Nữ Vương vũ trụ
Đức Thánh Trinh Nữ uy linh Maria đã được tôn nhận thiên chức làm Mẹ một bậc Đế Vương tối cao chí thánh. Căn cứ theo đó, Giáo hội tung hô và kêu gọi toàn thể các giáo hữu tung hô Mẹ bằng tước hiệu vinh hiển Nữ Vương, quả đã làm một việc thật thuận lý thích tình.
Thánh Athanasiô viết: “Người Con sinh ra đã có thiên tính là một vị Đế Vương, thì tất Mẹ Đồng Trinh sinh ra Người Con ấy cũng thật trăm phần trăm là Thái Hậu, là Nữ Vương; và phải được tuyên tụng như thế mới là chính đáng”. Thánh Bênađinô Siêna chú thích: ngay từ giây phút ưng thuận làm Mẹ Ngôi Lời vĩnh cửu, Mẹ Maria đã được tôn phong làm Nữ Vương thế giới và toàn thể vạn vật. Lời thánh nhân viết là: “Ngay trong lúc tỏ ý tán thành vinh dự đó, Đức Nữ Trinh đã được tôn phong làm Nữ Vương toàn cầu, làm Mẫu Nghi thiên hạ, và lĩnh nhận vương quyền hiển trị toàn thể vạn vật”. Căn cứ vào tính duy nhất của thân xác Chúa Giêsu và Đức Mẹ, cha Anonđô1 lý luận như sau: “Thân xác Chúa Giêsu và thân xác Mẹ Maria chỉ là một thân xác duy nhất, thì có lẽ nào Mẹ lại không cùng Con tham dự việc thống trị muôn loài? Nói là tham dự cũng chưa đủ; phải nói: vương quyền vinh quang của Con cũng như của Mẹ chỉ cùng là một vương quyền vinh quang duy nhất mà thôi”.
Chúa Giêsu đã là Vua vũ trụ, thì Mẹ Maria cũng phải là Nữ Vương vũ trụ. Cha Rupertô góp ý: “Đã được tuyển nhiệm làm Nữ Vương, Mẹ Maria cũng được quyền đồng trị cùng Con trong toàn thể đế quốc của Con Mẹ”. Theo cùng ý kiến đó, thánh Bênađinô Siêna quả quyết: “Có bao nhiêu thụ tạo tôn thờ Thiên Chúa, cũng có bấy nhiêu thụ tạo phụng sự Mẹ Maria. Thiên thần, loài người, và tất cả vạn vật trên trời cũng như dưới đất, tắt rằng, toàn thể các thụ tạo đã tùng phục Thiên Chúa, thì toàn thể các thụ tạo cũng phải tùng phục Mẹ Đồng Trinh vinh hiển”. Cha Guêricô cũng chủ trương cùng luận điệu ấy mà ca tụng Mẹ rằng: “Ôi Maria, Mẹ cứ tiếp tục, cứ tiếp tục kiên quyết thi hành vương quyền của Mẹ đi. Mẹ đừng ngần ngại gì cả, cứ cư xử đường hoàng như một Nữ Vương, tùy sở thích mà định đoạt về những công đức Con Mẹ đã sắm được. Mẹ là Mẹ, là Bạn đường của Vua vũ trụ, Mẹ có quyền được thống trị, có quyền tối cao trên toàn thể vạn vật kia mà”!
Nữ Vương tình thương
Nương theo những luận chứng trên, ta quả quyết Mẹ Maria thật là Nữ Vương. Một yếu tố quan thiết đem về cho tất cả chúng ta một an ủi tràn đầy là: Mẹ là một Nữ Vương hoàn toàn nhân từ, hoàn toàn khoan dung, hoàn toàn chủ tâm làm ơn lành cho bọn người cơ khổ chúng ta. Do đó, trong kinh Salve Regina, Giáo hội đã kêu gọi chúng ta kính chào và tuyên dương Maria là Nữ Vương thương xót.
Thánh Anbêtô Cả nhận xét: danh từ nữ vương (regina) vừa có nghĩa là thương cảm, vừa có nghĩa là săn sóc đến lớp người khổ thống trên đời, khác với danh từ nữ hoàng (imperatrix) có nghĩa là nghiêm nghị, khắc nghiệt. Triết gia Sênêca viết: “Vẻ huy hoàng của các bậc hoàng đế, các vị nữ vương hệ tại cứu trợ những người đau khổ”. Các bạo vương thường lạm dụng quyền hành để mưu tư lợi, nhưng các vị hoàng đế lại phải hay chú tâm đến công ích của thần dân. Vì lý do đó, trong lễ nghi phong vương, người ta đổ trên đầu vị hoàng đế được tôn phong một thứ dầu, tượng trưng tình thương, để nhắc nhở cho nhà vua rằng: trên ngai vàng, ngài phải có một tâm hồn đầy trắc ẩn và khoan dung đối với thần dân hơn mọi yếu tố khác. Theo đó thì nhiệm vụ chính yếu của các bậc đế vương là phải ân cần phát huy tình thương, nhưng với một luật trừ là, trong trường hợp cần thiết, vẫn phải dùng đến công lý để xét xử những kẻ phạm pháp. Luật trừ này không áp dụng cho Mẹ Maria. Là Nữ Vương, nhưng Mẹ không nắm trong tay cái phủ việt công lý để trừng trị kẻ phạm tội, mà chỉ nắm giữ một quyền năng sử dụng tình thương, chỉ có mỗi một trách vụ là thi ân bá chính và ân xá mà thôi. Đó là tư tưởng của Giáo hội khi dạy chúng ta tung hô Mẹ Maria là Trinh Vương Thương Xót.
Đọc những lời sau đây của thánh vương Đavít: Tôi từng nghe hai điều: quyền năng là của Thiên Chúa, còn Chúa, lạy Chúa, Chúa chỉ có tình thương (Tv 61,12), cha Gioan Gerson, chưởng ấn thời danh của trường Đại học Paris, giải thích rằng: “Thiên Chúa thống trị bằng quyền năng và tình thương. Chúa nắm giữ toàn quyền sử dụng quyền năng, nhưng việc thi hành tình thương thì lại đã trao toàn quyền sang tay Mẹ Maria là Nữ Vương, là Mẹ Chúa Kitô”. Theo cha thì quyền tối cao được thi hành bằng công lý và tình thương này, Chúa đã quân phân làm hai lãnh vực: công lý thì dành cho mình, còn tình thương thì nhường cho Mẹ Maria sử dụng; vì sở định của Chúa là tất cả tình thương xử với loài người đều do tay Maria định đoạt, và ban ra tùy sở ý. Trong bài tựa cuốn Thánh Thư các Tông Đồ, đức hồng y Tôma xác nhận đặc ân này của Đức Mẹ như sau: “Khi Mẹ phôi dựng Con Thiên Chúa trong lòng, và sau đó sinh hạ Con Thiên Chúa ra trên trần gian, Mẹ đã hưởng thụ một nửa nước Thiên Chúa: Mẹ được tôn lên làm Nữ Vương tình thương, y như Chúa Kitô là Vua công lý”.
Tuyển nhiệm Chúa Giêsu Kitô làm vua công lý, Cha hằng hữu đã lập Ngài làm thẩm phán đoán xét cả thế gian, như có lời tiên tri ca tụng: Lạy Chúa, xin hãy trao quyền thẩm phán cho Hoàng đế, xin ban phép công cho Thái tử (Tv 71,2). Nhưng một nhà chú giải thời danh đã lặp lại rằng: “Vâng, lạy Chúa, Chúa ủy nhiệm Con Chúa thi hành công lý, vì quyền sử dụng tình thương, Chúa đã ủy thác vào tay Thái hậu cả rồi”. Thánh Bonaventura cũng rất có lý khi thay đổi ý nghĩa câu trên của nhà Thánh vịnh là: “Lạy Chúa, xin trao quyền thẩm phán cho Hoàng đế, còn tình thương, xin trao vào tay Nữ Vương, Thái hậu của Ngài”. Đức cha Ernestô, tổng giám mục Praga, cũng diễn tả cùng tư tưởng đó. Đức cha viết: “Cha hằng hữu đã trao toàn quyền thẩm phán cho Con Cha, còn nhiệm vụ phát huy tình thương thì trao toàn quyền cho Mẹ Maria”. Nhiệm vụ của Chúa Giêsu, như vậy, là thẩm phán và trừng phạt; và nhiệm vụ của Mẹ Maria chỉ là thương cảm và ủy lạo mà thôi. Chính vì thế, chính vì mục đích tuyển nhiệm Mẹ Maria làm Nữ Vương tình thương mà, theo lời tiên tri Đavit, có thể nói, Chúa đã xức dầu phong vương cho Maria, tràn đổ trên Mẹ thứ dầu hoan hỉ (Tv 44,8). Thật hoan hỉ biết bao cho lũ con cháu Ađam nghèo khổ chúng ta, khi tưởng đến trên trời chúng ta có một vị Nữ Vương cao cả hằng trào đổ xuống trên chúng ta “một thứ dầu trắc ẩn và lân tuất dư đầy”, như lời thánh Bonaventura đã nói.
Một hình ảnh cũ
Ở đây, câu truyện Hoàng hậu Ette (Esther) rất hợp với đề tài chúng ta đang theo dõi. Thánh Anbêtô Cả đã áp dụng truyện đó vào Nữ Vương Maria chúng ta, mà Hoàng hậu Ette trước kia chỉ là một hình ảnh.
Truyện kể trong chương thứ bốn sách Ette. Dưới triều đại Hoàng đế Assuêrô, một sắc lệnh được ban bố truyền tru diệt toàn thể người Do thái lưu đầy trong nước Ba tư. Ông Macđôkêo, một người Do thái nạn nhân của sắc lệnh trên và là cữu phụ của Hoàng hậu Ette, tìm cách nhờ Hoàng hậu cứu sống toàn dân, xin Hoàng hậu can thiệp với Hoàng đế trừu sắc lệnh kia lại. Thoạt đầu Ette từ chối vì sợ làm xung nộ oai rồng. Nhưng ông Macđôkêo đàn hặc và cho người đến nói với Hoàng hậu rằng: Cháu đừng nghĩ cháu được tuyển vào cung để cứu sống một mình cháu, mà để toàn thể đồng bào bị hại (Et 4, 13-14). Ông lại thêm rằng: Chúa đặt cháu lên làm Hoàng hậu chỉ có mục đích để cháu cứu nguy cho dân tộc lúc này mà thôi. Cũng thế, nếu có khi nào Nữ Vương Maria ngần ngại cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta, thì bọn tội lỗi khốn nạn chúng ta, bọn tội lỗi đã bị án phạt chúng ta, cứ nói với Mẹ rằng: Lạy Nữ Vương chúng con, Mẹ ngự trong cung khuyết Vua Trời, vì Chúa đã tuyển nhiệm Mẹ là Mẫu Nghi thiên hạ. Mẹ đừng nghĩ được thế là để Mẹ mưu phúc lấy một mình, còn để loài người chúng con phải tiêu diệt cả. Có phải Chúa nâng Mẹ lên chức cao quyền cả để làm lợi cho mình Mẹ thôi đâu: tuyển nhiệm Mẹ làm Nữ Vương cao trọng, mục đích của Chúa chính là cốt để Mẹ cảm thương nỗi thống khổ chúng con mà cứu vớt nữa đấy.
Khi thấy Hoàng hậu Ette đến trước ngai vàng, Hoàng đế Assuêrô đã âu yếm hỏi xem Hoàng hậu đến có việc gì: Ái khanh muốn xin gì? Hoàng hậu tâu lên: Tâu Bệ hạ, nếu thần thiếp có ngon mắt cửu trùng, thì thần thiếp xin Bệ hạ tha chết cho dân tộc thần thiếp (Et 7,2). Và lời Hoàng hậu xin đã được chuẩn nhận: một sắc lệnh của Hoàng đế tức thời được ban bố để trừu sắc lệnh tru diệt trước kia lại.
Đó, nếu Hoàng đế Assuêrô còn biết cứu sống dân Do thái vì sủng ái hoàng hậu Ette, thì sao Thiên Chúa yêu dấu Mẹ Maria vô cùng, lại không ưng nghe lời Mẹ, khi Mẹ đến cầu xin cho những tội nhân thảm thương cậy nhờ đến Mẹ? Mẹ sẽ thưa lên: Lạy Chúa là Vua con, nếu con được ơn nghĩa trước mặt Chúa... Nhưng, Mẹ không cần phải đặt điều kiện nào nữa. Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ biết Mẹ là người có phúc, là người được ơn nghĩa Chúa, là người độc nhất trong nhân loại có thể tìm lại được ân sủng họ đã bỏ mất; Mẹ biết Mẹ được Chúa yêu đương, được quí trọng hơn hết các thần thánh hợp một. Nên Mẹ lại tiếp lời: Chúa đã thương yêu con, thì xin Chúa ân xá cho thần dân của con, xin Chúa tha thứ cho những tội nhân mà con đang thành khẩn xin Chúa cho họ đây. Chúa sẽ không thẩm nhận lời Mẹ chăng? Nhưng còn ai không biết lời Mẹ cầu xin đó có giá trị trước nhan Chúa thế nào? Miệng lưỡi Mẹ chính là khoản luật khoan dung kia mà (Cn 31,26). Mỗi lời Mẹ cầu xin có mãnh lực như một khoản luật, vì Chúa đã dụng tâm sẽ đem tình thương xử với hết mọi người được Mẹ cầu xin cho. Thánh Bênađô nêu một câu hỏi: “Tại sao Giáo hội lại gọi Maria là Mẹ tình thương?” Rồi ngài trả lời: “Tại vì cốt để cam đoan với ta rằng Mẹ sẽ khai thác vực sâu khôn dò tình Chúa thương, rồi ban xuống cho người nào Mẹ muốn, khi nào Mẹ muốn, và cách nào Mẹ muốn, sao cho không một tội nhân nào, dầu là thân tàn ma dại đến đâu đi nữa, có thể bị trầm vong, một khi đã được Mẹ chí thánh nhận trách nhiệm phù trì cho”.
Nữ Vương Nhân Ái
Nhưng có lẽ chúng ta còn e ngại Mẹ Maria sẽ không đoái hoài độ trì cho một tội nhân nào đó, vì thấy tội lỗi họ quá trầm trọng chăng? Hoặc có thể chúng ta còn run sợ vì vẻ oai phong và thánh thiện của Đức Nữ Vương cao cả này chăng? Không, đừng sợ gì, Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô VII khuyến khích, đừng sợ gì cả. “Vẻ uy nghi và thánh thiện của Mẹ Maria đã làm cho Mẹ trở nên khoan dung hơn, dịu dàng hơn đối với tội nhân có thiện chí qui hồi” đến nương nhờ Mẹ. Các bậc đế vương, các vị nữ hoàng, khi xuất hiện rực rỡ oai phong, thường làm cho thần dân run sợ kinh hoàng không dám đến trước tôn nhan. Nhưng, thánh Bênađô nhận xét, “có niềm kính úy nào cầm chân được loài người đang lâm trạng huống thảm thương và bạc nhược xa Mẹ Maria” là Nữ Vương thương xót đâu? Chúng ta cứ mở rộng tầm mắt nhìn lên: “trong Mẹ không có gì nghiêm khắc, không có chút gì hãi hùng; Mẹ chỉ là êm dịu”, là đáng yêu đáng mến mà thôi. Hơn thế, Mẹ còn ban cho chúng ta, còn “trao tặng hết thảy mọi người chúng ta sữa ngọt và len ấm”: sữa ngọt của tình thương làm phấn khởi lòng chúng ta tin tưởng; và len ấm, tức là sự dịu dàng bênh đỡ ta, che khuất ta khỏi những nghiêm thẳng của oai Trời.
Sử gia Suêtôn kể rằng hoàng đế Titô không biết từ khước ai đến xin ngài ân huệ nào. Từ tâm ngài đại lượng đến nỗi có lần ngài đã hứa cho cả những điều ngài không thể giữ lời được. Có người nhắc ngài điều đó thì ngài trả lời: một vị đế vương khi đã cho thần dân đến tâu bẩm mình, thì không thể để họ mang bộ mặt bất mãn mà trở về được. Hoàng đế Titô nói thế, nhưng trong thực tế, hẳn có nhiều lần ngài đã sai lời, hoặc không thể giữ được lời ngài hứa. Đức Nữ Vương chúng ta thì không thể sai lời hứa được. Tất cả những gì Mẹ muốn, Mẹ đều có thể chu tất đối với những người nhiệt tâm đến xin cùng Mẹ. Ngoài ra, Mẹ lại nuôi một tấm lòng quảng phát, một tấm lòng rất dễ thương cảm, không bao giờ biết khước từ một ai đến cầu xin Mẹ. Cha Lansperge viết: “Maria là người Mẹ rất mực từ ái, không thể chịu để cho một ai đến cầu xin Mẹ phải ra về buồn tủi”.
Chúng ta hãy lắng nghe thánh Bênađô thưa lên với Mẹ: “Ôi Maria, Mẹ là Nữ Vương tình thương, thì có thể nào Mẹ từ khước cấp cứu những người khổ thống được? Đối tượng của tình thương chính là những người xấu số. Mẹ là Trinh Vương thương xót, mà con đây là tội nhân bi thảm nhất, thì tất nhiên con phải là đối tượng đầu tiên, đối tượng lớn nhất của tình Mẹ thương”, cho nên con có quyền được Mẹ thương đến nhất, có quyền được Mẹ săn sóc ân cần đến nhất.- Vậy, “lạy Trinh Vương thương xót, xin hãy hiển trị trên chúng con”, hãy đoái thương đến chúng con, nhận lấy nhiệm vụ lo cho chúng con được sống đời đời.
Lạy Mẹ Đồng Trinh chí thánh, Mẹ đừng bảo chúng con nhiều tội lỗi quá, dường như tội lỗi chúng con là một chướng ngại ngăn cản không để Mẹ đến độ trì chúng con được. Chúng con nhớ lời giáo chủ Giêogiô Nicômêđia2 rằng: “Mẹ dự trù những lực lượng vô địch; lòng Mẹ khoan nhân vượt cao trên tội lỗi chồng chất của chúng con. Không gì cự lại được với quyền năng của Mẹ. Chính Đấng Tạo Thành của Mẹ, cũng là của chúng con, đã tôn nhiệm Mẹ làm Mẹ Người, đã coi vinh quang của Mẹ là của Người, đã đem cả niềm vui con thảo đặt nơi vinh quang của Mẹ, và coi như đã xong một món nợ trả về Mẹ, khi nghe lời Mẹ cầu xin”. Lý đâu dám nói là trả nợ? Quả thật, Mẹ Maria mắc nợ Con Mẹ vô cùng, vì đã chọn Mẹ làm Mẹ. Nhưng cũng không thể chối cãi được Con quả đã mắc nợ Mẹ rất lớn, vì Mẹ đã tặng Con một hữu thể nhân loại. Thế nên, để trả về cho Mẹ Maria món nợ ấy, Chúa đã hoan hỉ kính tôn và cao vinh Mẹ; Chúa đã luôn luôn ưng nhận hết mọi lời Mẹ xin để đặc biệt kính tôn Mẹ.
Vương miện huy hoàng
Do những lẽ vừa trình bày trên, chúng ta phải thiết tha trông cậy Nữ Vương chúng ta chừng nào; vì một đàng, chúng ta đã công nhận Mẹ rất có thế lực nơi Thiên Chúa; một đàng, chúng ta lại biết Mẹ có một trái tim đầy tình thương, tràn đầy chan chứa, trần gian không một ai không được hưởng dự những hiệu quả lòng Mẹ nhân từ cứu trợ mọi người! Thánh nữ Brigita được Mẹ đích thân mặc khải cho điều đó: “Mẹ là Nữ Vương nước Trời và là Mẹ tình thương. Mẹ là hân hoan của những người lành thánh và là cửa mở sẵn cho các tội nhân đến cùng Chúa. Ở trần gian không có một tội nhân nào đã bị nguyền rủa quá đến không nghiệm cảm thấy tình Mẹ thương họ được, bao lâu họ còn sống ở đời này; ít là - nếu thiếu một trợ lực khác – họ lại không cảm thấy rằng họ sẽ còn bị ma quỉ cám dỗ nhiều hơn, nếu không được Mẹ bênh vực”. Mẹ lại thêm: “Không ai, nếu chưa bị nguyền rủa hẳn – nghĩa là đã bị trầm đọa hỏa ngục - lại bị bỏ rơi vơ vất, không thể trở về cùng Chúa, không thể được Chúa thương tình, nếu họ kêu xin Mẹ cấp cứu”. Mẹ còn nói thêm: “Mẹ thương xót, đó là tước hiệu mọi người tặng cho Mẹ; mà thật, tình Chúa xót thương loài người đã tác tạo Mẹ nên một người chỉ biết yêu thương”. Rồi Mẹ kết luận: A! Vô phúc cho ai khi có thể mà lại không chịu đến nương nhờ Mẹ! Phải, thật vô phúc đời đời cho ai ở trần gian có thể kêu xin Mẹ là Mẹ đầy nhân từ thương xót, rất ước ao cứu vớt tội nhân, mà lại hững hờ cậy trông Mẹ. Không cậy trông Mẹ, nên họ mới bị trầm luân thảm hại!”
Thế nên, nào! chúng ta hãy cùng nhau chạy lại dưới chân Nữ Vương nhân từ của chúng ta. Hãy trung thành cầu xin Mẹ, nếu chúng ta muốn vĩnh phúc của chúng ta được bảo đảm. Nếu vì tội lỗi quá trầm trọng mà khiếp đảm và thất vọng, thì chúng ta hãy nhớ lại mục đích Chúa tuyển nhiệm Maria làm Nữ Vương thương xót: mục đích ấy là để Mẹ hộ phù giải cứu những tội nhân trọng phạm nhất, thất vọng nhất, vừa khi họ đến cầu xin Mẹ. Họ lại chẳng là vinh quang của Mẹ ở trên trời mai sau đó ư? Bạn thánh của Mẹ đã từng gọi: Hãy bỏ đồi Liban xuống đây, hỡi Bạn yêu của ta, hãy bỏ đồi Liban xuống đây. Bạn sẽ nhận được sào huyệt của sư tử và hang núi của hổ báo làm triều thiên vinh hiển (Dc 4,8). Những sào huyệt của dã thú, của muông rừng đó là gì, nếu không phải là những linh hồn tội lỗi, đã trở thành hang hốc của tội lệ, thành những quái vật ghê gớm trên đời? Cha Rupertô kêu lên khi chú giải câu văn Thánh Kinh đó: “Đúng rồi, kìa, ôi Maria, kìa những sư tử mà sào huyệt của chúng sẽ là vương miện huy hoàng của Mẹ: vương miện của Mẹ, ấy là vĩnh phúc của chúng vậy”. Lạy Nữ Vương vinh hiển của chúng con, những người tội lỗi cùng cực đó, chỉ có Mẹ can thiệp mới cứu thoát được. Trên thiên đàng, họ sẽ làm nên triều thiên của Mẹ là rất phải; và chính thứ vương miện đó mới thích hợp với một Nữ Vương thương xót như Mẹ.
Câu truyện sau đây chứng minh cho sự thật trên.
Cái chết không ai thương
Trong hạnh tích nữ tu Catarina Âutinh có kể truyện này.
Trong miền nữ tu ở, có một phụ nữ tên là Maria, từ thiếu thời đã sống một cuộc đời rất mực buông tuồng. Đến già cũng vẫn còn mê man với những trác táng của mình. Người miền ấy chán ngấy vì những phóng đãng của nàng, họp nhau trục xuất nàng ra khỏi thành phố, cho ở một cái hang miền ngoại ô. Ở đây nàng mắc một chứng bệnh ghê gớm: từng mảng thân thể rơi rụng dần. Sau ít lâu, nàng chết không được chịu các phép sau hết, không một ai đoái hoài. Xác nàng được người ta chôn táng ngoài đồng như xác một con vật hèn hạ, không một lễ nghi tôn giáo. Nữ tu Catarina vẫn quen có lệ cầu nguyện rất nhiều cho các linh hồn vào đời sau; nhưng khi nghe tin Maria chết già trong đau khổ như vậy, nữ tu không hề nghĩ đến cầu nguyện cho nàng. Như mọi người, nữ tu cũng chắc rằng Maria đã phải trầm đọa rồi.
Bốn năm trôi qua, một hôm có linh hồn ở luyện ngục hiện về với nữ tu, nói:
- Bà Catarina ơi, tôi khổ quá! Ai chết cũng được bà cầu nguyện cho, có mỗi mình tôi đáng thương nhất, bà lại không thèm đoái đến chút nào! Nữ tu hỏi:
- Hồn là ai?
- Tôi là Maria, tội lỗi đáng thương, đã chết ở ngoài hang đá đây.
Nữ tu Catarina ngạc nhiên kêu lên:
- Sao? Chị cũng được cứu thoát ư?
- Vâng, nhờ tình thương của Mẹ Maria, tôi đã được cứu rỗi.
- Mẹ Maria cứu chị như thế nào?
- Trong giây phút cuối cùng đời tôi, thấy mọi người bỏ rơi và lại đầy tội lỗi ghê gớm, tôi ngước lên Mẹ Thiên Chúa. Tự đáy lòng, tôi kêu xin: Ôi Mẹ, Mẹ là nương ẩn của mọi người bị trơ trọi, Mẹ xem, người ta bỏ con hết cả rồi, chỉ còn có Mẹ là hi vọng độc nhất của con đó thôi. Chỉ một mình Mẹ có thể cứu giúp con, xin Mẹ thương con với! Mẹ Maria đã xin cho tôi được thống hối, và tôi đã được chết trong ân sủng. Đức Mẹ lại xin cho tôi được một ơn khác nữa, là những đau đớn thống thiết tôi chịu ở đời đã rút ngắn thời gian ở luyện ngục của tôi, thời gian đáng lẽ còn phải kéo dài rất nhiều năm nữa. Hiện nay, tôi chỉ cần một ít thánh lễ cầu cho là được giải thoát luyện ngục. Tôi xin bà xin lễ cầu nguyện cho tôi. Phần tôi, đối lại, tôi hứa sẽ luôn luôn cầu xin Chúa và Mẹ Maria cho bà.
Nữ tu Catarina liền cấp tốc xin lễ cầu cho Maria. Ít ngày sau, nàng hiện đến với nữ tu, sáng láng như mặt trời, và nói:
- Bà Catarina ơi, xin cảm ơn bà, tôi lên trời ca tụng tình thương của Chúa và cầu nguyện cho bà đây.
Đây con thuộc về Mẹ
Ôi Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương con, một người nghèo khổ mang đầy vết thương đến kêu xin một bà hoàng hậu thế nào, thì con cũng đến khẩn nài Mẹ là Nữ Vương trời đất như vậy. Từ ngai vàng tôn nghiêm của Mẹ, xin Mẹ đoái thương ghé mắt nhìn đến con là kẻ tội lỗi ngặt nghèo. Chúa ban cho Mẹ được đầy ơn phúc là cốt để Mẹ cứu trợ cảnh huống cơ cực của chúng con. Chúa đặt Mẹ làm Nữ Vương tình thương là cốt để Mẹ ủi an những người xấu số. Xin Mẹ hãy cảm thương đoái nhìn con. Hãy nhìn thương con và đừng để con ra đi trước khi làm cho con là một kẻ tội lỗi được trở nên thánh thiện.
Con tin thật con chẳng đáng được gì, hay đúng hơn, chỉ vì bất trung bội bạc mà con bị Chúa lấy lại những ơn đã ban cho con qua tay Mẹ mà thôi. Nhưng Mẹ là Nữ Vương thương xót, Mẹ chẳng căn cứ vào công nghiệp, mà chỉ căn cứ vào những khốn nạn của loài người để thương giúp: Mẹ hằng muốn cứu cấp những ai quẫn bách vì thiếu nhu cầu. Ôi! Còn có ai nghèo nàn cùng cực hơn con nữa?
Lạy Mẹ Trinh Vương cao cả! Con tin thật con là thần dân của Mẹ, vì Mẹ là Nữ Vương vũ trụ. Nhưng con lại muốn dâng mình làm tôi Mẹ một cách đặc biệt hơn nữa, để Mẹ định đoạt về con tùy sở ý của Mẹ. Con xin thưa Mẹ cùng với thánh Bonaventura rằng: “Lạy Nữ Vương, con xin hàng phục uy quyền Mẹ. Ước chi trong mọi sự, con đều được Mẹ hướng dẫn và thống trị. Xin Mẹ đừng để con đòi lại một cái gì con đã hiến dâng Mẹ”. Xin Mẹ cứ sai khiến con, cứ thu dùng con theo ý Mẹ. Mẹ cũng đừng ngần ngại sửa trị con nếu con khó dạy: những trừng phạt do tay Mẹ sửa trị sẽ sinh ra cho con biết bao nhiêu lợi ích!
Lạy Mẹ, được làm tôi Mẹ, con sung sướng hơn được bá chủ thế giới. Đây con thuộc về Mẹ, xin giải cứu con (Tv 118,94). Xin nhận con làm con Mẹ. Con đã là con Mẹ thì Mẹ sẽ tìm phương liệu kế giải cứu con. Con không muốn làm chủ con nữa: con xin hiến dâng trót mình con cho Mẹ. Thật, con đã quá hững hờ trong việc phụng sự Mẹ, con đã bỏ hoài phí bao cơ hội tôn vinh Mẹ! Nhưng từ giờ đây, con muốn thi đua với các tôi tớ yêu đương và trung thành nhất của Mẹ. Không, từ giờ đây, con không chịu để cho ai thắng được con trong nhiệt tâm kính tôn yêu mến Mẹ nữa, lạy Nữ Vương đáng mến của con. Con xin hứa như vậy, và nhờ ơn Mẹ giúp, con hi vọng sẽ giữ trọn được lời nguyền. Amen. |