Nhục
thể, nhục dục là những hạn từ vốn đã bị gán ý nghĩa xấu. Khi nói về
các hướng chiều hạ đẳng người ta thường gọi là theo tính xác thịt.
Quan niệm nhị nguyên như đã chi phối cái nhìn của con người cách khó
sửa đổi. Bên cạnh đó, các trào lưu cách mạng “giải phóng tính dục”
cách lệch lạc hay thái quá đã khiến cho thân xác lại bị hạ giá cách
bất công.
Mừng Lễ Truyền Tin. Hai từ Truyền tin dễ làm người ta liên tưởng đến
vai trò chính đó là Đức Mẹ. Nhưng thực ra đây là ngày Lễ Mừng Mầu
Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa mà theo truyền thống là một
trong ba mầu nhiệm chính của Kitô giáo. Thiên Chúa thể hiện tình yêu
bằng việc mang lấy huyết nhục con người. Người đã chọn lấy thân xác
làm con đường để yêu thương nhân loại.
Với một thân xác, Thiên Chúa ở cùng chúng ta – Emmanuel – chung chia
mọi nỗi niềm của kiếp người, đặc biệt là kiếp nghèo hèn, mỏng manh,
kém phận. Qua một thân xác, Thiên Chúa nói lời hằng sống là lời chân
lý và là lời yêu thương, lời tha thứ. Qua một thân xác, Thiên Chúa
tiếp xúc với người bệnh tật, cùng khổ để nâng đỡ, chữa lành. Và qua
một thân xác Thiên Chúa đón nhận mọi hậu quả do tội lỗi của con
người đồng thời trao ban sự sống thần linh cũng như ân tình tha thứ,
giải hòa. Và để tiếp tục giáng phúc thi ân cho nhân loại đến tận
thế, Thiên Chúa làm người đã ở lại với con người bằng một thân xác –
Máu Thịt – cách huyền nhiệm gọi là Bí tích (Bí tích Thánh Thể).
Có thể nói không sợ sai lầm rằng một tình yêu đích thực thì luôn có
sự tham gia của nhục thể là thân xác. Một tình yêu đích thật là một
tình yêu có sự bồi hồi cả con tim, có sự hao mòn cả thân xác. Một
tình yêu đích thật là một tình yêu sục sôi cả huyết quản và nhiều
khi quặn đau cả ruột gan.
Một lôgich như tất yếu: Thiên Chúa đã đến với con người, yêu thương
con người qua một thân xác thì để đáp trả lại tình yêu ấy, để đón
nhận hồng ân tha thứ, con người cũng cần phải qua thân xác. Và Mẹ
Maria là người đã thực hiện điều này cách hoàn hảo qua tiếng xin
vâng (Lc 2,38). Mẹ đã hiến dâng thân xác mình để cho Tình Yêu hiện
diện và trổ sinh hoa trái.
Không ai chối cải cái thân xác con người rất nhiều khi mang “tính
xác thịt”, nghĩa là yếu đuối mỏng dòn, dễ nghiêng chiều các chước
cám dỗ, đến độ không chỉ là nguyên cớ mà có khi còn là yếu tố của sự
xấu hay sự tội. Thế thì làm sao sử dụng nó để yêu thương hay để làm
trổ sinh hoa trái thánh thiện?
Con chiên vô tì tích của Cựu Ước là hình ảnh của tấm xác thân tinh
tuyền không vướng tội nhơ của Đấng cứu độ. Đây chính là chìa khóa
giúp ta nhận ra khi nào thì xác thân ta đóng đúng vai trò của nó
trong tiến trình yêu thương, giải hòa, thi ân, giáng phúc. Đó là một
thân xác thanh sạch, không tì ố bởi vết tội. Làm thế nào để có được
một thân xác tinh tuyền khi phận người chúng ta vốn là kiếp “lực bất
tòng tâm” như thánh Phaolô đã từng thú nhận? (x.Rm 7,14-24) Cũng
chính thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định: “Anh em lại chẳng biết
rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?.. . Vậy anh em
hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,19-20). Chúa
Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Có thể nói Ngài là
Tình Yêu năng động, hướng tha. Khi xác thân ta chan chưa tình yêu vị
tha, thì nó đang thanh sạch. Đâu có tình yêu là ở đấy có Thiên Chúa
ngự. Ánh sáng vào thì bóng tối phải lùi xa.
Tôn trọng tấm thân xác mà chúng ta được ban tặng là một cách thế
mừng mầu nhiệm Chúa Nhập Thể. Gìn giữ thân xác thanh sạch bằng con
tim đầy tình vị tha cũng là mừng Chúa Nhập Thể. Và biết dùng thân
xác mình để yêu thương, phục vụ tha nhân chính là tôn vinh mầu nhiệm
Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể cách đẹp ý Chúa hơn cả vậy.