PHỤ HUYNH CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON EM KHI BỊ BẮT NẠT Ở TRƯỜNG

Tâm Lý Giáo dục

- Trần Mỹ Duyệt

“Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Câu nói này hầu như ai cũng đã nghe và đã biết về ý nghĩa của nó. Tuổi trẻ mà không chút phá phách, nghịch ngợm không phải là tuổi trẻ. Nhưng lưu manh, côn đồ, du đãng, và bắt nạt lẫn nhau thì đó là những hành động không thể chấp nhận. Hậu quả của nó còn để lại một hiện tượng xã hội tồi tệ sau này, đó là: “Cá lớn nuốt cá bé!”

Một trong những cái làm căng thẳng nhất đối với một đứa trẻ là sức ép từ bạn bè “peer pressure”. Ai cũng có kinh nghiệm này khi còn là một trẻ em cắp sách đến trường, đặc biệt ở tuổi vị thành niên, và cả sau này khi đã bước chân vào cuộc sống với những giao tiếp xã hội. Hồi tưởng lại thời còn là những chú bé, cô bé cắp sách đến trường. Nỗi ám ảnh và kinh hoàng nhất là khi nghĩ đến cảnh bị bắt nạt, bị chê bai, bị coi thường, bị “đánh hội đồng”. Những kỷ niệm này đối với một số người còn được xem như một hiện tượng tâm lý Post-traumatic stress disorder (PTSD. Có thể nói, đây là một trong những thử thách lớn lao nhất và là một kinh nghiệm đắt giá nhất của tuổi trẻ, và của một đời người. Nói gì đến sức ép của bạn bè. Một là sống còn, là thuộc về một phe nhóm nào đó, hoặc bị chế diễu, xa tránh, khinh bỉ, hoặc bắt nạt. Trong cuộc khảo cứu của National Center for Educational Statistics, 2015, hầu hết 1 trong 4 học sinh (22%) báo cáo cho biết mình bị bắt nạt. [1]

Chính xác hơn, tài liệu trích dẫn bao gồm Indicators of School Crime and Safety: 2019 [2] và the 2017 Youth Risk Behavior Surveillance System (Centers for Disease Control and Prevention) [3]  cho hay các học sinh từ 12-18 tuổi từng là nạn nhân của tình trạng bạo hành, bắt nạt dưới nhiều hình thức. Thí dụ, là nạn nhân của nói dối hoặc chê bai (13.4%). Bị chọc quê, khinh thường, chế nhạo, hoặc bị chê bai vì tên gọi. (13.0%).

Thống kê toàn cầu dựa theo the UNESCO Institute of Statistics:

-1/3 trẻ em trên thế giới bị bắt nạt.

-Thành phần nghèo là yếu tố chính bị bắt nạt tại những quốc gia giầu có.

-Những trẻ em thuộc gia đình di dân trong các quốc gia giầu có thường là nạn nhân của nạn bắt nạt so với các trẻ em bản xứ. [4]

Kết quả khảo cứu còn cho thấy, trẻ em bị bắt nạt thường không đạt thành quả tốt trong việc học hành. Các em luôn có thái độ nhút nhát trong lớp học nên bị chính các thầy cô nghi ngờ về khả năng học hành và ít được quan tâm, hoặc bị xếp đứng thấp trong nấc thang học vấn tại nhà trường. [5]

Trong thế giới văn minh hiện nay, một hình thức bắt nạt khác được phổ biến là dùng những phương tiện điện tử (cyberbullying) như phone, facebook, youtube, messenger, email để khủng bố. Theo National Crime Prevention Council (2021). Stop Cyberbullying Before it Starts, hơn ½ trường hợp bị bắt nạt như thế đã khiến các em trở nên bực tức, 1/3 cảm thấy đau đớn, và gần 15% sợ hãi . Có ít nhất 37% các em bị căng thẳng, dồn nén với online.  [6]

Đối với những người lớn tuổi, khi gặp những bất đồng, đối nghịch trong mối tương quan bạn bè đôi khi cũng khó lòng giải quyết huống hồ chi các em nhỏ. Phản ứng đầu tiên của các em là khóc, là bực tức, là chán học, là không muốn đến trường, hoặc đánh lộn. Nhiều trường hợp các em đã mang súng vào trường để thanh toán nhau.

Để tìm một số giải pháp giúp phụ huynh, và cũng để giúp các em đối phó với tệ nạn bắt nạt đang lan tràn trong các môi trường xã hội và học đường, theo cố vấn chuyên nghiệp hành nghề trị liệu và học đường, cũng là tác giả, Phyllis L. Fagell [*] sau đây là một số

hướng dẫn và gợi ý chuyên môn: [7]

1.Con không muốn có bạn.

Trong khi trò truyện với con cái, phụ huynh cần để ý đến thái độ của các em, đặc biệt, trong quan hệ bạn bè. Có một lúc nào đó, con em mình sẽ nói với mình rằng, “Con không thích chơi với bạn bè. Con không thích có bạn”.

Phụ huynh nghĩa sao khi nghe con mình tâm sự như thế? Theo nhà tâm lý học Eileen Kennedy-Moore, khi gặp những hoàn cảnh ấy, phụ huynh phải tìm cách giải thích cho con mình rằng, bạn bè đôi khi làm mình khó chịu, phiền phức, nhưng sống trên đời “không ai là một hòn đảo” (Thomas Merton), và vì thế chúng ta cần bạn. Quan trọng là bạn tốt hay bạn xấu.

Không muốn có bạn có thể là một cách diễn tả tâm lý cô độc, phản xã hội, hoặc có thể nó đến từ kinh nghiệm bị bắt nạt mà em không nói ra.

Phụ huynh cũng cần cắt nghĩa cho con mình biết, dĩ nhiên không phải ai cũng là bạn, nhưng quanh ta có ít nhất một, hai, hoặc ba người mà mình cảm thấy dễ gần, dễ tâm sự, có thể chia sẻ và giúp đỡ nhau. Đó là hình ảnh những người bạn mà mình cần phải có trong cuộc sống.     

2.Bạn làm con khó chịu.

Bạn bè dù thân thiết đôi lúc cũng làm ta khó chịu. Khi con bạn hỏi bạn: “Bố mẹ nghĩ thế nào về những tính chất tốt của một người bạn, một người quen, hoặc một người lạ?” Dựa vào câu hỏi này, phụ huynh có thể giúp con mình tự đặt thứ tự và giá trị những gì mà em vừa hỏi. Chính câu trả lời của em, sẽ giúp em hiểu bạn tốt khác với người quen tốt, và người lạ tốt như thế nào, và ở những điểm nào. Thí dụ, người bạn tốt là người có mặt khi ta cần. “Friend in need, friend indeed”. 

Người bạn xấu là người:

“Còn bạc, còn tiền còn đệ tử.
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi”.

(Thói Đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Phụ huynh cũng nên cho con cái biết thêm rằng trong số bạn tốt của mình đôi lúc cũng hành động “nóng nảy” hoặc “bốc đồng” thái quá. Ngược lại, đôi lúc lại tỏ ra “hời hợt, lạnh lùng”. Không phải lúc nào bạn cũng phải niềm nở, và lúc nào cũng dễ chịu với ta. Nhưng chắc một điều, đã là bạn tốt thì dù nóng nảy hoặc lạnh lùng, những cách biểu lộ tình cảm ấy không hẳn mang ý nghĩa là không thương ta, nhưng đó chỉ là cá tính của mỗi người trong mỗi hoàn cảnh. Dạy con thẳng thắn nói với bạn: “Tôi không thích thái độ của bạn. Tôi cần sự tôn trọng của bạn”. Hoặc: “Bạn nóng nảy và thái quá. Tôi không hài lòng với lối cư xử này”.

Có những người bạn mà chúng ta chơi với nhau trong lớp, nhưng cũng có những người bạn mà chúng ta cần đến khi phải đối phó với những va chạm gặp phải trong giao tiếp xã hội. Bạn bè của tuổi trẻ thay đổi cũng giống như chính các em thay đổi. Người bạn lúc này có thể làm mình khó chịu, nhưng ở vào thời điểm khác lại là một người tốt, rất nhiệt tình với ta. Ca dao Việt Nam có câu: “Giầu vị bạn. Sang vì vợ”.    

3.Bạn bè con loại và không chơi với con.

Vào một buổi chiều sau khi tan học, con của bạn nói với bạn bằng một thái độ bực tức: “Con muốn tham gia vào nhóm với các bạn mà chúng nó không muốn con tham dự.” Hoặc: “Trong nhóm chơi với nhau, con bị loại ra khỏi không cho ngồi chung với chúng tại bàn ăn trưa.” Bạn làm gì để giúp con có một giải đáp thỏa đáng?

Trong trường hợp ấy, bạn có thể nói với con mình rằng, tình cảm của tuổi trẻ cũng như bất cứ ai được dựa trên sự thu hút tự nhiên như một hỗn hợp hóa học (chemical compounds). Trong khoa học, sự thu hút và hấp dẫn mỗi người chúng ta được ví như hấp lực của nam châm, một cách tự nhiên không gượng ép. Tìm chọn một số bạn mà mình bị thu hút, cũng như họ cảm thấy bị thu hút là một nhu cầu cần thiết, một yếu tố tâm lý và xã hội.

Phụ huynh nên giải thích và không nên cưỡng ép con mình phải chấp nhận thành một thành phần nào trong nhóm, nhưng phải tìm hiểu cảm xúc của con. Nếu con của mình là con trai, phụ huynh nên để ý đến điều này: “Thế giới của con trai được xây dựng trên hệ thống đẳng cấp”. Trong nhóm bọn chúng biết ai là đại ca, và biết mình phải làm gì để trở thành một thành phần trong sinh hoạt chung.

4.Làm gì để hóa giải xích mích.

Nếu con bạn đến xin bạn giúp hòa giải tranh chấp giữa nó và một đứa bạn, điều trước hết bạn cần hỏi nó là: “Chuyện này xảy ra lúc nào?”  Nếu con bạn trả lời: “Năm tháng trước đây”, thì điều bạn nên làm là khuyến khích con hãy bỏ đi quá khứ mà nhìn về tương lai. Thời gian năm tháng cũng dài đủ để hóa giải một bất hòa.

Theo tâm lý, chúng ta đừng để cho mình sống với những bất hòa của quá khứ. Cần nhìn về phía trước, và chấp nhận rằng trong mọi sinh hoạt chung cái khó là làm sao để giữ mối giây liên lạc, hòa khí được lâu dài và bền chặt. Một trong những nguyên tắc ấy là “bất đồng nhưng không bất hòa.” Mình có thể không đồng ý với nhau điều này điều khác. Có thể tranh cãi phải trái về một vấn đề, nhưng không vì vậy mà trở nên đối đầu, trở thành thù địch.  

Học để buông bỏ quá khứ là điều quan trọng. Quan trọng nhất là đừng bỏ đi hạnh phúc của chính mình. “Nếu đời cho ta một trái chanh, hãy dùng nó để vắt một ly chanh đường” (Elbert Hubbard?)

5.Con của bạn thường xuyên gây sự với bạn bè.

Nhưng nếu con của bạn là người hay gây sự với bạn bè thì sao? Đây là một kinh nghiệm khó giải quyết. Nếu con bạn là người hay gây sự và luôn luôn bắt đầu các cuộc cãi vã, đánh lộn, thì người làm cha mẹ trong trường hợp này là phải giúp nó biết trầm lại, tránh nóng nảy bằng cách lấy mình làm thú dụ, kể lại cho nó nghe kinh nghiệm nóng nảy của chính mình và những thất bại từ đó gây ra.

Tiếp đến từ từ phân tích cho con mình biết lý do tại sao lại xảy ra những chuyện đó? Cái gì khiến cho tình cảm trở nên căng thẳng và cần thiết phải đánh lộn hoặc cãi vã? Lắng nghe câu chuyện của con, không la mắng hoặc trách con, nhưng cũng không ủng hộ và khuyến khích con về thái độ này. Giải thích cho con câu nói của ông bà xưa: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang. Đánh được người mặt vàng như nghệ”.  Trong lúc hung hăng, hống hách, coi mình như đại ca, tự cho mình hơn người, tâm lý tự tôn khiến mặt mình khơi khơi tự đắc, sắc mặt hồng hào, tươi tỉnh. Nhưng khi thất thế sa cơ, hoặc vướng vào lao lý, tù tội vì ẩu đả, chém giết người lúc đó đối đầu với pháp luật sắc mặt sẽ chuyển biến vàng vọt, ủ rũ.

Đối với những đứa trẻ láo cá, hung hăng con bọ xít, ưa gây sự và đánh lộn, thái độ của phụ huynh và lối sống của họ ảnh hưởng nhiều hơn là những lời khuyên nhủ, đe nẹt, hoặc hình phạt.    

Tóm lại, dưới cái nhìn tâm lý giáo dục, để giúp con cái vượt qua những khó khăn trước tệ nạn bắt nạt ở học đường hoặc bị sai khiến, lợi dụng trong môi trường xã hội sau này, điều cần phụ huynh nên làm là tập cho con thái độ tự tin và trưởng thành ngay từ còn nhỏ. Trong gia đình hãy khuyến khích các con biết nêu lên câu hỏi, biết trả lời có hoặc không bằng những ý kiến và lập trường của chính các em. Cha mẹ không nên lấy quyền mình để “cả vú lấp miệng em”, để ra lệnh, trấn át hay áp đặt trên con cái làm chúng sợ hãi, khúm núm hoặc miễn cưỡng phải vâng lời. Chửi bới, đánh phạt, bỏ đói, khủng bố tinh thần con đều không phải là những hành động giáo dục, cũng không phải là cách thức cha mẹ cho rằng vì thương mà “cho roi, cho vọt”.

“Fight or fly” (chiến hoặc đàm) là một trong những nguyên tắc sống của con người tự tin và tự chủ. Nó khác với cách hành xử “mềm nắn, rắn buông” của những kẻ chỉ biết lợi dụng và khai thác sự yếu mềm, nhược điểm của người khác. Con em mình chỉ có thể bị bắt nạt khi chúng tự ty, mặc cảm, không dám đối diện với sự thật nên chấp nhận để mình bị bắt nạt. Sau này khi lớn lên vào đời, thái độ sống ấy vẫn luôn là một quan niệm thua thiệt trong cái xã hội “cá lớn nuốt cá bé”.

*Phyllis L. Fagell, một cố vấn chuyên nghiệp với bằng hành nghề trị liệu tại Bethesda, Maryland, cố vấn học đường tại Sheridan School ở Washington, DC, và tâm lý gia trị liệu tại the Chrysalis Group. Tác phẩm của bà với tựa đề “Middle School Matters” và tác phẩm sắp xuất bản là “Middle School Superpowers”. 

 ____________

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.pacer.org › bullying › info › stats

2. https://nces.ed.gov/pubs2020/2020063.pdf

3. https://www.cdc.gov › mmwr › volumes

4. https://www.stopbullying.gov/resources/facts

5. publicschoolreview.com

https://www.publicschoolreview.com › blog › how-does-..

6. webpurify.com

https://www.webpurify.com › blog › cyberbullying-statis..

7. How parents can help kids overcome five common friendship hurdles

https://www.cnn.com/2023/04/24/health/children-friendship-problems-wellness/index.html

THÁNH GIUSE THỢ

- Lễ Kính 1 tháng 5

Thánh Giuse, Cha Nuôi Đức Kitô. Ngài đã sinh sống và nuôi vợ con với đôi tay và sức lao động của chính mình bằng nghề thợ mộc. Chúa Giêsu lớn lên cũng theo nghề của dưỡng phụ ngài, và đã trở thành một anh thợ mộc: “Đây không phải là ông thợ mộc sao? Không phải là con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không ở đây với chúng ta sao? Và họ xúc phạm đến Ngài” (Marcô 6:3).   

Dù chỉ là một người thợ mộc bình dân, âm thầm, và nghèo nàn, nhưng theo huyết thống, Thánh Giuse thuộc hoàng tộc David.  Ở vào thời ngài, dòng dõi David tuy không còn lừng lẫy như xưa,  Thánh Giuse vẫn cho thấy ngài là người có tâm hồn cao thượng và thánh thiện. Thánh Kinh kể lại sau khi kết hôn với Maria, do nhận ra Maria có thai, nhưng vì “là người công chính và không muốn công khai tố cáo người bạn mình” (Matthêu 1:19), nên Thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ Maria một cách kín đáo. Hành động của ngài đã khiến Thiên Đàng phải can thiệp. Thiên thần Chúa đã được sai đến và cho ngài hay con trẻ đó là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa đây được hoài thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.


TÓM LƯỢC LỊCH SỬ NHỮNG PHÉP LẠ THÁNH THỂ

“Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống.” Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” Đức Giê-su bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”


LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA: QUÀ TẶNG CỦA PHỤC SINH

“Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời” (Khải Huyền 1:17-18). *

Chúng ta vừa nghe những lời an ủi này trong Bài Đọc Thứ Hai trích từ sách Khải Huyền. Những lời mời gọi chúng ta hướng tầm nhìn vào Chúa Kitô, để cảm nghiệm sự hiện diện bảo đảm của Ngài. Đối với mỗi người, trong bất cứ điều kiện nào, dù cho là phức tạp và bi đát nhất, Đấng Phục Sinh đều lập lại: “Đừng sợ, Ta đã chết trên Thập Giá nhưng nay Ta sống đến muôn đời”, “Ta là đấng trước hết và sau hết, và là đấng hằng sống.” 


NGƯỜI KHÁCH LẠ TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS

Theo trình thuật của thánh sử Luca (Lc 24,13-35), hôm đó trên đường từ Giêrusalem về Emmaus có ba người lữ hành. Họ đi bên nhau, chia sẻ những suy tư của mình về một biến cố, theo họ, rất quan trọng và có ảnh hưởng đến không chỉ riêng họ mà còn cả toàn dân Israel nữa. Ba người gồm một người được ghi rõ tên, một người không ghi rõ tên, và một người sau cuối ngày danh tính mới được biết đến. Đây cũng là người, là nhân vật chính trong câu chuyện mà cả ba đã trao đổi suốt dọc đường.    


MẦU NHIỆM PHỤC SINH QUA CHIẾC KHĂN LIỆM  

Anh chị em thân mến,

Đây là thời khắc mà tôi đã từng mong đợi. Tôi đã đứng trước Khăn Liệm Thánh trong nhiều trường hợp khác nhau, nhưng lúc này, qua cuộc Hành Hương này và giây phút này tôi đang cảm nghiệm về nó bằng một cường độ đặc biệt: Có lẽ vì trong những năm vừa qua đã cho tôi cảm nhận nhiều hơn đối với thông điệp của Hình Ảnh phi thường này. Và trên tất cả, tôi có thể nói bởi vì giờ này, tôi ở đây như Đấng Kế Vị của Phêrô, và tôi mang trong tim tôi toàn thể Giáo Hội, đúng ra, toàn thể nhân loại.


SỢ HÃI KHI CON THUYỀN PHÊRÔ GẶP SÓNG GIÓ!

Các nhà chú giải Thánh Kinh đã đếm được 365 lần câu “đừng sợ” (don’t be afraid) trong Kinh Thánh. Nếu một năm 365 ngày chia đều cho 365 lần nhắc nhở “đừng sợ”, thì ít nhất mỗi ngày một lần, Thánh Kinh nhắc bảo con người rằng “đừng sợ!” Vậy, con người sợ cái gì? Và tại sao Thiên Chúa lại phải trấn an con người như vậy? [1]

Thế gian này là một “vũng lệ sầu” như lời trong kinh Lạy Nữ Vương, vì thế cuộc lữ hành đi về vĩnh hằng của con người chính là một hành trình gặp phải rất nhiều sự sợ hãi. Trước hết, con người phải đối diện với những sợ hãi do ma quỷ là loài thần thiêng, nhưng luôn luôn ghen tỵ và tìm mọi cách để làm hại con người. 


CON CÓ BIẾT KHI NGƯỜI TA ĐÓNG ĐINH CHA?!  

Tuần Thánh (Holy Week), tiếng Latin là Hebdomas Sancta hay Hebdomas Maior. Tuần lễ trọng đại này đối với người Kitô Giáo là tuần trước Phục Sinh. Theo Tây Phương, nó bắt đầu bằng tuần lễ sau cùng của Mùa Chay, bao gồm Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bẩy tuần Thánh.


NGÔI  MỘ TRỐNG - Chúa đã Phục Sinh. Alleluia.  

Thế là Giêsu người thành Nagiarét đã “mồ yên mả đẹp”.

Vâng! Hỡi Giêsu. Xin hãy yên nghỉ và quên đi những vất vả sau ba năm truyền giảng Tin Mừng. Quên đi những roi đòn làm tan nát tấm thân. Quên đi mão gai. Quên đi những tiếng la ó đòi kết án. Quên đi bản án bất công. Quên đi thánh giá nặng trên vai. Quên đi những tiếng búa chát chúa làm xuyên thấu tay chân bằng những chiếc đinh dài và nhọn nhưng rất vô tình. Quên đi cơn hấp hối kinh hoàng tưởng chừng “Cha nỡ bỏ con.” (Mt 27:46) Quên đi đồi Golgotha loang máu. Và Giêsu ơi! Xin hãy ngủ yên.


NHỮNG NGÔI MỘ TRẮNG  

Có khi nào chúng ta đã tự đặt mình vào số những người vây quanh Chúa Giêsu mỗi khi Ngài rao giảng không? Và thái độ của chúng ta lúc đó như thế nào: Hăm hở nghe lời Ngài, suy tôn và thần tượng Ngài về những lời giảng dạy khôn ngoan; hoặc ngược lại, cảm thấy chói tai, mỉa mai Ngài rồi bỏ đi?