mẹ Maria càng thêm khiêm nhu, càng thêm cảm mến Thiên Chúa. Do đó, Mẹ đã cất tiếng ngợi khen: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa ... vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại" (Lc 1:46-49). Sự nhận biết Thiên Chúa cao cả và nhận biết mình thấp hèn cũng như phẩm chức cao sang của Mẹ Maria và đức khiêm nhu của Mẹ là hai điều tương phản diệu kỳ, làm nổi bật lẫn nhau như những bóng tối tương phản với những bóng sáng trong một bức tranh hoạ. Có khiêm nhu thẳm sâu, Mẹ Maria mới tuân vâng thiên sứ Gabrie để trở nên Mẹ Chúa Cứu Thế. Có khiêm nhu từ tốn, Mẹ Maria mới tuân giữ luật Maisen, hiến tế tình Mẫu tử mà dâng Con thượng tiến Chúa Cha để cứu chuộc loài người. Có khiêm nhu trầm hạ, Mẹ Maria mới vâng giữ luật thanh tẩy, hiến tế danh thơm đức Toàn trinh để đặt mình trước dư luận như một sản phụ thông thường phải lên đền thanh tẩy. Chúa và Mẹ Maria đã khiêm nhu tuân giữ luật không buộc phải tuân giữ, huống chi chúng ta. Ngày nay người ta ưa thích phóng khoáng tự do, muốn thoát vòng kỷ luật. Nhưng người ta quên rằng cần phải có luật để điều hòa và kiềm chế sự tự do, theo nguyên tắc "Tự do dưới pháp luật = Sub lege libertas". Dân nước Mỹ là dân có rất nhiều quyền tự do, nhưng nước Mỹ lại là nước có rất nhiều thứ luật. Theo gương khiêm nhu và tuân phục của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chúng ta cần phải tôn trọng luật Chúa, luật Giáo hội, nhân luật hợp pháp và tôn kính thẩm quyền lập luật. Nếu không, chúng ta không thật là con Đức Mẹ, không thật lòng sùng kính Đức Mẹ, nhưng là bị nọc độc kiêu căng của thần dữ. Lạy Mẹ Maria yêu dấu ! Mẹ đã khiêm nhu tuân phục để được đồng công với Chúa trong công cuộc cứu rỗi loài người. Xin Mẹ chia sẻ cho chúng con đức khiêm nhu tuân phục của Mẹ để chúng con đáng được thông phần ơn cứu rỗi của Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con dâng lên Chúa "đứa con đầu lòng ác ôn" của chúng con là "tính kiêu căng bất tuân" làm lễ sát tế để chúng con trở nên những người con ngoan thảo và chân thật của Mẹ. Amen.
VII. KINH ĐỨC MẸ DÂNG CHÚA Hiến dâng Mẹ trái tim nghèo hèn Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa và Mẹ con, Mẹ thiết tha với phần độ phúc của con cho đến nỗi, để con được cứu thoát, Mẹ đã hy sinh Con chí ái, hy sinh một lễ vật quí giá nhất của lòng Mẹ, ấy là Giêsu thiết ái của Mẹ. Mẹ khát khao cho con được cứu độ như vậy, nên con xin đặt trót niềm hy vọng của con nơi Mẹ, sau Thiên Chúa. Vâng, lạy Mẹ, con hoàn toàn tin tưởng ở Mẹ. Xin vì công nghiệp lễ hy sinh đau thương Mẹ hiến tế hôm nay, khi dâng Con Mẹ lên Thiên Chúa, Mẹ hãy cầu xin Con Mẹ thương đến hồn con, tấm linh hồn mà cao dương không tì vết này đã liều chết trên thánh giá để cứu chuộc. Lạy Nữ Vương, con cũng muốn noi gương Mẹ hiến dâng trái tim nghèo hèn của con cho Chúa. Nhưng con lại sợ Người từ chối vì thấy nó quá nhớp nhơ. Nhưng nếu Mẹ đoái thương hiến dâng nó lên, thì Chúa sẽ chẳng từ chối nữa. Chúa tiếp nhận hết những lễ vật được tay thanh sạch của Mẹ dâng lên. Nên, lạy Mẹ, hôm nay con chạy đến cùng Mẹ; dầu con rất khốn nạn cơ cực, con cũng xin hiến dâng toàn thân con cho Mẹ. Xin Mẹ hãy hiến dâng con cùng với Chúa Giêsu lên Cha trên trời, như là tư sản của Mẹ. Xin Mẹ cầu xin Cha, vì công nghiệp Con Mẹ và vì Mẹ, nhận con làm con Cha. Ôi! lạy Mẹ rất nhân từ, vì tình yêu Mẹ lưu luyến Người Con mà Mẹ đã hiến dâng làm lễ hy sinh, xin Mẹ cứu giúp con luôn, đừng bỏ rơi bao giờ. Xin Mẹ đừng để có ngày nào con lại phạm tội mà bỏ mất Chúa Giêsu, Chúa Cứu Chuộc rất đáng mến của con, Chúa Cứu Chuộc mà Mẹ từng đau đớn nghẹn ngào hiến dâng hôm nay để chịu chết trên thánh giá mai ngày hầu cứu thoát con. Xin Mẹ nói với Chúa rằng con là tôi tớ Mẹ; rằng con đã hết lòng trông cậy Mẹ; rằng Mẹ muốn con được lên Thiên đàng, thì ắt Chúa sẽ nhận lời Mẹ. Amen.[30] VIII. CÂU TRUYỆN LỄ MẸ DÂNG CHÚA A. Bà mẹ phó thác con ung thư cho Đức Mẹ. Ông bà Võ Hoàng ở Quảng Ngãi có đứa con gái tên Võ thị Tuyết, 15 tuổi, bị bệnh ung thư trầm trọng. Ông bà đưa con vào Sàigòn, thuê nhà ở An Lạc, Chí Hoà, hy vọng tìm được bác sĩ giỏi để chữa cho con. Nhưng bệnh tình cô Tuyết ngày một trầm trọng hơn. Tình cờ, có một người đàn bà mách bảo họ rằng : trước đây bà cũng mắc chứng nan y như thế, nhưng sau khi khấn xin Đức Mẹ, bà đã được khỏi. Ông bà Hoàng dò hỏi, biết là Đức Mẹ bên Công giáo, vì họ là người lương. Ông Hoàng cho đó là chuyện mê tín dị đoan, nhưng bà Hoàng thì tin và cương quyết nài nỉ chồng hãy tin theo. Bà nói : - Nếu Đức Mẹ chữa cho con mình khỏi thì cả nhà ta phải theo đạo Công giáo hết. Tối đến, đợi chồng con ngủ say, bà lấy ảnh Đức Mẹ mà mấy hội viên Legio tặng để lên bàn, rồi chắp tay van nài Đức Mẹ chữa giúp. Sáng ra ông Hoàng vào phòng con gái, định bảo con sửa soạn đi bác sĩ, bỗng ông hết sức ngỡ ngàng khi thấy con gái mình đi đứng như một người lành mạnh. Ông cấp tốc gọi vợ : - Mình ơi, sang coi con nó khỏi bệnh rồi ! Bà Hoàng vội chạy sang, tưởng rằng vợ chồng mình đều mê sảng. Họ nhẹ nhàng hỏi con : Con có còn thấy đau không? Cô Tuyết mỉm cười : - Dạ không. Bà Hoàng nói : Phép lạ! Đúng rồi, đây là phép lạ! Ông Hoàng sung sướng bảo con thay quần áo đi bác sĩ gấp. Đến phòng mạch, bác sĩ tưởng Tuyết khỏi bệnh là nhờ thuốc ông cho toa, nhưng ông Hoàng cho biết toa thuốc chưa kịp mua. Bác sĩ khám xét cẩn thận rồi ngạc nhiên nói : - Lạ thật. Như thế là hết bệnh. Ông Hoàng sung sướng trả tiền bác sĩ rồi hối hả dẫn con về. Bước vào nhà, ông Hoàng thấy vợ đang quì thổn thức trước ảnh Đức Mẹ. Chiều hôm ấy, cả ba người dẫn nhau đến cha sở, tường thuật mọi việc và xin được tòng giáo để tạ ơn Đức Mẹ. Chúng ta đã trăm chiều thiếu thốn, khổ cực nên cần phải chạy đến Đức Mẹ. Là Mẹ Chúa Giêsu, Đức Mẹ có quyền thế để cầu bầu cho chúng ta, và Mẹ cũng là Mẹ chúng ta. Đức Mẹ là Mẹ từ ái hơn tất cả các bà mẹ trên thế gian này, và Người đầy lòng yêu thương chúng ta.[31] B. Người mẹ dâng con không có mắt cho Đức Mẹ. Hai sinh viên y khoa ở Zurich, thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ, nhân dịp kỳ nghỉ Giáng sinh, đáp phi cơ từ Zurich đi Lisbona, thủ đô của Bồ Đào Nha, rồi từ Lisbona đáp xe đò ngược lên Fatima. Hai sinh viên này, một Công giáo, một theo Giáo hội Cải cách, cả hai đều 20 tuổi. Anh sinh viên Cải cách là con duy nhất của một gia đình khá giả ở Zurich. Anh muốn đến Fatima để tạ ơn Đức Mẹ, vì nhờ ơn Đức Mẹ, anh qua khỏi một căn bệnh nguy hiểm, mà theo các bác sĩ, không hiểu nổi theo cách thức thông thường. Chiều 24-12-1967, hai anh tới Lisbona và lúc 22giờ30 thì tới Fatima. Trời gió lạnh. Mưa lâm râm. Công trường trước thánh đường vắng vẻ, mênh mông... Trong nhà nguyện, nơi Đức Mẹ đã hiện ra sáu lần 50 năm trước, chỉ có vài chục người đang đọc kinh, cầu nguyện. Hai anh vào nhà nguyện được ít phút, còn đang mải mê ngắm nhìn tượng Đức Mẹ Nữ Vương Mân Côi, thì một phụ nữ trẻ bước vào, trên tay bồng đứa con nhỏ, đầu và nửa mặt trên bưng kín, nằm gọn trong bộ đồ ấm mùa đông. Bà đến trước tượng Đức Mẹ Nữ Vương Mân Côi, lộ vẻ đau khổ, lâm râm khấn cầu, nâng đứa con dâng cho Đức Mẹ, rồi hạ xuống, nước mắt chan hoà. Những người có mặt đều nhìn mẹ con bà với vẻ cảm thông, thương xót. Một bà trong đám lại gần, hỏi đứa nhỏ bệnh tật, ốm yếu ra sao? Bà mẹ trẻ trào nước mắt, lật cái khăn bịt đầu đứa nhỏ ra: Trời ơi! một con nhỏ, mặt nhẵn thín, không có mắt, chỉ có mũi và miệng. Từ trán đến mũi, miệng và hai tai, là một làn da thịt nhẵn nhụi. Bà mẹ đau khổ thều thào trong nước mắt: Lạy Mẹ, xin Mẹ thương con, xin Mẹ thương con nhỏ tội nghiệp! Xin Mẹ hãy nhớ, khi xưa sinh hạ Chúa Hài Đồng, Mẹ sung sướng ẵm xiết đứa con vàng ngọc vào lòng. Còn con và con nhỏ này, đau khổ biết bao, Mẹ ơi! Con gởi gấm nó cho Mẹ, Mẹ đừng nỡ để nó đui mù suốt đời... Bà nấc lên. Rút xâu chuỗi ở túi ra lần hột. Các người có mặt nãy đến giờ đứng nghe chăm chỉ. Có bà lại còn sụt sùi, chùi nước mắt... Rồi một bà đứng ra nói: Thôi, xin tất cả các bà, chúng ta cùng nhau đọc một chuỗi kinh kính Đức Mẹ Nữ Vương Mân Côi, cầu cho mẹ con bà này. Kinh còn đang đọc, quãng một giờ sáng (25-12-1967), con nhỏ dẫy dụa, rên rỉ, khóc. Bà mẹ lật tấm khăn bịt đầu, xem có chuyện chi mà nó khóc. Vừa lật tấm khăn lên, bà há miệng, ớ một tiếng lớn, đầy kinh ngạc. Mọi người bỏ cả đọc kinh, xúm lại quanh hai mẹ con, thì ơ kìa: ngay bên dưới trán con nhỏ, xuất hiện hai lỗ nhỏ xíu, rồi từ đó hai đường nứt nhỏ cứ lớn dần dần, lan ra phía bên tai, rồi hai con mắt hiện ra. Con nhỏ ngỡ ngàng, nhìn má, nhìn mọi người... như một tạo vật vừa từ trời rớt xuống. Mọi người sửng sốt, reo hò, mừng rỡ, túm tít chung quanh hai mẹ con, cười cười, nói nói, hỏi han đủ chuyện, quên cả kinh đang đọc giở... Hai anh sinh viên được chứng kiến tận mắt truyện lạ, cảm xúc vô cùng. Sau khi về lại Zurich, cả hai anh nhất trí khước từ mọi sự, ngoại trừ việc học hỏi thêm về Chúa. Hai tháng sau, cả hai anh bỏ đại học. Cả hai cùng đi Nam Mỹ giúp việc truyền giáo trong một nhà thương cùi. Anh sinh viên Cải cách nay đã nhập Giáo hội Công giáo.[32] |
|
Trang nhà |
Trang Mẹ Maria |