Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: 1955

- Đồng Công Nẩy Sinh 1. Đồng Công Nẩy Sinh: Các cơ sở Đồng Công ở Giáo phận Qui Nhơn từ 1957


 

Trường Trung Học Toàn Mỹ Mỹ Chánh

 

 

ĐÔI NÉT VỀ TRƯỜNG TOÀN MỸ

     Tại Xã Mỹ Chánh - Quận Phù Mỹ - Tỉnh Bình Định                                        

Đầu tháng 9 năm 1957, Đức Cha Phêrô M. Phạm Ngọc Chi, Giám Mục giáo phận Quy Nhơn, Ngài tỏ ý xin Anh Cả cho một số anh em dòng ra giáo phận Ngài để truyền giáo. Đáp lời Ngài, Anh Cả phái một linh mục là anh Matthêô M. Phạm Văn Hoá (Đức Phương) và hai anh Đaminh M. Đoàn Đức Khiêm (Văn Uyên) và Giuse M. Phạm Văn Nhất (Đức Khiêm) làm thành phái đoàn truyền giáo đầu tiên lên đường ngày 16 tháng 10 năm 1957.

Khi các chiến sĩ truyền giáo đến vùng dân ngoại thuộc quận Phù Mỹ tìm hiểu… thì biết rằng quận Phù Mỹ hiện nay chưa có trường trung học, và đại đa số phụ huynh đang ước mong có nơi cho con em thụ huấn. Lại nữa, nếu cất nhà thờ ngay khi người ta chưa tin Chúa, hoặc đã tin, nhưng vì đức tin còn non yếu, nếu gặp khó khăn thử thách, có thể sống đạo nhếch nhác đến bỏ đạo và nhà thờ sẽ trống rỗng! Bởi vậy, trước tiên ban truyền giáo nghĩ ngay đến việc giáo dục tất sẽ có cơ hội thuận tiện để tiếp xúc với quần chúng, làm quen gây thiện cảm, dần dần đưa họ về chính lộ. Tình hình lúc này, ông Quận Trưởng Phù Mỹ đang vận động xây cất trường trung học bán công, phía Phật giáo, họ cũng đang rục rịch mở trường…

Trước  những lý do trên, việc  cấp  bách là các  chiến  sĩ truyền

giáo Đồng Công tiên  khởi quyết  định xúc tiến ngay công việc

mở trường trung học. Nhưng là công việc của gia đình dòng - có tính cách pháp nhân, để giải quyết, anh Hoá bay về Thủ Đức thưa Anh Cả sự  việc… Được Anh Cả  chấp  thuận cho mở trường. Việc tiếp theo là tìm tên trường xét theo hai phương diện:

- Cần có tiếng gì nhắc đến Đức Mẹ là Đấng cưu mang, bảo trợ và duy trì công cuộc truyền giáo, đặc biệt tôn vinh Đức Mẹ là quan thày.

- Tên trường cần danh từ mang được ý nghĩa địa danh vì trường đặt tại xã Mỹ Chánh, một xã trong mười lăm xã thuộc quận Phù Mỹ mà xã nào cũng có chữ đầu là “MỸ”. Sau khi nêu các lý do, Anh Cả đã góp ý nên đặt tên trường là: TOÀN MỸ. Toàn Mỹ, ghép bởi hai chữ TOÀN là tất cả - hoàn toàn (tota) và MỸ là đẹp.

- Toàn Mỹ là hoàn toàn xinh đẹp (Tota pulchra), chỉ Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng của trường. Đúng như lời giáo hội ca tụng Mẹ: Tota pulchra es, o Maria! Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều trông nhờ ở Mẹ. Nay lấy tên là trường TOÀN MỸ, nhận Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng thật chí lý lắm vậy.

Sau khi chọn tên trường, tiếp đến việc mua đất để xây cất…

Anh Cả nhờ Phanxicô M. Đinh Minh Đạo từ Thủ Đức ra Mỹ Chánh tiếp nhận công trình ngày 12 tháng 12 năm 1958, và anh khởi sự công việc vào hôm sau, thứ Bảy. Trong khi đó, anh Hoá tiến hành xin phép mở trường… chính anh giữ chức hiệu trưởng, anh Vũ Thanh Thiên đảm trách Giám Học, anh Trần Quốc Thanh đảm trách việc Văn Phòng, và thời gian đầu này, anh Hoá đã thuê mười giáo chức ngoài đến dạy.

Ngày 13 tháng 7 năm 1959, văn phòng trường trung học Toàn Mỹ mở cửa bắt đầu ghi danh nhận học sinh lớp đệ thất (tức lớp 6).

Giai đoạn xây cất trường gồm trệt và một lầu tuy chưa hoàn tất, nhưng theo truyền thống Công Giáo, là con cái của Mẹ, thích chọn ngày lễ kính Mẹ để tôn vinh Mẹ, để cảm tạ Mẹ đã ban cho bước đầu xây dựng được thuận lợi ngoài sự ước mong, thế nên Ban Giám Hiệu quyết định tổ chức lễ khai giảng vào ngày lễ Mẹ Mẹ Lên Trời 15 tháng 8 năm 1959, có sự hiện diện của ông Quận Trưởng quận Phù Mỹ, chính quyền xã, thôn và khá nhiều thân hào nhân sĩ tham dự. Năm học mới có bốn lớp đệ thất, sĩ số mỗi lớp trên 40 học sinh nam đến từ nhiều xã trong và ngoài quận Phù Mỹ.  

Tiếp đến niên khoá thứ hai 1960 - 1962, trường đã có lớp học trên lầu, có trạm phát thuốc miễn phí, có quán cơm phục vụ học sinh nghèo, và một dãy nhà nằm bên hồ cá làm ký túc xá cũng hoàn thành. Khu trường Toàn Mỹ khang trang, thoáng mát soi bóng trên sông Bến Trễ nên thơ, nơi đây cũng chính là trung tâm truyền giáo mà anh em Đồng Công phục vụ trong  giáo phận Quy Nhơn này.

Nhưng thời thế xoay vần, cuộc chính biến ngày 1.11.1963, kết thúc nền Đệ Nhất Cộng Hoà miền Nam Việt Nam do Tổng Thống Ngô đình Diệm lãnh đạo, từ đây chiến sự mỗi ngày một gia tăng, khiến trường Toàn Mỹ phải đóng cửa ngày 29 tháng 9 năm 1964. Thày vội vã ra đi, trò ở lại ngơ ngác… Thời gian sau Tết Mậu Thân 1968 đến năm 1974, đôi khi trường mở lại, rồi tự đóng theo tình hình an ninh. 

 

 

Nếu trường trung tiểu học - Lưu học xá Đồng Công Thủ Đức được thiết dựng ngay từ năm 1956, thì

ở tận xã Mỹ Chánh, quận Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định Qui Nhơn xa xôi, anh em dòng đã hiện diện từ năm 1957 và hoàn thành Trường Toàn Mỹ năm 1959


Trong thời khoảng 1968 đến 1974 ấy, anh em Đội IX, sau lần khấn đầu tiên vào Lễ Mẹ Chuộc Nô 24/9/1967 ở Qui Đức Qui Nhơn, một số anh em đội đã được sai phái đến phục vụ ở Trường Toàn Mỹ này, nơi Anh Tuyên (LK 3) đang trực và Anh tân Linh mục Phạm Tiến Đức làm đầu, và em tâm phương này cũng đã được ở đây một thời gian ngắn, để phục vụ làm bếp cho các anh cùng lớp khấn dạy học, cho đến khi bị thương hàn, rồi sau đó đưọc thuyên chuyển về Trại gà Thiện Chí của Dòng ở Khu Kitô Vương Thử Đức năm 1968 cho đến năm 1970. Cũng trong thời khoảng ấy,  các lớp không dạy đủ các môn học theo chương trình nhà nước, mà có thể gọi là bổ túc văn hoá thì đúng hơn, và số học sinh chỉ trên dưới 300 em cả nam lẫn nữ.    

Anh em dòng ban bí tích Thánh Tẩy ở Mỹ Chánh

Trong thời gian ngắn ngủi ở Mỹ Chánh này, em đã từng chứng kiến thấy một đám tang, có 2 người khiêng quan tài, 

và một người đàn bà lẽo đẽo theo sau, không một tiếng khóc, vì quá đau thương, đã cạn khô nước mắt!  

Anh Linh mục Matthêu M. Phạm Văn Hóa (1914-1987) Trưởng Ban Truyền Giáo và thiết lập trường trung học Toàn Mỹ

Sau khi Trường Trung Học Đồng Công Toàn Mỹ bị đóng cửa bất đắc dĩ năm 1964, nhân dịp Dòng chuyển Nhà Mẹ ra Qui Nhơn, ở Nhà Đá xã Mỹ Hiệp, Anh Cả cùng với khoảng chừng 20 anh em đã xuống Mỹ Chánh vào đầu Tháng 6/1967 để tìm cách tu sửa và tái mở cửa.

Trong thời gian 2 tuần ở đây, anh em đã đi tắm bải biển Tân Thành 2 lần, cách Mỹ Chánh 15 cây số. Lần nhất Anh Cả cũng tắm với anh em, nhưng tới 3 giờ chiều thì về. Lần hai Anh không tắm nữa, nhưng đi tham quan khu vực địa phương vắng vẻ và nhuốm mầu u ám đến rợn người này, tới độ Anh Cả không dám tiếp tục đi thăm dò và giục anh em nhanh chóng trở về, kèm theo lời căn dặn: "Từ nay không đi tắm bể Tân Thành nữa. Thay vì tắm bể Tân Thành thì gắng tắm bãi bể Trung Xuân thôi". Rất tiếc, sau đó hơn 1 tháng, ngày 15/7/1967, một số anh em tắm ở Trung Xuân, còn đa số vẫn thích ở Tân Thành, nên xin Anh Cả, vị đã trả lời cho các anh này rằng: "Tùy ý các em, anh không cấm..."

Sáng ngày 16/7 anh còn nói rõ cho 15 anh em ra đi không hẹn ngày về rằng Anh không thích cho đi tắm bể Tân Thành nữa, vì Anh linh cảm thấy dấu không lành! Và đúng như vậy, cho tới 4 giờ chiều hôm ấy vẫn chưa thấy 15 anh em về, Anh không còn muốn ăn, muốn nói gì nữa. Đêm Anh ngủ được 2-3 tiếng. Cả ngày thừ người ra. Ban đêm cứ khóc hoài vì thương nhớ anh em. Cuối cùng Anh phải về Nhà Đá để giúp cho Lớp Tận IXA dọn mình khấn lần đầu 24/9/1967 ở Qui Đức, vì tình hình đột xuất bất ổn ở Nhà Đá bấy giờ. Còn 15 anh em thì cho tới 1975 và sau 1975 cũng chẳng thấy gì...Đó là Quí Anh: 

 Isiđôrô M. Hiếu, vt, lớp khấn II 

 Bênađô M. Khai, vt, lớp khấn II

Tôma M. Viễn, vt, lớp khấn III

Athanasiô M. Thiệp, vt, lớp khấn III

Batôlômêô M. Thông, vt, lớp khấn III

 Tađêô M. Hạnh, vt, lớp khấn IV

 Rômualđô M. Huân, vt, lớp khấn V

Isiđôrô M. Ngoạn, vt, lớp khấn V

 Gioan TG. M. Khải, ht, lớp khấn VI

 Anrê Corsinô M. Tinh, vt, lớp khấn VI

 Gioan Đamascênô M. Kha, ht, lớp khấn VI

 Ambrôsiô M.  Bài, ht, lớp khấn VII

 Albertô M. Bửu, ht, lớp khấn VII

Ambrôsiô M.  Luyện, ht, lớp khấn VII

  Phêrô M. Bản, nt, lớp khấn IX


 

Qui Đức

 

Đức Cha Đaminh Maria Hoàng Văn Đoàn OP, vị ân nhân đặc biệt của dòng ăn sáng tại Nhà Mẹ Đồng Công Quy Đức, Quy Nhơn, 1972.

 

Nhà dòng cũng có một nhà vào đầu năm 1964 ở Qui Đức trong Thị xã Qui Nhơn, thuộc Giáo phận Qui Nhơn.

 

Lớp thần học II của Dòng ở Qui Đức trước khi Nhà Mẹ từ Thủ Đức được chuyển ra Qui Nhơn tại Nhà Đá, để làm nơi Dòng tự đào luyện linh mục của dòng:

Hình trên tuy mờ vẫn có thể nhận ra bóng dáng của Anh Minh Đăng (đầu trái) đang giảng dạy, hàng 1: từ trong ra: Aa Đức, Xuân, Nam; hàng 2: Aa Giáo, Kiên, Tự

Hàng trên, không kể Anh Cả: Aa. Minh Đăng, Nam, Tự, Xuân - hàng dưới: Aa Đức, Giáo, Kiên

Lớp thần học IIIQuí Anh Giáo, Huyên, Lượng, Thiên, Sơn, Ban, Liên cam kết... trước khi tiến chức LM năm 1973

 

 

NHÀ MẸ DÒNG ĐỒNG CÔNGTẠI ĐỊA SỞ NHÀ ĐÁ

 

Xã Mỹ Hiệp - Quận Phù Mỹ - Tỉnh Bình Định 

Dịp lễ Giáng Sinh năm 1965, Đức Cha Đaminh Maria Hoàng Văn Đoàn, OP, Giám Mục giáo phận Quy Nhơn nhờ Hội Dòng coi sóc Địa Sở Nhà Đá, xã Mỹ Hiệp, quận Phù Mỹ cách thị xã Quy Nhơn 60 cây số. Đầu năm 1966, Anh Cả cùng anh em tới địa sở trên, kiến thiết 3 dãy nhà lập thành hình chữ U, với ngôi nhà 8 gian lớn hơn ở giữa làm nhà nguyện, và được Đức Cha giáo phận ưng thuận cho di Nhà Mẹ từ Quy Đức ra đây. Đồng thời Anh Cả cũng cho kiến thiết hai dãy nhà khang trang để mở trường trung tiểu học như một cơ sở truyền giáo của dòng. Tới cuối tháng 3 năm 1971, vì thiếu an ninh trầm trọng phải đóng cửa trường học, triệt hạ các dãy nhà và di chuyển anh em vào lại Quy Đức.

Trung tuần tháng 4 năm 1974, Anh Cả cho tái thiết trụ sở Nhà Đá, cùng có một số ít anh em ở để mở lại trường, trong đó em tâm phương đã được Anh Cả sai phái từ Lương Sơn Phan Rí ra. Bấy giờ Anh Linh mục Trần An Tĩnh làm Giám đốc, có quí Anh Đạt (LK II), Anh Cao Xuân Cảnh và Anh Lưu Chủ (cùng đội IX) v.v.. Nhưng sau đó, tình hình chiến sự trở nên khốc liệt, người ta dự đoán rất có thể giao thông Trung - Nam bị cắt đứt, nên ngày 21.8.1974, Anh Cả cùng Tổng Hội Đồng Cố Vấn quyết định di chuyển Nhà Mẹ về Khu Kitô Vương, Thủ Đức với sự chấp thuận của ĐC Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám Mục gp Quy Nhơn và ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, giáo khu Saigon. Cho đến cuối tháng 3 năm 1975, anh em Dòng gấp rút di tản, vĩnh viễn bỏ ngỏ tất cả các trụ sở của mình nơi giáo phận Quy Nhơn.

 

Nhà Mẹ (từ 1966) ở Nhà Đá xã Mỹ Hiệp quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định Qui Nhơn, nơi đã có 3 lớp thần học đầu tiên do dòng đào tạo, có toàn bộ Lớp khấn IX A.B.C, và biến cố Tổng Tu Nghị III 1970,

trước khi chỗ này bị phá bình địa vào năm 1971, rồi được tái thiết vào năm 1974, cho tới Thứ Năm Tuần Thánh 3/1975 anh em dòng (trong đó có em) rút quân cùng các nơi về hết Thủ Đức theo lệnh Anh Cả; hiện nay đang được Nhà Nước biến đổi theo nhu cầu địa phương này

 

 

Lớp linh mục đầu tiên được chính dòng đào tạo ở Nhà Mẹ Nhà Đá và được thụ phong ở Giáo phận Qui Nhơn năm 1967 (từ trái): 

Anh Xuân (LK2), Anh Kiên (LK3) và Anh Đức (LK1); Anh Nam đã ra triều ở Qui Nhơn.


Cho tới năm 1977, dòng có tất cả là 29 anh linh mục của dòng (không kể các vị linh mục triều xin vào dòng), bao gồm quí anh linh mục như sau:

5 anh đầu tiên học linh mục ngoài dòng, ở Đại Chủng Viện Xuân Bích và Sài Gòn: Anh Hưởng năm 1962 (III), Anh Tĩnh năm 1963 (V), Anh Trung năm 1964 (I), Aa Thịnh và Đại năm 1966 (đều lớp khấn I);

24 anh do chính dòng đào tạo ở Nhà Mẹ Qui Nhơn thứ tự chịu chức như sau: 4 anh năm 1967, 7 anh năm 1973, và 13 anh chịu chức bên HK năm 1977 và 1 anh ở VN trước khi bị bắt.

Tổng Tu Nghị III ngày 15/9/1970 ở Nhà Mẹ Qui Nhơn, với Hội đồng Cố vấn 1970-1977

 

Tổng Tu Nghị III 1970 bao gồm và kết hợp đủ mọi lớp khấn trọn của dòng từ 1 tới 9, và trong thành phần nghị viên đại biểu này có một số gương mặt quen thuộc dễ dàng nhận diện đó là:

I- Aa Thịnh, Đồng; II- Aa Tràng, Tiến, Đệ; III Aa Hòa, Hưởng, Hoàng, Tuấn, Trị, Lý; IV- A. Minh Đăng; V Aa Tĩnh, Liên; VI- A. Cung; VII- Aa Huỳnh, Diệp, Ân; VIII- Aa Chu, Đích, Hùng; IX- Hừng, Lâm, Luân

 

 

Từ khi nhập Tập viện, những ai theo đuổi Lý tưởng Thánh Đồng Công đều phải bắt đầu tập sống đời Tận hiến cho Mẹ Maria nghĩa là sống bé nhỏ cũng là đời sống Đồng Công.

Trong bài viết cho chung dòng, kỷ niệm 30 năm khai mạc Năm Thơ Ấu Thiêng Liêng của dòng, nhân dịp mừng 33 năm lập dòng (2/2/1953-1986), Anh Cả huấn dụ như sau:


"Nếp sống Thơ Ấu Thiêng Liêng của các tu sĩ ĐC và nếp sống Tận hiến cho Trái Tim Mẹ của Đồng Công, danh từ thì khác nhau, bản chất yếu tính hoàn toàn là một... 

Sự tận hiến cho Mẹ là đường đi lên của trẻ thơ".


Nghi thức nhập Tập viện của Dòng Đồng Công có một tính cách và nghi thức đặc thù, đó là Tận hiến cho Mẹ Maria, Nhờ Mẹ đến Chúa / Per Mariam ad Jesum,

theo đường lối của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort), và vì thế tập sinh Đồng Công phải học hiểu tác phẩm Thánh Mẫu của ngài là "Thành thực Sùng kính Mẹ Maria"

Đội IXA nhập Tập viện ban sáng (hình trên và hình dưới), nhưng sau bữa trưa, nhưng vừa ngủ trưa thì...


 

Đội IXA nhập tập viện ở Nhà Đá Qui Nhơn hôm Lễ Sinh Nhật Mẹ 8/9/1966, nhưng vừa ngủ trưa thì đã phải chạy lánh bom đạn đển độ tí mất 5 mạng, bao gồm:

 em tâm phương, người đi cuối 5 anh em từ tập viện chạy ra Nhà thờ Nhà Đá trốn, nhưng khi cả nhóm chạy bọc đầu nhà thờ vì không ai mở cửa nhà thờ cho vào,

 thấy viên đạn bay qua mặt trúng tường nhà thờ rơi xuống đất, đã hét to "mình bị bắn rồi",

thế là cả đám càng cuống lên chạy bất tử, nhanh hơn bao giờ hết, đến độ em bấy giờ chạy như bay, chân như đang ở trên không, 

và đám tân tập sinh thoát nạn này gồm có Aa Hừng + Quyết + Thuyên + Dụ + tâm phương


Hàng ngồi trên cùng ở hình trên đây, từ trái sang phải là tân Tập sinh Bản, 

1 trong 15 anh em dòng đi tắm bãi biển Tân Thành gần Mỹ Chánh đã bị mất tích từ ngày 15/7/1967 cho tới sau 1975 cũng chẳng thấy ai trở về!

Lớp thỉnh sinh tiền tập X được Anh Cả cho đi thăm trụ sở của dòng tại Nhà Đá, tỉnh Bình Định, do đó trong hình cũng có cả một số anh em lớp khấn 9 mừng đón.

Nhà thờ ở Nhà Đá xã Phú Hiệp, quận Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định Qui Nhơn,

Từ cửa cuối Nhà thờ nhìn vào (hình trái) và từ lòng Nhà thờ nhìn qua cửa cuối nhà thờ (hình phải)

Khoảng trống này, ở phía bên trái, cách 1 mảng tường cụt đầu, đứng từ trong nhà thờ chụp ra, trước kia là cửa từ phía Nhà Mẹ ra nhà thờ để vào phía trên nhà thờ, gần cung thánh,

cửa mà em và 4 anh em tập sinh Lớp khấn IXA đã gõ cửa để vào lánh nạn trưa 8/9/1967, nhưng không ai mở cho, nên phải chạy bọc đầu nhà thờ và bị quân ta phục kích tưởng địch bắn nhầm.

Khu Nhà Mẹ năm 2022 này đang được biến thành khu Trường Mẫu Giáo Phú Hiệp, như ở bên kia đường cũng là một học đường từ Trường Trung Tiểu Học Đồng Công trước 1975

Bên trong bức tường đang xây cho khu Trường Mẫu Giáo Tam Hiệp này (hình trên và 2 hình dưới) là chính khu vực của Nhà Mẹ Dòng Đồng Công 1966-1975.

Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Nhà Đá ở Mỹ Hiệp, quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định đóng cửa năm 1971, 

nhưng sau khi trường đóng cửa, đông đảo phụ huynh cùng kéo nhau lên để gặp Anh Cả ở Qui Đức, nơi Anh Cả và anh em rút về sau khi đóng cửa trường,

 và họ đã chịu điều kiện của Anh Cả, Anh Cả đã cho trường tái mở một chút, nhưng gần 2 tháng sau, thấy vẫn không ổn, trường lại đóng cửa cho tới 10/1974 mở lại.

Nhưng cuối cùng, như các trường Đồng Công ở Thủ Đức và Lương Sơn, anh em dòng ở Nhà Đá đã phải buông bỏ theo lệnh Anh Cả rút về Thủ Đức, 

và toàn thể anh em dòng còn tử thủ bấy giờ ở Nhà Đá là A. Tĩnh LK 5 giám đốc, A. Đạt LK 2, Aa Cảnh, Lưu Chủ và em, đã ra đi vào Thứ Năm Tuần Thánh ngày 27/3/1975

Riêng em đã trở lại thăm trụ sở của Dòng ở Nhà Đá này 4 lần: 2016 và 2018 với Nhóm TĐCTT; 2017 và 2022 với THĐC.

Em đã thực hiện 4 hành trình xuyên Việt từ bắc vô nam, 2016, 2018, 2019 với Nhóm TĐCTT và 2022 với THĐC, 

nhưng trong khi hầu như toàn quốc đang biến hình theo thời đại thì chỉ thấy có 2 nơi vẫn còn như xưa và tệ hơn xưa, đó là Cầu Long Biên ở Hà Nội và Nhà Đá  Qui Nhơn.


Xin đón coi tiếp

Các cơ sở Đồng Công ở GP Buôn Mê Thuột từ 1959:

Sở Phước Thiện Đồng Công và Giáo xứ Châu Ninh

Xin đón coi tiếp

Các cơ sở Đồng Công ở GP Buôn Mê Thuột từ 1959:

Sở Phước Thiện Đồng Công và Giáo xứ Châu Ninh