CHƯƠNG I:

VỀ CON NGƯỜI

1.1 Gốc Gác và Ơn Gọi

Thưa Hồng-y, ngài nghĩ gì về ý-tưởng này: Chúng ta bước vào đời, và những gì muốn biết thì ta đã biết, và ta đã có mặt nơi ta muốn ở?

Xa-vời quá. Tôi không biết câu đó xuất-phát từ đâu. Nhưng theo tôi, con người bước vào đời như là một kẻ dò đường. Aristoteles[1] đã nói – và cả Tôma đất Aquino cũng đã nói – về một thứ bảng trống (tabula rasa), có nghĩa là cả hai cho rằng con người sinh ra tâm-trí vốn như một tấm bảng trắng, chưa sẵn có kiến-thức nào và tâm-trí con người thoạt-tiên chỉ biết thu-nhận mà thôi. Tôi không thoả-mãn lắm với tư-tưởng này. Nhưng vẫn cho rằng con người trước hết bước vào đời như một kẻ dò đường, sẵn-sàng ghi-nhận tất-cả những chỉ-dẫn của đời.

Tôi hơi ngã theo Platon[2]. Nghĩa là cho rằng con người sinh ra đã vốn sẵn có một trí nhớ, có thể nói vốn sẵn có một hoài-niệm về Chúa, nhưng hoài-niệm này phải được đánh thức dậy. Con người chẳng biết mình phải biết gì, và con người cũng chưa hắn là đã có đó toàn-vẹn, nhưng nó đang trên đường hình thành.

Tôn-giáo trong Cựu và Tân-ước nói nhiều về hình-ảnh một dân Chúa đang lữ hành, đúng thế Is-ra-en (Do-thái) quả thực là một dân-tộc lữ-hành. Đây là hình-ảnh về chính sự hiện-hữu của con người. Hình-ảnh này nói lên con người là một một kẻ đang trên đường và đây không phải là con đường giả-tưởng, nhưng trên đường đóthực sự sẽ có chuyện xẩy ra lien-quan đến nó và nó có thể truy-tìm, phát-hiện ra và cũng có thể không nhận ra.

Ngài thường dùng từ “quan-phòng”. Từ đó có nghĩa gì?

Tôi xác-tín rằng Chúa nhìn thấy chúng ta thật-sự và Ngài để cho chúng ta tự-do – nhưng đồng thời Ngài cũng hướng-dẫn chúng ta. Tôi đã từng thấy nhiều điều thoạt-tiên xem ra không hay đẹp, nguy-hiểm, khó chịu nhưng tới một lúc nào đó lại đâu ra đấy. Mình đột-nhiên ngẫm ra như thế là tốt, là đúng đường. Với tôi, điều đó có nghĩa là đời mình không phải là ngẫu-nhiên, song do một kẻ nào đó đã dự-liệu trước, có thể nói đi trước và sắp-đặt cho mình. Tôi có thể chối-từ mà cũng có thể chấp-nhận những điều đó, và rồi thì tôi nhận ra rằng đời mình đã được một ánh sáng “quan-phòng” dẫn lối.

Điều đó không có nghĩa là con người hoàn-toàn bị an-bài, nhưng sự quan-phòng kia chính là một thách-đố đối với tự-do của con người. Cũng giống như dụ-ngôn năm nén bạc. Người nhận bạc đồng thời nhận được một nhiệm-vụ nào đó, nhưng người đó có thể thi-hành cách này mà cũng có thể thi-hành cách khác. Dù sao mỗi người đều mang một sứ-vụ, đều có một khả-năng, không ai là kẻ dư-thừa, vô ích. Mỗi người phải cố nhận ra đâu là ơn-gọi của mình và đáp-ứng theo sức mình ơn-gọi đó một cách tốt-đẹp nhất.

Ngài sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 tại làng Marktl bên bờ sông Inn thuộc vùng Oberbayern. Vào ngày thứ bảy tuần thánh. Một ngày thích-hợp với ngài?

Đúng thế. Tôi thấy ngày đó quả là tốt, chiều hôm trước lễ Phục-sinh, đang tiến dần tới Phục-sinh nhưng Phục-sinh còn đang ẩn mặt, chưa tới. Tôi thấy đó là một ngày ý-nghĩa, một cách nào đó nó hé cho thấy hình-ảnh lịch-sử và hoàn-cảnh của tôi: Đứng trước cửa Phục-sinh, nhưng chưa bước vào.

Cha mẹ ngài tên là Giuse và Maria. Mới bốn giờ sau khi sinh, lúc 8 giờ 30 phút sáng sớm, ngài được rửa tội. Hình như hôm đó có bão tuyết lớn?

Hẳn nhiên tôi chẳng biết chi-tiết đó. Chỉ nghe anh chị tôi kể là hôm đó trời đổ tuyết nhiều và rất lạnh. Dù đã là ngày 16 tháng 4, nhưng thời-tiết Bayern thì ông cũng chẳng lạ gì.

Tuy-nhiên rửa tội mới 4 giờ sau khi sinh không phải là chuyện bình-thường.

Dĩ nhiên. Chuyện là vì đó là ngày thứ bảy tuần thánh – và đó chính là cái làm tôi thích-thú. Thời đó chưa có tục mừng lễ Phục-sinh vào nửa đêm. Phải đợi sáng hôm sau mới có lễ, trong đó nước được làm phép để dùng cho nghi-thức rửa tội suốt cả năm. Và vì có nghi-lễ phụng-vụ rửa tội trong thánh-lễ nên cha mẹ tôi nói: “Đàng nào thằng bé cũng đã chào đời”, nên được ông bà cho rửa tội luôn trong giờ phút trọng-đại đó. Thế là tôi là người được rửa tội đầu tiên bằng nước thánh mới làm phép trong năm. Được sinh ra và rửa tội trong đêm chờ Phục-sinh là một sự-kiện quả thật ý-nghĩa cho tôi.

Ngài lớn lên ở miền quê và là em út trong ba anh chị em. Cha ngài làm cảnh-sát, gia-đình chẳng khá-giả gì. Có lần ngài kể, mẹ ngài phải tự làm lấy xà-bông để giặt.

Cha mẹ tôi cưới nhau trễ, và một trưởng đồn cảnh-sát ở Bayern như cha tôi thì lương không khá. Với đồng lương đều-đặn đó thì chúng tôi không đến nỗi nghèo, nhưng phải sống tiết-kiệm và đơn-bạc. Tôi rất cám ơn cuộc sống này, vì nhờ vậy mà chúng tôi có được những niềm vui mà nếu sống trong sung-túc thì đã không có được. Tôi thường nghĩ về quá-khứ đó; nó đẹp làm sao, vì chúng tôi đã có thể mừng-vui vì những cái rất nhỏ-nhặt và đã luôn cố-gắng sống cho nhau, với nhau. Cuộc sống đơn-bạc về tài-chánh đã liên-kết chặt-chẽ chúng tôi với nhau.

Cha mẹ tôi đã phải tằn-tiện lắm khi lo cho ba anh chị em chúng tôi ăn học. Chúng tôi đã cảm-nhận được điều đó và cố gắng đáp lại, chính qua đời sống thật đạm-bạc đó mà chúng tôi biết đùm-bọc nhau và yêu-thương nhau. Chúng tôi hiểu được nỗi lòng hi-sinh và yêu-thương của cha mẹ đối với chúng tôi.

Chuyện làm xà-bông là một trường-hợp hi-hữu. Không phải vì nghèo mà phải làm, nhưng vì lúc đó đang chiến-tranh, không phải cái gì cũng có thể mua được. Mẹ tôi có học nghề làm bếp và bà là một tay thành-thạo đủ thứ việc, nên đã biết công-thức làm xà-bông. Cũng nhờ tài cán và sáng-kiến của mẹ mà dù sống trong thời buổi khan-hiếm chúng tôi vẫn luôn có được những bữa ăn ngon.

Mẹ tôi rất giầu từ tâm và có nội-tâm rất vững-mạnh. Còn cha thì khá duy-lí và cả-quyết, vững tin, cái gì cũng biết rõ trước và có những quyết-định đúng khác thường. Khi Hitler lên nắm quyền, ông bảo: Chiến-tranh sẽ tới, nay là lúc chúng ta phải có một mái nhà!

Có một người tên là Georg Ratzinger, đã đóng một vai-trò trong lịch-sử đất Bayern.

Đó là ông bác, anh của cha tôi. Ông là một nhà tu, đã đậu tiến-sĩ thần-học. Khi làm dân-biểu tiểu-bang và dân-biểu liên-bang ông đã ra sức tranh-đấu cho quyền-lợi giới nhà nông và bình-dân. Đọc lại biên-bản Quốc-hội tiểu-bang tôi thấy ông chống lại nạn lao-động trẻ con, quan-điểm này thời đó đã chẳng ai nghe và còn coi đó là chuyện lếu-láo. Bác quả là một tay sừng-sỏ. Tất-cả chúng tôi hãnh-diện về việc làm và uy-tín chính-trị của Bác.

Cuộc sống của ngài trong gia-đình như thế nào?

Thứ nhất, vì nghề cảnh-sát của cha, nên chúng tôi luôn phải dời chỗ ở. Chính tôi cũng chẳng còn ý-niệm gì về nơi sinh-quán, làng Marktl. Chúng tôi rời Marktl lúc tôi tròn hai tuổi. Chúng tôi dời về Tittmoning, trú trong một cơ-quan cảnh-sát, trước đây là một nhà-xứ cũ đã xuống cấp ngay giữa phố. Nhà bên ngoài rất đẹp nhưng ở chẳng thoải-mái tí nào. Chúng tôi ngủ trong phòng trước kia là phòng họp, còn các phòng khác thì quá chật. Khá đủ chỗ, nhưng khổ cho mẹ tôi hàng ngày phải khệ-nệ mang củi và than đi lên hai cái cầu thang lớn. Về sau, ở Aschau, chúng tôi sống trong một ngôi nhà đẹp do một nông-dân xây và cho cảnh-sát mướn. So với tiện-nghi của ngày hôm nay thì nhà đó cũng chả thấm vào đâu. Không có bồn tắm, nhưng có nước máy.

Để chuẩn-bị về hưu, cha tôi mua lại căn nhà cũ đơn-sơ của một nông-gia ở Hufschlag gần Traunstein. Thay vì nước máy chúng tôi có một cái giếng rất là lãng-mạn. Một bên nhà là rừng sồi xen lẫn dẻ gai còn một bên là núi, mỗi sáng mở mắt chúng tôi thấy núi trước mặt. Trước nhà chúng tôi trồng táo, mận và mẹ trồng nhiều thứ hoa trong vườn. Đó là một chốn thần-tiên, đất rộng cảnh đẹp. Chúng tôi dệt bao mộng-mơ và đùa nghịch trong nhà kho cũ.

Đó là một thế-giới còn tinh-sơ, chưa bị ai khám-phá. Có cả một phòng dệt cũ, vì người sở-hữu trước chúng tôi là thợ dệt. Phòng-ốc rất đơn-sơ – tôi nghĩ căn nhà được xây năm 1726 – và nhà cần phải sửa-chữa vì nước mưa dột vào khắp nơi. Với chúng tôi, đây là một căn nhà mơ-ước của trẻ con, dù thiếu tiện-nghi. Nhưng với cha và mẹ tôi thì chẳng thú-vị lắm, vì phải lo tiền sửa và hàng ngày phải nặng-nhọc kéo nước từ giếng lên. Nhưng chúng tôi đã trải qua những ngày thiên-đàng ở đó. Chỉ cần đi bộ độ nửa tiếng là tới phố. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi luôn có dịp di-động luôn. Chúng tôi chẳng cảm thấy thiếu-thốn tiện-nghi gì, trái lại được hạnh-phúc, tự-do và phiêu-lưu trong căn nhà cũ nhưng ấm tình người này.

Giáo-dục của cha mẹ khá nghiêm-nhặt?

Phải, quả có nghiêm-nhặt trong một khía-cạnh nào đó. Cha tôi là một người trực tính nhưng rất nghiêm-khắc. Nhưng chúng tôi luôn cảm-nhận được là ông nghiêm vì thương-yêu, và vì vậy chúng tôi dễ-dàng chấp-nhận cái khắt-khe đó. Đối lại chúng tôi có cái dịu-dàng và ấm-cúng của mẹ để cân bằng. Hai bản-tính trái ngược, nhưng bù-đắp cho nhau. Dù khắt-khe nhưng chúng tôi đã đùa-giỡn trong ấm-cúng, và cha mẹ cũng chơi chung với chúng tôi. Lại nữa chính âm-nhạc dần-dần đã trở thành lực nối-kết mọi người trong gia-đình.

Ngài hâm-mộ Mozart[3]?

Đúng thế! Dù lúc nhỏ chúng tôi đổi chỗ ở luôn nhưng cũng chỉ thay-đổi trong vùng giữa sông Inn và Salzach. Và đoạn đời tuổi trẻ lâu, quan-trọng và đẹp nhất của tôi là ở Traunstein, nơi thấm-nhiễm không-khí Salzburg*. Tâm-hồn chúng tôi được thấm-đượm Mozart và cho tới nay nhạc của ông vẫn đánh động tận đáy hồn tôi, vì nhạc đó thật tỏa sáng mà cũng thật sâu đậm. Nhạc đó không chỉ để chơi, nhưng nó hàm-chứa toàn-thể bi-kịch của kiếp người.

Nghệ-thuật là nền-tảng. Chỉ lí-trí khoa-học không thôi không thể diễn-tả hết câu trả lời của con người trước thực-tại, và nó cũng không nói lên được những gì con người có thể diễn-tả, muốn diễn-tả và phải diễn-tả. Mà phải cần nghệ-thuật. Tôi nghĩ nghệ-thuật là cái mà Chúa đã đặt-để trong con người. Nghệ-thuật và khoa-học là hai tặng-phẩm lớn nhất mà Chúa đã trao cho con người.

Cha mẹ ngài đã gởi cả ba người con vào nội-trú. Tại sao?

Thời ấy, đó là cách duy-nhất để có được “học cao”. Miền quê có rất ít trường trung-học. Và muốn vào trung-học xa thì chỉ có cách là ở nội-trú. Chị tôi học trung-học cùa dòng Phan-sinh nữ, trường cách nhà 5 cây-số nên chị đạp xe hàng ngày tới trường. Sau một thời-gian, chị muốn vào nội-trú và cha mẹ đã cho chị vào. Anh tôi là người đầu-tiên lên trung-học và phải vào nội-trú chứ chẳng có cách nào khác. Tôi hai năm đầu trung-học vẫn ở nhà, nhưng sau đó phần vì là đứa con duy-nhất còn lại trong nhà, phần nghĩ rằng giáo-dục nội-trú sẽ giúp mình sửa-đổi tâm-tánh – đây quả là điều khá khổ-sở đối với tôi – nên cũng xin vào nội-trú luôn. Nội-trú dạy cho tôi cách sống liên-đới và kỉ-luật. Nhưng chỉ được hai năm, vì sau đó tất-cả các trường trung-học ở Traunstein đều bị biến thành trạm-xá quân-y, và chúng tôi phải về lại nhà.

Có thể nói được gia-đình ngài rất đạo-đức?

Phải, có thể nói như thế. Cha tôi rất đạo-đức. Mỗi sáng chủ-nhật ông đi lễ sáng lúc 6 giờ, sau đó lại dự lễ chính lúc 9 giờ và chiếu tối lại đi lễ lần nữa. Mẹ lại càng đạo-đức hơn. Tôn-giáo là điểm chung của hai ông bà, dù mỗi người đạo-đức mỗi vẻ.

Việc giáo-dục tôn-giáo trong gia-đình như thế nào? Ngày nay nhiều cha mẹ gặp khó-khăn trong vấn-đề này.

Tôn-giáo là một phần của cuộc sống, chỉ qua những buổi đọc kinh chung cũng thấy điều đó. Mỗi bữa ăn đều có cầu-nguyện. Ngày nào không bị giờ lớp ngăn-cản chúng tôi đều đi lễ và cùng nhau tham-dự lễ chủ-nhật. Sau này, khi cha tôi về hưu, chúng tôi thường lần chuỗi; ngoài ra chúng tôi còn được học giáo-lí trong trường. Cha tôi cũng mua sách đạo cho chúng tôi, chẳng hạn như mua báo đạo nhân dịp rước lễ lần đầu. Nhưng ông bà không trực-tiếp dạy chúng tôi về đạo, mà chỉ qua những buổi đọc kinh và đi lễ thường ngày.

Lúc còn trẻ cái gì làm ngài say-mê về đạo?

Tôi ngay từ đầu đã rất say-mê phụng-vụ – cả anh chị tôi hình như cũng thế. Khi học lớp hai, cha mẹ đã mua cho tôi cuốn sách lễ đầu-tay. Tôi thích-thú lạ-lùng khi khám-phá ra thế-giới nhiệm-mầu của nghi-lễ la-tinh, được đọc và hiểu những gì diễn-ra trong thánh-lễ. Bắt đầu từ cuốn sách lễ trẻ con đó chúng tôi từng bước với những cuốn đầy-đủ hơn tiếp-tục cuộc hành-trình khám-phá của chúng tôi.

Sách lễ là gì?

Đó là cuốn sách linh-mục dùng khi dâng lễ. Cũng có ấn-bản dịch ra tiếng Đức cho giáo-hữu thường.

Những lễ-nghi phụng-vụ, âm-nhạc, những tượng-ảnh và mọi thứ trang-hoàng trong nhà thờ đều làm cho chúng tôi thích-thú. Đó là một mặt. Mặt khác, ngay từ đầu, xét về khía-cạnh lí-trí, tôi cũng đã say-mê tôn-giáo vì những gì được nghe, được đọc. Đầu óc tôi như thể được hướng-dẫn để tiến lên từng bước. Đấy là điều có lợi cho tôi rất nhiều, đặc-biệt vì trong thời vô-thần Quốc-xã chúng tôi phải chín-chắn trong suy-nghĩ. Người ta đóng ấn mình là công giáo, hay đi nhà thờ và nhất là lại muốn làm linh-mục, chuyện đó lại càng bắt mình phải chuẩn-bị tư-thế tự-vệ.

Tôi cảm-thấy thích-thú khi tìm ra được những lí-lẽ biện-hộ và thấu hiểu những lí-lẽ đó, nó trở thành cuộc phiêu-lưu lí-trí càng ngày càng mở rộng chân trời cho tôi. Sự hoà-nhập giữa phụng-vụ long-trọng với việc tìm-hiểu lí-trí đã là cơ-hội đặc-biệt giúp tôi, một con người vẫn cố-gắng tìm-hiểu thế-giới, đơm đầy cuộc sống mình.

Rõ-ràng ở đây có sự liên-hệ với quê-hương Bayern, đặc-biệt của tinh-thần công giáo xứ Bayern của ngài. Ngài vẫn luôn nhấn mạnh, mình muốn bảo-vệ niềm tin khiêm-tốn của những kẻ đơn-sơ chống lại cái tự-cao của các nhà thần-học và cả của những người dân giàu trong các thành-phố lớn vẫn tự cho mình là sáng-suốt.

Chúng tôi cố-gắng sống đức tin công giáo một cách đơn-giản. Nhưng sắc-thái của niềm tin đó chúng tôi đã nhận được trước hết là ở miền quê và sau đó là ở thành-phố nhỏ Traunstein, ở những nơi đó đạo Công giáo đã hoà quyện với văn-hoá cuộc sống và lịch-sử đất-đai. Có thể gọi đó là một thứ hội-nhập văn-hoá đức tin khuôn-đúc nên do lịch-sử của chúng tôi.

Chất địa-phương của người Bayern đã thấm-đượm từ trong gia-đình chúng tôi. Cha tôi là người miền Niederbayern, và như ông biết đó, chính-trị Bayern trong thế-kỉ 19 có hai luồng: Một luồng hướng về quốc-gia dân-tộc Đức, một luồng nặng về khuynh-hướng Bayern-Áo và về khuynh-hướng công giáo thân Pháp. Gia-đình chúng tôi theo luồng thứ hai rất nặng óc địa-phương và hãnh-diện về lịch-sử Bayern này. Mẹ tôi xuất-thân từ vùng Tirol, cũng là miền đượm chất công giáo miền Nam. Chúng tôi đồng-hoá mình với lịch-sử nơi đây và ý-thức rằng lịch-sử này mang nét kiêu-hãnh đặc-biệt nào đó. Lịch-sử này hoàn-toàn khác với lịch-sử quốc-xã, loại đã đẩy nước Đức vào thảm-hoạ 1933 – 1945. Vả lại, cũng nhờ nạn Quốc-xã mà chúng tôi càng xác-tín hơn với lịch-sử riêng của mình.

Ngài có gặp khó-khăn gì với thân-sinh ngài không?

Dĩ-nhiên không tránh khỏi hoàn-toàn. Dù vậy tôi và cha tôi rất gần nhau, nhờ nhiều kì nghỉ bệnh ở nhà của ông trong những năm cuối đời làm việc. Chế-độ quốc-xã khiến ông ớn tận cổ nên đã tìm mọi cách để xin được về hưu sớm. Trong những tháng nghỉ đó hai cha con chúng tôi đi dạo với nhau nhiều, nên cảm-thấy rất gần nhau. Lại nữa cả ba anh chị em chúng tôi đều được ăn học, mà tiền hưu của cha chẳng bao nhiêu, nên mẹ lại phải đi nấu bếp theo mùa ở Reit vùng Winkl, và vì vậy ở nhà chỉ còn lại hai cha con chúng tôi mà thôi. Ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, ông có tài kể chuyện. Nghe chuyện và đi dạo đã gắn-bó hai cha con chúng tôi với nhau. Và lòng đạo lẫn thái-độ chống-đối chế-độ quyết-liệt của ông làm chúng tôi vững tin. Khả-năng thuyết-phục đơn-giản của ông đến từ sự thẳng-thắn tâm-hồn. Vì thế chúng tôi coi thái-độ của ông là gương-mẫu, dù thái-độ đó ngược lại với dư-luận của thiên-hạ thời đó.

Ông đã tỏ thái-độ ra như thế nào đối với chế-độ?

Ông làm công-chức cho tới năm 1937. Ở Tittmoning chúng tôi chứng kiến cái gọi là “thời đấu-tranh”, thời-kì cuối của chế-độ cộng-hoà Weimar (1919-1933). Lúc đó tôi còn rất nhỏ, nhưng đã hiểu được cái đau của cha tôi. Ông đọc báo “Con đường chính-trực” (Der gerade Weg), một tờ báo chống lại Quốc-xã, tôi còn nhớ những biếm-hoạ chống Hilter trên báo đó. Giọng-điệu chống-đối của ông rất sắt-đá. Khi thấy chế-độ Hitler đang tới gần, ông quyết-định dời nhà về vùng quê. Miền quê tình-hình tương-đối dễ thở hơn, dù rằng đám đông nông-dân đã ngã theo Hitler. Ông không chống ra mặt, vì ở quê cũng không thể ăn-nói dễ-dàng được. Nhưng ở nhà mỗi khi đọc báo tôi thấy ông điên-tiết. Ông thường nói ra nỗi tức-giận của ông sau đó với những người mà ông có thể thố-lộ được. Dù là một công-chức, ông đã chẳng tham-gia vào hội-đoàn nào cả.

Ngài có vào Đoàn thanh-niên Hitler?

Thoạt-tiên chúng tôi không vô. Nhưng khi có luật buộc vào Đoàn năm 1941 thì anh tôi phải tham-gia. Tôi lúc đó còn quá trẻ, nhưng về sau, khi còn đang trong chủng-viện, tôi đã ghi tên vào Đoàn. Nhưng sau khi ra khỏi chủng-viện, tôi không bao giờ tới Đoàn nữa. Nhưng thật khó cho tôi, là vì nếu không có chứng-nhận của Đoàn, tôi không được hưởng chế-độ giảm học-phí. Nhưng mà Chúa thương giúp tôi có được một thầy dạy toán tốt. Chính thầy là một đảng-viên quốc-xã, nhưng thẳng-thắn, thầy bảo tôi: “Hãy tới đó một lần, để có được cái giấy…”. Nhưng khi thấy tôi không muốn tới, thầy nói: Thôi được, tôi hiểu, để tôi thu-xếp”. Nhờ đó tôi may-mắn thoát chuyện lui-tới Đoàn.

Khi còn nhỏ ngài muốn sau này lớn lên làm gì? Ai là thần-tượng của ngài?

Tôi không thể nói được ai là thần-tượng của mình. Vì nhận-định trẻ-con thường thay-đổi bất thường. Có lần bị ấn-tượng do một người thợ sơn tường nên muốn được trở thành như ông. Về sau, khi thấy hồng-y Faulhaber mặc áo đỏ tía tới vùng tôi ở, tôi lại bị hớp hồn và mong được như ngài.

Thợ sơn tường và hồng-y, hai hình-ảnh chẳng ăn-nhập gì với nhau cả.

Đúng vậy, ông nói đúng, thế mới biết trẻ con chẳng cần cân-nhắc, chỉ xét dựa trên những gì chúng thấy mà thôi. Khi đang ngồi ghế tiểu-học, tôi cũng đã mong được làm thầy dạy học. Mẫu-gương đó thật hợp với mong-ước làm linh-mục về sau này. Song tôi có thể nói rằng việc dạy học, việc truyền-đạt kiến-thức và việc viết-lách đã dấy động hồn tôi rất sớm. Khi đang ở tiểu-học tôi đã bắt đầu viết văn, làm thơ v.v..

Làm thơ loại nào?

Đụng gì viết nấy; làm thơ về những chuyện xẩy ra hàng ngày, về Giáng-sinh, về thiên-nhiên. Cái đó đơn-giản là dấu-chỉ rằng tôi thích được diễn-đạt và nhất là được truyền-đạt những gì tôi có. Nghĩa là khi tôi học được gì, tôi muốn truyền tiếp cái đó cho người khác.

Ngài chẳng bao giờ muốn lập gia-đình? Và đã có mối tình với một cô nào không? Người ta biết giáo-chủ Gio-an Phao-lô II thời thanh-niên cũng rất si-tình.

Tôi có thể nói rằng trong tôi đã không có một dự-án gia-đình nào cả. Nhưng những tình bạn với nhiều xúc-động thì dĩ-nhiên là có.

Ơn-gọi đi tu đến với ngài như thế nào? Ngài nhận ra nó bao giờ? Ngài đã có lần nói: “Tôi biết chắc, nhưng không hiểu bằng cách nào, rằng Chúa muốn nơi tôi một điều gì đó, mà tôi chỉ đạt tới bằng cách làm linh-mục”.

Tôi đã không nhận được sự soi-sáng bất-thần nào của Chúa bảo tôi làm linh-mục. Trái lại mầm gọi linh-mục đã lớn dần lên trong tôi, và đã phải suy đi nghĩ lại, phải nỗ-lực nhiều. Tôi cũng không biết mình chấp-nhận tiếng gọi đó bắt đầu lúc nào. Nhưng tôi sớm có ý-thức rằng mỗi người mang một ý-định của Chúa. Và với thời-gian tôi dần-dà nhận ra là Chúa muốn tôi sẽ làm linh-mục.

Về sau có giây-lát nào ngài gặp được một thứ tạm gọi là ngộ – hay được soi-sáng về tiếng gọi đó không?

Ngộ theo nghĩa cổ-điển, kiểu nửa thần-bí chẳng hạn, thì không có. Tôi trước sau chỉ là một người công giáo bình-thường. Nhưng theo nghĩa rộng thì đức tin dĩ-nhiên như tia sáng. Và, nói như Heidegger, vừa tin vừa suy-tư ta có thể nhìn thấy vùng trời sáng đó từ trong các nẻo đường rừng.

Có lần ngài viết: “Tất-cả cái hiện-hữu đều là những tư-tưởng đã cô-đọng. Tinh-thần Tạo-dựng là gốc và là nền của mọi sự. Mọi thứ hiện-hữu đều hợp lí ngay từ nguồn-cội của chúng, vì chúng đến từ lí-trí sáng-tạo”.

Đó là những câu tôi dùng để thử diễn-tả những gì giáo-lí về tạo-dựng vũ-trụ của Ki-tô giáo đã khai-triển và hàm chứa trên phương-diện triết-học. Mọi thứ mọi loài trong vũ-trụ không phải tự dưng mà có, song chúng đã được một lực sáng-tạo dựng nên, và lực này không phải là một lực chết nào đó, nhưng chính là lí-trí và tình yêu – và như thế thì mọi vật được tạo-dựng rốt cuộc đều hợp lí. Tôi tin đó là triết-lí tạo-dựng của Ki-tô giáo. Khi ta tin và suy-tư, ta sẽ được soi-sáng, nhưng bảo đó là “ngộ” theo nghĩa thông-thường thì không phải.

Sau khi chọn con đường làm linh-mục, có bao giờ ngài cảm-thấy ngờ-vực, bị cám-dỗ hay thử-thách?

Có. Chính trong sáu năm thần-học tôi phải đối diện với rất nhiều vấn-đề và câu hỏi liên-quan tới con người. Sống độc-thân có phải là con đường của mình không? Làm quản xứ có hợp với mình không? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Tôi vẫn luôn nhắm thẳng đi tới, nhưng khủng-hoảng đã không thiếu.

Khủng-hoảng nào, ngài có thể kể ra một thí-dụ?

Trong những năm học thần ở München tôi phải tranh-đấu với hai câu hỏi. Tôi mê-say môn thần-học như một khoa-học. Tôi thấy tuyệt-vời quá khi mình được bước vào thế-giới mênh-mông của lịch-sử niềm tin; những chân trời suy-tư và đức tin mở rộng trong tôi, và tôi bắt đầu suy-nghĩ về câu hỏi uyên-nguyên của nhân loại và câu hỏi về chính cuộc đời mình. Nhưng càng ngày tôi càng nhận rõ chỉ vui với khoa thần-học mà thôi thì chưa đủ cho một linh-mục, và công việc ở xứ đạo nhiều khi có thể đưa mình xa thần-học, nó bao gồm những đòi-hỏi khác. Tôi không thể học chỉ để làm giáo-sư, mặc dù đó ước-nguyện thầm-kín của tôi. Nhưng chấp-nhận làm linh-mục với tôi có nghĩa là chấp-nhận trọn-vẹn nghĩa-vụ, chấp-nhận làm cả những chuyện-đơn-giản nhất.

Tôi hơi nhút-nhát và chẳng thực-tế chút nào, không chơi thể-thao và không có khiếu tổ-chức lẫn quản-trị. Vì vậy mà tôi phải tự hỏi: Mình có làm nổi phó xứ không, có hướng-dẫn và động-viên được thanh thiếu-niên không, có dạy giáo-lí cho trẻ nổi không, có biết cách quan-hệ với người già-cả, tật-bệnh không, tôi có thể hiến cả đời cho những chuyện đó không và đó có phải là ơn-gọi của đời mình không.

Thêm vào đó dĩ-nhiên là các câu hỏi, mình có thể giữ độc-thân khước-từ hôn-nhân cả đời được không. Vì đại-học bị hư-hại không có chỗ cho phân-khoa thần nên chúng tôi phải tạm-trú trong lâu-đài Fürstenried ở ngoại-ô thành-phố hai năm. Cuộc sống hàng ngày ở đây không những có sự gần-gũi giữa sinh-viên và giáo-sư mà cả sự chung-đụng giữa nam và nữ sinh-viên. Do đó những câu hỏi trong tôi trở thành thực-tế. Nỗi băn-khoăn đó thường bám sát tôi trong những lúc thả bộ trong công-viên và những khi bước vào nhà nguyện, cho đến khi tôi có thể xác-tín thưa “Vâng” trong ngày lãnh chức phó-tế vào năm 1950.

Ngài có phải nhập ngũ vào khi chiến-tranh kết-thúc?

Có. Từ 1943 tất-cả chủng-sinh ở Traunstein phải nhập ngũ thành một nhóm phòng-không ở München. Lúc đó tôi 16 tuổi, phải thi-hành nghĩa-vụ quân-sự hơn một năm, từ tháng 8 năm 43 tới tháng 9 năm 44. Chúng tôi được đóng trong trường trung-học Max ở München. Bên cạnh công-tác, chúng tôi còn được học chữ, chương-trình tuy rút gọn nhưng cũng khá đủ. Thời-gian nhập ngũ chẳng thú gì, nhưng đã có dịp cho những tình bạn nảy-nở.

Ngài làm gì trong thời-gian ấy?

Một pháo-đội thường gồm hai ban chính, ban bắn và ban đo-đạc. Tôi được xếp vào ban đo. Thời đó đã có máy điện-tử và quang-học để dò đo những máy bay đang tới gần và chuyển dữ-kiện đo được sang cho ban bắn. Ngoài những buổi thực-tập đều-đặn, chúng tôi phải có mặt bên máy những lúc có báo động. Cái chán là càng lúc càng có nhiều báo động đêm và có nhiều đêm bị mất trắng.

Ngài đã chứng-kiến cảnh München bị dội bom?

Có. Sau đó tôi được chuyển sang ban thứ ba là ban điều-hướng toàn-bộ hệ-thống điện-thoại. Chúng tôi đóng ở Gilching gần hồ Ammersee, một vị-trí quan-trọng, vì phi cơ Mỹ bay vào München từ phía nam qua hướng hồ này. Gần chỗ chúng tôi cũng là xưởng chế phi-cơ Oberpfaffenhofen, nơi những phi-cơ phản-lực đầu tiên được chế-tạo. Chúng tôi là những người được thấy những máy bay phản-lực đầu tiên của Đức cất cánh. Nhiều cuộc tấn-công không-quân đã xẩy ra và chúng tôi đã sống cảnh chiến-tranh thật sự.

Mùa thu năm 44 chúng tôi rời quân-dịch và được chuyển sang lao-dịch. Hai tháng dài tôi đóng ở biên-giới Áo Hung, đúng vào lúc quân Hung đầu-hàng quân Nga. Thời đó người ta đắp nhiều lũy lớn để chống chiến-xa. Cuối cùng tôi được chuyển sang bộ-binh, may thay được về đóng tại Traunstein. Được thế là nhờ ông sĩ-quan trách-nhiệm phân-bổ, ông này là người chống lại Quốc-xã, đã cố-gắng tìm cách giúp-đỡ những ai ông có thể giúp được. Ông cho tôi về Traunstein nên thời-gian lao-công bộ-binh của tôi thành ra tương-đối vô hại. Tôi bị bắt ở Traunstein và được giải về Ulm, nơi quân-đội Mỹ đang giữ 40 tới 50 ngàn tù-binh Đức. Ngày 19 tháng 6 năm 1945 tôi được trả tự-do.

Ngài còn nhớ gì về giai-đoạn chiến-tranh chấm dứt?

Lúc đó chúng tôi đang ở phi-trường Aibling. Suốt 6 tuần bị bắt chúng tôi phải nằm trên đất ngoài trời, chuyện chẳng thú-vị gì. Quân Mỹ đã không thể dựng lều hay làm nhà cho một khối-lượng tù-binh đông đến như thế. Chúng tôi không có lịch, không có chi hết, cứ cố moi óc mà đoán từng ngày. Cũng chẳng nghe được tin-tức. Chỉ biết là vào ngày mồng 8 tháng 5, quân Mỹ thay vì cứ bắn đạn chiếu sáng lên trời, bỗng dưng bắn pháo bông như điên-cuồng. Và đâu-đó có tiếng đồn là chiến-tranh đã chấm dứt, Đức đã đầu hàng. Dĩ-nhiên chúng tôi đã thở ra nhẹ-nhõm, với hi-vọng nay mai sẽ được thả về và sẽ chẳng có gì xẩy ra cho mình nữa. Nhưng lại có ngay tiếng đồn bảo chúng tôi đừng vội mừng vì Mỹ giờ đây lại chuẩn-bị đánh Nga, và chúng tôi sẽ được tái võ-trang để gởi đi chiến-trường chống Nga. Tôi đã không thể tưởng-tượng và tin được cái liên-minh kia có thể vỡ nhanh như vậy. Tôi chỉ biết mừng là chiến-tranh đã dứt và tôi sẽ không bị giữ lâu.

______________________

[1] Aristoteles (380-322): triết-gia Hi-lạp.
[2]
Platon (427-347): triết-gia Hi-lạp, thầy của Aristoteles, hai thầy trò là cha đẻ của nền triết-học phương tây.
[3]
Mozart (1756-1791, nhạc-sĩ sáng-tác nhạc cổ-điển người Áo. Salzburg là nơi sinh-quán của ông.

*******

1.2 Vị Giáo Sư Trẻ

Ngài đã có lần nói: “Khi tôi bắt đầu học thần-học, tôi bắt đầu mê những vấn-đề tri-thức, bởi vì chúng giúp tôi khám-phá ra bi-kịch của đời tôi và nhất là khám-phá ra bí-mật của chân-lí”. Điều đó nghĩa là thế nào?

Đó là tôi hơi “cường-điệu”, chứ đơn-giản khi học thần-học, mình không phải học nó như học một nghề, nhưng nhờ nó để hiểu đức tin, với điều-kiện là đức tin phải chân-thực, như tôi đã nói khi bàn về An-tịnh trên đây. Và đức tin như vậy là cửa ngõ đi vào hiểu-biết đúng-đắn cuộc đời mình, hiểu-biết thế-giới và nhân-loại. Khi học thần- học, mình đương-nhiên bị đẩy vào toàn-bộ cuộc vật-lộn trí-thức với lịch-sử tây phương. Ngay từ đầu, đức tin một mặt quyện-lẫn với gia-sản do-thái, mặt khác với gia-sản hi-lạp và la-tinh, rồi dĩ-nhiên với lịch-sử tân-thời của nó. Xem như thế việc học thần-học dính liền với câu hỏi: Cái đó thực chất là gì? Chúng ta có thể nhận-biết gì?

Chủng-viện của chúng tôi lúc đó ở Freising mang một bầu-khí rất sống-động. Anh em về từ chiến-trường, có người đã kinh qua 6 năm chiến-tranh, ai nấy đều khao-khát tri-thức và văn-học, đầu-óc chất đầy những thắc-mắc khởi đi từ những gì mình đã thấy, đã trải qua. Anh em đọc Gertrud von le Fort, Ernst Wiechert và Dostojewski, Elisabeth Langgässer, nghĩa là tất-cả những tác giả nào thời ấy có. Ai học ở München đều làm quen với nhà thần-học luân-lí thời đó là Steinbüchel, với Heidegger, với Jaspers. Mọi người như bị cuốn hút vào một cuộc vui tinh-thần lớn.

Luồng gió tinh-thần nào làm ngài đặc-biệt say-mê?

Tôi rất thích Heidegger và Jaspers[1], và chủ-nghĩa nhân-vị nói chung. Steinbüchel* viết cuốn “Ngả rẽ suy-tư” (Die Wende des Denkens), trong đó ông mô-tả biến-chuyển từ học-thuyết mới của Kant* sang giai-đoạn nhân-vị thật hay. Đó là cuốn sách cẩm-nang của tôi. Và ngay từ đầu tôi cũng thích nghiên-cứu thánh An-tịnh như một đối-lực với Tôma đất Aquin.

An-tịnh đã định-nghĩa chức-vụ của mình thế này: “Chỉnh những tay phá-rối, ủi-an những kẻ yếu-đuối, phi-bác đối-phương”.

Ngài là một giám-mục đúng nghĩa. Ngài cũng đã viết những cuốn sách khổng-lồ, khiến người ta phải tự hỏi không biết ngài lấy giờ ở đâu ra mà làm chuyện đó ngoài thì-giờ cho những công-việc vặt-vãnh thường ngày. Là giám-mục, ngài đặc-biệt phải đương-đầu với những tranh-chấp chính-trị và luôn quan-tâm tới nỗi thống-khổ của dân đen cũng như tìm cách để tất-cả liên-kết chặt-chẽ với nhau. Đó là một thời biến-động lớn với những cuộc di-dân lớn. Như vậy ngài chẳng phải là người đi trên mây.

Theo luật đế-quốc thời đó giám-mục cũng là một quan-toà. Ông có một số thẩm-quyền và phải xử những vụ kiện dân-sự. Vì vậy, ngày lại ngày, ngài sống trong điều-kiện đó và cố-gắng làm sao để thông-truyền cho họ tin mừng và sự hoà-bình của Chúa. Như vậy ngài cũng là một mẫu gương sống, vì suốt ngày phải dành hết thì-giờ cho người dân và những chuyện lặt-vặt thường nhật, mặc dù đam-mê của ngài là chiêm-niệm và việc tinh-thần.

Cái làm cho tôi xúc-động thời đó không phải là vai-trò mục-tử – điều mà tôi không nắm vững – nhưng là cái tươi-mát và sống-động toát ra từ tư-tưởng của ngài. Triết-học kinh-viện có cái vĩ-đại của nó, nhưng quá vô-ngã. Phải cần thời-gian mới bước được vào nó và mới nhận ra những xung-động nội-tại của nó. Còn ở An-tịnh ta có thể trực-tiếp nhận ra ngay con người đam-mê, đau-khổ đầy thắc-mắc và ta có thể đồng-hoá mình với con người này.

Nhưng cuối cùng ngài đã thích thần-học lịch-sử của Bonaventura, tại sao?

Thật ra là một tình-cờ. Sau khi tôi viết luận-án tiến-sĩ về Giáo-hội cổ, thầy dạy tôi, giáo-sư Söhngen, khuyên nên viết luận-án giáo-sư[2] về thời Trung-cổ hoặc Thời mới. Ông bảo tôi bằng cách nào đó nên nghiên-cứu quan-điểm Mạc-khải của Bonaventura[3]. Vì ông biết tôi chịu ảnh-hưởng của An-tịnh nhiều hơn Tôma nên ông khuyên nên viết về Bonaventura, một tác giả ông nắm vững và ngưỡng-mộ.

Thần-học căn-bản lấy chính “mạc-khải” làm đối-tượng. Mạc-khải thực chất là gì? Có thể có nó hay không? Và những câu hỏi tựa như thế. Khi đã đi sâu vào, tôi nhận ra mạc-khải đối với Bonaventura có liên-hệ với cuộc hành-trình phiêu-lưu của Phan-sinh (Franziskus); và cuộc phiêu-lưu kia cũng lại có dây mơ rễ má với Joachim ở Fiore. Joachim[4] cho rằng ta đang ở thời-kì thứ ba: thời của Chúa Thánh-linh, thời của một giai-đoạn mạc-khải mới. Vị này còn làm cả bài tính khi nào thì thời đó bắt đầu, và theo ông, thời thứ ba này tương-đối phù-hợp lạ-lùng với các dữ-liệu sống của thánh Phan-sinh, nghĩa là Phan-sinh chính là người đưa lịch-sử giáo-hội vào giai-đoạn thứ ba này. Vì thế mà những tu-sĩ Phan-sinh, ít là một số đáng kể trong dòng này, sớm có cái cảm-giác về vai-trò đặc-biệt của họ, vai-trò mà Joachim ở Fiore đã tiên-đoán, là: Đây là giai-đoạn của Thánh-linh, thời-kì của một Dân Chúa mới, nghèo, đơn-giản, chẳng cần cơ-cấu trần-tục nào nữa.

Như vậy ý-niệm mạc-khải chẳng phải xuất-phát từ buổi đầu xa-xôi nữa, nhưng gắn liền với lịch-sử – nó là một tiến-trình đẩy tới trong lịch-sử, nó đang bước vào một giai-đoạn mới. Như vậy quan-điểm mạc-khải của Bonaventura không còn là một đề-tài trừu-tượng nữa, nhưng dính liền với việc ám-chỉ lịch-sử thánh Phan-sinh của chính ngài.

Cái đó có ý-nghĩa gì đối với ngài?

Có ý-nghĩa cho hai câu hỏi lớn. Câu hỏi thứ nhất có thể diễn-tả như sau: Nếu như đức tin Ki-tô giáo gắn liền với một mạc-khải đã qua từ lâu thì như vậy phải chăng đức tin đó bị đóng ấn là hoài cổ và con người phải chăng bị cột chặt vào quá-khứ? Như vậy đức tin đó có thể bước kịp với lịch-sử không ngừng đi tới và nó còn có gì để nói cho chúng ta không? Phải chăng nó sẽ phải già-nua đi với thời-gian và trở nên không còn hợp thời? Bonaventura đã có câu trả lời, khi ngài nhấn mạnh đến quan-hệ giữa đức Ki-tô và Chúa Thánh-linh dựa theo Tin mừng thánh Gio-an. Theo ngài, lời mạc-khải lịch-sử thì vĩnh-viễn, nhưng lời đó vẫn không bao giờ cạn-kiệt và luôn mở ra những chiều sâu mới. Trong ý-nghĩa đó Chúa Thánh-linh, đấng thông-dịch của đức Kitô, vẫn luôn tiếp-tục nói lời của Ngài cho mọi thời và chứng-tỏ là lời đó luôn-luôn có cái gì mới để nói với trần-gian. Chúa Thánh-linh không phải là nhân-vật của một thời tương-lai nào đó, như cắt nghĩa của Joachim ở Fiore, nhưng Ngài luôn là tinh-thần thời-đại. Thời-đại Chúa Ki-tô là thời-đại của Chúa Thánh-linh.

Câu hỏi thứ hai liên-hệ tới thuyết cánh-chung và không-tưởng. Con người thật khó mà chỉ hi-vọng vào thế-giới bên kia hoặc vào một thế-giới mới sau thế-giới hiện-tại. Họ muốn có một hứa-hẹn ngay trong lịch-sử (đời này). Joachim là người đã nói ra cái hứa-hẹn đó một cách cụ-thể và như vậy ông là kẻ mở đường cho Hegel[5], và ông này, theo P. de Lubac[6] đã lại là người chuẩn-bị mô-hình suy-tư cho Mác. Bonaventura chống lại không-tưởng, là thứ chỉ bịp con người. Ngài đã thành-công vạch ra một con đường sang-suốt và thực-tế để cản lại quan-điểm sống cuồng-nhiệt và hỗn-loạn tinh-thần của phong-trào phan-sinh. Cũng vì thế mà ngài đã và đang bị nhiều người đả-kích. Nhưng cũng chính ngài, qua cộng-đoàn sống đạo không ảo-tưởng nhưng được thúc-đẩy bởi nhiệt-tình đức tin, đã tìm ra câu trả lời cho vấn-nạn của phái không-tưởng: Các cộng-đoàn đạo-đức kia không sống cho một thế-giới mai-hậu xa-xôi, nhưng là để có được chút ánh sáng thiên-đường cho cuộc đời này. Họ cố-gắng sống một cách “không-tưởng”, bằng cách chối-từ sở-hữu, từ-bỏ ý riêng, dục-tính và các thành-tựu. Nhờ vậy làn gió tươi-mát thổi vào thế-giới, bẻ gãy những gọng kìm và Chúa có thể tới gần giữa trần-gian.

Sau khi học xong, ngài giúp xứ một năm. Tôi nghe nói một năm đó ngài hầu như chỉ có cử-hành lễ tang?

Không, không phải. Là linh-mục phó xứ tôi mỗi tuần có 16 giờ dạy giáo-lí trong 6 lớp học, từ lớp 2 tới lớp 8. Chừng đó cũng đã đủ mệt rồi, nhất là mình vừa mới tập-tễnh vào nghề. Về lượng thời-gian thì đó là công-việc chính của tôi, và tôi sớm bị cuốn-hút vào đó vì rất mau thấy mình hợp với trẻ. Lúc đó tôi cảm-thấy thú-vị được thoát ra khỏi không-khí trí-thức để tập nói với trẻ. Thật là vui khi mình tìm ra được ngôn-ngữ để diễn-tả những ý-niệm trừu-tượng mà em nhỏ cũng hiểu.

Mỗi chủ-nhật tôi có ba bài giảng, một cho giới trẻ và hai cho người lớn. Và lạ-lùng thay những thánh-lễ trẻ đều đầy-ắp, vì có cả người lớn bổng-nhiên cũng đến dự. Cộng-đoàn chỉ có một phó xứ duy-nhất là tôi và mỗi chiều tối tôi lại phải một mình lo cho sinh-hoạt thiếu-niên nữa. Mỗi tuần có vài lễ-nghi rửa tội và cũng khá nhiều đám tang, đúng như ông nói, bắt tôi phải đạp xe xuyên khắp München.

Chỉ có mình ngài làm những công chuyện đó?

Phải, nhưng tôi có một vị chính xứ rất tốt là đức-ông Blumschein. Ông thật là một mục-tử gương-mẫu; ông không phải là một nhà trí-thức, nhưng là một người sống chết với nhiệm-vụ và rất nhân-từ.

Ngài đã là một trong những vị giáo-sư trẻ nhất nước Đức, được sinh-viên lắng-nghe. Một anh học-trò kể: Chúng tôi có một vị ăn-nói khác thường, đụng tới cái gì là sáng ra cái đó.

Tôi tin rằng một phần cũng là nhờ lúc đó mình còn trẻ. Dĩ nhiên tôi không soạn bài bằng cách đơn-thuần chắp-nối chi-tiết từ các sách giáo-khoa, nhưng tôi theo gương thánh An-tịnh cố-gắng liên-hệ được càng nhiều càng tốt nội-dung học với thực-tại và cuộc sống đầy vật-lộn của chúng tôi. Tôi nghĩ đó là cái sinh-viên thích nghe.

Trong một diễn-từ của giáo-sư Wolfgang Beinert khen-ngợi nhà thần-học Joseph Ratzinger có đoạn đại-ý như sau, thần-học của ngài thâm-thuý đáng bậc sư-phụ và gắn liền với con người ngài. “Đó là một tinh-thần phân-tích tỉnh-tảo, kết-hợp với một lực tổng-hợp mạnh”. Ngài có thể chỉ ra ngay và vạch trần rốt-ráo những nhược điểm thần-học. Ngôn-ngữ của ngài có “lực toả sáng cổ-điển”. Ngài thấy có đúng không?

Tôi nghĩ ở đây cũng như những diễn-văn ca-ngợi thường mang tính cường-điệu. Dĩ-nhiên tôi vẫn cố-gắng để có những phân-tích chân-thực và đã cố giúp các sinh-viên viết luận-án tiến-sĩ của tôi nhận-diện được những điểm yếu trong cách lập-luận của họ. Tôi không làm việc với từng sinh-viên, nhưng mỗi tuần chúng tôi làm việc với nhau khoảng hai giờ ; lần-lượt mỗi sinh-viên thuyết-trình những thành-quả thâu-lượm được và đem ra thảo-luận chung. Lối làm việc này đối với tôi rất quan-trọng và đó cũng là kinh-nghiệm kết-tinh của con người. Tôi tin với lối này tất-cả chúng tôi đều được lợi.

Và dần-dần chúng tôi mở rộng vòng thảo-luận với những vị khách lớn. Chúng tôi đã tới nghe Congar[7] ở Strasbourg, nghe Karl Barth[8] ở Basel, và ngược lại đã mời Karl Rahner[9]. Những buổi đó thật hào-hứng. Chúng tôi không từ chuyện gì để giúp nhau, phân-tích phê-bình thẳng-thắn trong ý-hướng xây-dựng không ác ý. Mặt khác, chúng tôi cũng không dừng lại ở phân-tích, mà cố đi tới những tổng-hợp.

Riêng ngài thấy cái gì cá-biệt trong thần-học của ngài hay trong cách ngài dạy thần-học?

Tôi khởi đi từ đề-tài Giáo-hội, đề-tài mà tôi luôn ấp-ủ. Điều tôi trước đây cho là quan-trọng và nay càng quan-trọng hơn là Giáo-hội hiện-diện không phải vì chính nó, nhưng là để giúp con người nhận-diện ra Chúa. Vì vậy tôi có thể nói rằng tôi nghiên-cứu môn Giáo-hội là để giúp hướng về Chúa. Trong chiều-hướng đó thì Chúa mới là đề-tài trọng-tâm trong nỗ-lực của tôi.

Tôi không bao giờ cố thử đưa ra một hệ-thống riêng, một thần-học mới-lạ nào. Cái cá-biệt, nếu muốn gọi đó là cá-biệt, là tôi đơn-giản muốn cùng suy-tư với niềm tin của Giáo-hội, nghĩa là cùng suy-nghĩ về niềm tin với các bậc thầy lớn của Giáo-hội. Đó không phải là một thứ thần-học lẻ-loi do tôi khởi-xướng, nhưng là một nỗ-lực mở rộng tối-đa trên con đường suy-tư chung của đức tin. Vì vậy đối với tôi môn chú-giải Thánh-kinh luôn rất hệ-trọng. Tôi không thể tưởng-tượng có một môn thần-học thuần triết-lí nào cả. Khởi đầu trước hết là lời Chúa. Và chúng ta tin vào lời đó, cố-gắng làm quen và thấu hiểu lời đó rồi cùng suy-nghĩ với các bậc thầy tư-tưởng về đức tin. Vì vậy, thần-học của tôi là một thứ vừa thâm-nhiễm Kinh thánh vừa thâm-nhiễm các giáo-phụ, đặc-biệt là An-tịnh. Nhưng tôi dĩ-nhiên không dừng lại ở Giáo-hội cổ, song bám sát vào những cao điểm suy-tư lớn, đồng thời đưa những suy-tư đương thời ra bàn-thảo.

Chân-lí là ý-niệm bản-lề trong suy-tư của ngài. “Cộng-sự viên của Chân-lí” là khẩu-hiệu ngài đã chọn khi làm giám-mục. Tại sao lại không thể là Cộng-sự viên của Thực-tại hay Cộng-sự viên của Khôn-ngoan?

Nếu không có cái này thì chẳng có cái kia. Chân-lí và Thực-tại đi đôi với nhau. Một chân-lí không thực-tại thì chỉ là thuần trừu-tượng. Và chân-lí không do “khôn-ngoan con người” mài dũa nên thì lại không phải là thứ chân-lí được con người chấp-nhận, mà đó là một chân-lí méo-mó.

Ngay từ đầu Chân-lí không phải là đề-tài chính của tôi. Nhưng trong quá-trình làm công-tác trí-óc tôi cảm-nhận rất sâu-xa vấn-đề này: mình có tự-phụ không khi nghĩ rằng có thể nhận ra chân-lí, mặc dù lí-trí mình có nhiều giới-hạn. Tôi cũng tự nhủ hay tới một lúc nào đó nên bỏ qua vấn-đề này đi thì tốt hơn. Nhưng rồi càng đeo-đuổi nó tôi càng nhận ra rằng nếu chối-từ chân-lí mình sẽ chẳng giải-quyết được gì hết, trái lại làm như thế là mình đưa đến độc-tài tuỳ-tiện. Nghĩa là hết thảy những gì có thể còn lại đều là do mình tự quyết-định và có thể hoán-đổi. Con người sẽ tự hủy-hoại phẩm-giá mình, nếu như nó không thể nhận-biết được chân-lí, nếu như mọi thứ chỉ còn là sản-phẩm của quyết-định tuỳ-tiện cá-nhân hay tập-thể.

Từ đó tôi dần hiểu ra điều hệ-trọng này là dù ý-niệm chân-lí chắc-chắn có những đe-doạ và nguy-hiểm trong nó, nhưng ta vẫn không thể bỏ qua nó, nó vẫn là một khái- niệm nền-tảng. Nó như là một đòi-hỏi đối với ta, không cho phép ta kiêu-căng, nhưng trái lại buộc ta phải khiêm-tốn và vâng lời và có thể qui chúng ta vào một mối chung. Sau cuộc vật-lộn dài với hoàn-cảnh tinh-thần của thời-đại hôm nay tôi dần nghiệm ra vị-trí ưu-tiên của chân-lí. Cái ưu-tiên này, như đã nói, không thể nắm-bắt một cách trừu-tượng, nhưng dĩ-nhiên đòi-hỏi phải có khôn-ngoan bắc cầu.

Anh ngài đã nói về người em như sau: “Cái mạnh thì chú ấy còn phải chứng-tỏ, nhưng khi tình-thế đòi-hỏi, chú ấy hoàn-thành mọi nhiệm-vụ mình với hết lương-tâm”. Ngài là con người của lương-tâm?

Tôi cố-gắng sống theo lương-tâm. Tôi không dám cả-quyết tôi là người của lương-tâm. Nhưng điều tôi xem ra quan-trọng là không được vì để chiều đám đông hoặc để được họ công-nhận mà hi-sinh chân-lí. Điều này luôn là một cám-dỗ lớn. Dĩ-nhiên tiếng gọi lương-tâm cũng có thể đẩy con người tới chỗ nghĩ rằng chỉ có mình đúng, mình phải chống lại tất-cả. Nhưng với tôi, việc nghe theo tiếng lương-tâm và sẵn-sàng đặt sự hiểu-biết và điều thiện lên trên thị-hiếu và dư-luận là một lí-tưởng và bổn-phận phải theo. Tôma Morus[10], hồng-y Newman[11] và những chứng-nhân lớn khác – chúng ta có những nhân-vật lớn bị bách-hại dưới thời Quốc-xã chẳng hạn như Dietrich Bonhoeffer[12] – đều là những mẫu-gương lớn của tôi.

Tuy nhiên có lần ngài đã khẳng-định, con người sống theo lương-tâm đó phải đặt “chân-lí trên cả cái thiện”. Tôi thấy tư-tưởng này không phải là không nguy-hiểm. Như thế có khác gì hành-động của một đại án-quan toà thẩm-tra thánh thời xưa, như Dostojewski đã mô-tả?

Cái thiện ở đây được hiểu là sự quá dễ-dãi không đúng chỗ, không muốn bị rắc-rối, phiền-hà. Thái-độ này rất phổ-biến, đặc-biệt trong lãnh-vực chính-trị, người ta « không muốn mất thiện-cảm ». Để tránh gây rắc-rối hay bị phiền-hà người ta sẵn-sàng chấp-nhận cái giả-dối, cái bất-lương, bất-chính, bất-thiện. Người ta sẵn-sàng hi-sinh chân-lí để mua sự thoải-mái, thành-công, danh-vọng, để được dư-luận đồng lòng. Tôi không chống lại cái thiện một cách chung-chung. Chỉ với cái thiện thì sự thật mới thành-công, mới chiến-thắng. Cái thiện tôi nói đến trên kia chỉ là một bức tranh biếm-hoạ khá phổ-biến của cái thiện. Nghĩa là người ta dùng chiêu-bài cái thiện để chối-bỏ lương-tâm, để mua dư-luận, để tránh phiền-hà, để được an-thân, để được tiếng.

Người ta mô-tả ngài là người có “tính kiên-trì của giống dân Bayern xưa” và cũng có “lòng đạo sốt-sắng và đơn-sơ”. Tất-cả những đức-tính đó xuất-phát từ một chiều-kích sâu thẳm mà ta chỉ có thể mô-tả bằng từ ba-rốc[13]. Một đàng người ta bảo ngài là kẻ ý-thức rất rõ về hố thẳm nhân-sinh, nhưng đàng khác ngài lại “giữ cho mình cảm-nghiệm về cái đẹp tươi-sáng của tạo-vật được cứu-rỗi”. Nghe thật mâu-thuẫn?

Ta có thể nói rằng cuộc sống không mâu-thuẫn, nhưng đầy chuyện ngược đời. Vui khi nhắm mắt trước những nỗi kinh-hoàng của lịch-sử thì niềm vui đó cuối cùng chỉ là dối-trá hay không-tưởng, chỉ là trốn chạy. Nhưng ngược lại: ai không còn khả-năng để nhận ra được rằng Tạo-hoá vẫn còn soi-sáng thế-gian tăm-tối này thì kẻ đó hoặc là người hoàn-toàn hoài-nghi yếm-thế, là kẻ đã hết sức sống hay là nên đưa tay tiễn-biệt cuộc đời đi là vừa. Như vậy, thái-độ chấp-nhận hố thẳm lịch-sử và hố thẳm cuộc đời cũng đi đôi với cái nhìn đức tin về sự hiện-diện của sự thiện, cho dù nhiều khi ta khó thấy sự liên-quan giữa hai thái-độ đó với nhau. Chính khi ta muốn chống lại sự dữ, ta lại càng không nên để mình rơi vào chủ-nghĩa đạo-đức u-buồn, nhưng lúc đó hãy thấy rằng cuộc đời còn có bao nhiêu là cái đẹp, nhờ đó ta mới có sức vượt thắng những gì phá đổ niềm vui kia.

Ta có thể dùng thần-học như một trò chơi không, như nhà văn Hermann Hesse[14] đã viết trong tác-phẩm “Glasperlenspiel”(Nhạc-cụ thủy-tinh) của ông?

Như vậy không đủ. Tôi muốn nói rằng cũng có yếu-tố trò chơi trong đó. Nhưng thần-học không nhằm dựng lên một thế-giới giả-tạo, không phải là một loại suy-nghĩ toán-học như trong “Glasperlenspiel”, mà nó thực-chất là một cuộc đụng-độ với thực-tại, với mọi khía-cạnh và đòi-hỏi của nó. Như vậy yếu-tố trò chơi là một phần của thần-học, vì trò chơi cũng đúng là một thành-tố của cuộc sống con người, nhưng nó không đủ để luận-bàn về thần-học.

Ngài cũng ưa một tác-phẩm khác của Hesse, cuốn “Steppenwolf” (Sói miền thảo-nguyên). Tiểu-thuyết này được coi là một trong những tài-liệu quan-trọng nhất nói về sự bi-quan văn-hoá và chủ-nghĩa hiện-sinh trong giai-đoạn ban đầu. Trong đó Hesse tả một con người tâm-bệnh quá nhạy-cảm. Những dằn-vặt nội-tâm của nhân-vật này cũng là một thứ chẩn-đoán cơn bệnh thời-đại. Mô-tả của Hesse có liên-hệ gì với con người ngài không?

Không. Lối chẩn-đoán và tiên-đoán của cuốn sách quả là một khám-phá đối với tôi. Một cách nào đó cuốn sách loan-báo tất-cả những vấn-đề mà chúng ta phài đối diện trong những thập niên 1960’, 1970’. Sách tả chỉ một nhân-vật, nhưng nhân-vật đó đã tự phân thành nhiều dạng hình để cuối cùng dẫn đến sự tự huỷ mình. Việc cường-điệu cái Tôi trong đó cũng có nghĩa là sự huỷ-hoại chính nó. Nghĩa là không có hai hồn trong một quả tim, mà chỉ là con người đã bị huỷ-diệt. Tôi đọc không phải để qui-chiếu vào mình, nhưng dùng nó như một chìa khoá để thấu hiểu trước và vạch trần vấn-nạn của con người cô-đơn và muốn tự thu mình vào cô-đơn trong thời hiện-đại.

Quan-niệm về đa dạng nhân-cách, nghĩa là người ta cho rằng con người không nên giữ nguyên một bản-sắc, nhưng nên tạo cho mình nhiều nhân-cách, hôm nay có thể khoác cho mình bộ mặt này, mai có thể mang một bộ mặt khác. Quan-niệm đó bắt đầu rộ nở thật sự trong thời-đại chúng ta. Mọi chuyện đều có thể. Cá-nhân không còn bị buộc chặt vào một khuôn nào nữa, cuộc sống vì thế là một cuộc chơi không cùng với muôn cảnh muôn trò.

Chính cái thay-đổi tuỳ-tiện đó làm cuộc sống trở nên trống-rỗng. Cuộc đời không chỉ đơn-thuần là một cuộc chơi. Nó quá quan-trọng, vì trong đó ta phải đối diện với sự chết và đau-khổ. Con người có thể để mất bản-sắc, nhưng không thể trốn chạy khỏi trách-nhiệm, và quá-khứ cuộc sống sẽ luôn mang nó về với trách-nhiệm đó.

Và rồi ngài nghiễm-nhiên là một giáo-sư, ngài đã dạy ở Bonn, Münster, Tübingen và Regensburg. Nội-dung giảng-dạy của ngài mang chất cải-cách. Hồng-y Joseph Frings ở Köln cuối cùng đã mời ngài làm cố-vấn riêng. Thế rồi có chuyện lạ xẩy ra. Công-đồng đã được chuẩn-bị xong mọi chi-tiết từ lâu. Nhưng sau khi hồng-y Frings đọc bài diễn-văn nẩy lửa do cố-vấn mình viết, thì mọi dự-thảo công-đồng bỗng-nhiên được thảo lại và các phiên họp dự-trù phải được sắp-xếp lại. Chuyện thật xẩy ra như thế nào?

Như Karl Rahner thường nói, không nên đánh-giá quá cao vai-trò cá-nhân. Công-đồng là một tập-thể lớn, trong đó cá-nhân có thể đưa ra những đóng-góp có tính-cách quyết-định, nhưng chúng chỉ có thể thành hình khi tập-thể muốn điều đó. Có thể những người khác cũng đã nẩy ra những ý như thế nhưng chưa diễn ra được, tập-thể cũng đang chờ-đợi cái gì đó.

Hoàn-cảnh của Công-đồng lúc đó là : các nghị-phụ không đến dự chỉ để thông qua những văn bản đã soạn sẵn hoặc, có thể nói, để làm công-việc chưởng-bạ. Nhưng, thể theo chức-vụ mình, các ngài đến để cùng nhau gắng sức tìm cho ra từ-ngữ cần nói lên trong thời-điểm đó. Ý-tưởng chung của các ngài lúc đó là chính các ngài phải ra tay thực-hiện nghĩa-vụ của mình, không phải để gây đảo-lộn đức tin, nhưng trái lại để phục-vụ đức tin một cách đúng-đắn. Theo cái nhìn đó thì diễn-từ khai-mạc của hồng-y Frings (cũng như diễn-từ của hồng-y Liénart/Lille) thực ra chỉ là nói lên điều các nghị-phụ đang ý-thức.

Ngài đã viết gì trong diễn-từ đó?

Trước hết nó không phải do tôi viết, đó cũng chẳng phải là một diễn-văn. Chuyện thế này, Rôma lúc đó đã có sẵn những danh-sách đề-nghị người vào các bộ và các uỷ-ban. Nhiều vị thấy như vậy chưa được. Vì thế hồng-y Frings và cả hồng-y Liénart đưa tay góp ý là chúng ta nên triển-hạn việc bầu, vì cần phải gặp nhau trước để biết ai hợp với lãnh-vực nào đã. Đó quả là tiếng nổ đầu tiên khi Công-đồng bắt đầu. Nếu nghĩ lại thì đấy là chuyện chẳng gay-gắt gì cho cam. Việc tìm ra ứng-viên thích-hợp là chuyện thường-tình. Cái ý bất-chợt của hai hồng-y cũng là ý của toàn hội-nghị.

Chuyện thứ hai xẩy ra khi bản văn về mạc-khải được đưa ra để thảo-luận – câu chuyện tôi kể có thể gồm nhiều biến-cố trong đó. Lúc đó hồng-y Frings tuyên-bố – tôi có góp tay trong lời tuyên-bố này – rằng bản văn soạn sẵn không thích-hợp để làm việc, nó cần phải được các nghị-phụ soạn lại từ đầu. Đúng là một quả bom. Kết-quả kà các nghị-phụ phát-biểu chính các ngài sẽ viết lại các văn-kiện từ đầu.

Bài diễn-từ thứ ba, một diễn-từ trở thành nổi tiếng, là chuyện hồng-y Frings yêu-cầu Thánh-bộ đức tin phải cải-tổ các phương-pháp làm việc và công-việc này phải được tiến-hành một cách trong-sáng. Đó là ba phát-biểu đã gây tiếng vang trong dư-luận.

Trái bom đã được chuẩn-bị trước? Và ngài đã không ngạc-nhiên về kết-quả của bài phát-biểu?

Có lẽ nó đã làm nhiều người ngạc-nhiên, nhưng nó cũng hợp với mong-đợi chung. Hồng-y Frings trước đó đã tiếp-xúc với một số cá-nhân và biết được họ cũng mong chuyện đó. Có thể nói, điều hồng-y Frings nói ra hợp với mong-đợi của nghị-hội.

Ngài được kể là một nhà thần-học tiến-bộ. Đã là một ngôi sao sáng lúc còn là giáo-sư, các giờ giảng bài của ngài đầy ắp sinh-viên. Ngài thảo-luận công-khai về sự thẳng-thắn và khoan-dung. Ngài cũng chống lại cung-cách tân kinh-viện cứng-nhắc của Rôma và đổ cho các vị trách-nhiệm ở đó làm ngưng-trệ Giáo-hội. Là một nhà thần-học trẻ ngài lúc đó đã phàn-nàn là Giáo-hội đưa ra “quá nhiều luật-lệ, nhiều cấm-đoán quá cứng-nhắc, nhiều thứ trong đó đã khiến người ta chẳng còn màng gì tới chuyện mất niềm tin của thế-kỉ này, thay vì ra công giúp con người trở về với ơn cứu-độ”. Có thể nói rằng, không có sự dấn-thân của ngài thì những cải-cách của Vatican II đã không có được.

Người ta nói quá lời về tôi. Nếu lúc đó đã không có nhiều người cùng nghĩ như thế thì làm sao một cá-nhân, nhất nữa tôi là một nhà thần-học chưa có tiếng-tăm quốc-tế nào, lại có thể tạo được những biến-chuyển, cho dù nhà thần-học ấy nói ra nhờ cửa miệng của một hồng-y có tiếng.

Sau khi giáo-chủ Gio-an XXIII triệu-tập Công-đồng và đưa ra khẩu-hiệu “Aggiornamento” (Cập-nhật với thế-giới hôm nay) thì trong các nghị-phụ cũng có ý-muốn mạnh-bạo phải tìm cái gì mới, cần phải ra khỏi sách-vở khuôn-sáo cũ, cần phải mạnh-dạn với một tự-do mới. Không-khí đó lan từ Nam Mỹ tới Úc châu. Lúc đó Phi châu đã có không-khí đó chưa thì tôi không biết. Nhưng chắc-chắn là đại đa-số các giám-mục đã mang tâm-trạng đó.

Tôi không còn nhớ từng câu mà ông đã trưng, nhưng đúng là tôi lúc đó quan-niệm rằng thần-học kinh-viện, như nó vẫn đóng khung như bấy giờ, đã không còn là dụng-cụ thích-hợp nữa để nói chuyện đức tin với thế-giới ngày nay. Phải thoát ra khỏi vỏ cứng đó, phải đương-đầu với tình-trạng ngày nay bằng ngôn-ngữ mới, bằng sự cởi-mở mới. Vì thế trong Giáo-hội cũng phải có bầu khí tự-do lớn hơn. Có lẽ một phần cũng do nhiệt-huyết tuổi trẻ mà tôi đã mạnh-dạn với ý-nghĩ đó. Nhưng nói chung trong lòng Giáo-hội lúc bấy giờ, song-song với không-khí tưng-bừng lạc-quan của thời hậu chiến, đã mang tâm-thức và niềm hi-vọng là chúng ta có thể bắt đầu một thời-điểm mới cho Ki-tô giáo.

Ngài vẫn thường nhấn mạnh luôn cố-gắng trung-thành với công-đồng Vatican II và “chẳng muốn quay về cái quá-khứ hôm qua không thể trở lại” nữa. Nhưng đàng khác, chỉ ít năm sau Công-đồng, ngài lại kể ra những tiêu-cực và “tình-trạng phản Công-đồng ». Người ta chờ thay vì một bước nhảy-vọt đi tới thì lại chứng-kiến một “tiến-trình suy-sụp”. Cái gì đã trệch đường?

Đó là vấn-nạn lớn nhất đã đặt ra cho hết thảy chúng ta. Ta có thể kê ra các mong-chờ đã không được thực-hiện. Và ngày nay, những kẻ “cấp-tiến” đang lớn tiếng về một tình-trạng “mùa đông của Giáo-hội”. Chúng ta đã không chứng-kiến được một thời-điểm mới cho Ki-tô giáo, mà lại thấy nhiều bất-cập – bên cạnh một số thành-công, dĩ-nhiên –, điều đó chẳng cần phải dấu-diếm.

Tại sao thế? Tôi thử nêu lên hai điểm: Thứ nhất là vì chúng ta đã trông-mong nhiều quá. Chúng ta dĩ-nhiên không thể tự tạo ra Giáo-hội. Chúng ta có thể thi-hành công-việc của mình, nhưng thành bại không tuỳ ở hành-động của ta. Những biến-chuyển lớn lịch-sử có hướng riêng của chúng, mà một số biến-chuyển đó chúng ta đã không lường trước được đúng-đắn. Đó là điểm một, chúng ta đã chờ nhiều quá, và nhiều khi chờ những điều không phải, ta muốn Giáo-hội phải bành-trướng ra, nhưng thời-điểm của Giáo-hội có thể lại không phải như thế.

Điểm thứ hai là có một khoảng-cách lớn giữa những gì các nghị-phụ muốn và những gì chúng ta nắm được do truyền-thông cung-cấp và đã ảnh-hưởng lên ý-thức chung. Các nghị-phụ đã muốn cập-nhật đức tin – và qua đó muốn tạo sức bật cho đức tin. Nhưng ta thì lại nghĩ cải-cách của Công-đồng là nhằm trút đi những gì không cần-thiết để ta bớt đi được một số gánh nặng. Và như vậy cải-cách rốt cuộc xem ra không phải là sống đức tin cách triệt-để, nhưng chỉ là một cách làm loãng đức tin.

Càng ngày ta càng thấy những giản-lược, những thích-ứng và nhượng-bộ không phải là hình-thức đúng-đắn để làm nhẹ, đào sâu và cô-đọng đức tin. Nghĩa là tựu-trung có hai quan-điểm về cải-cách. Một quan-điểm nhắm tới việc bỏ bớt quyền-lực và yếu-tố bên ngoài để tập-trung vào đời sống đức tin. Còn quan-điểm kia có thể nói chỉ nhắm tới việc làm sao bỏ bớt ràng-buộc để sống cho thoải-mái. Như vậy thì lạc lối là cái chắc.

Rõ-ràng lối cắt-nghĩa trên vẫn tồn tại cho tới hôm nay. Thật lạ-lùng, phe cải-cách cũng như phe truyền-thống ai cũng bảo mình làm theo Công-đồng. Từ năm 1975 ngài đã tiên-tri là di-sản của Công-đồng “chưa được tỏ-hiện. Nó đang chờ thời-điểm của nó và tôi tin chắc rằng thời-điểm đó sẽ tới”.

Phải, đúng, có hai lối giải-thích Công-đồng. Tuy nhiên càng ngày càng rõ là các văn-kiện Công-đồng hoàn-toàn đặt nền-móng vào hướng liên-tục của đức tin. Hiện nay có nhiều người bảo các văn-kiện Công-đồng mới chỉ là đà khởi đầu, qua đó mình phải chọn lấy một hướng đi mà không cần phải bám sát vào các văn bản. Nói như vậy thì đâu còn gì là Công-đồng nữa. Dĩ-nhiên ta không để bị trói vào những từ-ngữ chết, nhưng ý-nghĩa đích-thực của các bản văn có thể nhận ra nếu được diễn-giải đúng-đắn; đó là di-sản lớn của Công-đồng. Chính từ đó mà ta phải đón-nhận, giải-thích và am-hiểu. Chính nhờ thế mà ta có được muôn vàn sáng-kiến đặc-biệt trong tương-quan mới đối với thế-giới, với sự giải-thích về tự-do tôn-giáo v.v.

Trong đó, dĩ-nhiên, cũng đầy-dẫy những chỉ-dẫn giúp đào sâu và khuyến-thích đức tin mà ta cần khai-thác. Đây là điều tôi muốn nhấn mạnh đặc-biệt: Di-sản thật của Công-đồng nằm nơi các văn-kiện của nó. Khi ta diễn-dịch chúng một cách trung-thực và đúng-đắn, ta sẽ tránh được thái-độ quá-khích của cả hai phía; và chúng sẽ mở ra cho chúng ta con đường tương-lai sáng-lạn.

Đánh gía của ngài về sự lạm-dụng Công-đồng có liên-quan gì đến bước khởi đầu cuộc nổi loạn của sinh-viên ở Âu châu (cuối những năm 1960’. ND)? Rõ-ràng có một chuyển hướng trong thời-gian ngài dạy học ở Tübingen. Từ một giáo-sư thần-học cấp-tiến ngài bổng dưng bị sinh-viên coi là kẻ thù. Họ giật mi-crô không để cho ngài nói. Biến-cố đó đã như một chấn-động đối với ngài. Về sau ngài tâm-sự: “Trong những năm đó tôi học được đến lúc nào thì phải chấm dứt thảo-luận, nếu không nó sẽ biến thành láo-khoét, và tới lúc nào phải ra tay chống-cự để bảo-toàn tự-do”.

Người ta không bao giờ giật mi-crô của tôi. Tôi cũng đã không bao giờ gặp khó-khăn gì với sinh-viên, chỉ có vấn-đề với những nhân-viên tạm gọi là thuộc cấp trung của đại-học mà thôi. Các buổi lên lớp rất trôi-chảy và việc tiếp-xúc với sinh-viên không có vấn-đề gì. Nhưng đúng, tôi thấy đây-đó len-lỏi vào một tinh-thần mới, người ta sử-dụng các phương-tiện ki-tô giáo một cách ý-hệ quá-khích và tôi thấy những giả-dối ở đây. Đây là thời-gian tôi thấy và chứng-kiến hai quan-điểm khác nhau về cải-cách. Tôi thấy có sự lạm-dụng về Giáo-hội và đức tin, được người ta dùng như những phương-tiện quyền-lực, nhưng để thoả-mãn những mục-tiêu riêng với những tư-tưởng và ý-niệm khác hẳn. Chẳng còn ý-hướng đồng-nhất phục-vụ cho đức tin nào nữa. Thay vì phục-vụ đức tin, người ta biến nó thành phương-tiện bởi những ý-hệ độc-đoán, tàn-bạo, man-rợ. Từ đó tôi hiểu rằng muốn thực-thi Công-đồng thì phải chống lại khuynh-hướng này. Như đã nói, tôi không có vấn-đề nào với sinh-viên. Nhưng tôi đã thấy sự độc-đoán, kể cả dưới hình-thức tàn-bạo, đã thực-sự được mang ra sử-dụng như thế nào.

Để cụ-thể-hoá những chuyện xẩy ra lúc đó, tôi kể về một cuốn sách của Beyerhaus vừa in. Beyerhaus là đồng-nghiệp tin-lành gắn-bó nhiều năm với tôi. “Thánh-giá Giê-su, phải chăng đó là một hình-thức vinh-danh bạo dâm và khổ-dâm?”. Và “Tân-ước là một tài-liệu về sự bất-nhân, một cuộc lừa-đảo tập-thể lớn !”. Hai khẩu-hiệu đó không xuất-phát từ truyền-đơn của đám bôn-xê-vích vô-thần, nhưng từ truyền-đơn của đại-diện sinh-viên phân-khoa “Thần-học tin-lành” của đại-học Tübingen trong mùa hè 1969 và được phân-phối trong sinh-viên. Tiêu-đề của truyền-đơn là: “Chúa Giê-su – Ông du-kích rởm”. Người ta dựa vào phê-bình tôn-giáo mác-xít để qui Giáo-hội vào tội đồng-loã với tư-bản để bóc-lột dân nghèo, để gán cho khoa thần-học truyền-thống vai-trò củng-cố tư-bản. Giáo-sư dạy môn Kinh thánh Tân-ước ở Tübingen cũng phụ-hoạ vào tuồng kịch này. Trong một cuộc họp toàn sinh-viên giáo-sư Ulrich Wickert và tôi đã làm mọi cách yêu-cầu ban đại-diện phân-khoa thần-học tin-lành tuyên-bố đứng ngoài những lời-lẽ phạm-thượng đó, nhưng vô-ích. Người ta khẳng-khái trả lời truyền-đơn chỉ nhắm vào những hậu-quả chính-trị mập-mờ, cần phải nêu chúng lên để tìm cho ra sự thật. Giáo-sư Wickert tha-thiết kêu-gọi hãy vứt câu “Giê-su đáng nguyền-rủa!” ra khỏi tập-thể này, lời kêu-gọi đã tan vào khoảng không. (P. Beyerhaus, Der kirchlich-theologische Dienst des Albrecht-Bengel-Hauses, in trong: Diakrisis 17, số tháng ba 1969, trang 9 tt.). Bên đại-diện phân-ban thần-học công giáo đã không xẩy ra chuyện tới mức như thế, nhưng luồng tư-tưởng căn-bản tương-tự cũng đã ập vào. Lúc đó tôi chợt hiểu ra vấn-đề: ai muốn tiếp-tục là cấp-tiến ở đây, kẻ đó phải bán nhân-cách mình.

Và giáo-trình “Nhập-môn Ki-tô giáo” nổi tiếng của ngài đã bắt đầu không hẳn một cách tình-cờ với câu chuyện chú Hans hạnh-phúc?[15]

Phải, đúng thế. Thời đó, sau khi trải qua những năm sôi-động, tôi chợt nhớ tới câu chuyện này. Cả Ki-tô giáo lúc khởi đầu cũng bị coi là một gánh nặng, y như thỏi vàng trong câu chuyện. Và càng ngày tôi càng rõ ra là nếu cứ tiếp-tục diễn-giải theo nhu-cầu giai-đoạn (như trong câu chuyện chú Hans) thì tình-hình càng thêm tệ hơn. Câu chuyện thần-thoại diễn-tả đúng tình-trạng thời đó. Song cần nhớ là tôi đã viết giáo-trình này vào năm 1967, nghĩa là trước khi những lộn-xộn xẩy ra.

Có người đoán nhân-vật Hans trong giáo-trình của ngài ám-chỉ Hans…

Không, hoàn-toàn không phải Hans Küng (linh-mục, nhà thần-học đương-thời người Thuỵ-sĩ). Tôi cực-lực minh-xác điều đó. Tôi hoàn-toàn không có ý tấn-công Hans Küng.

Ngài có thể đã là một nhà phê-bình lớn trong truyền-thống phản-kháng Giáo-hội ở Đức. Cái gì đã cản bước ngài? Hans Küng đoán là Phao-lô VI đã đem những chức-vụ lãnh-đạo ra để cầm chân một số đầu-óc chỉ-trích.

Tôi hoàn-toàn không biết chuyện đó. Phao-lô VI đã không nói gì với tôi về chuyện đó. Tôi chỉ gặp ngài vào năm 1977, nghĩa là sau lễ phong giám-mục của tôi. Chuyện tôi được phong tổng giám-mục giáo-phận München năm 1977 là cả một ngạc-nhiên và là một chấn- động cho tôi, hoàn-toàn chẳng phải là chuyện đền-đáp cho những nhượng-bộ xu-thời nào cả. Dù ở trong hoàn-cảnh nào, dù tư-tưởng của tôi có phát-triển và thay-đổi theo tuổi-tác, sức thúc-ép căn-bản đối với tôi, cả lúc còn làm việc cho Công-đồng, vẫn là làm sao tháo-gỡ hạt nhân đức tin khỏi những lớp vỏ xơ-cứng để đem lại cho nó sức mạnh và sự linh-động. Sức thúc-ép này rất kiên-định suốt đời tôi. Nó giữ tôi không sa vào hướng chống lại Giáo-hội. Dĩ-nhiên trách-vụ giám-mục có một số sắc-thái khác với vai-trò một giáo-sư. Nhưng điều quan-trọng là tôi không bao giờ đi trệch khỏi sự kiên định đó, nó đã ghi dấu trên cuộc đời tôi (kiên-định đó tôi đã thấm-nhuần từ thủa thiếu-thời) và tôi luôn trung-thành với hướng đi chính này của đời mình.

Chính ngài vẫn luôn công-khai tuyên-bố đặt mhiệm-vụ lên trên con người cá-nhân và không bao giờ làm ngược lại. Rõ-ràng thái-độ đó phù-hợp với ý-niệm của ngài về nhiệm-vụ, vâng-lời và phục-vụ. Chính những ý-niệm này đã bị những đợt biến-chuyển văn-hoá làm giảm giá.

Nhưng trước sau gì rồi con người cũng phải trở lại với những ý-niệm đó. Vì nếu không có sự sẵn-sàng qui-phục mình vào một toàn-thể với giá-trị ta đã nhận ra và chính mình không chịu phục-vụ thì làm sao có được tự-do chung. Tự-do con người luôn là tự-do được chia-sẻ. Nó phải được cùng nhau gánh-vác và vì thế nó đòi-hỏi phục-vụ. Các đức-tính đó, nếu ta muốn gọi chúng là đức-tính, hẳn nhiên có thể bị lạm-dụng bằng cách xếp chúng vào một hệ-thống sai-lạc. Thuần hình-thức, chúng có thể không tốt, mà chỉ tốt khi gắn liền với mục-đích nó phục-vụ. Trong trường-hợp của tôi, mục-đích đó là đức tin, là Chúa, là đức Ki-tô và vì vậy tôi biết chắc mình đã đặt chúng đúng chỗ.

Vào một lúc nào đó ngài bắt đầu chống lại các nhà thần-học và càng ngày càng to tiếng đối với các chỉ-trích trong nội-bộ thần-học. Một trong những câu chủ-chốt của ngài: “Đó là Giáo-hội của Chúa chứ không phải là chỗ thử-nghiệm cho các nhà thần-học”.

Tôi không muốn chống lại các nhà thần-học, vì như vậy là tôi chống chính mình. Thần-học là một dụng-cụ rất quan-trọng và cao-cả, và nhà thần-học cũng làm một công-việc trọng-đại. Cả phê-bình và tự phê-bình là một phần của thần-học. Tôi chỉ chống lại cái thần-học mất khuôn-thước và vì vậy không còn phục-vụ đúng-đắn được nữa. Vả lại, chúng ta là những người phục-vụ chứ đâu phải là kẻ có quyền bảo Giáo-hội phải thế này thế nọ. Đối với tôi đó là điểm quyết-định. Còn câu “đó là Giáo-hội của Chúa chứ không phải của chúng ta” là tôi muốn nói rằng không phải chúng ta là người bắt Giáo-hội phải ra thế này thế kia, nhưng mình là những người tin rằng chính Chúa đã lập nên Giáo-hội và vì thế phải cố-gắng để nhìn ra ý Ngài về Giáo-hội và sẵn-sàng phục-vụ cho Giáo-hội đó.

_____________________


[1]
Heidegger, Jaspers, Kant là những triết-gia hiện-đại người Đức. Steinbüchel là nhà thần-học.

[2] Habilitation: luận-án để có thể được nhận văn-bằng và tước-hiệu giáo-sư.

[3] Bonaventura (1221-1274): nhà thần-học kinh-viện lớn nhất bên cạnh Tôma Aquin, người Ý, dòng Phan-sinh, chịu ảnh-hưởng tư-tưởng của An-tịnh.

[4] Joachim Fiore (1130-1202): linh-mục viện-phụ dòng Xitô, người Ý, về sau bị giáo-triều tuyệt-thông; Joachim chia lịch-sử Giáo-hội ra làm ba thời : thời Chúa Cha, thời Chúa Con và thời Chúa Thánh-linh.

[5] Hegel (1770-1831): triết-gia người Đức.

[6] de Lubac (1896-1991): nhà thần-học người Pháp dòng Tên, cố-vấn công-đồng Vatican II.

[7] de Congar (1904-1995): linh-mục dòng Đa-minh, nhà thần học người Pháp, chuyên-viên công-đồng Vatican II, năm 1994 được tước hồng-y.

[8] K. Barth (1886-1968): triết-gia Tin-lành người Thuỵ-sĩ.

[9] K. Rahner (1904-1984): linh-mục người Đức, một trong những nhà thần-học nổi nhất của thế-kỉ 20.

[10] Thomas Morus (1478? –1535): nhà chính-trị và nhân-bản người Anh, đã bị vua Henry VIII xử tử vì không chịu công-nhận và tuân-phục Vua này như là vị giáo-chủ của Anh giáo.

[11] Newman (1801-1890): mục-sư Anh giáo trở lại Công giáo, nhà thần-học, luận-điểm về tự-do lương-tâm của ngài đã ảnh-hưởng trên công-đồng Vatican II.

[12] Bonhöffer (1906-1945): mục-sư tin-lành Đức, chống lại chế-độ Quốc-xã và đã bị chế-độ này hành hình.

[13] Barock : một lối nghệ-thuật đặc-thù trong kiến-trúc, hội-hoạ và âm-nhạc ở Âu châu, với cách trang-trí với nhiều hoa-văn, ảnh-tượng tươi-mát, và âm-điệu sống-động, đầu thế-kỉ 17 tới giữa thế-kỉ 18.

[14] H. Hesse (1877-1962): nhà văn người Đức, giải Nobel văn-chương năm 1946.

[15] Câu chuyện thần-thoại của Đức, tả anh làm công Hans được chủ trả lương bằng một thỏi vàng lớn. Trên đường về nhà, để khỏi phải khệ-nệ mang thỏi vàng nặng, Hans đã lần-lượt đổi nó để lấy nhiều thứ nhằm thoả-mãn cho nhu-cầu trước mắt của mình và cuối cùng vui-vẻ về tới nhà với tay không.

*******

1.3 Giám Mục và Hồng Y

Năm 1977 ngài được đức Phao-lô VI tuyển-chọn làm giám-mục tổng giáo-phận München và Freising như là một “bậc thầy có tiếng của nền thần-học”. Ít lâu sau được tước hồng-y. Sứ-mạng giao-phó cho ngài lúc đó là “Hãy làm việc trong cánh đồng Thiên-chúa”. Cái gì đã đánh-động ngài khi trở thành Giám-mục München?

Dĩ-nhiên khởi đầu tôi băn-khoăn không biết mình có nên và có được phép nhận hay không. Tôi không có kinh-nghiệm mục-vụ bao nhiêu. Ngay từ đầu tôi vẫn tin là mình có ơn-gọi dạy học và tin là thời-điểm đó – lúc đó tôi 50 tuổi – là lúc tôi đã nhận ra được cái nhìn thần-học của riêng mình và nghĩ rằng mình sẽ hoàn-thành được một công-trình khả-dĩ đóng-góp vào nền thần-học chung. Tôi cũng biết tôi thiếu sức khoẻ và rằng nhiệm-vụ kia sẽ đòi-hỏi rất nhiều dẻo-dai thể-xác.

Sau khi được cố-vấn, tôi tự nhủ trong hoàn-cảnh quá đặc-biệt này, như ngày nay chúng ta đã thấy, tôi phải chấp-nhận cả cái đề-nghị xem ra ngay từ đầu không hợp với đường-hướng cuộc đời mình. Trong thời-đại hôm nay vấn-đề của Giáo-hội gắn chặt với vấn-đề của thần-học. Với hoàn-cảnh đó thì các nhà thần-học cũng phải sẵn-sàng gánh trách-vụ giám-mục. Vì vậy tôi đã nhận sự đề-cử với ý-huớng – như qua khẩu-hiệu giám-mục của tôi – làm một “Cộng-tác viên của chân-lí”. “Cộng-tác viên” ở đây tôi muốn nói đến số nhiều. Nghĩa là muốn đóng-góp đặc-sủng mình, nếu tôi được phép nói như thế, cùng chung với nhiều người cộng-tác khác, và đóng-góp khả-năng cũng như hiểu-biết thần-học của mình vào nỗ-lực lái con thuyền Giáo-hội đi đúng hướng và làm sao để di-sản Công-đồng được khai-thác đúng.

Điều nổi bật là thái-độ của ngài đối với tình-trạng luân-lí đương thời sau khi bước lên ghế giám-mục. Ngài thường nói tới chuyện phá-hủy truyền-thống và tính chính-thực. Ngài đả-kích một số lực li-tâm đang gây ra tình-trạng hỗn-loạn. Hồi đó có lẽ không ai lên tiếng phê-bình thời-đại triệt-để và gay-gắt như ngài. Ngài cảnh-giác về nạn của-cải và hưởng-thụ đang bóp nghẹt con tim hoặc nói về cái cười nhạo của quỷ ma đang xuất-hiện đàng sau bao nhiêu biểu-hiện của thời-đại. Cái gì khiến ngài hành-xử như vậy? Ngài có tiên cảm nào về tương-lai không? Tại sao lại phê-bình xã-hội gay-gắt như thế?

Ngày nay người ta nói nhiều về vai-trò ngôn-sứ của Giáo-hội. Từ-ngữ đó đôi lúc bị lạm-dụng. Nhưng đúng là Giáo-hội không bao giờ được phép chạy theo thời. Giáo-hội phải nói lên cái xấu và cái nguy của thời-đại; phải nhắc-nhở lương-tâm những kẻ có quyền, cả những người trí-thức, và cả những kẻ thờ-ơ hẹp-hòi trước những nỗi thống-khổ của thời-đại. Là giám-mục, tôi thấy có nhiệm-vụ phải làm chuyện đó. Lại nữa tình-trạng suy-đồi quá hiển-nhiên: Đức tin mệt-mỏi, ơn-gọi tu-trì sút-giảm, luân-lí đạo-đức xuống cấp ngay cả trong giới giáo-sĩ, tình-trạng bạo-lực càng ngày càng tăng v.v. Lời Chúa trong Kinh thánh và những lời của các giáo-phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng-nề những mục-tử nào làm chó câm để tránh bị phiền-toái và vì thế để cho nọc độc lan-tràn. Im-lặng không phải là bổn-phận hàng đầu của người công-dân và riêng tôi, tôi kinh-sợ cảnh một giám-mục chỉ biết an-phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền-phức và lấp-liếm xung-đột.

Thời-gian giám-mục của ngài ở München đã không thiếu xung-đột, nhưng dù vậy ngài cũng đã được người ta kính-nể như là một người đề cao truyền-thống, vì ngài đã chứng-tỏ mình là “người nắm vững nhất những kiến-thức của truyền-thống giáo-huấn”. Thời đó nhật báo “Süddeutsche Zeitung” viết, ngài là người có khả-năng đối-thoại nhất trong số những người bảo-thủ trong Giáo-hội. Nhưng nhận-định trên thay-đổi nhanh-chóng, trễ nhất là kể từ ngày ngài được gọi về Rôma coi Thánh-bộ đức tin vào năm 1981. Hôm lễ chia tay ngài cũng đã tiên-báo “Không phải mọi tin-tức từ Rôma đến đều dễ nghe”.

Tới nay tôi vẫn mừng là khi còn ở München tôi đã không né-tránh xung-đột, vì như đã nói, nín thở qua sông, theo tôi, là lối lãnh-đạo tồi nhất. Ngay từ đầu tôi biết ở Rôma tôi sẽ phải làm những công-tác chẳng dễ chịu chút nào. Nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã không ngừng tìm đối-thoại và nỗ-lực đó đã mang lại rất nhiều thành-công. Giờ đây chúng tôi đã có được những mô-hình đối-thoại thường-xuyên với các hội-đồng giám-mục và các bề-trên của các hội-dòng lớn. Những đối-thoại đó đã giải-quyết được thật nhiều vấn-đề mà thoạt đầu tưởng như những khối đá chắn đường. Nhất là đã có rất nhiều trao-đổi chân-tình với các giám-mục trên thế-giới, tôi nghĩ những gặp-gỡ đó đã làm cho cả hai phía hài lòng.

Ngài có cảm-thấy mình thích-hợp hoặc thậm chí được tiền-định cho vai-trò này?

Nói vậy là quá đáng. Trước đó hai hay ba năm tôi chẳng nghĩ gì tới chuyện đó. Tôi hoàn-toàn xa-lạ, chẳng có liên-hệ gì với thế-giới giáo-triều Rôma. Chỉ qua Công-đồng tôi mới học biết nó đôi chút, nhưng cũng như cỡi ngựa xem hoa thế thôi, và dĩ-nhiên là chẳng tiền-định tí nào.

Ngài đã biết trước rằng Giáo-chủ người Ba-lan, mà ngài đã quen khá lâu trước đó, sẽ gọi ngài sang Rôma?

Không. Tôi làm quen với ngài trong dịp họp thượng hội-đồng năm 1977. Nhưng chỉ quen thực sự qua cuộc họp mật-viện năm 1978, nghĩa là cũng mới quen thôi. Chúng tôi thông-hiểu nhau một cách tự-nhiên. Nhưng ngài có nghĩ tới tôi không thì thực tình tôi không biết.

Đó là một quyết-định hoàn-toàn cá-nhân của Gio-an Phao-lô II?

Tôi nghĩ như vậy, tôi không bao giờ hỏi ngài về chuyện đó. Cũng có thể ngài đã được cố-vấn về chuyện này. Tôi nghĩ đó là một quyết-định của cá-nhân ngài.

Ngài là một người Đức, điều đó có lợi hay bất lợi?

Người ta vẫn nghĩ người Đức là người thế nào rồi. Cũng vì vậy mà người ta hay đổ những quyết-định không mấy dễ nghe cho tính cứng đầu của người Đức. Nguyên-tắc một cách quá-khích và thiếu linh-động được xem là những nét cá-biệt của người Đức. Khi người ta chế ra chữ “Hồng-y thiết-giáp” để gọi tôi thì hình-ảnh đó cũng được liên-tưởng với đặc-tính Đức. Mặt khác, chưa bao giờ có ai, ít là trước mặt tôi, tỏ ra thù-hận hoặc quá quan tâm tới vì tôi là người Đức. Mọi người đều hiểu rằng tôi không làm việc riêng cho mình, nhưng cho tập-thể và những việc tôi làm không mang tính-chất cá-nhân một người Đức, nhưng là trách-nhiệm phục-vụ và chức-vụ do giáo-triều đòi-hỏi.

Cái gì làm ngài gắn-bó với Giáo-chủ từ Ba-lan? Đó là một thứ tình-cảm thân-thuộc tự bản-chất?

Tôi gắn-bó với ngài trước hết vì tính thẳng-thắn, cởi-mở và thân-tình toát ra từ ngài. Cả tính hài-hước và lòng đạo-đức thâm-sâu không giả-dối của ngài. Người ta có cảm-tưởng ngài là một người của Chúa thật. Một người không kiểu-cách, một người thật-sự thuộc về Chúa và trên hết một người có cái gì rất riêng-tư nhờ đã trải qua nhiều kinh-nghiệm trong cuộc sống và suy-tư. Gặp ngài, ai cũng cảm được là ngài đã phải đau-khổ và đã phải nhẫn-nại lắm với ơn-gọi của mình. Ngài đã trải qua thảm-kịch hết Đức tới Nga chiếm-đóng Ba-lan, rồi tới chế-độ cộng-sản ngự-trị trên đất-nước mình. Ngài đã tự hình thành cho mình một lối nghĩ, đã làm quen với nền triết-học Đức và đã đi sâu vào lịch-sử tư-tưởng Âu châu. Và ngài cũng đã nắm-bắt được những điểm chính của nền thần-học, những điểm vượt ra khỏi những con đường có sẵn. Sự phong-phú tinh-thần, niềm vui cả trong đối-thoại và giao-tiếp, tất-thảy những cái đó làm tôi có cảm-tình ngay với ngài.

Cả hai được coi là những người rất trí-thức và nhậy-cảm, trẻ và thích tranh-biện. Một quan-sát viên đã viết, cả hai trên căn-bản là những “nhà cải-cách tinh-khôn và là những nhân-vật công-đồng, nhưng cái bi-quan của họ đã khiến họ nhìn thế-giới ngày nay như đang bên bờ thảm-họa toàn cầu”. Thời đó cả hai người có bàn với nhau kĩ về con đường và đích-điểm sẽ dẫn Giáo-hội đi tới không?

Không, hoàn-toàn không. Một lần Giáo-chủ nói với tôi là ngài có ý-định đưa tôi về Rôma. Tôi trình-bày cho ngài những lí-do không muốn của mình và ngài bảo chúng ta hãy cứ suy-nghĩ thêm. Sau vụ ám-sát hụt, chúng tôi lại nói chuyện với nhau, và ngài cho biết vẫn giữ nguyên ý-định ban đầu. Tôi đáp lại rằng tôi tha-thiết với thần-học và muốn giữ lại quyền viết và phổ-biến những quan-điểm riêng của mình, và tôi cho hay việc này có lẽ không thích-hợp với vai-trò được đề-nghị. Nhưng việc đó nhiều người khác trước tôi đã làm và ngài bảo điều đó chẳng phải là một cản-trở, chúng ta có thể song-hành làm chuyện đó được. Ngoài ra không có chuyện xếp-đặt trước với nhau một chương-trình nào.

Bộ tín-lí không hẳn là một cơ-quan được yêu-chuộng nhất. Ai cũng biết rằng tiền-thân của định-chế này là Toà thẩm-tra thánh. Ngài có đường-hướng nào cho chức-vụ của mình?

Trước hết, tôi muốn thay lối quyết-định cá-nhân bằng lối làm việc tập-thể và nâng tầm quan-trọng của từng uỷ-ban lên. Tôi cũng muốn đối-thoại với thần-học và giữ mối thân-tình với các nhà thần-học, và với cả các giám-mục, bởi vì kẻ trực-tiếp làm việc với chúng tôi thực ra là các giám-mục. Chuyện đó thành-công như thế nào tôi không dám nói. Nhưng chúng tôi đã nỗ-lực rất nhiều để đẩy mạnh tiếp-xúc với các giám-mục. Chúng tôi đã đi khắp thế-giới để tiếp-xúc với các Uỷ-ban đức tin và các giám-mục tại đó và bây giờ lại bắt đầu vòng lại từ đầu. Chúng tôi đã tăng-cường những cuộc gặp-gỡ nhân những chuyến viếng giáo-đô của các giám-mục và cố-gắng mở rộng nhóm cố-vấn thần-học, nhất là mở rộng vai-trò của các Uỷ-ban thần-học và Uỷ-ban Kinh thánh hết sức có thể. Đó là những tiêu-điểm đã và đang theo-đuổi của tôi.

Ngài cũng muốn tạo ảnh-hưởng?

Tôi hơi sợ làm điều đó, bởi vì khi ta muốn đặt ý riêng lên trên thì lúc đó mình cũng có thể dễ đưa quá nhiều cái riêng-tư vào chức-vụ. Nhưng điều cũng làm cho tôi hứng-khởi là được đóng-góp suy-tư và tiếp tay trong khả-năng mình trước hoàn-cảnh khó-khăn của Giáo-hội.

Có bao giờ ngài cảm-thấy như đang nắm quyền-lực trong tay?

Có, nhưng rất ít. Bởi vì chúng tôi thật ra chẳng có quyền gì nhiều. Chúng tôi chỉ có thể kêu-gọi các giám-mục và tới lượt họ các giám-mục lại phải kêu-gọi các nhà thần-học hoặc các bề-trên hội-dòng. Hoặc là chúng tôi cố-gắng tạo cơ-hội trao-đổi. Dĩ-nhiên cũng có những biện-pháp kỉ-luật, mà chúng tôi cố-gắng tối-đa tránh dùng đến, chúng tôi thật ra không có quyền hành-pháp. Nhưng trong mọi trường-hợp cần có thiện-chí và đồng lòng của cả hai phía trong mục-đích phục-vụ Giáo-hội.

Tôi muốn hỏi là ngài có cảm thấy mình có quyền không?

Có lẽ một cách khách-quan thì thế nào cũng có chút quyền trong đó, nhưng cá-nhân tôi không cảm-thấy mình có quyền gì thật lớn. Bởi vì thật ra cuối cùng cũng chẳng có vũ-khí nào khác hơn ngoài lí-lẽ và lời kêu-gọi vì đức tin. Chỉ khi hợp với đường-lối Giáo-hội và kẻ trong cuộc chấp-nhận thì việc làm của chúng tôi mới có ý-nghĩa. Tôi ít khi có cảm-giác mình là người quyền-thế.

Trong bài giảng ngày chia tay giáo-phận để về Rôma, ngài ví mình là một kẻ hoài-nghi, than rằng đã gieo nhiều nhưng chẳng có gặt, và rồi tự hỏi: “Sứ-vụ này thật có cần-thiết không?”. Và tiếp: “Phải chăng ta cần một Giáo-hội hoàn-toàn khác và một chức-vụ hoàn-toàn khác. Và kẻ hoài-nghi cũng cảm thấy gánh nặng cô-đơn càng ngày càng khó thở, và cuộc sống độc-thân, cái mà mình thoạt tiên không muốn nhưng chấp-nhận vì một ơn-gọi khác, có còn ý-nghĩa gì không. Mình cảm thấy bị bóng tối bủa vây, và rốt cuộc muốn trở thành một con người bình-thường như những người khác, muốn chỉ còn là chính mình.” Khiến người nghe phải thắc-mắc, không biết con người yếu tin đó và ngài Hồng-y đang kể chuyện có phải là một không.

Thật tiếc tôi không còn nhớ gì về bài giảng đó. Dĩ-nhiên một người có đức tin phải nêu lên cho mình những câu hỏi đó. Trong giáo-trình “Nhập-môn Ki-tô giáo” tôi cũng viết đức tin không loại-trừ thắc-mắc. Khi không còn thắc-mắc, đức tin có thể sẽ dần khô héo. Đây không phải là những câu hỏi mơ-hồ, song là những điều bắt chính tôi phải trả lời. Có thể nói chúng đã được gài sẵn trong sự phó-thác nền-tảng của đức tin. Không thể gạt phăng những vấn-nạn đó ra khỏi sự phó-thác nền-tảng này, nhưng bằng cách nào đó có thể chấp-nhận chúng.

********

1.4 Bộ Trưởng bên cạnh Giáo Chủ

Theo giáo-luật, nhiệm-vụ của Bộ tín-lí là “làm thăng-tiến…, canh-chừng để giáo-huấn lành-mạnh được tuân-giữ…, điều-chỉnh các lầm-lạc và đưa kẻ lạc đường về nẻo ngay”. Có lẽ chẳng thích-thú gì khi cứ phải theo sau người ta để nhắc-nhở cảnh-cáo và nếu cần thì dùng biện-pháp kỉ-luật. Nhưng cũng có người bảo rằng Bộ đó là cỗ máy nghiền không coi con người ra gì cả.

Những ai phải tiếp-xúc với chúng tôi đều thấy rằng chúng tôi không bất-nhân, nhưng luôn cố-gắng để có được một lối giải-quyết thoả-đáng. Giáo-hội cũng không khác với xã-hội, luôn phải tìm ra một cân-bằng giữa quyền cá-nhân và lợi-ích tập-thể. Lợi-ich tập-thể ở đây là đức tin, nguồn sức mạnh tạo nên và nối-kết Giáo-hội. Một đàng chúng tôi phải bảo-vệ cho những người có thể nói là không có khả-năng tự bảo-vệ bằng lí-lẽ, đàng khác công-việc của chúng tôi cũng đòi-hỏi phải kính-trọng kẻ trong cuộc của mình. Và quy-luật áp-dụng hiện có và được chúng tôi cố-gắng cải-tiến là làm sao để tạo được sự cân-bằng cho cả hai phía.

Ngoài ra chúng tôi luôn chọn con đường đối-thoại để kẻ đối-tác có cơ-hội biện-giải rõ hơn về việc mình làm và cố làm sao để tránh phải sử-dụng kỉ-luật. Nghĩa là chúng tôi tiếp-xúc với giám-mục hoặc bề-trên của đương-sự để những người này làm việc thẳng với chính đương-sự. Khởi đầu là một thứ cảnh-báo như thế, và sự-việc cứ theo đó mà diễn-tiến.

Ngài có tất-cả 40 nhân-viên. Chẳng nhiều nhặn gì để làm việc cho hơn một tỉ người công giáo. Ngài lấy thông-tin từ đâu? Làm sao để biết trên thế-giới hiện đang xẩy ra những gì, ở đâu?

Nguồn thông-tin chính lấy từ các hội-đồng giám-mục và qua tiếp-xúc với các giám-mục. Thêm vào đó là từ các tài-liệu thần-học được xuất-bản do chúng tôi tìm biết qua sách báo và sau đó thông-báo cho các Hội-đồng giám-mục. Mỗi nhân-viên phụ-trách một lãnh-vực. Những người này lại có những nguồn tin riêng lấy từ các nhà thần-học hoặc do những người cộng-tác với chúng tôi cung-cấp hoặc được chuyển qua từ các hội-đồng giám-mục.

Ngài phải đích thân kiểm-soát, làm mọi chuyện? Chẳng hạn như cuốn Giáo-lí là do chính tay ngài làm?

Không, tôi không thể làm nổi chuyện như thế. Tôi phải cố-gắng điều-hợp công việc chung để đem lại một kết-quả nào đó. Thực-hiện cuốn Giáo-lí chúng tôi cần nhiều bàn tay góp vào. Cơ-quan đầu-não là uỷ-ban gồm 15 giám-mục rải-rác khắp thế-giới. Ủy-ban này lại cử ra một nhóm 8 giám-mục lo chuyện viết ra. Nhóm lại cử ra một người để điều-hợp công-việc. Như vậy có thể nói tất-cả chúng tôi là đồng tác-giả. Ngoài ra trong thời-gian soạn-thảo chúng tôi đã nhận nhiều ý-kiến rộng-rãi. Chúng tôi đã biên thư cho tất-cả các giám-mục và các hội-đồng giám-mục và đã nhận được thư trả lời của trên một ngàn giám-mục.

Có ý-kiến của giáo-dân không?

Chúng tôi coi ý-kiến của các giám-mục không phải là ý riêng, nhưng họ nói lên niềm tin của Giáo-hội và như vậy cũng là phản-ảnh quan-điểm và phong-cách diễn-tả đức tin của giáo-hội địa-phương. Không thể hỏi cả tỉ tín-hữu được. Giám-mục là đại-diện của giáo-hội địa-phương và như vậy hơn một ngàn tiếng nói của giáo-hội địa-phương đã thấu đến chúng tôi.

Trong sách Giáo-lí có câu hay cách diễn-tả nào ngài thấy trái ý mình không?

Có. Chẳng phải mọi đoạn đều như ý.

Ngài có thể nêu ra một điểm?

Không, lúc này tôi không nói được, phải có sách mới được. Nhưng tôi tin cuốn Giáo-lí nói chung là một tài-liệu rất căn-bản và bổ-ích và cũng rất dễ đọc, như người ta vẫn nói với chúng tôi như thế. Nhiều người bình-thường, không phải giới thần-học, bảo là họ đã đọc và có thể hiểu dễ-dàng. Ở Đức, vì nhiều lí-do, việc đón-nhận có phần dè-dặt như từ xưa tới nay. Nhưng tại Nam Mỹ, cả Tây-ban-nha, cả Pháp và cả Anh nó được chào-đón khá mạnh. Riêng ở Hoa-kì chẳng hạn, cũng là một Giáo-hội khó tính, nhưng đã bán được hai triệu cuốn. Còn ở Á châu thì mới được in. Chỉ riêng các câu trích-dẫn các giáo-phụ mà thôi thì sách đã là một kho-tàng quý giá rồi. Là một sản-phẩm của con người dĩ-nhiên nó chưa hoàn-hảo, nhưng đó là một tài-liệu tốt.

Ngài thấy điểm gì đặc-biệt thành-công nhất của cuốn sách?

Tôi tin trước hết là phần mở đầu nói về đức tin rất hay. Cả phần lớn những đoạn nói về Giáo-hội và bí-tích, và cả phần thần-học phụng-vụ – phần này được nhiều chuyên-gia phụng-vụ nổi tiếng giúp, rất hay và sống-động. Và cả phần cầu-nguyện cũng đặc-biệt. Nói chung, cuốn sách thành-công.

Phải mất bao lâu mới có được tác-phẩm như hiện có?

Gần đúng 5 năm. Thượng hội-đồng giám-mục nêu lên ý-muốn vào năm 1985. Tới 1986 Giáo-chủ cho lập uỷ-ban. Và chúng tôi bắt tay làm việc vào mùa thu năm 86. Và tới năm 1992 chúng tôi trình làng tác-phẩm.

Về công-việc của ngài với tư-cách bộ trưởng: Có cái gì bảo-đảm rằng những gì bộ tín-lí quyết-định đều đúng?

Cái bảo-đảm thứ nhất là không phải chúng tôi đơn-giản tự nghĩ ra, nhưng chúng tôi đã đặt mình vào trong những suy-tư lớn của đức tin. Bảo-đảm thứ hai là khi đưa ra những quyết-định chúng tôi không dựa theo ý-kiến đơn-lẻ, nhưng chỉ quyết-định sau khi đã có sự đồng thuận giữa các cố-vấn. Quan-trọng là chúng tôi không đi xa hơn những gì đã có sẵn trong đức tin – dĩ-nhiên đức tin này cũng cần được hiện-đại hoá cho hợp thời -, và cố-gắng làm sao để đạt được đồng-thuận trong cái trung-dung hợp-lí.

Ngài có trải qua con đường suy-gẫm khi làm việc không? Người ta bảo ngài thu-nhận nhiều chuyện vào tâm-trí, nghiền-ngẫm một mình, mổ-xẻ trong suy-tư. Ngài cũng đã có lần nói mình còn phải suy-gẫm về điều này điều nọ. Thế nghĩa là sao?

Chuyện đương-nhiên. Trước hết phải tìm-hiểu vấn-đề. Rồi suy-nghĩ, phân-tích tìm cho ra cái lí của nó ở đâu rồi cố-gắng đem nó vào trong cái toàn-thể và vào cả trong lời nguyện. Tóm lại, trước hết là nhận thông-tin, suy-nghĩ tìm hiểu, và dĩ-nhiên trao-đổi và lại suy-nghĩ lần nữa. Đó có thể nói là những bước làm việc.

Linh-cảm quan-trọng thế nào đối với ngài và nhất là làm sao để có được?

Mình không thể gọi chúng tới được, mà chúng phải tự tới. Nhưng cũng phải cẩn-thận đối với linh-cảm, phải kiểm-chứng chúng với cái lí của toàn-thể. Điều-kiện của một “linh-cảm” là mình không được vội-vàng, mà phải bình-tĩnh nghĩ-suy, để cho nó chín mùi trong suy-tư của mình.

Ngay bước đầu nhận nhiệm-vụ ngài đã phải đối diện với thần-học giải-phóng và sửa lưng những nhà thần-học nào tỏ ra nghi-ngờ tín-điều không sai-lầm của giáo-chủ hoặc chỉ-trích các tín-điều khác. Lối hành-xử của ngài đã để lại ấn-tượng lâu-dài, ít là ở Đức. Giờ nghĩ lại, ngài có thấy là phản-ứng của mình quá gay-gắt? Dù câu trả lời của ngài được công-nhận là đúng.

Có lẽ phải phân-biệt giữa phản-ứng cá-nhân với việc làm nhân-danh Bộ. Tôi phải thú-nhận trong những cuộc biện-luận cá-nhân đôi khi đã tỏ ra gay-gắt. Nhưng trong những quyết-định với tư-cách Bộ tôi nghĩ là chúng tôi đã hành-xử đúng mức. Chúng tôi phải lên tiếng về chuyện thần-học giải-phóng, một phần cũng là để giúp các giám-mục. Để tránh nguy-cơ đạo bị chính-trị-hoá trở thành con cờ của phe đảng và như thế sẽ đổ-vỡ. Sự-kiện người dân đổ-xô đi theo các giáo-phái rõ-ràng phát-khởi từ chuyện này. Ngày nay ai cũng công-nhận việc can-thiệp của chúng tôi là cần-thiết và đúng. Một thí-dụ nổi-bật của lối giải-quyết của chúng tôi là quyết-định chuyển hướng của Gustavo Gutiérrez, được coi là cha đẻ của thần-học giải-phóng. Chúng tôi đã trao-đổi với ông, có những buổi ông và tôi trực-tiếp nói chuyện, và từ-từ chúng tôi đã đả-thông với nhau. Những cuộc trao-đổi giúp chúng tôi hiểu ông, và trái lại đã giúp ông hiểu về sự thiếu-sót của học-thuyết và nhờ vậy ông đã cải-tiến đưa “thần-học giải-phóng” vào hướng đi đúng-đắn và có tương-lai.

Dĩ-nhiên cũng có những điểm mâu-thuẫn không giải-quyết được. Ngày nay vấn-đề thần-học giải-phóng trên khắp thế-giới đã hoàn-toàn thay-đổi. Sau 15 năm nhìn lại, người ta phải công-nhận là chúng tôi đã xử-sự đúng và xử-sự này đã mang lợi-ích, có lẽ không phải tức-khắc nhưng về lâu về dài. Thời đó một số giám-mục tỏ ra nghi-ngờ đối với câu trả lời của chúng tôi, nhưng nay tất-cả các ngài lại coi đó là những thành-quả nghiễm-nhiên.

Nhưng không phải chỉ có đối-thoại mà thôi, mà cả hình phạt im lặng nhiều năm, phạt im lặng để đền tội.

Chữ “phạt im lặng để đền tội” là do dân Đức đặt ra. Chúng tôi chỉ yêu-cầu ông không phát-biểu gì về đề-tài này trong một năm và đừng đi đây đó trên thế-giới. Hẳn nhiên người ta có thể tranh-luận xem biện-pháp đó đúng hay sai, nhưng một cách khách-quan, tôi thấy việc yêu-cầu dành một thời-gian dài để suy-tư về một chuyện khó-khăn là điều không đến nỗi dở, nếu có người khuyên ta nên thinh-lặng một thời-gian, đừng nóng-lòng vội-vàng xuất-bản, cứ để cho đề-tài chín muồi đã. Lúc này tôi không muốn bàn đến chuyện đúng hay sai nữa. Ông Boff thì vẫn tiếp-tục được dạy học, nhưng ông đã không dạy trong năm đó. Chúng tôi chỉ yêu-cầu ông không thuyết-trình, in sách về thần-học giải-phóng trong một năm. Ông Küng cũng vậy, thời đó giáo-chủ Phao-lô VI yêu-cầu ông đừng ra sách về tín-điều không sai-lầm nữa và nên suy-nghĩ lại về đề-tài đó.

Hans Küng và cả ông Boff đã không chấp-nhận yêu-cầu. Như vậy thì không hiểu các biện-pháp đó đã mang lợi hay bất lợi cho Giáo-hội?

Như dư-luận thời đó thì thoạt tiên không có lợi cho Giáo-hội. Nhưng sau đó có lẽ nhiều người đã phải suy-nghĩ, phần vì những biến-chuyển lịch-sử, phần vì con đường ông Leonardo Boff theo-đuổi. Tôi không dám đánh-giá con đường ông đi.

Còn trường-hợp Hans Küng, ông đang chờ được khôi-phục danh-dự?

Ở đây có lẽ phải cần bỏ đi chút thần-thoại thêu-dệt. Năm 1979 ông Küng bị Giáo-hội rút lại tác-vụ dạy thần học nhân-danh Giáo-hội. Thoạt-tiên điều đó có thể cay-đắng cho ông, nhưng nhờ vậy mà ông đã tìm được cho mình con đường riêng. Giờ đây ông không phải giảng và chấm thi những môn thuộc giáo-trình thần-học, vì thế có thể dành nhiều thời-gian cho những đề-tài ông thích. Năm 1982 gặp tôi ông cho hay không muốn trở lại vai-trò cũ nữa và ông cảm-thấy thoải-mái hơn với chỗ đứng hiện-nay. Lần-lần ông xa-rời những vấn-nạn ruột của thần-học để tìm ra và phát-triển những đề-tài lớn rộng hơn của ông. Sau đó thì về hưu. Bây giờ mà nói tới việc Giáo-hội bổ nhiệm ông dạy lại thì quả là chuyện vô nghĩa. Nhưng dĩ-nhiên đây không phải là vấn-đề của ông. Ông muốn thần-học của ông được Giáo-hội công-nhận, ông không những vẫn tiếp-tục giữ nguyên quan-điểm phản-bác tín-điều không sai-lầm mà càng lúc càng tỏ ra quá-khích hơn về điểm này. Ông cũng không đồng quan-điểm với Giáo-hội về môn Ki-tô-học và giáo-lí về Chúa ba ngôi. Tôi kính-trọng quan-điểm riêng theo lương-tâm của ông. Nhưng ông cũng không nên yêu-cầu sự chuẩn-nhận của Giáo-hội, mà cần nên xác-định rằng trong những đề-tài căn-bản ông đã có những quyết-định hoàn-toàn cá-nhân.

Ngài vẫn yêu-cầu nhìn thực-tại như nó vẫn có và đừng chạy theo thời-thượng. Nhiều phân-tích của ngài về nguyên-nhân khủng-hoảng của Giáo-hội và của thế-giới đã tỏ ra đúng-đắn. Nhưng điều đó đã chẳng làm cho hình-ảnh hồng-y của ngài khá hơn trong dư-luận và truyền-thông. Tại sao? Vì thái-độ dứt-khoát của ngài hay vì đòi-hỏi của ngài quá nghiêm-khắc?

Chính tôi lại biết chuyệt đó ít nhất. Tôi cũng không biết mình có được bao nhiêu độc-giả quan-tâm và có được bao nhiêu độc-giả có trí nhớ tốt. Bởi vì nếu có chuyện gì xẩy ra thì cũng chẳng còn bao nhiêu người nhớ ra đó là sự xác-minh cho những chẩn-đoán của tôi. Tôi cho rằng đó là vì người ta đồng-hoá con người tôi với chức-vụ bộ trưởng và vì ác-cảm với bộ tín-lí và giáo-huấn của Giáo-hội. Vì thế mà một số người cứ xem những gì tôi nói ra là sản-phẩm của một bộ máy chuyên gây khó-dễ cho nhân-loại, chứ không coi đó như một nỗ-lực tri-thức đích-thực và thật lòng muốn hiểu-biết thế-giới và con người.

Chỉ cần biết mình luôn có lí là đủ? Tôi muốn nói là nhiều khi những quyết-định đúng cũng cần phải có những thời-điểm đúng và hình-thức biểu-tả đúng. Người ta nói: Lời nói chẳng mất tiền mua, Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Phải, đây là điểm tôi sẵn-sàng lắng-nghe chỉ-trích. Chúng tôi cũng cố-gắng hết khả-năng làm tốt hơn, và luôn đặt nặng việc tiếp-xúc với các giám-mục và bề-trên hội-dòng trong việc tìm lối giải-quyết. Nhưng điều đó cũng không tránh được đôi lúc phải có một biện-pháp quyết-liệt và khó nghe.

Ngài là bộ trưởng chứ không phải một linh-mục làm mục-vụ. Có thể chấp-nhận chuyện một linh-mục trẻ chẳng hạn có lúc nào đó lí-luận và hành-động không như những gì buộc ông phải nghĩ phải làm, nếu như ông ta là trưởng của một uý-ban đức tin công giáo?

Có, dĩ-nhiên. Ông ta phải lí-luận và ăn-nói khác đi, nếu không thì không người trẻ nào hiểu ông. Mỗi thế-hệ có một tần-số, phải nhập vào tần-số đó. Đạo là đường đi, nên phải nhận ra từng đoạn đường một. Điều chung-nhất cho chúng ta là không được khơi-khơi rao-truyền những quan-điểm cá-nhân hoặc tập-thể hiện có, nhưng dù là giáo-dân hay linh-mục chúng ta phải nối-kết trong một niềm tin và cố-gắng thông-truyền niềm tin đó đúng với mỗi hoàn-cảnh.

Có nghĩa là các linh-mục trẻ làm mục-vụ cho giới trẻ đôi khi gặp khó-khăn trong việc rao-giảng đúng giáo-huấn Giáo-hội về tính-dục, có nên bỏ qua cho họ nếu họ có những lời không hợp ý ngài?

Dĩ-nhiên, miễn là có ý-hướng căn-bản, quan-trọng là chỗ đó. Tuỳ người và tuy hoàn-cảnh mà có phương-tiện và biện-pháp thích-hợp.

Một hồng-y cũng được phép nói về tình-dục?

Dĩ-nhiên. Ông ta phải đề-cập tới tất-cả những gì liên-quan tới con người. Và không nên dán nhãn-hiệu xấu lên tình-dục mà gạt nó đi, trái lại nó trước hết là một quà tặng của Tạo-hoá. Trong nhiệm-vụ của tôi hiện tại đặc-biệt phải nói nhiều về chuyện đó. Tôi phải cố-gắng tránh hạn-chế luân-lí hoặc cả Ki-tô giáo vào điều răn thứ 6, nhưng những vấn-nạn Ki-tô giáo đặt ra, liên-quan tới trách-vụ của chúng tôi, buộc chúng tôi luôn bận-tâm tới phạm-vi này của cuộc sống con người.

Ngài đã có lần bảo tính-dục là một thứ mìn nổi và là thứ quyền-lực có mặt khắp nơi. Nghe ra có vẻ không có thiện-cảm mấy với tính-dục.

Không, không đúng. Nếu không thì ta đã chống lại niềm tin con người là tạo-vật toàn-vẹn của Chúa và Chúa dựng nên cả người nam lẫn người nữ. Tính-dục không phải là cái gì chỉ xuất-hiện sau khi có tội-lỗi; nó đã có sẵn trong chương-trình tạo-dựng của Chúa. Tạo ra người nam người nữ có nghĩa là Ngài đã tạo nên giới-tính, vì thế tính-dục đã có sẵn ngay từ đầu trong chương-trình của Ngài và nó là cái thiện uyên-nguyên của kiếp người.

Nếu như tôi có nói câu như ông ghi trên thì đó là tôi muốn nói rằng, nếu những lực lớn kia bị tách ra khỏi vị-trí của nó trong con người thì chúng có thể sẽ trở thành những năng-lực phá-hoại lớn nhất. Vì tính-dục làm nên con người như nam và nữ và do đó biểu-thị con người tới tận chỗ thẳm-sâu nhất – vì nó quá quan-trọng và nếu không có nó con người không trưởng-thành và trở nên chính mình – nên dĩ-nhiên nó có thể xé nát và huỷ-diệt con người, nếu tách nó ra khỏi cái thể thống-nhất của con người.

Tuy nhiên phải nhận rằng ngày nay hình-ảnh sức mạnh của tình dục có mặt khắp nơi càng ngày càng lấn-át ta.

Kĩ-thuật và các phương-tiện truyền-thông ngày nay đã xé tính-dục ra khỏi thể thống-nhất con người và ra khỏi liên-hệ lứa-đôi giữa người nam người nữ. Trước đây không có vậy. Tính-dục giờ đây đã thật-sự bị bóc hết ý-nghĩa và được bày bán như một thứ hàng-hoá.

Nhưng chuyện đó đã có từ 2000 năm nay rồi…

Đúng, nhưng việc tôi có thể trực-tiếp mua tình-dục trong một cửa tiệm hay việc giữa một chợ trời tràn ngập hình-ảnh tôi chẳng còn nhận ra người như là một con người, mà chỉ thấy nó như là một đồ-vật tình-dục, thì trước đây chưa hề có. Khả-năng rao bán tình-dục và rao bán nó như một sản-phẩm đại-trà đã giúp người ta lạm-dụng, làm vong-thân con người đến mức-độ vượt xa tình-trạng trước đây.

Thời trung-cổ có những nhà điếm công-cộng, có cái do chính giáo-hội địa-phương quản-lí.

Trong một cuốn sách thánh An-tịnh có nêu lên câu hỏi : phải làm sao bây giờ. Và ngài đã trả lời là con người được sinh ra như thế, thì có lẽ một nhà-nước có tổ-chức tốt nhất nên làm sao để sinh-hoạt đó được đi vào trật-tự. Qua cái suy-nghĩ của vị giáo-phụ lớn và rất thực-tế đó ta thấy con người luôn bị quyến-rũ và đe-doạ bởi nguy-cơ trệch đường. Nhưng tôi tin rằng ngày nay chúng ta có cái đe-doạ hiểm-nguy đặc-biệt mà trước kia chúng ta không gặp.

Như vậy ai trung-thành với giáo-huấn tính-dục của Giáo-hội thì được miễn-dịch với những thứ cám-dỗ đó?

Không thể nói như vậy được, vì con người không bao giờ toàn-hảo, nhưng như ta thấy, nó luôn trên đường hoàn-thành và vì thế luôn phải đối diện với nguy-cơ. Nó luôn phải trở nên chính nó. Nó chưa bao giờ đơn-thuần đã hoàn-toàn phát-triển. Con người luôn tự-do, nhưng tự-do đó không bao giờ toàn-hảo. Nhưng tôi nghĩ, ai thật-sự sống trong một cộng-đoàn đức tin sống-động, trong đó mọi người nâng-đỡ nhau và nhờ vậy giúp nhau can-đảm, người đó có thể sống cuộc sống hôn-nhân mình tốt-đẹp.

Trong vai-trò của ngài, ngài có sợ câu hỏi nào không, câu hỏi mà mình có thể không trả lời được?

Có lẽ chữ sợ không đúng lắm. Nhưng chúng tôi luôn phải đứng trước thực-tế là có những vấn-nạn không thể có ngay câu trả lời được. Nhất là những vấn-nạn thuộc lãnh-vực luân-lí, đặc-biệt trong lãnh-vực luân-lí y-khoa, và cả những vấn-nạn thuộc lãnh-vực luân-lí xã-hội. Chẳng hạn, các bệnh-viện Hoa-kì hỏi chúng tôi có buộc phải tiếp nước và thức ăn cho các bệnh-nhân trong tình-trạng bất tỉnh hết khả-năng phục-hồi không? Đó là câu hỏi vô cùng quan-trọng cho những người có trách-nhiệm. Vấn-đề khiến họ âu-lo thật-sự và vì họ phải tìm ra một chính-sách chung cho các bệnh-viện. Nhưng sau một thời-gian nghiên-cứu và tìm hiểu lâu, chúng tôi phải đành trả lời trước hết nên hành-động theo tầm nhìn của địa-phương, chứ chúng tôi chưa thể tìm ra một lời giải chung.

Trong lãnh-vực luân-lí y-khoa càng ngày càng có thêm những khả-năng mới và do đó thêm những trường-hợp khó xử mới, ở đây chưa biết áp-dụng nguyên-tắc thế nào. Chúng tôi không đơn-giản có phép mầu tạo ra sự chắc-chắn. Chúng tôi đành phải trả lời, trước hết qúy vị cố-gắng giải-quyết với nhau, để rồi cứ từng chặng chúng ta thâu-lượm kinh-nghiệm hầu đi tới cái chắc-chắn chín mùi.

Nhưng ngài nghĩ thế nào cũng phải có câu trả lời?

Không luôn nhất-thiết phải có một câu trả lời chung cho toàn thế-giới. Chúng tôi cũng cố-gắng để biết giới-hạn của mình và từ-chối trả lời khi không thể trả lời được. Nhưng, như qua những thí-dụ đã nêu, không phải chúng tôi đơn-giản muốn có câu trả lời cho mọi vấn-đề ở mọi nơi, nhưng chỉ trả lời khi có vấn-đề cụ-thể và khi có nhu-cầu cần phải tìm ra một đường-hướng chung. Nhưng không phải trả lời vì hệ-thống bắt-buộc phải trả lời, mà trái lại là vì có nhiều người cùng ở trong một hoàn-cảnh khó xử và họ cần biết để có một trách-nhiệm chung.

Tôi vẩn chưa hiểu hết lối làm việc và cũng không hiểu được các ngài sử-dụng phương-tiện nào để giải-quyết những vấn-đề rắc-rối mà càng ngày càng nhiều thêm chứ không ít đi.

Một đàng, có những nguyên-tắc căn-bản. Trong trường-hợp này thì đây là nguyên-tắc: Con người là người từ đầu đến cuối; chúng ta không có quyền gì trên sự sống con người, mà chỉ có kính-trọng nó như nó là và kính-trọng phẩm-giá của nó cho đến giây phút cuối. Như vậy, có một số nguyên-tắc rõ-ràng, không nhiều nhưng đơn-giản và cơ-bản. Với khả-năng kĩ-thuật và y-khoa chúng ta lúc này có thêm những trường-hợp tiếp biên khiến ta phải tự hỏi không biết làm sao áp-dụng nguyên-tắc trên cho đúng. Vậy trước hết phải cần có thông-tin. Các bác-sĩ phải cho biết y-khoa có thể làm được gì và đâu là vấn-đề được đặt ra.

Hãy lấy lại vấn-đề chuyền nước và thức ăn. Đây là trường-hợp y-khoa đã bó tay. Có người bảo càng tiếp nước và thức ăn càng kéo dài nỗi đau của bệnh-nhân. Kẻ khác lại bảo, không, như thế là bất-nhân, họ đang chết khát, phải cho họ uống. Hai quan-điểm đối-nghịch nhau. Vậy phải thu-thập thông-tin cần-thiết. Phải cần biết tình-trạng hiểu-biết của y-học tới đâu. Khi các thông-tin từ-từ đồng-qui đi đến tổng-hợp lại, lúc đó mình mới xét cái gì tương-ứng với nguyên-tắc và làm sao để áp-dụng nó cho đúng. Nhưng chỉ khi nào có được kinh-nghiệm chung, trong đó chứa-đựng thông-tin đúng và đồng thời nguyên-tắc được áp-dụng tương-ứng, thì từ kinh-nghiệm chung mới nẩy ra được câu trả lời, lúc đó tôi mới có thể nói được rằng nguyên-tắc được áp-dụng trong trường-hợp này hay trường-hợp khác là đúng-đắn.

Ta có thể áp-dụng văn-kiện cổ-xưa cho những vấn-nạn hiện nay không? Tôi muốn nói là có thể trích-dẫn các giáo-phụ và các thánh để giải-quyết các vấn-đề rắc-rối ngày nay không?

Chúng có thể được dùng theo ý-nghĩa cơ-bản, nghĩa là để soi sáng các nguyên-tắc về sự kính-trọng con người, về phẩm-giá con người và về ý-nghĩa của đau-khổ, nhưng không thể dùng cho vấn-nạn cụ-thể được. Tôi tin rằng chúng còn quan-trọng vì thế-hệ chúng ta đã đánh mất đi cái ý-nghĩa tích-cực về đau-khổ. Và có những thứ chúng ta cần phải học lại.

Chúng ta đang nói về tài-liệu cổ. Ngài có đọc được bí-mật nào còn dấu trong hầm toà thẩm-tra thánh không? Có cái gì ở đó không bao giờ được phổ-biến không?

“Hầm thẩm-tra thánh” chính là kho văn-khố của Bộ chúng tôi, ngoài ra chúng tôi chẳng có kho nào khác. Tôi phải thú thật hiếm khi vào văn-khố vì không có giờ. Vì thế không khám-phá ra được bí-mật đặc-biệt nào cả. Thật ra Napoleon trước đây đã dọn sạch kho. Về sau chỉ trả lại một phần nên lượng tài-liệu chẳng còn đủ. Vả, chúng cũng chẳng có gì hay-ho như người ta vẫn tưởng. Mới đây một giáo-sư người Ý có khuynh-hướng tự-do đã vào nghiên-cứu về mấy vụ án, nhưng đã thất-vọng. Ông tưởng gặp những tài-liệu cho thấy cuộc chiến giữa lương-tâm và quyền-lực thì ông chỉ đọc được những biên-bản tội-phạm thông-thường. Lí-do là vì các toà-án thẩm-tra của Rôma xưa tương-đối độ-lượng. Vì thế những người bị ra toà đời lại tự cáo mình về tội có tính-cách tôn-giáo như ma-thuật, bói-toán để được ra toà thẩm-tra của Giáo-hội, vì ở toà này họ thường hi-vọng được xử nhẹ. Nhưng điều đó tôi cũng chỉ nghe nói lại chứ không trực-tiếp đọc tài-liệu.

Các tài-liệu nổi tiếng của kho cả thế-giới đều đã biết. Những gì còn lại chỉ quan-trọng cho các nhà nghiên-cứu chuyên-môn. Chỉ những gì liên-hệ với bí-mật toà giải tội thì phải giữ kín, những tài-liệu này được chất ở một kho riêng và không được phép phổ-biến.

Nếu có liên-quan tới bí-mật xưng tội thì tại sao lại dưới dạng tài-liệu viết?

Đó không phải là xưng tội theo nghĩa hẹp, mà là những thứ được xếp vào lãnh-vực lương-tâm và vì thế cũng phải được bảo-lưu như những gì bí-mật. Tôi muốn nói thí-dụ như ai đó có quan-điểm rối đạo và trong tài-liệu cũng có những đoạn đề-cập tới chuyện riêng-tư, chuyện luân-lí. Chuyện rối đạo có thể nói công-khai, nhưng chuyện riêng của người ta thì phải giữ kín.

Có lẽ đó là những bí-mật toà cáo-giải của những tay thế-lực chứ chẳng phải là của dân thường?

Tôi chẳng biết gì hơn. Ngày nay chúng tôi vẫn còn có một phân-ban kỉ-luật chuyên-trách về một số ca lỗi-phạm của các linh-mục. Rất ít người biết được chuyện này, và vì để bảo-vệ cho các cá-nhân linh-mục đó, danh-tánh họ được giữ kín. Những hồ-sơ loại này được bảo-lưu ở đấy.

Nhưng trong kho đó có lưu-trữ những lời tiên-tri bí-mật nổi tiếng không?

Tôi chỉ biết bí-mật Fatima, ngoài ra còn có những tiên-tri khác không thì tôi không biết.

Ai có quyền xem những tài-liệu đó?

Chỉ có giáo-chủ và trưởng Bộ tín-lí có quyền xem tài-liệu Fatima, ngoài ra phải có phép riêng của giáo-chủ.

Có thể biết những ai đã được phép xem và con số những người này có nhiều không?

Không nhiều, vì không quá ba hoặc bốn người tất-cả.

Có lần ngài đã nói xa gần về bí-mật Fatima và nói, đó là điều “chính đức Ki-tô cũng thường nhắc-nhở, khi Ngài nói thẳng ra rằng: ‚Nếu các ngươi không ăn-năn hối-cải thì các ngươi sẽ chết’”. Lời tiên-tri Fatima đó có làm ngài lo-sợ không?

Không.

Tại sao không?

Vì điều đó chẳng có chi khác hơn những lời dạy Ki-tô giáo.

Tôi nghĩ Fatima có nói đến ngày tận-thế?

Lúc này tôi không thể nói gì hơn. Chỉ biết là tôi đã không gặp tai-ương ghê-gớm nào cả.

Bí-mật có nói khi nào thì tận-thế không?

Không. Nhưng tôi không muốn nói gì thêm về chuyện này.

Thỉnh-thoảng người ta vẫn nói, không thể có giáo-chủ Gio-an Phao-lô II nếu không có hồng-y Ratzinger, và ngược lại không có hồng-y Ratzinger nếu không có giáo-chủ-Gio-an Phao-lô II. Ngài là một nhà thần-học thiên-tài bên cạnh một nhà triết-học. Nhưng đã không ai biết được mục-tiêu của Giáo-chủ và rõ đươc ý-nghĩ của Ratzinger. Ngài đã đóng-góp nhiều cho triều-đại giáo-chủ này. Nếu không có cặp Wojtyla – Ratzinger thì Giáo-hội vào cuối thiên niên-kỉ này có lẽ đã khác.

Đó là câu mà tôi tất-nhiên không thể trả lời được. Nhưng tôi muốn cảnh-báo là không nên đánh-giá quá cao vai-trò của tôi. Dĩ-nhiên tôi được giao-phó một nhiệm-vụ quan-trọng, Giáo-chủ tín-nhiệm tôi, chúng tôi đã và sẽ tiếp-tục bàn và thảo với nhau về một số giáo-huấn quan-trọng. Vì thế trong các tài-liệu huấn-giáo của Giáo-chủ đều có một phần tiếng nói của tôi và chắc-chắn tôi đã dự phần trong việc xây-dựng nên giáo-triều này. Nhưng Giáo-chủ cũng có đường-hướng riêng của ngài.

Trước khi tôi tới ngài đã bắt đầu với bộ ba thông-điệp về Đấng cứu-chuộc nhân-loại, về Chúa Thánh-linh và về Lòng nhân-từ của Chúa rồi. Về lãnh-vực luân-lí xã-hội ngài cũng đã bắt đầu với ba tông-thư nói về vấn-đề học-thuyết xã-hội công giáo. Đó là những thứ xuất-phát từ kinh-nghiệm sống và từ triết-học riêng của ngài. Cả nhiệt-tình đại-kết nóng-bỏng cũng là điều nằm sâu trong tâm-trí và mọc rễ ngay trong cá-tính con người ngài – chữ “mọc rễ” có lẽ thiếu năng-động, tôi muốn nói là cái làm ngài bận-tâm và thúc-đẩy ngài. Ngoài ra ngài dĩ-nhiên cũng có trao-đổi với tôi, mà không chỉ với tôi, về những đề-tài lớn. Ở đây chúng tôi có sự hoà-hợp thâm-sâu. Rồi đây hoàn-vũ Ki-tô giáo và nhân loại sẽ phán-quyết về sự ích-lợi của chuyện hoà-hợp làm việc này.

Có khi nào hai người bất đồng quan-điểm? Đã có lần nào ngài phản-đối hoặc chối-từ Giáo-chủ?

Bất đồng đúng nghĩa thì không có. Dĩ-nhiên, khi trao-đổi thông-tin cũng có lúc chúng tôi cho nhau biết điểm này điểm kia không đúng hoặc chưa biết rõ. Hoặc khi tranh-luận mỗi người có thể có cái nhìn khác nhau về vấn-đề. Nhưng bất đồng quan-điểm đúng nghĩa thì chưa bao giờ xẩy ra. Và tôi cũng chưa bao giờ chối-từ ngài điều gì.

Sinh-hoạt chung giữa hai người diễn ra cụ-thể như thế nào? Ngài gặp Giáo-chủ thường đều?

Trước hết là những buổi làm việc thông-thường. Bình-thường mỗi chiều tối thứ sáu trưởng Bộ tới gặp Giáo-chủ và thông-báo các kết-quả của Bộ mình (mỗi tháng một lần viên thư-kí Bộ làm báo-cáo này, đôi khi buổi tiếp-kiến bị bãi-bỏ). Đó là buổi làm việc thông-thường, qua đó chúng tôi trình cho Giáo-chủ về công-việc của chúng tôi. Giáo-chủ có sẵn tài-liệu làm việc trên bàn. Chúng tôi tường-trình kết-quả và Giáo-chủ quyết-định. Cũng có những buổi làm việc bất thường khi nhu-cầu đòi-hỏi.

Thời Phao-lô VI đã có lệ nghỉ ngày thứ ba. Gio-an Phao-lô II cũng tiếp-tục lệ đó. Ngài lợi-dụng ngày nghỉ trước giờ ăn trưa độ một đến một tiếng rưỡi cho mời một nhóm nhỏ tới chuyện-trò rồi cùng dùng bữa chung. Nhờ đó chúng tôi có thể gặp-gỡ trao-đổi với nhau từ 12 giờ tới 15 giờ. Buổi gặp này xẩy ra tương-đối đều và là cách gặp thứ hai. Vòng này lớn hơn, còn buổi chiều tối thứ sáu chỉ có mình tôi với Giáo-chủ.

Giáo-chủ tuỳ nhu-cầu triệu-tập những nhóm trao-đổi với những nhân-sự khác nhau – hoặc có thể là các giám-mục của một nước chẳng hạn -, qua đó mỗi người lần-lượt phát-biểu ý riêng trong vòng vài ba phút rồi thảo-luận chung. Nghĩa là Giáo-chủ muốn được thông-tin để nắm vững quan-điểm của hai phía, nếu như có sự trái-ngược nhau, hầu từ đó lần đi tới quyết-định đúng. Tóm lại có hai cách làm việc quan-trọng nhất, lần tiếp-kiến chiều thứ sáu và cuộc thảo-luận buổi trưa.

Ngài có thể kể ra một vài đề-tài nói chuyện trong những lần tiếp-kiến?

Đó là những đề-tài cần phải đi tới một quyết-định. Từ vấn-đề thần-học giải-phóng tới vai-trò các nhà thần-học trong Giáo-hội, các vấn-đề liên-quan tới luân-lí sinh-học v.v .. nghĩa là những vấn-đề của Bộ.

Khi phải thực-hiện những dự-án lớn thì chúng tôi trao-đổi tài-liệu cho nhau đều-đặn. Chẳng hạn như muốn ra một Tông-huấn, chúng tôi thảo-luận xem cần phải hình thành như thế nào. Sau khi đã có dự-thảo, chúng tôi lại thảo-luận trên tài-liệu đó. Chúng tôi không bao giờ đột-ngột trình ngài những đề-tài lớn, mà luôn can-thiệp bàn-luận với ngài từng giai-đoạn. Ngài nắm vững diễn-tiến và đôi khi trực-tiếp bắt tay vào từng giai-đoạn.

Sau đó Giáo-chủ có hỏi sự-việc ra làm sao rồi không?

Khi không được chúng tôi báo-cáo thì ngài hỏi.

Là quốc trưởng, Giáo-chủ là ông hoàng chuyên-chế cuối cùng ở Âu châu, là người đứng đầu Giáo-hội và là kế vị của tông-đồ Phêrô, ngài là tiếng nói sau cùng về những gì thuộc giáo-huấn đức tin. Vatican được xem là quá già-cỗi. Người ta bảo đó là một nhóm cụ già chỉ biết có mình mà thôi, chẳng còn quan-tâm gì tới nỗi âu-lo và khó-khăn của các cộng-đoàn giáo-xứ bên ngoài. Sự chậm-chạp kéo lê bất tận của Vatican đã trở thành châm-ngôn. Là một người trong cuộc, ngài thấy gì về hình-ảnh Vatican?

Vatican trước hết là một quốc-gia, mà Giáo-chủ là quốc trưởng. Về lí-thuyết, đúng là ngài có mọi quyền trong tay, nhưng trên thực-tế ngài gần như chẳng bao giờ sử-dụng các quyền đó. Đó là một quốc-gia tí-hon, có một bộ máy hành-chánh gọi là Governatoraro, nghĩa là có một chính-phủ. Ngày nay còn có ban đại-diện cộng-sự viên nữa. Nghĩa là Vatican không đến nỗi lạc-hậu như người ta vẫn tưởng.

Về câu hỏi khác của ông: Đúng, Giáo-chủ là vị tối-cao canh-chừng đức tin, nhưng ngài không quyết-định một cách chuyên-chế, mà luôn lắng-nghe các giám-mục. Rõ-ràng Vatican làm việc chậm-chạp. Có nhiều lí-do, thứ nhất là vì công-việc ở đó phải thông qua quá nhiều tầng ban, thứ đến là vì sự cẩn-trọng bắt-buộc phải thế. Ngoài ra chậm một phần cũng là do ít người, và nơi đây diễn ra quá nhiều chuyện trong cùng một lúc nên mỗi sự-việc không tiến-hành được nhanh như mình muốn. Nhưng tôi không xem chậm là một khuyết điểm. Những việc ở đó, chẳng hạn như việc lãnh-đạo Giáo-hội, không nên giải-quyết hấp-tấp, mà cần phải kiên-nhẫn. Một số vấn-đề tự nó được giải-quyết với thời-gian mà chẳng cần phải quyết-định ngay.

Dĩ-nhiên các hồng-y đều già hoặc chẳng còn trẻ. Ưu điểm là nhờ kinh-nghiệm tuổi-tác nên các quyết-định chín-chắn hơn. Nhưng phải lưu-ý rằng thành-phần trẻ cũng có mặt. Chúng tôi đưa ra lệ, hễ nhận người vào làm thì người đó phải dưới 35 tuổi và không bao giờ được ở mãi trong Vatican, nhờ thế đã không thiếu tiếng nói của thành-phần trung-niên.

Người ta bảo, trước hết phải nắm đường đi nước bước của trò chơi quyền-lực trong Vatican đã, sau đó phải biết cách tham-gia.

Đúng ở một khía-cạnh, bởi vì đó cũng là nơi tiến thân và vì thế phải học cách tiến thoái để đi lên chứ nếu không thì bị đào-thải nhanh-chóng. Điều đó có, là vì trong Vatican cũng chỉ toàn là những con người bình-thường. Nhưng tôi thú thật tôi biết rất ít về chuyện đó. Khi vào đây, tôi đã là một hồng-y, không cần bận-tâm với quyền-lực hay danh-vọng tiến thân nên cũng chẳng quan-tâm gì tới chuyện này.

Có cái gì ở Vatican làm ngài bực mình không?

Tôi tin là có. Có lẽ nên giảm bớt bộ máy hành-chánh, nhưng ở đây tôi không có một đề-nghị cụ-thể nào. Các cơ-quan chẳng có bao nhiêu người, và so với con số tín-hữu hoàn-vũ thì cũng không phải là guồng máy hành-chánh quá lớn. Nhưng dù vậy, câu hỏi chính-đáng là có thể bớt nạn bàn-giấy rườm-rà để công-việc được hữu-hiệu hơn không. Song tổng-quan mà nói, tôi rất hài-lòng với sinh-hoạt trong Bộ của tôi. Điều làm cá-nhân tôi không thích là phải ôm-đồm nhiều quá. Trong thực-tế tôi thấy thật khó mà hoàn-thành được tất-cả nhiệm-vụ giao-phó. Tôi tự hỏi không biết làm sao để mình còn chu-toàn được việc trong những Bộ khác, và còn có chút giờ cho mình và cho những giao-tiếp riêng-tư.

Ngài có tên trong bao nhiêu bộ trong giáo-triều?

Trong năm bộ, hai hội-đồng và một uỷ-ban (Châu Mỹ la-tinh). Nhưng chỉ có hai bộ đòi-hỏi làm việc thường-đều, đó là Bộ giám-mục và Bộ truyền-giáo. Các Bộ giáo-hội đông phương, Bộ giáo-dục và phụng-vụ, Hội-đồng đại-kết là những cơ-chế không đòi-hỏi sinh-hoạt thường-đều, nhưng khá đầy việc để làm. Còn những cơ-chế khác hầu như chỉ có mặt. Nhưng chừng đó đã quá mệt rồi.

Tổng giám-mục Macinkus có lần dùng từ “Xóm các mụ giặt đồ” để chỉ Vatican. Ngài nói: “Chỉ cần tập-trung ba hay bốn linh-mục lại với nhau là họ bắt đầu kể xấu người khác”.

Trước mặt tôi, nói chung, chuyện đó không xẩy ra. Nhưng dĩ-nhiên nơi đâu có tập-trung quá đông người và nhiều chuyện bên nhau, ở đó tất có những bàn ra tán vào. Điều đó hẳn nhiên không tốt, nhưng tôi nghĩ đã là người thì không thể tránh được. Không nên có cái nhìn quá lí-tưởng về linh-mục. Tôi tin là chúng tôi phải khiêm-tốn thú-nhận rằng mình không khác hơn gì những người khác và cũng bị những định-luật tập-thể chi-phối như ai. Mỗi người phải cố-gắng chống lại thói đó. Tất-cả chúng tôi cũng luôn phải tự đặt ra cho mình một kỉ-luật chung. Nhưng tôi tin đó cũng là một may-mắn khi mọi người có cơ-hội trút-bỏ thái-độ tự-cao và phải chấp-nhận mình cũng như bao nhiêu người khác.

*******

1.5 Tóm Tắt

Không dễ gì tìm được nơi ngài những công-thức hành-xử, đối-phó. Từ nhiều chục năm ngài luôn lội ngược dòng chảy. Đôi khi ngài có tự hỏi là mình đã làm đúng, là mình đã đưa ra được những dấu-chỉ đúng, và cũng đã tìm được lối diễn-tả hợp thời không?

Hẳn nhiên là mình phải tự hỏi như thế. Nhưng cám ơn Chúa là cũng đã có những người khác có thể nói cách khác, có thể làm những gì chính tôi không làm được. Mình trở nên khiêm-tốn hơn, mình học biết được đâu là biên-giới của khả-năng mình. Mình phải thấy việc làm của mình cũng chỉ là một đóng-góp bên cạnh các nỗ-lực khác. Ngoài những người ngồi nặn óc, những người giữ chức-vụ, cần có những người có ân-sủng đặc-biệt để châm ngòi cuộc sống. Vì thế tôi cố-gắng xem những gì mình có thể làm chỉ có ý-nghĩa khi lồng vào tương-quan nhiều mặt và chuyện tự phê-bình cũng là điều căn-bản đối với tôi.

Giả như ngài phải sống một mình trên một hòn đảo và chỉ được phép mang theo hai cuốn sách, thì như đã có lần trả lời, ngài sẽ mang theo cuốn Kinh thánh và cuốn Thú-nhận của thánh An-tịnh. Người ta chờ-đợi những thú-nhận nào của hồng-y Ratzinger?

Tôi không có những thú-nhận lớn như An-tịnh. Khi đặt vấn-nạn về cuộc sống và con đường của mình, Thánh-nhân đã làm sáng-tỏ toàn-thể sự hiện-hữu Ki-tô giáo. Tôi chỉ có thể để lại những đóng-góp khiêm-tốn. Những mẩu đó có ý-nghĩa gì cho nhân loại hay có giúp gì cho hiện-tại hay không, cái đó tôi không biết.

Có cái gì ngài đã làm, nhưng nay nghĩ lại ngài thấy giả như chuyện đó đừng làm thì hay hơn không?

Thực ra chẳng có gì tôi đã làm mà ngày nay muốn rút lại. Có nhiều chuyện có lẽ ngày nay tôi sẽ làm khác, vì tuổi-tác đã giúp tôi nhìn vấn-đề từ lăng-kính khác.

Nhiều khi người ta có cảm-nghĩ là ngài muốn cất giữ điều gì đó, như một người cha trong gia-đình muốn lưu giữ cái gia-sản đã tạo nên bằng mồ hôi nước mắt. Nếu không phải là để cho chính con mình – chúng rõ-ràng là những kẻ không biết đánh giá và sử-dụng gia-sản đúng mức – thì ít là lớp cháu có thể thừa-hưởng và gia-sản không bị phung-phí. Nhìn lại công-việc của ngài trong tư-cách Bộ trưởng, ngài có nghĩ rằng mình cũng đã cản-ngăn được những biến-chuyển nguy-hiểm, mà công-luận đã không biết đến?

Tư-tưởng muốn lưu giữ chút gì lại, cả cho đàn cháu, tôi thấy thật đẹp. Bởi vì tôi thật-sự ước-ao sao cho sức toả sáng của vật quý này, đó là đức tin, và những cái thiện cái mỹ của cuộc sống đã khai hoa nở nhụy với nó, không bị mất đi. Tôi mong rằng những cái đó tiếp-tục được sử-dụng và nhìn ngắm. Còn về các thành-tựu, tôi nghĩ với tài-liệu về thần-học giải-phóng, về lãnh-vực luân-lí sinh-học và sách Giáo-lí là những gì chúng tôi đã đóng-góp ít nhiều vào những biến-chuyển của 15 năm qua. Nhất là những cuộc gặp-gỡ với các hội-đồng giám-mục đã đưa chúng tôi gần lại với nhau, và cũng đã giúp các giám-mục nhìn thấy sứ-vụ mình trong tinh-thần hiệp thông, hiệp-thông giữa các giám-mục, hiệp-thông với Rôma. Nhờ đó mà những nguy-cơ một chiều được cân bằng, điều thiết-yếu được nhận ra và qua đó biết đặt trọng-tâm vào một số công-việc.

Trong một tài-liệu do ngài kí ngài đã nhắc đến lời cảnh-cáo của tông-đồ Phaolô: “Hãy rao-giảng lời Chúa, hãy hoạt-động cho lời đó, mặc cho có người nghe hay không. Hãy liên-lỉ và kiên-trì trong việc cảnh-tỉnh, khiển-trách và cảnh-cáo. Vì sẽ có một thời người ta chẳng còn chịu nghe giáo-huấn lành-mạnh, mà tự ý quay ra tìm-kiếm những thầy dạy mới hợp với tai mình; và người ta chẳng còn đoái-hoài gì tới chân-lí, nhưng mê theo chuyện huyền-hoặc. Nhưng Bạn cứ tỉnh-tảo, chấp-nhận đau-khổ, rao-giảng Tin-mừng, trung-thành chu-toàn phận-vụ của Bạn”.

Tôi không muốn lên mặt làm cao, nhưng tôi muốn nói rằng đoạn trên đã nói lên điều rất thiết-yếu mà tôi coi như chuẩn mức hành-động của tôi trong thời-đại này.

Đối với ngài có còn vấn-nạn gì như là vấn-nạn trên hết mọi vấn-nạn? Và nếu như ngài còn một câu hỏi để đặt ra cho tinh-thần thời-đại ngày nay thì ngài muốn hỏi điều gì?

Câu hỏi tôi có thể đặt ra cũng là câu hỏi của muôn người: Tại sao thế-giới này lại như vậy, đau-khổ trên thế-giới này mang ý-nghĩa gì, tại sao sự dữ trong thế-giới này lại mạnh như thế nếu Chúa thật là đấng quyền-năng?

Có lẽ Bộ tín-lí sẽ không có một người trưởng thứ hai với tầm-cỡ, với lí-lịch, với cái biết quán-thông, với lối suy-nghĩ, hành-xử và lòng tin như ngài. Không phải chỉ một thế-kỉ, nhưng là một thế-hệ đã bắt rễ từ thế-kỉ 19 sẽ chấm dứt với con người ngài. Có lần ngài nói: “Cái mới đang tới”. Ngài thấy chỗ đứng của mình trong lịch-sử như thế nào? Ngài đã mở cánh cửa bước vào cái mới rộng đến thế nào? Hay là phải đợi kẻ tới sau ngài làm công-việc đó?

Tôi muốn nhìn mọi chuyện thật tương-đối và muốn nói là hãy chờ xem và chúng ta sẽ thấy dáng-cỡ của người tới sau. Thời-điểm sẽ hoàn-toàn khác và do vậy những con người này sẽ có những hình-dạng khác. Còn chỗ đứng của tôi trong lịch-sử ở đâu thì chưa biết được. Chỉ biết chắc là những ai đã sống trong thế-kỉ này thì đã trải qua những biến-chuyển lớn và quả thực có dính-líu đâu-đó với thế-kỉ trước. Xem thế thì quá đúng là ngày nay hãy còn một liên-hệ rất sống-động với cái đang qua. Vì chúng ta bị đẩy vào một thế-giới khác lạ nên phải giữ-gìn và chuyển-giao sự tiếp-nối. Tôi đã cố-gắng làm chuyện đó. Nhưng rồi đây, với biến-chuyển của lịch-sử mai ngày, điều đó có còn giữ vai-trò quan-trọng nữa hay không thì ta chưa biết. Chúng ta đang chứng-kiến những đổi-thay to-lớn của thời-đại mình, nhưng đâu là những viễn-ảnh sẽ mở ra, điều đó chúng ta chưa nhìn ra được. Tôi tin rằng tôi nhận được nhiệm-vụ phải giữ và chuyển-giao cái nối-tiếp này, đồng thời làm cách nào để giới-thiệu nó với một lịch-sử càng ngày càng chuyển-biến mau-lẹ.

Người ta cho rằng có hai Ratzinger: một người trước khi tới Rôma, cấp-tiến, và một ông canh-chừng đạo bảo-thủ và nghiêm-nhặt ở Rôma. Người ta nói chàng thiếu-niên thần-học với miệng-lưỡi cấp-tiến đã trở thành ông già bảo-thủ bất đắc-ý với những cái nhìn đôi khi tuyệt-vọng. Chính ngài có lần nói: Joseph Ratzinger này vẫn luôn trung-thành với mình, chỉ những kẻ khác đã thay-đổi mà thôi.

Tôi tin tôi đã nói điều rất cơ-bản, là tôi vẫn giữ nguyên quyết-định nền-tảng của cuộc đời tôi, là tôi tin Chúa trong đức Ki-tô qua Giáo-hội và cố-gắng sống cho niềm tin đó. Quyết-định đó đã triển-nở qua các giai-đoạn cuộc đời, và tôi mừng là nó đã không bị đông lạnh ở một điểm nào. Tuổi-tác làm thay-đổi con người, ông già 70 không nên ra sức để trở lại tuổi 17 và ngược lại. Tôi muốn trung-thành với cái biết nền-tảng của tôi, đồng thời cũng luôn rộng mở cho những thay-đổi cần-thiết. Và hoàn-cảnh chung-quanh cũng làm thay-đổi vị-thế con người, nó bỗng-chốc đứng trong một màng lưới với những trục-độ khác. Các vấn-đề của Giáo-hội ngày nay khác với những chuyện cách đây 30 năm. Hoàn-cảnh vì thế đã đem lại một giá-trị khác cho những gì con người nói và làm. Tôi không chối-cãi đời mình có những phát-triển và đổi-thay, nhưng tôi luôn giữ cho những phát-triển và đổi-thay đó diễn-biến trên một bản-sắc nền-tảng và chính khi thay-đổi, tôi luôn cố-gắng trung-thành với cái bản-sắc đó. Ở đây tôi đồng-ý với hồng-y Newman khi ngài nói, sống là biến-đổi và ai đã sống nhiều người đó cũng có khả-năng biến-đổi.

Mỗi nhiệm-vụ thường có cái giá của nó. Nhiệm-vụ càng lớn, chẳng hạn như việc phục-vụ chân-lí, thì giá lại càng cao.

Phục-vụ chân-lí là một từ lớn và là cái “ý-muốn cao-cả nhất” của nghề tôi đang làm. Nhưng chuyện phục-vụ đó dĩ-nhiên chỉ xẩy ra trong những hình-thức tầm-thường, qua những chuyện rất khác nhau, rất đơn-giản, nhỏ-bé, âm-thầm đâu đó. Ý-muốn nền-tảng vẫn là phục-vụ sự thật, nhưng trên thực-tế tôi toàn lo chuyện thư-từ, đọc tài-liệu, tiếp-xúc thảo-luận v.v..

Cái giá đối với tôi là đã không thể thực-hiện được hết cái mình muốn, nghĩa là đã không cùng đóng-góp được nhiều vào những thảo-luận tinh-thần lớn của thời-đại, không hình thành được một công-trình riêng. Bởi tôi phải lao vào những cái nhỏ-nhặt và đa-diện của những mâu-thuẫn và biến-cố xẩy ra. Tôi đành phải gạt ra một bên phần lớn những gì mình thích mà quay về với nhiệm-vụ thường nhật của mình. Và tôi phải từ-bỏ ý-nghĩ muốn đọc cái này muốn viết cái nọ để trở về với nhiệm-vụ được giao.

Giờ đây ngài bằng lòng với cuộc đời, ngài là người hạnh-phúc?

Phải, bằng lòng, vì sống ngược với mình và với đời mình là điều vô nghĩa. Và tôi cũng tin là mình đã có thể làm được đôi điều có ý-nghĩa một cách khác hơn những gì mình dự-trù và mong-đợi. Tôi thật tình cám ơn Chúa về cuộc sống mà Ngài đã đặt-định cho tôi.

Tin, cậy, mến, những nhân-đức nền-tảng – chúng có ý-nghĩa gì trong đời sống của hồng-y Joseph Ratzinger?

Chúng ta đã nói nhiều về tin. Nó trước hết là cội-nguồn của cuộc sống, là quyết-định nền-tảng nhận-biết Chúa và chấp-nhận Ngài. Nó là chìa khoá để cắt nghĩa mọi thứ khác.

Tin là hi-vọng, hị-vọng cái thế-giới không thiện-hảo này sẽ không cứ mãi bất thiện như thế. Với cái nhìn thuần thực-nghiệm, ta có thể nói sự dữ là sức mạnh chính ngự-trị thế-giới. Hi-vọng theo nghĩa Ki-tô giáo là nhìn-nhận có sự dữ nhưng đồng thời cũng vững tin vào tương-lai. Hạt nhân của tin là chấp-nhận mình được Chúa thương và vì thế, không những phải đáp-trả lời Ngài mà còn chấp-nhận công-trình tạo-dựng, chấp-nhận các thụ-tạo, nhất là con người, cố gắng nhìn ra hình-ảnh Chúa trong mỗi con người và nhờ vậy mình trở nên một kẻ sẵn-sàng thương-yêu.

Điều đó không dễ. Nhưng với tiếng thưa Vâng nền-tảng, với niềm xác-tín Chúa đã tạo nên con người, Ngài nâng-đỡ họ và họ không thể đơn-thuần xấu, thì tình yêu sẽ có chỗ tựa và từ niềm tin hi-vọng sẽ nẩy mầm. Hi-vọng như vậy bao gồm cái nhìn tin-tưởng vào thế-giới đầy hiểm-hoạ, nhưng nó hoàn-toàn không có nghĩa là không tưởng: Bởi vì mục-tiêu của hi-vọng không phải là một thế-giới sáng-lạn trong tuơng-lai, nhưng là sự sống đời-đời. Mong-chờ một thế-giới mới tốt-đẹp hơn là điều không lợi cho ai cả, vì thế-giới đó không phải là của chúng ta, và mỗi người trong chúng ta phải sống cho thế-giới mình, cho hiện-tại của mình. Thế-giới của thế-hệ mai-sau chủ-yếu sẽ do tự-do của thế-hệ mai-sau hình thành nên, bàn tay của chúng ta chỉ góp phần rất hạn-chế vào đó mà thôi. Nhưng cuộc sống đời-đời mới là tương-lai của tôi và đó mới là sức mạnh ghi dấu lịch-sử.