Chương 2: CÔNG VIỆC

CÔNG VIỆC

Thời buổi này có rất ít người được sinh sống bằng công việc mà mình thích. Vì nhu cầu kinh tế nên thay vì được chọn nghề mình thích, người ta bị buộc phải làm những phận việc mà họ chẳng thích. Nhiều người trong họ nói rằng: “Lẽ ra tôi giờ này phải làm một điều gì to tát hơn” hoặc: “Công việc tôi hiện đang làm có quan trọng chẳng qua là vì nhờ nó tôi kiếm được tiền”. Một thái độ như thế thường khiến cho công việc khó được hoàn tất hay khó được thực hiện tươm tất. Người nào biết chọn lựa công việc vì việc ấy chu toàn được một mục đích mà anh tán đồng thì mới là người tăng tiến bản thân nhờ vào công việc. Chỉ mình anh ta mới có thể nói được câu này khi đã chấm dứt công việc đó: “Nó đã hoàn tất xong!”

Ngày hôm nay thật đáng buồn khi nhiều người thiếu sót trong ý thức về nghề nghiệp như thế. Không nên trách móc cái hệ thống kinh tế phức tạp mà nên trách móc sự đổ vỡ những giá trị tinh thần của chúng ta. Nhìn với viễn cảnh thích hợp thì bất cứ công việc nào cũng đều có thể được dùng để cao đẹp hoá chúng ta, nhưng để thấy điều đó thì trước tiên cần hiểu rõ triết lý về lao động.

Mọi phận việc chúng ta làm đều bao gồm hai khía cạnh: thứ nhất là mục đích tức là lý do khiến chúng ta cho rằng việc ấy đáng làm và thứ hai là chính công việc được nhìn tách biệt với cùng đích của nó. Chúng ta chơi quần vợt để mà tập luyện, tuy nhiên chúng ta lại phải chơi hết mình như chỉ để được vui vì đã chơi hay. Kẻ nào lập luận rằng mình vẫn tập luyện nhiều bằng việc chơi cẩu thả trong sân chơi thì kẻ ấy sẽ đánh mất sự hiểu biết khía cạnh thứ hai của tất cả mọi hoạt động đó là phải chu tất mọi phận việc phù hợp với tiêu chuẩn tuyệt hảo riêng của nó. Tương tự như thế, mục đích đầu tiên của một công nhân làm việc ở một xưởng xe hơi có thể là để kiếm tiền, tuy nhiên mục đích của chính công việc lại là sự hoàn tất công việc. Người công nhân lúc nào cũng nên ý thức đến mục đích thứ hai, giống như người hoạ sĩ ý thức đến mục đích là cái đẹp trong khi vẽ, hay bà nội trợ ý thức đến nhu cầu sạch sẽ khi bà ta lau bụi.

Ngày nay, khía cạnh thứ nhất của lao động đã trở nên ưu thắng và người ta có khuynh hướng bỏ lơ khía cạnh thứ hai… đến nỗi nhiều công nhân đã lui hui nửa đời người vào việc lao động. Tuy nhiên họ giống như những người làm vườn chỉ biết bắt buộc cây cải phải đem lại cho họ nước sốt cải nhưng lại chẳng để ý đến việc chọn miếng đất gieo cải cho thích hợp hoặc chăm sóc cây cải cho tươi tốt. Đây quả là một thái độ lầm lẫn: vì chính Chúa cũng đã lao động khi Ngài tạo lập thế gian và rồi khi ngắm nhìn công việc của mình Ngài đã gọi công việc ấy là: “Tốt!”

Niềm hãnh diện chính đáng khi thấy công việc được hoàn tất tốt đẹp sẽ giúp cho công việc giảm đi nhiều nỗi cơ cực. Một số người tuân theo tiêu chuẩn “nghệ tinh” này thường tìm được sự hưng phấn trong bất cứ công việc nào của họ. Họ nhận ra được thoả mãn khi “một công việc được làm chu tất” dù là bện một chiếc ghế mây, chùi chuồng ngựa hoặc khắc một bức tượng cho ngôi thánh đường. Vinh dự và lòng tự trọng của họ được nâng cao dựa vào cái kỷ luật làm cho cẩn thận các công việc ấy. Họ đã giữ lại được thái độ xưa kia của thời trung cổ; vào thời đó công việc được xem là một sự cố thánh thiện, một nghi thức, một nguồn công trạng thiêng liêng. Thời bấy giờ, người ta không làm việc chỉ nhằm lợi ích kinh tế mà còn do sự thúc dục từ bên trong, từ niềm ước muốn phóng chiếu ra quyền năng tạo dựng của Chúa qua nỗ lực riêng của con người chúng ta.

Không nên thực hiện bất cứ phận vụ nào mà không quan tâm đến một trong hai khía cạnh ưu tiên này của công việc. Muốn nối kết được hai điều này với nhau… chẳng hạn niềm vui khi làm ra cái bàn đẹp và mục đích làm ra nó, tức là để kiếm sống… Chúng ta cần ghi vào tâm trí những nguyên tắc sau đây:

Công việc là một bổn phận luân lý chứ không phải chỉ là một nhu cầu vật lý như nhiều người thường nghĩ. Thánh Phaolô từng nói: “Ai không chịu làm việc thì không đáng ăn”. Khi công việc được coi như một bổn phận luân lý thì rõ ràng là nó không chỉ đóng góp vào thiện ích xã hội mà còn tạo ra những ích lợi khác cho chính người công nhân, nó tránh cho anh ta “sự nhàn cư vi bất thiện” cũng như giúp cho xác thân anh ta biết phục tùng ý chí.

“Làm việc là cầu nguyện”. Cuộc sống qui củ không loại sự cầu nguyện qua một bên cho đến lúc làm việc xong mà là biến công việc thành một lời cầu nguyện. Chúng ta chu tất được điều này nếu chúng ta biết hướng về Chúa khi khởi đầu và hoàn tất một phận việc và dùng tâm trí dâng nó lên cho Ngài vì lòng yêu mến Ngài. Như thế, dù đang nuôi một đứa trẻ, hay đang sửa một bình chứa hoà khí, đang xoay cái máy tiện hoặc đang điều khiển thang máy, phận việc nào cũng đều được thánh hoá hết. Không việc đạo hạnh nào trong các giờ rảnh rỗi có thể bù đắp sự cẩu thả trong khi làm việc. Tuy nhiên, bất cứ phận sự nào, nếu làm chu đáo, thì cũng có thể biến thành một lời cầu nguyện.

Antonio xứ Florence, một nhà kinh tế thời Trung cổ, tóm lược mối tương giao giữa công việc và cuộc sống trong công thức mang lại hạnh phúc sau đây: “Mục đích việc kiếm tiền là giúp chúng ta có thể nuôi mình và những người khác là để mọi người có thể sống cho nhân đức. Mục đích việc sống nhân đức là để cứu rỗi linh hồn chúng ta và để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu”.

Xét cho công bằng, mọi công việc phải nhận được hai loại phần thưởng, vì công việc không chỉ mang tính cách cá nhân mà còn mang tính cách xã hội nữa. John Jones làm việc trong một hầm mỏ, vào cuối ngày anh ta bị mệt mỏi, đây là sự hy sinh của cá nhân anh ta. Vì sự hy sinh này, John nhận được lương. Tuy nhiên, suốt cả ngày, John Jones cũng đã thực hiện sự đóng góp mang tính xã hội vào thiện ích của đất nước và của thế giới. Thế mà, ngày hôm nay, mặc dù có đóng góp cho xã hội, John Jones đã chẳng được nhận thêm gì hết, dầu rằng về mặt luân lý anh ta có quyền được chia sẻ cái thiện ích xã hội mà công việc anh ta tạo ra.

Vì thế, chúng ta cần điều chỉnh lại hệ thống lương sao cho người công nhân có thể chia sẻ về mặt lợi nhuận, về quyền sở hữu quyền điều hành ngành công nghiệp của mình. Khi các nhà lãnh đạo công nhân và các nhà tư bản đồng ý với nhau để cho công nhân một số vốn để bảo vệ họ, thì bấy giờ sẽ không còn hai nhóm đối nghịch trong ngành công nghiệp nữa; công nhân và giới điều hành sẽ trở nên những phần tử cùng hợp tác làm việc với nhau, giống như hai chân của một người cùng hợp lại để giúp anh ta bước đi vậy.

 

NGHỈ NGƠI

Trước đây chưa bao giờ con người có được nhiều thiết bị giúp tiết kiệm thời giờ như hiện nay. Thế mà chưa bao giờ con người lại có ít thời gian dành cho việc rảnh rang hay ngơi nghỉ như hiện nay. Tuy nhiên ít người để ý đến điều này: quảng cáo đã nhồi nhét trong tâm trí người hiện đại khái niệm giả dối là nhàn rỗi và không lao động đồng nghĩa như nhau – là chúng ta càng có bên cạnh đủ thứ linh tinh như then cửa, vỏ xe, cầu dao và những tiện nghi gia dụng khác thì chúng ta càng tiết kiệm được thời gian cho chính mình.

Tuy nhiên sự phân chia ngày giờ của chúng ta thành lao động và không lao động như thế thật là quá đơn giản. Trong thực tế, đối với đa số việc phân chia như thế không đếm xỉa gì đến khả năng để có được sự nhàn rỗi thực sự. Người ta phí đi hàng giờ trống vào việc lơ ngơ láo ngáo không mục đích, vào việc tiêu cực chờ đợi một điều thú vị nào đó sẽ xảy đến cho mình…

Việc nghỉ ngơi đích thức không phải chỉ là khoảng cách giữa những hành vi trong sinh hoạt đời sống. Nó cũng là một thứ hoạt động mãnh liệt tùy thuộc vào một loại khác. Cũng như giấc ngủ không phải là sự ngưng lại của sự sống mà chính là sự sống dưới một hình thức khác so với lúc thức thì sự nghỉ ngơi cũng là một hoạt động chẳng kém về mặt sáng tạo so với hoạt động của những giờ lao động của chúng ta.

Sự nghỉ ngơi – xét như sự nhàn rỗi đích thực – không thể nào có được nếu không kèm theo vài nhận thức về thế giới tinh thần. Bởi vì mục đích đầu tiên của sự nghỉ ngơi là để chiêm ngắm điều thiện… đích nhắm đích thực của nó là nhìn ra tương giao giữa các sự cố nhỏ mọn trong cuộc sống hàng ngày và sự tốt đẹp rộng lớn hơn đang vây phủ quanh chúng ta. Sách Sáng Thế kể cho cho chúng ta là sau khi tạo dựng thế giới: “Thiên Chúa đã nhìn tất cả mọi thứ Ngài đã làm và nhận thấy chúng rất tốt đẹp”. Việc chiêm ngưỡng như thế về công việc của mình quả là tự nhiên đối với con người bất cứ lúc nào họ dấn thân vào phận sự sáng tạo. Anh hoạ sĩ đứng sau khung vẽ để xem coi những chi tiết cảnh biển có được đặt đúng chỗ không. Sự nghỉ ngơi đích thực chính là lùi lại để duyệt xem những hoạt động xảy đến với mọi ngày của chúng ta.

Chúng ta chỉ có thể mãn nguyện thực sự với công việc của mình nếu chúng ta thường xuyên dừng lại để tự hỏi xem tại sao chúng ta đang làm công việc ấy và mục đích của nó có phải là điều mà tâm trí chúng ta hoàn toàn ưng thuận không. Có lẽ một lý do khiến cho tại sao rất nhiều dự án kinh tế và chính trị của chúng ta bị thất bại là bởi vì những dự án này nằm trong tay những người chỉ biết quá dán chặt đôi mắt vào những gì họ đang làm đến nỗi chẳng bao giờ dừng lại để chất vấn xem có nên làm điều ấy không. Chỉ biết bận bịu để lo kiếm được tiền thì chẳng bao giờ có thể thoả mãn nhu cầu của con người về một công việc mang tính sáng tạo.

Bất cứ loại công việc nào cũng đều có thể được thăng hoa và khoác cho một mục đích siêu nhiên nếu công việc ấy được nhìn dưới viễn cảnh vĩnh cửu. Lau nhà, đổ rác, dò bảng số xe chở hàng… tất cả mọi điều này đều có thể được “thực hiện tốt đẹp” nhờ vào một cử chỉ đơn giản của ý chí hướng chúng vào việc phụng sự Chúa. Phận vụ đơn giản nhất cũng có thể mặc lấy ý nghĩa thiêng liêng và được thần thánh hoá là thế đấy.

Nếu chúng ta biết hướng công việc mình lên cùng Chúa thì chúng ta sẽ làm việc tốt hơn chúng ta thường nghĩ. Việc nhìn nhận điều này cho thấy chúng ta cần nghỉ ngơi. Trong khi nghỉ việc một tuần một lần, con người nên đến trước mặt Thiên Chúa của mình để nhìn nhận bao nhiêu công việc mình làm suốt tuần qua đều là công việc của Đấng Tạo Dựng: lúc ấy anh ta có thể nhắc nhớ cho mình rằng mọi thành quả lao động của mình đều đến từ đôi tay khác, rằng các ý tưởng mà tâm trí anh sử dụng cũng đến từ nguồn cội cao siêu hơn, và ngay cả năng lực anh ta sử dụng cũng là quà tặng của Thiên Chúa.

Trong tâm trạng nghỉ ngơi thực sự như thế, nhà khoa học sẽ thấy rằng chính mình không phải là tác giả những sưu tập của mình về luật thiên nhiên, mà chẳng qua chỉ là người đọc và sửa bản in. Chỉ có Chúa mới là Đấng viết ra cuốn sách ấy. Cũng trong lúc nghỉ ngơi như thế, người thầy giáo sẽ thú nhận mọi chân lý mà ông ta truyền lại cho học sinh của mình chỉ là tia nắng từ Mặt Trời Khôn Ngoan Thần Linh. Anh đầu bếp chuyên gọt khoai thì sau một thời gian nghỉ ngơi như thế sẽ biết cầm nắm những củ khoai như là những quà tặng khiêm tốn của chính Thiên Chúa.

Sự nghỉ ngơi giúp chúng ta chiêm ngắm những sự việc nhỏ bé mà chúng ta làm trong mối tương giao của chúng với những sự việc to tát là những thứ mới mang lại cho chúng giá trị và ý nghĩa. Nhờ nghỉ ngơi chúng ta mới nhớ rằng mọi hành động đều tìm được giá trị từ nơi Thiên Chúa: “Từ ngữ Worship (thờ phụng) có nghĩa là phục hồi lại cho cuộc sống lao động hằng ngày giá trị đích thực của nó bằng cách đặt nó trong tương giao với Chúa là cùng đích của nó và cũng là của chúng ta.

Sự thờ phụng như thế cũng là một hình thức nghỉ ngơi – là hình thức chiêm ngắm hết sức tích cực và sáng tạo những sự việc của Chúa nhờ đó chúng ta được phục hồi sinh lực trở lại; bởi vì lời hứa của Phúc âm thánh Matthêu vẫn luôn luôn chờ đợi những kẻ biết sẵn sàng lắng nghe: “Hãy đến với Ta, tất cả các ngươi là những kẻ lao nhọc và vác nặng, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”.

 

NHỮNG KẺ NHÀN RỖI NGOÀI PHỐ CHỢ

Một nhà tâm lý học vĩ đại và xuất chúng nọ có lần đã nói thảm kịch của con người ngày nay là họ không còn tin rằng mình có một linh hồn cần được cứu độ. Chúa chúng ta đã trả lời cho nhóm người ấy bằng một dụ ngôn thú vị về những người thợ làm vườn nho. Vào cuối ngày, chủ vườn nho đến nơi phố chợ và nói: “Tại sao các anh lại đứng đây suốt ngày chẳng làm gì cả” Trong một số vùng ở mạn Đông, tập tục này vẫn còn thịnh hành, người ta tụ nhau trước các giáo đường Hồi giáo hay những chỗ phố chợ tay cầm sẵn cuốc xẻng chờ được thuê mướn.

Câu chuyện này nói lên một bài học siêu nhiên và liên hệ đến những loại người rỗi rảnh khác nhau. Thêm vào những kẻ nhàn rỗi theo đúng nghĩa, có những kẻ cà lơ thất thơ chẳng biết làm gì. Nhiều người thì nhàn rỗi trong ý nghĩa là những kẻ tà lọt chăm chỉ cần cù nhưng lại quá mỏi mệt vì lao khổ đến nỗi chả làm được một việc gì gọi là có giá trị. Nhiều người khác nhàn rỗi vì cứ mãi do dự còn những kẻ khác thì vì thất vọng lo âu chẳng biết được mục đích của cuộc sống. Trước mắt người đời thì quả có ít người nhàn rỗi, nhưng trước cặp mắt từ trời cao nhìn xuống trái đất thì quả đây là chốn phố chợ thênh thang có ít người thực sự lao động. Đối với Chúa, mọi hoạt động như tìm kiếm của cải, dựng vợ gả chồng, mua bán, nghiên cứu sáng tác… đều là những phương tiện để đạt đến cùng đích tối thượng là sự cứu rỗi linh hồn. Mọi sự sử dụng năng lực con người để biến phương tiện thành cứu cánh, để cô lập cuộc sống khỏi mục đích cuộc sống đều là một sự nhàn rỗi gây mệt mỏi, một sự không thực tế đáng buồn.

Mặc dầu Chúa chúng ta đưa ra cái định nghĩa mới mẻ và gai góc này về sự nhàn rỗi, chúng ta vẫn còn nhiều hy vọng khi đọc câu chuyện trên bởi vì một số người vẫn được thuê mướn vào giờ thứ mười một và họ lại nhận được đầy đủ như những kẻ đã lao động suốt cả ngày dài. Đối với ân sủng Chúa thì chẳng bao giờ là quá trễ. Có một sự kiện tâm lý đặc biệt là những kẻ quay về Chúa muộn màng trong cuộc sống thường xem tất cả quãng đời trước kia của họ là phí phạm. Thánh Augustinô khi hồi tưởng lại tuổi trẻ phí phạm của mình đã thốt lên: “Ôi, Vẻ Đẹp ngàn xưa, con đã yêu Ngài trễ quá rồi!” Không hề có những trường hợp đến mức không còn hy vọng được nữa, không cuộc sống nào tiêu tan đi đến mức không thể bù đắp được, không sự nhàn rỗi lâu dài nào trở được vài giây phút làm việc hữu ích trong vườn nho của Chúa ngay cả những giây phút cuối đời như trường hợp tên trộm lành.

Vào lúc cuối ngày, khi Chúa ban cho mọi người cùng tiền lương như nhau thì những kẻ dầm nắng suốt ngày phàn nàn tại sao những kẻ vào làm giờ thứ mười một cũng được được lãnh nhiều như thế. Chúa chúng ta liền vặn lại: “Tại sao ánh mắt các ngươi lại nhìn thấy điều xấu xa chỉ vì ta làm điều tốt?” Ý tưởng về phần thưởng không hề có trong việc phụng sự ở trên trời. Những người sống tử tế suốt 40 năm để rồi phản đối ơn cứu độ của những kẻ mới đến sau cùng là những kẻ có tinh thần thuê mướn. Mọi hành vi đích thực của một con người sống siêu nhiên đều phát xuất từ tình yêu chứ không phải lòng ước muốn được thưởng. Không thể nào nói chuyện phần thưởng cho một tình yêu đích thực trong một cuộc hôn nhân mà lại không lăng nhục đôi vợ chồng ấy. Người ta không thể đền bù cho xứng hợp cái tình thương khiến đứa bé ôm quàng cổ mẹ hay khiến mẹ nó thức đêm canh đứa con bị bệnh. Người ta cũng không thể trao phần thưởng nào cho xứng hợp với hành vi anh hùng của một người liều mạng để cứu kẻ khác. Xét theo cách thức này thì những kẻ thực hành sự đạo đức và tôn giáo mỗi ngày cũng thấm đầy nét duyên dáng, hấp dẫn và vinh quang của lòng nhiệt tình quên mình hệt như bất cứ hành vi anh hùng nào đã nêu.

Sự nhàn rỗi thể lý làm hư hại tâm trí, sự nhàn rỗi thiêng liêng làm hư hại trái tim. Hành vi liên kết giữa không khí và nước có thể biến một thanh sắt thành rỉ sét. Vì thế vào mỗi giờ nơi phố chợ, người ta đều phải tự vấn mình: “Tại sao tôi lại đứng nhàn nhã ở đây?”