Lễ Truyền Tin


Bà Elisabeth Có Vai Trò Gì Trong Biến Cố Truyền Tin?
An Thanh, DCCT

Biến cố truyền tin cho Đức Maria diễn ra nhẹ nhàng và nhanh chóng. Đức Maria chỉ có mỗi một thắc mắc (x. Lc 1, 34) và được giải đáp (x. Lc 1, 35-37), thế là Fiat: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin thực hiện cho tôi như lời Ngài vừa nói” (Lc 1, 58)

Maria hoàn toàn tin vào giá trị của lời giải thích: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35a), tức tin là Đấng Tối Cao của Abraham, của Môsê, của Đawit sẽ làm, chứ không phải Maria sẽ phải tự làm. Sự ưng thuận hôn nhiên và mau lẹ như con trẻ đáp lại lời cha mẹ, như một đối tác ứng thuận với một đối tác mà mình đã có kinh nghiệm người đó đáng tin tuyệt đối. Ngay lúc ưng thuận, chắc Maria không suy nghĩ gì khác hơn việc Chúa sẽ làm trên cuộc đời mình và đó là điều con cái Israel ước mơ. Nhưng có lẽ khi sứ thần đã giả biệt ra đi thì những tính toán, đắng đo mới ập tới. Việc vội vả lên đường đi thăm viếng bà Elisabeth, người chị họ đã già rồi mà lại đang mang thai, không đơn thuần là một cử chỉ yêu người hay hành động mang Chúa Yêsu đến cho người khác như các giờ lần chuỗi chúng ta vẫn suy gẫm. Nếu vì bác ai hay tình nghĩa ruột rà, chắc Maria đã lên đường sớm hơn, vì bà Elisabeth đã có thai sáu tháng, chuyện này có lẽ Maria và gia đình đã được dòng họ thông báo. Việc sứ thần nhắc bà Elisabeth có thai không phải là báo tin cho Maria biết, mà là nêu ra một bằng chứng rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì không thể làm được’ (Lc 1, 37). Còn việc mang Chúa Yêsu giới thiệu với người khác ở hoàn cảnh vừa Fiat thì hơi bị sớm, vì chính lúc đó, Maria cũng chưa thể hình dung chính xác Yêsu con lòng mình là anh và sẽ như thế nào cách cụ thể ngoài việc nghe sứ thần nói Ngài là Đấng Thánh, Con Đấng Tối Cao (x. Lc 1, 35)

Nhưng nếu nói Maria chạy trốn thì quá đáng và quá coi thường Mẹ của chúng ta. Đơn giản là Maria đến với bà Elisabeth, một người đã có kinh nghiệm về ơn Chúa và được thụ thai bởi lời Chúa phán truyền (x. Lc 1, 11-20), để được chia sẻ với người đồng cảnh ngộ và cùng với người chị vong niên tạ ơn Thiên Chúa cũng như học cách thức ứng xử với huyền nhiệm lớn lao này.

Điều rõ nhất làm cho chúng ta thấy như vậy là khi nghe những lời bộc bạch của bà Elisabeth, Maria đã cất tiếng hát khen Thiên Chúa (x. Lc 1, 46-55). Nếu như lời Fiat của Maria là một lời “chín mùi” cả tâm-ý-thân thì bài ca Magnificat đã được cất lên hợp tấu với sứ thần Gabriel ngợi khen Thiên Chúa rồi. Lời Fiat của Maria là lời một lần cho mãi mãi, và chính Thiên Chúa là tác nhân làm cho lời ấy tròn đầy lên mỗi ngày và hiện hữu qua muôn thế hệ.

Cách đây gần 20 năm, nghe một sư huynh người Pháp thuộc cộng đoàn Teizé chia sẻ - khi nghe bà Elisabeth nói bởi đâu tôi được thế này là Mẹ Chúa tôi đến với tôi (x. Lc 1, 43) là lần thứ hai Maria nghe tước vị Mẹ Thiên Chúa chỉ cho mình, lần đầu do sứ thần Gabriel truyền tin - tôi rất thích ý tưởng đó. Đọc kỷ lại cả đoạn, chúng ta lại thấy bà Elisabeth không nói một cách tùy hứng, ca tụng nhau chút xíu cho vui, mà trong quyền năng Chúa Thánh Thần, bà đã công bố như thế (x. Lc 1, 41-42). Đó là cách Thiên Chúa xác nhận những gì Thiên Chúa đã nói thì Người đã làm. Chắc chắn tin Maria mang thai Con Thiên Chúa, không ai trong loài người biết để báo trước cho bà Elisabeth. Điều này cho thấy chính Thiên Chúa đã dùng bà Elisabeth, một người đang có kinh nghiệm được Chúa viếng thăm, xác nhận kế hoạch của Thiên Chúa đang xảy ra như những gì Maria đã nghe và đã ưng thuận.

Phúc cho Maria tin, nhưng gì Thiên Chúa đã nói đang được thực hiện nơi Maria! (x. Lc 1, 45)