§ Thánh Pierre-Julien Eymard
I. Chúa Giêsu không muốn trì hoãn việc dâng mình công khai cho Chúa Cha.
Sau khi sinh ra được bốn mươi ngày, Ngài đã soi sáng cho Đức Maria đem
Ngài vào đền thờ. Đức Maria ẵm Hài Nhi trên tay; Mẹ đi dâng Ngài cho
Chúa Cha và rồi chuộc lại với đôi chim cu gáy, vì Chúa Giêsu muốn được
mua lại với những thụ tạo nhỏ bé này tượng trưng sự trong trắng và đơn
sơ của Ngài. Một mầu nhiệm vĩ đại đã xảy ra ở đó.
Niềm vui sướng hạnh phúc của Đức Thánh Trinh Nữ đã chấm dứt từ ngày đó.
chúng ta hãy lắng nghe lời của cụ già, một người được Thiên Chúa tuyển
chọn: “Trẻ này được đặt lên khiến cho nhiều người Israel phải hư mất và
nhiều người được chỗi dậy... và phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu.”
Làm sao Ba Ngôi Thiên Chúa rất tốt lành, rất hiền dịu, lại có thể mặc
khải một mầu nhiệm đau thương dường ấy cho một người mẹ trẻ mới mười lăm
tuổi, người đang được tràn ngập niềm vui vì mới sinh Con? Đó là lần đầu
tiên Mẹ đến viếng đền thờ kể từ ngày sinh con, và Mẹ được báo cho biết
cái chết cực dữ đang chờ đợi người con dấu yêu của Mẹ. A! Mẹ quá hiểu
rồi! Từ ngày đó, núi Can-vê không rời Chúa Giêsu; ở Nazareth hay ở bên
Aicập – nơi nào Mẹ cũng thấy Giêsu của Mẹ bị đóng đinh. Khi linh hồn
chúng ta còn yếu ớt trên đường nhân đức, Thiên Chúa để chúng ta sống một
đời sống ít nhiều bị che đậy: nhưng khi Ngài thấy một linh hồn yêu mến
thực sự, Ngài vội vã đóng đanh nó để bày tỏ vinh quang Ngài trong đó.
Tình yêu đòi phải có đau khổ. Đức Maria chấp nhận mọi sự. Từ đó về sau
khi đàm đạo với Con Mẹ, Mẹ chỉ nói về núi Can-vê, về những đau khổ và
cái chết của Người. Thực sự Mẹ có một sức chịu đựng ngoan cường để chịu
đựng thảm cảnh Can-vê sẽ xảy ra ba mươi ba năm sau! “tâm hồn bà sẽ bị
gươm sắc đâm thâu.” Chúng ta có hiểu được cuộc tử giá hàm chứa trong
những lời này không? Rồi từ đó, Mẹ Maria nhìn thấy những nỗi đau khổ của
Con Mẹ trong từng chi tiết. Mẹ không ngừng nghĩ đến đó. Từ giây phút đó
Mẹ trở nên Nữ Vương tử đạo.
II. Chúng ta phải thu lượm được gì từ mầu nhiệm Mẹ Dâng Con? Đây là bài
học: chúng ta đừng dâng mình phục vụ Thiên Chúa để tìm kiếm an ủi khoái
vui, để chiếm hữu niềm bình an yên tĩnh bất biến. Chúa Giêsu quả có nói:
“Ách Ta êm ái gánh Ta nhẹ nhàng.”; nhưng Ngài cũng đã nói: “Ai không vác
Thánh Giá mỗi ngày mà theo Ta thì không đáng với Ta.”
Vậy chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải kết hợp với Mẹ Maria dâng trót
mình cho Thiên Chúa, chấp nhận đau đớn khổ cực và những Thánh Giá Ngài
sẽ gởi đến cho chúng ta. Lúc khởi đầu khi linh hồn mới dâng mình cho
Chúa, nó thường cảm nghiệm những an ủi lớn lao; việc phục vụ Chúa xem ra
đầy những cảm giác ngọt ngào. Có nhiều linh hồn chán ghét trần thế và
những giả dối của nó, họ quay trở về đời sống đạo đức để tìm kiếm bình
an và an ủi. Họ chỉ tìm duy điều đó; họ chỉ ước muốn duy điều đó trong
việc phục vụ Chúa. Họ phục vụ Ngài bao lâu Ngài còn trào đổ trên họ
những ân huệ thần linh của Ngài; nhưng khi Ngài ẩn mình đi và muốn thay
đổi cho họ thức ăn cứng hơn thức ăn của trẻ nhỏ, họ liền trở nên chán
ngán, thất đảm và bối rối. Họ vắt óc tưởng tượng để tìm xem họ đã làm gì
để bị phạt như thế này. Họ tưởng tại những lần xưng tội chưa thành thực,
những lần rước lễ bất xứng. Họ tìm mọi cách để thấy trong họ nguyên nhân
của sự thay đổi. Khi không tìm được, họ trở nên chán nản và thường kết
thúc bằng sự bỏ bê các việc đạo đức.
Dĩ nhiên chúng ta không được coi thường những an ủi của Chúa, chúng ta
phải hân hoan lãnh nhận khi Ngài gửi đến; nhưng chúng ta cũng đừng chỉ
tìm kiếm những an ủi ấy. Những an ủi ngọt ngào, những ân huệ ấy sẽ qua
đi trong khi Chúa Giêsu vẫn tồn tại mãi mãi. Có những vị thánh được Chúa
ban cho những ân huệ vĩ đại, với những cơn xuất thần – nhưng các ngài
cũng phải chịu đau khổ biết bao! Thiên Chúa chỉ ban cho các ngài những
ân huệ từng lúc hiếm hoi, như là bù đắp cho những đau khổ các ngài đã
phải chịu và để khích lệ các ngài chịu đau khổ thêm nữa vì tình yêu.
Chính nhờ chịu đau khổ mà chúng ta được thánh hoá, nhờ Thánh Giá và thử
thách mà linh hồn được củng cố, được giải phóng khỏi bản ngã, để nó có
thể tìm được niềm vui thỏa của nó trong Thiên Chúa và duy mình Thiên
Chúa.
Đây là bài học của mầu nhiệm Mẹ Dâng Con trong Đền thờ. Chúng ta hãy đem
ra thực hành nếu chúng ta muốn xứng đáng với Của Lễ đích thực, của lễ mà
chúng ta không ngừng chiêm ngưỡng trong phép Thánh Thể, và xứng đáng với
Mẹ thánh Ngài, Đấng đã quảng đại dâng hiến Ngài vì chúng ta. |