Chia sẻ suy niệm
Chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh tiếp tục nơi Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B hôm nay, một sự sống được thể hiện qua lòng tin tưởng của con người, được tiêu biểu nơi hai bà góa, hai bà đều là những người phụ nữ vô danh tiểu tốt trong dân chúng, một ở trong Bài Đọc 1 và một ở trong Bài Phúc Âm.
Thật vậy, ở trong Bài Đọc 1, bà góa vô danh thứ nhất trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay sống sự sống tin tưởng đây, như Sách Các Vua thuật lại, ở Sarephta. Và đức tin của bà "quả phụ đang lượm củi trước cửa thành" bấy giờ được tỏ ra qua việc bà đã có vẻ dại dột đến liều lĩnh nghe lời tiên tri Elia, khi bà đáp ứng đúng như những gì vị tiên tri này yêu cầu bà giúp ông: "Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống'. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: 'Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh'".
Bà sống đức tin dại dột liều lĩnh ở chỗ bà đã biết cái tai hại của việc bà làm liên quan đến chính mạng sống của bà và đứa con trai duy nhất của bà đang ở trong cơn hạn hán bấy giờ, như chính bà đã cảm nhận và thành thực thưa với nhân vật lạ mặt mà bà có thể hoàn toàn không hề biết đó là một vị đại tiên tri trong dân hồi ấy: "Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi".
Tuy nhiên, bà vẫn tin vào những gì nhân vật lạ mặt này trấn an bà để bà khỏi phải lo sợ và bảo đảm với bà về một một tương lai tồn tại của cả hai mẹ con bà: "Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: 'Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'".
Không biết bà góa ở Sarephta này đáp ứng lời yêu cầu của tiên tri Elia là vì tương lai của hai mẹ con bà căn cứ vào lời hứa hẹn không biết có thật hay chăng, hoặc chỉ vì tin tưởng mà làm, hay cũng chỉ vì nghĩ rằng đằng nào cũng chết, không sớm thì muộn, chỉ có cái là chết sớm hơn khi chia bớt một phần ăn cho một người nữa, bởi thế cứ làm theo lời nhân vật lạ mặt mới từ đâu tới thành của bà cũng chẳng sao: "Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán".
Hành động của bà góa trong Cựu Ước này là môt hành động, theo con mắt trần gian, là những gì dại dột và liều lĩnh nhất, ở chỗ, trước hết, bà đã tin tưởng vào một nhân vật lạ mặt, và thứ hai, bà đã mù quáng tin tưởng vào một lời tiên báo mơ hồ khó tin của nhân vật ấy, trong khi đó chính Chúa Giêsu đã công nhận hành động đáp ứng này của bà đã xuất phát từ lòng tin tưởng của bà:
"Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ísrael; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Sarephta miền Sidon". (Luca 4:25-26).
Việc tiên tri Elia được sai đến giúp cho bà góa thành Serephta và con trai của người đàn bà sống tin tưởng vào Thiên Chúa này được sống còn trong cơn hạn hạn chết người bấy giờ đã cho thấy Ngài là vị Thiên Chúa cứu độ, đúng như cảm nhận đầy tin tưởng của bài Đáp Ca hôm nay:
1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.
2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.
3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.
Việc tiên tri Elia được sai đến giúp cho bà góa thành Serephta và con trai của người đàn bà sống tin tưởng vào Thiên Chúa được sống còn trong cơn hạn hạn chết người bấy giờ chẳng những cho thấy Vị Thiên Chúa cứu độ trong Cựu Ước mà nhất là nơi Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), một người Con khi hóa thành nhục thể đã đóng vai thượng tế để có thể tự hy hiến bản mình cho phần rỗi muôn dân, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã cảm nhận và xác tín trong Bài Đọc II hôm nay:
"Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để hủy diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người".
Thế nhưng, vẫn biết Chúa Kitô khổ nạn và tử giá đã cứu chuộc toàn thể nhân loại, ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài chỉ được ban cho những ai có lòng tin, tức là những ai nhận biết Người, chấp nhận Người mới được quyền làm con Thiên Chúa như Người và với Người (xem Gioan 1:12).
Đó là lý do, trong Bài Phúc Âm hôm nay, ở phần đầu không buộc đọc, Chúa Giêsu đã cảnh giác dân chúng về một đời sống giả hình, không có gì là chân thật, hoàn toàn không sống theo đức tin nơi thành phần luật sĩ bấy giờ: "Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: 'Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn'".
Trái lại, cũng trong chính Bài Phúc Âm hôm nay, phần cần phải đọc bên dưới, sau phần về thành phần luật sĩ, thành phần Người cảnh giác dân chúng, thì Người đã khen ngợi một bà góa vô danh với các môn đệ của Người như sau:
"Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: 'Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình'".
Thật vậy, cũng như bà góa thành Serephth xưa, bà góa được Chúa Giêsu quan sát thấy bỏ vào hòm tiền của Đền Thờ một số tiền quá ư là bé mọn, chẳng đáng là gì, chỉ là số không đối với người giầu, nhưng lại là người được Chúa Giêsu xác nhận là "đã bỏ nhiều hơn hết", bởi vì "bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".
Có nghĩa là người đàn bà góa này đã cho đi tất cả, không phải chỉ có vài xu cuối cùng trong túi, trong nhà, số tiền cuối cùng của cuộc sống của bà, mà là chính mạng sống của bà, một hành động vô cùng điên dại và liều lĩnh trước mắt thế gian, nhưng hết sức cao cả trước nhan Thiên Chúa, mà nếu không có đức tin mãnh liệt không thể nào làm được, vì là hành động tỏ ra tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng "nâng đỡ những người mồ côi quả phụ".
Đời sống của Kitô hữu siêu nhiên hay chăng, trọn lành hay chăng, hoặc siêu nhiên tới đâu và trọn lành tới đâu là ở ngay chính đức tin của họ, ở tầm mức tin tưởng của họ. Nếu đức tin không phải là một mớ kiến thức về tín lý hay giáo lý được thông biết như là một khoa học, thì đức tin chính là ở tác động hay đời sống đáp ứng với tất cả bản thân của con người cho Cha trên trời trong tất cả mọi sự, cho dù trí khôn của họ không hiểu được việc Ngài làm, ý muốn của họ không chấp nhận được những gì Ngài gửi đến cho, và cuộc đời của họ chỉ toàn là bất hạnh khốn cùng v.v.
Có lần, vào mùa hè năm 1999, gia đình chúng tôi đã lái xe đi một vòng Nước Mỹ, như hằng năm, mỗi năm ở những nơi khác nhau, nhưng năm nay chúng tôi ghé Salk Lake City, nơi có bãi tắm được nói là bơi không chìm. Đúng thế, chiều hôm ấy, cả nhà 5 người chúng tôi, cả bố mẹ lẫn con cái đều xuống tắm. Đúng như tin đồn, ai mà xuống bơi ở đây thì dù chẳng biết bơi cũng bơi được, không sợ chìm, bởi nồng độ muối ở đây khá mặn, tuy không bằng Biển Chết bên Đất Thánh, nơi dù không bơi cũng không thể nào chìm được, bởi nồng độ muối ở đó quá mặn.
Trong khi hai đứa con trai vị thành niên của chúng tôi bơi vui vẻ, thì đứa con gái út gần 9 tuổi của chúng tôi cứ đứng một chỗ nghịch nước một mình vậy thôi. Tôi mới nói với cháu rằng con cứ bơi đi con sẽ bơi được như các anh, nhưng cháu vẫn không dám bơi. Tôi phấn khích cháu thêm khi bảo cháu rằng vậy thì bố đỡ bụng con nếu con sợ chìm, cháu vẫn cứ lắc đầu.
Cháu từ chối không phải là không tin rằng cháu được bố thương và bảo vệ, mà chỉ không tin được sự kiện cứ bơi thì không chìm, như chính cháu đích mắt thấy hai anh cháu bấy giờ, hoàn toàn vì cháu quá lo sợ bị chìm, bị chết đuối, dù có bố bên cạnh. Đây là trường hợp điển hình cho thấy đức tin là một tác động hoàn toàn phó thác bản thân vào đối tượng mình tin tưởng.
Thực tế sống đạo cũng cho thấy, là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng tin là có Thiên Chúa, Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, cứu chuộc chúng ta, không bao giờ bỏ rơi chúng ta, luôn muốn chúng ta là con cái của Ngài được hạnh phúc, không bao giờ vui mừng khi thấy chúng ta khổ đau hay bị đầy đọa, vậy mà khi đau khổ xẩy ra, chúng ta có còn tin tưởng như thế nữa hay chăng, nhiều khi khổ quá đâm ra trách Chúa, bỏ Chúa thậm chí còn nguyền rủa Chúa!
Nếu đức tin không thể nào trở nên chân thật, sâu xa và vững mạnh nếu không có gian nan thử thách thì gian nan thử thách chính là dịp để Kitô hữu sống đức tin và chứng tỏ đức tin, nhờ đó, chúng ta mới có thể chiến thắng thế gian (xem 1Gioan 4:4), mới có thể làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng tỏ mình ra sống động nơi những ai tin vào Người và để Người chiếm đoạt, nhờ đó Người có thể sống trong họ và tiếp tục tỏ mình cho thế gian qua chứng từ đức tin của họ.