Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm 08-12


Giới thiệu Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Washington DC, một linh địa
Trần Mạnh Trác

Trong một lần đi thăm miền Bắc Mỹ, tôi nghe nhiều bàn tán về một ngôi đền tôn kính Đức Mẹ Lavang vừa mới khánh thành ngay trong lòng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở giữa thủ đô Hoa Kỳ. (Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception, 400 Michigan Ave NE, Washington DC)

Dù không dự tính đi thăm DC, nhưng một phần vì tò mò, một phần vì hãnh diện dân tộc, nên tôi thu xếp vào cuối ngày, đi ngược giòng xe tìm tới địa chỉ nói trên.


Vương Cung Thánh Đường nằm trong khuôn viên Đại học công giáo, giữa hai trường “The Catholic University Of America" và "Trinity College", trong một quang cảnh tĩnh mịch giúp cho những người muốn tránh cái ồn ào chen lấn tìm được một nơi thoát tục.

Đây là ngôi Vương Cung Thánh Đường xếp hạng thứ 8 lớn nhất thế giới, do người công giáo Hoa Kỳ xây dựng 40 năm từ năm 1920 cho đến năm 1959. Ngôi thánh đường được xây để kỷ niệm hai sự kiện, một là tôn vinh tín điều mới nhất của người Công Giáo tóm lược như sau "Đức Nữ Đồng Trinh Maria, vì được tiền định sẽ là mẹ Đấng Cứu Thế, cho nên Đức Chúa Trời đã đặc ân cho Đức Mẹ không hề bị vướng mắc vào tội tổ tông, truyền lại từ đời Adong và Eva (Vô Nhiễm Nguyên Tội)" (tín điều công bố năm 1854); hai là tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm đã được Hoa Kỳ nhận làm "Thánh Quan Thày" (Patroness of the United States, 1847).

Thánh đường có hai tầng, tầng dưới gọi là Crypt, tầng trên là Upper Church. Chung quanh tường của cả hai tầng có nhiều ngôi đền nhỏ để tôn kính những tước hiệu Đức Mẹ mà các sắc dân khi di cư tới Hoa Kỳ đã du nhập với những ảnh tượng quen thuộc từ quê nhà. Có một danh hiệu đến từ VN, đó là Đức Mẹ Lavang (our Lady Of Lavang).



Đền Đức Mẹ Lavang nằm cạnh Cung Thánh ở hành lang bên phải của tầng Crypt. Từ Visitor Center đi vào, đi dọc theo dãy hành lang dài để tiến tới bàn thờ chính thì lúc nào cũng nhìn thấy ngôi đền sáng láng ở trước mặt. Ngôi đền xây bằng đá cẩm thạch từ VN mang qua, phía bên trái là bức tranh 118 thánh tử đạo VN, và bên phải là bức tranh kể lại sự tích Lavang, trên trần có 24 vị sao, dưới sàn là hình trống đồng Phú Duy. Không hiểu có phải vì tự ái dân tộc hay vì đền Lavang mới được xây cho nên có kỹ thuật hiện đại hơn, tôi cho rằng ngôi đền của người Việt chúng ta là lộng lẫy trang nghiêm nhất.

Sau khi thăm viếng Mẹ Lavang xong, tôi lang thang đi vào lòng thánh đường mênh mông thì chợt thấy ở giữa có một bức tượng cẩm thạch đứng trên bệ cao lung linh trong ánh nến. Tôi đoán là tượng Đức Mẹ nhưng nhìn váo dáng bộ của bức tượng thì không được quen lắm. Nghĩa là theo con mắt thông thường của tôi, tôi luôn hình dung Đức Mẹ lúc nào cũng nghiêm trang như tượng Đức Mẹ Lộ Đức, nhân hậu như ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, oai phong như tượng Đức Mẹ Ban Ơn, hoặc có buồn thảm như tượng Mẹ Sầu Bi của Michelangelo thì cũng luôn luôn xinh đẹp mỹ miều. Các nghệ sĩ công giáo từ trước đến nay quan niệm rằng, vì Đức Mẹ đã hiển vinh cả hồn lẫn xác, thì cái trong trắng muôn thuở của Đức Mẹ phải được hình dung bằng một vẻ đẹp không tì vết. Đó là điều tôi có thể chấp nhận được ít ra là về phương diện tình cảm, cũng giống như khi tôi chọn những di ảnh của cha mẹ để tôn kính trên bàn thờ tổ tiên, tôi đã chọn những bức ảnh trẻ đẹp nhất.

Nhưng ở đây, bức tượng không thể nói là đẹp, nó diễn tả một phụ nữ trung niên, tóc đã xù, lưng đã khom, đôi tay buông thòng, đôi mắt tuy mở to nhưng đó là đôi mắt xưng và ráo hoảnh, đôi mày chóp mũi đôi má và đôi môi xưng lên như đang thổn thức. Nói chung đây là bức tượng diễn tả một phụ nữ đau buồn. Tôi tự nghĩ phải chăng anh chàng nghệ sĩ thuộc phái hiện thực nào đây đã xử dụng những kiểu mẫu Hollywood để khai thác cảm xúc bồng bột của khán giả chăng? (1)


Chủ đề của bức tượng được khắc trên bệ đá cũng không giúp tôi hiểu thêm gì hơn:"Maria, Mẹ Loài Người" (Mary, Mother of Mankind). Sao lại như thế nhỉ? thường thì người ta vẫn cho rằng bà Eva mới là tổ mẫu của bàn dân thiên hạ, còn Đức Maria, vì là mẹ Đấng Cứu Thế cho nên người ta thường gọi là "mẹ của các linh hồn", nghĩa là vì Mẹ là ngọn nguồn của ơn cứu rỗi cho nên hễ ai được tái sinh trong ơn thánh tẩy thì tức là cũng tái sinh làm con Mẹ. Vậy mang danh hiệu của bà Eva là bà mẹ thân xác mà gán cho Đức Mẹ thì chắc là không chỉnh.

Sống trong một gia đình Công Giáo sùng đạo cho nên tôi vẫn có thói quen là hễ đi qua ảnh tượng của Đức Mẹ thì thế nào cũng phải nhẩm đọc một kinh "Kính Mừng" để chào Mẹ. Trời đã về chiều, thánh đường vắng vẻ, chỉ còn mình tôi và bức tượng, tôi chậm rãi tiến tới đối diện. Tượng ở trên cao nhưng hình như đang khom lưng bước xuống để ôm lấy tôi ở dưới thấp. Trên giá sách của bàn quì nhỏ phía trước, tôi phát hiện nhiều hàng chữ dẫn giải được khắc ghi trên một bảng đá: Đây là tượng diễn tả Mẹ Maria trong giây phút nhận Gioan làm con. Khi Chúa Giêsu chịu nạn khổ hình trên núi Calvario, trước giờ sinh thì, người nhìn xuống và thấy người môn đệ yêu quí đang đứng gần mẹ của mình thì trăn trối với người môn đệ rằng "Hỡi con, này là mẹ con" và nói với mẹ mình rằng "Hỡi bà, đây là con bà". Từ đó Maria về ở với người môn đệ…

Gioan là người môn đệ duy nhất đã dám ở bên cạnh thầy của mình trong giờ tử nạn cho nên các nhà thần học đều dẫn giải là Gioan đại diện cho nhân loại đứng dưới chân thập giá mà nhận lấy ơn cứu chuộc. Khi nhận Gioan làm dưỡng tử, Đức Maria thực đã nhận loài người thay thế vào chỗ của Chúa Giêsu, để mà tiếp tục lo lắng, nâng đỡ, ủi an.

Tôi bỗng chợt hiểu giống như một đứa trẻ kia đã từng xấu hổ khi thấy mẹ mình có một bàn tay co rút đen đủi sần sùi không giống như mẹ những đứa khác, nhưng khi nó biết rằng chính bàn tay đó đã che chở nó khỏi bị phỏng nước sôi lúc còn bé thì nó bỗng thấy sao bàn tay của mẹ nó mỹ miều quá, những hột sần có khác chi là những hạt chân châu, và những vết xẹo nào có khác chi là vết giòng sữa ngọt. Đó là bàn tay có ý nghĩa nhất trần gian.

Tôi nhìn lên bức tượng với một tâm tư khác hẳn. Tôi bỗng cảm thấy như có một sự liên lạc mầu nhiệm nào đó nối kết cái hồn nhỏ bé và tội lỗi của tôi với cái giây phút đau khổ linh thiêng của Đức Mẹ từ 2000 năm trước, khi mà Mẹ Maria, dù đã phải sống trọn cuộc hành trình đau khổ với con mình, vẫn quay lại giang đôi tay đón nhận đứa con mới. Hình như Mẹ đã nói với cái hồn bé nhỏ của tôi rằng: " Hỡi con, dù mẹ đã kiệt sức rồi, nhưng con cứ đến cùng mẹ, mẹ sẽ bế con lên".



Cảm xúc đó làm cho tôi nín thở và tim tôi hầu như bỏ lỡ một nhịp.

Trên ngưỡng cửa nhập cư của nước Mỹ dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do người ta có khắc những giòng chữ: "Hãy cho ta những người mỏi mệt, những người nghèo khổ, những kẻ không nhà", thì nay tại lòng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, người ta lập lại tinh thần đó trong kinh cầu Đức Maria Mẹ Loài Người: "Con xin dâng lên Mẹ những bé chưa sinh, những người nghèo khó, người đau khổ, người bệnh tật, người già yếu cũng như người đang hấp hối.

Xin mẹ cải hóa kẻ có tội, chữa lành những nỗi đớn đau và đem niềm tin và ủi an cho những người tuyệt vọng.

Xin Mẹ soi sáng cho những ai còn ngờ vực được thấy ánh sáng soi đường của Đức Kitô con Mẹ. Amen."(2)

Washington DC, 12-17-06

(1) In 1937, sculptor Henry Donohue was commissioned to fashion the statue Mary, Mother of Mankind. A gift of Judge and Mrs. Philip Brennan, the statue was unveiled and dedicated May 8, 1938.

(2) Prayer to Mary, Mother of Mankind:

Mother, I commend and entrust to you all that goes to make up earthly progress, asking that it should not be one-sided, but that it should create conditions for the full spiritual advancement of individuals, families, communities and nations.

I commend to you the unborn, the poor, the suffering, the sick and the handicapped, the aging and the dying.

I ask you to reconcile those in sin, to heal those in pain, and to uplift those who have lost their hope and joy.

Show to those who struggle in doubt the light of Christ your Son. Amen.