Lễ Truyền Tin


 XIN VÂNG TRONG ĐỨC TIN
 Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh

Trong lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một sự kiện lịch sử, một biến cố đức tin quan trọng, một khởi đầu cho trang sử mới của ơn cứu độ: Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian làm người.

Hội Thánh còn kính nhớ kỳ công diệu huyền của Thiên Chúa đã thực hiện trên lời “Xin Vâng” khiêm tốn của một thôn nữ quê mùa: Đức Maria trinh khiết.

Vì thế, mừng lễ trọng Chúa Truyền Tin cho Đức Mẹ, tâm tình trước tiên phải có nơi mỗi người chúng ta là tuyên xưng đức tin của mình vào tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu đã đưa Thiên Chúa đến gần với trần thế. Sau khi đã xác tín nơi lòng Chúa yêu thương, chúng ta học lấy bài học “xin vâng” trong đức tin như Đức Mẹ.

1. TUYÊN XƯNG TÌNH YÊU THIÊN CHÚA TRONG LỄ TRUYỀN TIN.

Tuyên xưng tình yêu của Thiên Chúa là lý do lớn nhất để chúng ta mừng trọng thể lễ Truyền Tin hôm nay. Tình yêu ấy đã làm Chúa Cha tự hiến chính mình khi trao ban cho trần gian, không phải ai khác, không phải cái gì khác, mà chính là trao ban Người Con Một dấu ái của mình: Con Lòng mình. Chính tình yêu ấy đã làm cho Chúa Con tự hiến chính mình, vâng phục Chúa Cha, trở nên nguồn cứu độ đời đời cho trần thế.

Hơn 4.000 năm mỏi mòn trông chờ Đấng Cứu Thế của cả dòng lịch sử Cựu Ước, nay giờ cứu độ đã điểm, ơn cứu độ đã thành hiện thực, bởi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã làm người, sau lời “xin vâng” anh dũng và ngoạn mục của một thôn nữ nghèo, trinh trắng: Đức Maria.

Như vậy có ba yếu tố cần được nhấn mạnh trong khi cử hành ngày Thiên Chúa sai thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ. Ba yếu tố ấy là: Thiên Chúa là chủ đích, là tác giả của ơn cứu độ. Chúa Kitô vâng phục và thực hiện quyền năng cứu độ đúng như thánh ý Thiên Chúa muốn. Đức Maria đã cộng tác bằng sự đáp trả trong vai trò làm Mẹ của Con Thiên Chúa làm người. Từ nay, người thôn nữ nghèo ấy được cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa, nhưng giờ đây cũng trở thành con mình, lại cũng là chính Đấng cứu chuộc mình.

Cả ba yếu tố: Thiên Chúa – sáng kiến cứu độ; Chúa Con – thực hiện ơn cứu độ; Đức Trinh Nữ - cộng tác vào ơn cứu độ, không bao giờ loại trừ nhau, không bao giờ gây mâu thuẫn hay “dẫm chân” nhau. Bởi cả ba yếu tố nói trên liên hệ chặt chẽ và luôn bổ túc cho nhau. Thiên Chúa muốn cứu độ con người, Người cần một Trung Gian đến từ Thiên Chúa mang chính bản thể Thiên Chúa, nhưng cũng xuất phát từ nguồn gốc con người. Bởi nếu không có Trung Gian đến từ Thiên Chúa, không thể thực hiện ơn cứu độ, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng cứu độ. Nếu có Trung Gian đến từ Thiên Chúa, mà lại không là con người, sẽ không thể nào có ơn cứu độ thật, được áp dụng trên toàn thể loài người. Và để làm người, Trung Gian đến từ Thiên Chúa, nhất thiết phải sinh ra như mọi người nơi trần thế. Nhờ quyền năng lạ lùng của Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria đã trao cho Trung Gian ấy, chính là Chúa Giêsu Kitô, một thân xác để là người giống như chúng ta, để Chúa Kitô thực sự là người chứ không khác người. Bởi vậy, ba yếu tố: Thiên Chúa, Chúa Kitô, Đức Maria là ba yếu tố quang trọng buộc buộc chúng ta phải tin vững chắc khi nhắc lại mầu nhiệm nhập thể và cứu độ của Thiên Chúa được khởi đi từ biến cố truyền tin hôm nay.

2. HỌC LẤY BÀI HỌC “XIN VÂNG” TRONG ĐỨC TIN NHƯ ĐỨC MẸ.

Sau khi nghe Tổng lãnh Gabriel trình bày thánh ý Thiên Chúa muốn Đức Mẹ cộng tác vào việc cứu độ trần thế bằng cách mang lấy Con của Người trong lòng mình, Đức Mẹ đã khiêm tốn thưa với thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Lời thưa “xin vâng” ấy biểu lộ một lòng tin sâu xa nơi tâm hồn Đức Mẹ. Đức Mẹ đã dứt khoát tin vào tình yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho mình. Vì thế, cùng lúc với lời “xin vâng” trong đức tin, ngay lập tức, Đức Mẹ đã nhận lãnh bào thai Con Thiên Chúa nơi lòng dạ mình. Có Ngôi Hai Thiên Chúa ở cùng, cũng đồng nghĩa với việc Đức Mẹ lãnh nhận tình yêu Thiên Chúa vừa cho nhân loại, vừa cho chính mình.

Như xưa, nơi sa mạc hoang vắng, khi mà dân Chúa dựng nhà tạm để tôn thờ Chúa, Thiên Chúa đã phủ đầy tình yêu hiện diện của Người nơi nhà tạm, thì nay, khi đón nhận chính Thiên  Chúa là Tình Yêu ở với mình, Đức Mẹ diễm phúc nhận lãnh tình yêu Chúa bao phủ cả đời mình. Từ nay, tình yêu Chúa biến đổi Đức Mẹ. Tình yêu Chúa làm cho Mẹ trở thành người nữ vượt trên mọi người nữ, cao cả hơn mọi phàm nhân. Tình yêu Chúa khiến Đức Mẹ được tham dự vào ánh sáng sự sống vĩnh cửu của Chúa. Tình yêu Chúa đã cho Đức Mẹ góp phần không nhỏ vào việc cứu độ nhân loại.

Bài học xin vâng trong đức tin mà Đức Mẹ để lại cho chúng ta đã rõ. Đó là “xin vâng” để lãnh nhận Thiên Chúa tình yêu, để được tình yêu Chúa bao phủ đầy cuộc đời và tâm hồn mình. Hãy “xin vâng”. Hãy học lấy hành trình “xin vâng” cả một đời làm người như Đức Mẹ. “Xin vâng” không phải bằng lời. Nhưng bằng lời bật thốt từ tâm hồn hoàn toàn tùng phục thánh ý Thiên Chúa như Đức Mẹ.

Hành trình “xin vâng” của chúng ta là những nỗ lực, những dâng hiến, những phấn đầu từng ngày để nên hoàn thiện hơn. Hành trình “xin vâng” của chúng ta cần được thực hiện giữa mọi nỗi lo âu, long đong, mồ hôi, nước mắt của từng ngày sống. Hành trinh “xin vâng” đó là một hành trình, dẫu còn nhiều bộn bề gánh vác, vẫn không bao giờ bỏ việc cầu nguyện, không bao giờ bỏ hay thờ ơ với bổn phận tôn thờ Chúa, từ những bổn phận nhỏ đến những bổn phận lớn. Hành trình “xin vâng” ấy được thực hiện bằng những cố găng từ lời nói, hành vi đến suy nghĩ luôn mang lại bầu khí thuận thảo, hòa bình, bác ái….

Học lấy bài học “xin vâng” trong đức tin của Đức Mẹ suốt cả một đời trên từng ngày sống như thế, chắc chắn chúng ta sẽ ngày càng chiếm lĩnh tình yêu Chúa trọn vẹn hơn, mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn. Ước mong tình yêu Chúa phủ lấy chúng ta, ôm ấp chúng ta, nâng đỡ chúng ta như đám mây như đám mây hạnh phúc phủ nhà tạm, như hồng ân vô giá bao bọc cuộc đời Đức Mẹ. Xin cho tình yêu của Chúa là sức mạnh, là sự chở che cho mỗi người chúng ta khi phải ngụp lặn giữa cuộc đời đây bể dâu. Xin cho tình yêu Chúa bảo vệ chúng ta thoát khỏi mọi cạm bẫy của cám dỗ, của tội lỗi, của ma quỷ và sự xấu.

Lạy Chúa, Chúa không vì tội lỗi của chúng con mà hủy diệt chúng con. Nhưng nhờ tình yêu hải hà của Chúa, Chúa đã cứu độ chúng con. Xin cho chúng con hằng bắt chước Chúa Giêsu, Con Chúa, và noi theo gương Đức Mẹ mà vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, suốt cuộc đời chúng con, để chúng con trở thành hiến vật dâng lên Chúa đền bù những bất xứng của chính chúng con. Amen.