Vào tháng 11 năm 1848, các cuộc cách mạng bạo động
sôi sục diễn ra trên khắp Âu Châu cuối cùng đã lan tràn tới Rome. Những
người quá khích đã ám sát thống đốc tiểu bang và bao vây Toà Thánh. Ðức
Thánh Cha Piô 9 phải thoát đi lánh nạn ở Ghêta, thuộc vương quốc Naples.
Ba tháng sau đó, ngay trong khi còn đang phải đi tị nạn, Ðức Piô 9 đã
gửi cho tất cả các Giám Mục trên khắp thế giới một bức thư tựa đề Ubi
Primum. Điều đáng ngạc nhiên là Đức Piô đã không dùng lá thư để nói đến
việc ngài đi tị nạn hoặc những khủng hoảng chính trị và xã hội đang đe
dọa Giáo Hội, nhưng là để mời tất cả các Giám Mục cùng cầu nguyện và góp
ý với ngài trong việc công bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Chọn thời điểm này để công bố một tín điều quan trọng, Đức Piô 9 đã
chứng tỏ rằng Giáo Hội không hề bị lay chuyển bởi những xáo trộn chính
trị và những khủng hoảng xã hội.
Nhờ lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt, ngài đã đem Giáo Hội đi từ
những lo âu đến vui mừng.
Đức Thánh Cha Piô 9 viết: "Đức Maria đã luôn luôn che chở các tín hữu
khỏi những hoạn nạn lớn lao nhất, khỏi những cạm bẫy và tấn công của kẻ
thù, đã cứu vớt họ khỏi mọi đổ vỡ.
Và tương tự như vậy, trong tình hình hiện tại, Đức Mẹ mong muốn ngăn cản
và xoá tan mọi bão tố hiểm nguy của ác thần đang chống phá Giáo Hội."
Trải qua nhiều thế hệ, qua nhiều bàn luận có khi rất gay go sôi nổi
trong Giáo Hội, niềm tin nơi sự vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ vào thời
gian đó đã trở nên hiển nhiên. Chẳng hạn, trước đó ngay tại Mỹ vào năm
1846, các Đức Giám Mục đã nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm là bổn mạng của quốc gia
Hoa Kỳ. Vì thế đối với Đức Piô 9, trên phương diện đức tin, thời điểm để
công bố tín điều quan trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã chín mùi.
Trong khi đó tại Âu Châu, các cuộc cách mạng ý thức hệ, các ảnh hưởng
gia tăng của chủ thuyết vô thần, sự tôn thờ khoa học và vật chất đã liên
tục gây ra những khủng hoảng lớn liên tiếp xảy ra từ Paris qua
Frankfurt, Vienna, Budapest và Rome. Do đó tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm đã
chẳng được chú ý đến. Tuy nhiên, Đức Piô vững lòng tin nơi một sức mạnh
âm thầm nhưng rất mạnh mẽ đang che chở Giáo Hội, dựa vào một sự kiện mà
ngài đã biết, là vào năm 1830, một nữ tu trẻ ở Paris đã được diện kiến
Đức Maria.
Đức Trinh Nữ hiện ra đầu mang vương miện và mặc áo trắng tuyền, đứng
trên quả địa cầu, chân đạp trên đầu con rắn. Một vòng sáng hình bầu dục
bao quanh Trinh Nữ, trên đó có hàng chữ "Lạy Mẹ Maria tinh tuyền lúc thụ
thai, cầu cho chúng con là những người chạy đến xin Mẹ che chở."
Nữ tu, mà sau này trở thành thánh nữ Catherine Labouré, đã nghe trong
lòng một lời chỉ bảo hãy làm mẫu ảnh dựa trên những gì đã được diện
kiến.
Đức Piô rất tôn kính mẫu ảnh này và lòng tôn kính đó đã thúc đẩy ngài
khi thảo bức thư cho các giám mục như đã nêu trên. Mẫu ảnh đó đúng là
một hào quang huy hoàng nổi bật giữa những tăm tối đang đe dọa Giáo Hội.
Đức Maria đã tỏ mình ra ứng nghiệm với tất cả những điều đã được viết về
Mẹ trong Kinh Thánh: một Evà mới trong sách Sáng Thế Ký và một Hoàng Hậu
trong sách Khải Huyền, nghĩa là từ đầu cho đến cuối của toàn bộ Kinh
Thánh.
Đức thánh cha Piô 9 trở lại Rome vào năm 1850 với lòng cảm tạ Đức Mẹ đã
che chở Giáo Hội trong những sóng gió vừa qua. Ngài bắt tay ngay vào
việc soạn thảo tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, sau khi được các Đức
Giám Mục nồng nhiệt phúc đáp thư của ngài. Đã có tổng cộng 603 giám mục
ưng thuận và chỉ có 4 vị không đồng ý.
Bốn năm sau đó, vào ngày 8 tháng 12, 1854 cùng với sự hiện diện của các
giám mục trên thế giới, Đức Thánh Cha Piô 9 đã chính thức công bố niềm
tin của Giáo Hội nơi việc Thiên Chúa đã tạo sinh Đức Mẹ tinh tuyền, vô
nhiễm nguyên tội.
Ngày nay giữa một thế giới khủng hoảng lan tràn vì sa đoạ và chiến tranh
hận thù, tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là niềm hy vọng của nhân
loại.
Đức cha Fulton Sheen nói: "Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được công
bố vào thời điểm mà thế giới văn minh đang mù quáng chạy theo những thần
tượng đối nghịch. Karl Marx cho ra đời chủ thuyết cộng sản vô thần và
đấu tranh giai cấp; Darwin phổ biến thuyết tiến hóa, theo đó con người
bắt nguồn từ loài vật, và John Stuart Mill chủ trương một quan niệm cực
đoan về quyền lợi cá nhân. Những chủ thuyết này có cùng một ước vọng
muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi niềm tin của nhân loại, cho rằng con
người không cần đến Thiên Chúa. Họ phủ nhận tội tổ tông và cho rằng con
người tự mình có khả năng trở nên toàn thiện.
Đức cha Fulton Sheen kết luận rằng: "Nói cách khác, con người tự vỗ ngực
cho rằng họ tất cả đều vô nhiễm nguyên tội". Trong những ngày đi tị nạn,
Ðức Piô đã thấy trước chiều hướng nguy hiểm này. Do đó khi soạn thảo tín
điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngài muốn soạn một hiến chương mới cho
thế giới, để kháng cự lại những tà thần của thời đại.
Tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội luôn nhắc nhở chúng ta về sự nguy
hiểm của ma quỉ và tội lỗi, đồng thời cũng cho ta một hy vọng, một lời
hứa là chúng ta được che chở và bảo vệ.
Tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã khởi sự một thế kỷ mới trong việc
kính mến và tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria, mà cao điểm là việc công bố tín
điều Ðức Mẹ Hồn Xác lên Trời vào năm 1950. Hai tín điều thật quan trọng:
tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội khởi đầu và tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên
Trời kết thúc cuộc đời Ðức Mẹ ở trần gian. Qua hai tín điều này Giáo Hội
nhắn nhủ chúng ta nhìn vào gương của Ðức Mẹ để nhận ra ý nghĩa và cùng
đích của cuộc đời. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta được cứu khỏi
tội lỗi, được thánh hóa, được ban cho khả năng biết yêu mến và được hứa
cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.
Sau cùng, chính Ðức Mẹ là người đã xác tín với chúng ta về tín điều Vô
Nhiễm Nguyên Tội. Ðầu năm 1858, tức là chỉ 4 năm sau khi tín điều được
công bố, Bernadette một cô gái quê mùa và thất học tại Lộ Ðức, một làng
nhỏ nơi miền núi Pyréné bên Pháp đã được diện kiến Ðức Mẹ. Khi được
Bernadette hỏi tên, Ðức Mẹ mỉm cười trả lời: "Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên
Tội.” |