Lễ Truyền Tin


ĐỨC MẸ TRUYỀN TIN
Bùi Tuần, Gm

Lễ Truyền tin sắp tới. Tôi thầm nghĩ: xưa biến cố truyền tin đã mang đến một tin quan trọng có liên quan đến chương trình cứu độ. Nay kỷ niệm biến cố đó sẽ không phải chỉ là nhắc lại chuyện xưa để mừng, mà còn là dịp tìm ra những dấu chỉ này nọ báo tin cho tình hình cứu độ hiện nay.

Để có một chút tư tưởng cơ bản về biến cố truyền tin, nhờ đó mà nhìn vào tình hình hôm nay, tôi đọc Phúc Âm. Tôi thấy đại khái mấy yếu tố này đã có mặt trong biến cố truyền tin.

Yếu tố thứ nhất là tình yêu Thiên Chúa.

Trong cuộc trao đổi với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả thực, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (ga 3,16-17).

Qua những lời mạc khải trên đây, chúng ta thấy đầu nguồn biến cố truyền tin là tình yêu Thiên Chúa. Đó là một chân lý tuyệt đối và nền tảng. Tất cả đều khởi đi từ chân lý đó.

Sự Ngôi Hai giáng trần, sự Ngôi Hai được sai đi, sự Ngôi Hai nhập thể, sự Ngôi Hai đi vào hành trình dài từ lòng Đức Maria đến Bêlem, Ai Cập, Nagiarét, đến Canvariô và lên trời, đều hoàn toàn phát xuất từ tình yêu thương xót Chúa. Một tình yêu thực sự là thương xót Chúa Giêsu quả quyết: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Không do yếu tố nào từ bên ngoài ép buộc Người. Tình yêu thương xót của Người là quà tặng nhưng không.

Thiên Chúa muốn chia sẻ chính sự sống của mình cho nhân loại. Người tặng sự sống đó cho nhân loại trong Con của người. Người tặng nhưng không. Chỉ cần người ta biết đón nhận. Đón nhận một cách tự do, tự nguyện.

Sự đón nhận tự do tự nguyện này có tên là tin.

Yếu tố thứ hai là tin vào tình yêu Chúa một cách rất khiêm nhường.

Lời sau cùng Mẹ Maria thưa ngày truyền tin rất vắn, nhưng gồm tóm một niềm tin sâu rộng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Đó là niềm tin đón nhận. Đón nhận tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại và cho bản thân Đức Mẹ. Đón nhận chính Thiên Chúa tình yêu. Đón nhận một sự sống là tình yêu, là ánh sáng. Đón nhận một thực tại vượt hẳn con người của mình. Đón nhận một sự tái sinh đổi mới con người, vừa êm dịu, vừa mạnh mẽ và quyết liệt. Nhất là đón nhận hoàn toàn thánh ý Chúa, lúc đó, sau này và mãi mãi. Cho dù mình chưa hiểu.

Tất cả mọi đón nhận này đều rất khiêm nhường, đưa Đức Mẹ xuống sâu tinh thần thờ phượng trước một Thiên Chúa vô cùng thánh. Sau này, Đức Mẹ đã nói lên cảm tình đó “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,49-50).

Yếu tố thứ ba là vâng theo tác động của Chúa Thánh Thần.

Trong ngày truyền tin, sứ thần Chúa nói với Đức Mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1,35). Với Thánh Thần, Đức Mẹ sẽ được chia sẻ sự sống Thiên Chúa. Thánh Thần ví như hơi thở của sự sống Thiên Chúa. Hít vào, thở ra một hơi thở từ Chúa ban, Mẹ sẽ dần dần được đổi mới, một cách thường xuyên và nhẹ nhàng. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Gío muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thánh Thần mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8).

Sự đổi mới của Thánh Thần đến từ đâu, đến với ai, đến cách nào, và đến lúc nào, là tuỳ ở sự tự do của Thánh Thần. Điều quan trọng không phải là ta muốn Thánh Thần đến theo ý ta, mà ta phải tỉnh thức và đón nhận tất cả những gì Thánh Thần làm, mặc dầu nhiều trường hợp gây nên những bất ngờ, hoàn toàn khác những gì ta nghĩ tưởng, chờ mong.

Trên đây chỉ là mấy yếu tố đơn sơ vắn tắt, để giúp chuẩn bị tâm hồn mừng lễ truyền tin.

Nếu dựa vào ba yếu tố nói trên, để nhìn xung quanh mình, tôi thấy có nhiều người tốt đang là những đốm sáng rải rác trong bóng tối. Bóng tối rộng và đầy, nhưng những đốm sáng vẫn là những hy vọng chỉ đường. Họ là những nhân chứng sống động của Chúa. Nhất là ở chỗ họ giống Chúa. Họ có tình thương dồi dào, biết cảm thương, dám tự hạ mặc lấy thân phận con người bé nhỏ, tự ý hội nhập vào đám đông bần cùng, vô danh. Mục đích để làm chứng đám đông đó được yêu thương, được trọng kính, được chia sẻ.

Phải nhận rằng những nhân chứng đó đang có sức thuyết phục. Bởi vì họ là những chứng nhân sống Tin Mừng truyền tin một cách chân thực. Và ơn Chúa cứu độ đang đổ xuống thế gian qua những chứng nhân như thế, cho dù họ thinh lặng.

Nhưng, được nghe những gì chính Đức Mẹ đã truyền tin cho nhân loại, khi hiện ra ở Fatima và ở nhiều nơi khác, tôi lo ngại nhiều cho hiện tình đạo đức của nhân loại nói chung, và của Hội Thánh của chúng ta nói riêng, trong đó có tôi.

Khi Đức Mẹ kêu gọi: Hãy sám hối, hãy hy sinh, hãy đền tạ, hãy cầu nguyện kinh Mân côi để tránh thảm hoạ, tôi hiểu tình hình là hết sức nghiêm trọng. Xem ra nơi chính chúng ta, chính đức tin cũng đang cần được cứu độ.

Lần này chính Đức Mẹ truyền tin. Chứ không phải Thiên Thần truyền tin.

Rất mong các con cái Mẹ khắp nơi hãy quan tâm đặc biệt đến biến cố truyền tin khác thường này. Không phải chỉ để cộng tác vào việc cứu nhân loại, mà nhất là còn để cộng tác vào sự cứu độ chính mình chúng ta.