Lễ Ðức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thờ Lễ Đức Mẹ dâng Chúa L.m. Phêrô, CMC |
|
I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ Theo tập nhật ký hành hương của bà Egeria người Tây Ban Nha, thế kỷ IV, lễ này được mừng đầu tiên sau lễ Hiển Linh 40 ngày tại Giêrusalem khoảng năm 381-384 trong đền thờ Chúa phục sinh với tất cả vẻ long trọng như lễ Phục sinh. Đến thế kỷ V, lễ này lan ra khắp Đông phương và được gọi là "cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông già Simêon", đến thế kỷ VII lan sang Rôma gọi là "lễ Tẩy uế của Đức Maria" mừng vào ngày hai tháng Hai, sau lễ Giáng sinh 40 ngày. Phụng vụ chú ý đến biến cố Mẹ Maria dâng Ấu Chúa trong đền thờ, nên ý nghĩa phụng vụ ngày hai tháng Hai là Lễ Đức Mẹ dâng Chúa hay là Hiến lễ của Chúa Giêsu. Đức Thánh Sergiô I thành lập một cuộc rước cho ngày lễ. Về sau cuộc rước này có tính cách thống hối, nên trước năm 1960, áo lễ Linh mục chủ sự cuộc rước và làm phép nến là áo mầu tím. Lễ nghi làm phép và rước nến bắt đầu từ thế kỷ X tượng trưng Chúa Giêsu là "Ánh Sáng muôn dân" (Lc 2:32). Năm 1969 lịch canh tân xác định hẳn lễ này là "lễ Đức Mẹ Dâng Chúa". II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ 1. Thánh Luca cặn kẽ trình thuật biến cố này đã diễn tiến theo luật (Lc 2:22, 23, 24, 39) để chú trọng đến việc Đức Mẹ và Thánh Giuse trung thành tuân hành luật Chúa truyền dạy và việc Chúa Giêsu là Trưởng tử tự hiến và thuộc về Chúa Cha: "Hãy hiến dâng cho Ta mọi con đầu lòng nơi con cái Israel" (Xh 13:2) và "Từ Ai cập, Ta đã gọi Con Ta" (Hs 11:1). Khi dâng Hài Nhi cho Chúa, Đức Mẹ và Thánh Giuse nhận biết Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa đã tuyển chọn (Lc 9:35) và thuộc về dân Do Thái đã được tuyển chọn và hiến thánh (xem Đnl 7:6). Hai sự kiện này ẩn chứa hai mầu nhiệm: Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể theo dòng giống Israel, được tuyển chọn và hiến dâng để cứu chuộc loài người. Chính Chúa Giêsu tự hiến dâng mình cho Chúa Cha. Ngài nói: "Hy sinh và lễ vật Người chẳng màng, nhưng Người đã nắn nên con một thân xác" (Dt 10:5) để rồi vâng theo thánh ý Chúa Cha, Ngài hy hiến mạng sống để nên giá cứu chuộc loài người, nên Ngài nói: "Này con xin đến" (Dt 10:7). Do đó, Hiến lễ của Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem mở màn cho lễ Hy tế của Ngài sau này trên đỉnh đồi Canvê. Thánh Anphong suy luận: "Mẹ Maria ý thức rõ ràng Chúa Giêsu mà Mẹ dâng hôm nay làm lễ vật, một ngày kia sẽ chịu sát tế trên thánh giá ... Chúa sẽ không phải chịu chết trên thánh giá, nếu Mẹ không ưng thuận tự tình hiến dâng Con." Chúa Thánh Linh mạc khải cho ông già Simêon (Lc 2:25-26) biết và tiên báo sứ mệnh Cứu thế của Chúa Giêsu: "Mắt tôi đã thấy ơn Người Cứu độ. Người đã dọn sẵn trước mắt muôn dân ánh sáng mặc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người" (Lc 2:31-32). Sứ mệnh Cứu thế của Chúa Giêsu cũng đã được tiên tri Isaia loan báo 7 thế kỷ trước: "Ta sẽ đặt Người làm ánh sáng các dân tộc, để ơn Cứu độ của Ta đạt thấu khắp cùng cõi đất" (Is 49:6). Ông Simêon cũng biết và tiên báo sứ mệnh Đồng Công cứu chuộc rướm máu của Mẹ Maria: "Một mũi gươm sẽ đâm thâu lòng bà" (Lc 2:35). Từ đó, nỗi bi đát luôn dày vò tâm can Mẹ, nhất là trong cuộc khổ nạn bi hùng của Con Mẹ diễn ra giữa dân Người. Hiệp với hiến lễ của Chúa Giêsu, Mẹ Maria khiêm hạ vâng giữ luật tịnh tẩy như hiến lễ dâng lên Chúa. Là Mẹ Chúa Cứu Thế, Mẹ được đặc ân Vô nhiễm và toàn trinh cả sau khi sinh Con, Mẹ được miễn giữ luật tịnh tẩy. Nhưng Mẹ khiêm hạ tiến dâng hiến lễ danh thơm tiếng tốt đó mà giữ luật tịnh tẩy như tất cả các bà mẹ sinh con. Đức Khiêm hạ của Mẹ cũng như của Chúa Giêsu khởi đầu ơn Cứu rỗi, đối lập với tính kiêu ngạo của con cựu xà hỏa ngục và nguyên tổ là đầu mối sự đoạ trầm của loài người. Hiến lễ Khiêm hạ của Mẹ cùng với Hiến lễ Mẹ dâng Ấu Chúa Giêsu để Người chuẩn bị hy tế cứu đời, đã khởi đầu sứ mạng Đồng công cứu thế của Mẹ. Thánh Anphong nói: "Mẹ Maria hiến dâng Con chịu chết, không phải chỉ có một lần trong đền thờ, nhưng là ở từng giây phút trong cuộc đời". Lạy Mẹ Maria yêu dấu! Con xin dâng mình con như hiến lễ hợp với Chúa trên bàn tay Hiền Mẫu trinh trắng của Mẹ, cũng để đồng công với Chúa và Mẹ trong việc cứu rỗi chính mình con và các linh hồn. 2. Lễ Mẹ dâng Chúa cũng gọi là Lễ nến, vì cây nến cháy tượng trưng Chúa Kitô là "Ánh Sáng muôn dân." Chủ tế làm phép nến rồi cộng đồng rước nến. Giáo dân dùng nến đã làm phép để thắp trong những trường hợp khó khăn hay bệnh hoạn. Rước nến thì trước năm 700, Đức Giáo hoàng tại Rôma thường phát nến cho giáo dân tham dự lễ Mẹ dâng Con và tổ chức cuộc rước nến, vừa để tôn vinh Chúa Kitô là "Ánh Sáng muôn dân", vừa để cải hóa hủ tục dân ngoại Rôma thường tổ chức hai cuộc rước đuốc linh đình:
* Cuộc rước đuốc rất dâm đãng tại Lupercal trên đồi
Palatina gọi là Lupercalia từ ngày 2 tới 15 tháng 2 để kính thần Faunus
là thần phong phú của người và súc vật. Lạy Mẹ Maria dấu yêu! Chúa Kitô là Ánh sáng đã giãi chiếu chan hòa trên khắp thế gian, nhưng chưa tỏa chiếu được vào mọi tâm hồn. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa bật sáng bừng lên trong tâm hồn con và những người tội lỗi để phá tan bóng tối tăm mù mịt tội lỗi, tính hư nết xấu bao phủ tâm hồn chúng con; cho chúng con mặc lấy ánh sáng, biến đổi chúng con trở thành con cái sự sáng, trở thành ánh sáng. Được thông phần ánh sáng của Chúa, chúng con mới được thông phần sự sống của Người. (xem Ga 1:4 và 2 Tm 1:10) * Theo ý nghĩa Phụng vụ Đông phương, lễ Mẹ dâng Chúa là cuộc trùng phùng gặp gỡ của Chúa Giêsu với loài người mà trung gian là ông già Simêon và nữ tiên tri Anna. Trong suốt cuộc đời công chính đạo hạnh, ông Simêon hằng ngóng đợi niềm an ủi của Israel cũng là ơn Cứu độ của muôn dân. Khi cuộc đời xế chiều, ông được linh cảm đến đền thờ gặp gỡ Ấu Chúa, được ẵm Chúa trên tay, nên ông được toại nguyện và chúc tụng Chúa là Đấng Cứu Thế, là Ánh Sáng muôn dân và là vinh quang của Israel (Lc 2:25-32). Bà Anna cũng gần một thế kỷ đêm ngày kiêng chay cầu nguyện trong đền thờ. Giờ đó, bà cũng được trùng phùng gặp gỡ Ấu Chúa. Bà tán tạ Chúa và nói về Ngài cho mọi người ngóng đợi sự giải thoát của Giêrusalem (Lc 2:36-38). Thực ra, sau khi nguyên tổ loài người sa đoạ, Thiên Chúa đã mở cuộc đối thoại với loài người qua các tiên tri và sau hết qua Chúa Kitô (Dt 1:1-2) về chính mình Ngài và về thánh ý nhiệm mầu của Ngài liên quan tới phần rỗi loài người. Cuộc đối thoại của Thiên Chúa như vậy gọi là mặc khải và đã ghi chép lại trong Thánh kinh. Nhưng mầu nhiệm Nhập thể Giáng sinh mới là diệu kế và là địa điểm để Thiên Chúa chính thức gặp gỡ loài người do biến cố Ngôi Lời bỏ quên chức vị Thiên Chúa của Ngài mà hạ cố xuống trần gian kết hợp với bản tính loài người để xe duyên đất với trời, Thiên Chúa với loài người. Chẳng những gặp gỡ loài người, Chúa ở cùng loài người trong cuộc ký thế 33 năm và còn tiếp tục ở cùng loài người trong Bí tích Thánh Thể cho tới ngày thế mạt. Đó chính là diệu kế toại nguyện của tình Thiên Chúa yêu thương loài người chúng ta đến tận cùng. Lạy Chúa, nhờ lời Đức Trinh Nữ cầu bầu, xin cho chúng con được tới gặp gỡ Chúa trong sự thánh thiện và sự thanh trong của tâm trí (Đức Gioan Phaolô II). Lạy Mẹ Maria! Xin Mẹ giúp chúng con dọn lòng thanh sạch và sốt sắng tình mến mỗi lần chúng con rước lễ để gặp gỡ thân mật và liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu Thánh Thể như Người chờ mong. III. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ Bài đọc I: Malakia 3:1-4 Bài này ám chỉ rằng Hiến lễ của Chúa Giêsu trong đền thờ tiên báo sứ mạng Hy tế sau này của Người trên đồi Canvê. Ngài sẽ thiết lập việc tôn thờ Thiên Chúa "trong tinh thần và chân lý" (Ga 4:23). Bài đọc II: Do Thái 2:14-18
Bài này nói lên việc Chúa Giêsu là Thầy cả Thượng
phẩm sẽ dâng mình hiến tế trên thập giá vì tội lỗi loài người cũng như
nay Người dâng mình trong đền thờ. Bài Phúc âm này trình thuật hai lễ nghi: a) Dù sinh Con mà còn đồng trinh, Mẹ Maria vâng giữ luật Maisen, khi hết ngày kiêng cữ, lên đền dâng lễ tẩy uế (Lc 2:22). b) Cũng theo luật Maisen, Mẹ dâng Con Trai đầu lòng, với lễ tế là đôi chim bồ câu, vì Mẹ nghèo (Lc 23-24). Tại đền thờ Giêrusalem, ông già Simêon ẵm bế Ấu Chúa. * Ca tụng Ngài là "Ánh Sáng muôn dân" (Lc 2:32). * Tiên báo: "Con Trẻ này là duyên cớ cho nhiều người dân Israel hư hỏng hay được rỗi và sẽ là dấu hiệu gây mâu thuẫn" (Lc 2:34). * Tiên báo với Mẹ Maria: "Còn Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà" (Lc 2:35). |
|
Trang nhà |
Trang Mẹ Maria |