Lễ Truyền Tin


Thế giới vẫn cần những thái độ “xin vâng”
Giuse Trương Đình Hiền

            Dẫn nhập đầu lễ : Anh chị em thân mến,

            Chín tháng trước lễ Giáng Sinh, Hội Thánh mừng lễ Đức Maria tiếp nhận “sứ điệp Truyền Tin Nhập Thể”. Đây cũng cũng là lễ mừng việc “Đầu thai làm người của Thiên Chúa Ngôi Hai”.

            Xét trong viễn tượng lịch sử cứu rỗi, mầu nhiệm được cử hành hôm nay là một biến cố, một sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, vĩ đại và có một không hai trong lịch sử nhân loại và cũng là biến cố quyết định số phận và hạnh phúc vĩnh cửu của toàn thể loài người. Thật vậy, sau bao tháng năm dài chuẩn bị, tiên báo, ước giao và dọn đường, Thiên Chúa đã chính thức “sai Con Một đến trong trần gian”, nhập thể trong cung lòng một Trinh nữ.

            Trong viễn tượng phụng vụ, Thánh lễ Truyền Tin hôm nay mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm “Thiên Chúa làm người”, mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, và sống thái độ tuân phục và tiếp nhận Thiên Chúa của Đức Maria, Người Trinh nữ thay mặt loài người đáp lại dự định tình yêu của Thiên Chúa bằng hai tiếng “Xin Vâng” trọn hảo.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành thánh lễ.

            Giảng Lời Chúa :

            Thời Xuân Thu, Nước Ngô và nước Việt đánh nhau. Nước Việt thua. Ngô vương Phù Sai bắt Việt Vương Câu Tiển làm tù binh đêm về nước, ra lệnh cho Câu Tiển phải giữ mồ mã và nuôi ngựa. Để nuôi ý chí phục quốc, và để Ngô Phù Sai tin tưởng, Câu Tiễn nhẫn nhục, hạ mình đến độ có lần xin nếm phân của Phù Sai. Nhờ thái độ nhẫn nhục hạ mình đó, Câu Tiễn được Ngô Phù Sai tha về…10 năm sau, khi đã nỗ lực chuẩn bị, Câu Tiễn đêm quân đánh bại Ngô Phù Sai…

            Để đánh gục Ngô Phù Sai, để có được một chiến thắng, Việt Vương Câu Tiển đã chấp nhận “xuống thật thấp”, chấp nhận tự hạ từ thân phận đế vương xuống hàng tôi tớ nô lệ…Nhưng dù sao, đó chỉ là cuộc “tự hạ” mang tính giả dối, một thủ đoạn chính trị nhất thời để gọi là  “giả dại qua ải”. Trong khi đó, hôm nay, chúng ta cử hành một “cuộc Tự hạ” không phải của một con người, của một vị đế vương trần tục, mà là của Chính Con Thiên Chúa, của Đấng là Vua Cả trời đất ; đây là cuộc tự hạ của tình yêu, của chân lý cứu độ.

1. Cuộc “TỰ HẠ” của Ngôi Hai :

            Ngày hôm nay, chúng ta họp mừng mầu nhiệm “Tự Hạ” của Ngôi Hai Thiên Chúa. Thật vậy, để thực hiện chương trình cứu rỗi loài người, để đánh bại ma quỉ và phục hồi phẩm giá cho con người, Con Một Thiên Chúa đã vâng lệnh Chúa Cha “từ bỏ vinh quang Thiên Chúa, mang thân cát bụi phận người”, như lời tụng ca trong thư gởi giáo đoàn Philip 2, 6-8 : ”Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nen giống phàm nhân sống như người trần thế.Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết, chét trên cây thập tự” .

            Ý nghĩa cuối cùng của cuộc “Tự Hạ” của Con Một Thiên Chúa, đó chính là hành vi “Vâng phục trong tình yêu, là sự thực thi thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy rõ ý nghĩa nầy nơi Bài dọc 2 hôm nay, khi tác giả thư Do Thái đã dùng lời TV 40, 7-9 đặt trên miệng Đức Kitô khi Ngài “cất bước vào đời” : ”Vì vậy khi vào trân gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : lạy Thiên Chúa, nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con” (Dt 10, 5-7).

            Và nếu đặt cuộc tự hạ nầy trong viễn tượng tình yêu, thì chúng ta cũng có thể khẳng định rằng : Tự hạ đó cũng chính là qui luật tất yêu của một tình yêu đích thực, một tình yêu tự hiến. Vì như ca dao Việt Nam :

Yêu nhau trăm sự chẳng nề,

Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

            Quả thật Thiên Chúa yêu thương chúng ta, khi xuống với bản tính loài người chúng ta để nâng chúng ta lên địa vị làm con cái Thiên Chúa.

2. Cuộc “TỰ HẠ” của Ngôi Hai và sự cọng tác của loài người.

            Thiên Chúa dựng nên ta không cần có ta, không cần hỏi ý kiến của ta. Tuy nhiên Thiên Chúa không thể cứu chuộc ta nếu chúng ta không cọng tác với Ngài. Để mở đầu chương trình cứu rỗi được Thiên Chúa Ngôi Hai thực hiện, Chúa Cha đã sai thiên sứ Ga-bri-en đến để báo tin vả hỏi ý kiến của nhân loại thông qua người Trinh Nữ thành Na-da-rét, Đức Mẹ Maria. Chúng ta có thể lắng nghe Thánh Viện Phụ Bênađô chia sẻ với chúng ta về vai trò của Đức Maria trong biến cố cứu độ đặc biệt nầy :

“Lạy Đức Trinh Nữ, xin mau trả lời. Xin mau mau trả lời cho thần sứ, hay đúng hơn, trả lời cho Thiên Chúa qua thần sứ. Xin Mẹ đáp lời và đón nhận Ngôi Lời : xin nói lên lời của Mẹ và cưu mang Lời của Thiên Chúa. Xin nói lên lời chóng qua và ôm ấp Lời vĩnh cửu. Mẹ lưỡng lự làm gì, run sợ làm chi ? Mẹ cứ việc tin, cứ tuyên xưng và đón nhận. Mẹ khiêm tốn nhưng xin Mẹ cứ tin tưởng. Lúc nầy đơn sơ trong trắng mà quên lãng khôn ngoan thì chẳng xứng hợp chút nào. Lạy Đức Trinh Nữ khôn ngoan, trong sự việc có một không hai, xin Mẹ đừng sợ phải liều. Mẹ làm thinh vì e ngại, đó là điều đẹp lòng Chúa, nhưng bây giờ Mẹ nói ra vì hiếu thảo thì lại là điều cần thiết hơn. Lạy Đức Trinh Nữ diễm phúc, xin Mẹ mở tâm hồn để tin, mở miệng nói lên lời ưng thuận và mở lòng để đón Đấng đã tạo thành nên Mẹ. Nầy Đấng mọi dân tộc khao khát đang đứng bên ngoài và gõ cửa. Ôi, nếu như Mẹ chần chừ mà Người đi qua mất, thì Mẹ lại phải khổ công tìm kiếm Đấng lòng Mẹ mến yêu ! Xin Mẹ chỗi dậy, chạy ra với lòng mến và mở cửa bằng sự ưng thuận. Đây Mẹ đã nói : Vâng, nầy tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời thần sứ nói.”

Nhưng nào chỉ có Đức Maria, mỗi người chúng ta đều được gọi mời để cọng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua những chỉ dẫn của Tin Mừng, nào Giuse, nào Gioan Tẩy Giả, nào Phêrô, nào M.Mađalêna, nào Giakêu… tất cả đều dự phần trong công cuộc canh tác vườn nho của Thiên Chúa . Mỗi người chúng ta hôm nay cũng đều được Thiên Chúa viếng thăm và truyền tin từng ngày, từng biến cố của cuộc sống. Điều quan trọng là hãy có trái tim mở rộng của Đức Mẹ Maria, có cõi lòng vâng phục trong đức tin của người trinh nữ Na-da-rét để luôn biết “Xin Vâng” trước những lời mời gọi của Thiên Chúa.

Lễ Truyền Tin lại về trong bối cảnh phụng vụ Mùa Chay Thánh, phải chăng đó lại là một “cơ hội thuận tiện” để tất cả chúng ta hăng hái lên đường đáp trả lời mời gọi của Phúc Ấm : ăn năn sám hối, chay tịnh, sẻ chia. Sông mầu nhiệm “Truyền Tin” phải chăng đó là biết can đảm “thưa vâng” trước mọi đòi hỏi của Lời Chúa, của luật Chúa, “thưa vâng” trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, “thưa vâng” trước bệnh tật đói nghèo mà vẫn bình an thanh thản, “thưa vâng” trước những đòi hỏi phải hy sinh, chối từ để giữ tâm hồn trong sạch, lương tâm công chính, “thưa vâng” trước những bổn phận và trách nhiệm đòi hỏi phải đầu tắt mặt tối, tất bật vất vả với nước mắt mồ hôi, “thưa vâng” khi phải cúi xuống để rửa chân cho anh em, hay phải đứng lên để can đảm nói lời chân lý cho dù phải mất mát thiệt thòi hay ngục tù tử đạo. 

            Hôm nay, Đức Kitô vẫn còn nhập thể. Ngài nhập thể qua Hội Thánh, qua các Nhiệm tích, qua kinh nguyện, qua những anh chị em nghèo khổ, bị bỏ rơi… Chính vì thế, vẫn cần những thái độ “Xin Vâng” của Đức Maria, vẫn còn cần những trái tim ngoan ngùy để Thiên Chúa thực hiện quyền năng và ý định của Ngài. Vẫn còn cần những con người biết hiến dâng cuộc đời như của lễ toàn thiêu để tiếp tục lời xin vâng như Đức Kitô khi Ngài cất bước vào đời : “Nầy con xin đến để thực thi thánh ý Cha”.