Suy Nghiệm Lời Chúa
Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm B hôm nay vẫn tiếp tục chủ đề sự sống của Mùa Phục Sinh và từ Mùa Phục Sinh, một sự sống theo ý nghĩa ánh sáng: "ánh sáng sự sống - the light of life" (Gioan 8:12).
Thật vậy, nếu chết là hiện tượng hay sự kiện linh hồn lìa khỏi thể xác, tức là tình trạng con người hoàn toàn và vĩnh viễn không còn biết gì nữa, thì sống thực sự là tình trạng con người còn nhận biết hay có nhận thức, có ý thức. Đó là lý do "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha đã sai là Đức Giêsu Kitô" (Gioan 17:3).
Nếu "nhận biết" Thiên Chúa hay nhận biết tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa là tác động siêu nhiên, để được sự sống đời đời như thế thì "nhận biết" cũng chính là tác động "tin": "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Gioan 3:16).
Mà muốn cho loài người thuộc hạ giới "nhận biết" và "tin" những gì thuộc thượng giới, những gì thuộc về "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24), những gì được gọi là mạc khải thần linh vô cùng huyền nhiệm và siêu việt, vượt trên tâm trí chẳng những hạn hẹp và thấp hèn mà còn đầy mù quáng và thiên lệch của con người, nhờ đó họ được sự sống đời đời, được thông phần sự sống thần linh với mình, Thiên Chúa không thể nào không tỏ mình ra cho họ, như "ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Gioan 1:5), nhất là "vào lúc thời gian viên trọn" (Galata 4:4), qua "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), Đấng là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9).
Việc Chúa Giêsu chữa lành cho "một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường" trong bài Phúc Âm hôm nay là biểu hiệu cho mạc khải thần linh, như "ánh sáng (là Chúa Kitô) chiếu trong tăm tối (là người mù)". Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu chữa lành cho người "con ông Timê tên là Bartimê" này không phải chỉ để cho anh ta lành mạnh về thể lý nơi thị lực của anh ta mà là để anh ta được sự sống đời đời, nhờ việc anh ta "nhận biết" Người, "tin" vào Người: "đức tin của anh đã chữa anh", và chính nhờ anh ta đã "thấy được" mọi sự, nhất là thấy được Chúa Giêsu là "ánh sáng thế gian" mà anh ta đã "đi theo Người", vì "ai theo Tôi sẽ được ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12).
Thật ra, trước khi được Chúa Giêsu chữa lành cho cặp mắt chỉ thấy toàn tối tăm của mình, nạn nhân mù ngồi ăn xin bên vệ đường ở Giêricô này đã thấy được những gì mà đôi mắt bất hạnh của anh ta, dù có sáng tỏ như một người bình thường, cũng không thể nào thấy được, đó là anh ta thấy được một Đấng vô hình mà anh hằng tin tưởng đợi chờ. Bởi thế chẳng lạ gì, như Phúc Âm hôm nay chứng thực: "Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: 'Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi'".
Vì là Đấng "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại" (Luca 19:10), Chúa Giêsu làm sao không dừng lại khi nghe thấy nạn nhân bất hạnh này kêu van và kêu vang thảm thiết như thế, nhất là khi thấy "nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: 'Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi'". Thế nên, Phúc Âm đã thuật lại rằng: "Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến".
Có thể là Chúa Giêsu đã đi ngang qua chỗ người mù ngồi ăn xin này, vì Phúc Âm vừa thuật lại rằng "Chúa Giêsu dừng lại ...", và Người hình như cũng đã cố ý không lưu ý gì đến nạn nhân đáng thương đầy lòng tin này, để nhờ đó có thể chẳng những tỏ mình ra cho riêng anh ta bằng việc chữa lành cho anh ta, mà còn chữa lành cho chung đám đông dân chúng và riêng các môn đệ của Người đang đi theo Người, khi họ thấy được đức tin mãnh liệt của anh ta nơi Người, ở chỗ "càng kêu to hơn" và ở chỗ "liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu".
Cử chỉ bao gồm 3 tác động "liệng áo choàng (như từ bỏ quá khứ), đứng dậy (như hướng đến tương lai), đến cùng Chúa Giêsu (như cùng đích cuộc đời)" một cách cương quyết và dứt khoát này, chứng tỏ nạn nhân mù ấy đã tin chắc rằng mình sẽ được toại nguyện như lòng mong ước, như anh ta đã chân thành và tha thiết thưa cùng Chúa Giêsu: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".
Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy một cuộc hội ngộ tuyệt vời giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và người mù ăn xin bên vệ đường. Ở chỗ, người mù ăn xin này vốn mong được gặp Chúa Giêsu, và chính Chúa Giêsu cũng muốn gặp chàng ta nữa: "Người gọi anh đó", thậm chí Người còn muốn gặp chàng trước khi chàng muốn gặp Người và Người muốn gặp chàng hơn là chàng muốn gặp Người, vì Người bao giờ cũng cứu độ, cũng muốn chữa lành, cho dù vào Ngày Hưu Lễ. Bởi thế, hai ước muốn gặp nhau này đã thực sự xẩy ra hết sức tuyệt vời như vậy!
Trước một con người vừa mù lòa về thể xác vừa tin tưởng về tâm linh như thế, tấm lòng vô cùng nhân hậu của Chúa Giêsu làm sao không bị đánh động, vì, như Bài Đọc 2 hôm nay cho thấy, Người "là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê", một vị thượng tế "hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc". Ở chỗ, như Bài Đọc 1 hôm nay diễn tả như ám chỉ về Người: "Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi".
Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa nhận thức của thành phần dân Do Thái lưu đầy trở về đối với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, Đấng không bao giờ bỏ họ, luôn ra tay cứu độ họ, một khi họ biết ăn năn thống hối chịu đựng khổ ải gây ra do tội lỗi của họ phản bội Ngài, Đấng chỉ đánh động họ bằng những gian nan khốn khó bất hạnh cho đến khi họ nhận thức mà được cứu độ, được sự sống thần linh là chính lòng họ tin tưởng vào Ngài:
1) Khi Chúa đem những người từ Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng." Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
3) Lạy Chúa, hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.