Lễ Truyền Tin


 Lịch sử

Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng “Lễ Truyền Tin” để gọi lễ Ngôi Lời Nhập Thể, vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ: Lễ của Ngôi Lời làm “con Đức Trinh Nữ” và lễ Đức Trinh Nữ là “Mẹ Thiên Chúa”.

Về phía Đức Kitô, phụng vụ phong phú vô tận của cả Đông Phương lẫn Tây Phương đều ca tụng lễ trọng này như là lễ tưởng niệm tiếng FIAT có giá trị cứu rỗi của Ngôi Lời nhập Thể, đã vào trong trần gian với lời này: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành ý Chúa”; đồng thời cũng là để tưởng niệm bước đầu của công chuộc cứu chuộc và hiệp nhất mật thiết, bất khả phân ly giữa thiên tính và thiên tính trong ngôi vị độc nhất của Ngôi Lời.

Về phía Đức Maria, lễ này được coi là lễ của Eva mới, người trinh nữ vâng phục và trung tín, đã nhờ tiếng Fiat đại độ của mình và nhờ phép Chúa Thánh Thần, trở nên Mẹ Thiên Chúa và cũng là mẹ thật của loài người; đồng thời cũng là Hòm Bia Giao Ước đích thực và Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa vì đã tiếp đón Đấng Trung Gian độc nhất trong cung lòng mình. Vì vậy, đây là lễ tưởng niệm giây phút tột đỉnh trong cuộc đối thoại cứu rỗi Giữa Thiên Chúa và loài người; cũng là dịp kính nhớ sự ưng thuận tự do và sự hợp tác của Đức Maria đối với chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Chín tháng trước ngày lễ Sinh Nhật, Hội Thánh Mừng lễ Truyền Tin, ngày mà sứ thần đến với Đức Trinh Nữ Maria báo cho biết, Trinh Nữ đã được chọn để làm Mẹ Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa.

Đức Maria đại diện cho dân tộc mình, cũng như đại diện cho nhân loại, đã trả lời bằng tiếng “Thưa vâng”. Chức “Thiên Mẫu” là mầu nhiệm trọng tâm trong cuộc đời của Đức Maria: tất cả mọi mầu nhiệm và ân sủng khác đều bắt nguồn từ đấy và cũng hướng vào đấy.

Lễ “Công bố ngày sinh của Chúa” đã được mừng kính ở Giáo Hội Đông Phương từ khoảng năm 550 vào ngày 25.3. Giáo Hội Latinh mãi cho đến thế kỷ thứ VII mới chấp nhận thánh lễ này (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

Phân tích

Vai chính trong tường thuật này là Đức Maria, được Thánh Luca mô tả với những nét như sau:
  - một thiếu nữ bề ngoài bình thường như mọi thiếu nữ khác (câu 27)
  - nhưng đặc biệt hơn mọi thiếu nữ vì “đầy ơn sủng” và được “Đức Chúa ở cùng” (câu 28)
  - được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Messia Con Thiên Chúa (cc 30-33)
  - dù không hiểu rõ (câu 34), Maria cũng sẵn sàng cho Chúa dùng mình để làm công việc của Chúa (câu 38 : Fiat = “Xin Chúa cứ làm nơi tôi...”).

Suy gẫm

1. Đức Maria hỏi “Việc ấy xảy ra cách nào được, vì...”. Thiên sứ đáp “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (câu 37). Rất nhiều điều con người tưởng không thể nào làm được thế mà Thiên Chúa vẫn làm được: Ngài đã làm cho Êlisabét son sẻ được có con, đã làm cho Đức Maria đồng trinh sinh ra Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa cũng có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động trong chúng ta.

2. Mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng thường Thiên Chúa không làm một mình, Ngài thích có sự hợp tác của con người. Để cho Đấng Cứu Thế nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Maria hợp tác. Và Đức Maria đã hợp tác bằng cách ngoan ngoãn để cho ơn Chúa hành động trong mình và qua mình: “Xin cứ làm cho tôi...”.

3. Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp:
  - Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.
  - Nó vô dụng là vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp:
  Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không sử dụng đến
.

4. “Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: Mừng vui lên hỡi đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng Bà. Nghe lời chào ấy, Bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1,28-29)

Đứng trước một biến cố trọng đại, bất ngờ, Mẹ đã bối rối. Sự bối rối ấy không đến từ sự hoang mang nghi ngờ như trường hợp ông Dacaria, nhưng đến từ sự băn khoăn muốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa.

Phần tôi, đứng trước những khó khăn xảy đến trong cuộc sống thì hầu như chỉ biết than vãn, kêu trách Chúa mà không thử tìm xem Chúa muốn nói gì với tôi qua những biến cố ấy. Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi nhưng tôi đã không gặp được Ngài. Chúa đứng ngoài và gõ cửa nhà tôi nhưng tôi đã không nghe được tiếng Ngài. Lòng tôi vẫn khép kín.

Lạy Chúa. Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, và biết xin vâng như Mẹ. (Epphata)