ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM, VÌ ĐƯỢC
CHÚA Ở CÙNG
Khi ta nhìn Đức Ma-ri-a trong mầu
nhiệm Con Thiên Chúa làm người, thì Đức Ma-ri-a là Mẹ của Thiên Chúa
(Hội Thánh kính ngày 1.1)
Khi ta nhìn Đức Ma-ri-a trong mầu
nhiệm Hội Thánh, thì Đức Ma-ri-a là đấng Vô Nhiễm, vì là Hiền Thê
của Tân Lang Giêsu mà Hội Thánh kính hôm nay.
Chính Đức Giê-su đã gọi Mẹ mình bằng
danh hiệu Bà lúc khởi đầu và lúc kết thúc cuộc đời công khai của
Ngài.
-
Khởi đầu cuộc đời công khai của Đức
Giê-su, Ngài
“thai nghén” Hội Thánh qua tiệc cưới Cana là dấu chỉ. Nơi đây Đức
Giê-su nói với Mẹ: “Này Bà, giữa tôi và Bà nào có việc gì”
(Ga 2,4a). Đức Giê-su gọi Mẹ mình là Bà,Ngài có ý xác nhận Đức
Ma-ri-a là Eva mới, sẽ làm ứng nghiệm lời hứa tiền Tin Mừng Thiên
Chúa cứu độ loài người: “Người phụ nữ sẽ đạp nát đầu rắn”
(St 3,15 – Theo bản dịch Phổ Thông). Bà Eva mới này mới làm ứng
nghiệm lời ông Adam nói với vợ: “Bà là mẹ các sinh linh”
(St 3,20), nghĩa là mẹ của những người được Thiên Chúa cứu độ.
-
Kết thúc đời công khai của Đức Giê-su,
khi Ngài bị treo trên thập giá là thời điểm Ngài sinh ra Hội Thánh,
là con của Bà Maria, Eva mới, như Lời Đức Giê-su nói về sự liên hệ
giữa môn đệ của Ngài với Đức Ma-ri-a: “Hỡi Bà, này là con Bà”,
đoạn Ngài nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”, và từ giờ đó môn đệ đã
lĩnh lấy bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).
Như thế hai lần Đức Giê-su gọi Mẹ bằng
danh hiệu Bà mở đầu và kết thúc cuộc đời công khai của Ngài, là Ngài
có ý nhấn mạnh: Từ khởi sự cho đến hoàn tất, những công việc tôi đều
có sự tham dự tích cực của bà Maria. Vì thế, thánh Phao-lô nói: “Cũng
chỉ vì một người mà sự tội đã đột nhập vào thế gian, và vì tội, thì
sự chết nữa và như vậy sự chết đã lan qua hết mọi người, một khi mọi
người đều đã phạm tội… Ấy thế, mà sự chết đã ngự trị từ Adam cho đến
ông Mô-sê, trên những kẻ không phạm tội (vì lúc đó chưa có Luật)
bằng cách vi phạm giống như Adam phản ảnh của Đấng sẽ đến. Nhưng
không phải sa ngã sao ơn huệ cũng vậy. Vì nếu bởi sự sa ngã của một
người, nhiều người đã chết, thì còn dãy tràn hơn biết bao trên nhiều
người, ơn của Thiên Chúa, lộc trong ơn của một người, Đức Giê-su
Ki-tô”(Rm 5,12.14-15).
Bởi đó, Đức Ma-ri-a là tiền thân của
các Ki-tô hữu, vì qua Bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu cũng là một
trinh nữ thanh khiết, như Maria, Mẹ của mình, được đính hôn với Tân
Lang Giêsu, (x 2Cr 11,2). Chính vì vậy mà Hội Thánh tuyên xưng Đức
Ma-ri-a là một Trinh Nữ Vô Nhiễm Chúa chọn từ muôn thuở, để cùng với
Adam cuối cùng (x 1Cr 15,45b) sinh ra dòng giống nhân loại mới là
Hội Thánh. Do đó giáo huấn của Công Đồng Vat.II, trong Hiến Chế Hội
Thánh số 56: “Vì Eva không vâng Lời Chúa, nên đã sinh ra nhân
loại phải chết ; nhưng nhờ Đức Ma-ri-a, Eva mới cùng với Adam cuối
cùng, sinh ra dòng giống nhân loại mới được sống muôn đời hạnh phúc
dồi dào”, và như thế Đức Ma-ri-a đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ
Isaia nói về thời đại Thiên Chúa ra tay cứu độ: “Dòng giống
chúng sẽ được biết đến trong các nước, và miêu duệ chúng lừng danh
giữa muôn dân ; ai thấy chúng đều nhận biết đích thị là dòng giống
được Thiên Chúa chúc lành” (Is 61,9: Bài đọc). Bởi đó, khi Đức
Ma-ri-a vừa nghe bà Elyzabeth người chị họ chúc tụng: “Trong nữ
giới có người là diễm phúc ! Vì đáng chúc tụng thay quả lòng Bà! Và
bởi đâu tôi được thế này là Mẹ Chúa đến với tôi” (Lc 1,42-43).
Vừa nghe lời chúc tụng ấy, Đức Ma-ri-a cất tiếng ca ngợi Chúa: “Tâm
hồn con nhảy mừng trong Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,47: Đáp
ca). Tâm tình ca tụng Chúa của Đức Ma-ri-a đã nối dài lời chúc tụng
của bà Anna, dù hiếm hoi mà được Chúa cho sinh con trong tuổi già: “Tâm
hồn con hỷ hoan vì Chúa, nhờ Chúa con ngẩng đầu hiên ngang, con mở
miệng nhạo báng quân thù. Vâng con vui sướng vì được Ngài cứu độ”
(1Sm 2,1). Và như thế, lời tạ ơn trên của Đức Ma-ri-a lại làm ứng
nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói về thời Thiên Chúa ra tay cứu loài
người khỏi án tử vì tội: “Tâm hồn con vui sướng trong Chúa, mạng
con nhảy mừng trong Thiên Chúa con thờ, vì Người đã mặc cho con áo
cứu độ. Chiến bào công chính, Người phủ lên con, như tân lang chỉnh
tề đai mão và tân nương điểm trang phục sức” (Is 61,10: Bài
đọc). Và như thế Đức Ma-ri-a đã xác nhận mình là Tân Nương đã được
Chúa điểm trang phục sức đứng kề bên Adam cuối cùng chỉnh tề đai
mão, vì Ngài là Vua.
Ơn huệ quý báu Chúa ban cho Đức
Ma-ri-a chỉ có thể tồn tại nhờ Mẹ đến Nhà Chúa gặp thấy Con đang
giảng dạy giáo lý. Quả thật, mầu nhiệm này Đức Giê-su hữu ý bắt cha
mẹ Ngài phải đến Nhà Thờ, mới được bình an. Đó là lý do Ngài trốn
cha mẹ ở lại Nhà Thờ, để từ đó Con Thiên Chúa đồng hành với cha mẹ
trở về quê Nazareth (x Lc 2, 41-51: Tin Mừng). Sau này từ Nazareth
Đức Giê-su bắt đầu đời sống công khai, đem Tin Mừng cứu độ cho muôn
dân (x Lc 4,14t).
Vậy ta hãy bắt chước “Đức Trinh Nữ
Ma-ri-a ghi nhớ Lời Chúa và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19: Tung
Hô Tin Mừng), để qua Phụng Vụ Thánh Lễ Trái Tim Vô Nhiễm của Đức
Ma-ri-a, Hội Thánh muốn nhắc nhở con cái mình: Người Công Giáo đã
được trở nên con cái Mẹ, thì phải nên giống Mẹ năng đến Nhà Thờ gặp
Chúa, vì mỗi khi phạm tội là ta lạc mất Chúa, hãy trở lại Đền Thờ để
tham dự Thánh Lễ, nhờ Chúa ta được thanh tẩy, và cho ta tham dự vào
ơn Vô Nhiễm của Mẹ. Như lời thánh Gioan nói: “Mầm giống của Đức
Ki-tô lưu lại trong kẻ ấy, và kẻ ấy không thể phạm tội, bởi chưng đã
được sinh bởi Thiên Chúa” (1Ga 3,9). Đó là hiệu quả chính của
Bí tích Thánh Thể mà sách Giáo Lý Roma đã xác quyết:
¨
Việc rước lễ
giúp ta xa lánh tội lỗi, khi chúng ta rước Mình Chúa Ki-tô “đã phó
nộp vì ta” và Máu “đã đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì thế Bí
tích Thánh Thể không thể kết hợp chúng ta với Chúa Ki-tô, nếu Chúa
Ki-tô không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa
lánh tội lỗi (số 1393).
¨ Nhờ
tình yêu mà Bí tích Thánh Thể khơi dậy trong tâm hồn, chúng ta được
gìn giữ khỏi phạm tội trọng, càng tham dự vào sự sống Chúa Ki-tô,
chúng ta càng sống mật thiết với Người ; nhờ đó giảm bớt nguy cơ
phạm tội trọng lìa xa Chúa (số 1395).
¨ Nhờ
tham dự Thánh Thể, ta được gắn bó với Chúa Giê-su Phục Sinh chặt chẽ
hơn, vì Ngài đã tha các tội nhẹ của ta, và bảo vệ ta khỏi phạm tội
trọng (số 1416).
THUỘC LÒNG
Tôi đã đính hôn
anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho
Người như một trinh nữ thanh khiết
(2Cr 11,2).
|