Chương III : TÍN THÁC THẬT VÀ TÍN THÁC GIẢ

§I. - Tín thác giẢ, dỰa vào bẢn thân mình. Tín thác đích thỰc và tinh ròng, hoàn toàn dỰa vào nhỮng sỰ tỐt lành cỦa Chúa.

- NhỮng thỬ thách là lò luyỆn và thanh tẨy niỀm tín thác.

-  Áp dỤng vào nhỮng khó khăn vẬt chẤt.

-  Vào nhỮng khó khăn thiêng liêng.

Tín thác giả, dựa vào bản thân mình.
Tín thác đích thực và tinh ròng, hoàn toàn dựa vào những sự tốt lành của Thiên Chúa
.– Chính Chúa Giêsu đã nói : trong cánh đồng của chủ nhà, kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào giữa những hạt giống tốt. Đáng buồn thay ! Chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm về chuyện này. Giữa những bó lúa của lòng mến tinh ròng và tín thác đích thực, ma qủi và bản tính xấu xa của ta đã chỉ gặt hái được cỏ lùng của tính tự ái và của sự tin tưởng nơi mình.

Chúng ta đã thấy hai nhân đức cậy và mến, tín thác và yêu mến, kết hiệp mật thiết với nhau và cùng nhau phát triển. Hai kẻ thù của hai nhân đức này cũng kết hiệp với nhau : cỏ lùng phá hoại lòng mến yêu tinh ròng là tính tự ái, và cỏ dại phá hoại niềm tín thác tinh ròng, tức tin tưởng và tín thác nơi Thiên Chúa, là sự dại dột tin cậy vào bản thân mình.

Để thấy rõ niềm tín thác đích thực và tinh ròng là gì, chúng ta phải phân biệt nó với sự giả tạo của nó là sự tín thác giả. Mến yêu Chúa và tín thác nơi Ngài là hai qúi kim : đó là thứ vàng ròng ít khi gặp đựơc ở tình trạng tinh ròng. Làm thế nào để phân biệt đức mến tinh ròng với môt lòng mến yêu pha phôi, và làm sao phân biệt niềm tín thác đích thực và tinh ròng với niềm tín thác pha phôi giả dối, tức niềm tín thác xấu ? Các qúi kim được thanh tẩy trong lò lửa : chính đó là nơi chúng trút bỏ được những kim loại xấu đã được trộn vào chúng.

Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Lò đúc của những thử thách và những gian truân sẽ phân tách tình yêu Thiên Chúa ra khỏi lòng yêu bản thân mình, và tách rời niềm tín thác nơi Chúa ra khỏi sự cậy trông vào mình. Bấy giờ mới thấy rõ những yếu tố của hợp kim này.

Một sự kiện tâm lý mà chúng ta có kinh nghiệm thường ngày là : trong khi đau yếu, gặp đau khổ, bị chống đối, bị cám dỗ, rồi những khô khan, những lỗi lầm, chúng ta cảm thấy niềm tín thác yếu đi và có vẻ như đã bỏ rơi chúng ta. Trước đây chúng ta đã có niềm tín thác nơi Thiên Chúa, vì thấy rõ Ngài là người Cha nhân hậu, nhưng rồi bệnh tật đã làm chúng ta chán nản và đau khổ. Nó đã cản trở không cho chúng ta làm việc và xả thân cho Chúa như chúng ta muốn. Mọi sự trở thành mờ ảo trước mắt chúng ta. Chúng ta cảm thấy chóng mặt. Và chúng ta bắt đầu nghi ngờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, nghi ngờ sự ân cần lo lắng của Ngài đối với chúng ta, nghi ngờ sự quan phòng khôn ngoan của Ngài. Có thể một làn mây mù dày đặc của thuyết duy vật đã xâm chiếm tâm hồn chúng ta.

Cũng có thể chúng ta đang được hưởng những an ủi thiêng liêng. Trái tim chúng ta đã nóng nảy và nhiệt thành, và có thể chúng ta đã sẵn sàng kêu lên như vị tông đồ nhiệt thành, nhưng quá tự tin vào mình : “Lạy Thầy, chúng con sẵn sàng chết với Thầy” (Mt 26,35). Thế rồi Chúa Giêsu biến đi. Sự hiện diện dịu dàng và ấm áp của Ngài không còn nâng đỡ chúng ta nữa, không còn làm say mê chúng ta nữa. Chúng ta tự cảm thấy mình đáng thương, lạnh lẽo, và buồn rầu. Và thảm hại dường nào ! Chỉ cần một câu chuyện không đâu, vài tiếng cười nhạo của một người đầy tớ gái là có thể khiến ta chối bỏ những tâm tư của mình. Niềm tín thác của chúng ta đã tan bay.

Vâng, cái lò luyện của các gian truân và trăm ngàn thánh giá dệt lên tấm vải đời sống thiêng liêng của chúng ta, sẽ tỏ rõ cho chúng ta, sẽ cho ta có dịp sờ thấy phẩm chất yếu kém của niềm tín thác của chúng ta.

Sức mạnh của niềm tín thác đã bỏ rơi ta, đã phản bội ta, bởi vì niềm tín thác của ta không tinh ròng : nó bị pha trộn qúa nhiều những sự cậy trông giả dối, cậy trông vào sức loài người : Niềm tín thác tinh ròng phải là niềm tín thác hoàn toàn dựa vào những sự tốt lành vô cùng của Thiên Chúa : quyền năng của Ngài, sự khôn ngoan của Ngài, sự quan phòng đầy yêu thương của Ngài, lòng nhân hậu vô cùng của Ngài và tình thương vô cùng thương xót của Ngài. Niềm tín thác đích thực thì luôn luôn nhìn vào Thiên Chúa. Trái lại những khiếm khuyết làm hư niềm tín thác, khiến nó trở thành một thứ hàng giả tồi tàn, đó là những sự cậy trông vào con người, tin tưởng vào sức mình, vào các tài năng và những kế hoạch của mình, tin tưởng vào bạn hữu, tin tưởng vào các nhân đức của mình. Niềm tín thác giả dối là niềm tín thác chỉ nhìn vào sức mình.

Ôi ! Có qúa nhiều hàng giả của nhân đức qúi trọng này, nhân đức tín thác. Có đủ mọi thứ và đủ mọi kiểu. Có niềm tín thác mà thật sự chỉ là một thứ tính toán xác suất. Chúng ta tưởng sống tín thác nơi Chúa và chúng ta bước đi vui vẻ trong cuộc sống, vì tin vào thành công của những nỗ lực của mình. Nhưng Thiên Chúa phá hỏng các kế hoạch của chúng ta. Ngài búng ngón tay một cái, thì tòa nhà bằng các-tông của chúng ta đổ nhào ! Cũng có thứ tín thác nơi Chúa, dựa vào một nhận thức chưa đầy đủ về lòng nhân hậu của Ngài, và còn ít cảm nghiệm về tình thương vô cùng của Ngài : đây là một niềm tín thác tinh ròng hơn và có chân giá trị hơn, nhưng rồi những khó khăn và những lỗi phạm đã làm cho nó yếu đi một cách rõ ràng vào những thời gian đó. Nhưng mức độ pha trộn của các sự bất toàn là thế nào đi nữa, thì vẫn là chuyện pha trộn với nhiều mức độ khác nhau của niềm tín thác nơi Chúa và sự tin tưởng nơi các phương tiện nhân loại của ta.

Niềm tín thác của nhiều linh hồn giống như ngôi nhà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng. Ngôi nhà được xây trên nền cát của những phương tiện nhân loại. Nó coi bộ khá đẹp, khang trang và tồn tại với thời gian. Nhưng rồi có những cơn gió mạnh, trời mưa lớn, bão táp đổ tới, thế là ngôi nhà đáng thương hại đã sụp đổ cách thảm hại. Rất ít những linh hồn ưu tuyển, biết xây dựng niềm tín thác như một đền thờ kính dâng Chúa, đặt nền móng trên tảng đá vững vàng của những sự tốt lành của Thiên Chúa. Mưa lớn có đổ xuống, gió bão có ùa tới, cũng không lay chuyển được niềm tín thác vững vàng này.

Những thử thách là lò luyện và thanh tẩy niềm tín thác.– Chúng ta đã có thể thoáng nhìn thấy những gì sẽ dẫn đưa chúng ta tới niềm tín thác đích thực và tinh ròng, gột sạch mọi thứ pha trộn. Đó là tất cả mọi loại thử thách mà Chúa sẽ gửi đến cho ta, đó là các thánh giá đủ thứ mà sự quan phòng khôn ngoan của Ngài sẽ cho chúng ta trải qua với tình thương bao la, để giúp chúng ta có một nhận thức sâu xa bằng kinh nghiệm, về lòng nhân hậu và quyền năng vô cùng của Ngài, cũng như về sự xấu xa và bất lực của mình. Giống như vàng qua các lò luyện, niềm tín thác của chúng ta sẽ phải thanh tẩy, để bỏ đi sự tin tưởng vào bản thân mình và vào các phương tiện trần thế của mình.

Có thể sẽ cần nhiều thử thách để chúng ta thấy một cách thấm thía sự yếu hèn của các nguồn sức mạnh của con người chúng ta, của các bạn hữu, các vị bảo hộ, của tài sản và tài lực của ta, hầu khiến chúng ta thất vọng về mọi sự, và nhất là thất vọng về bản thân mình. Có thể phải hơn một lần, chúng ta bị đẩy vào con đường cùng, phải thất vọng giơ hai tay lên kêu cầu Chúa, và sau khi đã nếm thử sự phản bội cay đắng của các phương tiện của con người, chúng ta được vui sướng nếm sự ngọt ngào của quyền năng Thiên Chúa và của sự quan phòng rất âu yếm của Ngài đối với chúng ta.

Nhất là trong đời sống thiêng liêng, chúng ta phải thấy đi thấy lại sự nghèo hèn của mình, sự bất lực, những nết xấu và những sự khốn nạn của mình, để khiến chúng ta thật sự hết tin tưởng vào mình. Phải thấy rõ sự tương phản lớn lao giữa quyền năng,  sự thánh thiện và lòng nhân hậu của Thiên Chúa một bên, và bên kia là sự khốn khó và những điều khốn nạn vô kể của ta, để làm cho ta hoàn toàn thất vọng về mình và đặt tất cả niềm tin nơi một mình Thiên Chúa, cũng như phải cảm nghiệm thấm thía về sự tương phản giữa lòng nhân hậu đáng mến vô cùng của Chúa và sự tốt đẹp vô cùng của Ngài một bên, và bên kia là sự xấu xa và vẻ đáng ghét của ta, để làm cho ta chê ghét bản thân mình và mến yêu Thiên Chúa.

Tất cả chúng ta đều giống các tông đồ của Chúa xưa. Việc đào tạo chúng ta diễn ra chậm chạp và khó nhọc. Phải có nhiều sự bày tỏ của Chúa, những phép lạ của lòng nhân hậu, của tình thương và quyền năng của Ngài để làm cho chúng ta tin tưởng vào Ngài. Sau nhiều lần cảm nghiệm thấy quyền năng của Ngài, và phấn khởi được Ngài an ủi, chúng ta đã tưởng có thể vững chân bước đi trên những đợt sóng, nhưng chỉ cần một cơn gió của sự khô khan, hoặc một làn sóng của sự chán nản, cũng đủ làm cho chúng ta hoảng hốt kêu lên : “Lạy Chúa, xin cứu con, con chết mất” (Mt 8,25). Ôi ! Sẽ còn cần những phép lạ của Chúa Giêsu, những chứng cớ của lòng nhân hậu Ngài đối với chúng ta, đối với tôi là kẻ được Ngài yêu thương cách riêng, để niềm tín thác của tôi nơi Ngài trở thành vững vàng không gì lay chuyển nổi. Có thể có lâu, niềm tín thác của tôi vẫn sẽ yếu ớt, dễ dao động. Và khi tôi tưởng nó đã vững vàng và chắc chắn, có thể chỉ cần chướng ngại của cây thập giá hoặc cái chết của Chúa Giêsu cũng đủ sức làm tiêu tan tất cả niềm cậy trông của tôi.

Và rồi chỉ sau khi Chúa Thánh Thần, Đấng Phù trợ sẽ đến, khi Chúa Giêsu sẽ biến mất khỏi mắt tôi, khi “đêm tối của các giác quan và đêm tối của tâm trí” sẽ làm cho vạn vật của thế giới hữu hình này chết đi cho tôi, chỉ khi đó, nhờ hồng ân đạo đức của Chúa Thánh Thần, đầy niềm tín thác mến yêu và yêu mến kính thảo đối với Thiên Chúa, tôi mới có thể tin yêu và tín thác nơi Chúa với niềm tín thác đích thực.

Chúng ta hãy siêng năng cầu xin, và van nài xin Chúa Thánh Thần ban cho ta ơn đạo đức này, vì chỉ có hồng ân qúi báu này của Ngài mới có thể nâng cao niềm tín thác của ta trên mọi thăng trầm của con người. Ơn này là một hồng ân hoàn toàn do lòng thương xót của Chúa, và Chúa Thánh Thần ban cách nhưng không cho những linh hồn khiêm nhường và ước ao sống tín thác. Chính ơn đạo đức này làm cho chúng ta an nghỉ cách thanh thản trong bàn tay Chúa, giữa những xáo trộn và những thăng trầm của đời sống thiêng liêng, như một đứa bé nằm trên lòng mẹ nó. Chính ơn này của Chúa Thánh Thần sẽ làm cho niềm tín thác của chúng ta trở nên táo bạo và anh hùng, như Chúa đã làm cho biết bao vị thánh, cho thánh Phanxicô Xaviê, cho Đấng đáng kính Cottolengo, và nhất là cho thánh nữ nhỏ bé Têrêxa Hài đồng Giêsu.

Áp dụng cho những khó khăn vật chất.– Sẽ không khó áp dụng những ý tưởng này cho trăm ngàn hoàn cảnh của đời sống, khi mà niềm tín thác của ta xem ra đuối sức và để lộ những bất toàn của nó.

Trước hết là những chuyện liên quan đến cuộc sống vật chất của ta như sức khỏe, cảnh nghèo khó hoặc giàu có, những liên hệ với người khác, công ăn việc làm của ta, việc tông đồ của ta : chúng ta phải hết sức chú ý đừng bao giờ cậy mình, đừng cậy vào sức mình.

Tự nhiên người ta dễ tin tưởng, khi mọi sự xem ra trôi chảy, mọi sự đều thành đạt, cuộc đời có vẻ như một mùa xuân tươi đẹp. Ai cũng biết câu ngạn ngữ : “Anh hãy tự giúp mình rồi trời sẽ giúp anh”. Chúng ta không cần phải suy nghĩ nhiều về câu ngạn ngữ này. Giữa bầu không khí tự nhiên và hơi đậm mầu duy vật của thời nay, chúng ta dễ tin câu nói đó, và còn nghĩ qúa đi nữa : chúng ta nhấn mạnh qúa lên phần thứ nhất của câu ngạn ngữ, anh hãy tự giúp mình, và phần thứ hai của câu đó thì ít được ta suy nghĩ tới. Nhưng rồi gặp bệnh tật, gặp đau khổ, gặp những thất bại, thế là ta hết tin cậy vào sức mình và đâm ra rối trí. Đó là lúc chúng ta nhớ lại quyền năng và sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa : quyền năng và tình thương đó diễn ra đúng khi chúng ta gặp khó khăn, và thường đạt tới đích qua con đường ngược với ý nghĩ của chúng ta.

Chắc chúng ta vẫn nhớ câu chuyện của thánh Phanxicô Xaviê, vị tông đồ vĩ đại của miền Nam Á :  Ngài đã từ chối, không chịu nhận những gói thuốc giải độc mà các bạn hữu muốn tặng Ngài khi Ngài lên đường đi đảo More (thuộc Ấn độ). Các thư của thánh nhân còn ghi lại những tâm tình của Ngài như sau : “Nhiều bạn thân của tôi đã làm đủ cách để can ngăn tôi đừng đi đến những miền đất xa xôi đó, vì các dân tộc đó rất đa nghi và độc ác, thường bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống họ đưa cho khách. Vì không can ngăn được tôi, họ đã đem tặng tôi những gói thuốc giải độc. Tôi đã hết lòng cảm ơn tình thương và lòng tốt của họ, nhưng tôi nhất định không nhận những gói thuốc mà họ tặng tôi với biết bao tâm tình và nước mắt. Tôi không muốn mang theo những nỗi sợ hãi, vì tôi không sợ gì hết. Nhất là vì tôi trọn niềm tín thác nơi Chúa, nên không muốn mất đi phần nào niềm tin cậy đó bằng cách dựa vào những phương tiện khác. Tôi đã xin các bạn hữu hãy luôn luôn cầu nguyện xin Thiên Chúa giữ gìn tôi, vì đó là thứ thuốc giải độc tốt nhất mà người ta có thể có được”.

Tất nhiên chúng tôi không nghĩ rằng người ta không nên dựa vào những phương tiện tự nhiên, nhưng những lời này của vị tông đồ vĩ đại miền Nam-Á cho ta thấy niềm tin sâu xa của Ngài, và niềm tín thác anh hùng, hoa trái của hồng ân Chúa Thánh Thần, có thể lên cao tới đâu. Thánh Phanxicô Xaviê đã xứng đáng là con của Cha ngài là thánh Inhaxiô, một người đã tuyên bố sẵn sàng qua biển cả trên một chiếc thuyền không có buồm và không có mái chèo, vì ngài đặt tất cả niềm tín thác nơi Thiên Chúa.

Áp dụng cho những khó khăn thiêng liêng.– Giống như những thử thách trong cuộc sống tự nhiên, chúng ta cũng gặp đủ thứ khó khăn trong đời sống thiêng liêng. Tất cả các linh hồn đều đã trải qua những khó khăn này : những sự bất trung đối với các quyết tâm, những lúc chán nản, những cơn cám dỗ, những sự thất bại. Những thử thách này lớn lao đến nỗi nhiều khi linh hồn ta cảm thấy chán ngán, nản lòng, không biết xử sự thế nào nữa. Có vẻ như Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta, vì thấy chúng ta qúa xấu xa, không đáng Ngài yêu thương nữa. Mặc cho chúng ta lý luận, mặc cho chúng ta tự nhủ rằng rồi trận bão sẽ qua đi, rồi mây mù sẽ tan bay, mặt trời sẽ lại xuất hiện, nhưng con thuyền bé nhỏ của niềm tín thác của ta xem ra sắp chìm dưới những đợt sóng của nghi nan và ngã lòng.

Đây chính là lúc thuận tiện để tăng cường niềm tín thác của ta, để vững lòng trông cậy Chúa, chống lại sự ngã lòng, và đây chính là lúc để ta đặt tất cả tin tưởng nơi Mẹ Maria, Mẹ rất yêu thương, vì Mẹ là Stella Maris, là ngôi sao biển, soi sáng cho những linh hồn gặp phong ba. Chúng ta cảm thấy mình hết sức khốn cực, nhưng có phải vì thế mà chúng ta mất niềm cậy trông ? Không phải thế. Trái lại, chính sự cảm thấy khốn cực như thế phải tự nhiên khiến ta kêu đến lòng Thương xót vô cùng của Chúa, vì lòng Thương xót của Chúa là nền tảng của niềm cậy trông tín thác.

Những linh hồn trọn lành biết rõ điều này : ý thức đầy đủ về tình trạng khốn khó của ta phải là ngọn gió tốt lành gia tăng niềm tín thác của ta, căng rộng cánh buồm chiếc thuyền của ta, để nó mau vượt tới bậc trọn lành. Chúng ta càng thấy mình khốn nạn, niềm tín thác của chúng ta càng lớn lao, nếu đó là niềm tín thác đích thực. Chúng ta càng hết tin tưởng vào mình thì sẽ càng trông cậy vào Chúa. Chúng ta càng thất vọng về sức mình, chúng ta sẽ càng tin tưởng trọn vẹn vào quyền năng của Thiên Chúa. Đúng như thánh Tông đồ đã nói : “Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh sức” (2 Cr 12,10). Khi tất cả mọi sự cậy dựa nơi sức loài người đã thất bại, đó là lúc, hơn bao giờ hết, ta phải cậy trông nơi Cha trên trời vô cùng tốt lành, đang giang tay ra để đón con cái Ngài.

Nếu nghĩ rằng niềm tín thác sẽ suy giảm khi ta càng ý thức rõ hơn về sự khốn khó của mình, thì các thánh sẽ là những người đáng thương hại hơn hết. Bởi vì không ai cảm nghiệm sâu xa về sự bất lực của mình bằng các ngài, không ai thấy mình khốn khó bằng các ngài. Dưới ánh sáng chói lọi của những sự tốt lành của Thiên Chúa, các thánh nhận ra trăm ngàn chi tiết của những sự bất toàn của mình. Các ngài đã thất vọng về bản thân biết bao ! Các ngài đã bao lần chán nản về sức loài người của mình ! Nhưng có phải vì thế mà các ngài buồn rầu và ngã lòng chăng ? Hẳn là không. Thiên Chúa đã chỉ cho các ngài thấy rõ sự hư vô và xấu xa của các ngài, để các ngài càng yêu mến những phẩm tính vô cùng tốt lành của Chúa. Ý thức về sự bất lực của mình đã không làm các thánh chán nản, nhưng hợp với cảm nghiệm về quyền năng đầy yêu thương của Chúa, nó đã gia tăng đức cậy trông và niềm tín thác, mang lại cho các ngài đôi cánh khổng lồ của chim phượng hoàng, bay cao trên những sự khốn khó của con  người, và hướng thẳng lên những tầng cao siêu nhất của đức Ái.

§ II. - Thánh nỮ Têrêxa Hài đỒng Giêsu và niỀm tín thác tinh ròng. Có thỂ chúng ta có đỨc khiêm nhưỜng cẦn thiẾt, nhưng chưa có niỀm tin CẦN phẢi có.

- Các lỖi lẦm cỦa chúng ta không nên giẢm niỀm tín thác cỦa chúng ta.

- Trái lẠi, như nhỮng ngưỜi ăn xin, ta phẢi tín thác vì thẤy mình khỐn khó và bẤt lỰc.

Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu và niềm tín thác tinh ròng.– Chúng ta rất cần có những bài học để hiểu biết niềm tín thác đích thực và tinh ròng, thì hạnh phúc thay ! Thiên Chúa đã thương đến chúng ta và đã ban cho chúng ta trong cái thế kỷ đầy nghi nan và nhiễm chủ nghĩa duy vật này vị đại thánh của niềm tín thác là thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu.

Ai đã đọc những trang của chị thánh viết về tình thương đầy thương xót của Chúa, mà không thấy tâm hồn mình thêm niềm tín thác ? Ôi ! Những trang này ngọt ngào và khoái trá cho những linh hồn ước ao nên thánh và nên trọn lành dường nào! Nói về tình thương cảm thông của Thiên Chúa, thánh nữ viết : “Ôi, lạy Chúa Giêsu, xin để cho con được nói với Chúa rằng tình thương của Chúa đã đi tới chỗ điên rồ!... Vậy làm sao tình mến yêu của con lại không bốc lên tới Chúa ? Làm sao niềm tín thác của con còn có thể có những giới hạn?... Ôi, Chúa Giêsu, ước gì con có thể nói cho tất cả những linh hồn bé nhỏ nghe biết về sự chiếu cố khôn tả của Chúa ! Con cảm thấy rằng nếu như Chúa có thể tìm thấy một linh hồn yếu đuối hơn linh hồn con, Chúa sẽ vui sướng ban cho linh hồn đó đầy rẫy những hồng ân lớn lao hơn, miễn là linh hồn đó sống trọn vẹn tín thác cho lòng thương xót vô cùng của Chúa"[1].

Chúng ta thấy đó, chị thánh tín thác như thế không phải vì tự cảm thấy mình mạnh mẽ và thánh thiện. Trái lại, chị thánh đã tự cảm thấy mình hết sức bé nhỏ và bất lực, và càng tự cảm thấy mình bất lực thì càng tin tưởng trọn vẹn vào tình thương đầy thương xót của Chúa.

Tựu trung, đó là khiếm khuyết lớn lao của ta. Phần nào chúng ta có cảm nghĩ về cảnh khốn khó thiêng liêng của mình và về sự bất lực hoàn toàn của mình. Sau biết bao nỗi chán nản, biết bao lần bất trung, biết bao kế hoạch nên thánh bị tan thành mây khói, biết bao tuần tĩnh tâm không mang lại thành qủa nào rõ rệt, làm sao chúng ta không có cảm nghĩ đó ? Dần dần càng lên cao trong đời sống thiêng liêng, chúng ta càng thấy những đỉnh cao của sự thánh thiện có vẻ như càng lùi xa về phía chân trời, và như vậy chắc chắn chúng ta đã có một nhận thức về mình, về tính hư vô của mình, và chúng ta đã có một sự khiêm nhường nào đó. Nhưng đức khiêm nhường chỉ là một cánh của niềm tín thác. Muốn bay lên, nó phải có một cái cánh thứ hai nữa : nhờ vào đức tin mãnh liệt và sống động, nó phải có một nhận thức sâu xa và thực hành về Thiên Chúa và các phẩm tính thần linh vô cùng tuyệt hảo của Ngài : lòng nhân hậu của Ngài, sự yêu dấu đầy lo lắng Ngài dành cho ta và quyền năng vô cùng của Ngài luôn săn sóc cho ta. Đáng buồn thay ! Đức tin của ta thường qúa ít sinh động. Nếu đã có nhiều lúc chúng ta nhận thức rõ ràng sự bất lực của mình, chúng ta lại rất ít cảm nghiệm tình thương vô cùng của Chúa và lòng thương xót rất ân cần của Ngài đối với tôi. Niềm tín thác của ta chỉ có một chiếc cánh là đức khiêm nhường, còn cánh kia là cảm nhận sâu xa về tình thương rất dịu hiền của Chúa thì thiếu hẳn, hoặc có mà tê bại. Như vậy lạ gì niềm tín thác của ta chẳng để ta ngồi lại trên mặt đất, khi ta muốn cất cánh bay lên ? Và lạ gì niềm tín thác chẳng bỏ rơi ta, để ta té xuống, khi ta phải bay trên những khó khăn của mình ?

Ôi, chúng ta phải thường xuyên cầu xin Chúa ban cho hai ơn trọng này, một nhân đức khiêm nhường có cảm nghiệm và kinh nghiệm về mình, để biết mình và hoàn toàn thất vọng về mình, và một đức tin mạnh mẽ và trong sáng để nhận biết những sự toàn hảo vô cùng của Thiên Chúa, lòng nhân hậu, tình thương và lòng thương xót vô cùng của Chúa,  luôn săn sóc và lo lắng cho tôi mà tôi không ý thức. Nếu tôi quảng đại, nếu tôi kiên trì khẩn nài Chúa, Ngài sẽ ban cho tôi tất cả những gì cần thiết để thanh tẩy và hoàn thiện niềm tín thác của tôi.

Thiên Chúa có những phương tiện hết sức hữu hiệu để làm công việc này. Những thử thách thiêng liêng đủ loại sẽ cho tôi khám phá ngay dưới chân mình một vực thẳm hư vô của tôi, khiến tôi trở nên khiêm nhường sâu xa, đồng thời những ân sủng về chiêm niệm và những ơn Chúa Thánh Thần, như ơn khôn ngoan và ơn hiểu biết mà Chúa sẽ đổ xuống trong linh hồn tôi, sẽ cải thiện niềm tin của tôi một cách kỳ diệu, giúp nó nhìn rõ những sự tốt lành vô cùng của Chúa.

Đó là bí quyết của niềm tín thác lạ lùng và không gì lay chuyển của các thánh. Bởi vì, chúng ta đừng bao giờ quên, niềm tín thác là một nhân đức siêu nhiên, vượt quá bản tính và sức loài người chúng ta, cả trong sự phát sinh cũng như trong sự phát triển của nhân đức này. Cho nên việc tập luyện đức tín thác sẽ là công việc của Chúa và các đặc sủng của Ngài, hơn là của hành động và thành qủa những suy gẫm, dầu là rất tốt lành của ta.

Bởi vậy vì Thiên Chúa muốn dạy chúng ta những bài học rất qúi giá về nhân đức rất cần thiết cho ta là niềm tín thác, nên Ngài đã “đặt” trong linh hồn chị thánh Têrêxa thành Lisieux những tâm tình được cảm nghiệm rất sâu sắc về tình thương đầy lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta, như chính chị thánh đã nói cho ta biết.

Chúng ta hãy nghe thêm mấy lời dạy bảo của chị thánh mến yêu về đức tín thác, liên quan đến vấn đề nên thánh : “Thưa mẹ, mẹ biết con vẫn luôn luôn ước ao nên thánh, nhưng buồn thay ! Khi con so sánh mình với các thánh, con luôn nhận thấy giữa các ngài và con có một sự khác biệt mà ta nhìn thấy trong thiên nhiên, giữa một qủa núi mà ngọn chạm tới trời xanh, và một hạt cát mà những người đi đường giẵm dưới chân. Nhưng thay vì ngã lòng, con đã tự nhủ : Thiên Chúa không thể gợi hứng cho tôi có những niềm ước vọng không thể thực hiện. Vậy, mặc dầu bé nhỏ, tôi vẫn có thể khát khao nên thánh... Con không thể làm cho mình lớn lên, vậy con phải tự chấp nhận mình như con hiện nay với vô số những khiếm khuyết của con. Và con muốn tìm ra phương thế để lên trời bằng một con đường nhỏ rất thẳng, rất ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong một thế kỷ của những phát minh : bây giờ không còn phải nhọc nhằn leo lên những bậc của cầu thang. Nơi những nhà giàu, một chiếc thang máy đã thay cho cầu thang một cách rất tiện lợi. Con cũng muốn tìm một chiếc thang máy để lên tới Chúa Giêsu, mà con thì bé nhỏ qúa để leo lên cái thang qúa giốc của sự trọn lành !... Ôi Chúa Giêsu ! Chiếc thang máy để đưa con lên trời, chính là hai cánh tay của Chúa ! Muốn được thế, con không cần phải lớn lên, trái lại con cứ phải bé nhỏ, và ngày càng trở nên bé nhỏ hơn. Ôi, lạy Chúa, Chúa đã làm qúa sự mong đợi của con và con muốn ca hát lòng thương xót của Ngài”[2].

Làm sao tìm đâu được một trang sách với những lời khích lệ hơn cho biết bao linh hồn đang khao khát nên thánh hiện nay ? Và trang sách này là của một thánh nữ của thời đại chúng ta, sống đồng thời với chúng ta, mấy chị em của thánh nữ vẫn còn sống: đó là một vị thánh vĩ đại, Đức Piô XI đã gọi chị là vị thánh lớn nhất của thời đại chúng ta.

Những lỗi lầm của chúng ta cũng không nên làm giảm niềm tín thác của ta.– Nhưng người ta sẽ nói rằng : trong đời sống thiêng liêng, không chỉ có những sự khô khan, những lúc chán nản, những cơn cám dỗ, nhưng còn có những điều phải gọi là những sự khốn nạn : đó là những sự thiếu trung thành, không đáp lại các ân sủng, những sự cứng lòng, những sự nhẹ dạ, những sự thiếu quảng đại, những yếu đuối, cả những sa ngã nữa. Có vẻ như, ít là những khiếm khuyết này, mà chúng ta gọi là những sự khốn nạn bẩm sinh của chúng ta, phải làm giảm niềm tín thác của chúng ta, và chắc chắn đã có nhiều linh hồn đánh mất sự phấn khởi và niềm cậy trông, khi nhìn vào những sự yếu đuối đó.

Và họ không có lý sao ? Sự bất trung của ta chẳng phải là chướng ngại vật cho biết bao ân sủng đó sao ? Sau những sa ngã như thế, làm sao chúng ta còn dám cậy trông như trước ? Ôi, nếu chúng tôi có linh hồn vô tội và không mắc những lỗi lầm như Têrêxa, chúng tôi cũng có thể cảm thấy dễ tín thác...

Nói thế là tỏ ra chưa hiểu bản chất của niềm tín thác đích thực. Đáp lại vấn nạn đó, chính thánh nữ vĩ đại của chúng ta đã trả lời một cách dứt khoát: “Ôi, nếu những linh hồn yếu đuối và bất toàn như linh hồn tôi cảm thấy những gì tôi cảm nghiệm, sẽ không có một linh hồn nào thất vọng vì không đạt được đỉnh cao của ngọn núi tình mến yêu”. Rồi chị thánh còn đi xa hơn, và kêu gọi những người tội lỗi hãy sống tín thác : “Không phải vì tôi được Chúa giữ gìn không mắc tội trọng, mà tôi tin tưởng vào Chúa bằng niềm tín thác và lòng mến yêu như thế đâu. Ôi, tôi cảm thấy rằng giả như lương tâm tôi bị đè nặng bởi tất cả những tội ác mà người ta phạm, tôi cũng sẽ không mất bớt niềm tín thác chút nào: với trái tim tan vỡ vì hối hận, tôi sẽ gieo mình vào vòng tay Chúa cứu chuộc tôi. Tôi biết Ngài yêu thương đứa con hoang đàng, tôi đã nghe những lời Ngài nói với thánh nữ Mađalêna, với người đàn bà ngoại tình, với người phụ nữ Samaria. Không, không ai có thể làm tôi khiếp sợ, vì tôi biết tôi có thể tin vào tình thương và lòng thương xót của Ngài. Tôi biết tất cả cái khối các tội lỗi này sẽ tan biến trong nháy mắt, như giọt nước ném vào một lò than lửa đang bừng bừng cháy”[3].

Điều này thật qúa rõ. Niềm tín thác của Têrêxa tỏ ra vô biên, vì chị thánh có một cảm nghiệm sâu sắc về lòng nhân hậu vô cùng của Thiên Chúa, cũng như niềm tín thác của ta bị co rút lại, vì sự nhận thức của ta về tình thương và sự tốt lành của Chúa qúa kém cỏi và sơ sài. Chúng ta nghĩ về Cha chúng ta ở trên trời cũng gần như chúng ta nghĩ về những con người trần gian. Những sơ sót của chúng ta, những lỗi lầm tái đi tái lại của chúng ta đã đưa tới chỗ chúng ta đánh mất những người bạn thân nhất của mình. Chúng ta nghĩ Thiên Chúa đối với ta cũng vậy, nhất là vì Ngài là Đấng cực thánh, Đấng thấy cả những khiếm khuyết nơi các thiên thần. Đại khái đó là tâm tư của chúng ta, sau những lỗi lầm và những sự bất trung của chúng ta.

Hơn nữa, tuy chúng ta tin Thiên Chúa tốt lành vô cùng, nhưng niềm tin đó qúa hời hợt. Tốt lành vô cùng, nhân hậu vô cùng là gì ? Hãy cứ hiểu rằng tình thương của Chúa vượt xa tình thương của người mẹ đối với con mình, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu chút ít về lòng thương xót vô cùng của Chúa. Ở đời, ta thấy nhiều khi người mẹ có một đứa con đau yếu và bệnh tật, không được khỏe mạnh tươi tốt như anh chị em nó. Nếu là một bà mẹ tốt lành và hết lòng yêu con, như ta thường thấy, thì bà có yêu thương đứa con bệnh tật ít hơn các con khác chăng ? Hay trái lại, bà yêu thương và săn sóc cho nó hơn, vì nó rất cần đến tình thương và sự chăm sóc của bà để sống còn và phát triển. Với ngày tháng, bà càng hy sinh nhiều cho đứa con ốm yếu của mình, tình thương bà dành cho đứa con bất hạnh của mình không những không suy giảm, mà trái lại sẽ càng gia tăng với những nhọc nhằn và tận tụy của bà.

Mà Thiên Chúa, Đấng đã tạo thành trái tim của tất cả các người mẹ, thì dịu hiền và thương con cái mình hơn những người mẹ tốt nhất trong loài người. Ngay trong Cựu Ước, Ngài đã tuyên bố tỏ tường như thế qua miệng tiên tri Isaia : “Nếu một bà mẹ có thể quên con mình, nhưng Ta, Ta không bao giờ quên các con” (Is 49,15). Sau những bất trung và những sa ngã của ta, ta hãy nhớ tình thương vô cùng cảm thương của Thiên Chúa, và chúng ta hãy làm như những trẻ nhỏ. Hãy chạy lại ôm lấy Cha chúng ta ở trên trời, và hãy đơn sơ thưa Ngài rằng : “Con sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Từ nay con sẽ là đứa con ngoan của Cha”. Tâm tình hối lỗi và những lời đầy mến yêu của ta sẽ đền bù cho Chúa vì những lỗi phạm của ta.

Như những người ăn xin, chúng ta phải tín thác, vì chúng ta rất khốn khó.– Người ta thiếu niềm tín thác, vì thấy mình qúa nhiều sự yếu đuối và đầy những sự khốn khó ! Ồ, thật ra, phải nói ngược lại mới đúng ! Chắc lời nói của chúng tôi sẽ bị nhiều người cho là nghịch lý. Nghịch lý đối với tâm trí loài người chúng ta, nhưng thật ra đó chính là lý do để tín thác nơi Thiên Chúa : chúng ta phải tín thác vì thấy mình khốn khó. Có thể đó chính là chỗ chúng ta phải dựa vào để kêu cầu lòng thương xót rất nhân hậu của Chúa.

Tất cả chúng ta là những kẻ ăn xin trước cổng đền Vua trên trời. Vậy chỉ có những kẻ khờ dại mới che giấu những vết thương và những mụn nhọt của mình, vì sợ nghịch mắt Thiên Chúa tốt lành... Và đó có phải thói quen của những kẻ ngồi ăn xin chăng ? Trái lại, chúng ta thấy họ tìm hết cách để phơi bày vẻ kinh tởm của những chỗ đau đớn của họ, hầu khiến người khác cảm thương họ hơn. Thậm chí có những kẻ giả tạo những vết thương và những tật nguyền, để dễ kích động lòng trắc ẩn của những nhà hảo tâm. Đó là mánh khóe nhà nghề của họ.

Còn chúng ta lại vì mắc cỡ mà che giấu những vết thương và ung nhọt của mình ! Chúng ta sợ Thiên Chúa, chúng ta không tin tưởng nơi Ngài sao? Thật là một sai lầm tai hại ! Vậy chúng ta hãy phơi bày những vết thương của ta cho Chúa thấy ! Chúng ta hãy than khóc vì những lỗi lầm, chúng ta hãy khóc lóc để khích động lòng trắc ẩn của Ngài ! Chúng ta chắc chắn sẽ được Ngài thương xót, vì hơn những kẻ ăn xin nhiều, chúng ta là những con nhỏ qúi yêu của Ngài, và chúng ta đang đau yếu, đang khổ sở. Chúng ta đã sa ngã và bị thương. Một cách rất khiêm nhường và với niềm tín thác trọn vẹn, chúng ta hãy mở ra cho Chúa thấy những vết thương của ta, chắc chắn Ngài sẽ thương xót ta. Khi Thiên Chúa nhìn thấy vực thẳm của sự khốn cùng của chúng ta, lòng thương xót bao la vô cùng của Ngài sẽ đến với ta, và tình thương muôn ngàn lần dịu dàng hơn tình thương của các người mẹ sẽ động lòng thương nỗi cơ cực của chúng ta. Ngài nhìn chúng ta với tình thương khôn tả, và nếu chúng ta giơ hai tay lên với Ngài, Ngài sẽ nâng chúng ta lên và ôm vào lòng một cách âu yếm khôn tả.

Thật, chúng ta còn qúa xa với niềm tín thác tốt lành, tín thác vì sự bé nhỏ của ta, vì cảnh khốn cùng và những tội lỗi của ta !

Ngược lại, có biết bao linh hồn có niềm tín thác xấu, trái hẳn với niềm tín thác tinh ròng ! Niềm tín thác của họ là thứ tin tưởng âm thầm và dại dột vào sự công chính của họ, vào các nhân đức và những sự hãm mình đền tội của họ. Ôi ! Đó là thứ tín thác vô phúc, vì về căn bản, nó là một sự tin cậy vào sức mình. Đó là một thứ kiêu ngạo kín đáo. Chúng ta đừng tín thác nửa vời, đừng tưởng có thể tới gần Chúa Giêsu ít hay nhiều, vì chúng ta ít lo ra hơn, quảng đại hơn, sốt sắng hơn. Đáng buồn thay! Cái thứ tín thác pha phôi này lại thường hay có, và nhiều người sẽ ngạc nhiên, nếu ta bảo họ rằng niềm tín thác của họ phần nào giống như niềm tín thác của người biệt phái, đứng cầu nguyện trước mặt người thu thuế.

§III. - Một quan niệm sai lầm sẽ làm hư niềm tín thác của chúng ta.

-   Thiên Chúa thường ban những ơn đặc biệt của Ngài cho những linh hồn khốn nạn nhất.

-   Sợ sệt qúa đáng về những lỗi lầm không cố phạm.

Một quan niệm sai lầm sẽ làm hư niềm tín thác của chúng ta.– Xét cho cùng, sau những sự khốn nạn và những sa ngã của chúng ta, cội rễ của sự thiếu tin tưởng của ta nơi Thiên Chúa thường do một quan niệm sai lầm về lòng nhân hậu của Ngài. Chúng ta dễ dàng tưởng tượng rằng những ân sủng của Chúa được đo lường cách chính xác theo sự trung thành và sự quảng đại của chúng ta. Đối với từng ấy quảng đại của ta, Chúa sẽ ban cho một ân sủng sít soát như thế. Chúng ta tưởng rằng Thiên Chúa theo một bảng giá như nhau cho tất cả các linh hồn, và cho các hành vi của ta, tương tự như một thứ tiền công. Như thế là chúng ta đã quên bẵng dụ ngôn Chúa Giêsu đã giảng dạy về tiền công mà ông chủ trả cho những người thợ làm vườn nho, người thợ đến làm vào giờ sau chót cũng nhận được bằng những người làm từ tảng sáng. Dụ ngôn này đã làm cho thánh nữ Têrêxa nhảy mừng vì sung sướng.

Chúng ta đừng có những ý tưởng sai lầm như thế. Lòng quảng đại của Thiên Chúa không chỉ có tính công bằng, mà nhất là có tính chất yêu thương, và yêu thương nhưng không. Lòng quảng đại của Chúa không cân đo. Chúa ban phát cách quảng đại và tùy ý, và thường Ngài ban cho ta qúa công trạng của chúng ta, không theo mức công bằng, mà theo lòng quảng đại của Ngài. Nhưng đúng là chúng ta càng quảng đại, Ngài càng ban nhiều hơn cho ta. Điều này qúa rõ ràng. Tuy nhiên không ai có thể nói: Tôi đã nhận được ơn trọng này, vì tôi đã trung thành hơn người này người nọ. Bí mật của những sự quảng đại của Chúa là một mầu nhiệm cho mọi người. Ngài ban cho những người này nhiều hơn, Ngài ban cho những người kia ít hơn, tùy theo những quyết định vô cùng khôn ngoan của Ngài. Sự trọn lành của các linh hồn là những thành qủa của ân sủng Chúa ban, để nâng đỡ và thánh hóa những nỗ lực của họ, nhưng hai nhân tố này không luôn ở trong một tương quan như thế mãi, bởi vì Thiên Chúa thánh hóa chúng ta như Ngài muốn và vì Ngài muốn.

Vì không hiểu điều đó, nên chúng ta thiếu khiêm nhường và thường nuôi dưỡng một sự âm thầm tự phụ, khi thấy mình nhận được nhiều ơn Chúa. Chúng ta không thể tránh một tình cảm kín đáo, tự nhủ rằng mình nhận được nhiều ơn hơn những người khác, là vì mình sống quảng đại hơn. Đó là thiếu khiêm nhường, và sự thiếu khiêm nhường này tất nhiên sẽ dẫn tới thiếu tín thác, khi người ta bị thử thách liền sau đó.

Chúng ta đã thiếu quảng đại, thiếu ngoan ngoãn vâng theo ân sủng, có thể chúng ta đã sa ngã, và dĩ nhiên chúng ta ít tin tưởng và tín thác nơi Chúa hơn. Thiên Chúa đã chẳng ban các ơn của Ngài theo sự đo lường các nỗ lực và sự quảng đại của chúng ta sao ? Thế là chúng ta đâm ra buồn rầu, cáu kỉnh, bực tức với mình và phần nào bực tức với cả Thiên Chúa. Lúc đó, tất nhiên ngoài sự nhìn nhận mình đã có quan niệm sai lầm về ân sủng, chúng ta quên rằng một hành vi khiêm nhường đích thực sẽ có thể đền bù tất cả lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta quên sử dụng cái nghệ thuật tài tình đó để sửa lại những sự bất trung của mình, ôm lấy Cha trên trời với một trái tim đầy mến yêu và hối hận vì đã làm phiền lòng Ngài, hoặc đã phạm đến Ngài.

Thiên Chúa thường ban những ơn đặc biệt của Ngài cho những linh hồn khốn khó nhất.– Chúng ta không phải đi tìm đâu xa những thí dụ cho thấy cả những linh hồn đã sa ngã đều có thể mở rộng lòng cho một niềm tín thác ngọt ngào.

Augustinô đã mười bảy năm cưỡng lại những lời cầu nguyện của Mẹ là bà Monica. Vậy mà Ngài đã trở thành một vị thánh lớn lao dường nào ! Và người đàn bà tội lỗi nổi danh trong Phúc Âm đã có niềm tín thác táo bạo và lòng mến yêu lớn lao dường nào, khi qùi xuống rửa chân Chúa Giêsu và hôn kính chân Ngài trước mặt những người Biệt phái kiêu căng ? Và người đàn bà tội lỗi thời danh của nước Aicập đã chết, một ngày sau khi trở lại, và chết trong một lúc xuất thần vì yêu mến !

Thiên Chúa ban cho tất cả mọi linh hồn ơn cứu giúp của tình thương đầy thương xót của Ngài. Và chúng ta nên biết rằng Ngài thường chọn những dụng cụ bất toàn và xấu xí nhất để thực hiện những ý định kỳ diệu của Ngài : Ngài muốn tôn vinh quyền năng của Ngài bằng cách thực hiện những công trình vĩ đại với những dụng cụ không tương xứng. Ngài đã làm cho thế giới trở lại nhờ mười hai vị tông đồ được chọn trong số những ngư phủ và những người thấp kém của xứ Galilêa. Ngài muốn tôn vinh sự khôn ngoan của Ngài bằng cách thảo ra những kế hoạch và sử dụng những phương tiện chúng ta coi là dại dột. Sau cùng Ngài thường muốn tôn vinh lòng nhân hậu vô cùng và tình thương đầy thương xót của Ngài, khi Ngài chọn thánh hóa những con người không có vẻ gì thích hợp. Ngài đã lượm Saulô trên đường đi Đamas để biến ông thành vị tông đồ khôn ví của các dân ngoại.

Và nếu chúng ta muốn có niềm tín thác nhờ việc dựa vào một ý tưởng đúng hơn về các sự thiện hảo vô cùng của Chúa và về đường lối vô cùng nhân hậu của Ngài là những đường lối vượt xa đường lối của chúng ta, thì khi nhìn vào sự khốn cùng của mình, chúng ta có thể nói rằng : Vâng, tôi bất toàn và khốn nạn qúa ! Nhưng có thể chính vì thế mà Thiên Chúa sẽ chọn tôi để thương yêu đặc biệt, vì tôi là một trong số những linh hồn đang cần đến sự âu yếm và tình thương đầy thương cảm của Ngài hơn, và Ngài ưa ban ơn hơn, để tỏ bày lòng thương xót vô cùng tốt lành của Ngài ? Và tư tưởng này sẽ khiến trái tim ta nở rộng vui sướng, với một niềm tín thác trọn vẹn, thay vì sự nhìn thấy những sự khốn nạn của ta thường bóp nghẹt con tim ta lại.

Nhưng có thể chúng ta đã là một trong số những linh hồn ưu tuyển, được Chúa ban cho những ơn đặc biệt của việc chiêm niệm trọn lành. Khi đó, thay vì tự kiêu, chúng ta sẽ nói rằng : Thiên Chúa đã chọn tôi, vì tôi bất toàn và hèn hạ. Ngài đã chọn tôi để Ngài có dịp thỏa mãn lòng thương xót và tình thương vô biên của Ngài hơn. Và tư tưởng này sẽ giữ ta khỏi tự mãn, vì ta vẫn nhớ những sự khốn khó của mình.

Đúng thế, tình thương đầy thương xót của Thiên Chúa nhiều khi không cầm mình được nữa, nên đã đi tới chỗ thái qúa : Chúa đã đi tìm ở những nơi xa xôi, một hai linh hồn rất bất toàn và bất xứng, đang giẫy giụa trong những sự khốn nạn và những nết xấu của họ, để đổ xuống trên họ nhiều tình thương nhưng không của Ngài. Nếu những linh hồn đó nhìn nhận sự bé nhỏ và tình trạng khốn khó của mình, hay ít ra với ơn Chúa, họ dần dần nhận ra thân phận yếu hèn của mình, thì Chúa sẽ bồng họ lên với Ngài trong sự yêu thương và âu yếm khôn tả.

Vậy chúng ta đừng bao giờ rầu rĩ và nản chí vì những sự bất trung sa đi ngã lại của mình. Đừng bao giờ nói : Sự thánh thiện không được dành cho tôi, vì tôi qúa bất toàn. Cũng đừng bao giờ nói : Bây giờ qúa trễ để nên thánh : tôi chẳng tiến bộ gì hết, tôi chẳng có gì tích cực hết ! Trái lại, chúng ta hãy chăm lo vun trồng niềm ước ao nên thánh, vì đó là cái mầm qúi giá Chúa đặt trong linh hồn ta. Nguyên đó cũng là một ân sủng lớn lao rồi. Chúng ta hãy tin tưởng và tín thác nơi Chúa, Ngài không cần thời gian để thực hiện những việc kỳ diệu. Thánh Kinh dạy ta rằng : “Đối với Thiên Chúa, ngàn năm cũng như một ngày” (Tv 89,4). Niềm tín thác đích thực sẽ không bao giờ phản bội ta : nó là chiếc la bàn sẽ vững vàng giúp ta vượt qua mọi bão táp và đá ngầm, và sẽ dẫn ta đến hải cảng của sự trọn lành.

Khi chúng ta sẽ rời bỏ trái đất lưu đày này, khi mắt chúng ta được mở ra nhìn sự huy hoàng của trời cao, chúng ta sẽ thấy rõ mọi sự. Chắc chắn khi đó chúng ta sẽ vui mừng vì niềm tín thác quyết liệt và ương ngạnh của mình ! Chúng ta sẽ vui sướng vì đã có một niềm tin tưởng và tín thác bao la như chính sự bao la của cảnh khốn cùng của chúng ta.

Trong khu vườn tươi đẹp của người làm vườn thần linh là Chúa Giêsu, nơi mà chúng ta sẽ muôn đời tươi nở như hoa, chúng ta sẽ sung sướng khám phá bên cạnh những bông hồng mỹ miều, có những bông cúc duyên dáng và những bông tuy-líp xinh đẹp, rồi những bông phong lan lạ mắt và huy hoàng, những thứ hoa đã đòi nhiều công sức chăm lo và nâng niu của chủ vườn. Có thể chúng ta cũng vào số những bông hoa đã làm người chủ vườn phải vất vả chăm lo nhiều, nhưng đó cũng là những bông hoa tôn vinh quyền năng và tình thương của Chúa hơn, và làm Ngài được đền bù nhiều hơn về công khó nhọc của Ngài.

Lo sợ thái qúa về những lỗi phạm không cố tình của mình.– Bây giờ phải nghĩ gì về thứ tâm tình thường thấy nơi những linh hồn quảng đại, tâm tình đó làm họ phụng sự Chúa với một thứ áy náy bối rối ? Họ sợ làm phiền Thánh Tâm Chúa Giêsu và mất đi những ân sủng của Chúa vì những lỗi phạm nhỏ mọn và không cố tình. Nếu trong những lúc khô khan và chán nản, họ phần nào tỏ ra thiếu quảng đại, thiếu can trường - mà ai lại không có lúc như thế ? -. Họ tưởng tượng sẽ làm hỏng tất cả. Mà họ sợ thái qúa như thế, không phải vì lòng mến Chúa, nhưng vì sợ Chúa. Những linh hồn nhát đảm đó hiểu qúa ít về trái tim của Thầy Chí Thánh. Chúa Giêsu biết rõ hơn chúng ta nhiều về sự khốn khó bẩm sinh của chúng ta. Ngài biết cả những người công chính cũng sa ngã bảy lần mỗi ngày. Ngài biết sức của ta thường phản bội những ước vọng và lòng mến của ta. Ngài phân biệt rõ những lỗi phạm cố tình và những lỗi phạm hoàn toàn vì yếu đuối, mà những lỗi phạm này không xúc phạm đến Ngài và không khiến Ngài buồn lòng. Lòng nhân hậu rất dịu dàng của Ngài khiến Ngài thấu suốt mọi sự, và Ngài bỏ qua những lỗi phạm không chủ ý của ta. Nhất là Ngài biết rõ sự khác biệt giữa những khi ta vác thánh giá mà trượt té, vì thiếu ơn an ủi, và những lúc ta vác thập giá cách khẳng khái, không mệt nhọc chút nào, vì ta được nhiều ơn an ủi thiêng liêng.

Chúng ta hãy phụng sự Chúa Giêsu trong niềm vui, trong hoan lạc. Hãy phục vụ Chúa với một dạ trung thành trọn vẹn. Vì mến yêu Chúa, chúng ta hãy xa lánh những lỗi phạm cố tình, dầu nhỏ mọn nhất. Đúng thế ! Chúng ta hãy vui sướng được chịu những cực nhọc lớn lao, để được thỏa mãn cả những ước ao nhỏ mọn của Chúa Giêsu. Được thế thì tốt lắm, bởi vì Chúa Giêsu là tất cả, và chúng ta không là gì hết. Chỉ một mỉm cười trên môi của Chúa cũng đáng cho ta chịu bất cứ hy sinh nào để mang lại cho Ngài. Đó mới là tình yêu mến thật. Nhưng ta đừng nghĩ rằng một chút thiếu quảng đại, một lỗi lầm nhỏ mọn cũng làm Chúa buồn, và khiến ta mất tình thương ưu ái của Ngài. Nếu thế, các linh hồn quảng đại sẽ không bao giờ được an vui hạnh phúc. Không phải thế đâu, “điều làm phật lòng Chúa, điều làm cho Ngài đau lòng, đó là thiếu tín thác”[4]. Còn những lỗi phạm vì yếu đuối, không do chủ ý, thì Chúa Giêsu phân biệt chúng với những lỗi phạm chủ ý và những bất tuân phục có ý thức. Về những lỗi phạm do sơ sót đó, thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã nói một cách dễ thương : “Vâng, đã từ lâu tôi tin rằng Chúa dịu dàng hơn một người mẹ, và tôi biết hết sức rõ trái tim của một người mẹ. Tôi biết người mẹ luôn sẵn sàng tha thứ những sơ suất nho nhỏ và không chủ ý của con mình”[5].


 

[1] Tiểu sử một linh hồn, ch. XI, tr. 221

[2] Tiểu sử một linh hồn, ch. IX, tr.153-154

[3] Tiểu sử một linh hồn, ch. X, tr. 204

[4]  Tiểu sử một linh hồn, thư I gửi cho Mẹ

[5] Marie Guérin Tiểu sử một linh hồn, Ch.VIII, tr.136