Hôm nay cùng với Giáo Hội, người Công giáo và Chính thống giáo mừng Lễ Ðức Maria Vô nhiễm Nguyên tội. Vô nhiễm nguyên tội có nghĩa là từ lúc thụ thai trong lòng bà thánh Anna, trinh nữ Maria được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ, do ơn huệ đặc biệt của Chúa ban. Cũng từ lúc bắt đầu hiện hữu, trinh nữ Maria được đầy ơn phúc vì không vướng mắc tội nguyên tổ. Vì vậy mà thiên thần Gáprien bái chào Trinh Nữ: Kính mừng Maria đầy ơn phúc (Lc 1:28). Thánh kinh không ghi rõ việc trinh nữ Maria được thụ thai vô tội. Tuy nhiên Thánh kinh có ám chỉ việc đó. Một việc ám chỉ là Thiên Chúa tuyên án phạt con rắn đã cám dỗ ông Ađam và bà Evà phạm tội ăn trái cấm: Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người nữ, .. dòng giống người nữ sẽ đạp vào đầu mi (St 3:15). Con rắn đó được ám chỉ về quỉ dữ. Còn người nũ được ám chỉ về trinh nữ Maria.
Lễ Ðức Maria Vô nhiễm Nguyên tội được mừng chín tháng trước ngày sinh nhật của Mẹ Maria. Tín điều Ðức Maria Vô nhiễm Nguyên tội được Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm 1854 với lời: Từ lúc mới thụ thai, trinh nữ Maria được giữ gìn khỏi mọi vết nhơ nguyên tội do ân sủng và đặc ân siêu việt mà Thiên Chúa ban tặng xét theo công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu chuộc nhân loại (Ineffabilis Deus, 8-12/1854).
Trước khi Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín điều Ðức Maria Vô nhiễm Nguyên tội vào năm 1854, thì giáo hữu ở Giáo hội Ðông phương đã mừng lễ Ðức Maria Vô nhiễm Nguyên tội từ thế kỉ thứ bảy. Còn giáo hữu thuộc Giáo hội Tây phương mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm vào thế kỉ thứ chín. Như vậy thì Ðức Giáo Hoàng chỉ khẳng định lại Tín điều giáo dân đã tin tưởng từ lâu đời, chứ không đơn phương độc mã tuyên bố một tín điều mà không thăm dò ý kiến của toàn thể Giáo Hội. Khi Ðức Mẹ hiện ra ở Lộ Ðức, tự xưng: Ta là Ðấng Vô nhiễm Nguyên tội đã khẳng định lại tín điều Vô nhiễm Nguyên tội. Ðiều này càng làm cho người tín hữu xác tín vào việc Ðức Maria không hề mắc tội tổ tông truyền. Vào năm 1846, Hội đồng Giám mục Hoa kì xin Toà thánh La Mã nhận Ðức trinh nữ Maria dưới tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên tội làm bổn mạng nước Mĩ. Chỉ một năm sau vào năm 1847 thì được Ðức Giáo Hoàng Piô IX phê chuẩn.
Suy ra ta thấy có sự liên hệ giữa việc người tín hữu tin có tội nguyên tổ và việc tin vào ơn vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria. Ân huệ mà mỗi người nhận được khi chịu phép rửa tội cũng giống ân huệ mà Thiên Chúa ban cho trinh nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội. Hiệu quả đều giống nhau tức là được giải thoát khỏi tội nguyên tổ. Qua Bí tích Rửa tội, người tín hữu được sinh lại trong nước và Thánh Thần, nghĩa là được tái sinh khỏi tội nguyên tổ. Câu chuyện Phúc âm theo Thánh Luca là việc hoàn tất lời ngôn sứ Isaiah: Một trinh nữ sẽ thụ thai và đặt tên Con Trẻ là Giê-su (Lc 1:31).
Tại sao Thiên Chúa phải gìn giữ trinh nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông? Lí do là vì nếu Con Thiên Chúa phải sinh ra do người đàn bà mắc tội nguyên tổ, thì đó là điều ô nhục cho thánh Tử. Trong buổi thuyết trình cho nhóm khoảng tám trăm tham dự viên tĩnh tâm thuộc phong trào Thánh linh, gồm đa số là linh mục tại Ðại học Steubenville thuộc bang Ohio vào đầu thập niên 1980, một mục sư Tin lành thuộc phái Baptist có tên là Joe Garlington được mời chia sẻ. Ông bày tỏ trước kia ông thường thắc mắc tại sao Giáo hội Công giáo quá đề cao và nhấn mạnh đến vai trò của trinh nữ Maria. Rồi ông đi tra khảo Thánh kinh và thấy việc trinh nữ được đầy ân sủng có ghi trong Thánh kinh (Lc 1:28). Từ đó ông ta cũng đọc: Kính mừng Maria, đầy ân phúc.
Có những người coi việc Giáo Hội nhấn mạnh đến địa vị và vai tró của trinh nữ Maria như là xa vời với thực tế vì Trinh nữ được tách rời ra khỏi đám quần chúng, tách biệt ra khỏi mọi người đàn bà khác. Trinh nữ Maria được thụ thai vô nhiễm nguyên tội. Rồi Trinh nữ mang thai Ðấng Cứu thế cách kì diệu do quyền phép Chúa Thánh Thần. Thánh sử Luca thường đề cao giá trị của người đàn bà vì bà Maria đóng vai trò quan trọng trong công trình cứu chuộc. Không một người đàn bà nào đã được nhiều phụ nữ đội tên cho bằng trinh nữ Maria. Không có một tên thánh nào được nhiều người chọn làm bổn mạng cho bằng tên thánh Maria. Như vậy đàn ông không thể bắt chước nữ tính của trinh nữ Maria. Các bà lập gia đình không thể bắt chước cuộc sống trồng trinh của trinh nữ (1) .
Tuy nhiên tất cả mọi người, đàn bà cũng như đàn ông, già trẻ, lớn bé đều có thể noi gương trinh nữ Maria ở những điểm khác. Ðiều mà ta có thể noi gương Mẹ Maria là mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa và sống theo ý Chúa: Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Người thực hiện nơi tôi, như lời sứ thần truyền (Lc 1:38). Một nhân đức khác ta có noi gương Mẹ là đức khiêm tốn. Trinh nữ Maria không nuôi tham vọng làm mẹ Ðấng cứu thế như những bà, cô bên Do Thái thời bấy giờ. Nhìn thấy lòng khiêm tốn nơi trinh nữ Maria, Thiên Chúa đã cất nhắc Trinh nữ lên địa vị làm Mẹ Ðấng Cứu thế.
Hôm nay khi suy niệm về ơn vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria, ta cũng tâm niệm về ơn tái sinh khỏi tội nguyên tổ trong Bí tích Rửa tội. Và ta tự hỏi: Tôi có gìn giữ ơn vô nhiễm khỏi tội khi lãnh nhận bí Tích Rửa tội không? Nếu đánh mất ơn nghĩa với Chúa bằng cách sa phạm tội, tôi có cố gắng phục hồi ơn Chúa không? Tôi có kêu cầu Mẹ Maria giúp bằng cách sống theo ý Chúa ? (2)
Cũng như Mẹ Maria mong đợi Chúa Cứu thế đến lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại, ta đang sống trong Mùa Vọng cũng mong đợi Chúa đến lần thứ hai để kết thúc trong lịch sử loài người. Giữa hai cuộc thăm viếng vĩ đại này, Chúa thường đến trong tâm hồn người tín hữu bằng ơn thánh. Cùng với Mẹ, ta cầu xin Chúa đến ngự trị trong tâm hồn và đời sống mỗi người bằng ơn thánh.
Lời cầu nguyện xin Mẹ giúp xa tránh tội:
Lạy Mẹ Maria, đầy ơn phúc!
Mẹ được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ từ khi thụ thai.
Xin Mẹ dạy con biết cải thiện đời sống
như sứ điệp Mẹ dạy ở Lộ Ðức.
Và xin Mẹ ban ơn phù trợ để con khỏi sa phạm tội
hầu được sống trong ơn nghĩa với Chúa. Amen.
Lm Trần Bình Trọng