Lễ Ðức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thờ
Người nữ trung gian |
|
Hôm nay, mùng 2 tháng 2, chúng ta đang cùng với Giáo Hội long trọng cử hành Lễ Đức Mẹ Dâng Con Vào Đền Thờ. Thánh Kinh nói rất rõ rằng Trẻ Giêsu đã được chính bàn tay của Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse đưa vào Đền Thờ để dâng hiến cho Thiên Chúa, như đã được ghi chép trong luật Môisen. Qua biến cố này, ta nhận thấy sự trung gian cần thiết của Mẹ Maria trong kế đồ cuộc chuộc của Thiên Chúa, bởi khi Chúa Giêsu từ thế giới của TC mà xuống với con người, Ngài phải cần đến sự trung gian cộng tác của Mẹ Maria; và hôm nay, khi cần được dâng hiến trở lại cho TC, thì con người Giêsu ấy cũng một lần nữa cần đến bàn tay của người Mẹ mình. Từ đó, ta xác tín hơn về vai trò thiết yếu của Đức Mẹ không thể thiếu được trong cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng như cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thế nên, Giáo Hội muốn dành Lễ này để cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi, nhất là ơn gọi tận hiến. Nhưng không phải chỉ có ơn gọi tận hiến mới cần đến sự trợ giúp và bàn tay của Mẹ Maria, mà hầu như ơn gọi nào cũng vậy. Tất cả chúng ta dù muốn dù không thì cũng đã trở nên con cái của Đức Mẹ; mà đã là con, thì chắc chắn ta phải cần đến sự hiện diện của một người Mẹ. Người Mẹ ấy không ai khác chính là Mẹ Maria. Vì thế, cho phép chúng tôi hôm nay được suy gẫm và chia sẻ đôi điều về vai trò và chỗ đứng rất quan trọng của Mẹ Maria trong cả hai ơn gọi rất quý báu, đó là: ơn gọi tận hiến và đời sống gia đình. Với tất cả niềm xác tín, tôi dám khẳng định rằng: ai không yêu mến Mẹ Maria, người ấy không thể bền đỗ trong ơn gọi. Ngược lại, ai nhận Maria làm Mẹ mình, người ấy sẽ vượt qua được tất cả gian nguy. Ở đây, tôi không hề có ý đề cao và nâng Mẹ Maria lên ngang hàng với Thiên Chúa, vì mọi sự vẫn đến từ Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, nhưng chỉ muốn nhấn mạnh về “chiều kích Maria” không thể thiếu được trong đời sống của một ơn gọi, nhất là ơn gọi tận hiến. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường gọi Maria là “Mẹ của ơn gọi”, vì hơn ai hết, Mẹ là người đã thực sự sống một cách trọn vẹn ơn gọi của mình. Mẹ thấu hiểu và Mẹ cảm thông. Đức Cố Giáo Hoàng quả là “con yêu của Mẹ Maria”. Có lẽ nhiều người chúng ta phải đồng ý một điểm là sở dĩ người đã thành công trong mọi việc mình làm và sống như một chứng nhân hy vọng là vì người đã đặt tất cả trong bàn tay yêu thương của Đức Trinh Nữ Maria . Khẩu hiệu của ngài cũng đủ cho ta thấy lòng yêu mến thiết tha dành cho Mẹ: “Totus Tuus” (Tất cả cho Mẹ). Trong các văn kiện viết gởi cho hàng giáo sĩ, tu sĩ, không một lần nào mà người không mời gọi họ hãy đặt lòng tin tưởng và phó thác ơn gọi trong bàn tay dịu hiền của người Mẹ Thiên Quốc. Hơn ai hết, Mẹ là người biết cảm thông với những đớn đau nhức nhối trong đời ta, vì chính Mẹ cũng đã từng trải qua giai đoạn ấy. Từ ngày Mẹ nhận ra ơn gọi của mình với vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế, có giây phút nào mà Mẹ không phải ưu tư, lo lắng, buồn phiền, đau khổ? Ai nào hiểu được nỗi lòng đau đớn của một người Mẹ luôn âm thầm “ghi nhớ và suy niệm mọi điều trong lòng”? Ơn gọi của Mẹ là những chuỗi ngày vác thập giá cùng Con bước lên đồi Can-vê. Rồi khi Con về trời, Mẹ lại tiếp tục lắng lo cho những bày con thơ dại sợ sệt vì chưa có Thần Khí ban tặng. Lời trăn chối của Chúa Giêsu trên thập giá chẳng khác gì những lời van xin cùng Mẹ rằng: “Mẹ ơi, như Mẹ đã trung thành lo cho Con thế nào, thì xin Mẹ cũng hãy tiếp tục lo lắng cho những người con mới của Mẹ đây”. Và trong tiếng thều thào nói cùng Gioan, tôi nghe như thể Ngài nói: “Con ơi, đây là Mẹ của con. Hãy đưa Mẹ về nhà và bám lấy Mẹ trên hành trình theo Cha, vì Mẹ đã sống và biết thế nào là những khó khăn trên đường theo Cha”. Thánh Kinh nói rất rõ rằng kể từ giây phút ấy, môn đệ đã đem Mẹ “về nhà mình”. Nhờ có Mẹ hiện diện trong đời, các tông đồ đã cảm thấy một sự ủi an vỗ về và hăng say trên bước đường chứng nhân. Mẹ đã trở nên Nữ Vương các Thánh Tông Đồ và là Mẹ Ơn Gọi của mỗi chúng ta. Những ai trung thành chạy đến khẩn cầu cùng Mẹ, họ sẽ được bền tâm vững chí. Cho dù thử thách gian nguy có xảy đến, họ vẫn cảm thấy bình an, vì Mẹ là nơi nương náu của họ. Nếu người mẹ trần gian còn biết luôn lo lắng và ao ước mọi sự tốt lành cho con mình, thì huống chi người Mẹ Thiên Quốc. Mẹ thấu hiểu mọi ước muốn, cảm nghĩ, và tâm tư sâu thẳm nhất của ta. Trước khi ta ngỏ lời xin, Mẹ đã biết rồi. Thiết tưởng, Mẹ chỉ trông mong nơi ta một điều duy nhất, đó là tâm hồn cởi mở luôn biết chạy đến với Mẹ và “cho phép” Mẹ hành động trong cuộc đời ta. Sự rộng mở và tình thân yêu ấy phải được cụ thể hóa bằng những hành động ta dành cho Mẹ. Ở đây, tôi muốn nói đến việc lần chuỗi Mân Côi, là kho tàng châu báu của mọi ân sủng Mẹ ban. Chuỗi Mân Côi là biểu tượng cho mối tình liên hệ giữa ta và Mẹ. Bao lâu ta còn trung thành nắm lấy xâu chuỗi, thì bấy lâu ta còn bám lấy tay Mẹ. Và bao lâu ta còn bám lấy tay Mẹ, thì bấy lâu ta còn được Mẹ gìn giữ chở che. Những gì ta chia sẻ về ơn gọi tận hiến cũng rất đúng khi áp dụng vào các ơn gọi khác, cách riêng ơn gọi hôn nhân gia đình. Đời sống gia đình không thể thiếu bóng Mẹ hiền được. Vợ chồng không thể trung thành với nhau, con cái không thể trở nên những người con ngoan, nếu ta không mời Mẹ vào trong gia đình để nối kết tình thân giữa vợ chồng, và giữa cha mẹ con cái với nhau. Vì thế, việc đọc kinh chung và lần chuỗi Mân Côi trong gia đình là điều tối cần thiết, không thể thiếu được. Nó đóng một vai trò hết sức quan trọng mà ta không thể hững hờ và coi nhẹ được. Chỉ một vài lời kinh chung đơn sơ giữa cha mẹ và con cái với nhau cũng đủ làm cho người Mẹ Thiên Quốc chạnh lòng thương và ra tay cứu giúp. Thật đáng tiếc và buồn thay cho nhiều đôi bạn trẻ ngày nay khi thấy họ không còn tin tưởng vào giá trị tuyệt vời của Kinh Mân Côi. Hình ảnh rất đẹp khi ta thấy những đôi tân hôn trong ngày lễ cưới cùng nhau tay trong tay tiến đến ngai tòa Mẹ và dâng cho Mẹ cuộc sống gia đình tương lai. Nhưng liệu trong thực tế và với thời gian, chúng ta còn tha thiết để thực sự mời và “đem Mẹ về nhà mình” không? Hay đó chỉ là một nghi thức chiếu lệ để giống như mọi người khác? Điều ấy, chỉ có Chúa và riêng bạn biết. Tuy nhiên, ta biết được một thực tại trong cuộc sống là rất nhiều gia đình đã và đang đổ vỡ. Tại sao? Có nhiều lý do. Nhưng nếu nhìn thẳng và đi sâu vào vấn đề, có lẽ căn nguyên vẫn là thiếu sự hiện diện của Chúa và của Mẹ. Đôi bạn tân hôn tại Cana đã được Mẹ can thiệp và ra tay cứu giúp vì họ đã mời Mẹ cùng đến với gia đình. Nhờ có Mẹ mà họ cũng có được Chúa Giêsu. Phần lớn cha mẹ và vợ chồng gặp khó khăn, vấn nạn, đổ vỡ, trong gia đình là vì đã coi thường và bỏ đọc kinh kệ chung trong gia đình thời gian khá lâu. Lẽ dĩ nhiên là gia đình và ơn gọi nào cũng có những khó khăn, thử thách riêng của nó. Nhưng nếu có Mẹ trong đời, thì có lẽ vấn đề không đến nỗi trầm trọng như xảy ra trong thực tế. Như vậy, câu hỏi ta tự đặt ra cho chính mình là: nếu không mời Mẹ vào trong cuộc sống, thì ta đã mời ai vào? Hay nói cách khác, ai đã chiếm chỗ trong gia đình và trong trái tim ta đến nỗi ta không còn “chỗ” để cho Mẹ bước vào? Nếu phải kể tên hết các “thần ngoại bang” đang “cư ngụ” trong cuộc sống và trong gia đình chúng ta thì có lẽ chẳng bao giờ hết. Hơn nữa, chỉ chính chúng ta mới biết rõ ai hoặc cái gì đang xâm chiếm tâm hồn và gia đình mình. Phải chăng là sự nghi kỵ, gièm pha? Hay là sự dối trá, bất trung? Hoặc là những đam mê xác thịt, hình ảnh đồi trụy mà ta không dứt bỏ được? Rất có thể. Nhiều vợ chồng đã thành thật chia sẻ rằng họ đã mướn những phim ảnh xấu về nhà coi để như một cách giúp giải quyết vấn đề. Nhưng thực chất thì họ càng bị sa lầy và đổ vỡ hơn. Ngày nay, những phim và hình ảnh xấu đang là một thách đố rất lớn cho nhiều gia đình. Sự tai hại của nó không ai có thể lường được. Hạnh phúc của bao nhiêu gia đình đã bị phá hủy chỉ vì có sự hiện diện của những “thần ngoại bang” này. Chắc chắn Chúa và Mẹ sẽ không có chỗ đứng nếu ta không xua đuổi chúng ra khỏi cuộc đời và gia đình mình. Thiên Chúa không thể trà trộn với những thứ ngoại bang ấy. Ánh sáng và bóng tối không thể đồng hiện hữu. Nếu muốn có Chúa hiện diện và cùng đồng hành, hãy tiểu trừ những cái thế gian không cần thiết, và hãy tha thiết mời Mẹ vào trong nhà mình. Có Mẹ, mọi sự sẽ được giải quyết, mọi vấn nạn sẽ được cứu nguy. Thánh Anphong đã nói: “Con Đức Bà là con nhà thiên quốc, con Đức Mẹ là con Nước Thiên Đàng”! Với tất cả niềm xác tín, chúng ta hãy cùng nhau chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria, và nhờ chính bàn tay dịu hiền của Mẹ để dâng đời sống và sứ mạng của chúng ta cho Thiên Chúa. Lạy Mẹ, như xưa chính Mẹ đã dâng Người Con yêu quí trong Đền Thờ cho Chúa Cha như thế nào, thì ngày nay xin Mẹ cũng giúp cho đời con được trở nên của lễ đẹp lòng Chúa Cha như vậy. Amen. |
|
Trang nhà |
Trang Mẹ Maria |