Suy Nghiệm Lời Chúa
Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B hôm nay cũng vẫn tiếp tục chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh, một sự sống được Chúa Kitô hy hiến cho nhân loại, như chính lời Người tuyên bố ở cuối bài Phúc Âm hôm nay: "Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".
Sự thật về việc hy hiến này của Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế của cả Dân Do Thái cũng như dân ngoại, Đấng đã được Thiên Chúa Hóa Công hứa với hai nguyên tổ sau khi các vị sa ngã phạm tội (xem Khởi Nguyên 3:15), và cũng là Đấng đã được Lịch Sử Cứu Độ trong Thánh Kinh Cựu Ước của Dân Do Thái tiên báo, nhất là qua các vị tiên tri, như Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Chúa đã muốn hành hạ Người trong đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của Người, Người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ".
Thật vậy, để cứu chuộc nhân loại là loài mang bản tính đã bị hư hoại theo nguyên tội, với đầy những mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục cùng tính mê nết xấu kèm theo hậu quả của nguyên tội là khổ đau và chết chóc, tức là để công chính hóa nhân loại, để tiêu diệt sự chết và tội lỗi của họ và cho họ, Đấng Thiên Sai Cứu Thế đã cần phải mặc lấy bản tính của chính nhân loại, như phương tiện gánh tội trần gian cũng như đền tội cho nhân loại, bằng một cuộc khổ giá đầy thương đau nhục nhã đến tận cùng cả về thể lý lẫn tâm lý.
Đó là lý do Thánh Phaolô Tông Đồ đã trấn an và phấn khích Tín hữu thuộc Giáo đoàn Do Thái trong Bài Đọc 2 hôm nay hãy tin tưởng vào "Vị Thượng tế là Đức Giêsu Con Thiên Chúa" của họ mà thừa hưởng "lòng từ bi" nhưng không và vô đối của Thiên Chúa đối với loài người tội nhân của Ngài như thế này:
"Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời".
Đúng thế, về phần con người tội nhân, để được cứu chuộc, trước hết và trên hết, họ cần phải chấp nhận "ân sủng" nhưng không của Thiên Chúa nơi Đấng Thiên Sai Cứu Thế của Ngài. Tuy nhiên, vì dự án cứu độ của Thiên Chúa và công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ để cứu riêng cá nhân chúng ta, mà là cứu độ toàn thể nhân loại không trừ ai, mà thành phần môn đệ của Người, bởi Phép Rửa, cũng được kêu gọi đóng vai trò như Mẹ Maria để đồng công cứu chuộc với Người cho phần rỗi của anh chị em đồng loại của mình.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Marcô thuật lại chuyện hai người anh em tông đồ dường như muốn dấn thân đóng vai trò đồng công cứu chuộc với Chúa Kitô:
"Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: 'Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy'. Người hỏi: 'Các con muốn Thầy làm gì cho các con?' Các ông thưa: 'Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy'. Chúa Giêsu bảo: 'Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?' Các ông đáp: 'Thưa được'. Chúa Giêsu bảo: 'Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định'".
Theo chiều hướng suy diễn chung thì sau khi đọc đoạn Phúc Âm này, hầu như ai cũng có khuynh hướng cho rằng cặp anh em tông đồ Giacôbê và Gioan này ham danh trong việc "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy".
Thế nhưng, nếu phân tích kỹ bài Phúc Âm, nhất là đọc thêm cả mấy câu trước đó không được Giáo Hội bao gồm ngay sau bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVIII tuần vừa rồi và ngay trước bài Phúc Âm Chúa Nhật XXIX tuần này, từ câu 32 đến hết câu 34 cùng đoạn 10 là các câu liên quan đến lời của Chúa Kitô tỏ cho các môn đệ biết lần thứ ba về cuộc Vượt Qua của Người, thì chúng ta có thể sẽ suy diễn khác hẳn.
Ở chỗ, ngay sau khi nghe thấy Thày của mình tiên báo về cuộc Vượt Qua của Người, nhất là về cuộc khổ nạn và tử giá của Người, một biến cố kinh hoàng bất khả chấp nhận đối với các tông đồ bấy giờ, như chính tông đồ Phêrô đã từng bị Thày thậm tệ quở trách vì đã dám can gián Người tránh né biến cố then chốt nhất trong sứ vụ trần thế của Người (xem Mathêu 16:22-23), cặp anh em tông đồ Giacôbê và Gioan này liền ngỏ lời "xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy".
Tưởng rằng hai người môn đệ này của mình điên khùng mất trí mới dám liều lĩnh xin như vậy, Chúa Giêsu mới lên tiếng như ngăn chặn máu vốn hung hăng của hai vị: "Các con không biết các con xin gì". Thật ra và đúng hơn Chúa Kitô là Đấng thấu suốt lòng người chỉ muốn cho hai người môn đệ (trong 3 vị thân tín của Người) được dịp tỏ ra lòng mến yêu dũng cảm của các vị với Người trước tông đồ đoàn, nên Người sau đó đã như thách đố các vị rằng: "Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?"
Câu trả lời Người mong đợi nơi cặp anh em tông đồ Giacôbê và Gioan này đã được cả hai đồng thanh hiên ngang và cương quyết đáp: "Thưa được". Thế là Chúa Giêsu đành chịu thua bằng lời hứa nửa được nửa không như sau: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định".
Có thể lúc bấy giờ cặp anh em tông đồ này chưa hiểu thấu thế nào là "chén Thày uống" và "phép rửa Thày sắp chịu" khủng khiếp như thế nào, thế nhưng, dầu sao theo Thày bấy lâu nay, một vị Thày hầu như bị chống đối hơn là chúc tụng, chỉ toàn là khô cực hơn là sung sướng, phải bỏ mình và vác thập giá theo Người hơn là được vẻ vang nổi tiếng, các vị cũng cảm thấu một phần nào, không nhiều thì ít, cái giá phải trả cho được hân hạnh ngồi bên phải bên trái của Người. Như thế, các vị đã đi đúng đường lối của Thày và với Thày từ khổ giá tới phục sinh. Vậy thì không thể nói được là các vị ham danh hoàn toàn theo nghĩa trần tục, mà là ham danh được nên giống Thày bao nhiêu có thể, đưọc gần Thày bao nhiêu có thể!
Theo lịch sử thì những gì Chúa Giêsu đã nói với cặp anh em tông đồ liều lĩnh này thực sự đã được ứng nghiệm. Đó là họ quả thực đã được toại nguyện khi "một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy", một vinh quang rạng ngời nhất khi Người tử giá để nhờ đó Người có thể tỏ mình ra Người thật sự là Đấng Thiên Sai Cứu Thế và Cha của Người vì yêu thương nhân loại chính là Đấng đã sai Người (xem Gioan 17:1-3), một vinh quang của một hạt lúa miến mục nát đi để trổ sinh muôn vàn hoa trái (xem Gioan 12:23-24).
Ở chỗ, họ cũng được thông phần "vinh quang" tử giá của Chúa Kitô và với Chúa Kitô, khi "một người" là tông đồGioan, "người môn đệ được Người thương", cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá của Người (xem Gioan 19:26) để thông phần khổ đau của Người và với Người. Nếu tông đồ Gioan là người môn đệ duy nhất được diễm hạnh "ngồi bên hữu Thày" trong giây phút "vinh quang" nhất của Thày như thế, thì tông đồ Giacôbê là người môn đệ đầu tiên trong 12 tông đồ được chết ở Giêrusalem như Thày, bởi quận vương Hêrôđê (xem Tông Vụ 12:1-3).
Chính vì việc được hưởng vinh quang với Thày là chịu khổ nạn hay được phúc nên giống Thày hay được phúc ở gần Thày là như thế mà cuối bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu mới cảnh giác các môn đệ nói chung và những ai trong các vị nói riêng còn ôm mộng theo Người để được vinh quang trần thế đó là "ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".
Vấn đề "làm lớn" là "làm đầy tớ" hay "cầm đầu" là "làm nô lệ" theo gương của Người là Đấng "không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ" đây không phải chỉ áp dụng vào những con người mang vai trò lãnh đạo về đạo giáo hay về dân sự, mà còn về phẩm chất nơi mỗi người nữa. Ở chỗ, ai lành mạnh và khỏe mạnh hơn người thì hãy sử dụng sức khỏe của mình để phục vụ anh chị em yếu bệnh, già lão, tật nguyền. Ở chỗ, ai giầu sang phú quí về vật chất hơn người thì hãy mau mắn sẵn sàng làm việc bác ái cứu trợ những khi có thể và bao nhiêu có thể với những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư. Ở chỗ, ai tài giỏi khôn khéo về khả năng hơn người thì hãy nâng đỡ và giúp đỡ những ai chậm trí, vụng về, chậm chạp. Ở chỗ, ai nhân đức hơn người về nhân cách và phẩm cách, hãy thông cảm và bù đắp cho những lỗi lầm, khiếm khuyết và tội ác của những con người đáng thương về luân lý v.v.
Việc hai anh em tông đồ Giacôbê và Gioan xin được thông phần vinh quang tử giá với Chúa Kitô, và cuộc đời của 2 vị đã thực sự được toại nguyện là nhờ các vị sống gắn bó với Thày của các vị và mãnh liệt tin tưởng vào Vị Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương và thông ban ân sủng của Người cho tất cả mọi người, nhất là cho những ai tin cậy vào lòng từ bi nhân hậu của Ngài, như nhận thức và tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.
2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.